|
Bến Tre
Diện tích: 2.360,2
km²
Dân số:1.256,7
nghìn người (2010)
Tỉnh lỵ: Thành
phố Bến Tre
Các huyện: Châu
Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày, Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Mỏ Cày
Bắc.
Dân tộc: Việt
(Kinh), Hoa, Khmer, Tày.
Điều kiện tự nhiên
Bến Tre là một tỉnh đồng bằng cuối nguồn sông Cửu Long, tiếp giáp với
biển Đông, có bờ biển dài 60km. Phía bắc giáp Tiền Giang, phía tây và
tây nam giáp Vĩnh Long, phía nam giáp Trà Vinh.
Địa hình ở đây bằng phẳng, rải rác có những cồn cát xen kẽ với ruộng
vườn, không có rừng cây lớn, bốn bề sông nước bao bọc rất thuận tiện cho
giao thông vận tải cũng như thủy lợi.
Bến Tre có khí hậu nhiệt đới gió mùa: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10,
các tháng còn lại là mùa khô. Nhiệt độ trung bình năm từ 26ºC - 27ºC.
Lượng mưa trung bình năm từ 1.250 - 1.500mm.
Tiềm năng phát triển kinh tế và du lịch
Bến Tre hình
thành bởi 3 cù lao lớn: cù lao Bảo, cù lao Minh và cù lao An Hóa do 4
con sông lớn là Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên chia cắt. Là
tỉnh có nhiều sông, rạch, Bến Tre có điều kiện thuận tiện để phát triển
du lịch xanh, bởi ở đó còn giữ được nét nguyên sơ của miệt vườn, giữ
được môi trường sinh thái trong lành trong màu xanh của những vườn dừa,
vườn cây trái rộng lớn.
Bến Tre là vựa lúa lớn của đồng bằng sông Cửu Long với nhiều sản vật và
hoa quả: lúa, ngô, khoai, dứa, chôm chôm, mãng cầu, vú sữa, sầu riêng.
Bến Tre giàu thủy sản với các loại: cá thiểu, cá mối, cá cơm. Cây công
nghiệp có dừa, thuốc lá, mía, bông. Đặc biệt Bến Tre là xứ sở của dừa (gần
40.000 ha trồng dừa), nổi tiếng với đặc sản kẹo dừa Bến Tre, bánh tráng
Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc. Làng nghề Cái Mơn hàng năm cung ứng cho thị
trường hàng triệu giống cây ăn quả và cây cảnh nổi tiếng khắp nơi.
Giao thông
Bến Tre cách Mỹ Tho 14km và cách Tp. Hồ Chí Minh 85km. Du
khách có thể đi từ Mỹ Tho đến tỉnh Bến Tre bằng phà.
Khách du lịch tham quan tỉnh Bến Tre có thể thuê tầu cao tốc 5 người,
hoặc các loại tàu với tốc độ thấp hơn và lớn hơn.
Nguồn: vietnamtourism |