Home Tìm Ca Dao Trợ Giúp Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
  Giữ Hồn Trống Trận


Theo báo quốc nội, tại tỉnh Bình Định, có 1 phụ nữ trung niên tên là Nguyễn Thị Thuận, đã 25 năm chuyên nghề biểu diễn bài trống trận Quang Trung cho du khách xem. Đó là một nghệ nhân "múa" trống và "sống" với trống trận Quang Trung không chỉ như một cái nghiệp mà trên hết là niềm tôn kính và nỗi đam mê. Báo NLĐ viết về phụ nữ này như sau.
Hai bàn tay cầm dùi tung tẩy, lướt trên 12 mặt trống. Âm thanh phát ra từ mặt trống lúc khoan thai, chậm rãi lúc dồn dập, khi rộn ràng, vui tươi. Thỉnh thoảng xen lẫn trong tiếng trống văng vẳng tiếng vó ngựa, tiếng bước chân rầm rập của đoàn chiến binh...Người biểu diễn hồi trống tựa đoàn quân của người anh hùng Quang Trung-Nguyễn Huệ, là nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận. Khúc "khải hoàn",đoạn kết của bài trống trận Quang Trung vừa kết thúc, chị Thuận cùng Đội Nhạc võ thuộc Bảo tàng Quang Trung (Tây Sơn- Bình Định) nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng không ngớt của đoàn du khách Bangladesh. Ngày nào cũng vậy, chị Thuận luôn có mặt ở đây để biểu diễn phục vụ du khách.
Giống như bao cô gái "miền đất võ", mới 6 tuổi, cô bé Thuận đã được làm quen với 12 trống trận Quang Trung. Số là, tình cờ trong một lần thấy cha dạy cho người chị gái cách đánh trống trận, Thuận đã học lỏm. Cô bé Thuận đã lấy chén, đũa, xoong, nồi để làm "đồ nghề"... Và cứ thế, Thuận lớn lên cùng những bài trống trận. Hàng ngày chị theo cha (làm nhạc công) vào cúng tế lễ ở Điện thờ ba Ngài (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ). Ban đầu chỉ học cách đánh trống cúng nghi thần, dần dần, Thuận đã học hết các nhịp, phách và tinh hoa của bài trống trận. Năm 1980, tròn 20 tuổi, chị Thuận được vào làm việc ở Bảo tàng Quang Trung với "nhiệm vụ" biểu diễn trống trận Quang Trung. Siêng năng tập luyện và chịu khó học hỏi, ở tuổi 44 với trên 35 năm cầm dùi trống chị Thuận là một trong những người biểu diễn trống trận Quang Trung nổi tiếng ở Bình Định. Cứ vào ngày mùng 5 Tết, lễ hội biểu diễn trống trận Quang Trung lại diễn ra tại Tây Sơn. Trống trận Quang Trung còn được gọi là "nhạc võ Tây Sơn" vì người biểu diễn không chỉ đánh trống đơn thuần mà còn thể hiện các động tác võ thuật cổ truyền. Chị Thuận cho biết: Khi biểu diễn nhạc võ, ngoài đôi tay truyền lực, người đánh trống trận phải di chuyển cả đôi chân theo nguyên tắc "túc bất ly địa" để đánh 12 trống đúng theo nhịp của bài võ. Phóng viên hỏi: Tại sao phải là bộ 12 cái trống?. "Vì con số 12 thể hiện cho thập nhị chi (còn gọi là 12 con giáp) hay 12 tháng trong một năm", chị Thuận giải thích như thế.
Bạn,
Báo NLĐ viết tiếp: Điều quan trọng khi biểu diễn trống trận Quang Trung là tiếng trống cất lên phải "hồn" và không thể thiếu sự kết hợp hài hòa của các nhạc cụ phụ trợ như: nhị, kèn, chũm chọe. Giống như người cha đã khuất, chị Thuận đang truyền dạy cho cô con gái út 21 tuổi những nhịp phách đầu tiên của một bài trống trận, với mong ước mãi mãi gìn giữ "hồn" trống trận Quang Trung. Chị nói: "Tôi không phải "hậu duệ" hay... "cháu chín đời của nhà Tây Sơn" như nhiều người nghĩ. Tôi chỉ là một người mê trống trận của người xưa..."

 

Bài Đọc Thêm:

Bảo tồn và phát huy Nhạc võ Tây Sơn - Bình Định

07:53, 18/02/2013 (GMT+7)

 

Người dân Bình Định thường tự hào là mảnh đất địa linh nhân kiệt “Đất võ - Trời văn”, nhưng không chỉ dừng lại ở đó mà cũng tại mảnh đất này còn sản sinh ra nhiều loại hình nghệ thuật khá nổi tiếng và đặc sắc mà ít nơi đâu trên đất nước Việt Nam có được như nghệ thuật hát bội, dân ca bài chòi và một loại hình không thể không nói đến đó là Nhạc võ Tây Sơn - Bình Định. 
 

 

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thuận đang biểu diễn trống trận Tây Sơn.


 

Theo những nhà nghiên cứu lịch sử về phong trào Tây Sơn, tỉnh Bình Định thì loại hình Nhạc võ Tây Sơn được hình thành và phát triển từ Phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn vào nửa cuối thế kỷ XVIII.


Chính Nhạc võ này là nguồn động lực thúc giục khí thế tiến công của nghĩa quân Tây Sơn và bao phen đã làm cho quân thù kinh hồn bạt vía.


Vì vậy, nó đã gắn liền với những chiến công hiển hách trong sự nghiệp dẹp thù trong, đánh giặc ngoài thống nhất đất nước và giải phóng dân tộc dưới tài chỉ huy thao lược của người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử và thời gian, nhưng các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh Bình Định đã nhận thức được giá trị to lớn của loại hình nghệ thuật này, đã nâng niu trân trọng bảo tồn và phát huy với sức sống trường tồn theo năm tháng.

 

Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Gia Thiện, Phó Giám đốc Nhà hát tuồng Đào Tấn Bình Định cho biết: Kể từ năm 1979, sau khi khánh thành Bảo tàng Quang Trung, tại thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn - Bình Định, ngành Văn hóa tỉnh đã cho thành lập đội nhạc võ Tây Sơn để phát huy giá trị nghệ thuật của trống trận Tây Sơn và tinh hoa võ thuật cổ truyền Bình Định để phục vụ du khách trong và ngoài nước khi đến tham quan bảo tàng. Nét đặc sắc của dàn trống trận Tây Sơn gồm có 12 chiếc trống chiến, có kích thước lớn, nhỏ và âm thanh trầm bổng khác nhau và một số nhạc cụ khác như trống chầu, chiêng, kèn sona, mõ, não bạt cùng hòa tấu đã góp phần tạo nên những âm hưởng hào sảng và mãnh liệt của bài trống trận Tây Sơn. Về tiết tấu của trống trận Tây Sơn gồm có 3 hồi: Hồi thứ nhất - Xuất quân; hồi thứ 2 - Xung trận - Hãm thành và hồi thứ 3 - Khúc khải hoàn.


Nói đến sự thành công của Nhạc võ Tây Sơn không thể không kể đến diễn viên đầu đàn Nguyễn Thị Thuận. Chị đã gắn bó và biểu diễn trên 30 năm với nhạc võ này và nếu ai có dịp được xem chị biểu diễn đều cảm phục trước sự điêu luyện. Chị cho biết: Khi biểu diễn, chị kết hợp nhuần nhuyễn giữa thi triển thân pháp, bộ pháp, nhãn pháp nhanh nhẹn, uyển chuyển như một vũ công thực thụ. Đặc biệt, đôi tay cầm dùi trống và như múa trên mặt trống với những kỹ thuật ve, vỗ, bịt đến mức điêu luyện tạo nên những giai điệu đặc sắc cuốn hút người nghe. Nói về phong cách và nghệ thuật biểu diễn của chị Thuận, ông Thiện cho biết thêm: Đây là một diễn viên có khả năng thể hiện được hết cái hồn, cái tinh túy ẩn chứa trong bài trống trận Tây Sơn và nghệ thuật biểu diễn của chị đã góp phần làm cho trống trận Tây Sơn nổi tiếng trong và ngoài nước.

 

Ngày nay, khi nền âm nhạc truyền thống ngày càng phát triển, các loại trống truyền thống được ra đời và mang nhiều tên khác nhau như: Âm vang trống trận - âm vang trống hội; trống hội tòng quân và trống hội Phù Đổng... Nhưng nhìn chung các thể loại trống này đã được cải biên, pha lẫn kỹ xảo trống hiện đại kết hợp với trống truyền thống và dĩ nhiên nó rất khác biệt với những hồi trống trận Tây Sơn đã được Bảo tàng Quang Trung bảo tồn và phát huy. 

 

Mặt khác, để gìn giữ và lưu truyền giá trị đặc sắc về Nhạc võ Tây Sơn cho các thế hệ hôm nay và mai sau, trong những năm qua, Bảo tàng Quang Trung đã hợp tác với NSƯT - Nhạc sĩ Đào Duy Kiền viết các bản nhạc lý phổ theo nền nhạc truyền thống để có cơ sở truyền dạy lại cho các thế hệ trẻ và cùng với sự dìu dắt, chỉ dẫn miệt mài, tâm huyết của diễn viên Nguyễn Thị Thuận, đến nay trong đội nhạc võ đã có một số diễn viên trẻ như Phan Phương Mai, Dương Thị Hương đã có thể thay thế biểu diễn mỗi khi chị Thuận bận việc. Đồng thời ngoài 3 hồi nhạc công trống trận Tây Sơn, các nhạc công Bình Định còn vận dụng tiết tấu của trống trận Tây Sơn để tạo nên những khúc nhạc mạnh mẽ làm nền cho các diễn viên biểu diễn các bài võ cổ truyền Tây Sơn như: Thập bát ban binh khí; Binh khí chống binh khí; Tay không chống binh khí; hoặc đấu quyền... thể hiện tinh thần thượng võ của người Bình Định.


Ông Trần Xuân Cảnh, Phó Giám đốc Bảo tàng Quang Trung cho biết: Đến nay, Đội Nhạc võ Tây Sơn tuy số diễn viên không nhiều, nhưng đã không ngừng rèn luyện trình độ biểu diễn và hàng năm đã thực hiện trên 500 chương trình biểu diễn phục vụ du khách trong và ngoài nước đến tham quan tại Bảo tàng Quang Trung. Ngoài ra, Đoàn còn tham gia phục vụ hầu hết các lễ hội của tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố khác ở trong nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Huế, Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Thọ, Kon Tum, Gia Lai và đã có chuyến lưu diễn thành công tại Mianma.


Ông Mai Thanh Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Nhạc võ Tây Sơn - Bình Định đã được các cấp ngành chức năng và chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy Nhạc võ Tây Sơn như một sản phẩm du lịch giá trị và quý hiếm, nhằm tuyên truyền rộng rãi trong cả nước và quốc tế về nét đặc sắc của miền đất Tây Sơn - Bình Định, đồng thời tỉnh chỉ đạo các cấp ngành chức năng lập thủ tục đề nghị cấp trên công nhận là di sản văn hóa quốc gia và thế giới.

 

Viết Ý

 

 

 

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 03/12/18