Home Tìm Ca Dao Trợ Giúp Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
 
ĐỊA DANH DU LỊCH HÀ GIANG - CÁC ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH HÀ GIANG
SÔNG GÂM - HÀ GIANG

Sông Gâm Hà Giang: Du lịch đi du thuyền, khám phá sông nước độc đáo trên dòng sông Gâm của tỉnh Hà Giang những ngày nghỉ cũng là một lựa chọn khá thú vị. Cảnh đẹp và sự kỳ vĩ của sông Gâm đang dần trở thành một điểm đến đầy thu hút với nhiều khách du lịch gần xa. 
Từ bến thuyền nơi đầu phố huyện Bắc Mê, thuyền xuôi chừng 3,5 giờ sẽ đến Nhà máy Thuỷ điện Tuyên Quang ở huyện Na Hang. Khi du khách tập trung tại bến đò bên bờ sông Gâm thực hiện tua du lịch khám phá lòng hồ. Một đội thuyền máy đã sẵn sàng chở khách xuôi dòng Gâm.
Đoàn thuyền thể hiện tính chuyên nghiệp cao về du lịch: Mỗi thuyền máy Cole chở khoảng 40 người, mái thuyền ốp trần gỗ, có điện, sàn thuyền dải chiếu hoặc tấm nhựa cho du khách ngồi hai bên mạn thuyền, ở giữa là một dãy bàn phục vụ khách. Trong thuyền còn được trang bị hệ thống tăng âm, loa đài để khách du lịch giao lưu văn nghệ. 
Thuyền dời bến chừng 1km thì dòng nước đục đã biến mất, thay vào là "biển nước" xanh biếc của dòng Gâm. Thỉnh thoảng những chiếc thuyền ngược, thuyền xuôi của người dân xã Thượng Tân, của huyện bạn Na Hang chạy qua lại tạo cảnh tấp nập của một vùng sông nước. Ngồi trên thuyền, ngắm "biển nước" xanh biếc của dòng Gâm mới thấy sự hùng vĩ của thiên nhiên và lòng quả cảm của con người chinh phục dòng Gâm để phục vụ lợi ích Quốc gia. Đôi bờ sông vẫn còn giữ được những rừng cây hoang sơ, những cây cổ thụ cao hàng chục mét soi bóng xuống dòng sông, thấp thoáng ven bờ là những vạt chuối rừng xanh thẫm. Bất ngờ, hai bên bờ xuất hiện những dãy núi đá cao ngất, vách dựng thẳng đứng trông như cửa ải trấn giữ cho vùng thượng nguồn. Những nhũ đá từ trên vách núi rủ xuống tạo thành những hình thù lạ mắt, trước kia người đi thuyền phải ngước cổ lên nhìn thì nay đã gần ngang mặt nước. Càng xuôi dòng, diện tích mặt nước càng trải rộng mênh mông, ngắm vút tầm mắt của du khách. Bất chợt, xuất hiện những đảo nhỏ nổi lên giữa bao la biển nước, trước kia đó chính là những dải đồi, núi cao nay đã bị dòng nước vùi ngập, chỉ còn những ngọn cao chồi lên khỏi mặt nước. Nếu so sánh với các địa danh khác như hồ Ba Bể (Bắc Kạn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), hồ Thuỷ điện Hoà Bình (Hoà Bình) thì tua du lịch lòng hồ Thủy điện Tuyên Quang không hề kém hấp dẫn. 
Thuyền xuôi đến trưa thì cập vào một đảo cũng là lúc chủ thuyền bê lên cá chép nướng, thịt nướng, thịt gà nướng ăn cùng với xôi và những chén rượu làm ấm lòng du khách. Một Bắc Mê mới "trên bến dưới thuyền" đang hiện hữu, sông Gâm hiền hoà ngày nào đang phục vụ công trình lớn cho đất nước, đang trở thành dòng sông kinh tế, đang mời gọi du khách đến khám phá, tham quan
 

CẤM SƠN - HÀ GIANG

Cấm Sơn Hà Giang: Không phải thị xã nào cũng được thiên nhiên ban tặng cho một địa thế đẹp như vậy. Thị xã Hà Giang đã được sự ưu ái đến hậu hĩnh, ngay giữa lòng thị xã “Cấm Sơn” nổi lên như một kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ. “Cấm Sơn” thuộc phường Nguyễn Trãi. 
Theo kết cấu địa chất núi được chia thành hai vùng riêng biệt. Phía từ đỉnh núi chạy dài theo dốc Mã Tim chủ yếu là núi đá vôi tai mèo với địa hình hiểm trở, hang sâu vách đá dựng đứng, như con Sư Tử với dáng oai vệ. Từ trên đỉnh núi trải dài về phía sông Lô là rừng núi đất, sườn núi vách dốc trải dài suốt từ đường 19/5 đến Quảng trường 26/3. Dưới chân núi “Cấm Sơn” là những phố phường đông đúc dân cư làm ăn sầm uất. 
Nhưng chắc rằng người dân Hà Giang ít ai có thể hiểu, thấy hết được những vẻ đẹp tự nhiên, song cũng đầy huyền bí của “Cấm Sơn”, vì là núi đá hiểm trở nên có rất ít đường lên núi, chỉ có một con đường độc đạo duy nhất có thể leo lên đỉnh núi. Trên đỉnh núi, nơi có một hang sâu thẳm, thẳng đứng như một cái “giếng trời”. Chính với địa thế hiểm trở và độc đáo này mà khi thực dân Pháp xâm lược, đã chọn nơi đây là chốt canh giữ chính, để bảo vệ thị xã. 
Theo truyền thuyết được lưu truyền trong dân gian, đội quân “cờ đen” của Lưu Vĩnh Phúc, khoảng những năm 1870 - 1875, địa hạt Hà Giang có đội quân “cờ vàng” của Hoàng Sùng Anh kéo đến để cướp bóc, chúng bị đội quân của đồng bào các dân tộc là “Quân cờ trắng” đánh trả quyết liệt, bao vây truy kích, năm 1875, quân “Cờ vàng” của Hoàng Sùng Anh bị co cụm, đội quân của mình lên núi Cấm để cố thủ, lương thực cạn kiệt dần, xung quanh núi Cấm lại bị bao vây chặt chẽ, biết không thể thoát, cả tướng lẫn quân “Cờ vàng” đã nhảy xuống hang sâu trên núi tự vẫn. Với tấm lòng bao dung và nhân ái nhân dân địa phương đã lập ngôi miếu thờ nhỏ, cầu nguyện cho những linh hồn oan khuất được siêu thoát. Núi đã trở thành nơi linh thiêng ít có người dám lên, núi “Cấm sơn” càng trở nên huyền bí. Trải qua những năm tháng thăng trầm của thời gian miếu thờ cũng không còn nữa dân địa phương đã đưa về thờ tại “Cấm Sơn Linh Từ” dịch là ngôi đền núi Cấm(nay là đền Mẫu). Trên đỉnh núi hiện vẫn còn vết tích của những hang đá sâu, hệ thống hầm hào, lô cốt của Pháp. 
Trong những năm gần đây, với chủ trương khai thác tiềm năng của núi Cấm phục vụ cho việc phát triển kinh tế, văn hoá- xã hội. Núi cấm đã được đầu tư xây dựng tháp truyền hình lớn của tỉnh, và một số thiết chế văn hóa du lịch. Từ dưới chân núi (cầu Yên Biên II) ta có thể đi lên núi bằng xe máy, ô tô đến lưng chừng núi, tiếp tục đi bộ theo con đường bậc thang đổ bê tông ngoằn nghèo cạnh sườn núi, luồn lách qua những kẽ đá tai mèo dựng đứng, bên là vực sâu thăm thẳm với những dây song mây rậm rạp đưa ta trở về ngược dòng thời gian, tìm thấy những dấu ấn lịch sử của “Cấm sơn”. Từ trên đỉnh núi ta có thể nhìn thấy toàn bộ phong cảnh thị xã Hà Giang thơ mộng. Năm ngả đường đổ về thị xã, hoà quyện cùng với hai dòng hợp lưu của sông Lô và sông Miện trong xanh chảy giữa lòng thị xã, xung quanh thị xã là những dãy núi thế Rồng chầu Hổ phục, bao quanh những công viên cây xanh và những khu đô thị sầm uất, thể hiện sự bền bỉ và trường tồn của một thị xã đầy tiềm năng du lịch. 
Hiện nay “Cấm sơn” hàng ngày đón nhiều du khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan và chiêm ngưỡng cảnh đẹp của thị xã Hà Giang đầy thơ mộng. 
Với nét đẹp kỳ vĩ của núi Cấm và sự đầu tư khai thác phát triển du lịch, hy vọng núi Cấm sẽ là một kỳ quan, điểm du lịch hấp dẫn nhất của thị xã trong tương lai


ĐỒNG VĂN - HÀ GIANG

Ðồng Văn (Hà Giang) được biết đến với trập trùng núi đá, khí trời ở độ cao chừng 1.000 m mát mẻ suốt mùa hè (ngày nóng nhất cũng chỉ 240C). Ở đây có "cổng trời" Thẩm Mã, dốc Chín Khoanh, núi non với thung lũng ruộng bậc thang. 
Với khí hậu gần như ôn đới, Ðồng Văn mùa xuân bạt ngàn hoa đào, hoa mơ, hoa mận. Cuối xuân và suốt mùa hè, mùa thu là mùa của những trái ngon nổi tiếng. Rừng Ðồng Văn khá giàu các loài thực vật, không hiếm cây gỗ quý, lại nổi tiếng về các cây thuốc quí như tam thất, sinh địa, hồi, quế...
Núi thì trập trùng vách dựng, vừa hiểm trở vừa kỳ vĩ, với không ít hang động trời sinh. Khi kinh tế du lịch vùng này mở mang, các hành trình du lịch được hoạch định và tu tạo thêm mạng đường sá cho thuận tiện, thì những chuyến "du lịch hoang sơ", "du lịch mạo hiểm" thăm rừng già, thăm hang động nguyên sơ sẽ hấp dẫn vô cùng. 
Nếu thăm Ðồng Văn vào dịp chợ phiên, nhất là vào cữ xuân sang, bạn sẽ được thấy hết sức sống của thiên nhiên, của con người, của sắc mầu văn hóa độc đáo của đồng bào Mông, Dao, Pu Péo, Hà Nhì... từ lâu đời sinh sống, gìn giữ đất này. Chợ phiên mở ở trung tâm huyện lỵ Ðồng Văn, nay phố sá đã đông vui, không hiếm hàng quán và nhà nghỉ cho khách đường xa. Chợ phiên là cả một cuộc triển lãm sản vật của đất, của rừng qua bàn tay lam lũ của con người. Phong phú nhất là hoa trái và dược liệu, cùng ngô, đậu, rau củ... Tất cả toát lên sức sống xiết bao bền bỉ của con người sống trên núi đá 
Đồng bào Mông đi chợ như là đi hội, trước hết để hưởng thú vui cả nhà quây quần bên chảo "thắng cố" (thịt bò hầm) sôi sùng sục tỏa mùi thơm ngậy, thưởng thức món ăn truyền thống này cùng với "mèn mén" (bánh bột ngô) mang theo. Chợ phiên cũng là nơi tỏ bày, giao cảm cái vui cộng đồng, hào hứng những đám hát múa tình tứ và dặt dìu tiếng khèn bè, khiến du khách có thể cảm nhận chiều sâu tâm khảm văn hóa của một vùng cao. 
Ðồng Văn hiện có thêm điểm nhấn hấp dẫn, đó là di tích văn hóa - nghệ thuật Nhà Vương trong thung lũng Sà Phìn vừa được Nhà nước trùng tu nguyên dạng. Dinh thự này bề thế, uy nghi, kiến trúc hình chữ "vương" (vua), tọa lạc trên quả đồi hình mai rùa, được xây dựng bằng tài năng điêu luyện của thợ đá đến từ Vân Nam (Trung Quốc) và thợ giỏi nhất của người Mông, kén toàn đá xanh, gỗ pơ-mu, ngói đất nung già, chạm trổ tỉ mỉ, công phu, đẹp mắt những hình chủ đạo là rồng, phượng, dơi... tượng trưng quyền quí và hưng thịnh. Dinh thự bị đổ nát nay trùng tu xong, có tường thành bao bọc, gồm tiền dinh có sân tiền, sân hậu; cùng hai dãy nhà ngang để tiếp khách và sinh hoạt gia đình; ngoài ra vẫn có bể nước và chuồng ngựa, gia súc như xưa. Nội thất cũng được làm mới theo mẫu cũ như khung cửi, giường, tủ... Từ trên đường lưng núi nhìn xuống thung lũng, vẫn thấy nổi bật lên những nếp mái dinh thự tạo hình chữ "vương" với mầu sắc xen kẽ trắng đục, hồng nhạt và đỏ tươi. Khách muốn biết nhiều hơn về lai lịch ngôi nhà, còn có thể hỏi chuyện con cháu họ Vương hiện sống gần di tích, trong những ngôi nhà chính quyền địa phương xây tặng. Rồi đây, dinh thự độc đáo hiếm thấy ở miền núi này sẽ trở thành một bảo tàng văn hóa các dân tộc trong vùng, khi các hiện vật chọn lọc được sưu tầm và trưng bày hệ thống...


LŨNG CÚ - HÀ GIANG

Lũng Cú - Đồng Văn - Hà Giang: Nếu bạn là người thích du lịch, ưa khám phá hãy làm một cuộc hành trình về cao nguyên đá Lũng Cú - Đồng Văn, đắm mình trong chốn thiên nhiên hùng vĩ, giữa những vách đá cao sừng sững được tô điểm bởi những nếp nhà sàn xinh xắn, những ô ruộng bậc thang đan xen chênh vênh sườn núi, thấp thoáng bóng các cô gái dân tộc Mông trong những bộ váy áo rực rỡ đang cần mẫn làm nương... 
Từ Hà Nội bạn đi về hướng Bắc theo quốc lộ 2, vượt qua trùng điệp những ngọn đồi xanh ngút ngàn của những rừng cọ, đồi chè để đến với thị xã Hà Giang. Từ thị xã Hà Giang đến cao nguyên Đồng Văn còn phải đi 146km. Con đường chạy men theo các triền núi đá, nay được trải nhựa qua nhiều dốc và đèo cua gấp liên tục, bên thì vách đá dựng đứng, bên thì vực sâu thăm thẳm, càng đi con đường càng trở nên kỷ diệu dẫn bạn vào một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đẹp như tranh. Đỉnh cổng trời gần như quanh năm chìm trong sương, qua đây bạn có cảm giác như lạc vào một mê cung huyền ảo, không phải chỉ có một dốc cổng trời Quản Bạ mà còn nhiều dốc cao khác: Pắc Sum, Na Khê, Mã Pí Lèng. Đến với Đồng Văn dẻo cao vực thẳm là dịp để thử lòng can đảm của bạn. Nhưng đổi lại bạn có được những ngày tuyệt vời không gì sánh được. Ngoài phong cảnh, Đồng Văn còn có cả một kho tàng văn hóa truyền thống của 22 dân tộc anh em chung sống trên vùng đất cực Bắc của Tổ quốc. Điều đó đã tạo ra một nét đẹp riêng cho vùng du lịch sinh thái đầy tiềm năng này. Đặc biệt, thiên nhiên ưu đãi cho vùng nơi đây khí hậu á nhiệt đới quanh năm mát mẻ, rất thích hợp để phát triển các loại cây ăn quả: lê, táo, mận... và đào Lũng Cú quả to, dày cùi, đã giòn lại ngọt nên trở thảnh dặc sản của vùng cao và là cây trồng chủ lực trong kinh tế địa phương. 
Quả thật, đến Hà Giang ai cũng mong một lần được lên cao nguyên Đồng Văn, được đặt chân trên mỏm đất Lũng Cú - nơi địa đầu của Tổ quốc. Từ Đồng Văn đến đỉnh chóp Lũng Cú triền miên núi đá, núi trập trùng từng lớp ken nhau, đường đi cheo leo bên vách đá, bên vực sâu nhìn lên cao hoặc nhìn xuống thung lũng đều xa ngút tầm mắt. Đứng trên đường nhìn xuống sông Nho Quế, dòng sông chỉ còn như sợi chỉ mong manh. Bạn có thể đi trên sông Nho Quế bằng thuyền độc mộc, vừa ngắm cảnh vừa nghe người lái đò kể truyền thuyết bí ẩn vùng núi cao. Dễ hiểu tại sao Lũng Cú lại hút hồn và níu chân du khách đến thế! 
Lũng Cú - Đồng Văn, núi đá chất ngất lưng trời. Ba phần tư diện tích tự nhiên là đá. Cây ngô tựa vào hốc đá mà lên, cây đậu, cây rau nảy mầm đơm hoa trong vách đá. Đến các giường nằm, cái bếp lò của người Mông cũng kê vào tảng đá, rồi tường bao quanh nhà, chuồng bò, chuồng ngựa tất cả đều xếp bằng đá, vì vậy mùa đông trên cao nguyên đá này chỉ có một màu đá xám mênh mông. Bây giờ là mùa xuân, hoa mận nở trắng rừng Lũng Cú, xen lẫn những hạt tuyết còn sót lại long lanh dưới tia nắng mặt trời. Dưới thung lũng hoa đào rực lên trong sương sớm, thấp thoáng nhưng dải sa mộc bạt ngàn như hàng ngàn chiếc ô vươn lên bất chấp sương, tuyết, gió lạnh. 
Nếu bạn lên Lũng Cú vào mùa hè, bạn sẽ thấy những trái lê, táo, mận, đào quả to và thơm ngon nổi tiếng được thồ chất ngất trên lưng ngựa mang xuống bán cùng các sản vật khác tại phiên chợ Lũng Cú. Chợ thuộc loại lớn nơi địa đầu cực Bắc, từ lúc trời chưa rạng, men theo các triền núi chênh vênh mờ sương người ta hăm hở đạp trên đá tai mèo xuống chợ. Con trai đem theo khèn, con gái cõng quẩy tẩu, cắp ô, tiếng lục lạc, tiếng ngựa hý âm vang cả núi rừng, họ rảo bước để sớm có mặt ở chợ. Phiên chợ vừa là nơi trao đổi hàng hóa vừa là nơi gặp gỡ bạn bè. Nhộn nhịp nhất là các hàng bán váy áo, chỉ thêu, đám phụ nữ hớn hở khoe váy áo mới, khăn mới, đám đàn ông tụ tập thành nhóm thổi khèn lá, khèn bè, đàn môi mời gọi bạn tình, rượu ngô trong vắt rót tràn bát để mời nhau bên những nồi thắng cố sôi sùng sục trên bếp lửa hồng. Chiều về khi bóng đã ngả dài cũng là lúc tan chợ. Tiếng vó ngựa. tiếng cười nói xa dần, đây đó chỉ còn âm vang tiếng sáo mèo dìu dặt… 
Bí thư Đảng ủy xã Lũng Cú, Lầu A Páo nói với chúng tôi: “Lũng Cú còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, đặc biệt là của dân tộc Mông và Lô Lô. Người Mông rất quý khách, vào nhà người Mông bạn sẽ là khách quý, là anh em, dù bạn đến cao nguyên đá lần đầu, bát rượu ngô nồng say sẽ làm ấm lòng bạn. Người Lô Lô đã có mặt ở Lũng Cú từ rất sớm, dân tộc Lô Lô có công khai hoang và trụ lại ở mảnh đất địa đầu này. 
Bộ trống cổ là bảo vật của dân tộc Lô Lô, những ngày lễ hội điệu trống của người Lô Lô âm vang một vùng núi cao". Anh Lầu A Páo còn cho biết thêm: “Đường vào Lũng Cú đang san ủi để nâng cấp. Khi hoàn thành công việc này Tỉnh sẽ xây dựng thêm các công trình văn hóa và cơ sở hạ tầng tại Lũng Cú để đón khách tham quan du lịch”. 
Đường từ đồn biên phòng Lũng Cú đến cột cờ dài 12 km, uốn khúc quanh co qua nhiều triền núi với khung cảnh núi rừng hùng vĩ, bao la, thung lũng Lô Lô chợt hiện ra đột ngột, phong quang và bảng lảng sương khói. Những cây đào ở bản Lô Lô vạm vỡ, gốc xù xì quả sai chĩu chịt. Thấp thoáng bóng các cô gái Mông, Lô Lô đang gieo trồng chăm bón những vạt ngô trên hốc đá. Xe vừa vòng qua hết một ngọn núi này thì ngọn núi khác cao hơn như đã ập vào mắt mình. Núi tiếp núi trùng điệp, bên là vách núi bên kia là thung lũng nhìn xuống chỉ thấy một màu xanh của ngô. Càng lên cao không khí càng mát mẻ và lạnh dần, thiên nhiên được mở ra thêm kỳ vĩ, gây cảm giác choáng ngợp bởi không gian rộng lớn và núi non quá hùng vĩ. Đường lên cột cờ Lũng Cú đang mở tương đối rộng nhưng nhìn lại chỉ như dải lụa trắng vắt qua những dãy núi, ngọn đồi. Thấp thoáng phía xa xa có thác nước len lỏi sau những vách đá, thỉnh thoảng lại thấy vài nếp nhà sàn ẩn hiện sau những bức tường xếp bằng dá. Từ rất xa đã nhìn thấy lá cờ đỏ in trên nền trời xanh bồng bềnh mây trắng, chúng tôi háo hức muốn đến ngay cột cờ trên đỉnh núi Rồng. Đồn trưởng đồn biên phòng Lũng Cú, Giàng A Ly xúc động nói: “Lũng Cú tiếng Mông là lũng ngô, nhưng núi Rồng lại là địa danh có thật. Trên chóp đỉnh núi Rồng bao năm rồi đêm ngày phần phật tung bay lá cờ đỏ sao vàng, một biểu tượng thiêng liêng của chủ quyền đất nước và cũng là niềm tin và sức mạnh của người dân Lũng Cú đời đời gắn bó với non sông đất Việt”. 
Từ chân núi Rồng chúng tôi vịn đá, vịn cây băng qua những lùm hoa kim ngân leo lên, chừng hơn 300m thì đến cột cờ, thân cột cờ bằng bê tông, sáu mặt, cao 17m sừng sững trên đỉnh núi Rồng. Nhìn xuống, những bản làng xinh xắn, những ô ruộng bậc thang đan xen. Nhìn lên, phấp phới lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m. Cả đoàn người lặng đi, ngắm lá cờ cuộn bay uy nghi, tất cả đã lý giải sức tồn tại mãnh liệt đến kỳ diệu của dân tộc Việt Nam bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. 
Lũng Cú “chóp nón” khổng lồ, mảnh đất địa đầu của Tổ quốc luôn ở trong lòng chúng ta, gần gũi và thiêng liêng đến vô cùng

Nguồn: saigontoserco

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 03/12/18