Home Tìm Ca Dao Trợ Giúp Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
  Dị bản Thúng Xôi Rền
Hà Phương Hoài

Lịch sử nam tiến của dân tộc ta cho ta thấy tại vùng định cư mới, dân nhập cư dù cố vẫn giữ gia sản văn hóa nguyên gốc nhưng lần lần cũng đã hài hòa với phong tục tập quán, ngôn ngữ, giọng nói của bản địa mà tạo thành một nếp sống mới. Ca Dao cũng theo họ và rồi từ từ đổi thay
theo sự suy tư hợp với phong tục và ngôn ngữ mới.

Bài Ca Dao Một Thúng Xôi Rền

Mẹ em tham thúng xôi rền (dền)
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Em đã bảo mẹ rằng đừng
Mẹ hấm (lườm) mẹ hứ (nguýt) mẹ bưng ngay (xôi) vào
Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng (vừa).

(e-cadao.com Câu số 3975 )

Đã biến dạng như Dị bản Khánh Hòa (Quả Xôi Rền):

Hai tay bưng quả xôi rền
Cha ham con heo trắng, mẹ ham tiền cảnh Hưng
Buổi xưa kia thưa thiệt xin đừng
Cha mẹ ép uổng biểu ưng kẻo già (cho rồi)
Bây giờ nghiệp báo oan gia
Nó đánh trong nhà, nó đánh ra sân
Mồ cha tám kiếp nợ trần
Đi bán trầu héo mà bưng (mua) con về
(e-cadao.com Câu số 39047 )

Xôi

Theo Từ điển bách khoa toàn thư thì XÔI là món ăn bằng gạo nếp ngâm nước, đồ chín bằng hơi nước, làm cho hạt gạo dẻo dính. Là lương thực chính của hầu khắp các cư dân nông nghiệp trồng lúa thời sơ khai ở Đông Nam Á. Về sau, cơm tẻ mới trở thành lương thực chính ở nhiều dân tộc vì lúa tẻ dễ trồng hơn và cho năng suất cao. Hiện nay, ở một số cư dân vùng núi (như Tây Bắc, dọc Trường Sơn - Tây Nguyên…) vẫn tồn tại tập quán dùng Xôi trong bữa ăn hàng ngày. Xôi thường được đồ lẫn với lạc, đỗ đen, đỗ xanh (để làm Xôi xéo, Xôi hoa cau, Xôi vò), gấc, dừa, ngô, sắn...; ở miền núi còn có Xôi nếp cẩm (loại có màu tím) thường ăn với mật ong. Ở Nam Bộ có Xôi nướng (Xôi trắng, gói lá chuối tươi nướng trên than hồng). Ở nhiều dân tộc, Xôi là thức ăn ngon dùng để đãi khách. Xôi còn là lễ vật quan trọng dùng để dâng cúng tổ tiên và thần linh.

Rền
• Dẻo đều: Xôi rền; Bánh chưng rền.
• Liên tiếp từng hồi: Sấm rền; Đi chơi rền. Chẵn rền, lẻ rền. Chẵn liền hoặc lẻ liền mấy ván xóc đĩa.

Bài ca dao “Quả Xôi Rền” đã thay đổi hầu như toàn diện dù rằng vẫn giữ được kết cấu và ý nghĩa nguyên thủy của bài “Thúng Xôi Rền” – “Cha mẹ muốn cho con mình được hạnh phúc trong đời sống hôn nhân dựa trên căn bản vật chất, tiền tài”
“Mẹ em tham thúng xôi rền (dền)” (Nguyên bản)
“Hai tay bưng quả xôi rền” (Dị bản Khánh Hòa)

Bài nguyên gốc người con gái kết án ngay rằng người mẹ tham “thúng xôi rền” và:
“Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.” (Nguyên bản)

Nhưng dị bản thì nhẹ nhàng hơn, vì khi thấy sự kiện xảy ra:
“Hai tay bưng quả xôi rền”. (Dị bản Khánh Hòa)

Dù nhẹ nhàng nhưng khi đi vào điểm chính thì sự trách móc cha mẹ làm lỡ duyên mình cũng gay gắt như nhau, có thể còn nặng nề hơn và đã kéo người cha vào trận:
“Cha ham con heo trắng, mẹ ham tiền cảnh Hưng” (Dị bản Khánh Hòa)

Ở bản gốc: Người con gái than dù đã cương quyết bảo "mẹ đừng nhận quà lễ của người ta":
“Em đã bảo mẹ rằng đừng” (Nguyên bản)

Người mẹ thấy con gái mình ương ngạnh, bà đã nổi giận, bất chấp ý kiến của con:
“Mẹ hấm (lườm) mẹ hứ (nguýt) mẹ bưng ngay (xôi) vào” (Nguyên bản)

Trong khi dị bản Khánh Hòa thì nàng năn nỉ cha mẹ xin đừng nhận mâm lễ:
“Buổi xưa kia thưa thiệt xin đừng” (Dị bản Khánh Hòa)

và cha mẹ không mắng mỏ mà chỉ khuyên ngọt:
“Cha mẹ ép uổng biểu ưng kẻo già (cho rồi)”

Ở bản gốc cho ta thấy rằng sau khi về nhà chồng người con gái mới chưng hửng là đức ông chồng của mình thuộc loại người thiếu thước không cân xứng với tầm vóc của nàng.
“Bây giờ chồng thấp vợ cao
Như đôi đũa lệch so sao cho bằng (vừa)
” (Nguyên bản)

Ở dị bản Khánh Hòa hoàn cảnh của người vợ do sự sắp đặt của cha mẹ đã trở thành quá tồi tệ, nàng phải chịu bao đòn hằn vì anh chồng thô lỗ cọc cằn.
“Bây giờ nghiệp báo oan gia
Nó đánh trong nhà, nó đánh ra sân” (Dị bản Khánh Hòa)

Nàng rơi vào hoàn cảnh đau thương nhưng không biết làm sao để thoát khỏi cho nên đã thốt lên những lời cay đắng:
“Mồ cha tám kiếp nợ trần
Đi bán trầu héo mà bưng (mua) con về” (Dị bản Khánh Hòa)

Trong thời phong kiến việc quyết định việc chung thân cho trai hay gái đều do bậc phụ huynh quyết định và tuyển chọn. Phận con cái chỉ biết cúi đầu vâng theo. Ngoài hai bài “Thúng Xôi Rền” và “Quả Xôi Rền” trên, kho tàng ca dao có rất nhiều bài tả duyên phận éo le trắc trở của người đàn bà:

Con chim bị ná,
Con cá bị câu,
Anh với em ý hợp tâm đầu,
Hai bên cha mẹ là sầu đôi ta
Đôi ta như lúa đòng đòng
Đẹp duyên nhưng chẳng đẹp lòng mẹ cha
Đôi ta như chỉ xe ba
Cha mẹ xe ít, đôi ta xe nhiều

Dĩa nghiêng mài mực
Bút chực đề thơ,
Phụ mẫu ơi nghĩ lại cho con nhờ,
Khoan khoan hạ bút, kẻo hư tờ giấy thơm.

Trách lòng cha mẹ vụng toan,
Bông búp chẳng bán để tàn ai mua


Sở dĩ đôi trai gái yêu nhau, thề nguyền sống với nhau cho đến đầu bạc răng long mà phải chịu cảnh chia lìa cũng chỉ vì Đạo Hiếu: Con cái không thể tự quyết định cho duyên phận của mình:

Phụ mẫu sơ sinh để cho phụ mẫu định
Em nỡ nào trái lịnh mẹ cha
Phụ mẫu tôi già đầu bạc như hạt đậu nhành dưa
Ơn tôi chưa đền, nghĩa tôi chưa trả
Anh bảo tôi giục ngựa, buông cương sao đành

Anh thương em còn sợ nỗi mẹ cha
Thuở nay áo mặc khó qua khỏi đầu

Đạo mẹ cha mất đà khó kiếm
Nghĩa can thường chẳng hiếm chi nơi!


Dù tình đã nặng nhưng câu hỏi “liệu mẹ cha có bằng lòng hay không?” vẫn đè nặng trong tâm tư của đôi lứa:

Tàu Nam Vang chạy ngang sông Hậu
Tàu Vĩnh Thuận hay đậu Tam Bình
Đôi ta nặng nghĩa nặng tình
Biết cha với mẹ hay chuyện chúng mình ra sao?
Để mong rằng cha mẹ thương tưởng mà tác thành cho!!!


Dòm lên trời đang mưa, đang chuyển
Dòm xuống biển bên đây lở, bên kia bồi.
Đôi ta thương lỡ nhau rồi
Chàng than, thiếp thở, phụ mẫu ngồi sao yên


Chữ môn đăng hộ đối là điều quan tâm lớn lao giữa bậc cha mẹ cho nên ngoài việc xét đến chọn một cô dâu hay chàng rể xứng hợp, đủ điều kiện vật chất bảo đảm được hạnh phúc và sự thịnh vượng cho gia đình mới của con mình hay không, sui gia cũng không kém phần quan trọng. Nhiều trường hợp, mọi sự đều tốt đẹp duy chỉ ông sui hoặc bà sui có chút bất hòa nào đó thì chuyện hợp duyên của đôi trẻ cũng bất thành, trong văn chương Tây Âu cũng có truyện Roméo and Juliette:

Cây đa trốc gốc, thợ mộc đương cưa
Anh với em bề ngang cũng xứng, bề đứng cũng vừa
Bởi tại cha với mẹ kén lừa sui gia.

Hai đứa mình hòa, phụ mẫu không hòa,
Tỉ như nước lạnh, pha trà sao ra?


Và:

Nhà giàu ngồi mát bát vàng
Nàng tham chốn ấy anh sang làm gì.
Xưa kia nói nói thề thề
Cá trê chui ống lọt về giếng khơi
Mới hay lấy vợ trên đời
Chẳng tại trời, tại không tiền nằm không.
Dù em nên vợ nên chồng
Con bế con bồng nghĩ lại duyên xưa
Trời có mây mà chẳng có mưa
Sao em lại nỡ đong đưa với tình?
Mới hay duyên nợ ba sinh
Nhà giàu cướp cả cái tình đôi ta
Anh chẳng trách mẹ trách cha
Trách đời chênh lệch hóa ra thế này!


Trai gái khi đến tuổi yêu nhau dù thành hay không, ngoài trông nhờ vào người mai mối, trên phương diện tâm linh, ca dao thường nhấn mạnh đến một yếu tố đậm nét đó là Ông Tơ, Bà Nguyệt.

Theo điển tích: Ông Tơ, còn gọi là Nguyệt Lão/Bà Nguyệt: Ông lão tóc và râu bạc phơ ngồi dưới bóng trăng, tức vị thần xe duyên cho những cặp trai gái nào có căn tiền định, người ta gọi là Ông Tơ hay Bà Nguyệt.

Do sự tích ông Vi Cố trong lúc đi ngoạn cảnh vào một đêm trăng, thấy có ông lão tóc bạc phơ ngồi dưới bóng trăng, trước một tòa cổ miếu bên đường, tay ông lão cầm một quyển sổ và mớ chỉ hồng. Thấy lạ, Vi Cố hỏi thì ông lão nói :" Ta đây là Nguyệt Lão, cuốn hôn thư này dùng để ghi tên những đôi trai gái phải lấy nhau và những sợi chỉ hồng này dùng để cột họ lại thành đôi vợ chồng". Nói xong, Nguyệt Lão cho Vi Cố xem, bên trong cuốn sổ có ghi chép rất nhiều tên tuổi của những đôi trai gái, mà họ sẽ được nên duyên chồng vợ với nhau.

Sẵn dịp, Vi Cố nhờ Nguyệt Lão xem giùm căn duyên của mình, thì Nguyệt Lão cho Vi Cố biết rằng, người vợ tương lai của Vi Cố sẽ là đứa con gái của mụ ăn mày trước chợ. Tin vào lời của vị tiên tri, nên Vi Cố sợ bị nhục, bèn lấy dao ra chợ chém vào đầu đứa con gái của mụ ăn mày, làm máu chảy đầm đìa, rồi sau đó Vi Cố trốn đi mất.
Sau này Vi Cố lấy đứa con gái của một vị quan làm vợ. Khi tình cờ thấy trên đầu của người vợ mình có vết thẹo lớn, hỏi ra mới biết nàng đúng là đứa con gái của mụ ăn mày trước chợ đã bị chính Vi Cố chém vào đầu, vì bị bỏ rơi, nên đã được một vị quan mang về nuôi nấng cho đến ngày khôn lớn.

Người xưa tin rằng: chuyện duyên nợ là do Trời định, nên khi những cặp uyên ương đã trót thề nguyền yêu thương nhau, nhưng lại không được thành vợ thành chồng, là bởi Nguyệt Lão không chịu xe duyên cho:

Căn duyên ai đã phá rồi
Ông Tơ ông buộc ông Trời biểu không
Phải gặp ông Tơ hỏi sơ cho biết
Gặp bà Nguyệt gạn thiệt cho rành
Vì đâu hoa nọ lìa cành
Nợ duyên sớm hết cho đành dạ con
* Có bản khác: Căn duyên ai phá cho rồi

Bắc thang lên đến tận (lên hỏi) Trời
Bắt ông Nguyệt Lão đánh mười cẳng tay
Đánh rồi lại trói vào cây
Hỏi ông Nguyệt lão: đâu dây tơ hồng ?
Nào dây xe bắc xe đông
Nào dây xe vợ, xe chồng người ta
Ông vụng xe tôi lấy phải vợ già
Tôi thì đốt cửa, đốt nhà ông đi

Bắt ông tơ đánh sơ vài chục,
Bắt bà nguyệt nếm mấy mươi hèo,
Người ta năm bảy vợ theo
Còn tôi đơn chiếc như mèo cụt đuôi!


Ngoài các sự kiện nêu trên, để bảo đảm cho hạnh phúc tương lai của con mình các cụ thường xem trọng “Bói toán”, và vì bói toán cũng làm lỡ duyên bao cặp tình yêu nhau thắm thiết:

Cọp mà vật mấy ông thầy địa
Voi mà giày mấy lão coi ngày
Trớ trêu họ khéo đặt bày,
Đôi ta thương nhau thiệt, lẽ nào trời không định đôi.


Nhiều cặp bất chấp những dị biệt, khó khăn trắc trở quyết cùng nhau đi hết đoạn đường đời với nhau.

Cá lưỡi trâu dầm trong nước mắm
Qua với nàng duyên thắm mấy trăng
Cha mẹ tuy chẳng bằng lòng
Nợ duyên đã gắn, chữ đồng quanh năm


Bằng không thì:

Xin người hiếu tử gắng khuyên
Kịp thời nuôi nấng cho tuyền đạo con
Kẻo khi sông cạn đá mòn
Thơ ngâm nga đọc có còn thấy chi


Hoặc:

Bước xuống ruộng sâu, sầu đầy tấc dạ
Tay ôm bó mạ, nước mắt hai hàng
Ai làm trễ chuyến đò ngang
Cho sông cạn nước, đôi đàng biệt ly


Hà Phương Hoài (10-2009)

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 03/12/18