Thổ ngữ Miền Nam Trước năm 1975
(Phần 1)
Nguyễn Cao Trường
Chuyện Ngoài Lề
Gom góp từ ngữ miền Nam và Saigon xưa Saigon Cao Truong
Nhằm để ghi nhớ lại những từ mà ngày xưa người Saigon/Miền Nam
hay dùng như: Mèn ơi, Nghen, Hén, Hen, Tà Tà, Thềm ba, Cà rịch
cà tang, tàn tàn,…., và những câu thường dùng như : Kêu gì như
kêu đò Thủ Thiêm, làm nư, cứng đầu cứng cổ, tháng mười mưa thúi
đất, cái thằng trời đánh thánh đâm…v…v…
Xin nhờ mấy Anh Chị comment những từ nào còn nhớ để Trường góp
nhặt ngỏ hầu lưu lại những tiếng gọi, câu nói thân thương của
người Saigon và miền Nam trước đây, e rằng một ngày nào đó nó
sẽ mai một…
Giọng nói, sự pha trộn của ngôn ngữ miền Bắc di cư vào những năm
1950 hòa cùng ngôn ngữ Saigon, miền Tây đã tạo nên thêm một
phong cách, giai điệu mới … và bài “Này cô em Bắc Kỳ nho nhỏ“,
hình ảnh cô gái chạy xe chậm rãi tỏ ra bất cần mấy anh chàng
theo sau năn nỉ làm quen không biết đã bao nhiêu lần làm bâng
khuâng xao xuyến lòng người nghe. Nhất là cái giọng người Bắc
khi vào Nam đã thay đổi nó nhẹ nhàng, ngang ngang như giọng miền
Nam thì tiếng lóng miền Nam càng phát triển. Dễ nghe thấy, người
Bắc nhập cư nói từ “Xạo ke” dễ hơn là nói “Ba xạo”, chính điều
dó đã làm tăng thêm một số từ mới phù hợp với chất giọng hơn. “chính
điều dó đã làm tăng thêm một số từ mới phù hợp với giọng nói
hơn. Giọng nói đó rất…
Đề nghị đổi..“ Chất giọng đó rất dễ nhận diện qua những MC như
Nam Lộc, Nguyễn Ngọc Ngạn mà các Anh Chị đã từng nghe trên các
Video chương trình Ca nhạc, kể chuyện, ….
Đặc biệt trong dịch thuật, nếu không am hiểu văn nói của Saigon
miền Nam nếu dùng google dịch thì “qua biểu hổng qua qua qua đây
cũng dzậy” (câu gốc: Hôm qua qua nói qua qua mà qua hỏng qua,
hôm nay qua nói qua hỏng qua mà qua qua) nó dịch ra như vầy
“through through through through this gaping expression too” Ông
Tây đọc hiểu được ý thì chịu chết… Hay như câu “giỏi dữ hôn” thì
google dịch cũng ngất ngư con lạc đà…
Trong văn nói, người Miền Nam hay dùng điệp từ cùng nguyên âm,
hay phụ âm, hoặc dùng hình tượng một con vật đễ tăng cấp độ nhấn
mạnh: như bá láp bá xàm, cà chớn cà cháo, sai bét bèng beng (từ
bèng beng không có nghĩa),… sai đứt đuôi con nòng nọc,… chắc là
phải cả pho sách mới ghi lại hết….Phong cách sử dụng từ như vậy
Trường mong sẽ có một dịp nào đó viết một bài về nó. Hà! ai
người miền Nam thì cũng hiểu câu này: “thôi tao chạy trước tụi
bây ở lại chơi vui hén” , ở đây chạy cũng có nghĩa là đi về, chứ
không phải là động từ “chạy = to run” như tiếng Anh
Hay và lạ hơn, cách dùng những tựa hay lời bài hát để thành một
câu nói thông dụng có lẽ phong cách này trên thế giới cũng là
một dạng hiếm, riêng Miền Nam thì nhiều vô kể ví dụ : Khi nghe
ai nói chuyện lập đi lập lại mà không chán thì người nghe ca một
đoạn: ” Nhắc chi chuyện cũ thêm đau lòng lắm người ơi!”, hoặc
khi sắp chia tay thì lại hỏi : “Đêm nay ai đưa em về !” người
ngoại quốc ai không biết cứ tưởng là người đó đang ca chứ hổng
phải đang hỏi mình, như khi nghe ai nói chuyên mà chuyện này ai
cũng biết rồi thì lại nói: “Xưa rồi diễm….” với cái giọng mà âm
“…i…ễ…m…” kéo dài tha thướt .
Tuy nhiên, do những từ này được trình bày bằng chữ nghĩa nên
cách xài nhấn âm, lên giọng của người Miền Nam không thể biểu lộ
hết cái hay của nó, ví dụ như riêng câu: “thằng cha mầy, làm gì
mà mồ hôi đổ ướt hết áo dậy?” cụm từ “thằng cha mầy” kéo dài hơi
lại có nghĩa là gọi yêu thương chứ không phải la mắng, tương tự
khi mấy cô gái nguýt (nói): ” Xí! Hổng chịu đâu”,”Xí! Cha già
dịch nè !”, ” Sức mấy!, “Ông nói gì tui ưa hổng nổi nha!”, “Cha
già khó ưa! ” với cách nhấn giọng thì nghe rất dễ thương và dịu
dàng nhưng khó gần lắm à nghen, nhưng đến khi nghe câu ” tui nói
lần cuối, tui hổng giỡn chơi với Ông nữa đâu đó nghen! ” thì coi
chừng … liệu hồn đó.
Thật ra không phải người Saigon ai cũng xài hết mấy từ này, chỉ
có người bình-dân mới dám xài từ như Mả cha, Tổ mẹ để kèm theo
câu nói mà thôi. Dân nhà trí thức ít ai được Ba Má cho nói, nói
ra là vả miệng không kịp ngáp luôn, giáo dục ngày xưa trong gia
đình rất là khó, nhất là mấy người làm bên nghề giáo dạy con
càng khó dữ nữa. Ra đường nghe mấy đứa con nít nói “DM” thậm chí
còn không hiểu nó nói gì, về nhà hỏi lại chữ đó là gì, chưa gì
đã bị cấm tiệt không được bắt chước, lúc đó chỉ nghe Ba Má trả
lời: “Đó là nói bậy không được bắt chước đó nghen!”. Chưa kể
tới chuyện người lớn đang ngồi nói chuyện mà chạy vô xầm xập hỏi
thì cũng bị la rầy liền : “Chổ người lớn nói chuyện không được
chen vô nhớ chưa?”. Đến năm 1980 thì giáo dục cũng khác hẳn ngôn
ngữ bắt đầu đảo lộn ở cấp tiểu học… tiếng Saigon dần dần bị thay
đổi, đến nay trên các chương trình Game Show chỉ còn nghe giọng
miền Nam với câu nói: “Mời anh trả lời ạ” “các bạn có thấy đúng
không ạ”, ạ… ạ …ạ… cái gì cũng ạ….làm tui thấy lạ. Thêm nữa, bây
giờ mà xem phim Việt Nam thì hình như không còn dùng những từ
ngữ này, khi kịch bản phim, hay tiểu thuyết đặt bối cảnh vào
thời điểm xưa mà dùng ngôn ngữ hiện đại lồng vào, coi phim nghe
thấy nó lạ lạ làm sao đâu á…
Tò te tí te chút, mong rằng các Anh Chị khi đọc những từ này sẽ
hồi tưởng lại âm hưởng của Saigon một trời thương nhớ!
Chân thành cám ơn những đóng góp của các Anh Chị,
Trân trọng,
Nguyễn Cao Trường
*nội dung diễn giải từ ngữ đã được chỉnh sửa lần 4
1.A-ma-tưa(ơ) = hổng chuyên nghiệp (gốc Pháp Amateur); Bây giờ
gọi là nghiệp dư
A Xẩm = Thím Xẩm = Người giúp việc
2.À nha = thường đi cuối câu mệnh lệnh dặn dò, ngăn cấm (không
chơi nữa à nha)
3.Áng chừng, đâu chừng, hổng chừng, dễ chừng = dự đoán (từ đây
qua kia áng chừng 500 thước – Đâu chừng thằng Sáu chiều nay nó
dìa tới đó bây)
4.Anh em cột (cọc) chèo = An hem rể (Anh em cột chèo như mèo
với chó) Ca Dao
5.Áo ca-rô = áo kẻ ô (bắc)
6.Áo thun ba lá = Áo thun ba lổ, Áo May Ô (bắc) gốc Pháp maillot
7.Áp-phe = trúng mánh, vô mánh (chạy áp-phe vớt cú chót kiếm
tiền!) gốc tiếng Pháp affair
8.Áp-phê = hiệu ứng, hiệu quả (billard: để hết áp-phê bên trái
chúi đầu cơ xuống kéo nhẹ là nó qua liền hà)
Ảnh – chỉ - bả - ổng = Đại từ ngôi thứ 3 là Anh ấy, chị ấy, bà
ấy, ông ấy.
9.Ăn coi nồi, ngồi coi hướng = Ăn trông nồi, ngồi trông hướng
(ca dao)
10.Ăn cộc đi con = ăn nhiều dô (Gò Công) Bổ sung bởi Huynh Duy
– ăn Cộc có nghĩa là ăn nhiều đồ ăn hơn so với tỉ lệ thông
thường giữa đồ ăn và cơm. ( từ này hay được nói nhiều vào cái
thời bao cấp đói khổ). Ví dų như: “Sao mày ăn Cộc quá”. Nghĩa là
chỉ có chén cơm hay tô cơm mà ăn đồ ăn nhiều vậy
11.Ăn hàng = ăn uống, đi ăn cái gì nhẹ như chè, chứ không phải
ăn cơm trưa-chiều. (Thường chỉ có con gái mới dám đi ăn hàng,
hồi xưa con trai không dám đi ăn hàng vì bị chọc thì mắc cở lắm,
thêm nữa, gia đình giáo dục con trai khác với con gái, thường
Ông Bà Bô hay nói: “con trai phải ra con trai nghen, ai đời con
trai mà ăn hàng như con gái”. Con gái mà đi ăn hàng nhiều cũng
bị la rầy. (sau này mấy tay trộm cướp cũng xài từ “ăn hàng”, tức
là đi giựt dọc, cướp bóc từ sau1975)
Ăn mảnh = Đi kiếm chác không đạo đức
12.Âm binh = Cô hồn, các đảng, phá phách (mấy thằng âm binh =
mấy đứa nhỏ phá phách),…
Ba đía = xạo
Ba cái chuyện lẻ tẻ = Nhằm nhò gì ba cái chuyện lẻ tẻ = Ăn thua
gì ba chuyện lặt vặt
Ba hồi = Đôi khi
13.Bà chằn lửa = người dữ dằn (dữ như bà chằn)
14.Bá chấy, bá phát = quá xá – Ngon bá chấy bò chét chó ! Là
ngon quá trời đất luôn !
15.Ba ke, Ba xạo = xạo – sau này (1975) có thêm chữ ba đía rồi
bớt dần thành đía ( đừng có đía= đừng có nói xạo)
16.Ba lăm = 35 = già dê (dê 35)
Ba lia = Lắm mồm nhưng chẳng ra gì hết
17.Ba lơn = tính hay đùa cợt, chòng ghẹo người khác nhưng không
gây hại, hoặc có chủ đích hại người
Ba sợi = Vài ly (Ý nói uống chút ít ba xi đế)
Ba Xi Đế = Rượu nấu bằng gạo
18.Bá Láp Bá Xàm =Tầm xàm – Bá láp
19.Bà tám = nhiều chuyện (thôi đi bà tám = đừng có nhiều chuyện
nữa, đừng nói nữa) (Tiếng này xuất hiện sau năm 1975)
20.Ba Tăng = Môn bài = Bằng sáng chế gốc Anh/Pháp Patent
Ba toong = Gậy chống (Pháp Baton)
21.Bang ra đường = chạy ra ngoài đường lộ mà không coi xe cộ,
hoặc chạy ra đường đột ngột, hoặc chạy nghênh ngang ra đường
Bà bô = Bà Mẹ (Ông bô bà bô tui)
Bà già tui = Mẹ tôi (Ông già bà già khó lắm)
Bà via, ông via = Bà già, ông già, (mẹ, cha) ( Do chữ Vieu dân
học trường Tây hay dung lối nó này)
22.Bành ki = bự
Banh càng = Chàng hảng, quá xá (Chửi banh càng)
23.Banh ta lông = như hết chuyện (gốc từ cái talon của vỏ xe)
Bảnh choẹ = Đẹp , Trông hơn người
24.Bảnh tỏn, Sáu bảnh= đẹp ra dáng (mặt đồ vô thấy bảnh tỏn ghê
nha)
25.Banh xà lỏn = Rớt, rách quần cụt
Bát phố = Đi dạo phố
26.Bạt mạng = bất cần, không nghĩ tới hậu quả (ăn chơi bạt mạng)
27.Băng = nhà băng, ngân hàng gốc Pháp (banque)
28.Bặc co = Pạc co = đánh nhau tay đôi
Bắn khỉ = Hú á phiện
Bắt cái lương = Lãnh lương (Tiếng nhà binh nhại theo tiếng
Thượng)
Bắt cái nước = Đi chơ gái
29.Bắt kế: là do PƠRKAI KUDA mà ra, Pơkai = Thắng vào xe, Kuda =
Con ngựa.
30.Bặm trợn = trông dữ tợn, dữ dằn
Bậu = Đại từ ngôi thứ 2 (Thí dụ: Đờn tranh dây xế dây xang, Anh
còn thương bậu, bậu khoan lấy chồng – Ca dao)
31.Bất thình lình = đột ngột, Bất tử
32.Bầy hầy = bê bối, ở dơ
Bảy búa ba bù lon = Ngang tang, bặm trợn
Bép xép = Hay nói
Bét = Đứng bét, hạng bét, sai bét, Bét tỉ =
Chót hết, cuối cùng
33.Bẹo = chưng ra, Bệu (gốc từ cây Bẹo gắn trên ghe để bán hàng
ở chợ nổi ngày xưa)
34.Bẹo gan = chọc cho ai nổi điên, ứa gan
Bẹo hình, bẹo dạng
= Kiểu xí xọn
35.Bề hội đồng = hiếp dâm tập thể (tục) Cũng có nghĩa là lấy
đông hiếp ít
36.Bển = bên đó, bên ấy (tụi nó đang chờ con bên bển đó!)
37.Bí lù = không biết đường trả lời, không biết
Bí tỉ = Quá xá (trong say bí tỉ)
38.Bí xị = buồn
39.Biết đâu nà, biết đâu nè, = biết đâu đấy
40.Biết sao hôn = Biết sao không
Biết tay tao = Lời hăm doạ
Biệt = Đồng bạc do chữ Piastre của Pháp
41.Biệt tung biệt tích, biệt tăm biệt tích, mất tích, mất tiêu,
đâu mất = không có mặt, mất dấu
42.Biểu (ai biểu hổng chịu nghe tui mần chi! – lời trách nhẹ
nhàng) = bảo, nhưng câu “ai biểu” thì lại có hàm ý người kia:
“tự làm thì tự chịu”
43.Bình-dân = bình thường
44.Bình thủy = phích nước
Bình Tích = ấm trá
45.Bít bùng = Kín mít
46.Bo bo xì = nghỉ chơi không quen nữa (động tác lấy tay đập đập
vào miệng vừa nói của con nít)
Bò = Trăm (Giá 5 bò là 500$)
Bò lê bò lết = Bò la bò lết = Bò lê bò càng
Bò lạc = Gái đứng đường
47.Bỏ qua đi tám = cho qua mọi chuyện đừng quan tâm nữa (chỉ nói
khi người đó nhỏ vai vế hơn mình)
48.Bỏ thí = bỏ mặc
49.Bồ = gọi bạn thân thiết ( Ê chiều nay bồ rãnh tạt qua nhà chở
tui đi luôn nghen)
50.Bồ đá = bị bạn gái bỏ
Bộ dó (vó) = Bề ngoài
51.Bội phần, muôn phần = gấp nhiều lần
52.Bồn binh = Bùng binh, vòng xoay (nay)
Bóp phơi = Ví tiền (Tóc em dài sao em không uốn, hết bao nhiêu
anh trả tiền cho, đây bóp phơi anh đầy bộ lư, nàng ơi nắm đi
đừng lo – bài hát trong dân gian – Bóp phơi do chữ Porte-feuille
của Pháp)
Bót cảnh sát = Đồn cảnh sát (do chữ post của Pháp)
Bọt-ba-ga = Ghế ngồi phụ sau xe đạp (Porte de baggage Pháp)
Bô = đẹp (beau) trai
Bộ gió = Bề ngoài
Bộ lư = Đồng 500 Piastre có hình bộ lư
53.Buồn xo, buồn hiu = rất buồn ( làm gì mà coi cái mặt buồn xo
dậy? )
54.Buột = cột
Bù = (10 nút) Hỏng, không như ý
Bù trớt = Không được gì ráo trọi
55.Bữa = buổi/từ đó tới nay (ăn bữa cơm rồi về/bữa giờ đi đâu mà
hổng thấy qua chơi?)
Bựa = Cù chầy cù nhằng
Xem tiếp phần 2
Post ngày:
12/08/18 |