|
Tìm hiểu ngữ âm Tiếng ViệtTrần Ngọc Dụng Giảng Viên Việt ngữ/UCR/CCC/SAC Tiếng Việt theo dòng lịch sử Trải qua gần năm ngàn năm chen vai sát cánh với các nước khác trên thế giới để viết lên lịch sử nhân loại, dân tộc Việt Nam trải qua không biết vô vàn nào gian khổ, hy sinh, đấu tranh để sinh tồn trong cái bể trầm luân của đổi thay. Ngôn ngữ của người Việt do đó cũng chịu chung số phận với những người cưu mang nó. Thật vậy, trước thời bị người Hán đô hộ, dân mình hình như đã có chữ viết riêng có hình con giun bò mà chúng tôi đã có dịp thưa chuyện cùng quý vị trong bài Tìm Hiểu Tiếng Việt trước đây. Sau khi bị xâm lăng và chịu ách đô hộ của người Tàu nói chung tính từ thời Triệu Ðà (207 ttl) đến năm Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Ðằng năm 938 stl cũng ngót nghét một ngàn hai trăm năm. Suốt thời gian này, chữ viết có hình giun bò bị xoá sạch hoàn toàn, và được thay thế bằng văn tự Hán, mà người mình thường gọi là chữ Nho. Như chúng ta thấy dưới đây (trích từ trang bìa sau của quyển Sách Tra Chữ Nôm thường dùng của tác giả Lạc Nghị, Hội Ngôn Ngữ Học TPHCM xuất bản năm 1991.
H1. chữ Nho
Loại chữ viết trên đây do các triều đình đương thời sử dụng làm văn tự chính thức, một thứ lingua franca, để ghi chép văn thư hành chánh, sử liệu, thi cử ... cho đến khi chữ Nôm xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 13 mà Hàn Thuyên là cái mốc. Chữ Nôm là một sản phẩm trí tuệ do trí thông minh của các bậc Nho gia Việt Nam đúc kết thành. Họ vận dụng Hán tự và biến cải thành chữ Nôm, như câu diễn Nôm của nữ sĩ Ðoàn Thị Ðiểm từ tám chữ Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân trên đây (sách đã dẫn):
Chúng ta có thể thấy, hình thức viết trong y hệt tiếng Hán, nhưng người Hán đọc thì họ không hiểu (trừ những người nào có học chữ Nôm). Tiếp theo bài văn tế cá sấu của Nguyễn Thuyên (tức Hàn Thuyên), nhiều công trình văn học xuất hiện viết bằng chữ Nôm rất có giá trị. Thế nhưng chữ Nôm không hoàn toàn thay thế cho chữ Nho được. Có những thời như Hồ Quý Ly, Tây Sơn, ... thì chuộng việc dùng chữ Nôm hơn hết thảy các triều khác nên bản thân chữ Nôm cũng chịu nhiều thăng trầm. Thế rồi khi có người Tây phương sang truyền đạo, nhiều giáo sĩ uyên bác về ngữ học, như Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral, Antonio de Barbosa, và đáng kể nhất là Giáo sĩ De Rhodes với quyển tự điển chữ quốc ngữ đầu tiên là Dictionarivm Annnamiticvm Lvsitanvm; et latinvm của Alexandro de Rhodes xuất bản t ại Rôme vào năm 1651. Trước đó, “năm 1621 cha Christofori Borri với sự hỗ trợ của cha De Pina dịch bản kinh thánh ra tiếng Việt lần đầu tiên” (History of the Catholic Church in Vietnam, Phan Phat Huon, inner covers, Cứu Thế Tùng Thư 2000.) Cũng như theo Roland Jacques trong Les Missionaires portugais et les deùbuts de l’ Église catholique au Vietnam do Ðịnh Hướng Tùng Thư xuất bản năm 2004, trang 339 chúng tôi xin trích đăng dưới đây là dấu tích của “chữ quốc ngữ” trong giai đoạn phôi thai:
H3. Chữ quốc ngữ thời kỳ phôi thai
Chữ Việt la-tinh hoá này tồn tại song hành với chữ Nho và chữ Nôm trong nhiều trăm năm. Cho đến đầu thế kỷ 20 thì được chính thức công nhận là ‘quốc ngữ”. Cũng như chữ Nôm vay mượn chữ Hán, chữ quốc ngữ vay mượn bảng mẫu tự của Âu châu để “phiên âm” tiếng Việt. Theo AG Haudricourt, một nhà nghiên cứu ngữ học người Pháp thì tiếng Việt nguyên thuỷ thuộc nhóm Việt Mường không có dấu giọng nào hết. Ðến khi bị người Hán đô hộ tiếng Việt bị Hán hóa một phần và tới thể kỷ thứ sáu thì bắt đầu có ba giọng. Sáu thể kỷ sau tức khoảng thế kỷ thứ 12 thì có sáu giọng như chúng ta đang sử dụng hiện nay. Thế nhưng theo Henri Maspéro, nhà ngữ học người Pháp khác, thì tiếng Việt có lẽ phải trải qua sáu thời kỳ thay đổi: - Thời kỳ nguyên thuỷ là tiếng Mường và Việt cùng chung là một và không có dấu giọng. - Thời kỳ thứ hai gọi là tiền-Việt ngữ; tiếng Việt bắt đầu tách rời khỏi tiếng Mường để có hệ thống riêng. Có thể gọi thời kỳ này là tiền thời tiền Hán-Việt. - Thời kỳ thứ ba là tiếng Việt tiền cổ tiếp xúc rất chặt chẽ với tiếng Hán. - Thời kỳ thứ tư là tiếng Việt cổ Hán-Việt pha trộn, đánh dấu bằng sự xuất hiện tập từ mục có tên là Hoa-ngữ Việt-ngữ danh mục (Hua-yi Yi-yu) vào thế kỷ thứ sáu. - Thời kỳ thứ năm tiếng Việt trung cổ bắt đầu bằng sự góp phần “phiên âm” tiếng Việt cổ Hán-Việt và thuần Việt để có tiếng Việt hiện đại hôm nay m à tiêu biểu là quyển tự điển Việt-La-Bồ của Alexandro de Rhodes xuất bản năm 1651 tại Rôme. - Thời kỳ thứ sáu là tiếng Việt hiện đại, bắt đầu từ khoảng cuối thế kỷ thứ 19. Sự xuất hiện của quyển tự điển Việt-La-Bồ của Alexandro de Rhodes có ý nghĩa làm thay đổi tận gốc rễ của hệ thống ngôn ngữ Việt. Có thể nói Việt ngữ hiện đại so với Trung Hoa, Thái, Miên, Lào, Nhật, Ðại Hàn, Nam Dương, Mã Lai là ngôn ngữ duy nhất trong vùng đã được La-tinh hoá sớm nhất, và được xem là có hệ thống chữ viết tiện lợi nhất so với các nước vừa nói. Chữ quốc ngữ là gì?Chữ quốc ngữ là hệ thống chữ viết dựa theo lối phiên âm dùng mẫu tự la-tinh để ghi thành chữ, thành câu, hay còn gọi là lối ký âm. Ngày nay chúng ta có ba bảng mẫu tự: 1) nguyên thuỷ: a b c d đ e g h i k l m n o p q r s t u v x y 23 mẫu tự 2) đầy đủ: a ă â b c d đ e ê g h i k l m n o ô ơ p q r s t u ư v x y 29 mẫu tự 3) mở rộng: a ă â b c d đ e ê f g h i j k l m n o ô ơ p q r s t u ư v w x y z 33 mẫu tự Hiện tại ít người dùng bản nguyên thuỷ. Chỉ còn hai bản sau được dùng nhiều. Bảng số 2 được các sách giáo khoa trong nước sử dụng (Tiếng Việt tập một, nhà xuất bản Giáo Dục, Bộ Giáo Dục Ðào Tạo, 2002, trang mở đầu). Và bảng số 3 được một số tác giả soạn sách dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc soạn ở trong nước cũng như ở ngoài nước (trong đó có chúng tôi với quyển Vietnamese for Busy People dạy trên internet của trường Coastline Community College chủ trương) với mục đích là để đọc các từ-ngữ mượn trực tiếp từ tiếng Âu-Mỹ. Bảng mẫu tự này quy tụ khá nhiều thành viên của các ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European) lập thành: Chẳng hạn: mẫu tự a, â, e, ê, i, o, ô là của Bồ-đào-nha (Portuguese), ă, gh của Lỗ-ma-ni (Rumania), ch của Tiệp (Czech), các mẫu tự khác thì phần lớn vay mượn của Bồ, Pháp và Ý, vv. Không đầy một trăm năm kể từ khi tiếng Việt la-tinh hoá được chính thức công nhận là hệ thống văn tự của Việt Nam gọi là chữ quốc ngữ, cách viết này cho thấy rất hữu hiệu và tiện dụng về phương diện đại chúng hoá giáo dục và việc truyền bá văn hoá. Ngày xưa khi chúng ta vay mượn chữ của người Tàu để viết tiếng Việt, gọi là chữ Nôm. Phần nghiên cứu về ngữ âm học (phonology) dĩ nhiên không theo lối Tây phương. Thế nhưng ngày nay tiếng Việt của chúng ta ngả hẳn về phía Ấu châu, nghĩa là chúng ta phải nhìn ngữ âm tiếng Việt qua phương pháp của Âu châu. Trong phạm vi bài này chúng tôi xin mạo muội góp ý cùng quý độc giả về một số điểm rất căn bản của ngữ âm tiếng Việt nhìn qua lăng kính của ngữ học Tây phương để góp phần làm thăng tiến cho sự phát triển của tiếng Việt ngang hàng với các ngôn ngữ lớn trên thế giới, đồng thời đặt nền tảng cho việc dạy con cháu chúng ta sau này. Nắm vững những điểm này có thể giúp chúng ta học bất cứ ngoại ngữ nào cũng dễ dàng. Chẳng hạn có người hỏi quý vị chữ T trong tiếng Anh tại Mỹ có mấy cách đọc? Quý vị trả lời thế nào? Thưa chữ T (tên là /ti/, Việt Nam gọi là /tê/) có ít nhất bảy cách đọc khác nhau. Xin quý vị hãy xem các hình dưới đây (Chúng tôi đổi thành hình để các ký hiệu phiên âm quốc tế không trở thành dị dạng khi máy của quý vị không có các ký hiệu này.)
H4. Mẫu tự “T” /ti/ của tiếng Anh “T” Hoặc thảng mẫu tự a tiếng Anh có mấy cách đọc? Xin thưa có sáu cách đọc:
H5. Mẫu tự A tiếng Anh
Rất may tiếng Việt chúng ta không gặp nhiều trường hợp như thế này. Vì tiếng Việt đã được ký âm khá gần với cách nói. Từ ngày có chữ quốc ngữ đến nay, có lẽ ai trong chúng ta chỉ biết ba chữ: bảng mẫu tự (có lúc và có người gọi bảng này bảng chữ cái, bảng con chữ, ...) và sau đó là nguyên âm và phụ âm. Ngoài ra không còn có gì khác. Do cách nhìn quá đơn giản (oversimplication) này khiến có sự tranh cãi nhau là nên đọc bảng mẫu tự này là a bê xê hay a bờ cờ? Và rồi khi dạy con em chúng ta thì nên đánh vần hay ráp vần? Phạm vi bài này chúng tôi xin trình bày về sự tranh chấp giữa a bê xê với a bờ cờ trước. Hệ thống ngữ âm của một ngôn ngữ không “giản đơn” như vừa nói trên. Dù là theo lối ký âm (phonemic), nghĩa là ghi lại âm gì đó bằng một ký hiệu riêng, thì tiếng Việt vẫn không thoát ra khỏi qui luật: chữ viết và cách đọc nhiều khi khác nhau. Do vậy mà cần có sự phân biệt rõ ràng, hợp lý và khoa học! Trước hết bảng mẫu tự ABC của chúng ta có gì? Bảng này có hai phần: mỗi mẫu tự phải có một cái tên. Ðúng vậy, con người vốn sẵn thông minh nên bất cứ cái gì trên thế gian này, cụ thể hay trừu tượng, đều có tên đặt cho nó cả. Thậm chí một thứ cỏ cũng có nhiều tên: tên địa phương, tên thông dụng, tên khoa học. Vậy tên của các mẫu tự này là gì? Thưa rằng, tên của chúng a bê xê dê đê, e, gê, hát, ... Tiếng Pháp cũng đặt tên cho cái al-pha-bê của họ là a bê xê. Tiếng Tây-ban-nha cũng gọi là a bê xê. Tiếng Anh thì gọi ây bi xi. Ðừng nên đặt tên cho các mẫu tự tiếng Việt bằng a bờ cờ. Vì sao không nên đặt tên là a bờ cờ? Vì cách này dùng riêng để tập đọc, tập ráp vần. Thế nhưng có một điều khi ráp vần cũng không nên đọc rõ bờ như bờ sông, bờ biển được! Giảm thiểu cái ờ > ơ và đọc thật nhẹ [bơ] thì mới đúng:
cách viết
cách đọc tên của mẫu tự
Tiếp theo cái tên cho từng mẫu tự rồi, chúng ta tách bảng mẫu tự này làm hai phần: mẫu tự chính và mẫu tự phụ: a) Mẫu tự chính gồm 12 mẫu tự: a ă â e ê i o ô ơ u ư y. Với 12 mẫu tự này chúng ta chỉ còn lại 11 âm: /a ă â e ê i o ô ô u ư/ vì i và y đọc giống nhau. Trường hợp này có thể tạm gọi chúng là mẫu tự chính hay nguyên âm đều được vì không bị nhầm lẫn nào bởi chúng ta vẫn dùng chúng để đọc và để viết. b) Mẫu tự phụ gồm 17 mẫu tự: b c d đ g h k l m n p q r s t v x y (tạm thời bỏ bớt 4 mẫu tự f, j, w và z). Nhóm này còn có thêm 11 mẫu tự phụ ghép: ch gh gi kh ng ngh nh ph qu th và tr. Vậy mà với 17 mẫu tự phụ đơn trên đây với 11 mẫu tự phụ ghép vừa kể chúng ta chỉ đọc thành 23 âm! Mục này cần phân biệt tự và âm hơn hết thảy.
H7.
Các mẫu tự phụ và cách đọc
c) Trong số 17 mẫu tự phụ đơn và 11 mẫu tự phụ ghép, chỉ có 8 mẫu tự có thể dùng để đứng cuối chữ, gọi là mẫu tự cuối. Trong đó cần lưu ý mẫu tự đơn –c và mẫu tự ghép –ng khi chúng đi theo sau các âm o, ô và u. Xem hình dưới đây:
H8. Mẫu tự cuối
Như vậy, chúng ta đã phân biệt giữa tên ký hiệu một mẫu tự với cách đọc của mẫu tự đó trong một chữ (hay từ). Từ đây chúng ta có thể phân biệt rõ rằng tuỳ theo vị trí của mẫu tự mà có cách đọc thích hợp. Có thể có quý vị bảo rằng tại sao chúng ta làm cho rắc rối như vậy mà không theo cách xưa cho khoẻ? Xin thưa, không phải làm cho rắc rối mà từ thực tế hệ thống này chúng ta phải nắm vững. Chúng ta vốn thờ ơ với tiếng Việt nên xem thường nó. Cũng vì không hiểu rõ điểm này nên có nhiều sinh viên Việt tại các trường vẫn không hiểu tại sao người ta nói He got an F ‘Nó bị điểm F.’ F là một mẫu tự có tên mà khi đọc sẽ thành [Ef]. Do đó mạo từ a phải đổi thành an trước một nguyên âm. [E] trong [Ef] chính là nguyên âm vậy. Do đó phải nói an F, an L, an M, an N, an R, an S, an X, nhưng a U, a unit, a university [junivÔ’sIRi]. Mẫu tự u đọc là [ju], bắt đầu bằng [j] là một phụ âm nên a không đổi. Xin xem lại H6 về bảng mẫu tự tiếng Việt xem một mẫu tự khi đọc lên có mấy âm thì thấy ngay. Ðừng lẫn lộn giữa chữ F và âm [f[. Âm [f[ trong tiếng Anh có ba cách viết khác nhau: father; photo, enough. Chữ ph trong tiếng Việt lại có hai cách đọc khác nhau – [f] và [¸]! Chữ thought trong tiếng Anh có 7 mẫu tự (5 phụ và 2 chính) mà đọc còn 3 âm [Tt]. Tương tự, tiếng Việt viết nghênh gồm có sáu mẫu tự (6 phụ một chính) nhưng đọc thành có 3 âm: ngh [N]; nh [ø ] và ê [e] = [Neø ]. Hệ thống ngữ âm tiếng ViệtTiếng Việt thuộc loại đơn âm (phonologically monosyllabic) nghĩa là chữ ngắn chữ dài gì cũng đọc thành một vần (one syllable) bao gồm nguyên âm V (vowel sound) và phụ âm C (consonant sound) được kết hợp thành ba hình thức CV, CVC hoặc VC: - Hình thức CV (phụ âm + nguyên âm): ba [ba], ghê [ge], nghê [Ne] - Hình thức CVC (phụ âm + nguyên âm + phụ âm): ban [ban], ghềnh [geø], nghếch [Nec] - Hình thức VC (nguyên âm + phụ âm): an [an], anh [aø], uyên [uIn]; ung [uNm] Ngữ âm tiếng Việt có vẻ rắc rối hơn về hình thức so với tiếng Anh, tiếng Pháp, nghĩa là cần phải nhớ ngay từ đầu những nguyên âm (vowel sounds), nhịp hợp âm (diphthongs), và tam hợp âm (triphthongs). Nhưng về lâu về dài, hệ thống này trở thành đơn giản và dễ dàng cho người sử dụng hơn so với hệ thống ngữ âm tiếng Anh. Một người không biết chữ Việt có thể mất hai tháng để nắm vững hệ thống ngữ âm Việt và sau đó có thể đọc tất cả chữ Việt nào cũng được. Trong khi người Anh-Mỹ suốt đời vẫn có những chữ không biết đọc. Mỗi lần như vậy họ phải dùng tự điển để tra cứu. Rất may cho chúng ta tiếng Việt tương đối ổn định về phương diện ngữ âm (phonologically consistent), nghĩa là chữ a đọc thành âm [a] ở mọi nơi nó xuất hiện, chứ không biến đổi lung tung như tiếng Anh. (Ngoại trừ vài thổ ngữ địa phương mới có sự thay đổi nhỏ.) Chỉ có phần mẫu tự phụ và khi đọc trở thành phụ âm thì mới đáng nói.
Mẫu tự phụ và phụ âm tiếng ViệtTrong H7 đã tóm lược, tiếng Việt có 17 mẫu tự phụ đơn và 11 mẫu tự phụ ghép, tạo thành 23 phụ âm căn bản. N ên nhớ, dù là đơn hay ghép, phụ âm tiếng Việt chỉ đọc thành một âm mà thôi. Trong số này 8 mẫu tự phụ có thể làm mẫu tự cuối. Nhưng 8 mẫu tự cuối này thì có 10 cách đọc khác nhau. Chữ c khi theo sau o, ô, u đọc thành [kp]: học, hộc, hục và ng theo sau o, ô và u đọc thành [Nm] ong, ông, ung. Nghĩa là với các chữ ngày thì môi phải ngậm lại. Các mẫu tự dưới đây cần phân biệt vì chúng đọc giống nhau nhưng cách viết lại khác nhau: - c + a ă â o ô ơ trong khi k + a e ê và y - g + a ă â o ô ơ u ư trong khi gh + e ê i - ng + a ă â o ô ơ u ư trong khi ngh + e ê i - ph đọc là [f] khi đi trước a ă â e ê i và ư nhưng đọc [¸ ] khi đi với o ô và u - Mẫu tự cuối c có ba cách đọc: a) [k] khi đi sau a ă â e và ư: bác, bắc, bấc, méc, mức b) [ch] khi đi với i như tíc-tắc, viết bíc; và c) đọc thành [k?p] khi đi sau o ô và u: mọc, mộc, mục - Mẫu tự ng cuối có hai cách đọc: a) [N] khi đi với a ă â e ư: ngang, căng, tâng, keng, sưng b) [N?m] khi đi với o ô và u: cong công, cung Mẫu tự nhị hợp và nhị hợp âmMẫu tự nhị hợp mà trước khi thường được gọi là nhị trùng âm. Trong một trường hợp mẫu tự nhị hợp luôn luôn có hai mẫu tự chính đi với nhau. Như vậy cần phải phân biệt là trong hai mẫu tự đó, một đóng vai chính gọi là nguyên âm và một đóng vai phụ gọi là bán âm. Âm kéo dài được biểu thị bằng hai dấu hai chấm ( :: ). Ví dụ, khi nói ai thì a sẽ đó vai nguyên âm và i đóng vai bán âm. Như vậy khi đọc lên chúng ta sẽ nghe [a] được kéo dài và kết thúc bằng [i ] rất nhanh = [a::i]. Ngược lại nếu nói oa thì o sẽ đóng vai bán âm trong khi a sẽ đóng vai nguyên âm. Do đó khi đọc thì [o] sẽ bị thúc ngắn lại để nhường chỗ còn lại cho [a] kéo dài ra = [wa::]. Xét cặp nhị hợp ui và uy cũng vậy. Trong ui thì u là nguyên âm và i làm bán âm. U phải được kéo dài và kết thúc bằng i rất ngắn và nhanh = [u::i. Ngược lại uy thì u là bán âm và y là nguyên âm. U phải thúc ngắn lại để y kéo dài = [ui::]. 29 mẫu tự nhị hợp này tạo thành 29 âm nhị hợp. Và chúng được chia làm ba nhóm rõ rệt: - Nhóm một nhiều nhất với 18 âm nhị hợp, bao gồm: ai ao au ay âu ây eo êu iu ia oi ôi ơi ua ui ưa ưi và ưu. Nhóm này không bao giờ cần mẫu tự phụ cuối chữ, các thanh dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng đều đánh trên hoặc dưới mẫu tự đầu: ái, ào, màu, máy, dấu, gậy, khéo, mếu, dịu, mỉa, ngòi, rồi, ... - Nhóm hai gồm 6 âm nhị hợp: iê oă oo uâ uô và ươ. Nhóm này luôn luôn cần đến mẫu tự phụ cuối (-c –ch, -ng, nh, -m, -n, -p, -t). Các dấu thanh đều đánh trên hoặc dưới mẫu tự thứ hai: biết, hoặc, voòng, luật, suối, hường - Nhóm ba gồm năm âm nhị hợp: oa oe uê uơ uy Nhóm này có khi cần có khi không cần đến mẫu tự phụ cuối (-c –ch, -ng, -nh, -m, -n, -p, -t): a) không có mẫu tự phụ cuối: hoa, khoe, thuê, huơ, tuy b) có thể có mẫu tự phụ cuối: hoan, khoen, tuênh, huờn, khuynh Với nhóm ba này, các dấu thanh cũng đánh ngay bên trên hay bên dưới mẫu tự thứ hai: hoà, khoẻ, thuế, huỡn, tuý, hoãn, khoẻn, tuếch, huợt, huỳnh Ðiều này rất quan trọng đối với trẻ em Việt Nam sinh ở ngoại quốc và người ngoại quốc muốn học tiếng Việt. Cho họ thấy quy luật tiếng Việt cũng chặt chẽ chứ không phải bừa bãi hay không có quy tắc gì. Mẫu tự tam hợp và âm tam hợp
iêu oeo oai oay uây uya uyê uyu uôi ươi ươu Trong 11 trường hợp này, ngoại trừ hai trường hợp (trong khung), tất cả dấu thanh đều đánh trên mẫu tự giữa: chiều, ngoèo, ngoài, ngoảy, khuấy, khuỷu, nguội cười, mưỡu. Hai trường hợp còn lại (trong khung) thì uya trong chữ khuya là chữ duy nhất và không cần dấu thanh nào. Cuối cùng trường hợp còn lại dấu thanh sẽ được đánh trên hay dưới mẫu tự cuối: xuyến, tuyệt, nguyễn, tuyển, nguyện. Trường hợp cần lưu ý: Vậy thì qua và cua thì đánh dấu thế nào? Xin đừng nhầm lẫn giữa hai chữ này. Tuy cả hai đều có dạng ua nhưng ua trong qua không phải là âm nhị hợp. Với qu + a = qua [kwa::]. Trong khi cua thì c + ua và đọc là [ku::a]. Do đó với qua, dấu thanh sẽ đánh trên a: quá, quả, quạ. Với cua thì dấu thanh đánh trên mẫu tự hay âm u: cúa, cùa, của. Còn ia trong gia và chia thì sao? ia trong gia không phải là âm nhị hợp vì gi + a; trong khi ch + ia thì ia mới là âm nhị hợp. Vài điều tâm sự của người viết a) Phận bạc của bảng mẫu tự tiếng Việt: Với một hệ thống có thể nói vỏn vẹn trong vòng chín trang giấy chúng tôi thiết nghĩ không đến nỗi khó đối với người thật tâm muốn tìm hiểu một cách thấu đáo tiếng Việt. Vậy mà hiện nay từ người già đến người trẻ tại Hoa Kỳ, bản thân chúng tôi chưa hề nghe ai đánh vần tên mình hay tên văn phòng, tên hãng xưởng bằng tiếng Việt cả. Ngay cả trên đài phát thanh người ta cũng đều dùng tiếng Anh để đánh vần. Thay vì nói đài KOGO 600AM là /ka o gê o sáu trăm a em/ thì họ lại nói /kây ô dzê ô, sáu trăm ây em/. Ðiện thoại cầm tay hiệu V- 300 thì nói /vi 300/ chứ không thèm nói /vê 300/. Nếu là vi thì three hundred luôn cho rồi. Từ đó cái bảng mẫu tự tiếng Việt bỗng nhiên bị mọi người bóp chết một cách tức tưởi. Cúi xin quý vị có lòng với tiếng Việt nên mạnh dạn đánh vần bằng tên mẫu tự tiếng Việt trong mọi trường hợp có thể. b) Các thầy các cô đừng cãi nhau a bê xê với a bờ cờ nữa. Xin các thầy cô ở các trung tâm Việt ngữ nên dành chú thì giờ để suy ngẫm xem chúng ta có nên áp dụng nguyên tắc ngữ học của thế giới vào việc dạy tiếng Việt một cách khoa học, hay cứ việc nhắm mắt làm bừa theo kiểu “trước bày nay làm” hoặc “cha tôi nói thế tôi tin thế” của thời “bình dân học vụ” của thời thập kỷ 1940. Khi học tiếng Anh, không ai thắc mắc có nên đọc vần abc là ây bi xi hay a bờ cờ đâu mà hễ khi nói đến tiếng Việt thì lại cãi nhau? Tiếng Việt đang thiếu danh từ kỹ thuật, chúng ta nên chuyên chú vào việc tìm một giải pháp cho lãnh vực này thì tốt hơn. Hy vọng bài viết này sẽ giúp quý vị một lối giải thích thoả đáng để các lớp tiếng Việt có được một căn bản vững vàng, giúp cho căn nhà tiếng Việt thêm tươi thắm. c) Có lần nọ, một sinh viên đến nói với chúng tôi: “Thầy biết không, em ghi danh tiếng Việt nhưng bị cha em ngăn lại và nói rằng: ‘Ðể về nhà ba dạy tiếng Việt cho chớ cần gì phải ghi danh học ở trường cho mất tiền và mất thì giờ!’” Trời ơi! Chắc chắn không một ông cha người Mỹ nào dám nói với con họ câu đó, vậy mà ông cha Việt Nam này lại buông lời như vậy. Chúng tôi thấy tội nghiệp cho tiếng Việt chúng ta quá! Xin quý phụ huynh nếu có lòng với vận mệnh tiếng Việt xin cho con em mình đến trường để học. Nhỏ thì đến các trung tâm gần nhà, lớn thì nên ghi danh vào các lớp ở trường đại học. Chúng tôi rất vất vả để có thể vận động được các chương trình tại các đại học, các trường cũng có thiện chí muốn nâng đỡ nhưng tiếc thay, không có sinh viên ghi danh học, nhất là các lớp cao - từ trung cấp trở lên. Do đó các lớp văn chương Việt Nam rất ít có sinh viên ghi danh! Xin quý vị cha mẹ sinh viên học sinh khuyến khích con em mình ghi danh học các lớp tiếng Việt, nhất là các lớp cao cấp tại các trường đại học. Ước mong những lời tâm sự tha thiết của chúng tôi có thể lay động được tình thương yêu tiếng Việt của quý độc giả mà tiếp tay với chúng tôi lội trên dòng nước ngược này. |
Xin vui lòng liên lạc với
haphuonghoai@gmail.com về tất cả
những gì liên quan đến trang web nầy
|