|
Hai ‘báu vật’ phủ Lạng Thương (Cây Dã Hương)
Phía trái sau đình là cây dã hương ngàn năm tuổi. Cây có dáng bề thế, uy
nghi. Chu vi thân cây chỗ to nhất là 17,4 m, khoảng tám người dang tay
ôm mới hết. Chiều cao của cây là 36m, tán thân cây che phủ gần 2 sào đất.
Trên ngọn cây có những cành đã khô nhưng vẫn rất vững vàng. Lớp vỏ cây
dày trung bình khoảng 15cm.
Người dân xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, đều gọi cây dạ hương cổ này là
“cụ”. Các cụ bô lão trong thôn kể lại rằng, từ nhiều đời trước các cụ đã
thấy cây to và đẹp lắm rồi.
Trước kia trong ngọc phả của thôn còn có ghi lại câu chuyện Vua Lê Cảnh
Hưng (1740-1786) khi đi ngang qua thôn, thấy cây dã hương to, đẹp đã sắc
phong cho cây là “Quốc chúa đô mộc Dã Đại vương” (nghĩa là cây dã hương
lớn nhất nước).
Cây không chỉ là nét đẹp của cảnh quan môi trường, cảnh quan thiên nhiên
mà còn là nét đẹp văn hóa, biểu tượng rất đỗi mộc mạc, thân thiết, linh
thiêng trong không gian văn hóa Việt.
Người dân trong xã cho biết, nhờ có mùi hương của cây dã hương mà nhân
dân ở đây có sức khỏe tốt, các bệnh dịch truyền nhiễm ít có cơ hội lây
lan.
Cây được coi như một linh vật của người dân quanh vùng với nhiều giai
thoại và cũng là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho người dân nơi đây.
Cho đến nay chưa có tài liệu nào xác định chính xác tuổi đời của cây dã
hương này, nhưng theo người dân ở nơi đây thì vẫn gọi là cây dã ngàn năm
tuổi.
Trong cuộc hội thảo về cây dã hương của Trung tâm Nghiên cứu và phát
triển đa dạng sinh học tổ chức năm 2011, các nhà khoa học trong và ngoài
nước khẳng định cây dã hương này đã tồn tại khoảng 1.000 năm và trên thế
giới chỉ có hai cây dã hương quý như thế. Một cây ở châu Phi đã chết nên
cây dã hương này được xem là cây “độc nhất vô nhị của thế giới”.
Hiện nay cây dã hương đã được nhà nước coi là di sản quốc gia, hàng ngày
có rất nhiều đoàn khách về đây không chỉ để chiêm ngưỡng, cảm nhận vẻ
đẹp của cây “dã đại vương” nghìn năm tuổi, để hít sâu vào lồng ngực
hương thơm của dã hương - thứ hương tinh khiết mà không có ở một giống
cây nào, mà còn để nghe những câu chuyện ly kỳ, được người dân nơi đây
lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên những thông điệp có ý
nghĩa nhân văn sâu sắc về một cây cổ thụ như một biểu tượng, tượng trưng
cho một sức sống trường tồn của dân tộc.
Lâm Anh
|