Bến Tre Quê Hương
Tôi
HỒ
LIỄU
Hò ơi! Bến Tre
dừa xanh bát ngát
Đường đi Ba vác
gió mát tạnh xương
Em về giữa chợ
Giồng Trôm
Đừng quên chợ
Lách, Cái Mơn anh đợi chờ!
Bến Tre! Đã bao phen
thay tên đổi họ nhưng cuối cùng nhân dân vẫn quen gọi quê mình là Bến
Tre!
Tên Bến Tre có từ
thuở xa xưa. Đến cơn lốc mùa Thu, họ đổi tên Bến Tre thành tỉnh Đồ Chiểu
để hấp dẫn quần chúng nhân dân. Người dân tỉnh Bến Tre vẫn lòng son dạ
sắt thể
hiện ý chí của mình
qua thời Tây Leroy, định biến tên tỉnh thành ra Trúc giang thay vì tên
tỉnh. Sau này lúc chiến tranh sôi động, Bến Tre thành Kiến Hòa. Một
trong ba Kiến có nhiều khói lửa nhất: Kiến Hòa, Kiến Phong, Kiến Tường.
Bến Tre gồm có mười
quận: Trúc Giang, Đôn Nhơn, Hàm Long, Mỏ Cày, Hương Mỹ, Ba Tri, Bình Đại,
Giồng Trộm, Thạnh Phú Và Phước Hưng... Toàn tỉnh được 116 xã, kinh tế
chánh là dừa. Nhưng không phải chỉ đơn giản có bấy nhiêu thôi. Đành rằng
Bến Tre có nhiều dừa, nhưng ở bên dưới gốc dừa râm mát còn có một kho
tàng quý giá đặc sản mà thiết nghĩ ít có nơi nào sánh kịp.
Trước hết hãy nói về
danh nhân của tỉnh. Ở Bến Tre có hai danh nhân lừng lẫy mà cả nước không
làm sao quên được công ơn. Đó là thi hào ái quốc Nguyễn Đình Chiểu. Ngôi
mộ tọa lạc tại Ba Tri. Ông là tác giả của quyển Lục Vân Tiên trung trinh
tiết nghĩa và cả
ngàn bài thơ, văn tế
ái quốc khác. Thứ hai là bác học Trương Vĩnh Ký, cha đẻ của tự điển quốc
ngữ ở thời kỳ phôi thai, mà sau này cả nước vin vào đó để cải tiến cho
nước mình có một chữ viết ngày càng tinh vi hơn. Mộ của Pétrus Trương
Vĩnh Ký nằm ở quận Cái Mơn.
Bên kia bờ rạch Nhỏ
ngang sông nhà thờ lớn. Nhà thờ lớn Cái Mơn có một lối kiến trúc tinh vi
đồ sộ cùng một kích cỡ của nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn. Mộ của nhà Bác Học
nằm khiêm nhường ở một liếp vườn dừa tương đối không to lắm. Mộ xây bằng
đá mài có mái che. Thường thì các Ky Tô hữu đến viếng trong những ngày
thánh lễ. Có lúc mộ cũng im lìm suy tư như hiền triết đang suy tư vận
nước đang nổi trôi.
Sau nhà thờ lớn có
một cùng lãnh địa tôn nghiêm của Soeurs thuộc dòng tu kín. Trừ ra sau
1975 thì không biết chứ nơi đây xưa nay được coi là vùng cấm địa, như
một quốc gia trong một quốc gia.
Cái Mơn có danh
nhân, có nhà thờ lớn. Ngoài Ra Cái Mơn lại là một địa danh trù phú mang
lại kinh tế lớn cho tỉnh nhà.
Sản phẩm của Cái Mơn
là Sầu Riêng, chôm chôm, măng cụt... Sầu riêng, khổ qua Cái Mơn màu xanh
biên biếc. Cơm vàng hạt nhỏ. Ăn vào thơm bát ngát, mát miệng mát hồn.
Cạnh Cái Mơn còn có
xã Trường Thịnh là quê hương của bòn bon. Trái bòn bon Trường Thịnh xâu
dài trái khít. Lúc chín ngả màu vàng nõn nà. Khi ăn vào ít có ai bị
trúng thực hoặc xót ruột như dùng các loại trái cây khác.
Bên kia sông cái là
cù lao Tiên Long, Phú Long, nơi tiếp cận với xã Tiên Thủy. Người xưa gọi
xã đó là xã Tiên Thủy cũng có lý do của nó. Vì nước lộ ở đây chỉ vô tới
vàm là theo thủy triều trở ra biển. Hai xã Tiên Thủy, Tiên Long quanh
năm nước ngọt. Nước kém, nước rong, nước trong, nước bạc đều vẫn giữ một
vị ngọt mát tự nhiên. Dân chỉ múc nước vô lu chờ nước lóng là bên trên
nước ngọt thuần túy, không có lẫn phèn hôi như nước city của chúng ta ở
đây. Có lẽ nhờ đó mà khu vực cù lao này là nơi cư ngụ của loài ốc gạo.
Có khi người ta gặp ốc gạo kết bè kiếm cồn cát dầy để sanh xôi nẩy nở.
Gặp lúc như vậy, ghe xuồng nếu không đi gấp thì họ cắm sào chờ nước ròng
để mò ốc. Vì ốc gặp xuồng là khép mài lại, nhả không khí ra cho chìm tại
chỗ chớ không hề di chuyển nơi đâu.
Thuở thanh bình xa
xưa, người ta ăn ốc kỹ lắm. Họ lựa con nào lớn mới bắt lên. Ốc mới bắt
đem ngâm nước cơm vo để hồi lâu, ốc sẽ nhả cát ra. Cứ thế bỏ vào nồi để
lên bếp không đổ nước. Cho vào nồi tí muối bọt thôi. Ốc chín sẽ rớt mài
ra phơi bày thân ốc vàng
tươi, mập ú. Làm
nước mắm ớt cho ít xoài sống kẹp vào mà nhai. Con ốc thơm thơm béo béo
đòn rúm. Có ít xoài sống tiễn đưa! Ôi còn gì ngon hơn nữa đây, thưa quý
vị?
Trên xã Tiên Long
Tiên Thủy là xã Phú Long. Lưng chừng đường đi lên Phú Long có một ngã ba
sông tên là ngã ba Bến Rớ. Ngã sông này chạy về Phú Túc, Phú Đức, Rạch
Đình. Bên kia là Rạch Gầm Xoài Hột, nơi mà Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ làm cỏ
quân Xiêm La (Thái Lan) từ 20.000 quân xuống còn 1.600 phế binh và cho
tàu đưa về nước theo diện nhân đạo!
Ngã ba Bến Rớ có câu
hò rất dễ thương:
"Ba phen quạ nói
với diều
Ngã ba Bến Rớ có
nhiều cá tôm"
chớ không phải:
"Vĩnh Long cầu
sắt có nhiều xác Tây"
Một cánh đồng bát
ngát phân chia Tiên Thủy Tiên Long thành ranh giới. Bên kia ven đồng là
xã Quới Thành, Thành Triệu. Hai xã này là quê hương của loài nấm mối.
Một sản phẩm quý hiếm của giới tu hành mà mỉa mai thay, dân nhậu lại
thích càng dữ tợn nữa.
Ở các nơi khác, nấm
mọc tự nhiên có gò. May lắm là nhổ được nửa rổ, nửa thúng, hoặc một
thúng là cùng.
Đàng này dân xã Qưới
Thành biết khai thác đặc tính của nấm để biến thành nguồn kinh tế đáng
kể.
Đến mùa khô, dân
chúng chặt chót tàu lá dừa ném dày trên liếp vườn. Để lá cho mục và lá
sẽ là thực phẩm cho loại mối. Mối có thực phẩm sẽ ở nguyên tại chỗ không
vô nhà phá phách. Dễ sanh sôi nẩy nở và sẽ trồng nấm vào mùa mưa sắp
tới.
Người dân có lịch
nấm mọc. Ngày tháng... chỉ xê xích vài hôm thôi. Lúc mưa vừa chào sân
thì họ mau mau hốt bùn ở dưới mương dừa ném lên liếp. Bùn vừa ráo, cơn
mưa kế tiếp bắt đầu, nắng ngã màu vàng hanh là lúc nấm mọc. Tai nấm mọc
xuyên qua lớp đất ướt, thân nấm dài gấp đôi gấp ba lúc bình thường. Ngù
chưa mở dù, cân nặng ký lại dòn ngon.
Đem nấm rửa sạch để
ráo trộn ít muối ớt cho vào lá bạc hà non, thêm tí mỡ hành gói kín đem
để lên lửa than cho chín. Nấm tỏa mùi hương bát ngát - Ăn vào sẽ thấy
nấm vừa dòn, vừa ngọt, vừa thơm... đến thánh nhân cũng phải gật gù.
Nãy giờ nhắc nhiều
đến mồi quá mà chưa kể đến món mà các đấng mày râu đợi chờ có vẻ sốt
ruột: đó là nước mắt quê hương. Vâng! Bến Tre của chúng tôi chẳng những
có, mà có một cách hãnh diện vì có rượu đế nào sánh kịp rượu chợ Thơm,
giữa Mỏ Cày và Hương Mỹ.
Cần Thơ có rượu Cái
Trâm, Rạch Giá có rượu Đường Xuồng, ven đô có rượu Hốc Môn, Gò Đen;
nhưng nếu đem so với đế Chợ Thơm thì chắc phải chào thua. Dân Chợ Thơm
nấu rượu bằng nếp Hương chọn kỹ. Nước Hà Nàm pha với nước nhì là tắt lửa
dẹp kháp. Rượu Hà Nàm uống cháy ruột, rượu Hàng Ba nấng bọn dạ. Hà Nàm
pha với nước nhì cho một nồng độ như cognac Pháp. Hương vị quê hương
thấm thía tình người.
Xin quý vị nam tử
xách lít rượu Chợ Thơm xuống Ba Tri, quê của cụ Đồ Chiểu, quý vị sẽ có
mồi nhâm nhi đúng mức: Đó là sò huyết Ba Tri! Con sò không to như sò
Rạch Giá nhưng sò Ba Tri thân tròn thịt mập. Sò được nướng vừa há mồm
thì tách ra cho ít chanh,
tiêu vào. Mình sò đỏ
hỏm mập ù. Mùi vị thơm tho, ngọt béo. Bây giờ có sẵn rượu đế Chợ Thơm
xin đưa cay một chút, quý vị sẽ thấy tâm hồn mình bay lên tám ngả sơn
khê!
Chưa hết đâu! Quê
hương của cụ Nguyễn Đình Chiểu còn có một sản phẩm trứ danh nữa đó là
cua biển Ba Động.
Cua Ba Động bắt lên
lúc tối trời. Thân cua đen kịch nặng nề. Đem nướng lên thịt cua trắng
phau đầy đặn, gạch cua đỏ hỏn chứ không phải vàng hoe như cua nơi khác.
Thịt cua Ba Động ngọt lịm chứ không mặn như cua nơi khác. Đám tiệc đám
cưới mà đem về được vài xâu cua Ba Động để làm chả thì còn gì hơn nữa.
Bên trên bản đồ một
chốc là Giồng Trôm - Quê hương của bánh tráng mè và bánh phồng:
Em tráng bánh tráng,
anh quết bánh phồng
Cảm thương đôi má
ửng hồng, hẹn em chợ Mỹ Lòng ăn cháo về đêm
Chợ Mỹ Lòng ban ngày
sinh hoạt có vẻ thưa thớt, nhưng ban đêm lại đông vui tấp nập đủ loại
thực phẩm tươi ngon. Do đó nam thanh nữ tú thường hẹn nhau ra chợ Mỹ
Lòng về đêm.
Bên kia cù lao Minh
là Bình Đại, quê hương của Tây Le Roy và Đồng Văn Cống. Tây Le Roy đánh
giặc hay, biết dụ dân, cho nên có lúc y rượt Đồng Văn Cống chạy quên mặc
áo.
Đưa nữ địch vận vô,
nữ địch vận mê mẩn tâm thần, quyết theo chàng về Pháp. Tây Le Roy biết
ca vọng cổ, biết gõ nhịp song lang. Về sau qua Pháp, Le Roy bắt Tây
thiệt là tướng Salan giam vô bót.
Cách một bờ Cửu Long
là Thạnh Phú. Nơi đây Chà Là mọc thành rừng. Mới nhìn tưởng đâu là đất
hoang rừng rậm. Dân làm sao sống nổi. Nhưng thưa không. Rừng Chà Là đó
là
tiền bạc đấy. Dân ở
đây chuyên nghề chặt củ hủ Chà Là con. Mỗi đọt như vậy là một vị Đuông
nằm chễm chệ ở trong. Dân chặt đọt Chà Là bó thành bó, đem gấp ra chợ
Bến Tre
hoặc Sài Gòn để bán.
Bó Chà Là về tới Chợ Cũ Sài Gòn là tư thế nó khác rồi. Nó nằm trong tiệm
Chà Và nhà hàng đặc sản - Đắt không thể tả - Khách đông không thể đếm.
Người ta tách đọt
Chà Là bắt hoàng tử Đuông ra cho lội muối một chút là nó vừa sạch vừa
bất động. Nhét vào thân Đuông một hạt đậu phộng rang. Thoa ít nước xì
dầu hoặc nước mắm Phú Quốc rồi chiên bơ. Con Đuông chiên vừa béo vừa
thơm. Đúng ra chiên bơ cũng còn hơi thừa vì Đuông tự nhiên đã có mùi bơ
béo ngậy rồi.
Bến Tre còn có loại
Đuông Dừa cũng béo, to con hơn và nhiều hơn, nhưng lại không thơm bằng
Đuông Chà Là nên vì vậy mà rẻ tiền hơn. Có lẽ sản phẩm của Bến Tre quá
nhiều, quá phong phú. Chúng ta chỉ nhắc sơ qua các đặc sản trên cạn chứ
chưa đề cập tới thủy sản, hải sản. Những món này có dịp khác chúng tôi
sẽ bàn. Vì cù lao Bến Tre hình tam giác đáy quay về biển, và biển với
cửa sông giao nhau để tích lũy vô số tôm cá dồi dào của dòng bằng Nam
Việt trù phú.
Thật là một sai lầm
to tát khi gọi mấy người răng hô là dân Bến Tre. Họ muốn nói cái răng
hàm hô giống như bàn nạo để nạo dừa. Lâu rồi thành câu diễu cợt khả ố!
Các thanh niên ở xa đâu có biết rằng:
Con gái
Bến Tre tóc mây da trắng
Mắt
nhung đen má phấn môi son
Dáng đi
yểu điệu ru hồn
Em đi
khuất dạng mà anh còn trồng cây si!
Đó là
những nét đẹp xinh, duyên dáng của Bến Tre tôi vào thuở thanh bình xa
xưa. Giờ thì tất cả đã đổi thay. Trận cuồng phong 30-4-1975 đã cuốn đi
tất cả truyền thống, tập quán của quê mình.
Mong ngày
nào đó, đồng bào cả nước cùng đồng hương chúng ta khôi phục lại quê
hương, cho xứng đáng lòng trung dạ hiếu của cụ Đồ Chiểu và khối óc tinh
anh uyên bác của nhà bác học Trương Vĩnh Ký.
HỒ LIỄU
(Trích ĐS.
Tiền Giang - Hậu Giang)
Nguồn: saigontimesusa |