Trâu, Cọp và Con Người
Ngày xưa, người
ta khi dắt trâu ra ruộng thường lấy dây buộc vào sừng trâu mà kéo đi. Một hôm,
có con chim đậu ở bụi cây, thấy người nông dân dẫn trâu đi như vậy, bèn hỏi:
"Sao ông không thọc lỗ ở mũi trâu mà dắt đi?". Người kia bèn buộc con trâu vào
gốc cây, đâm thủng mũi trâu, xỏ dây dắt đi. Sau đó có nhiều người bắt chước theo.
Một hôm, sau buổi cày, trong lúc người chủ nghỉ ngơi đi uống nước, con trâu đang
ăn cỏ, thì có một con cọp đến hỏi trâu rằng: "Này trâu, sao mày to xác như vậy
mà lại để cho một thằng người bé nhỏ xỏ mũi kéo, đánh đập, mà mày cứ chịu lép vế".
Trâu trả lời cọp: "Tuy người bé nhỏ, nhưng nó có trí khôn to lớn".
Vừa lúc ấy, người đi cày trở lại. Cọp bèn chặn hỏi: "Nghe trâu nói là người tuy
bé nhỏ nhưng có trí khôn. Vậy trí khôn đâu, cho ta xem với". Người đi cầy đáp: "Trí
khôn tôi để ở nhà". Cọp bảo: "Hãy về nhà lấy trí khôn cho ta xem". Người nông
dân trả lời: "Được chứ Nhưng e rằng trong lúc tôi vắng mặt, thì ông cọp ăn mất
trâu của tôi đi. Vậy, cọp có bằng lòng cho tôi trói lại đã, rồi tôi về nhà lấy
trí khôn cho mà xem?". Cọp bằng lòng.
Người đi cầy bèn lấy dây thừng, cột cọp thật kỹ vào gốc cây. Rồi ông lấy một
chiếc gậy to đánh vào đầu cọp nói rằng: "Trí khôn của tao đây này". Trâu thấy
vậy, cười ngã nghiêng, đập hàm vào đất, gãy cả hàm răng trên. Do đó, loài trâu
sau này không còn hàm răng trên nữa, vì đã cười cọp. Còn loài cọp thì bị rằn rện,
lông có những vết sọc đen trên mình là dấu tích bị loài người đánh.