Chùa Mía thuộc làng Mía, nay thuộc xã Đường Lâm,
thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, cách Hà Nội khoảng 45 km về phía tây. Chùa Mía
còn có tên chữ là Sùng Nghiêm Tự.
|
Cổng vào chùa Mía |
Chùa Mía được xây dựng vào thời Trần. Đến thế kỷ 17, chùa
đã bị đổ nát, hoang phế nhiều. Năm Đức Long thứ tư (năm 1632), bà Nguyễn Thị
Dong, vợ chúa Trịnh Tráng (1632 - 1657), được nhân dân tôn kính gọi là Bà
Chúa Mía, đứng ra hưng công để xây dựng lại. Chùa nằm trên một ngọn đồi đá
ong, có quy mô lớn, được tách ra làm ba khoảnh tách bạch. Phía ngoài cùng là
gác chuông, tiếp đó là mảnh sân, ở phía bên góc phải là một cây đa vài trăm
tuổi, tán lá sum suê che mát cả một khoảng rộng, tạo cho khu chùa Mía một
cảnh yên tĩnh mát mẻ và linh thiêng. Qua một cổng gạch là đến dãy nhà thụ
trai (nơi ở của các nhà sư). Tiếp đến là khu nhà chính gồm: Nhà bái đường,
chùa hạ, chùa trong và thượng điện.
Ở nhà bái đường có một tấm bia đá được dựng vào năm bắt
đầu làm chùa (1632). Tấm bia đá này có chiều cao hơn 1,6 m, chiều rộng là
1,2 m đặt trên một con rùa đá đồ sộ làm chúng ta nhớ đến những con rùa đội
bia đá trong Khuê Các Văn Miếu. Nội dung của tấm bia ghi lại công đức Bà
Chúa Mía xây chùa . Đây là một trong những tấm bia to đẹp còn lưu giữ đến
ngày nay.
Chùa hạ và chùa trong nối với nhau bằng hai dãy hành lang
bao quanh lấy khu thượng điện, kiến trúc được làm theo kiểu chuôi vồ. Tại
đây, tất cả những chỗ làm bằng gỗ đều được chạm trổ rất đẹp.
Gần gác chuông và cây đa cổ thụ là tòa bảo tháp Cửu phẩm
Liên Hoa cao 13 m thờ vọng Xá Lợi đức Phật.
Tòa gác chuông làm theo kiểu kiến trúc chồng diêm hai
tầng tám mái. Các góc mái đều gắn đao triện. Sàn nhà bằng gỗ, ở tầng gác có
hàng lan can tiện. Các ván long, xà nách đều được bào xoi cạnh và chạm trang
trí đề tài hoa lá. Ở đây có một tấm bia năm 1621, một tấm bia năm 1750. Trên
gác treo một quả chuông đồng đúc năm Cảnh Hưng thứ tư (1745) một khánh đồng
đúc năm Thiệu Trị thứ sáu (1846).
Trong chùa Mía có rất nhiều tượng, có 287 pho tượng lớn
nhỏ, trong đó có 6 pho tượng đồng, 106 pho tượng gỗ và 174 pho tượng bằng
đất luyện được sơn son thếp vàng. Các pho tượng này dù được đúc, nặn, hay
được chạm khắc cũng đều thể hiện tính nghệ thuật cao qua sự khéo léo, tài
hoa của những người thợ xưa. Nhiều pho tượng được xem như những tác phẩm
nghệ thuật tạo hình ở Việt Nam. Điển hình nhất là ở tòa thượng điện có một
bộ tám pho tượng Bát Bộ Kim Cương làm bằng đất luyện. Mỗi pho tượng là hình
tượng một võ tướng đang trong tư thế chuẩn bị chiến đấu để trừ tà bảo vệ
phật pháp. Hình khối, bố cục vững chắc, thân hình cân đối, đường nét thoải
mái và khỏe. Nếu ở chùa Tây Phương có các pho tượng La Hán diễn tả hết nội
tâm của con người thì ở chùa Mía các pho tượng Bát Bộ Kim Cương cũng được
coi như những điển hình nghệ thuật, đã miêu tả ngoại hình, dung mạo những
con người giàu tinh thần thượng võ.
Ngoài ra, ở hai dãy hành lang còn có các pho tượng tuyệt
tác như: Tượng Tuyết Sơn (cao 0,76 m), trông không lớn như tượng Tuyết Sơn ở
chùa Tây Phương.
Nổi bật nhất trong chùa Mía là tượng Quan Âm Tống Tử (cao
0,76 m), thường được gọi là tượng Bà Thị Kính. Tượng này diễn tả một người
phụ nữ thùy mị, có duyên, vẻ mặt hơi buồn nhưng rất hiền từ nhân hậu, ẵm một
đứa bé bụ bẫm kháu khỉnh. Đường nét chạm khắc mềm mại, trau truốt.
Với những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc độc
đáo, với quy mô bề thế và đẹp. Chùa Mía đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp
hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật. |