|
Những con đê
làng
Ðể
ngăn nước lũ, người xưa đã đắp nên những con đê. Ðê gắn với dòng sông, với
làng mạc trù phú từ bao đời nay. Ðê góp mặt vào những sinh hoạt đời thường
của con người, để lại những kỷ niệm thiết tha và ý nghĩa.
Hai bên bờ những dòng sông đều có con đê. Những con đê ngăn dòng nước lũ
tràn lan, chia thành vùng đất trong đồng và ngoài bãi. Ðê giữ lũ cho xóm
làng có một cuộc sống bình yên. Những con đê cứ uốn mình theo dòng sông,
khúc cong, khúc thẳng như hình với bóng.
Những con đê là những con đường giao thông, nối tình người của những miền
đất xuôi, ngược, mang những vật phẩm, hoa trái của miền nọ, giao hảo với
miền kia. Ðê là những con đường cao ráo sạch sẽ. Dẫu có mưa dầm dề cũng
không thể nào đọng nước. Và gió mặt đê cũng thỏa sức thả hết tốc độ của gió,
lau sạch những bụi bặm trên mặt đường mà trận mưa rào chưa rửa hết.
Bờ đê, nơi thoáng gió ấy, là những "bệ phóng" lý tưởng của những cánh diều
tuổi thơ. Cỏ bờ đê là những bãi chăn thả dự trữ của những đàn trâu, bò, gà
tây, đàn ngỗng trong mùa lụt. Khi cánh đồng đã lên xanh, khi dòng sông đã
nhấn chìm hết những bãi non, bãi già thì những đàn gia súc, gia cầm ấy chẳng
hẹn cũng gặp nhau trên bờ đê. Những người chủ bé của chúng cũng gặp nhau
cùng thi thả diều.
Với tuổi dậy thì, con đê là điểm hẹn hò đáng yêu, đáng nhớ. Mấy ai ở tuổi ấy,
ở những nơi ấy chả có đôi lần gặp nhau, đợi nhau trên bờ đê. Nhà thơ Nguyễn
Bính, con người "chân quê" xưa, chả đã có lần thốt lên:
Hôm qua em đi
tỉnh về
Ðợi em ở mãi con đê đầu làng...
Câu thơ của thi sĩ đã nói hộ bao người. Nói hộ
bao trái tim đôi lứa sinh ra bên những con đê làng.
Những loài cây cỏ bên bờ đê cũng đặc biệt lạ lùng. Loài cây trinh nữ và loài
cỏ may, hai loài cây ấy hầu như triền đê nào cũng có. Trinh nữ bò lan mặt
đất, lá như lá me, hoa nở từng chùm, bông hoa tròn như bông hoa tai nàng
công chúa trong cổ tích. Hễ ai động bàn tay vào, lá trinh nữ cụp lại, héo rũ,
tái nhợt như người con gái lần đầu tiên gặp người mình yêu.
Thuở trước, khi mùa cưới bắt đầu, những tràng
pháo nổ râm ran. Người làng đứng trên đê nhìn xuống có thể thấy những làn
khói xanh bốc lên trước ngõ nhà nhau. Chàng trai hay cô gái nhìn khói pháo,
giật mình tưởng việc của mình sắp đến. Trẻ con đứng trên đê nhìn khói pháo,
rủ nhau chạy ùa xuống ngõ xem mặt cô dâu chú rể.
Ðó là hình ảnh của những con đê làng thời chưa xa lắm. Hôm nay ta đi trên
mặt đê, lòng cảm tạ cha ông xưa, người đã sáng tạo ra những "vạn lý trường
thành" ngăn giặc lũ, cũng là nơi manh mối nghĩa tình. Cuộc sống hôm nay trên
mặt đê diễn ra nhộn nhịp. Những đám đón dâu, đưa dâu không còn phải đi bộ.
Những xe hoa lăn bánh trên mặt đê, xe ngược, xe xuôi gặp nhau trong những
ngày lành tháng tốt.
Làng tôi bên kia sông Hồng, một làng ven ngoại thành Hà Nội, cũng có một con
đê trải bao đời như thế. Những nỗi lo mùa lụt hằng năm vẫn canh cánh người
dân quanh vùng. Lịch sử sắp sang trang một thiên niên kỷ mới. Và những con
đê quanh vùng ven cũng đổi đời. Những con đê bên bờ Hà Nội sẽ trở thành con
đê bê-tông cốt thép để bảo vệ nội thành. Sau những nỗi mệt
nhọc lo âu thường nhật, chiều chiều ra đê đón gió mát lạnh của sông Hồng,
tôi mới hiểu con đê trong tôi tha thiết và ý nghĩa biết chừng nào.
Thanh Hào (Báo Giáo dục và thời đại)
|