Từ thành Gia định đến
thành Kỳ hoà
Năm 1789 với sự hỗ trợ của người Pháp (giám mục Bá đa
Lộc và các ông Mannuel, Chaigneau, Vannier, D’Ayot, v.v.) chúa Nguyễn
Ánh chiếm được phủ Gia định. Lúc mới thành lập vào năm 1698, phủ
Gia định chỉ gồm hai huyện Phước Long (Biên hoà) và Tân Bình (Sài gòn,
mà địa giới từ sông Sài gòn đến sông Vàm cỏ đông).
Từ năm 1779, phủ Gia định mở rộng bao gồm các dinh Phiên trấn (Sài
gòn), Trấn Biên (Biên hoà), Trương Đồn (Định Tường), Long Hồ (Vĩnh long)
và trấn Hà tiên. Như vậy phủ Gia định đã bao gồm hầu như toàn diện tích
Nam phần Việt nam.
Năm 1790, chúa Nguyễn Ánh cho xây thành Gia định (còn có tên là Quy
thành vì giống hình con rùa) và sau đó đổi tên phủ Gia định thanh
trấn Gia định, đặt trấn quan cai trị ngũ trấn (Phiên an, Biên hoà,
Định tường, Vĩnh Long, Hà tiên).
Đến năm 1808, trấn Gia định được đổi tên là Gia định thành,
một đơn vị hành chánh quan trọng, vì lúc bấy giờ cả nước được chia ra
làm ba xứ: Bắc thành (do Tiền quân Nguyễn văn Thành làm Tổng trấn cai
trị cả xứ Bắc), miền Trung (do triều đình trực tiếp cai trị), Gia định
thành (từ năm 1812, do Tả quân Lê văn Duyệt làm Tổng trấn, cai trị cả xứ
Nam).
Sau khi Tả quân Lê văn Duyệt qua đời vào năm 1832, vua Minh Mạng cải
danh ngũ trấn cộng thêm với tỉnh An giang vào để trở thành lục tỉnh
(Phiên An, Biên hoà, Định tường, Vĩnh long, An giang, Hà tiên). Danh
xưng Nam kỳ lục tỉnh từ đó trở thành cái tên quen thuộc để gọi chung
phần đất miền Nam nước Việt.
Thành Gia định (Quy thành).
Năm 1790 chúa Nguyễn Ánh cho xây thành Gia định. Đây là một thành trì
kiên cố, do kỹ sư người Pháp (ông Olivier de Puymanel) vẽ hoạ đồ và
trông nom xây cất. Vách thành cao gần 5 mét, bằng đá ong lấy từ Biên hoà.
Các sử gia đã định được chu vi thành Gia định bao gồm từ đường Lê
thánh Tôn, Công Lý (trước năm 1975 thuộc quận 1) chạy qua đường Nguyễn
bỉnh Khiêm rồi vào tận đường Nguyễn đình Chiểu (Bàn cờ).
Thành xây cất theo hình bát giác (khám Chí Hoà cũng xây theo hình này)
giống như con rùa, nên còn có tên là Quy thành, có tám cửa theo hình quẻ
Ly. Trung tâm của thành là ngay khu vực nhà thờ Đức Bà.
Vua Minh Mạng vốn không ưa Tả quân, vì trước kia Tả quân chống đối
việc đưa thái tử Nguyễn phúc Đảm (vua Minh Mạng sau này) lên ngôi Đông
cung, vì thái tử Phúc Đảm là con dòng thứ của vua Gia Long.
Sau khi Tả quân Lê văn Duyệt mất, quan Bố chánh Bạch xuân Nguyên tìm
tòi bươi móc đời tư của Tả quân để tố cáo dâng biểu hạch tội với triều
đình. Do đó, Lê văn Khôi (vốn là con nuôi của Tả quân) đã giết chết toàn
gia đình quan Bố chánh và chiếm thành Gia định và tự xưng là Đại nguyên
soái.
Lê văn Khôi bị bịnh mất vào cuối năm 1833, sau đó có vài tướng lãnh
thuộc hạ trốn ra đầu thú với triều đình, vậy mà cho đến tháng 7 năm 1835
vua quan nhà Nguyễn mới hạ được thành Phiên an (tên mới của thành Gia
định).
Sau đó vua Minh Mạng hạ lịnh phá sập thành Phiên an (Gia định) và cho
xây một thành nhỏ hơn lấy tên là Phụng thành.
Phụng thành.
Được vua Minh Mạng cho xây vào năm 1836, cũng bằng đá ong lấy từ Biên
hoà. Thành hình vuông thay vì tám cạnh bát giác (Quy thành). Các sử gia
truy ra Phụng thành trải dài từ khu vực trước Sở thú dọc theo đại lộ
Thống Nhất (đường Lê Duẩn hiện nay) nghĩa là cũng tập trung quanh khu
nhà thờ Đức Bà.
Về sau, Phụng thành đã bị hạ bởi tướng Pháp De Genouilly, sau hai
tháng trời chống cự tử thủ. Vào tháng 2 năm 1859, hạm đội của tướng De
Genouilly tiến vào sông Sài gòn bắn phá Quy thành và chiếm được thành
vào ngày 17-04-1859. Thành bị quân Pháp đặt mìn giựt sập hoàn toàn. Từ
đó quân Pháp kiểm soát một hành lang dọc theo sông Sài gòn.
Năm 1860, Đô đốc Page (thay thế tướng De Genouilly) tung quân ra mở
rộng vùng kiểm soát đến tận Xóm Chiếu, Xóm Củi, Cây Mai, Chợ Rẩy. Tại
đây vào rạng ngày 04-07-1860 quân Pháp bị nghĩa quân phục kích, gây tổn
thất nặng nề (nghĩa quân Việt nam giết chết tên Đại úy Barbé). Nghĩa
quân ta cũng đánh chìm chiếc tàu Primauguet bỏ neo trên sông Đồng Nai.
Thành Kỳ hoà.
Năm 1860 ông Nguyễn tri Phương được phong chức Gia Định quân thứ,
Thống đốc quân vụ cùng với Tham tán đại thần Phạm Thế Hiển trông coi
việc quân sự ở miền Nam. Tại đây ông xây dựng đại đồn Chí Hòa (còn gọi
là thành Kỳ Hòa) để chống nhau với giặc Pháp xâm lược.
Thành này rất kiên cố nên được gọi là đại đồn, dài gần 12 km. Vách
thành bằng đá ong và đất sét, cao 3.5 mét, dày 2 mét, chung quanh có rào
tre, chông nhọn và hào nước sâu.
Rạng ngày 24-02-1861, quân Pháp do Đô đốc Charner chỉ huy, gồm 4000
quân và 70 chiến thuyền tấn công đồn. Quân binh trong đồn chống cự dũng
mãnh gây nhiều tổn thất cho quân Pháp. Chiều ngày 25-02-1861 đại đồn bị
thất thủ. Kinh lược Nguyễn tri Phương và Tham tán Phạm thế Hiển bị
thương nặng. Em ruột của ông Nguyễn tri Phương là Nguyễn Duy bị tử trận.
Về phía quân Pháp có Thiếu tướng Vassoigne và Đại tá Palanca (người Tây
Ban Nha) bị thương.
Kết luận.
Thành Gia định (Quy thành) bị quan quân nhà Nguyễn phá sập sau 3 năm
tử thủ bởi nhóm “loạn quân” Lê văn Khôi. Còn Phụng thành và thành Kỳ hoà
(hay Chí hoà) bị quân Pháp chiếm và phá sập trong những năm sau đó.
Trước khi kết thúc bài viết, xin nói rõ sự phân biệt về danh xưng
giữa thành Gia định và Gia định thành. Khi ta gọi thành Gia định
tức là ta đề cập đến một thành trì quân sự có tường lũy bao bọc, được
ông Olivier de Puymanel một kỹ sư người Pháp xây dựng và còn có tên là
Quy thành.
Còn khi ta nói Gia định thành, tức là ta đề cập đến một đơn vị
hành chánh quan trọng và rộng khắp Nam kỳ. Vào năm 1698, Gia định được
gọi là Phủ, năm 1802 đổi tên gọi là Trấn. Năm 1808 mới sửa lại là Gia
định thành.
Đông Nguyễn (Sydney) Post ngày:
12/08/18
|