MỘT LẦN ÐẾN
CHÙA THẦY
Bình An
---o0o---
May mắn
làm sao , hôm đó chúng tôi có dịp đi chùa Thầy vào đúng ngày
mồng một. Mùa thu xứ Bắc , trời không một chút nắng , thỉnh
thoảng có mưa lâm thâm . Người miền Nam ra Bắc chỗ nào cũng muốn
đi , muốn đến. Danh thắng này nằm trong chương trình tham quan
xứ Ðoài của đoàn chúng tôi từ trước: đến chùa Thầy để chiêm
ngưỡng những tác phẩm điêu khắc của nước ta thời nhà Lý, chưa
đến chùa Thầy coi như chưa ra đất Bắc. Khởi hành từ Ðại Lải ,
Vĩnh Phúc , ngược trở lại con đường đã đến từ hôm mới ra nhưng
thấy nơi nào cũng mới . Nước sông Hồng đang lên cao đỏ quạch
màu phù sa , nếu không có cái màu đỏ này cứ ngỡ như mình đang ở
miền Tây , và tôi chợt cảm thấy hạnh phúc vô cùng khi mình đã
có dịp đi qua hai dòng sông gắn liền từ thời thơ ấu trong những
cuốn sách địa lý mỗi khi tập vẽ bản đồ. Hà Nội hôm đó ngày chủ
nhật , dập dìu người đi đền , chùa cầu phúc và đặc biệt là hoa ,
nơi nào cũng thấy hoa , hoa hồng đóa nhỏ , lớn hơn hoa tiểu muội
ở miền Nam một chút , hoa chở trên xe đạp về phố , hoa bán trên
đường , trên phố .... Xe rẽ vào phố Chùa Hà , chật ních xe cộ ,
lớp người đi , lớp người dừng lại mua nhang , hoa , còi xe cứ
tin tin hết xe hai bánh đến xe bốn bánh , rộn ràng , nôn nóng .
Thoát khỏi nút giao thông chùa Hà, mới thấy nhẹ nhõm khi xe bắt
đầu ra ngoại thành về hướng Hà Tây .
Những
cánh đồng lúa xanh rờn , ngút mắt níu bầu trời xuống thấp hơn
một chút . Một vài ngọn núi đá vôi nhô lên nổi rõ trên nền tấm
thảm nhung xanh của lúa . Mười tám ngọn núi đá vôi , ngày xưa ,
vua Lý Công Uẩn khi đi kinh lý qua đây đã nói : “Ta thấy nơi đây
là nơi sơn kỳ thủy tú “ , và rót ba chén rượu đặt cho vùng đất
là Hạ Long cạn giờ chắc không còn đủ . Tôi chợt nhớ lại vùng
đất Ninh Bình vừa đi qua mấy ngày hôm trước , những ngọn núi đã
vôi đã bị ngoạm dần . Ðá vôi được nghiền làm xi măng , chỗ núi
mất đi đã thành nhà , thành phố. Một người trong đoàn , quê gốc
Ninh Bình ngâm nga : “Sơn kia rày đã nên nhà” với một chút ngậm
ngùi , luyến tiếc .
Thủy
đình hiện ra trong mắt , một đội quân tí hon tiến đến tiếp thị
: “Ðây là sân khấu rối nước , phim “Ðêm hội Long trì “ quay tại
đây, bác mua giúp cháu mấy con rối, kỷ niệm một lần đến chùa
Thầy...” . Một cô bé khoảng chừng mười lăm tuổi sẵn sàng thuyết
minh cho du khách mà không đòi hỏi một tí thù lao nào , miễn sao
chút nữa : “Bác mua giúp cháu ít quà”. Tôi đồng ý . Bằng một
giọng nói nhanh , líu lo như chim , Nga , cô bé thuyết minh kể
cho tôi nghe về chùa Thầy , nơi gắn bó từ thuở mới sinh ra đời,
những câu chuyện, những ngày tháng năm nằm lòng trong ký ức của
người dân sống trong vùng , từ đời này sang đời khác , bám lấy
chùa làm kế sinh nhai.
Chùa
Thầy tên chữ là “Thiên Phúc Tự” nằm ở chân núi Sài thuộc địa
phận xã Sài Sơn – huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây , cách Hà Nội
khoảng 20km về phía Tây Nam . Chùa được xây dựng vào thời vua Lý
Nhân Tông (1072-1127) lưu dấu tu hành của một vị cao tăng thời
Lý , Thiền sư Từ Ðạo Hạnh . Theo thiền phả thì Thiền sư họ Từ
tên tục là Lộ , con quan đô sát Từ Vinh , mẹ là Tăng thị Loan ,
quê ở An Lãng , huyện Vĩnh Thuận nay là làng Láng , huyện Từ
Liêm , Hà Nội .
Chuyện
kể rằng , từ thuở nhỏ Thiền sư đã có những hành động khác thường
. Lớn lên ngài ứng thi khoa bạch liên , đỗ đầu nhưng không ra
làm quan mà xuất ra hoc đạo , rồi cùng với ngài Giác Hải , không
lộ sang Tây Thiên (Aán Ðộ) cầu pháp . Khi đắc đạo , ngài trở về
núi Sài dựng gậy tích ngày đêm tập tụng. Khi lòng thiền được
rộng mở ngài đi khắp bốn phương tham thiền vấn đạo . Lúc ngộ
được tâm ấn Thiền sư trở về giảng đạo , dạy học, hái lá làm
thuốc giúp dân , tổ chức cho dân sinh hoạt văn hóa như đá cầu ,
đánh vật , múa rối nước .... Do đó nhân dân cảm phục kính mến
gọi thiền sư bằng một từ thân mật , gần gũi là “Thầy”. Chùa ngài
tu là chùa Thầy , núi ngày hóa đá là núi Thầy , làng ngài sống
là làng Thầy , thậm chí đến cả tổng cũng là “Tổng Thầy”. Theo
truyền thuyết phong thủy thì núi Sài là con rồng lẻ đàn (Qoái
Long) , sân chùa là lưỡi rồng , thủy đình là ngọc, còn xung
quanh “Thập lục kỳ sơn” là quy là phượng chầu về.
Ban đầu , chùa Thầy chỉ là thảo am nhỏ mang tên
Hương Hải . Nay tổng quan chùa Thầy gồm có : Trước chùa có hồ
Long Trì (ao rồng) giữa hồ có nhà thủy đình là hậu trường của
nghệ thuật biểu diễn trò rối nước trong ngày hội . Hai bên chùa
có hai chiếc cầu xây dựng theo kiểu “Thượng gia hạ kiều” , bên
trái là Nhật tiên kiều thông ra đền thờ tam phủ , bên phải là
Nguyệt tiên kiều bắc qua áo lên núi xây dựng vào năm 1602 do ông
“Trạng Bùng” xây cung tiến.
Toàn khu chính điện của chùa là một khuôn viên hình
chữ nhật gồm 3 tòa nhà to và dài xây song song hình chữ tam ,có
hai dãy hành lang chạy kèm hai bên , đầu hồi thờ A La Hán , sau
chùa là nhà tổ , gác chuông , gác trống hệ thống kiến trúc theo
kiểu “Nội Vương ngoại quốc” ngôi bảo điện đồ sộ chỉ có 36 mộng
chính , còn gỗ được xếp chồng lên nhau nhưng lại rất vững chắc.
Bước vào
chùa Thượng (chùa chính) , Nga nhắc tôi bỏ giày phía ngoài rồi
mới bước vào gian chánh điện . Nga thuyết minh cho tôi, gỗ trong
chùa chính là gỗ lấy từ Hòa Bình (Thanh Hóa) đưa về, khoảng hơn
100 tấn gỗ , chủ yếu là gỗ lim và toàn bộ những chi tiết đều
được kết nối bằng mộng , tất cả qua 7 lần trùng tu . Có hai cột
gỗ nguyên bản từ năm 930 bằng gỗ kim giao , là một loại gỗ phản
ứng ngả màu đen khi gặp độc được không hề bị mối mọt qua thời
gian , và người ta tính toán rằng hai cột gỗ này còn chịu được
cả ngàn năm nữa . Có ba gian thờ trong chùa chính : gian giữa
thờ tượng Phật A Di Ðà , gồm bên trái có tượng Ðức quán Âm , bên
phải là tượng Ðại Thế Chí , phía dưới là bệ đá “Bách Hoa Ðài”
tạc từ thời Trần thế kỷ thứ tám , bên trên để hòm lịch triều tôn
phong của Thiền sư , gồm có 36 sắc phong bằng giấy dó không hề
bị hư theo thời gian , dưới nữa là tượng Thiền sư nhập định trên
toà sen tạc vào thời Lý , thế kỷ thứ sáu , một án nhang bằng gỗ
vàng tâm, văn hoa chạm trỗ nguyên bản cách đây 500 năm có một
chỗ bị khuyết . Chỉ vào chỗ bị khuyết này, Nga bảo với tôi : “
Giả thuyết cho rằng ngày ấy con người không cao , mỗi lần đến
viếng chùa, mỗi người người chạm tay một ít lâu dần mòn đi như
thế”.
Gian bên
trái chùa chính thờ tượng toàn thân Thiền sư bằng gỗ chiêm đàn
đặt trong khám . Giọng líu lo như chim cô bé kể với tôi rằng :
Hàng năm vào ngày mùng 7 tháng 3 tổ chức lễ rước Thầy . Từ một
giờ chiều ngày mùng 5 là lễ Mộc dục, khám được mở cửa làm lễ .
Gian bên phải chùa chính thờ tượng vua Lý Thần Tông , là hậu
thân của Thiền sư . Tượng đức vua bằng gỗ mít , làm từ thế kỷ
mười lăm , đặc biệt ở gian này có một đôi chim phượng cũng bằng
gỗ mít , dưới chân là thân cây mít tròn có đường kính lớn hơn 1
mét bên trên tạc hình đôi phượng làm công tác đưa thư .
Bước
sang chùa Hạ , là nơi lễ bái và giảng đạo 2 ngày trong tháng.
Ngày xưa , trong ba tháng hè nơi đây có khoảng 300 vị sư về học
đạo . Vui nhất là khi chỉ vào bức phù điêu “Thập điện diêm
vương” bằng gỗ mít , mới được làm cách đây 5 năm , ghép gỗ chạm
trỗ hoa văn copy lại bản chính , cô bé líu lo: “Ở trên dương
thế người buôn bán điêu toa chết xuống âm phủ sẽ bị đưa vào vạc
dầu , người nào cân gian , cân dối chết sẽ bị quả cân đập vào
đầu.....” Như trả một bài học thuộc lòng , cô bé kể rành rọt
chuyện Mục Liên, Thanh Ðề, chuyện ân đền oán trả ..... nghe như
thật. Nhìn bức phù điêu hoành tráng quá , không kềm được tôi
hỏi một câu hơi “thực tế phũ phàng” : “Bức phù điêu này làm hết
bao nhiêu tiền vậy cháu?”. “Dạ 40 triệu đó bác”. Cô bé trả lời
rồi đưa tôi sang chùa Trung. Tôi ngoái nhìn lần nữa mái nhà
lợp bằng ngói mũi hài của chùa hạ , có những cây cỏ khô mọc
thẳng đứng lên mái ngói giống như những ngôi nhà cổ ở Hội An .
Nổi bật
nhất ở bên trong chùa Trung là tượng hai vị hộ pháp thật to lớn
. Cô bé Nga khẳng định với tôi rằng đây là hai tượng hộ pháp to
nhất nước , tượng ngồi mà đã cao đến bốn mét , được làm với hơn
hai tấn đất sét và giấy bản , cách đây khoảng 400 năm . Chỉ vào
hai tượng ông Thiện , ông Aùc , cô bé tròn môi : “Bác đừng tưởng
là ông Thiện tượng trưng cho việc thiện , ông Aùc tượng trưng
cho việc ác nhé . Ý nghĩa của ông Aùc ở đây là khuyên người ta
không làm việc ác mà phải làm việc thiện , gọi là cải ác đấy” .
Tôi gật gù ra chiều tán thưởng . Chùa Trung có rất nhiều tượng ,
từ vị Tuyết Sơn gầy ốm , phật Di Lặc tươi vui , Phật bà quan âm
thiên thủ , thiên nhãn , các vị sao Nam Tào Bắc Ðẩu đến Bát bộ
kim cương là tám vị tướng có sức khỏe và trí tuệ phi thường ...
Tất cả làm bằng thạch cao có từ thế kỷ mười tám. Bước chân ra
khỏi của chùa Trung , cô bé chỉ cho tôi xem một hòn đá chìm có
kích thước khoảng 2x1m và nói : “Ðây là hòn đá chìm mà thiền sư
Từ Ðạo Hạnh đã yểm bùa , hơn 1000 năm nay không xê dịch được ,
với ý nghĩa như là giữ gìn hiện vật trong chùa không bị mất cấp
, không ai có thể lấy được thứ gì trong chùa ra ngoài mà bước
qua khỏi hòn đá chìm này” . Tuy không tin dị đoan, nhưng nhìn
quang cảnh chùa ngày mùng một , dập dìu khách du lịch , người lễ
bái , trong tôi cũng nhen nhóm một ý nghĩ: “Chùa Thầy tồn tại
qua bao nhiêu năm , nhất là giữa những năm bon đạn ném xuống như
mưa trên đất Bắc , khiến lòng người không tin cũng phải tin”.
Tôi theo cô bé Nga ra khu vực bên ngoài chùa chính ,
qua hai chiếc cầu, đến đền Tam Phủ , rồi bước bãi cỏ nhìn bao
quát hết quang cảnh chùa , phía trước mặt tôi là ao rồng có thủy
đình nổi lên giống như một sân khấu rối nước , quay ra phía sau
trên núi cao kia có nhiều hang động như : hang Thanh Hóa , hang
Các Cớ , hang Gió , hang Phật sinh .... Và gần 50 chiếc bia đá
cổ nằm rải rác trên núi đang chờ thử sức bền của đôi chân mang
giày cao gót của tôi . Nhưng tiếng gọi của mọi người trong đoàn
đã làm tiêu tán ý nghĩ này : chúng tôi còn phải đi nhiều nơi
nữa trong ngày . Ừ thôi , thời gian có hạn , cũng là một dịp
“cưỡi ngựa xem hoa” khi ra xứ Bắc . Giá mà mình có nhiều thời
gian hơn để có thể ngắm nhìn tường tận kỹ càng một nơi mà tất cả
những người đi theo ngành mỹ thuật , điêu khắc của đất nước đều
phải đến đây nghiên cứu . Một di tích lịch sử cấp I của Quốc Oai
, một công trình kiến trúc độc đáo , một danh lam thắng cảnh nổi
tiếng của Bắc Hà .....
Tặc lưỡi tiếc nuối , tôi theo cô bé thuyết minh ra
ngoài và mua giúp một ít quà của chùa Thầy : bánh chè lam , kẹo
vừng , những con rối .... Lên xe , tôi ngoái nhìn lần nữa tổng
quan cảnh chùa Thầy , nhủ thầm sẽ trở lại một ngày nào đó , và
dứt khoát sẽ có bọn trẻ con đi cùng. Nhưng chắc là khi đó chúng
nó phải đủ lớn để hiểu được ý nghĩa công trình kiến trúc độc
đáo này và đủ sức khám phá cho bằng hết những hang động trên
núi kia.