|
Bình Định, Xa và Gần
TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG
Bình định là tên mới
do Nguyễn Ánh đặt ra để chỉ thành Hoàng Đế (Chà Bàn cũ) của Tây Sơn vừa
chiếm được vào mùa thu 1799. Ý nghĩa của tên đó là một sự hãnh diện
chiến thắng nhưng vùng dất này cũng đã mang nhiều tên khác theo với sự
thay đổi của thời gian. Khi Lê Thánh Tông chiếm thành Chà Bàn (1471), nó
có tên là phủ Hoài Nhân (đọc theo chữ Hán không kiêng húy gì đấy). Dưới
thời chúa Nguyễn là các tên khác: Quy Ninh (1655), Quy Nhân (1742).
Chúng ta có thể tin rằng dưới Tây Sơn nó vẫn còn là Quy Nhân cho đến khi
Nguyễn Ánh chiến thắng hoàn toàn, và có lẽ nó đã trở thành Quy Nhơn theo
như những kiêng húy tương tự xuất hiện từ Nguyễn trở đi. Tên thành Bình
Định chuyển về ngôi thành đá ong xây trong đời Gia Long và sẽ bị phá hủy
năm 1946 trong chính sách tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh. Minh Mạng
tổ chức hành chính theo lối nhà Thanh, đặt ra đơn vị tỉnh, thế là Quy
Nhơn trở thành tỉnh Bình Định. Rồi với tổ chức của người Pháp, tỉnh Bình
Định vẫn còn nguyên tên nhưng trị sở của các quan Nam triều vẫn ở thành
Bình Định còn tỉnh lị chính của người Pháp lại dời xuống cửa Giã mang
tên Quy Nhơn từ bấy đến nay. Các quan Nam triều xuống Quy Nhơn để trình
việc với quan Công sứ thì ở nhà Công quán khoảng bến xe đò vọng ra bến
Bạch Đằng. Về các thành phần nhỏ thì Hoài Nhơn vẫn là phủ nhưng chỉ là
đơn vị nằm trong tỉnh, có phủ lị là Bồng Sơn. Trong đợt cải cách 1832
của Minh Mạng, xuất hiện các tên huyện Phù Mĩ, Phù Cát, và Tuy Phước
thay thế tên Tuy Viễn của thời Lê, bắt chước Trung Hoa chỉ một vùng biên
tái xa xôi.
Không rõ về tương
lai thì có "nước non" gì không chứ trong quá khứ thì ai cũng biết trên
vùng đất Bình Định có hai triều đại huy hoàng: Vijaya của Chiêm Thành và
Tây Sơn mà người nay còn hãnh diện.
Trung tâm Vijaya
xuất hiện trong sử Việt vào khoảng năm 1000 sau trận chiến bắt người lấy
của của Lê Hoàn năm 982, và là nơi chiến thắng của các vua đời Lí tiếp
theo 1044, 1069. Ở đây tôi không định viết sử Chiêm Thành nhưng cũng nên
lưu ý những người quen với sách cũ, rằng theo các tìm hiểu gần đây thì
không có một nước Chiêm Thành thống nhất mà chỉ có những nước Chiêm
Thành với một trung tâm quyền lực nổi bật. Ví dụ Trà Toàn, người bị Lê
Thánh Tông đánh bắt về Đông Kinh, là người được các vương quốc nhỏ đương
thời tôn là "vua của các vua Champa" ngự trị trên vùng Vijaya, nơi tập
trung lực lượng lớn nhất của người Chàm đương thời. Điều đó cũng không
nên lấy làm lạ. Định kiến nếu gặp những điều trái lại thì dễ chối tai
người nghe. Ví dụ nếu nghe các bậc "sư" giảng: "Lí là một nhà nước trung
ương tập quyền" có quyền hành thông suốt từ trên xuống dưới, từ kinh sư
ra ngoài biên ải rồi sẽ không thấy làm lạ là sao vua, hoàng tử Lí cứ đem
quân đánh lung tung chung quanh kinh thành, về phía Nam phải đánh dân xứ
Nghệ bị chê là "hay phản phúc, không tuân theo giáo hóa, ngu bạo làm càn..."
Sẽ không lấy làm lạ khi nghe sử chép quan đời Lí không lãnh lương mà
không nghe nói họ uống kim đan cầm hơi chứ không phải có ruộng đất, địa
vực riêng để không cần đến cơm gạo của vua...
Nhìn lại các vùng có
tháp Chám lưu dấu thì không có nơi nào nhiều bằng ở hai tình Quảng Nam
và Bình Định. Cũng không phải là chuyện ngẫu nhiên. Trước khi có các
biến chuyển giao thương lớn sử dụng các nguồn vật liệu cao cấp thì nông
nghiệp (cụ thể là lúa gạo) là điều "vi bản" để nuôi sống người dân, để
xây dựng một quyền bính. Trong các đồng bằng dọc biển miền Trung thì rõ
ràng Quảng Nam và Bình Định là hai nơi lớn nhất, chưa kể đến hậu phương
bên trong, phía Tây, là nguồn cung cấp sản vật giao thương to rộng hơn
mà các vương triều Chàm và chúa Nguyễn biết lợi dụng cho khu vực quản
trị của mình. Quảng Nam là của vương quốc Amaravati, Bình Định và vương
quốc Vijaya. Ai có đi học trường Bình Định (thật ra là thuộc thôn Thuận
Hòa) thì nhớ gần đó có thôn, chợ, sông Phú Đa vốn cũng là một phần lưu
của sông Côn chảy xuống Gò Bồi ra đầm Thi Nại. Xã Phú Đa ngày trước rộng
hơn nhiều, bản đồ thế kỷ XVII ghi bao trùm thành Chà Bàn và thế kỷ XIX
còn nhớ tên sông là Phú Gia Đa. Rõ ràng Phú Đa là tên rút gọn của Phú
Gia theo lệnh của Lê Thánh Tông (1472) bắt dồn ba âm thành hai cho gọn.
Và cũng từ xác định Phú Đa bao thành Chà Bàn mà ta đoán không sai Phú
Gia chính là Vijaya.
Chuyện tranh chấp
trong lịch sử giữa Chàm và Việt thì đã được nói đến nhiều. Có một phát
giác về khảo cổ học gần đây cho ta thấy một sinh hoạt tiểu công nghệ lí
thú hơn. Đó là việc phát hiện có những lò sản xuất loại gốm cao cấp
trong tỉnh Bình Định có thể xuất hiện từ thế kỷ XI, phồn thịnh trong nửa
sau thế kỷ XVm nửa đầu thế kỷ XVI và có thể kéo dài đến đầu thế kỷ
XVIII, trước biến động Tây Sơn. Theo tính cách đặt tên của khảo cổ học,
người ta gọi chung là "gốm Gò Sành", nơi phát hiện lò nung tiêu biểu
nhất thuộc huyện An Nhơn, được khai quật trong năm 1992-93. Các lò ở Gò
Cây Me, Gò Ké, Gò Tỏi (?) là ở Tây Sơn (Bình Khê). Lò Chuồng Cu thì ngay
sát thành Chà Bàn. Các lò này sản xuất chén, bát, bình, đĩa... tráng men
celadon, nghĩa là thuộc loại cao cấp. Cho nen gốm Gò Sành đã được xuất
cảng đi xa: trên chiếc tàu trục vớt ở Phi Luật Tân, người ta thấy có đến
700 đồ vật là gốm Gò Sành, chiếc tàu đó chìm vào khoảng cuối thế kỷ XV.
Gốm Chàm còn tìm thấy cả ở bờ biển Ai Cập, bán đảo Á Rập, Ấn Độ nữa.
Chuyện làm gốm cao
cấp ở đất Chàm như thế cũng làm ngạc nhiên chúng ta bởi vì trước mắt,
nhìn người Chàm làm gốm gia dụng ở Bình Thuận, chúng ta không thấy họ có
lò quạt gì ráo. Các phụ nữ không có bàn xoay, chỉ nặn đất sét bằng tay,
xoay tròn thành hình nồi niêu rồi đem ra khoảng trống giữa trời nổi lửa
đốt bằng cành lá, nhiều lúc còn tươi, khói bay mù mịt! Tất nhiên là
chuyện của bình dân khác với chuyện của vua chúa, nhưng ngay trong
truyền thuyết liên quan đến việc xây cất tháp Chàm chúng ta cũng thấy
dấu vết đốt giữa trời. Đó là chuyện kể việc thi xây tháp giữa người Việt
và người Chàm. Đánh nhau nhiều, thiệt hại binh lính cũng nản nên có ông
quân sư nào đó đề nghị hai bên Việt Chàm thi nhau xây tháp, ai nhanh hơn
thì phe đó thắng. Trong khi ông Chàm hì thục móc đất sét làm gạch, nung
rồi chồng chất xây đủ kiểu hoa hòe thì anh Việt láu cá lấy giấy bao
quanh khu sườn tre chỉ một đêm là xong tháp cao nhất trời hàng trăm mét
như ông học giả Việt Tây nào đó nói về tháp Ngô Xá! Thắng một trận nhưng
muốn cho kẻ bại tâm phục khẩu phục, khỏi lằng nhằng, anh Việt bèn đề
nghị thi tiếp cho anh Chàm gỡ gạc: đốt tháp coi ai hủy nhanh hơn. Lẽ tất
nhiên ai thắng cũng đã thấy trước, người Chàm thua nên phải nhường đất
cho người Việt.
Bỏ qua chuyện mặc
cảm xỏ xiên khá đúng kia, chúng ta thấy còn lại cái cốt lõi về việc đốt
tháp. Nhìn cái tháp bây giờ, thấy các chạm khắc trên gạch thật tinh vi,
uyển chuyển chúng ta phải ngờ rằng chúng được tạo hình trên gạch mềm hơn
là khi nó đã nung xong lợn cợn cát, có tạp chất lẫn lộn trong đó. Điều
này có chúng cớ khi trước năm 1975 chúng tôi đến thăm nhà một ông đạo
diễn làm ăn có tiền, nhiều đồ cổ, liền nảy ý làm tháp Chàm nhỏ trong
vườn, đẽo gạch chín trang trí tượng voi, thần Siva, Garuda gì đấy, kết
quả thật là thê thảm! Vậy có thể nào các vua Chàm xưa cũng xây tháp bằng
gạch sống, khắc chạm trên đó rồi chất củi chung quanh nung chín không?
Tất nhiên không ai đi ngược quá khứ để xem giả thuyết có đúng không,
việc đốt một cái tháp sừng sững không dễ dàng như việc nung mấy cái nồi
đất ở Bình Thuận, nhưng các công trình xây cất thời cổ đại được dựng nên
cũng chỉ bằng các công cụ thô sơ mà người thời nay cứ tưởng là chỉ đủ
khả năng cho công việc hàng ngày thôi. Ví dụ có ai ngờ rằng Kim tự tháp
Ai Cập chỉ thực hiện bằng mặt phẳng nghiêng và các đòn lăn, tất nhiên là
với hàng vạn con người hò đẩy, kéo lôi?
Trở lại các tháp ở
Bình Định với cảm giác của người thời nan nhìn nó "lở lói rỉ rên than" (Chế
Lan Viên). Cũng dễ có cảm giác đó khi ta đọc sử nói về ông "Vua của các
vua Champ" Trà Toàn bị trói cột, xô đẩy trình diện trước người thắng Lê
Thánh Tông. Tuy nhiên, người Pháp cũng phải ngạc nhiên khi họ khai quật
ở Tháp Mẫm trước Thế chiến thứ hai. Khảo cổ học Chàm trước đó chỉ là thu
gom mấy cái tượng lẻ tẻ, tình cờ kiểu "ông Phật lồi", nhưng ở Tháp Mẫn
người ta mới nhận ra khảo cổ học Chàm cũng có thể nói đến số hàng tấn
trọng lượng thu hoạch. Cổ vật được đưa về Viện Bảo tàng Đà Nẵng, thêm
một chương về giai đoạn Bình Định cho nghệ thuật kiến trúc điêu khắc
Chàm. Người nay có thể đến đó chiêm ngưỡng thời đại Chế Bồng Nga, Trà
Toàn hiện về trước mắt.
Cũng chính tính chất
bề thế tương đối của đồng bằng Bình Định mà sản sinh cuộc biến Tây Sơn,
lần này theo với thời đại lớn rộng hơn, đã trở thành một triều đại Việt
huy hoàng, tuy chưa thoát nổi những vướng víu xưa cũ nên lại lâm vào
vòng thảm bại như Vijaya. Quảng Ngãi còn cực nhọc vì "Mọi Đá Vách" với
Nguyễn Cư Trinh của chúa Nguyễn, với Nguyễn Thân của đời Tự Đức. Khánh
Hòa cho đến những năm 1930 còn có người "Mọi Hạ" ở dọc biển cho dân
thuyền chài bắt trẻ con tế thần Càn Long Chúa Xứ Nương Nương. Phú Yên
tuy có sông Ba / Đà Rằng bắt nguồn sâu trong đất liền nhưng chỉ phát
triển khi đập Đồng Cam của người Pháp xây dựng, còn thì chỉ nổi danh với
ngựa, với hàng dọc con gái Phú Yên cỡi ngựa, loại poney nhỏ con chứ
không phải loại huyết hãn thần mã Đột Quyết Mông Cổ ra mồ hôi máu của
truyền thuyết Trung Hoa, hay loại ngựa người Âu bỏ lại cho dân Da Đỏ
cưỡi công đồn trong các phim ảnh để chúng ta vỗ tay hoan hô gần đây. Chỉ
có Bình Định tương đối dồi dào lúa gạo, mở giao thương vượt đèo An Khê,
Mang Giang ("Giàng của người Man" / "Đèo của Giàng"?) sau tận bên trong
làm nên Vijaya, làm một tiền đồn sung túc cho chúa Nguyễn tiến sâu vào
Nam, làm căn cứ khởi đầu cho anh em Tây Sơn. Bản đồ cuối thế kỷ XIX của
người Pháp vẽ tỉnh Bình Định lên tận Kontum, Pleiku, thời Đệ nhất Cộng
hòa Bình Định có quận An Túc của vùng An Khê.
Sau 1975, chính
quyền mới theo một chính sách học được của Liên Xô (thêm một tự giác về
khả năng quản lí đất nước kém cỏi của mình) nên lập các vùng hành chính
lớn mang tính tự quản, tự phát triển. Bình Định nhập chung với Quảng
Ngãi thành Nghĩa Bình. Sự xa rời địa phương chứng tỏ trong cái tên Nghĩa
Bình chứ không phải làNgãi Bình,
sự học đòi không thực tế khiến các tỉnh mới trở thành một nồi cám heo,
không ai chịu ai, không thấy đề xuất một chương trình phát triển toàn
vùng nào trong lúc dân chúng sống đời lụn bại hơn xưa, càng thấy sự kết
tập mới gậy trở ngại nhiều hơn. Ví dụ người dân ở sát với tỉnh Quảng Nam
- Đả nẵng muốn về tỉnh lị Quy Nhơn để khiếu nại với thiên đình nhỏ thì
phải lặn lội hơn 200 cây số đường lở lói, cầy chông chênh. Thế là rã dám
để lộ ra tính cách tổng lí của các ông chủ tịch, bí thư tỉnh ủy, trung
ương Đảng. Nghe nói người ta chia của rành rẽ tới mức nếu bộ bình trà có
lẻ thì đâp bể chứ không ai nhường ai. Thực thế thì đoàn hát bội Bình
Định lưu diễn về ngang Quảng Ngãi gặp lúc chia tỉnh liền được cán bộ địa
phương ra chận lột đồ nghề. Còn Phú Yên tranh Vũng Rô với Khánh Hòa, đồi
đầu ở đèo Cả, phải kiện tới trung ương rời khi Quốc hội xử cho về Phú
Yên (hợp lí với vị trí tranh chấp nằm ở phía Bắc vũng) thì Khánh Hòa dỡ
mất cái cầu tàu trước khi giao lại cho các đồng chí cùng kiên cường
chiến đấu 30 năm.
Bình Định trở về với
Bình Định thì cũng chẳng thấy hơn. Vào những năm mở cửa ngập ngừng, cuối
1980, đầu 1990, Quy Nhơn là nơi xuất cảng hàng gỗ lậu và nhập cảng ti
vi, "đầu" (máy video)...không cần ghé bến cảng. Các tàu "bể ổ" ở Đà Nẵng
chạy vào Quy Nhơn, thuyền chài ra đón chuyển vào đất liền cho các tay
buôn vặt mang vào Sài Gòn, lấy công làm lời, có khi không cần đưa tiền
trước. Bởi vậy ngoài bán đảo Phương Mai, người ta cất nhà lầu (một phần
vì dân đánh cá vượt biển nhiều hơn) trước khi trong đất liền lên ngói.
Thật ra thì cũng chẳng thể làm khác. Vùng đất của nông nghiệp bị chính
sách hợp tác xã làm kiệt quệ thêm, do đường lối chủ trương tiến lên sản
xuất lớn xã hội chủ nghĩa dù đã thất bại ở Miền Bắc, nơi chỉ có đất Phần
trăm dành cho nông dân là khởi sắc, đường lối đó vẫn được ngang ngạnh
tiếp tục như phương cách ghép Miền Nam vào khuôn khổ, củng cố chính
quyền chiến thắng. Năm 1981, sau khi ra khỏi trại tập trung, nên chuyến
xe lửa rời ga Diêu Trì, tôi sững sờ nhìn thấy dưới mảnh ruộng ở vực Thâm
Đô có hai người kéo cày, một điều chỉ nghe nói trong sách vở về Miền Bắc,
nay được thêm chút kiến thức không cần phải bị ép uổng "đi thực tế".
Với đà mở cửa rộng
rãi hơn thì Bình Định hình như cũng không thấy tương lai rộng mở trước
mắt. Có thể là loáng thoáng cuộc sống dễ thở hơn nhờ tình hình chung
nhưng rõ ràng địa phương không có ưu thế nào cả. Người Pháp thật ra cũng
đã có chương trình phát triển cho vùng này. Họ đã mở con đường số 19 tuy
bị cắt ở cầu Bà Gi phải mượn quốc lộ 1 để xuống Quy Nhơn nhưng vẫn thuận
tiện hơn quốc lộ 21 mở vùng Tây nguyên xuống Nha Trang mà lại cắt ở Ninh
Hòa quá xa. Tuy nhiên những toan tính đó không có hiệu quả cao với thời
giao thông liên lạc có máy bay chuyên chở, và trung tâm Sài Gòn đã thu
hút sản vật Tây Nguyên qua con đường số 14 trực tiếp hơn. Thời mới với
nhu cầu mới, dầu mỏ, sản phẩm công nghiệp, công nghệ vi tính... Bình
Định không với tới được. Ngay với du lịch, nền "công nghiệp không khói"
đó cũng không được khai thác. Với người ở xa có thể thiếu thông tin,
nhưng nếu địa phương có lưu ý tới thì hẳn phải thấy ở các thông tin,
quảng cáo trên báo chí trung ương, ở các đô thị lớn. Nghe nói đến bãi
biển Nha Trang được tham dự vào hàng bãi biển đẹp nhất thế giới, nghe
nói có các chuyến du lịch ngoài các đảo... Không thấy ai nhắc đến các
chuyến thăm tháp Chàm ở Bình Định. Ngày xưa Hàn Dũ (?) chê đám dân bản
xứ ở Quảng Đông: "Việt tộc bất hiếu cổ". Còn có người Việt Nam ngày nay
hình như mang sâu đậm hình ảnh miệt thị các dân tộc thiểu số từ sử của
các vương triều, cộng thêm sự kiêu hãnh chiến thắng mới đây dẫn đến sự
thờ ơ với quá khứ của "người khác" nên chỉ để người ngoại quốc bỏ tiền
ra tu sửa các tháp Chàm mà không biết khai thác cái vốn quá khứ hái ra
tiền nằm trong khu vực mình. Trong tình hình chính trị đầy cảm tính như
hiện tại, có ý kiến gì cũng phải dè dặt ngại ngùng, nhưng nói cho công
bình thì cái chùa Một Cột của người Pháp tu sửa, bị giật đổ tan tành
phải xây lại năm 1957, 58 gì đấy, trông như cái bàn ông Thiên lớn, về
mặt bề thế không bằng một góc của tháp Hưng Thạnh, nói chi đến tính chất
phức tạp hơn của tháp Bánh Ít ở Bà Di! Tuy nhiên lợi đã không thấy ra
thì còn nói gì đến nghĩa vụ giữ gìn tài sản của nhân loại nằm trong các
tháp kia, tuy rằng điều nhận định đó sẽ tăng thêm giá trị cho tập đoàn
người còn sống trên mảnh đất này, dẫn đến sự kính nể của người khác,
nước khác hơn là cứ ngửa tay xin tiền mà cứ nhơn nhơn tự đắc với nhau.
Tạ Chí Đại Trường
Nguồn: saigontimesusa |