|
Chùa
Kh'Leang
Theo một tài liệu ghi chép từ thư tịch
cổ Khmer thì vào giữa thế kỷ 16, viên quan cai quản vùng Sóc Trăng tên
là Tác đã cho xây dựng một nhà kho để tích trữ sản vật do nhân dân quyên
góp. Từ đó, ông đặt tên cho vùng đất mình cai quản là Srock - Khleang
(tiếng Khmer có nghĩa là xứ có kho, khi người Kinh đến, gọi trại âm ra
là Sóc Kha Lang rồi sau là Sóc Trăng).
Sau đó ông Tác vâng lệnh vua Chân Lạp
cho xây dựng một ngôi chùa và lấy địa danh đặt tên cho chùa là chùa
Kheang. Từ đó đến nay, tên chùa vẫn không thay đổi.
Chùa Khleang là một tổng thể kiến trúc
gồm có: chính điện, sa-la (nhà hội của sư sãi và tín đồ), các nhà tụng
của sư sãi, nhà của vị đại đức, trụ trì, các tháp để tro cốt người chết,
lò thiêu người chết, hội trường… Toàn bộ các công trình toạ lạc trong
một khuôn viên rộng có vòng rào bao quanh, diện tích trên 3.800 m2 (gần
4 ha), cổng chùa quay mặt về hướng đông.
Chùa thuộc phạm vi khóm 5, phường 6,
thành phố Sóc Trăng; Đông giáp đường Mậu Thân; Nam giáp đường Nguyễn Chí
Thanh, Tây và Bắc giáp khu dân cư. Chùa cách trung tâm thành phố Sóc
Trăng gần 2 km.
Phương tiện đi đến chùa thuận tiện nhất
là đi bằng đường bộ: từ trung tâm thành phố, qua đường Hai Bà Trưng, qua
cầu C247, đi thẳng khoảng 500 m phía bên trái là đến chùa.
Cổng chùa Kh''''leang. Ảnh N.H
Hiện nay, tại chùa Khleang còn lưu trữ
một bản sao tài liệu ghi chép từ thư tịch gốc địa danh Sóc Trăng, sự
kiện xây dựng ngôi chùa đầu tiên và các nhân vật có liên quan trực tiếp:
Vào đầu thế kỉ 16, vua của nước Chân Lạp
là Ang Chăn tổ chức một chuyến đi kinh lý qua các lãnh địa xa xôi của
mình ở vùng hạ lưu sông Hậu (lúc đó kinh đô đóng tại Lô-véc, thuộc nước
Campuchia bấy giờ). Khi nhà vua dừng lại ngự giá ở Sóc Trăng một thời
gian mà không thấy có ngôi chùa Phật nào, ngài bèn ra lệnh cho viên quan
coi quản đất này phải xây dựng cho được một ngôi chùa để dân chúng có
nơi hành đạo.
Vâng lệnh vua ban, năm 1532 ông Tác bèn
triệu tập các tín đồ và đại diện dân sóc trong một cuộc hội nghị được tổ
chức trọng thể để truyền đạt lệnh vua; đồng thời ông kêu gọi mọi người
góp công, góp sức xây dựng ngôi chùa mới. Tất cả khi nghe tin này đều
rất hân hoan và đồng ý góp phần vào sự kiện thiêng liêng này. Kế đó, ông
Tác vạch rõ địa hình, địa thế của đất Sóc Trăng cho mọi người được rõ… Ở
cả ba hướng: Đông, Tây, Nam đều là đầm lầy, kinh rạch, rừng hoang có
nhiều thú dữ như cọp, voi, trâu rừng, rắn độc… còn hướng Bắc là nơi đất
cát cao ráo, ruộng đồng bằng phẳng. Ai nấy đều tán thành địa điểm xây
chùa ở hướng Bắc. Xong hội nghị, ông Tác liền mời mọi người theo ông đi
về hướng Bắc, đến nơi ông hỏi ba lần: “Hỡi các vị sư và các ngài, đây là
nơi có thể xây chùa được không?”, mọi người đồng thanh hô lên: “Rất tốt,
đây là nơi rất tốt để chúng ta xây chùa, xin ngài hãy cho xây một ngôi
chùa nơi đây để chúng tôi lưu lại phước đức cho đời sau”.
Địa điểm xây chùa đã được xác định, ông
Tác cho người đo đạc đất đai, khoanh vùng một khoảnh đất hình vuông rộng
4 ha, đóng cọc 8 hướng làm ranh giới. Sau đó, chọn ngày tốt để làm lễ
Krong Phum (tức lễ khởi công xây chùa, Krong Phum có nghĩa là các vị
thần và các tổ sư nghề nghiệp trong phum sóc). Khi cuộc lễ kết thúc một
lần nữa, ông Tác kêu gọi: “Tôi xin mọi người hãy đem lời kêu gọi của tôi
đi vận động thân quyến và dân trong toàn sóc, giải thích cho tất cả được
rõ ý nghĩa của việc làm này, hãy vì lòng tin tưởng đức Phật, vì lòng hảo
tâm mà đến đây đông đảo để xây dựng nhà chùa. Nhưng mọi người cần lưu ý
việc làm này không phải do sự cưỡng ép hoặc hăm doạ, mà vì tấm lòng
thành kính với đức Phật mà tự nguyện đóng góp. Dù đóng góp bằng sức lực
hoặc của cải vật chất, tinh thần tôi cũng xin mời mọi người hiệp sức xây
dựng để lấy phước đức và lòng được thanh thản.”
Kế hoạch xây chùa được vạch ra như sau:
- - Ngày khởi công là ngày 16 tháng 12 Phật Lịch
2076 (tức vào năm 1532 dương lịch).
- - Khai phá rừng rậm từ nơi ông Tác ở cho đến địa
điểm xây chùa.
- - Xây hàng rào vững chắc cho khu chùa và khu ông
Tác để phòng ngừa thú dữ.
- - Xây nhà tạm cho lực lượng nhân công ở.
- - Chùa được chia thành ba hạng mục chính:
- + Lấy đất từ ba cái ao,
- + Chính giữa xây ngôi chính điện bằng gỗ lợp lá,
- + Hướng đông bắc xây sa-la, am, nhà bếp… cũng
bằng gỗ lợp lá.
- - Sau khi xây cất xong sẽ mời sư sãi đến làm lễ
khánh thành.
- - Lễ khánh thành sẽ được kéo dài trong một tuần
lễ.
Một thời gian sau khi ngôi chùa mới hoàn
thành, ông Tác lại tổ chức hội nghị để chọn nhà sư trụ trì của chùa. Kết
quả, hội nghị đã chọn ông Thạch Sóc 61 tuổi, thọ giới đã 40 năm, lúc đó
đang tu tại chùa Luông Bassac (thuộc phạm vi huyện Mỹ Xuyên).Ông Thạch
Sóc còn kiêm luôn chức vụ Mê Kôn (chức vụ đứng đầu hội sư sãi của một
vùng lúc đó), còn sư phó và các chức vụ khác trong ban trị sự do ông
Thạch Sóc chọn.
Ngôi chùa đầu tiên không biết tồn tại
đến bao lâu, theo các vị sư hiện nay cho biết, ngôi chính điện và sa-la
mà chúng ta đang nhìn thấy đã được xây dựng lại hoàn toàn mới vào năm
1918. Theo lời một lão nghệ nhân, trong nhóm thợ xây dựng ngôi chính
điện có hai nghệ nhân được rước về từ Campuchia tên là Chao và Clao,
ngoài ra không tìm thấy tư liệu nào có liên quan đến việc xây dựng ngôi
chính điện từ trước năm 1918.
Ngôi chính điện được xây dựng từ năm
1918 (hiện nay không còn vết tích của ngôi chính điện cũ), có chiều dài
24 m, chiều rộng 13 m, được dựng lên trên một nền cao hơn mặt đất gần 2
m, nền gồm có ba bậc: bậc 1 cao 1m, các bậc hai 7m tạo thành vòng sân
đường nội bộ (để làm lễ), bậc 2 cao 0,8 m cách nền 3 là 4,5m có dựng
hàng rào bao quanh và trang trí hoa văn. Bậc nền 3 là mặt bằng ngoài
tráng một lớp xi-măng vôi có trang trí hoa văn theo các hoạ tiết riêng
biệt hình cánh sen hoặc các hình khối, tạo thành những đường viền cách
vách chính điện 1,50 m thành một vòng hành lang xung quanh chính điện.
Chùa Kh''''leang. Ảnh: V.L
Mặt bằng chính điện hình chữ nhật chạy
dài theo hướng Đông -Tây (cửa vào quay ra hướng Đông). Chính điện được
dựng bằng 06 hàng cột dọc gồm: 60 cây cột trụ, hàng 1 được dựng lan can
hoa văn, hàng 2 là hàng trụ vách, hàng 3 xác định gian giữa gồm 05 gian.
Trên 12 thân cột ở hai hàng thứ 3 có hoa văn viền ở phần đầu và chân cột
chạm hình hoa sen. Đặc biệt hình hoa sen ở chân cột ngắn hơn ở đoạn đầu
cột. Do đó, khi nhìn ta có cảm giác hai đoạn này cân xứng nhau. Giữa hai
đoạn này là phần gỗ được sơn mài đen, vẽ hình rồng hoa lá bằng nhũ vàng
theo mô típ của Trung Quốc. Chân vách phía bên ngoài được chạm nổi những
dãy hoa văn kết hợp thành một đường viền bao quanh ngôi chánh điện có
chiều cao 1,30 m, chỗ giới hạn trên đường viền được đặt cửa sổ dọc theo
tường dài, mỗi bên có 07 khung, cửa ra vào được đặt ở hai đầu chính
điện, mỗi đầu có 02 khung, cửa sổ có kích thước theo tỉ lệ 1/2 (1,2 m x
2,4 m), cửa cái cũng có tỉ lệ kích thước là 1/2 (1,6 m x 3,2 m).
Phía trên mỗi khung cửa là một ô trang
trí hoa văn được đắp nổi bằng xi-măng dạng chiếc mũ sơn màu vôi đỏ hình
tam giác cân, hai cạnh bên lõm vào, hai góc đáy cong lên. Toàn bộ khung
và cánh cửa của ngôi chính điện chùa là một kì công của nghệ thuật khắc
gỗ. Nơi đây còn lưu lại dấu vết, tài năng khắc gỗ của nghệ nhân Khmer mà
ta ít thấy ở nơi khác trên Đồng bằng sông Cửu Long. Trên hai cánh cửa
gỗ, các nghệ nhân thể hiện cuộc giao đấu giữa tiên nữ và chằn (Yeak). Cả
hai nhân vật một đại diện cho cái thiện, một cho cái ác quyết tâm giao
đấu một mất, một còn. Mình mặc giáp trụ, đầu đội mũ nhọn, người thì đứng
trên Reach cha sei, kẻ thì đứng trên Krud cả hai có vẻ trông như ngang
tài ngang sức. Bên cạnh đó là một hệ thống hoa văn chi chít những hoạ
tiết, bố cục gọn gàng đầy đủ, đường nét uốn lượn, uyển chuyển, nét đục
chắc khoẻ, tỉ mỉ, làm ta liên tưởng đến đôi bàn tay khéo léo, sự kiên
nhẫn lâu dài, bộ óc thông minh sáng tạo của người nghệ sĩ.
Một điểm đặc biệt cho ta thấy là các
nhân vật được khắc chạm trên khung cửa chính điện chùa Khleang đều phục
sức theo lối Khmer cổ. Trên thân mỗi bộ quần áo người ta thấy chi chít
những nét chạm hoa văn. Căn cứ vào bộ trang phục của các nhân vật, ta
thấy những hoạ tiết được kết hợp bằng các loại hình học (vuông, tròn,
chữ nhật, tam giác, hình thoi…).
Trên mái có các trang trí như là hình
vượn, rồng được xếp ở những ranh giới mà mái được nâng lên. Hình tượng
rồng của người Khmer khác với người Kinh và Hoa.
Đầu rồng mảnh mai, có sừng nhọn, uốn
lượn, thân rồng là thân của một loại cá (poo-cor) nên rồng không có
chân, trên lưng giương những đao móc nhọn cong về phía đuôi, hình tượng
rồng cũng được bố trí theo chiều dài đòn dông, nhưng đây là sự kết thúc
của tầng mái có độ cao nhất. Ở đây hình đầu rồng được đơn giản hoá, chỉ
còn mang hình dáng và chỉ lấy đặc trưng làm cơ sở để biểu hiện.
Ngoài ra, chung quanh chính điện còn có
các tượng khác. Trên tấm đà ngang ở cổng rào bậc nền 2 và dưới chân cột
ngôi chính điện có các hình tượng với gương mặt hung dữ như thần Reahu
được đắp nổi bằng xi-măng với đôi mắt nổi trợn trừng, nhe răng thè lưỡi,
tóc dựng ngược phun ra những trận cuồng phong. Ngoài ra trên đầu hàng
rào người ta còn dựng các tượng chằn bằng xi-măng cao khoảng 1,3 m đứng
cầm trượng chống đất trong tư thế bảo vệ chính điện và đức Phật, mình
mặc giáp trụ gương mặt trông thật hung tợn.
Ngoài và trong chính điện chúng ta còn
bắt gặp những mô típ tượng khác: hình chim muông hoa lá, hình tiên nữ
đang múa trên bầu trời, nhất là bao quanh phía trong chánh điện có các
hình hoạ mô tả về các tích của đức Phật Thích Ca từ lúc sinh ra cho đến
khi đắc đạo. Những hình tượng trên góp phần làm sinh động thêm ngôi
chính điện trang nghiêm của chùa Khleang.
Hiện nay, trong chùa Khleang có các hiện
vật sau:
- - Phật Thích Ca: tổng cộng 45 tượng (01 tượng
ngồi thiền định cao 2,5 m bằng ciment, 04 tượng bằng đá trắng cao từ
1m đến 1,8 m, 06 tượng đồng cao từ 0,2 m đến 0,4 m, 29 tượng gỗ cao
từ 0,2 m đến 0,5 m).
- - 02 tủ bằng gỗ chạm hoa văn sơn son thiếp vàng.
- - 01 ngai thuyết pháp bằng gỗ chạm hoa văn cao
1,2 m.
- - 01 tượng đồng Apsara cao 0,65 m.
- - Khoảng 30 đồ dùng sinh hoạt bằng bạc, đồng,
gỗ, nhựa… để trong tủ nơi chính điện.
Đến với thành phố Sóc Trăng, tìm thăm
chùa Khleang để thấy được sức hấp dẫn của một công trình nghệ thuật độc
đáo. Ở đó, các thiếu nữ Khmer trong trang phục truyền thống vào những
ngày lễ tết cổ truyền của dân tộc mình thật sinh động như những vũ nữ
Apsara trong điệu múa cổ truyền với sự dịu dàng, uyển chuyển theo dàn
nhạc ngũ âm vang lên từ không gian cổ kính của ngôi chùa. Dưới ánh nắng
vàng rực rỡ xuyên qua những tán lá của cây sao, cây dầu… những ngọn tháp
nhọn hoắt vươn thẳng lên bầu trời làm đẹp thêm ngôi chùa lâu đời của
vùng đất Sóc Trăng, vùng văn hoá có ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer sinh
sống. Ngày 27/4/1990 Theo Quyết định số 84/QĐ-BVHTT, Bộ Văn hóa Thông
tin đã công nhận di tích chùa Khleang thuộc khóm 5, phường 6, thành phố
Sóc Trăng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.
Chùa Khleang mang giá trị lịch sử, nghệ
thuật là một công trình kiến trúc thẩm mỹ hài hoà, cân xứng nhất; là
ngôi chính điện gắn liền với những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, đa dạng
mà hầu hết thể hiện nét đặc trưng trong nghệ thuật truyền thống của
người Khmer. Đồng thời cũng có những nét thể hiện tính giao thoa của
người Việt, Hoa. Do điều kiện trên chùa Khleang được xem là một trong
những công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu trong vùng Đồng bằng
sông Cửu Long. Di tích này đã và đang được bảo quản, bảo tồn nhằm phát
huy bản sắc văn hoá Khmer nói riêng và văn hoá chùa trên vùng đất Sóc
Trăng nói chung. Đây là một công trình nghệ thuật độc đáo của các bậc
tiền nhân mà tuổi trẻ hôm nay phải biết, kế thừa, gìn giữ và phát huy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- 1. Tư liệu: “Đất nước, con người thị xã Sóc
Trăng” của Ban Tuyên Giáo thị xã Sóc Trăng.
- 2. Tìm hiểu vốn văn hoá dân tộc Khmer Nam Bộ,
Nxb Tổng hợp Hậu Giang, năm 1988.
- 3. Gia Định thành thông chí - Trịnh Hoài Đức
(tập thượng), Nxb Phủ Quốc vụ khanh, năm 1972.
- 4. Tìm hiểu đất Hậu Giang - Sơn Nam, Nxb Phù Sa,
năm 1959.
- 5. Tư liệu lưu trữ tại chùa Khleang, chép tay
bằng tiếng Khmer.
- 6. Mấy đặc điểm văn hoá Đồng bằng sông Cửu Long,
Viện Văn hoá xuất bản năm 1934.
- 7. Lịch sử Cam-Pu-Chia, Nxb Đại học và Trung học
chuyên nghiệp Hà Nội, năm 1982.
Nguồn: soctrang.edu.vn |