Bình Định - Qui Nhơn Qua Những Thăng
Trầm của Lịch Sử
THÁI TÚ HẠP
Vào năm Tân Sửu 1301 Thượng Hoàng Trần Nhân Tông được vua Chiêm Thành là
Chế Mân mời sang để xem thắng cảnh và chuyến đi đầy lý thú này Thượng
Hoàng có hứa sẽ gã Huyền Trân Công Chúa cho vua Chế Mân... Và về phía
Vua Chiêm xin dâng hai Châu Ô và Châu Rí để làm lễ cưới. Đến tháng 6 năm
Bính Ngọ (1306) Trần Anh Tông mới quyết định thuận gã Công Chúa Trần
Huyền Trân cho Vua Chế Mân để nhận lấy hai Châu Ô – Rí. Và sau đó vài
năm Dân Chàm gọi là Chiêm Thành dắt dìu nhau di tản về phương Nam các
tỉnh Quảng Ngãi Bình Định bây giờ. Hiện tượng lịch sử này đã được dân
gian ca ngợi:
“Hai Châu Ô Lý vuông ngàn dặm
Một gái thuyền quyên đáng mấy mươi”
(Ca dao)
Đem một gái thuyền quyên đổi lấy hai Châu Ô - Rí quả là lợi cho Dân tộc
một sự hy sinh đáng kính trọng. Tuy nhiên, các nhà nghệ sĩ ca ngợi nhân
bản thì tiếc cho một quốc sắc thiên hương (Quốc sắc triêu hàm tửu, Thiên
hương dạ nhiểm y) mà phải sống chung với người kém văn hóa như thế quả
là tội nghiệp đáng thương biết chừng nào nên đã phố biến ca dao để phản
bác:
“Tiếc thay cây Quế giữa rừng
Để cho thắng Mán thằng Mường nó leo ...”
Kể từ khi lùi bước về phương Nam Vua Chiêm thành lập nên Đế đô Đồ Bàn
nhờ sông núi hiểm trở, thành trì vững chắc nên người Chiêm Thành đã ngăn
được bước tiến quân xâm chiếm của Người Việt nhiều thế kỷ. Tuy nhiên,
cuộc chiến giữa người Chiêm Thành và người Việt vẫn tiếp diễn thường
xuyên. Đến năm Canh Thìn (1470) Vua Chiên Thành là Trà Toàn đem quân ra
đánh Hóa Châu (Thừa Thiên) Vua Lê Thánh Tông phải đích thân đem quân đi
chinh phạt. Trà Toàn đại bại phải rút quân về Đồ Bàn. Thừa thắng xông
lên tiến đánh vào mục tiêu Đồ Bàn. Trà Toàn và tàn quân phải rút chạy về
Phương Nam Phan Rang – Phan Rí.. Vua Lê Thánh Tông cho sát nhập vào Đạo
Quảng Nam phần đất của Chiêm Thành mới chiếm được. Và đặt tên là Phủ
Hoài Nhơn với ba huyện trực thuộc Bồng Sơn, Phủ Lý và Tuy Viễn. Phủ lỵ
đóng đô tại thành Đồ Bàn.
Đến đời Trịnh Nguyễn phân tranh năm Ất Tỵ (1605) Chúa Tiên Nguyễn Hoàng
đổi tên Hoài Nhơn Thành Qui Nhơn. Đến đời Chúa Nguyễn Phúc Tần năm Tân
Mão (1651) Phủ Qui Nhơn đổi ra Phủ Qui Ninh. Sang đời Chúa Nguyễn Phúc
Khoát năm Tân Dậu (1741) lại lấy tên Qui Nhơn. Năm Giáp Tý (1741) Nguyễn
Phúc Khoát xưng vương hiệu là Võ Vương sửa đổi việc nội trị. Các Đạo đổi
ra Dinh các Phủ vẫn giữ tình trạng cũ. Phủ Qui Nhơn vẫn thuộc dinh Quảng
Nam và Phủ Lỵ dời ra phía Bắc thành Đồ Bàn tại thôn Châu Thành (Nay là
xã Nhơn Thành, Huyện An Nhơn).
Võ vương mất (1765), Nguyễn Phúc Thuần kế vị lấy hiệu
Định Vương. Định Vương còn nhỏ, gian thần Trương Phúc Loan nắm quyền
bính và lộng hành, nước sanh loạn lạc, nhân dân đồ thán. Để dẹp loạn cứu
dân, năm Tân Mão (1771), ba vị anh hùng đất Tây Sơn (huyện Tuy Viễn) dấy
nghĩa binh đánh nhà Nguyễn, nhân dân nức lòng hưởng ứng, khí thế rất
mạnh. Tuần vũ Qui Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên không chống nổi, bỏ thành
chạy ra Phú Xuân. Nghĩa binh lấy Qui Nhơn làm căn cứ, rồi đánh vào Nam,
đánh ra Bắc, dựng nên cơ nghiệp nhà Tây Sơn.
Năm Bính Thân (1776), Nguyễn Nhạc xưng vương, hiệu Thái
Đức, lấy Qui Nhơn làm kinh đô, sửa sang lại thành Đồ Bàn làm Hoàng đế
thành (tục gọi Đế Kinh). Thành Đồ Bàn dân gian gọi là Thành Cũ, nằm trên
dãy gò sỏi bao trùm hai thôn Nam Tân và Bắc Thuận, nay thuộc xã Nhơn
Hậu, huyện An Nhơn. Thành do vua Chiêm Thành Ngô Nhật Hoán xây vào thế
kỷ thứ X.
Sau khi Nguyễn Phúc Ánh nhờ ngoại nhân giúp sức lấy lại
được đất Gia Định rồi thì Qui Nhơn cũng như các nơi khác ở Bắc, Nam trở
thành bãi chiến trường. Năm Nhâm Tý (1792), Nguyễn Phúc Ánh sai Nguyễn
Văn Thành, Nguyễn văn Trương cùng hai tướng Pháp là Dayot và Vanier (tục
gọi là Nguyễn Văn Phấn, Nguyễn Văn Chấn) đem chiến thuyền từ cửa Cần Giờ
ra đánh Qui Nhơn. Thuỷ quân của Nguyễn Phúc Ánh đến Thị Nại bị quân Tây
Sơn đánh lui. Năm sau, Nguyễn Phúc Ánh thân chinh, điều động thủy binh,
bộ binh tiến quân một lượt. Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc chống không nổi,
rút quân vào thành Qui Nhơn (Đồ Bàn) cố thủ. Quân Nguyễn bao vây, công
kích. Vua Thái Đức sai tướng mở đường máu chạy ra Phú Xuân cầu cứu. Lúc
bấy giờ vua Quang Trung đã mất, vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản sai
Phạm Công Hưng, Nguyễn Văn Huấn, Lê Trung và Ngô Văn Sở điều 17,000 quân
binh cùng 80 chiến tượng đi đường bộ và 30 chiến thuyền đi đường biển
vào cứu Qui Nhơn. Nguyễn Phúc Ánh thấy khí thế viện binh hùng hậu, liệu
không chống nổi bèn rút khỏi Qui Nhơn. Không đánh mà thắng, Phạm Công
Hưng cùng các tướng kéo quân vào thành Qui Nhơn, chiếm giữ thành trì và
tịch biên tất cả kho tàng. Vua Thái Đức thấy vậy, tức giận thổ huyết mà
thác.
Được tin, vua Cảnh Thịnh phong cho con vua Thái Đức là
Nguyễn Bảo làm Hiến công, ăn lộc một huyện, gọi là Tiểu Triều, và để Lê
Trung cùng Nguyễn Văn Huấn ở lại giữ thành. Từ ấy, tức năm Đinh Sửu
(1793), Qui Nhơn không còn là kinh đô nữa. Và cũng từ ấy, khí thế nhà
Tây Sơn mỗi ngày một suy yếu, nhân dân địa phương bị khốn khổ vì giặc
giã và nạn tham quan ô lại. Nội bộ Tây Sơn lại lục đục, phân hóa, giết
hại lẫn nhau...!
Dò biết được tình thế, năm Đinh Tỵ (1797), Nguyễn Phúc
Ánh cùng Hoàng tử Cảnh kéo binh thuyền ra đánh Qui Nhơn. Tướng Tây sơn
biết tin, phòng bị trước, Nguyễn Phúc Ánh liệu đánh không lợi nên rút
quân về Gia Định đợi thời cơ. Qua năm Kỷ Mùi (1799), khoảng cuối xuân
đầu hạ, Nguyễn Phúc Ánh lại cử binh ra đánh Qui Nhơn. Bị đánh cả hai mặt
thủy – bộ, quân Tây Sơn bị thua phải rút quân vào thành cố thủ. Phú Xuân
hay tin cho binh vào cứu, song viện binh bị quân nhà Nguyễn chận đánh ở
Quảng Ngãi, không đến Qui Nhơn được. Tướng giữ thành Qui Nhơn là Lê Văn
Thanh vì lương thảo cạn, liệu không chống giữ nổi, phải mở cửa thành đầu
hàng. Nguyễn Phúc Ánh đem quân vào thành, phủ dụ nhân dân rồi đổi tên
Qui Nhơn ra Bình Định (tháng 5 năm Kỷ Mùi 1799), xong rút quân về Gia
Định để Võ Tánh và Ngô Tùng Châu ở lại giữ thành Bình Định.
Qua năm sau (năm Canh Thân 1800), tướng Tây Sơn là Trần
Quang Diệu và Võ Văn Dũng cử bộ binh và thủy binh vào đánh Bình Định.
Khí thế rất mạnh, quân Võ Tánh rút vào thành cố thủ. Trần Quang Diệu sai
đắp lũy chung quanh thành và chia quân vây bốn mặt. Võ Văn Dũng thì đôn
đốc thủy quân phòng giữ cửa Thị Nại.
Nghe tin thành Bình Định bị khốn, Nguyễn Phúc Ánh thống
suất đại binh ra cứu viện, nhưng thành bị bao vây cẩn mật không giải cứu
nổi. Võ Tánh và Ngô Tùng Châu sai người lén đem mật thư ra cho Nguyễn
Phúc Ánh, đại ý: "Quân tinh nhuệ của Tây Sơn dồn cả vào Bình Định. Xin
đừng lo việc giải vây vội, hãy kéo ra đánh lấy Phú Xuân". Nguyễn Phúc
Ánh nghe theo, và tháng 5 năm Tân Dậu (1801) đánh lấy được Phú Xuân.
Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng nghe tin Phú Xuân thất
thủ, liền sai tướng đem quân ra cứu. Quân ra tới Quảng Nam thì bị chận
đường phải trở lui. Trần Quang Diệu nổi giận đốc quân đánh thành luôn
ngày luôn đêm. Thành bị vây lâu ngày, lương thảo đều hết, liệu không còn
có thể giữ được nữa, Võ Tánh bèn viết thư sai người đưa ra cho Trần
Quang Diệu, yêu cầu đừng giết hại sĩ tốt khi vào thành. Đoạn sai chất
củi khô, đổ thuốc súng vào, tự đốt mà chết. Ngô Tùng Châu uống thuốc độc
chết theo. Trần Quang Diệu vào thành, tha cho toàn thể tướng sĩ nhà
Nguyễn và sai liệm táng họ Võ, họ Ngô theo lễ.
Năm Tân Dậu (1801), đợi mùa gió Nam thổi, Nguyễn Phúc
Ánh khiến chế tạo chiến cụ hỏa công rồi sai Lê Văn Duyệt, Võ Di Nguy,
Nguyễn Văn Trương đem đại binh ra đánh Thị Nại. Mặc dù gắng sức tả xung
hữu đột, hải thuyền của nhà Nguyễn vẫn không thể vào nổi. Tướng nhà
Nguyễn là Nguyễn Văn Trương cho gián điệp trà trộn vào quân Tây Sơn lấy
được mật khẩu rồi đang đêm cỡi thuyền nhỏ xâm nhập đốt thủy trại của Tây
Sơn. Võ Văn Dũng đang chỉ huy ở trận tiền thấy lửa cháy ở hậu cứ, thất
kinh chia binh trở vào cứu. Võ Di Nguy thừa cơ dùng thuyền nhẹ lướt vào
lòng địch. Súng của quân Tây Sơn trên đồi bắn xuống, Võ Di Nguy bị trúng
đạn chết. Lê Văn Duyệt liều chết thúc binh tiến lên. Thuyền hai bên giáp
chiến ác liệt, súng nổ vang trời. Thừa ngọn gió nam thổi mạnh, Lê Văn
Duyệt nổi hỏa công. Lửa theo gió tạt vào đoàn thuyền Tây Sơn. Quân nhà
Nguyễn bị chết rất nhiều, nhưng thuyền Tây Sơn bị đốt gần hết, Vũ Văn
Dũng chống không nổi phải bỏ Thị Nại kéo tàn quân lên bờ, hợp cùng Trần
Quang Diệu giữ những nơi hiểm yếu khác. Trận này là trận thủy chiến lớn
nhất và là trận sau cùng giữa hai họ Nguyễn ở trên biển Thị Nại. Từ đó
quân của Nguyễn Phúc Ánh giữ vững cửa bể này.
Năm Nhâm Tuất (1802), nghe tin vợ là nữ tướng Bùi Thị
Xuân thất trận ở Trấn Ninh, Trần Quang Diệu phải bỏ thành Bình Định đem
binh tướng theo đường núi ra Nghệ An để hiệp cùng vua Tây Sơn chống giữ
mặt Bắc. Nhưng quân nhà Nguyễn thế lực hùng mạnh, quân Tây Sơn liên tiếp
bị thất trận. Trần Quang Diệu ra đến Nghệ An chưa được bao lâu thì bị
bắt cùng Bùi Thị Xuân.
Sau khi thống nhất lãnh thổ, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi
cửu ngũ, lấy niên hiệu Gia Long (1802), chỉnh đốn mọi việc trong nước.
Để cai trị địa hạt Đồ Bàn cũ, nhà vua đặt Bình Định Dinh, quan công
đường là Lưu thủ, Cai bạ, Ký lục. Lỵ sở đóng tại thành Đồ Bàn cũ. Năm
Gia Long thứ 7 (1808), đổi dinh làm Trấn, và năm Gia Long thứ 9 (1810),
đổi chức Lưu thủ làm Trấn thủ. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), đổi chức Cai
bạ, Ký lục làm Hiệp trấn và Tham hiệp.
Năm 1832, vua Minh Mạng theo lối nhà Thanh bên Tàu, đổi
Trấn làm Tỉnh. Bình Định trấn đổi thành Bình Định tỉnh từ đó. Theo quan
chế nhà Nguyễn, tỉnh lớn có quan Tổng đốc cầm đầu, phụ tá Tổng đốc có
quan Bố chánh sứ coi việc hành chánh, quan Án sát sứ coi việc tư pháp,
quan Lãnh binh coi việc an ninh, trật tự. Những tỉnh nhỏ chỉ có quan
Tuần vũ và Án sát. Ở Bình Định lúc bấy giờ, triều đình đặt quan Tổng đốc
coi hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, gọi là Bình Phú Tổng đốc. Năm Tự Đức
thứ 17 (1863), tách riêng Đạo Phú Yên ra khỏi tỉnh Bình Định.
Về các Phủ, Huyện tại tỉnh Bình định qua các triều vua
có nhiều sự thay đổi. Cuối cùng, dưới thời phong kiến thực dân, tỉnh
Bình Định chia làm 3 phủ, 4 huyện (huyện cũng như phủ đều trực thuộc
tỉnh). Ba phủ là: Hoài Nhơn (đất Bồng Sơn cũ), An Nhơn (đất Tuy Viễn cũ)
và Tuy Phước. Bốn huyện là: Hoài Ân, Phù Mỹ (đổi ra phủ năm 1944), Phù
Cát và Bình Khê. Cầm đầu phủ, huyện có Tri phủ, Tri huyện.
Khi phong trào Cần Vương chấm dứt (khoảng 1888), Pháp
đặt nền đô hộ trên đất nước Việt Nam, lấy dải đất chạy dài ra cửa bể Thị
Nại làm nơi lỵ sở của Công sứ, gọi là Qui Nhơn. Đây là nơi Pháp đã đổ bộ
và đã dùng làm căn cứ quân sự trong thời gian chống cự với nghĩa binh do
nhà anh hùng Mai Xuân Thưởng lãnh đạo. Từ đó Qui Nhơn là thành phố biển
được xây dựng và phát triển khả quan.
Khoảng năm 1934-1935, cơ quan Tỉnh của Nam triều từ
thành Bình Định dời đến thành phố Qui Nhơn, giao thành Bình Định cho phủ
An Nhơn đóng lỵ sở. Sự việc xảy ra thời ông Nguyễn Hy (con Nguyễn Thân)
làm Tổng đốc Bình Định. Nghĩ rằng, Toà Sứ và Tỉnh ở cạnh bên, thuận tiện
cho công việc cai trị, nên Triều đình Huế chấp thuận việc di dời.
Năm 1947, thi hành chính sách tiêu thổ kháng chiến, Việt
Minh triệt hạ thành Bình Định và dời cơ quan huyện đi nơi khác. Thành bị
phá tận gốc, nhà cửa trong ngoài đều bị triệt hủy, san bằng, chỉ còn sót
lại lầu cửa Đông. Sau khi chính quyền Quốc gia tiếp thu tỉnh Bình Định
(1955), quận đường An Nhơn đóng trên nền thành cũ, nhà cửa xây cất lại.
Thành phố Qui Nhơn cũng là lỵ sở hành chánh của tỉnh Bình Định. Từ 1955
đến 1971, Qui Nhơn là một xã trực thuộc toà Hành chánh Tỉnh, và đến năm
1972 là Thị Xã với địa bàn được mở rộng.
Tựu trung, kinh đô Đồ Bàn của Chiêm Thành bị vua Lê
Thánh Tông đánh chiếm thì lãnh thổ này được cải danh là Phủ Hoài Nhơn (
năm Canh Thìn 1470) thuộc đạo Quảng Nam. Đến năm Ất Tỵ (1605), chúa Tiên
Nguyễn Hoàng đổi tên là phủ Qui Nhơn. Năm Tân Mão (1651), chúa Nguyễn
Phúc Tần đổi ra phủ Qui Ninh. Đến năm Tân Dậu (1741), đời chúa Nguyễn
Phúc Khoát, lấy lại tên Qui Nhơn.
Từ năm Bính Thân (1776) đến năm Đinh Sửu (1793), vua
Thái Đức Nguyễn Nhạc lấy thành Qui Nhơn (Đồ Bàn cũ) làm Trung ương Hoàng
đế thành. Năm Kỷ Mùi (1799), Nguyễn Phúc Ánh chiếm thành Qui Nhơn, đổi
tên Qui Nhơn ra Bình Định. Sau khi lên ngôi vua, lấy hiệu Gia Long
(1802), nhà vua đặt Bình Định dinh, đến năm 1808 đổi dinh làm trấn. Năm
1832, vua Minh Mạng đổi Bình Định trấn thành Bình Định tỉnh.
Từ năm 1888, thành phố nằm trên cửa bể Thị Nại được gọi
là Qui Nhơn. Năm Giáp Tuất (1934), hay Ất Hợi (1935), các quan đầu tỉnh
của Nam triều dời lỵ sở về Qui Nhơn, giao thành Bình Định cho huyện An
Nhơn làm công đường. Từ đó, cũng như sau này, dù bị phá hoại san bằng,
thành Bình Định vẫn còn là một địa danh được nhắc nhở. Vùng huyện lỵ An
Nhơn được gọi là thị trấn Bình Định. Người địa phương nói gọn là Bình
Định giống như Đập Đá, Gò Găng, người nghe hiểu là nói đến thị trấn Bình
Định nằm trên quốc lộ 1, cách Qui nhơn chừng 20 km.
Thị trấn Bình Định còn có tên gọi rất xưa là Gò Chàm.
Chợ Bình Định (thị trấn) ngày nay vẫn thường được gọi là chợ Gò Chàm.
"Chợ Gò Chàm một tháng sáu phiên
Ai thương ai thì hãy nhớ xuống lên cho đều..."
Thành phố Qui Nhơn có năm đường phố chính Đường Bạch Đằng ven bờ biển.
Là cái mỏm nhọn của mãnh đất hình trái tim vươn ra ngoài biển đông thơ
mộng. Có vịnh cảng rộng lớn đón tàu thuyền thế giới vào ra kết tình bốn
bể. Có Lạch Hải Minh nước chảy xiết vì nơi có duy nhất Đầm Thị Nại đổ
vào trùng dương. Nơi ghi chiến tích những trận hải chiến giữa quân Tây
Sơn và những chiếc thuyền xâm lược của quân Hòa Lan. Nhìn xa xa là bãi
biển Hội Lộc như tấm lụa vàng phủ lên màu sẫm của núi Bà Đen trông như
một bức tường cẩm thạch khổng lồ tuyệt đẹp. bầy chim Hải Âu bay lượn
giữa bầu trời xanh gợi nhớ đến cuộc tình thơ mộng trong truyện Hải Âu
Phi Xứ của Nữ Sĩ Quỳnh Dao.
Khu phố Gia Long mệnh danh là khu thương mại sầm uất quy tụ thương
nghiệp của người Hoa định cư tại Qui Nhơn. Con đường Phan Bội Châu Võ
Tánh và Cường Để. Những khu riêng biệt có tòa hành chánh, thị xã, tòa
án, ngân khố, thuế vụ, sở cảnh sát... về trường học chúng ta phải nhắc
đến Trường Cường Để, Bồ Đề, Nhân Thảo, Trưng Vương, Triều Thuận, Sùng
Nhơn... nơi đào tạo những nhân tài cho đất nước và xã hội tương lai. Về
tôn giáo có Nhà Thờ Chánh Tòa và Chùa Long Khánh cơ sở giáo hội Phật
Giáo lớn nhất tĩnh Bình Định - có sân bay chính giữa khu 2 và khu 3 là
nơi đưa đón buồn vui của khách đến từ khắp nơi và cũng là hình ảnh chia
tay của những người thân trong gia đình đi xa làm ăn hay tiếp tục con
đường học vấn. Ai đã từng ở Qui Nhơn chắc không thể nào quên được cảnh
tượng nhộn nhịp đưa tiển nhau ở bến xe đò Qui Nhơn. Những chiếc xe bus
Nam Long màu đỏ đưa khách ngược xuôi Phù Cát - Bồng Sơn đến Qui Nhơn.
Hay những chuyến xe bus Việt Cường, Phi Long, Lộc Thành... đưa khách về
phương bắc thành phố Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế... hay về Phương Nam Nha
Trang - Sài Gòn...
Về lãnh vực ẩm thực và đặc sản Qui Nhơn - Bình Định nỗi tiếng nón lá Gò
Găng, Bún An Thái nhưng phải dùng nước sông Kôn mới ngon. Bánh tráng Phú
Đa, Dừa Tam Quan, Nem chợ Huyện... Du khách có thể đi thăm Tuy Phước,
Đập Đá, Phú Tài, Phù Ly, Phù Cát, An Thái, Phù Mỹ, Bồng Sơn, Tam Quan...
nhiều cảnh đẹp thiên nhiên đầy thú vị.
Bình Định - Qui Nhơn là miền đất địa linh nhân kiệt có bề dày truyền
thống lịch sử văn hóa lâu đời. Nơi sinh sản những tài năng kiệt xuất
như vua Quang Trung đã tạo chiến thắng oanh liệt Đống đa nay vẫn còn đền
thờ ở huyện Bình Khê. Nơi nuôi dưỡng những văn thi sĩ nổi tiếng trong
Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Yến Lan, Quách
Tấn, Võ Phiến, Nguyễn Mộng Giác, Phạm Thế Mỹ... đặc biệt tại Ghềnh Ráng,
Qui Hòa nơi có ngôi mộ của Thi sĩ Hàn Mặc Tử của thời tiền chiến. Ông
tên thật là Nguyễn Trọng Trí. Sinh ngày 22-09-1912 ở Lệ Mỹ (Đồng Hới).
Ông làm thơ từ thuở nhỏ. Lấy hiệu là Phong Trần và Lệ Thanh năm 16 tuổi.
Ông định cư Qui Nhơn từ thuở nhỏ, Cha mất sớm nhà nghèo. Học đến năm thứ
ba ở trường Qui Nhơn đột ngột bị bệnh hủi phải đưa vào nhà thương Qui
Hòa rồi mất tại đó vào ngày 11-10-1940. Hàn Mặc Tử nổi tiếng trong Văn
Thi Đàn Văn Học Việt Nam. Chúng tôi giới thiệu bài thơ "Đây Thôn Vỹ Dạ":
Sao anh không về chơi Thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Gió theo lối gió mây đường mây
Giòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở Trăng vể kịp tối nay
Mơ khách đường xa khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà...
Bình Định có tinh thần thượng võ nổi tiếng nhất là ở An Thái nên có ca
dao lưu truyền trong nhân gian:
Ai về Bình Định mà coi
Cô gái An Thái múa roi đi quyền...
Qui Nhơn cũng là nơi chốn cố cựu của giòng họ người Việt gốc Hoa đã đến
định cư từ nhiều đời trước và đã cần mẫn làm ăn buôn bán suốt dọc trên
con đường phố Gia Long. Tôi cũng có vợ nguyên quán Qui Nhơn nên mỗi năm
chúng tôi đều có về thăm bà con và mộ phần tổ tiên ở nghĩa trang và Đập
Đá... Và tôi cũng có dịp về thăm những tháp cổ rêu phong một thời vang
bóng của người Chiêm Thành. Và thăm ngôi mộ của người thi sĩ tài hoa Hàn
Mặc Tử. Để được nhìn giòng nước sông Kôn lững lờ qua năm tháng đìu hiu.
Bao nhiêu thăng trầm của lịch sử tiếng chuông chùa Long Khánh - Nguyên
Thiều vẫn còn ngân vang trong tiềm thức của người Bình Định - Qui Nhơn
nơi Viễn Xứ.
Những ngày đầu xuân, càn khôn đang thay áo mới. Rừng cây đang đâm chồi
ẩy lộc tinh khôi đã tạo cho tâm hồn con người những cảm giác trong sáng
uyên nguyên chứa chan niềm hy vọng. Thắp lên những khung trời mơ ước tự
do mùa xuân thanh bình thực sự trên quê hương ngày trở về. Những cánh
hoa mai vàng rực rỡ trong nắng xuân huy hoàng. Mùi trầm hương tỏa ngát
trong không khí an lành từ ái. Người gặp gỡ Người trao nhau nụ cười thân
ái, tình xưa phố cũ bao dung thơ mộng như mây trời.
QUI NHƠN - BÌNH ĐỊNH
MỘT THỜI NHỚ THƯƠNG
Ta sẽ về thăm bến sông Côn
Mây trời Đập Đá có chờ mong
Ta nghe như tiếng Chiêm Thành khóc
Trên mỗi bờ xây Tháp đá ong
Qua phố phường xưa thương nhớ em
Dương liễu Qui Hòa rộn rã chim
Lạc quốc hồn đau hoen dấu sử
Hoang tịch Đồ Bàn tiếng Đỗ Quyên
Ta đi lòng vẫn mang sông núi
Cố hương giờ đã hóa biển dâu?
Trăm năm thương hoài vầng trăng khuyết
Trên mái Chùa quê cổ kính sầu
Phù ảo đời tan như sương mai
Thành Chiêm - Tháp cũ nắng vàng phai
Mai sau có ai về Bình Định
Biển vắng hồn đau lặng thở dài...
Thơ Thái Tú Hạp.
Tài liệu trích dẫn từ Sử Liệu GS. Trần Trọng Kim và
Nhà văn Bùi Phong Lê, Đặc San Lại Giang
Nguồn: saigontimesusa |