|
Ðình làng ở Việt Nam Bất kỳ một làng quê nào ở Việt Nam cũng có một ngôi đình. Ðình là ngôi nhà công cộng của làng quê thời xưa, dùng làm nơi thờ Thành Hoàng và họp việc làng. Ðó là một ngôi nhà to, rộng được dựng bằng những cột lim tròn to thẳng tắp đặt trên những hòn đá tảng lớn. Vì kèo, xà ngang, xà dọc của đình cũng làm toàn bằng gỗ lim. Tường đình xây bằng gạch. Mái đình lợp ngói mũi hài, bốn góc có bốn đầu đao cong vút lên, có hình đuôi con chim phượng uốn cong. Trên nóc đình là hai con rồng chầu mặt nguyệt. Sân đình được lát gạch. Trước đình có hai cột trụ cao vút, trên đình được tạc hình con nghê. Trong đình, gian giữa có bàn thờ, thờ một vị thần của làng gọi là Thành Hoàng. Một chiếc trống cái cũng được để trong đình để đánh vang lên theo nhịp ngũ liên thúc giục dân làng về đình tụ họp bàn tính công việc của làng. Vào những ngày lễ, tết, dân làng đến đình thắp hương tế lễ nhộn nhịp, cầu mong Thành Hoàng và Trời đất giúp cho mưa thuận gió hoà, cày cấy, làm ăn thuận tiện và có nhiều phúc lành. Mùa xuân đến, sân đình trở thành một sâu khấu hát chèo hoặc để đấu vật, chọi gà, múa hát giao duyên. Xung quanh đình thường có những cây đa cổ thụ vẫy gọi chim về làm tổ, ríu rít âm thanh, có giếng nước rộng trong vắt làm nước ăn và để các cô gái làng xinh đẹp đến soi gương làm duyên. Trước đình thường có một hồ nước trống sen, hương thơm ngào ngạt... Ðình làng còn là nơi trai thanh nữ tú trong làng hẹn hò tình yêu. Ngôi đình làng Việt Nam cổ kính, trang nghiêm, ẩn mình sau luỹ tre xanh mướt là một tác phẩm nghệ thuật của con người hoà nhập trong làng quê. Lã Ðăng Bật (Theo Việt Nam du lịch) Mời Nghe bài Cái Đình Làng Ta của Nguyễn Tường Quý: Cái Đình Làng Ta |
Xin vui lòng liên lạc với
haphuonghoai@gmail.com về tất cả
những gì liên quan đến trang web nầy
|