|
-
Cát Bủn Đường Giồng
-
NAM SAN
-
-
Gió đưa gió đẩy về rẫy
ăn còng,
-
Về sông ăn cá về giồng
ăn dưa.
-
Có khi hát:
-
Gió đưa gió đẩy về rẫy
ăn còng.
-
Về sông ăn cá về đồng
ăn cua.
-
-
Tùy theo cảnh huống mà
nói, câu nào cũng đúng cả. Nếu ta định nghĩa phân biệt thế nào là
rẩy và ruộng, thế nào là đồng và giồng thì càng rõ thêm.
-
Ruộng có ruộng gò ruộng
sâu, nhiều vùng nê địa lại có cả lung cả quằng; nhưng ruộng thì phải
cách xa sông. Trong khi rẩy, dù xa hay gần sông, nước rẩy vẫn là
nước sông tràn vào. Nước ra vào nên có một loại cỏ bắc lá mướt như
mạ non nhưng rất bén. Khi tới mùa gió chướng, nước mặn ngoài biển
tràn vào nên sông có nước pha chè, lờ lợ mặn. Đương nhiên thòi lòi
và còng gió rất nhiều. Cá bóng trứng, bóng nhảy, bóng sao đầy nhoi
các lổ chưn trâu. Hai bên bờ sông là dừa lá dày đặc. Cá bóng dừa là
loại đặc biệt ở trong các bẹ bộp dừa. Dưới bãi sông có nghêu có hến,
lòng lạch sông là cá tép đủ loại. Rẩy trồng lúa không tốt, chỉ lên
bờ trồng khoai dương ngọc, trồng mía trồng thơm. Rẩy rất dễ biến
thành vườn dừa vì có huê lợi nhiều hơn, nhưng rẩy vẫn được duy trì
là để nuôi vịt, nuôi trâu bò. Ở rẩy buồn, chỉ có còng là nhiều, nói
lên sự thiệt thòi nghèo nàn ở miệt rẩy. Khói đốt đồng thì buồn,
nhưng có người canh lửa cháy lan, và tro bụi trở thành phân bón cho
mùa năm tới. Trái lại, khói đốt rẩy thì chỉ có le te bìm bịp kinh
hoàng tung bay, không ai canh chừng, vì cỏ bắc tươi xanh khó bén lửa
như rạ khô ở đồng, vã lại cạnh bờ sông nước chảy lờ đờ, còn gì buồn
hơn.
-
Về rẫy
ăn còng là
cách nói bóng bẩy, chứ ít ai ăn con còng gió, mặc dù còng cũng có
gạch có càng. Người ta chỉ ăn con rạm con nga, tương tợ như con ba
khía.
-
-
Về sông
ăn cá thì
khỏi phải giải thích. Nhưng về
đồng ăn cua thì sao?
Đồng ruộng cách sông, nhưng phì nhiêu sung túc hơn ở rẩy. Đồng có
nhiều cá tôm cua ốc. Con cua dính liền với đồng ruộng. Nhà nông
thường bắt con cua con, ăn sống nhai cả vỏ cả ngoe và hớp vào một
ngụm rượu đế, vừa trừ nạn cua cắn lúa non, vừa trị bịnh. Người bị té
nội thương, dùng con cua đồng đâm nhỏ hòa với nước tiểu hài nhi mà
uống, sẽ thấy công hiệu.
-
Rẩy với ruộng với đồng
khác nhau, còn giồng thì sao?
-
Tại quê tôi, nếu kể thì
không bao giờ kể hết tên giồng. Có lẽ phải tham khảo thêm các bài
viết của
-
nhà văn Xuân Vũ hay “Cây
Cỏ Miền Nam” của Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ mới liệt kê đầy đủ. Như là
Giồng Tre, Giồng Trôm, Giồng Quít, Giồng Cát, Giồng Duối, Giồng
Luông, Giồng Chùa, Giồng Khuê, Giồng Trường, Giồng Keo, Giồng Thủ...
Trở về nguồn gốc thảo mộc thì ở giồng chỉ nơi đất cao và đặc biệt
tượng trưng cho một loại thảo mộc thích nghi. Do đó giồng khác biệt
với “cái”. Cái chỉ nơi có bến nước và cũng có loại thảo mộc thích
nghi như Cái Vẹt, Cái Khế, Cái Quao, Cái Bần. Nếu đồng trồng được
nhiều loại cây trái khác nhau thì giồng chỉ thích hợp riêng cho loại
chịu đất cao và khô, như cây vú sữa, cây cau, cây đào và đặc biệt là
dưa. Nếu trồng loại lạ, thì phải tưới thật nhiều nước, như dây bầu
dây bí trồng ở giồng cũng rất sai trái, nhưng phải tưới đủ nước. Dưa
trồng ở giồng có dưa hấu, dưa gan, dưa leo, dưa chuột, sau này có
giống dưa hoàng kim, dưa sugar baby.. Dưa cũng như mướp, cũng có
bông đưa bông cái, nhưng bông đực truyền phấn rồi rụng, còn bông cái
đậu và lớn dần thành trái. Dưa hấu lúc còn nhỏ gọi là dưa hường hay
dưa hồng, kho lạt với cá lóc rất ngon:
-
Mẹ mong gả thiếp về
giồng,
-
Ăn bông bí luộc, dưa
hồng nấu canh.
-
-
Về dưa hường dưa hấu còn
có câu đố như sau:
-
-
Ngoài xanh trong đỏ
như vang
-
Khen ai khéo đặt một
chàng hai tên.
-
-
Chuyện dưa ở giồng cũng
là chuyện dài không kể hết. Từ quả dưa đỏ An Tiêm trong cổ học Việt
Nam đến chuyện đá cá lăn dưa, đến trợt vỏ dưa sợ vỏ dừa, đến dưa gan
đổ hột... không nhắc hết ở đây..
-
Thơ văn và ca dao cũng
thường hay nhắc đến dưa:
-
-
Ví dầu ví dẫu ví dâu
-
Ăn trộm hái bầu, ăn
cướp hái dưa.
-
-
Hoặc như:
-
-
Chị kia kẹp tóc đuôi
gà
-
Nắm đuôi chị lại hỏi
nhà chị đâu.
-
Nhà tôi ở dưới đám dâu
-
Bên trên đám đậu, đầu
cầu ngó qua
-
Ngó qua đám bắp trổ cờ
-
Đám dưa trổ nụ đám cà
trổ bông
-
-
Hoặc như Bồ Tùng Linh đã
viết trong Liêu Trai Chí Dị:
-
-
Cô vọng ngôn chi cô
thín chi
-
Giậu bằng qua giá vũ
như ti
-
Liệu ưng yếm tác nhân
gian ngữ
-
Ái thín thu phần quỷ
xướng thi
-
-
Tản Đà dịch:
-
-
Nói láu mà chơi nghe
láu chơi
-
Giàn dưa lún phún giọt
mưa rơi
-
Sự đời hẳn chán không
buồn nhắc
-
Thỏ thẻ nghe ma đọc
mấy lời
-
-
Ở đây tôi muốn nói đến
giồng, đến cát bủn quê nhà, nơi mà hơn 50 năm qua tôi còn ghi trong
ký ức. Trên bước đường lưu vong hải ngoại, nhìn cảnh sa mạc xứ
người, thấy cảnh sóng cát gờn gợn, tôi chợt thấy nhớ tới cát bủn quê
nhà. Cũng có gió trốt thổi cát mịt mờ, cũng có cảnh đá chạy cát bay.
Cũng có những con rắn liu điu tim đèn chun vùi dưới cát. Cũng có
những con dế dủi độn cát như Thổ Hành Tôn trong truyện Tàu. Cũng có
những con kiến nhọt, kiến nẻ ghê hồn, những ổ kiến lửa đùn cát bọt
lúc tinh sương. Cũng có những con kỳ nhông chạy lẹ giữa trưa hè.
Những ai đạp phải ổ
-
kiến cắn sưng làm độc chỉ
có cách là tìm thầy Lổ Bang để khoán theo lối “đau Nam chữa Bắc” thì
mới biết.
-
-
Giồng sẽ trở thành đồi
cát hay sa mạc nếu không có giếng. Giồng và giếng phải đi đôi với
nhau. Miệt giồng rất khó đào giếng, vì phải đào thật sâu mới có
nước. Lớp trên là cát, nếu gặp mưa thì cát sụp thành giếng lạn. Do
đó miệng giếng phải rộng và thoải độ để tránh cát chuồi. Nước giếng
ngọt và trong veo vì lớp cát lọc tinh khiết.
-
Giếng và gàu cũng là hình
ảnh nên thơ của miệt giồng. Gàu đươn bằng lá dừa nước còn non trong
cây cần bắp. Một cây cần bắp hay tàu lá dừa có thể dài đến 5 hoặc 6
thước. Chỉ một cần bắp là chầm được một cái nón lá hay đươn được một
gàu múc nước. Gàu đươn hình như con ốc, nhỏ lớn có thể múc đầy 5 đến
10 lít nước. Gàu lá nhỏ thì chắc, ít bể, xài lâu hơn. Gàu được nối
bằng sợi dây thật chắc thật dài để xách nước giếng. Có thể là loại
dây bố đánh lại hoặc là bẹ bộp dừa xé ra. Những loại dây này xuống
nước càng dẽo dai. Nhiều khi dùng dây chuối để xài tạm. Gàu bể mà
xách giếng sâu, phăng dây dài là cả một nghệ thuật, nhưng đó cũng là
hình ảnh đáng thương:
-
-
Tưởng giếng sâu tôi
nối sợi dây dài
-
Nào hay giếng cạn, tôi
tiếc hoài sợi dây.
-
-
Có những giếng rộng thoai
thoải, có bực đi xuống. Có giếng có bèo đặc gừ. Muốn múc nước phải
khỏa bèo. Bèo vớt lên để ủ gốc cây, dây bầu dây bí thật là tốt. Khỏa
bèo thường xách nước bằng thùng thiếc, bằng thùng dầu lửa cắt ra và
đóng cây ngang để xách. Thùng chứa 20 lít nước. Nếu đóng cây xuôi
thì người ta xách một lúc 2 thùng, 40 lít nước, hai thùng nối vào
dây và một đòn gánh ngắn ngang vai, hay tay kềm hai thùng nước...
-
Ngoài ra còn đặc trưng
của miệt giồng, người ta còn trồng cây bông vải. Sau thời kỳ tơ tằm
và tang dâu, người ta trồng cây bông vải để may mặc. Dụng cụ xe kéo
chỉ hay khung dệt với go, con thoi vẫn giữ như cũ. Bông vải gieo
bằng hột nhỏ và đen cở giọt nước rơi. Lá bông vải hình trái tim như
lá bồ đề, mặt dưới có nhiều gân và lông nhỏ để hút sương như các
loại cây sa mạc. Bông búp nụ như bông bần, đài bông có 4 hoặc 5
cánh. Bông thành trái cũng gọi là trái bông, có hình trái tim. Khi
nứt vỏ cũng hình trái tim, 4 múi hình trái tim trắng tinh như là múi
trái măng cụt cắt ra. Nếu hái không kịp, giữa trưa nắng để gió thổi
qua, bông sẽ túa bay như tuyết, hoặc cát bụi sẽ bám vào. Cho nên
phải canh mà hái bông lúc sáng sớm, phơi nắng vài tiếng và tách bông
ra. Gở bông khỏi vỉ, đem phơi và dùng xe cán bông mà cán cho hột rời
ra. Xe cán bông có hai trục cán, tay có nắm như trái bần để quay.
Bông được bọc trong tấm khăn mỏng đem phơi và mang vào phòng kín để
bắn, Dùng cung và dây, như một dũng sĩ ngồi bắn. Người bắn bông
thường là thiếu nữ dịu hiền. Dây cung dương thẳng nẹt vào bông nghe
bình bịch. Xong lại dời đống bông sang bên dùng roi quất tron trót.
Mục đích là làm cho hột rời ra hết và làm cho bông nhuyễn ra và
trắng mịn. Bông phải trắng trong như suốt thì mới dùng se chỉ mà dệt
thành vải được:
-
-
Trắng như bông lòng Em
không có chuộng
-
Đen như cục than hầm,
mà lòng Em muốn, dạ Em ưng.
-
-
Hột bông có thể ép làm
dầu hay ủ làm giá, ăn ngon hơn giá đậu, Vỏ trái bông làm củi chụm,
tro rất
-
mặn rất tốt. Người ta chỉ
gọi là bông vì vừa là hoa vừa là quả. Cũng như lúa, vừa là bông vừa
là hột, cũng như bông súng, vừa là hoa vừa là trái. Bông lúa bông
vải có hột để truyền giống. Bông súng chỉ có củ nẩy mầm, còn bông
sung còn gai là trái sung, không truyền giống bằng hột. Tôi sẽ kể
lại nghề nuôi tằm ươm tơ và trồng dâu ở miệt giồng và đặc biệt trồng
cây thuốc lá...
-
Những đợt mưa giông, nước
tràn trên cát cùng với bọt bèo, lá cây, đổ về nơi trũng thấp. Cát
mịn lại và dợn sóng như đồi cát sa mạc dưới cơn gió thổi. Có những
con cua con, con ếch con bằng đầu đủa, lẫn lộn trong bọt cát. Đấp bờ
cát đón nước trôi mà tìm bắt cua con, ếch con giữa sấm sét ầm ì, là
thú vui của tuổi thơ. Mưa xong là mặt giồng khô ngay, vì nước rút
theo cát và chảy về chỗ trũng. Đi trên cát sau cơn mưa mới tạnh, vừa
êm vừa mát tưởng không thảm nhung nào trên đời mịn hơn.
-
Cát quê tôi là cát bủn,
mịn có thể làm “Lầu Sa” thay “Nhựt Khuê” như thuở xưa. Ngày xưa quan
niệm đêm năm canh ngày sáu khắc. Ban đêm đo canh bằng “lầu sa”, tức
là bình chứa cát thật mịn, nếu cát nhiễu xuống hết là hết canh, ra
đánh kiểng. Còn “nhựt khuê” là cắm một cây cọc, dùng bóng mặt trời
ngã mà đo khắc ban ngày:
-
-
Lầu sa đã cạn cát vàng
-
Sao Em còn hãy mơ màng
chi đây?
-
Nhựt khuê ngã đậm bóng
ngày
-
Sao Em còn mãi thở dài
hởi Em?!
-
-
Ở giồng nghe tiếng
“quốc-oa” vào trưa hè thật không gì áo não hơn. Con quốc kêu đều đều
từ trong bụi tre gai:
-
-
Tu-oa quốc quốc
-
Tu-oa quốc quốc
-
-
Quốc phải khổ sở lắm mới
vào được trong bụi tre gai, vì nếu ở ngoài sẽ bị chồn đèn rình bắt
ăn thịt. Chồn đèn rất khôn, nhỏ con gan dạ, đủ mánh lới, cũng len
lỏi vào các bụi tre để săn mồi. Hể nghe quốc kêu ròng rả mà kết thúc
bằng tiếng thất thanh “quốc, quốc, quốc” là biết quốc đang lâm nguy.
Thuở nhỏ tôi thương con bìm bịp và con quốc-oa, nên không bao giờ
gài bắt,
-
Trưa hè ở giồng mới thấy
nắng đổ lửa trên đầu. Nắng chang chang, cát chập chờn bốc hơi. Tôi
thương nhớ Anh, nhớ Chị và nhớ Mẹ già mỗi khi nhắc tới cát bủn đường
giồng. Nếu không có Anh đòng đòng trên cổ, không có Chị cõng trên
lưng, không có Mẹ bồng bên hông, tôi không thể nào qua vùng cát bủn
để lên lộ cái mà đi chơi với bạn bè. Chạy sát bờ chuối hay hàng đào
thì sẽ đạp gai. Đó là gai xương rồng và gai mắc cở, nhiều khi còn bị
kiến cắn. Chạy giữa giồng thì cát sẽ phỏng chưn. Khoảng cách từ nhà
lên lộ chỉ 400 mét, thế mà đối với tôi, như một biển lửa hực trời.
Phải tới lộ cái, ngồi dưới tàn vú sữa mà chơi nhà chòi, gở vỏ cây
tìm con bửa củi giữa trưa hè mới là thú vị. Những ngày ui ui không
nắng, ngồi trên tàu mo cau cho bạn kéo đi trên bãi cát, êm như là
ghe đi trên sông lặng tờ.
-
Khi lớn lên đôi chút, học
lớp sơ cấp tại Giồng Trường, tôi cũng không dám đi trên lộ cái về
Chợ Mới mà phải đi tắt bờ mẫu. Băng bờ mẫu thì phải qua đám mã dưới
hàng cây sao bên Giồng Trường rất sợ ma. Qua vài vuông đất đầy tre
gai mới tới bờ mẫu. Trên bờ mẫu thì tha hồ tướt cỏ may, hái trái cối
xay, trái bông gạo. Trái bông gạo như hột cườm hình thoi màu trắng
xỏ chung với hột cườm rắn màu đỏ tươi có điểm chấm đen, đẹp rất đẹp.
Tôi hái trái bù ngót màu hồng màu trắng mọc hoang bên bờ. Hái trái
cỏ xuốt gở ra như hình con cá rô mén, hái trai ké đầu ngựa mà chọi
nhau. Hái trái hột nổ màu nâu đen ngậm cho ướt lén bỏ lên đầu nhau
chờ nổ răng rắc tung hột mà cười. Đi bờ mẫu chỉ lúc gần tới nhà là
phải qua hàng keo già mé triền ruộng. Cũng gần như cây bã đậu, nhưng
gai keo nhỏ hơn, dễ bị đạp nhưng cũng dễ lể ra.
-
Cát bủn quê tôi chỉ có
cây mắc cở là mọc được. Cây mắc cở là loại bò sát đất, là mịn màng
như lá me, hể đụng đến là xếp lại như e thẹn, nên mang tên mắc cở.
Bông màu hồng lúc sáng tinh sương, hình tròn như bông bình linh,
trưa phai thành màu hồng lợt. Cây mắc cở có nhiều gai bén và cong
ngược như lưỡi câu.
-
Ngoài việc trồng bông như
đã kể, ở giồng còn trồng mía, đậu phọng, khoai lang, khoai mì. Đất
cứ trở mại cho phì nhiêu. Phân bón thường là phân mặn, tức vỏ vụn
tôm khô miệt Bạc Liêu, các con cá con vụn phơi khô miệt Bình Đại, Ba
Tri. Sau mỗi mùa hoa lợi, phân vẫn còn đọng trong cát, nên trồng
thêm loại nào cũng trúng cả. Nếu muốn cải bẹ xanh hay củ cải trắng,
thì lên liếp và ủ thêm phân cỏ tưới nước cho im. Muốn trồng bầu bí
thì đào trũng, ủ thêm thân cây chuối mục và tưới thật nhiều. Các dây
khoai lang cũng thấy trồng bên các gốc cây cho bóng mát.
-
Ngoài giếng ở giồng còn
có ao, có hào. Cạnh bờ ao bờ hào, ngoài tre còn có các cây me chua,
cây mít, cây khế...
-
-
Đừng chê khế rụng bờ
ao
-
Dẫu rằng núi lở còn
cao hơn đồi
-
-
Các cây bình bát, mồng
tơi, nhà lồng mọc um tùm. Trên các cành cao còn có cây ráng bay, cây
chùm gởi quyến rũ loài chim sâu sặc sở. Chim sáo, chim chìa vôi,
chim dòng dọc kêu ríu rít tranh ăn những trái keo phồng. Ổ chim dòng
dọc tòng teng lắc lơ theo gió như những lồng đèn. Nắng chiều phản
chiếu trên tàng vú sữa lá hai màu như hào quang. Những ngọn cau tầm
vung ngất trời vang vội tiếng chim gỏ kiến như mỏ liên hồi. Cò trắng
theo sau những con trâu chậm chạp trên đường về, là hình ảnh quen
thuộc của quê tôi.
-
Tôi học theo Anh làm vòng
tóm câu để gài bắt con kỳ nhông. Như loại sấu, nếu con kỳ đà to lớn,
con cắc ké sần sùi, con cắc kè sặc sở, con rắn mối vải láng, con
thằn lằn nhỏ ôm cột nhà, thì con kỳ nhông ở hang, lớn cở cổ tay, dài
độ 4 tấc, chạy lẹ mắt không nhìn kịp. Mình xám như con thằn lằn và
mát lạnh. Ít ai bắt được kỳ nhông vì nó rất nhát và sợ tiếng dộng.
Kỳ nhông sợ nhứt là tiếng sét lúc sa mưa. Đào hang con kỳ nhông còn
khó hơn đào hang con tôm tít, con tèn hen. Hang cũng có ngách, nghe
động là chui nẽo khác, nếu đào tới nơi cũng ít khi chụp bắt kịp vị
nó vọt quá nhanh. Bắt kỳ nhông chỉ còn cách là gài bẩy. Bẩy tóm như
nhợ câu, đặt thành vòng trên miệng hang. Mắt kỳ nhông sáng và láu
lia. Tôi gài bắt được và chạm phải thân nó mát lạnh như cục nước đá
giữa trưa hè, nó vùng vẫy và đảo mắt láo liên, tôi thương hại mà thả
nó ra ngay. Thịt kỳ nhông nghe nói ngon hơn thịt kỳ đà và thơm béo
hơn thịt rắn mối, nhưng ít ai ăn được vì khó bắt.
-
Miệt giồng là như vậy,
không gì huy hoàng, chỉ có nắng chang cát bủn. Những cây vú sữa, cây
đào, cây xoài, cây mận, bụi chuối chung quanh không giúp nổi tôi
vượt qua vùng cát nóng. Nhưng tôi lúc nào cũng mơ về giồng cát bủn
quê nhà. Ở đấy có Đọc Giảng Đường, có Nhà Thờ, có Thất Cao Đài, có
Chùa Giồng Khuê, có Miểu Điền và có những ba Ngôi Đình. Quê tôi hay
nhắc đến ba Châu: Châu Bình, Châu Phú, Châu Hòa, ba Mỹ: Mỹ Nhiên, Mỹ
Chánh, Mỹ Lòng và ba Tân: Tân Thanh, Tân Hào, và Tân Thanh Trung.
-
Cát bủn Tân Thanh đã giúp
cho Nghĩa Quân đá cát tung mờ chạy thoát mỗi khi Tây rượt đuổi đến
Miễu Điền. Cát bủn Tân Thanh đã không đốt cháy gót ngọc tuổi thanh
xuân của tôi, nhưng ót tôi vẫn bị chai vì tôi đã phải dẫm đá xanh,
đá ong lộ đứt; phải băng sông lội xình mà thêm cát bủn quê nhà. Hơn
50 năm rồi còn gì! Gót tôi đã rạn nứt phong trần. Nếu có ai dẫm trên
gai mắc cở hay lội trên cát bủn bốc hơi giờ này chắc cũng không nóng
bằng lửa đốt lòng tôi, không đau xót bằng gai nhói tim tôi.
-
Hột cát trong giày, nếu
là cát quê tôi thì có gì đáng ngại, vì nó mịn và êm. Cát quê tôi nếu
lọt vào mắt thì mới xốn xang mà thức tỉnh chăng?
-
Ôi, cát bủn quê hương,
tôi chỉ cần một hột cát mà thôi, dù là một hột cát trong mắt cũng
không có được! Tôi cần một hột cát trong mắt để dụi mà thấy rằng
mình không mơ!!!
-
-
(Trích Đặc San TRÀ
VINH)
Nguồn: saigontimesusa |