Home Tìm Ca Dao Trợ Giúp Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
 
ĐỊA DANH DU LỊCH VĨNH PHÚC 2 -  ĐỊA ĐIỂM DU LỊCH VĨNH PHÚC 2



ĐỀN PHÚ ĐA VĨNH PHÚC:
Đền Phú Đa toạ lạc trên cánh đồng xóm Giếng, xã Phú Hoa, tổng Tang Thác, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây. Nay thuộc xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Đền thờ “Lãng Phương hầu Nguyễn Danh Thường, Tiên phong đặc tiến, phụ quốc Thượng tướng quân, tham mưu trung quân Đô Đốc phủ, Khâm sai kiểm sát thất thành”. Thời Lê - Trịnh, vì có công giúp triều đình ông được xây dựng đền từ lúc còn sống (sinh từ) để thờ mình. Đền làm thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786). Từ ngày xây dựng đến nay chưa phải đại tu lần nào nên ở đây có câu:

"Bắt đền ra đền Phú Đa,
Bao giờ đền đổ ta ra ta đền."

Thật là một công trình “vĩnh cửu”. Sở dĩ được như vậy là nhờ các nghệ nhân xưa kia đã rất thành công trong thi công kiến trúc và điêu khắc đá, mà nổi bật là việc xử lý nền móng, kén chọn nguyên vật liệu, thiết kế xây dựng và bố cục nội, ngoại thất.
Đền Phú Đa có 3 toà kiến trúc (cổng đền, đại bái, từ đường) bố cục theo kiểu chữ “Tam”. Cổng đền cách đại bái một khoảng sân, đại bái cách từ đường bởi một cống thoát nước. Vị trí đền ở giữa vùng chiêm trũng, giáp sông Hồng nên hàng năm (trước khi có đê bao) đều bị lũ lụt tràn qua. Để khắc phục điều đó, các nhà xây dựng ngày trước đã gia cố cho nền đền và các vùng phụ cận thành một gò đất cao hình nón; khi lũ lụt - sóng xô đến, nước sẽ bị cản từ xa và sức mạnh của nước lũ bị giảm dần, khi đến đền thì không còn đáng kể nữa. Nền đền lại được tạo thành nhiều cấp: Cổng đền thấp nhất rồi đến đại bái và cuối cùng cao hơn cả là nền toà từ đường. Những bậc thềm của các toà kiến trúc đều được lát những tảng đá xanh, vừa làm bậc lên xuống, đồng thời vừa có tác dụng kè đất và cản nước tràn vào đền. Rãnh thoát nước giữa đại bái vàtừ đường cũng được lát ba bề bằng đá xanh (mặt cắt của rãnh hình chữ U). Nhờ có rãnh này, nước từ hai bên mái nhà đổ xuống chảy ra rất nhanh mà không làm sói mòn nền đền. Với những tính toán công phu, những biện pháp chế ngự mưa bão, lũ lụt tài tình như thế, đã khiến cho đền Phú Đa mấy trăm năm qua không mảy may ngả nghiêng, sụt lở.
Trên nền móng vững chắc ấy là kiến trúc đền cũng được gia công hết sức chuẩn mực. Toàn bộ vật liệu làm đền đều bằng gỗ lim được kén chọn cẩn thận cả về kích thước và độ già của gỗ. Trước đây còn có 2 toà tả, hữu mạc, về sau được chuyển đến địa điểm khác để làm trường học. Các toà của đền đều có kết cấu kiến trúc kiểu tứ trụ lòng thuyền, vừa đẹp lại khoẻ. Ngoài một số chỗ được chạm trổ các hình vân mây, sóng nước, còn phần lớn kiến trúc đền Phú Đa đều được bào trơn, đóng bén, mộng sàm chặt khít, kể cả các rui trên mái cũng được bào nhẵn theo mực thước và soi đường gờ ở mép. Nhân dân ở đây kể rằng, năm 1965 xã quyết định chuyển toà tả mạc về trường học, khi dỡ vì mộng quá chặt không tháo được nên dân làng đành để cả toà mà khiêng đi, qua gần 3 cây số đến trường, toà tả mạc mộng vẫn chặt khăng như cũ không hề dệu dã. Điều đó nói lên trình độ giỏi giang về thiết kế và thi công xây dựng đền của các hiệp thợ thuở trước.
Về mỹ thuật trang trí tạo hình, đây là ngôi đền có nhiều di vật đá nhất trong số các kiến trúc cổ hiện còn ở Vĩnh Phúc. Chỉ tính những di vật được đục chạm thành tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh thì đều đã có 48 tác phẩm. Đó là những phù điêu tượng tròn quan lại, vệ sỹ, rồng, sư tử, voi, ngựa, chó, các đồ thờ: án gian, ngai, sập, bàn tấu, án thư, lư hương, đèn…và 10 bia đá còn nguyên vẹn, được khắc năm 1750 (1 bia) và 1767 (9 bia), nội dung ghi hương ước, điều lệ nghi tiết cúng giỗ hậu thần, phúc thần và liệt tổ, liệt tông, ghi khắc các điều dạy bảo con cháu biết cách ăn ở, các điều cam kết về bổn phận đối với từ đường.
Chạm khắc đá ở đền Phú Đa đã phản ánh những thành công nổi bật, trình độ cao về nghệ thuật chạm khắc, trang trí dân gian trên đá thời Lê mạt. Các nghệ nhân thời xưa đã biết căn cứ vào chất liệu và màu sắc của đá mà vận dụng và tận dụng chúng trong tạo hình cũng như trang trí nội thất kiến trúc. Với kỹ thuật chạm khắc tinh vi điêu luyện, với những đề tài thực trong cuộc sống, chạm khắc đá ở đền Phú Đa đã tạo nên cho di tích không khí vừa độ trang nghiêm mà không lạnh lùng, nhà ở của thần linh mà vẫn ấm áp hơi thở của cuộc sống con người.
Với giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, văn hiến điển chương như thế, trong tương lai gần, chắc chắn đền Phú Đa sẽ trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của tỉnh Vĩnh Phúc.


--------------------------------------------------------------------------------

ĐÌNH BẠCH TRỮ VĨNH PHÚC:
Đình Bạch Trữ là một trong những ngôi đình lớn và cổ của Vĩnh Phúc, đình Bạch Trữ được biết đến với sự độc đáo về kiến trúc, chứa đựng những tác phẩm điêu khắc gỗ dân gian hết sức đặc sắc, nối tiếp dòng nghệ thuật chảy từ vùng Hùng Lô, Lâu Thượng qua Thổ Tang đến, như một biểu hiện cho đỉnh cao về kiến trúc của đình làng cổ truyền Việt Nam thời Lê Trung hưng.
Đình thuộc thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh. Hiện tại gồm 3 tòa: Tiền tế, đại đình, hậu cung và 2 ống muống. Về mặt bố cục có thể khẳng định rằng, vỗn dĩ khởi đầu (khoảng cuối thế kỷ XVII) đình chỉ có dạng chữ nhất với toà đại đình ở giữa, về sau người ta mới dựng tiếp toà tiền tế và tiếp sau là hậu cung; cả 3 tòa được nối với nhau bởi 2 ống muống để tạo nên hình thức mái theo kiểu chữ “Vương”, nền chữ “Tam”.
Trước đình có hồ bán nguyệt, sau hồ là bình phong kiểu cuốn thư có hình cành trúc mai sum họp. Phía sau là một sập thờ làm kiểu chân quỳ dạ cá đắp nổi hình dơi tượng cho ngũ phúc lâm môn (Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh) và tiếp nữa là một nghi môn tứ trụ. Qua một khoảng sân hẹp vào tòa tiền tế, người ta có thể cảm thấy choáng ngợp bởi kiến trúc 5 gian 2 dĩ với bộ mái 2 tầng hoành tráng. Đặc biệt ở đây còn lưu giữ được những nét nghệ thuật của thế kỷ XVII. Đó là những cốn bên với rồng, lân, vân xoắn, đao trong một thể hoạt mang ý nghĩa gắn với tầng trời, gắn với ước vọng cầu mưa. ở gian giữa tòa này có các bức cốn mê thể hiện tứ linh trong ước vọng cầu phúc xưa: rồng cuốn thủy, phượng hàm thư, long mã và rùa. Đặc biệt, ở mặt trong bức cốn ngoài bên phải có hình tượng một con cua nhỏ ở bên dưới, đây là một dấu ấn thể hiện sự hòa đồng của chất dân dã giữa mảng chạm mang đầy tính quy phạm.
Tòa đại đình 3 gian 2 chái 2 dĩ, nghệ thuật thế kỷ XVII tập trung ở 2 cốn ngoài của gian giữa, các đầu dư chính và một số kẻ. Đề tài chạm khắc cơ bản là rồng. Những đề tài về con người tuy không nhiều nhưng lại rất đáng quan tâm. Chẳng hạn như bức cốn ngoài bên trái gian giữa, ở con rường trên cùng, được đặt trên mình rồng thân rắn không vẩy là hình đôi trai gái tình tự mà nam là một ông già quắc thước râu dài còn nữ là một cô gái nhỏ tuổi - một mối tình thần thánh sẽ đưa đến kết quả nảy sinh thánh nhân theo nhận thức của người xưa. Một hệ thống các hoạt cảnh khác như: trên nền rồng ở ván nong của xà nách có cảnh một phụ nữ ôm con, một tay giơ ra như thể từ chối sự đòi hỏi của người chồng; cạnh đó là cảnh đôi trai gái ngồi ôm ấp nhau rất mạnh bạo; hình tượng vũ công đội mũ tỳ lư mặc áo váy tỉa tót kỹ càng và hình ảnh nam múa quạt, nữ đeo túi ngả theo được chạm ở hai bên đầu kẻ phía ngoài bên phải. ở một đầu kẻ trước của gian bên trái lại có cảnh một ông lão ngồi câu cá với giỏ vịt để bên cạnh - hình tượng này rất gần gũi với nghệ thuật thế kỷ XVIII.
Những hình tượng có tính mạnh bạo hay dân dã trên cho thấy sự gần gũi với sinh hoạt thôn dã đương thời. Tuy nhiên những hình tượng đó được đặt ở những nơi dễ quan sát lại mang ý nghĩa ước vọng cầu thần hãy thực hiện theo như thế mà thúc đẩy cho muôn loài sinh sôi, cho mùa màng bội thu. Vì thế ý nghĩa sâu xa ở đây là ước nguyện cầu phồn thực. Bên cạnh sự phong phú về nội dung, các hình chạm đã thể hiện trình độ cao về nghệ thuật chạm khắc với kỹ thuật chạm lộng, chạm bong được quan tâm hết sức rõ rệt.
Tòa hậu là một hậu cung kép với hậu cung chính chỉ nằm gọn trong không gian 4 cột cái gian giữa, được bao ván kín, có sàn thờ, được nâng cao và nằm lọt trong tòa hậu cung 5 gian tường hồi bít đốc. Một điểm đáng lưu ý là trên ban thờ chính, phù trợ hai bên là 8 vị tướng hầu được vẽ dưới hình thức tả văn hữu võ, quan văn đội mũ cánh chuồn chếch ngắn, cầm những hòm sách, bút, quạt; quan võ đội mũ kim khôi và vác đại đao.
Đình Bạch Trữ thờ nhị vị tiên linh là công chúa Mỵ Nương thời vua Hùng và Cống Sơn thời Hai Bà Trưng, thuộc hai thời kỳ dựng nước và giữ nước gắn với lịch sử dân tộc và văn hóa tâm linh của người Việt. Nội dung thờ tự phong phú, kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc tiêu biểu đã khẳng định đây là một trong những ngôi đình có ý nghĩa hết sức quan trọng trong hệ thống di tích của tỉnh Vĩnh Phúc. Đình xưa còn giữ được đến ngày nay là một kiến trúc lớn, là nơi thờ thành hoàng làng, nơi tổ chức lễ hội và các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng khác của dân cư cả một vùng tương đối rộng. Đi sâu tìm hiểu hơn nữa về nghệ thuật, về các giá trị văn hóa vật thể gắn kết với các giá trị văn hóa phi vật thể ở đình Bạch Trữ , chúng ta sẽ có được những tri thức quý báu về lịch sử văn hóa cũng như các phong tục tập quán hay những quan niệm hết sức đặc sắc có thể coi là tinh hoa văn hóa của người xưa, tại vùng đất này.

Đền Bạch Trì, Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, Tháp Bình Sơn, Truyền Thuyết
--------------------------------------------------------------------------------

THÁP BÌNH SƠN VĨNH PHÚC:
Thời Lý - Trần, ở Vĩnh Phúc đã có nhiều tháp. Tháp là một bộ phận, một phần công trình nghệ thuật quan trọng của chùa. Cùng với chùa, tháp là nơi thờ Phật có tính chất tưởng niệm và là nơi để hài cốt các nhà sư. Các tầng của tháp tượng trưng cho từng bước tu hành để lên cõi Niết Bàn của các phật tử.
Trong số tháp còn lại hiện nay chỉ có tháp Bình Sơn làn cao nhất, tên chữ là tháp chùa Vĩnh Khánh, tục gọi là chùa Then ở xã Tam Sơn (Lập Thạch). Tương truyền tháp có 15 tầng. Cứ theo các cụ ở địa phương thì trước kia, trên nóc tháp có một hình khối búp hoa sen chưa nở, bằng đất nung, tạo cho toàn thân tháp một dáng vươn lên khá đẹp. Hiện nay chỉ còn 11 tầng tháp và 1 tầng bệ, tất cả cao 16,5 mét. Tháp hình vuông, nhỏ dần về phía ngọn, Cạnh cửa tầng dưới cùng là 4,45 mét; cạnh cửa tầng thứ 11 là 1,55 mét. Tháp được xây bằng 13.200 viên gạch nung, gồm 2 loại: một loại hình vuông có kích thước là 0,22m x 0,22m, một loại hình chữ nhật có kích thước có kích thước 0,45m x 0,22m. Phần ruột tháp có một khoảng trống nhỏ chạy suốt chân tháp lên ngọn. Bên ngoài, xung quanh tháp được ốp một lớp gạch vuông, mỗi cạnh dài 0,46m, phủ kín thân tháp. Mặt ngoài của gạch ốp này đều có trang trí hoa văn rất phong phú như hoa chanh, hình lá đề, sư tử vờn cầu, rồng uốn khúc ... Có viên gạch được khắc một hình trang trí, có hình lại do 2 viên hoặc 4 viên ghép lại mới thành. Đường nét trang trí ở đây rất tinh tế, phóng khoáng, hình dáng chắc khỏe, mang đầy sinh khí của nghệ thuật dân tộc thời kỳ phong kiến tự chủ cường thịnh thời Lý – Trần (thế kỷ XII – XIII).
Những khỏa sát và nghiên cứu gần đây cho thấy gạch dùng để xây dựng tháp Bình Sơn được nung với độ lửa cao. Để cho các viên gạch có thể đứng với nhau theo một chiều cao dựng đứng mà không cần vôi vữa, những người xây dựng tháp đã sáng tạo những phương pháp lắp ghép khá độc đáo. Viên gạch được chế tác có mấu và có gờ chỉ để giữ lấy nhau, đó là phương pháp xây gạch khẩu ở chân bệ. Còn có cách khác là mỗi viên gạch có một lỗ hình thang, hai viên gạch xếp sát nhau, tạo thành một mộng cá và người ta đổ chì vào mộng cá đó để giữ 2 viên gạch với nhau, đó là phương pháp xây bằng cá chì dùng để dựng chân tháp.
Chân tháp có nhiều vành đai cánh sen chồng lên nhau làm cho khách tham quan có cảm tưởng như tòa tháp được mọc lên từ một bông sen lớn. Tầng tháp thứ nhất cao 2,27 mét, cạnh 3,30 mét, bốn mặt đều hình tổ tò vò và có sáu chữ nhật dọc, đế nào cũng có ba ô tròn trạm rồng nổi, thân rồng uốn tròn, nằm trên một nền cúc dây. Các ô rồng này lại được đặt nằm trong khung khắc chìm các cánh hoa cúc có hình dấu phẩy. Các đế có hình rồng này được trang trí là đề, hoa dây cuốn nổi. Tầng tháp thứ hai cao 1,68 mét, cạnh 2,27 mét, có một hàng cánh sen ngửa đỡ lấy những hàng gạch. Bốn khung cửa tò vò của tầng tháp này đều có mỗi bên tám khung hình chữ nhật, mỗi khung có hình đắp nổi một ngôi tháp nhỏ 5 tầng tỏa ánh hào quang với những đường chỉ chiếu ra bốn phía. Ngoài bình tháp nhỏ, ta lại gặp nhưng mô típ trang trí lá đề, cúc dây, hoa dây cuốn nổi. Ở tầng thứ tám cũng có trang trí hình tháp nhỏ. Cả 11 tầng tháp đều được trang trí bằng nhiều loại hoa văn với các hình cánh hoa cúc, sư tử vờn cầu, sóng lượn lá đề, hoa chanh ... Mỗi tầng tháp đều có nhiều hàng gạch khẩu nhô ra làm mái. Theo lão họa sĩ dân gian Nam Sơn (nguyên là ông từ chùa Vĩnh Khánh) và các cụ già trong vùng thì ở mỗi ô cửa tò vò của các tầng thấp xưa kia đều có tượng Phật Bà.
Hình rồng trang trí ở tháp Bình Sơn là rồng có sừng và cuộn tròn mình, đầu rúc vào giữa, chân đạp ra ngoài, sống lưng có vây như răng cưa, một chân trước đưa lên vuốt tóc. Hình sư tử vờn cầu ở chân bệ tháp đơn giản, hai con sư tử đều không có họa tiết và đồ án trang trí trên thân mà chỉ là hai hình trơn. Cặp sư tử ở đây không quay đầu đối nhau, đưa chân trước vờn cầu như kiểu ở một số chùa khác, mà một con tiến về phía quả cầu, một con đã tiến quá quả cầu, quả cầu nằm trên đuôi nó, còn nó quay đầu ngoảnh lại.
Về niên đại tháp Bình Sơn, một học giả thực dân là Bezacier cho ràng đây là “nghệ thuật Đại La”, có nghĩa là nghệ thuật thuộc văn hóa Đường du nhập sang Việt Nam vào thời Cao Biền làm quan đô hộ xứ giao châu (khoảng thế kỷ thứ VII). Đây là một quan điểm muốn tách công trình nghệ thuật tạo hình tuyệt tác này ra khỏi văn hóa bản địa và mang tư tưởng miệt thị dân tộc ta, đề cao công cuộc “khai hóa” của kẻ xâm lược. Ngày nay, các nhà nghiên cứu nghệ thuật tạo hình Việt Nam đã khẳng định tháp Bình Sơn là một công trình nghệ thuật của Việt Nam, do bàn tay và khối óc c

TRUYỀN THUYẾT THÁP BÌNH SƠN VĨNH PHÚC:

Có rất nhiều truyền thuyết dân gian liên quan đến ngôi tháp này.
Cánh đồng Tháp ở Tứ Yên: Các cụ nói cây tháp hiện nay vốn được xây ở giữa cánh đồng Nẫu xã Tứ Yên, Lập Thạch. Không hiểu tại sao chỉ sau một đêm mưa bão dữ dội mà cây tháp đã “nhảy” về địa phận xã Tam Sơn và ở vị trí hiện nay. Bây giờ người dân Tứ Yên vẫn gọi cánh đồng Nẫu là cánh đồng Tháp.
Con vịt vàng: Truyền thuyết kể rằng xưa kia ở phía tây tháp Bình Sơn còn có một cây tháp màu xanh. Một đêm nọ, dân xung quanh chợt nghe một tiếng ầm lớn, rồi từ phía cây tháp vọt lên trời một luồng sáng ngũ sắc. Mọi người chạy ra thì cây tháp đã biến mất, nơi vị trí cây tháp tụt xuống thành cái giếng hình tựa bàn chân khổng lồ, gót quay về phía tây nam, nước luôn thay đổi màu sắc: lúc trong vắt, lúc vàng, lúc đỏ, lúc xanh ... các cụ già quanh vùng còn kể lại vào những đêm trăng sáng thường thấy con vịt vàng bơi ở giếng. Giếng ấy hiện nay vẫn còn, nhưng người Tam Sơn chưa ai được nhìn thấy vịt vàng.
Truyện ông Ngụy Đồ Chiêm: Ngày xưa ở gần tháp Bình Sơn có một cái chợ. Mẹ con một người đàn bà không rõ từ đâu tới, dựng một cái quán bán nước bên gốc cây đa ở đầu chợ. Chú bé hàng ngày đi học, cứ nghe văng vẳng tiếng nói: “Cậu sắp sướng rồi”. Chú bé kể với mẹ. Bà mẹ mang trầu nước ra quỳ dưới chân tháp, thắp hương khấn vái. Bỗng từ trên đỉnh tháp rơi xuống ba hòn đá như hình ông đầu rau. Bà mẹ bê về lều, kê bếp nấu nước. Đun nấu mãi, đã vẫn đỏ như gạch, không ám khói.
Ít lâu sau, có mấy người khách đi bán thuốc cao ghé vào hàng uống nước. Họ cứ nhìn cây tháp rồi lại nhìn thấy hòn đá kê bếp. Một người trong bọn khách nói: Bà cụ cho chúng tôi mấy hòn đá kê bếp, chúng tôi sẽ chỉ chỗ đất tốt để đặt mộ ông cụ. Ngay đêm ấy bà cụ đưa mấy người khách về quê, đem hài cốt chồng lên táng ở chân núi Sáng, tại quả đồi dân quanh vùng gọi là núi Hình Nhân. Khi bà mẹ hấp hối, gọi con đến dặn rằng: những người khách dạo xưa bảo bao giờ con có cờ, có kiếm thì phải lên tạ mộ. Trên đường đi gặp bất cứ ai, gặp bất cứ con vật hay người đều phải chém chết. Người con lớn lên, lấy tên là Chiêm. Anh hay giúp đỡ mọi người, nên được dân làng rất yêu mến. Lúc đó trong vùng có một bọn cướp hay đến hành hạ dân lành. Anh Chiêm tập hợp những thanh niên cường tráng lên núi luyện tập, đêm về thay nhau canh gác bảo vệ dân làng. Mọi người tôn Chiêm lên làm thủ lĩnh. Thấy mình đã có cờ, có kiếm, nhớ lời dặn, Chiêm lên núi tạ mộ. Vừa ra đến ngõ, gặp người đàn bà chửa, lại đã từng giúp đỡ mẹ mình ngày trước, Chiêm không nỡ chém. Đến mộ, thấy có 2 con rắn, Chiêm cho là bố mẹ mình hiện hồn, bèn gác kiếm quỳ lễ rồi về.
Hôm sau, Chiêm huy động người lên núi vác đá về lát đường qua xã Đồng Quế bấy giờ. Đường lát chỉ một đêm là xong. Không biết có bao nhiêu người tham gia, chỉ biết sáng hôm sau, dân đi làm nhặt được mấy gánh điếu cày về làm củi. Có kẻ xấu bẩm với quan trên là ông Chiêm đang chiêu mộ dân binh để mưu phản. Triều đình cho quân đi đánh dẹp. Nhưng quan quân cứ sang đến đất Lập Thạch là voi ngựa lại hí lên, không chịu đi nữa, phải quay về. Thanh thế ông Chiêm, vì thế ngày càng mạnh. Triều đình gọi ông là Ngụy Đồ Chiên.
Mấy người khách bán thuốc cao ngày nào, ở bên Tàu xem thiên văn, biết là ông Chiêm không chém người, chém vật (nếu chém, thì ông chỉ đựoc làm một chức quan nhỏ, đủ sống cả đời. Nhưng không chém, ông có thể làm vua, sẽ đánh sang cả Tàu). Họ tìm cách diệt ông. Họ đến gặp ông, và nói: ngôi mộ của cụ nhà đã phát, nhưng còn thiếu tay long. Ngài phải cho đào con lạch từ núi Sáng về qua mộ thì mới chóng thành công. Ngụy Đồ Chiếm lập tức cho đào ngay. Con lạch đào xong, ông bỗng thấy rã rời thân thể. Giữa lúc đó quân triều đình lại tràn sang, dân binh tan vỡ. Ngụy Đồ Chiêm ôm kiếm chạy vào cây tháp rồi biến mất.
Đài quan sát ca nô của Pháp: Hồi những năm 1947 – 1948, trên đỉnh tháp Bình Sơn có một cây đa to. Các cụ già bảo rễ của nó xuyên qua lòng tháp ăn xuống đất. Có dạo du kích của ta đã leo theo rễ này lên tầng trên cùng của tháp để theo dõi hoạt động của ca nô tầu chiến Pháp, báo cho ban chỉ huy lập kế hoạch tác chiến, giành thắng lợi lớn. Sự kiện này chỉ thấy người dân vùng Tam Sơn kể lại, chưa thấy ghi trong các cuốn lịch sử viết về Lập Thạch và được coi như một truyền thuyết dân gian mới xung quanh tháp Bình Sơn.
Ngày nay, tháp Bình Sơn cũng là một trong những di tích mà du khách đến chùa Vĩnh Khánh tham quan. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) là một trong ba điểm để nghiên cứu, tham quan Phật học thuộc dòng thiền phái Trúc Lâm ở Việt Nam.
Xây dựng trên nền một thiền tự cổ - Thiên Ân thiền tự tương truyền có từ thế kỷ III, thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên khánh thành ngày 27-11-2005 cách Hà Nội khoảng 85km, thuộc xã Đại Đình (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Nằm trên quả đồi với diện tích rộng khoảng 4,5ha, rừng ngoại vi rộng 50ha, công trình mang đậm dấu ấn một ngôi chùa Việt Nam với phong cách kiến trúc đương đại. Phía sau chùa là núi rừng xanh tươi, trước là một cánh đồng thẳng cánh cò bay. Là một trong ba thiền viện lớn nhất cả nước, đây cũng là địa điểm du lịch hành hương lý tưởng của Vĩnh Phúc. Viếng chùa, du khách không chỉ dâng hương cầu may, cầu tài mà còn được thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng trùng điệp ở Tam Đảo và khí hậu mát mẻ trong lành, tận hưởng cảm giác phiêu bồng khi vượt những đèo dốc quanh co, uốn khúc. Với chúng tôi, tới Tây Thiên là để tìm lại không gian nhuốm màu phật pháp, rất thiền tịnh và trong sáng.
“Tây Thiên tổ ấn khơi nguồn phật; Vĩnh Phúc thiền tông thắp sáng tâm”, đôi câu đối hai bên cổng tam quan như một lời khẳng định điều này...
Đọc mấy câu thơ và bước qua chiếc cổng, lòng người như được về cõi Phật. Trong lòng như tan biến đi bao ưu phiền, mệt mỏi cũng như những bụi trần còn vương vấn để hòa mình vào không gian, cảnh sắc yên bình. Và với những ai mê thiền, thích khám phá, nghiên cứu về thiền phái Trúc Lâm thì nơi đây đích thực là địa chỉ tuyệt vời.
Nhưng tất cả những việc đó hãy để sau, bởi ngay trước mắt bạn là cảnh sắc thiền viện nguy nga, thanh tịnh mà ai cũng muốn dạo bộ tham quan ngay một vòng.

--------------------------------------------------------------------------------
DI TÍCH ĐỒNG ĐẬU VĨNH PHÚC:

Di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu được phát hiện vào khoảng tháng 2/1962. Từ cuối năm 1965 đến cuối năm 1999. đã tiến hành 6 đợt khai quật, với diện tích gần 740 m2. Trên đất nước ta chưa có một di tích khảo cổ nào được các cơ quan khảo cổ quan tâm khai quật nhiều lần như vậy. Điều này cho thấy tầm quan trọng của di chỉ Đồng Đậu đối với việc tìm hiểu nguồn gốc dân tộc Việt Nam cũng như quá trình hình thành Nhà nước đầu tiên của dân tộc.
Đồng Đậu cũng là nơi phát hiện được nhiều di vật bằng xương, sừng nhất trong hàng trăm địa điểm đó được khai quật ở nước ta (trước năm 1983), không những nhiều về số lượng, phong phú về loại hình mà trình độ kỹ thuật chế tác cũng đạt đến đỉnh cao.
Điều kiện thiên nhiên ở đây rất thuận lợi cho cuộc sống của con người. Với đất phù sa màu mỡ, lại sẵn ao hồ đầm lầy, gần sông, tiện nước, con người đã định cư lâu dài ở đây và từ những ngày đầu tiên họ đã quen thuộc với nghề làm ruộng. Nghề nông đã có trình độ khá cao và giữ vai trò chủ đạo trong các ngành sản xuất, có thể lúa nước là nguồn cung cấp lương thực chính.
Bên cạnh nghề nông, nghề chăn nuôi cũng đã ra đời và dần phát triển từ thấp lên cao. Người Đồng Đậu cũng chú ý đến săn bắn và đánh cá.
Bên cạnh nghề nông, thủ công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống. Đó là những nghề làm đá, đan lát… Nghề luyện, đúc đồng ra đời muộn hơn nhưng có ảnh hưởng lớn đến đời sống.
Trên cơ sở đời sống kinh tế ngày một nâng cao, cư dân Đồng Đậu luôn chú ý đến cái đẹp. Nhận thức về cái đẹp thể hiện trên kiểu dáng và hoa văn đồ gốm, trên sự phong phú về số lượng cũng như kiểu dáng khác nhau của đồ trang sức, trong các pho tượng đất đỏ nặn hình bò, gà và đầu người…
Xã hội lúc này vẫn là công xã thị tộc; và với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước ra đời, vai trò của người đàn ông đã được đề cao hơn, xã hội có thể thuộc chế độ công xã thị tộc phụ hệ.
Sự phát triển của sức sản xuất ở giai đoạn cuối Đồng Đậu đã đẩy mạnh quá trình phân hóa thành các giai cấp xã hội đưa đến sự tan rã của chế độ công xã nguyên thủy, để thành lập Nhà nước trong giai đoạn tiếp theo.
Tầm quan trọng của hiện vật Đồng Đậu không chỉ ở số lượng, mà cái làm nên vóc dáng Đồng Đậu là một quá trình diễn biến văn hoá từ lớp sâu nhất lên trên mặt, phản ánh một quá trình phát triển liên tục để đi đến hình thành Nhà nước phôi thai đầu tiên của dân tộc.
Có thể nói giai đoạn Đồng Đậu là giai đoạn phát triển rực rỡ nhất ở đây, tầng văn hoá rộng và dày, hiện vật phong phú đa dạng; bên cạnh đó đồ đá, đồ gốm, đồ đồng, đồ xương cũng phát triển.


--------------------------------------------------------------------------------

ĐỀN BẠCH TRÌ VĨNH PHÚC:

Đền ở thôn Long Trì, thị trấn Hợp Hoà, huyện Tam Dương, nằm cách quốc lộ 2B (đi Sơn Dương - Tuyên Quang) 1km, cách ngã ba Tam Dương 7km.
Đền Bạch Trì có kiến trúc 3 gian thờ dọc, 2 gian ngoài là tiền tế, gian trong cùng bố trí thượng cung bởi sàn ván gỗ nâng cao cách nền 1,60m. Thượng cung bưng ván xung quanh, phía mặt tiền có cửa võng, tạo thành nơi kín đáo, thâm nghiêm - nơi thần ngự. Diện tích mặt bằng kiến trúc đền là 76m2. Kết cấu vì kèo theo dạng thức “chồng rường giá chiêng”, gồm 5 bộ vì, 4 hàng chân (20 cột gỗ lim) kê trên đá tảng tạo thế vững chãi cho ngôi đền. Đây là loại hình di tích ở vùng đất rộng, người thưa, nơi thờ tự thường được dựng trên một quả đồi - gò nhưng kiến trúc nhỏ, đáp ứng nhu cầu sử dụng phù hợp với địa bàn dân cư thưa thớt.
Tuy vậy, đền Bạch Trì cũng còn lưu giữ nhiều mảng chạm khắc gỗ truyền thống với trình độ kỹ thuật tinh xảo, khả năng tư duy sáng tạo, nghệ thuật sâu sắc và tâm nghề chí thành. Các bức chạm gỗ dân gian về các đề tài “tứ linh” (Long - Ly - Quy - Phượng) với các mô típ: Rồng ổ, phượng càm thư, lân cõng chữ thọ,…được thể hiện rất sắc nét, duyên dáng, uyển chuyển, sống động qua kỹ thuật đục bong, chạm lộng trên các bức cốn nách, xà rồng, bức vỉ ruồi đầu hồi, cửa võng,…đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc gỗ cổ truyền của cha ông ta ở thế kỷ XIX, góp phần tạo nên những giá trị văn hoá truyền thống được lưu giữ tại đền Bạch Trì, làm khuôn mẫu cho lối trang trí kiến trúc thờ tự cộng đồng của vùng quê trung du Bắc Bộ.
Đền thờ tam vị: Đệ nhất Sơn Lạc Đại Vương, đệ nhị Sơn Lạc Đại Vương, đệ tam Sơn Lạc Đại Vương, thường gọi là 3 anh em Lã Lạc, đã giúp Lã Gia (Thừa tướng nhà Triệu mà Triệu Đà là người khởi nghiệp) cùng nhân dân trong vùng và nước âu Lạc chống sự xâm chiếm của triều Tây Hán ở phía Bắc thời kỳ khoảng thế kỷ I trước công nguyên.
Toạ lạc trọn vẹn trên một quả đồi có tên đồi Rừng đền, diện tích khoảng 3ha, cao hơn mặt ruộng xung quanh 30 - 40m. Phía trước đền (hướng Nam) là dòng Sơn Tang (tức sông Phan) lững lờ uốn lượn quanh năm, tạo nên một vùng trũng, rộng, dân địa phương gọi là “Ao Bạch”, cùng rừng cây già có Đại, Sộp, Trám,…, đền Bạch Trì sẽ được quy hoạch, tôn tạo trở thành trọng điểm di tích danh thắng của huyện Tam Dương.

Nguồn: saigontoserco

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 03/12/18