Home Tìm Ca Dao Trợ Giúp Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Ca Dao theo Chủ Đề
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
  Quảng Ngãi Và Danh Thắng

Quảng Ngãi là sự hoà hợp của những dòng sông xen lẫn núi đồi, ghềnh thác cùng nhiều di tích, kiến trúc cổ: di chỉ văn hoá Sa Huỳnh, chùa Thiên Ấn, thành cổ Châu Sa, chứng tích Sơn Mỹ, địa đạo Đám Toái… và với nhều danh lam thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và hữu tình như : Thiên Ấn niêm hà, Cổ luỹ Cô thôn…. Quảng Ngãi còn được nhắc đến với các bãi biển sạch, đẹp và giá trị để phát triển thành khu du lịch nghỉ dưỡng hấp dẫn như Mỹ Khê (Sơn Tịnh), Sa Huỳnh (Đức Phổ), Khe Hai- Dung Quất (Bình Sơn), Minh Tân, Đức Minh, Tân Định (Mộ Đức).

 [IMG]

 

Hai thắng cảnh không thể không nhắc đến của Quảng Ngãi là sông Trà Khúc, con sông lớn nhất tỉnh và núi Thiên Ấn, ngọn núi từ xưa đã được xem là "đệ nhất phong cảnh" của tỉnh với mỹ danh "Thiên Ấn niêm hà" (ấn trời đóng trên sông).

Sông Trà Khúc mê hoặc du khách với vẻ đẹp thanh bình và thơ mộng của một con sông mềm mại, uốn lượn. Núi Thiên Ấn là hành trình thú vị chinh phục cũng như một cơ hội khám phá "xứ ngọt mía đường" khác từ trên cao với trời tây là rặng Thạch Bích sừng sững, biển cửa Đại Cổ Lũy lấp lánh ánh bạc, núi Long Đầu với mình rồng uốn lượn, núi Thiên Bút với cái mỹ danh "Thiên Bút phê vân (Bút trời vẽ mây), cầu Trà Khúc, sông Trà Khúc, nổi bật giữa những dải cát trắng. Bên cạnh đó, đến núi Thiên Ấn, bạn còn có dịp chiêm bái ngôi chùa trên núi, nhấp ngụm nước ngọt lạ ở giếng Tiên hay ghé thăm mộ của danh sĩ Huỳnh Thúc Kháng.


* Biển Dung Quất

 [IMG]

Nằm về phía đông bắc cách TP.Quảng Ngãi khoảng 45 km. Biển Dung Quất có độ sâu lý tưởng. Bến Dung Quất đang được xây dựng thành cảng nước sâu cho tàu hàng vạn tấn cập bến. Trong tương lai Dung Quất trở thành cảng dầu khí lớn nhất Việt Nam. Với thành phố Vạn Tường hiện đại xây dựng trong nay mai, Quảng Ngãi, mảnh đất giàu tiềm năng, điểm thu hút đầu tư nước ngoài ở miền Trung và là điểm du lịch hấp dẫn khách trong nước và ngoài nước
*Nét đẹp Sa Huỳnh, Biển Dung Quất

 [IMG]

Sa Huỳnh nằm ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc huyện Đức Phổ, cách TP.Quảng Ngãi 60 km. Sa Huỳnh là bãi biển đẹp, nổi tiếng là vựa muối quan trọng ở miền Trung. Bãi biển Sa Huỳnh nằm sát quốc lộ 1A, ở km 985, có ga xe lửa Sa Huỳnh, cho nên từ Hà Nội vào hay từ thành phố Hồ Chí Minh ra, du khách có thể dừng chân ghé lại đây rất thuận lợi. Địa danh Sa Huỳnh phải viết cho đúng là Sa Hoàng, có nghĩa là cát vàng. Thật vậy, màu cát ở đây không trắng như ở nơi khác mà lại có màu vàng óng ánh thật đẹp. Sở dĩ, phải viết thành Sa Huỳnh, vì chữ “ Hoàng” trùng tên Chúa Nguyễn Hoàng thời Nguyễn sơ.

 [IMG]

Bến cá Sa Huỳnh Bãi biển Sa Huỳnh chạy dài đến năm, sáu km, cong cong hình lưỡi liềm. Đáy biển thoai thoải, không có bãi đá ngầm, có thể là những bãi tắm lý tưởng đối với du khách đến đây nghỉ hè, vui chơi và tắm biển. Ngoài ra, Sa Huỳnh còn có thắng cảnh ghềnh đá Châu Me, Đảo Khỉ… thu hút du khách vào các ngày nghỉ cuối tuần và các ngày lễ tết. Để phục vụ khách du lịch, ngành du lịch Quảng Ngãi còn xây dựng tại đây khách sạn Motel Sa Huỳnh để đón khách đến nghỉ ngơi, an dưỡng. Từ lâu, Sa Huỳnh được biết đến như là di chỉ khảo cổ học với “Văn hóa Sa Huỳnh “.

 [IMG]

Đầu thế kỷ 20, các nhà khảo cổ học người Pháp như Vinet, Labare, Colani đã phát hiện ở Sa Huỳnh hàng loạt mộ chum và nhiều hiện vật tiêu biểu cho nền văn hóa cổ xưa bị chìm khuất dưới lòng đất qua thời gian dài lịch sử. Các kết quả khai quật được nghiên cứu và kết luận, dải đất từ Đèo Ngang cho đến Đồng Nai (Nam Bộ) lên cả Tây Nguyên, từ sơ kỳ đồng thau cho đến sơ kỳ sắt đá nơi hiện diện một nền văn hóa độc đáo của nhân loại và được định danh bằng khái niệm “Văn hóa Sa Huỳnh”'.

Sa Huỳnh qua bao lần biến đổi đã trở thành nơi nghỉ mát, du lịch hè lý tưởng. Sa Huỳnh có đủ các món ngon đặc sản biển nhưng hấp dẫn nhất là món mắm nhum và cua huỳnh đế. Người Sa Huỳnh có câu: “Giàu chất của kho, nghèo lo hủ mắm”. Con nhum (cầu gai) đã hiếm và chỉ bắt theo mùa. Còn mắm nhum thì hiếm hơn. Mắm nhum Sa Huỳnh nổi tiếng cả nước, thời nhân Nguyễn, vua Minh Mạng hạ lệnh hằng năm địa phương phải “tiến” về kinh đô 12 cân mắm. Mắm nhum thời đó trở thành “mắm tiến”.

Sau mắm nhum là cua huỳnh đế. Đây là giống cua to con, cân nặng cả ký, toàn thân có màu đỏ gạch. Đã đặt chân đến Sa Huỳnh, du khách khó quên món cua luộc chấm muối. Mỗi người chỉ ăn vài con cũng đủ no nê. Khách có thể chọn vài xâu cua còn tươi rói mang về làm quà cho người thân. Sa Huỳnh còn là vựa muối lớn ở miền Trung, chẳng thua kém gì muối Cà Ná và muối Hòn Khói. Diện tích các cánh đồng muối ở đây chiếm gần 500 ha và hàng năm sản xuất hàng trăm ngàn tấn muối có chất lượng tốt. Muối Sa Huỳnh từ lâu có mặt khắp các thị trường miền Trung và Tây Nguyên, và dùng nhiều trong công nghiệp chế biến thực phẩm tiêu dùng.

Từ làng chài nghèo nàn và hoang sơ, Sa Huỳnh ngày nay đã trở thành một thị tứ nho nhỏ, xinh xinh nằm ẩn mình dưới hàng dương rủ bóng thướt tha và rừng dừa thơ mộng, là nơi mà ai đã đến một lần thì thông thể quên, không những vì cuộc mưu sinh ở đây dễ dãi mà còn vì tình cảm con người ở đây mộc mạc và thiết tha: Ngó ra ngoài bãi cát vàng, Cát bao nhiêu hạt, thương chàng bấy nhiêu Ngay cả như nhà thơ Xuân Diệu, sinh thời đã có một lần đến Sa Huỳnh, như đã cảm nhận được vẻ đẹp của đất, trời, biển nước ở đây và đã thốt lên: Hỏi mình biển đẹp vô ngần, Sóng xanh như đến dừng chân Sa Huỳnh
*Vẻ đẹp Sa Cần, Sa Huỳnh, Biển Dung Quất

 [IMG]

Sa Cần là một trong năm cửa biển của người Quảng Ngãi, nằm ở phía đông bắc huyện Bình Sơn, nơi sông Trà Bồng (hay sông Châu Tử) đổ ra biển. Sách xưa gọi Sa Cần là Thái Cần hay Thể Cần. Sông Trà Bồng chạy đến gần cửa biển thì mở rộng lòng, nước rất êm. Giữa lòng sông nổi lên một quả núi nhỏ với nhiều tảng đá lớn chồng chất lên nhau, gọi là hòn Bà, sách Ðại Nam Nhất thống chí gọi là "Ghềnh Thạch Bàn".


Cả vùng chung quanh cửa Sa Cần là một "hợp thể" của vẻ quyến rũ, thơ mộng, ngay bên cạnh Vũng Quýt, nay gọi là Dung Quất.

Bên cạnh hòn Ông, hòn Bà với những nét sinh động của tạo hóa, với cảnh sông nước êm đềm, ghe thuyền tấp nập, là các làng chài hai bên cửa biển rợp bóng dừa, rừng dương. Phía tả ngạn là xã Bình Thạnh, với bãi Khe Hai sạch sẽ nằm cách cửa biển không xa thu hút rất nhiều du khách đến nghỉ ngơi, tắm biển. Phía hữu ngạn là các xã Bình Ðông, Bình Thuận với các gành đá dựng đứng mặc sóng gió vỗ vào bờ. Cũng chính tại vùng này đang mọc lên nhà máy lọc dầu số và khu công nghiệp phức hợp Dung Quất. Cảnh vật Sa Cần càng thêm đem và thuận đường đi đến nhờ con đường mới mở về Dung Quất và cầu Trà Bồng mới xây cánh cửa biển chỉ một cây số.

Sa Cần không chỉ quyến rủ bởi vẻ thơ mộng của thiên nhiên mà còn hấp dẫn bởi nét sinh hoạt đặc trưng của ngư dân quanh cửa biển với tục thờ cá Ông, hội đua thuyền, hát bả trạo... Sa Cần còn cho du khách mênh mang cảm giác về thời gian, về lịch sử, khi biết cách đây hơn 530 năm (năm 1471), vua Lê Thánh Tông từng thân chinh đến cửa biển này trong cuộc Nam chinh lịch sử.

Bởi những lẽ đó, đến với khu công nghiệp và cảng Dung Quất, ta không nên bỏ qua Sa Cần, cũng như khi đến cửa Sa Cần, ta cũng nên đến với Dung Quất đang tấp nập các công trình dựng xây

 

*Thác Trắng,

 [IMG]

Thác Trắng nằm ở giữa huyện Minh Long. Từ trung tâm huyện lỵ Minh Long đi bộ chừng 40 phút là đến thác Trắng. Xung quanh thác Trắng là một vùng đồi núi rộng lớn chập chùng, ngút ngàn một màu xanh cây lá, thật thơ mộng, trong lành và yên tĩnh. Từ độ cao hơn 40m, dòng nước bạc tuôn trào như suối tóc của nàng tiên buông xõa theo ghềnh đá.

Đến Minh Long giữa những ngày tháng 6 âm lịch, là thời gian cao điểm của nắng nóng, nhưng bên thác Trắng chúng ta như ngỡ mình đang ở giữa những ngày mùa đông. Nơi đây còn có hai hồ nước tự nhiên gần kề nhau dưới chân thác, mỗi hồ khoảng trên 100 m³, nước xanh biêng biếc.
*Bãi biển Mỹ Khê,

 [IMG]

Bãi biển Mỹ Khê nằm trên quốc lộ 24B cách thị xã Quảng Ngãi 15 km, cách cảng Dung Quất 16 km và gần cảng Sa Kỳ, thuộc địa phận thôn Cổ Luỹ, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh. Mỹ Khê là bãi tắm lý tưởng của tỉnh Quảng Ngãi với không gian mênh mông, bãi cát mịn, độ dốc thoải, được che chắn kín đáo, chạy dài 7 km, phía sau là rừng dương xanh thẳm, bên cạnh là con sông Kinh mang vị ngọt của thượng nguồn đỏ về và vị mặn của biển đem lại nhiều đặc sản biển phong phú
Hàng năm khách đến bãi biển Mỹ Khê ngày càng đông. Ngoài việc nghỉ ngơi, tắm biển và hít thở bầu không khí trong lành, du khách còn có dịp thăm quan tưởng niệm khu chứng tích chiến tranh Sơn Mỹ. Tỉnh Quảng Ngãi đã có qui hoạch tổng thể khu du lịch Mỹ Khê với diện tích 342 ha để xây dựng các khu vui chơi, giải trí và nghỉ ngơi như khách sạn Mỹ Khê, khu camping dành làm nơi cắm trại.
 

*Biển Khe Hai,

 [IMG]

Biển Khe Hai thuộc xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, nằm cách QL1A (đoạn ngã ba Dốc Sỏi – Dung Quất) khoảng chừng 3 km về phía đông. Vào ngày hè, có đông đảo du khách của Quảng Nam và Quảng Ngãi đến đây tắm biển nghỉ ngơi.
Khe Hai có một bãi cát trắng mịn, rặng phi lao ngút ngàn song hành với bờ biển xanh. Phía tây có ngọn núi chạy dài từ bờ rồi lấn sâu ra biển tạo thành một nửa vòng cung rất đẹp, đó là dãy Bàn Than. Phía đông có hòn núi nhô lên gọi là Hòn Ông.
Từ bãi biển Khe Hai theo đường cao tốc đến cảng biển nước sâu Dung Quất. Nhà máy Lọc dầu số 1 và TP.Vạn Tường từ 5 – 7 km.
 

*Di tích lịch sử
Du lịch lịch sử được chia làm hai nhóm. Một là nhóm các thành cổ và nhóm các di tích chiến tranh. Nhóm các thành cổ gồm Cổ thành Quảng Ngãi, thành Châu Sa, hệ thống phòng thành Cổ Lũy, Thành Bàn Cờ, Thiên Ấn niêm và Long Đầu hý thủy. Nổi bật trong cụm này là thành Quảng Ngãi hay còn gọi là Cẩm Thành (Thành Gấm) được xây dựng theo kiến trúc theo kiểu vô-băng (vauban) và thành Châu Sa, thành cổ bằng đất duy nhất của người Chăm được tìm thấy đến nay.

Theo Wikipedia thì:

Thành nằm trên tuyến quốc lộ 24B đi cảng Sa Kỳ - Dung Quất, cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 7 km về phía đông bắc, phía nam giáp sông Trà Khúc, bắc giáp sông Hàm Giang về cảng biển Sa Kỳ. Thành có 2 gọng thành, nối thành nội với sông Trà Khúc. Thành Châu Sa(thành Hời) Niên đại TK X Vị trí: xã Tịnh Châu, Thành phố Quảng Ngãi, Quảng Ngãi, cách trung tâm TP. Quảng Ngãi 8 km về phía đông bắc,nằm ở ven bờ bắc, vùng hạ lưu sông Trà Khúc. Thành hình chữ nhật, gần vuông, chạy theo hướng bắc- nam; dài 580m, rộng 540m; thành có bốn cửa, mở giữa bốn phía tường thành; rất có thể đây chỉ là thành nội vì theo như khảo sát của Lê Đình Phụng(1988) thì thành còn có hai gọng kìm và vòng thành ngoài rất rộng. Thành đắp bằng đất, hiện tại đo được thành cao 4-6m, chận thành rộng 20-25m, mặt thành rộng 5-8m. Bốn góc thành hiện giờ có bốn ụ đất, có thể là dấu tích của bốn tháp canh. Quanh thành có hào nước rộng 20-25m. Cách thành 500m là khu tháp cổ Gò Phố. Ngô Văn Doanh thành Châu Sa là di tích dân sự lớn nhấttrong khu vực Quảng Nam- Quảng Ngãi thuộc châu Amaravati của Champa xưa. Niên đại của thành được xác định vào khoảng cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X. Cơ sở để xác định là tấm bia được tìm thấy trong khu vực thành. Bia Châu Sa có niên dại xác định là năm 903, trên bia có những thộng tinvề hai vị vua đu62 tiên của vương triều Indrapura (875-982) là Indravarman II và Jaya Simhavarman. Vì vậy thành Châu Sa ít nhất là đã tồn tại trong thời kỳ vương triều Indrapura. Đặc biệt gần đây phát hiện ra dấu tích lò gốm và những tấm đất nung có liên quan đến Phật giáo ở Núi Chồi. Bằng biện pháp so sánh Ngô Văn Doanh và các và một số nhà khao học khác đã xác định, các tiểu phẩm gốm ở Núi Chồi có niên đại thế kỷ X. Khi nghiên cứu Núi Chồi, phát hiện nhiều hiện vật có hình dáng, kích thước và các nhân vật thể hiện trên đất nung có nguồn gốc từ khu đền Chaya- của vương quốc Srivijaya, thế kỷ VII-XIII, miền nam Thái Lan. Ngoài ra còn phát hiện nhiều loại gốm với nhiều chủng loại hoa văn khác nhau. Đó là những bằng chứng chứng tỏ mối quan hệ giữa dân cư thành Châu Sa với các khu vực trong vương quốc Champa và các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á hải đảo. Như vậy ta có thể nói ít nhất là ở thế kỷ IX-X, thành Châu Sa là một trung tâm hành chính, kinh tế quan trọng của châu Amaravati, một địa điểm quan trọng thông thương với các nước trong khu vực.

Lịch sử

Năm 1924, kiến trúc sư người Pháp Henry Parmentier đã tìm thấy ở đây các di chỉ văn hóa và đưa về trưng bày tại Bảo tàng Điêu Khắc Chăm Pa ở Đà Nẵng. Các dấu vết cho thấy thành cổ Châu Sa đã từng là trung tâm kinh tế của châu Amaravati thuộc Vương quốc Chăm Pa trước kia.

Năm 1994, tức sau 70 năm được phát hiện, thành mới được công nhận là di tích cấp quốc gia của Việt Nam. Việc chậm công nhận di tích cấp quốc gia có thể đã ảnh hưởng đến việc bảo vệ thành cổ; do trước khi được quan tâm, bờ thành đã bị người dân địa phương làm đường. Hiện nay, đây là nơi thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ.

 

 [IMG]

Thành cổ Quảng Ngãi,

 

Lâu nay, các nhà khảo cổ học thường nhắc nhiều đến quần thể di tích Mỹ Sơn ở Quảng Nam hay những ngọn tháp sừng sững bên trời của Bình Định mà ít đề cập đến thành cổ Châu Sa ở trong khi đây gần như là thành Chămpa duy nhất còn sót lại.
Tại Quảng Ngãi có một thành cổ được đắp bằng đất của người Chăm: Thành cổ này có tên là thành Ðại La hay thành Châu Sa (vì nằm ở làng Châu Sa, nay là xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh) cách trung tâm thị xã khoảng chừng 7km về hướng đông bắc.

Nếu như Ðồng Dương ở Quảng Nam là Kinh đô của người Chăm thế kỷ thứ IX, X thì Châu Sa là thành lũy kiên cố và cũng là "trung tâm kinh tế" ở vùng phía nam. Theo các nhà nghiên cứu, Châu Sa được người Chăm xây vào thế kỷ thứ IX, đến đời Lê tiếp quản và gia cố thêm vào thế kỷ XV. Chu vi chừng 4km vuông, mặt thành rộng 4m, cao 6m, được đắp bằng đất.
Những cuộc chiến tranh liên miên cộng với thời gian một ngàn năm đã làm cho thành cổ này gần như bình địa nhưng những gì còn lại sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu hình dung được phần nào tính quy mô của thành. Hiện dấu tích chỉ còn 3km, bờ thành rộng 4m, chiều cao 6m... và là thành bằng đất duy nhất của người Chămpa được phát hiện tại miền Trung.

Khuôn viên của thành được bao bọc bởi những bờ hào khá sâu. Thành còn có hai gọng thành (gọi là càng cua) nối thành nội với sông Trà (do người Chăm rất giỏi thuỷ chiến nên thường xây dựng thành quách ở gần những con sông lớn).

Châu Sa là địa điểm có nhiều ưu thế về phòng thủ nên được các nhà quân sự chọn làm điểm xây thành. Nơi đây vẫn còn sót lại những hào thành có hình bàn cờ nổi với Cổ Lũy vốn là tiền đồn của người Chăm. Vào những đêm tối trời chỉ cần đốt lên một ngọn lửa ở đây là quan quân ở thành Châu Sa sẽ nhận ra tín hiệu cấp báo có quân giặc tới.

Ở gọng thành phía đông ngày xưa vốn là nơi sản xuất gốm. Qua khai quật người ta đã tìm thấy ở đây nhiều loại gốm với chủng laọi văn hoá khác nhau. Ở vùng của biển Sa Kỳ và bến sông Vực Hồng vùng Thu Xà cũng tìm được những mảnh gốm có cùng niên đại với Châu Sa. Ðiều đó đã nói lên sự giao thương mở rộng giữa thành cổ với khu vực phụ cận qua mạng lưới đường thuỷ.

Ngoài ra người ta cũng phát hiện ra nhiều hiện vật gốm cổ như thẻ bài để đeo trên người gọi là "cút". Các "cút" này dày 1cm, bề ngang 5cm và dài chừng 7-10cm. Cách thành Châu Sa chừng 500m có tháp cổ Gò Phố là nơi hành hương của các tín đồ Bàlamôn vào những ngày lễ. Trong thành cổ người ta còn tìm thấy dấu vết của một kho lương thực khá lớn.

Năm 1924, nhà khảo cổ học người Pháp Henry Parmentier đã phát hiện ra thành Châu Sa gồm toàn bộ phần đất của thành nội ngày nay và một “càng cua” ở phía đông. Ông tình cờ phát hiện trong khuôn viên của viên công sứ người Pháp ở Quảng Ngãi có một tấm bia mang nội dung ca ngợi công đức của vua Chămpa Indravacman II cùng xuất xứ của tấm bia này.

Năm 1988, Tiến sĩ khảo cổ học Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ) phát hiện thêm một “càng cua” nữa ở phía tây thành. Còn Tiến sĩ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi thì phát hiện thêm thành ngoại của Châu Sa, hiện vẫn còn thành đất dài 6km.

Your Ad Here

Vào khoảng cuối thế kỷ XV, người Việt tiếp quản thành Châu Sa và đặt trụ sở hành chính tại đây, cai quản thừa tuyên Quảng Nam (Từ Quảng Nam đến Phú Yên). Người ta đã phát hiện tại thành cổ này một con triện bằng đồng từ thời nhà Lê cai quản vùng đất này. Con triện hiện được lưu giữ tại Bảo tàng lịch sử TP. HCM.

Đáng tiếc là ngành văn hóa quá chậm chân trong việc công nhận di tích này để có cách can thiệp cần thiết nhằm ngăn chặn việc đào thành của người dân để làm nền nhà. Sự việc này diễn ra trong nhiều chục năm, mãi đến năm 1994 thì chấm dứt sau khi Châu Sa được công nhận là di tích văn hóa cấp quốc gia. Tuy nhiên, suốt 12 năm nay, Châu Sa vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt như nó đã từng chịu trận suốt một nghìn năm qua.

Nhóm du lịch dã ngoại gồm các địa danh như núi Răng Cưa với vẻ đẹp độc đáo cùng truyền thuyết đẹp về tình yêu đôi lứa của người Cor. Núi Cà Ðam biểu tượng cho lòng quyết tâm chống xâm lược của dân tộc này. Thác Bạc, một ngọn thác hùng vĩ với dòng chạy mạnh quanh năm tạo nên bản hùng ca hoang sơ và thuần khiết.

 [IMG]

 Núi Răng Cưa

Đặc sản Quảng Ngãi

 [IMG]

Cá bống sông Trà

Một nét hấp dẫn khác của Quảng Ngãi là những món ăn không giống bất cứ ở vùng nào trên cả nước, đó là cá Bống sông Trà, chim mía, kẹo gương, mạch nha, đường phổi và món Don… tất cả rất đậm đà hương vị của một miền quê; những lễ hội cầu ngư, đua thuyền của ngư dân vùng biển, những phong tục độc đáo của dân tộc H’rê, Cor, Cadong mang đậm sắc thái của Quảng Ngãi...
Các món bạn nên mua về hay bắt buộc thưởng thức ở Quảng Ngãi gồm 5 món ngọt bánh thuẫn, kẹo gương, mạch nha, đường phèn, đường phổi và hàng loạt các món mặn như cá bống sông Trà, don, gỏi cá cơm, mắm Nhum, chim mía, mắm cái…
 

 Bài Đọc Thêm

 

Di tích kiến trúc cổ
-------
1.Thành Châu Sa:
Tục gọi là thành Hời, nằm ở xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, đông giáp Đồng Dinh, tây giáp núi Bàn Cờ, nam giáp sông Trà Khúc, bắc giáp núi Đầu Voi.
Thành Châu Sa đắp bằng đất, gồm thành nội và thành ngoại. Thành nội có bình đồ hình chữ nhật, chiều nang 558m, chiều dài 586m, chân rộng 25m, cao 4,6m, bề mặt thành rộng 5,2m Thành ngoại có hai bờ chạy giáp sông Trà Khúc, dài trung bình 600m, có hình dạng càng cua, hào rộng 12m, trước có nước, chạy dọc bên ngoài thành, có thế phòng thủ kiên cố chống địch từ bên ngoài.
Thành Châu Sa được xây dựng vào khoảng thế kỷ IX, X nhằm bảo vệ mặt nam của kinh đô Trà Kiệu. Thành nằm gần sông, gần biển nên dễ giao lưu với bên ngoài.
 

2. Hệ thống phòng thành Cổ Lũy:
Nằm ở xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, hữu ngạn sông Trà và sát cửa biển, do người Chàm xây dựng vào khoảng thế kỷ IX, X, được người Pháp miêu tả là một cổ thành chắc chắn có tính quân sự.

Hện thống phòng thành là một tiền đồn gồm ba thành liên kết nhau nhằm nhăn thuyền bè đối phương vào cửa Đại Cổ Luỹ, có sự liên kết với thành Châu Sa ở tả ngạn sông Trà Khúc.

Hệ thống phòng thành Cổ Lũy có ba vòng thành: luỹ Cổ Luỹ, thành Bàn Cờ và thành Hòn Yàng.

Hệ thống phòng thành Cổ Luỹ liên kết vững chắc, cấu trúc khoa học, để phòng thủ và báo hiệu cho thành Châu Sa.
 

3.Thành Bàn Cờ:
Nằm ở thôn Phương Bình, xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa, do người Chàm xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ X. Thành đắp bằng đất, dựa vào một quả đồi tự nhiên, cao 25m, có 4 vòng thành vuông vức, chân xoãi rộng 11m, tạo hình thang cân. Đỉnh thành bằng phẳng, diện tích 500m2, ở đây không tồn tại một dấu vết kiến trúc nào, có thể là một vọng lâu dùng quan sát chung quanh. Nhân dân ở đây gọi là động Bàn Cờ, vì nó vuông vức tựa như bàn cờ.

Phía Tây thành, trên một chiều dài 900m ngổn ngang đá sa thạch chế tác, phía đông có nhiều đá điểm gốc. Từ đó, ta có thể nghĩ rằng thành này có liên quan đến việc chế tác đá của người Chàm.
 

4.Thành Cổ Quảng Ngãi:
Còn gọi tên là Cẩm Thành (thành Gấm) nằm cách Quốc lộ 1A 200m về phía đông, nay thuộc phường Nguyễn Nghiêm - TX Quảng Ngãi (thành Quảng Ngãi trước kia nằm ở làng Phú Nhơn, huyện Bình Sơn - nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh ). Thành được khởi công xây dựng năm 1807 ở Chánh Mông, huyện Chương Nghĩa (trên địa bàn di tích hiện nay) và đến năm 1815 thì hoàn chỉnh.
Cổ thành Quảng Ngãi kiến trúc theo kiểu vô-băng (vauban) có hình bình đồ vuông, mỗi cạnh trên 500m, tổng diện tích trên 26 ha. Mặt tiền của cổ thành quay về hướng bắc, nhìn ra kinh đô Huế. Thành lấy sông Trà Khúc làm nhược thuỷ, lấy núi Thiên Ấn làm minh đ7ờng, hai bên hữu long, tả hổ là núi Ông (Quảng Phú) và núi Đá Đen (Phú Thọ), lấy ngọn Thiên Bút làm hậu chẩm. Thành nằm giữa một vùng thiên nhiên đẹp, tạo nên sự tổng hòa cảnh quan kiến trúc ngoạn mục.

Hiện nay cổ thành Quảng Ngãi chỉ còn lại dấu tích đoạn bờ thành phía đông và phía nam. Hào thành bị lấp cạn ba phía, trừ phía tây mới được kè xây lại bằng đá. Kiến trúc cũ không còn. Tuy vậy, nhờ dấu tích bờ thành, trục đường đông tây, ta vẫn dễ dàng nhận biết mặt bằng tổng thể của cổ thành Quảng Ngãi.
 

5.Thiên Ấn niêm hà & Long Đầu hý thủy:
Nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, về phía bắc tỉnh lỵ Quảng Ngãi, núi Thiên Ấn chỉ cao hơn 100m, giống một cái triện (ấn), nhín phía nào cũng thấy núi có hình thang cân. Núi chỉ cách đầu cầu Trà Khúc chừng 2km về hướng đông, nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh. Đỉnh núi bằng phẳng, có một khoảng cây cổ thụ bao bọc ngôi chùa cổ, tương truyền được xây dựng từ thời vua Lê và qua nhiều lần trùng tu, còn lại di tích cửa tam quan rêu phong cổ kính. Trong khuôn viên vườn chùa có 7 "viên mộ" của các vị sư tổ trụ trì chùa, có giếng nước sâu gọi là giếng Phật, có quả chuông cổ gọi là Chuông thàn. Ngoài khuôn viên nhà chùa, trên khoảng đất thoáng đãng phía tây có phần mộ của chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, người đã gắng bó máu thịt với đất Quảng Ngãi thuở bình sinh.
Đường lên Thiên Ấn hình xoắn ốc, quang sườn núi có tranh mọc đầy,

"Bao giờ núi Ấn hết tranh, sông Trà hết nước anh đành xa em"
Đứng bên hữu ngạn sông Trà nhìn qua, ta có cảm giác như ngọn núi nằm ngay trên mặt sông Trà, nên được người xưa gọi là Thiên Ấn niêm hà (ấn trời đóng trên sông) với niềm tin thiêng liêng vào một vùng đất địa linh sinh nhân kiệt. Xưa Thiên Ấn được xem là đệ nhất thắng cảnh của Quảng Ngãi, chùa Thiên Ấn được xem là một trong những ngôi chùa nổi tiếng cả miền Trung. Năm Minh Mạng thứ 11 (1830), núi được liệt hạng danh sơn và ghi vào tự điển, có sắc phong "Thiên Ấn tự".

Từ trên đỉnh núi Thiên Ấn, tầm mắt có thể thu về một khoảng không gian bao la: xung quanh là những làng mạc, ruộng đồng ngát xanh, dòng Trà Khúc lượn lờ duyên dáng, tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ, đông là mặt biển bao la... Đỉnh núi gợi cho khách tham quan cái cảm giác thoát tục, thanh khiết, như thủ khoa Phạm Trinh xưa kia đã viết:

"Sông bên góc núi đua dòng biếc

Biển sát chân trời bủa sóng xanh

Giếng Phật mạch sâu mùi nước ngọt

Chuông thần đêm vắng giọng đưa thanh"
Đầu năm 1990, Bộ Văn hóa đã xếp hạng Thiên Ấn là một thắng cảnh của đất nước, bao gồm phần mộ chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng, Không xa Thiên Ấn, sát Quốc lộ 1A và ngay cạnh phía bắc cầu Trà Khúc là núi Long Đầu, từ phía đông bắc một dãy đồi thấp mấp mô chạy dài đến đây thì nhô cao lên và đâm vào vực sông Trà Khúc. Vào mùa lũ, nước cuộn xoáy nơi vực sông, người xưa hình dung như là đầu rồng đang giỡn nước, nên gọi là Long Đầu hý thủy. Đồng thời Long Đầu hý thủy còn gắn với câu chuyện vua Nam Chiếu chống Cao Biền. Ngày nay "đầu rồng" đã bị san ủi để làm bến xe, nhà cửa, chợ quán, phong cảnh hầu như đã bị tàn phá.
Để tạo nên vẻ đẹp của Thiên Ấn niêm hà và Long Đầu hý thủy phải kể đến con sông Trà Khúc. Từ xưa Cao Bá Quát đã ghé qua đây từng ca ngợi sông Trà với những vần thơ tuyệt diệu:

..Bãi uốn sông như sầu quặn khúc

Tối chìm, gió tựa - rượu hơi say...
Trước đây, Thiên Ấn, Long Đầu, sông Trà Khúc với những guồng xe nước, những chiếc thuyền buồm, thuyền chài trên sông, làng mạc ven bờ... đã tạo thành một bức tranh sơn thủy hữu tình nằm ngay ở mé bắc tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Ngày nay bờ xe nước không còn, Long Đầu đã trở thành phế tích. Thắng Cảnh này đã phần nào mất đi vẻ đẹp vốn có.
 

6.Những cảnh đẹp ở vùng Sa Kỳ - Cổ Lũy
Từ Thiên Ấn, Long đầu xuôi về hướng đông chừng 15km, ta sẽ bắt gặp những cảnh đẹp từ Sa Kỳ đến Cổ Lũy, thuộc vùng Mỹ Khê.
Bờ biển Mỹ Khê dài trên 10km, có 3 cảnh đẹp là: Cổ Lũy cô thôn, Thạch cơ Điếu tẩu, An Hải sa bàn.
Bờ biển Sa Kỳ - Cổ Lũy có hình cong lưỡi liềm, nước biển ngắt xanh, bãi cát vàng, sạch sẽ, có rừng phi lao rì rào quang năm, không khí trong lành, là nơi nghĩa mát và tắm biển rất tốt. Các quan chức Quảng Ngãi xưa thường đến đây nghĩ mát trong những ngày hè.
Thôn Cổ Lũy thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh là một mảnh đất rợp mát bóng dừa, vây bọc bởi sông nước và biển cả. Mặt sau thôn là sông Kinh, có rừng dừa nước xanh tốt, là căn cứ bất khả xâm phạm của đội du kích Tịnh Khê trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Vào những chiều sương khói mờ ảo, hoàng hôn vây phủ, từ trong đất liền nhìn ra, Cổ Lũy như bị tách biệt, gợi cảm giác cô liêu, nên được gọi là "cô thôn".
Từ Cổ Lũy đi theo hướng đông bắc tới của Sa Kỳ có mõm núi cao thuộc xã Tịnh Kỳ. Thôn An Kỳ, An Vĩnh của xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh hợp với thôn An Hải thuộc xã Bình Câu huyện Bình Sơn thành vùng Ba Làng An nổi tiếng trong kháng chiến chống Mỹ. Tại mõm An Vĩnh có nhiều phiến đá hình thoi xếp thẳng hàng như có bàn tay vô hình nào sắp đặt, dựng thành vách đá cao. Ở đây có một hang đá lộ thiên, sóng biển dội vào, nước trong hang sủi bọt như đang sôi lên, nên được gọi là Hầm Rượu. Lại có những vết lõm xuống mặt đá, hình dạng như dấu bàn chân, nên gọi là "bàn chân khổng lồ". Đứng chơi vơi ngoài mép nước là một tảng đá nhô cao, được gọi là "Thạch cơ điếu tẩu" (Ông câu trên gành đá).
Đất Tịnh Kỳ nằm sát cửa Sa Kỳ, đối diện đảo Lý Sơn, có đường biển nối liền với đảo. Tịnh Kỳ vừa nổi tiếng với nghề làm mắm (muới Xuân An, mắm Tịnh Kỳ - Ca dao) vừa là một làng ven biển thơ mộng.
Là một cửa biển được xây dựng thành cảng, một vùng nước rộng soi bóng những đồi thông, mõm núi, làng chài... Sa Kỳ là một bức tranh hoành tráng và mỹ lệ. Ở bờ bắc cửa biển có một bãi cát xoay tròn bốn phía và lõm xuống ở giữa, được gọi là "An Hải sa bàn" (mâm cát An Hải).
Vào giữa thế kỷ XIX, Trương Đăng Quế - một đại thần triều Nguyễn, lúc về già về sống ở quê, có một câu nói đầy lòng tự hào: "Nhất Huế, nhì đây Cổ Lũy co thôn". Người Pháp đã so sánh Mỹ Khê với những bờ biển chan hòa ánh nắng đẹp dẽ của họ ở miền nam nước Pháp. Các phi công và ký giả Mỹ cũng thừa nhận vùng bờ biển Sa Kỳ - Cổ Lũy là "một trong những bờ biển đẹp nhất Việt Nam". Vùng biển này còn có khu chứng tích Sơn Mỹ nổi tiếng.
Cảnh đẹp Sa Kỳ - Cổ Lũy là một điểm tham quan du lịch lý tưởng nếu được giữ gìn và tôn tạo tốt.…


Post ngày: 12/08/18 

Nguồn: Internet

 

 

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 12/08/18