|
-
Câu Hanh Sông Phố
-
HOÀNG LỘC
LTS. Nghề chơi cũng lắm cách chơi. Câu cá như Hoàng Lộc thì cả
là một nghệ thuật, nói cao hơn nữa là một văn hoá. Hân hạnh giới
thiệu cùng độc giả bài Câu Hanh Sông Phố để hiểu thêm một góc
cạnh khác của Phố Hội An....
-
-
Có thể bắt chước
thầy Đông Hồ để dẫn nhập cho bài viết này? Rằng câu cá là một trong
những cái thú của người nhàn nhã ngày xưa. Thế thì đi câu cá chi mà
chẳng được, chẳng là người nhàn nhã - cần chi phải câu đúng cá hanh?
Ấy nhưng, ai chưa câu hanh, lại chưa biết hết cái thú của người câu
cá. Thế thì câu hanh ở bến sông nào chẳng được, chẳng biết hết cái
thú của người câu cá - cầu chi phải câu hanh ở bến sông phố ấy
nhưng, phải câu hanh sông phố mới rõ ra cái điềm đạm, khôn lanh của
loài cá này, mới thấy rằng lôi được một con hanh lên khỏi mặt nước,
phải cần thiết một sự kiên trì từ một cuộc đấu trí tay đôi!
-
-
-
Thế sông phố là
sông của phố nào? Sông Hàn - Đà Nẵng, Sông Đồng Nai - Biên Hòa, sông
Sài gòn hay bất cứ bến nào của những con sông xuyên qua thành phố?
Thưa, cá hanh sông phố của bài viết là loài cá hanh ở một nhánh sông
Thu Bồn Quảng Nam, chảy qua thị xã Hội An. Bởi dân Quảng chúng tôi,
khi nói sông phố, ai cũng chỉ phải hiểu là sông phố Hội. Những sông
phố khác, có thể cũng có cá hanh, nhưng chưa chắc cách rình, bắt,
tha mồi... đã giống cá hanh sông phố chúng tôi vậy.
-
Khi tôi rời Hội
An, số người câu hanh ở đó tính đúng bốn mươi bốn người, chưa kể số
nhóc con vừa ráo máu đầu, cũng tập tành cầm cần câu phá đám. Trong
bốn mươi bốn người này, không tính bác Trần Được vì bác đã qua đây
trước tôi. Vả lại, bác Được, khi tuổi già, lại ít câu hanh đêm,
chuyển qua câu trãnh, câu giếc ban ngày. Bốn tiểu đội câu hanh, dân
Hội An chính tông, tuổi từ bốn mươi đến sáu mươi, sáu lăm - từng đêm
vẫn xuất phát đi khắp bãi, kè phố Cổ. Rất hiếm người còn chịu thiệt,
ngồi rình hanh sông phố. Bởi cá hanh bến Hội An rất khó câu. Cở bác
Chính Dân, chú Sử Triệu Nguyên, anh Tám Đặc... một đêm, chỉ năm bảy
con hanh nhón, cũng đã là cao thủ.
-
Năm tôi mười hai
tuổi, đã từng lè kè theo người dượng rễ, là lính ma-rin của Pháp,
câu hanh sông phố lần đầu. Lúc ấy khoảng sông từ chợ cá Hội An đến
đầu cầu Cẩm Nam bây giờ là khu vực cấm. Đồn ma-rin là dãy nhà bác
Phán Lữ ra sông - và tòa tỉnh đường lại là đoạn nhà bác Vưu Minh sau
này. Tôi nhớ hai chiếc ca-nô Pháp vẫn thường trực ở khoảng sông ấy.
Dượng tôi và tôi, sau hồi kèn thổi 9 giờ đêm, sè sẹ xách cặp cần ra
bến. Phải nói không đêm nào, cá hanh không cắn câu. Tôi có cảm nghĩ
cá hanh dày đặc khúc sông. Cá câu được, không con nào nhỏ hơn bàn
tay khép. Mồi câu cũng chẳng cần chọn lựa khó khăn như bây giờ. Chỉ
cần một số tôm cắt miếng, tôm ươn càng tốt - cá vẫn cứ ăn sây.
-
Rác rến, bao bì
khắp phố, nhất là từ dãy cư dân dọc bờ sông, thường cứ đỗ hằng ngày
ra bến. Nước có cuốn trôi đi, nhưng chẳng thể nào trôi hết, đến nỗi
sông phải cạn dần! Hình như ngày nay, trừ giữa lòng sông - chỉ nơi
bến cá Hội An là sâu duy nhất?
-
Cá hanh vì sông
cạn mà thưa dần. Hanh lớn thì khôn ngoan, chỉ đứng các nơi hiểm hóc.
Bốn mươi năm thôi mà sự bồi lở nhãn tiền. Phần đất bên kia rạp chiếu
bóng Hòa Bình cũ, đã không còn dáng vẻ năm xưa? Hướng sông lở về tả
ngạn. Vì thế, người ta đã phải làm các kè đá, chắn bớt sự xoi xoáy
của sông. Sau năm 1975, cá hanh cũng tìm nơi cư trú mới. Đó là các
kè Cẩm Nam, Cẩm Hà.
-
Cá Hanh di tản.
Người câu hanh sông phố có thể đếm đầu ngón tay. Nhiều đêm, đi không
về không, tôi vẫn cứ ưa rình hanh sông phố. Có lẽ, trong tôi, câu
đêm bờ phố Hội, như một nỗi hoài cổ, một sự tìm về? Ở cõi xưa cũ nào
đó trong tôi, vẫn bình thản như sông?
-
Cá hanh thường
ăn theo con nước. Theo thủy triều, nước chảy lên, xuống vừa độ sáng,
cá hanh mới bắt mồi. Dân câu nhìn trăng mà xách cần. Cao thủ câu
thức ngủ cùng trăng...
-
Tục ngữ mới của
dân câu Hội An: Trăng non Cẩm Hà, trăng già Cẩm Nam. Không nghe ai
giỏi nói chi về sông phố. Cá hanh nơi đây, ăn uống không hề chọn
bữa. Năm khi mười họa, cá mới chiêu đãi người câu.
-
Bến phố bây giờ,
đoạn từ nhà bác Quảng Thắng lên rạp Hòa Bình, người ta đã rào chắn,
đặt ghế như một công viên đêm. Mùa hạ, có thêm các xe nước mía, xe
sinh tố, quầy thuốc lá lẻ, những gánh chè rong... Thuyền bè ngày đêm
tìm cập đoạn sông này. Tiếng người, tiếng chèo khua... đuổi cá ra
sâu. Đoạn này thật chẳng còn ai câu kéo.
-
Câu hanh sông
phố, chính chỉ còn câu, đoạn từ sau nhà bác Quảng Thắng xuống quá
chợ cá Hội An. Đoạn bờ ấy quả có mùi vị đặc biệt mà những người Hội
An chúng tôi ai cũng biết. Cũng lắm lúc sông trăng đẹp ngời, ấy
nhưng chỉ dành riêng cho bọn mê hanh... thưởng lãm!
-
Cá hanh ăn nhiều
nhịp: bắt, tha và nuốt mồi Mỗi nhịp như thế, cá đưa mồi đi xa thêm.
Theo các tiền bối câu hanh - đêm, khi vắng người, cá hanh lết sát bờ
tìm mồi. Cho nên, rà mồi từ sâu vào cạn, hay gặp cá. Bến phố có bờ
đá chắn, có cừ gỗ lâu đời cá hanh thường dựa, tìm ăn cả ốc, hến khi
cần.
-
Chợ cá Hội An
sát sông, nên tất cả vi vảy, ruột cá, tôm ươn, từng bữa đều đỗ ra đó
cả. Đủ mồi, cá lại sinh tật kén ăn. Nước trong, hanh hay ăn gián đất
- là một loại gián phổ biến, chuyên chui rúc trong gạch vụn, nền nhà
ẩm thấp hoặc dựa mé chuồng heo. Khi nước đục, có lẽ khó thấy màu nâu
đen của gián, cá hanh lại ăn mồi sán lợn (lòi heo), màu trắng, sáng
hơn.
-
Biết vậy, nhưng
đừng tưởng dễ kiếm các loại mồi này. Dân sang, cứ thuê người bắt
gián, mỗi lọ chừng năm mươi con, giá từ 500 đến 2000 tiền Việt. Còn
sán lợn, phải tìm các bạn mổ heo, đặt tiền trước. Vậy mà đôi lúc,
hỏng đũa, không mồi câu. Lý do là người nuôi lợn thời nay, cứ ác
nhơn cho heo uống nhiều đợt thuốc xổ sán tải, đến nỗi có khi, mổ năm
bảy con heo, mà chẳng con nào chịu cung cấp mồi!
-
Cần câu hanh là
một loại trãy mỏng ống, trồng trên đất cát pha thịt để có độ nhẹ.
Trãy càng nhặt mắt, ngắn đốt, càng tốt. Ăn thua, phải coi bễu cần,
có chân giò gì không. Bễn có lắm nhánh, chân giò nhiều, thường khó
uốn thẳng và dễ gãy. Cần phải thật nhẹ để nhậy nghe cá bắt mồi và
nhất là khỏi rã tay khi cầm năm sáu tiếng đồng hồ liên tiếp trong
đêm. Các thứ cần máy đặt tiền ở Mỹ không thể dùng rà hanh sông phố.
Trãy đúng tuổi, đốn đúng mùa, gặp cây bền dai lắm. Như bác Chín Dân
hiện còn giữ như nâng trứng, hai cây cần nhẹ tưng, mua cách đây ba
bốn chục năm.
-
Cụ Trưởng Nhung
nổi tiếng một thời về nghệ thuật câu cá. Lúc sinh tiền, cụ là một
trong vài tay câu bậc nhất. Nghe nói, cụ từng bắt nhiều con hanh sè,
với cần yếu và cước mảnh - lại dùng loại cước Trung Hoa ngày trước,
từng sợi ngắn, thô - phải chuốt nối trước khi câu. Cụ đã tự sản xuất
bằng tay một loại lưỡi câu thời danh: lưỡi Trưởng Nhung. Hiện nay,
hai người con trai cụ vẫn theo đuổi nghiệp cha. Nhưng có lẽ, chỉ anh
Bảy, con thứ cụ Trưởng, là được chân truyền?
-
Anh Bảy, cứ đến
mùa trãy, lại thuê xe đi lùng sục các thôn làng đất Quảng. Anh mua
trãy tươi, về phơi vừa độ nắng, mới làm mắt và uốn nắn cẩn thận. Coi
anh Bảy uốn cần, thật kỳ thú! Một cây trãy cong queo, qua tay anh,
thẳng như đường tên đi. Không trách, anh mua một cây trãy tươi với
giá 200, lại bán một cây cần đến 2 hoặc 3000 đồng.
-
Dân câu bảo có
cây cần-câu-không-ra-cá. Có cây, cá lại ăn sây. Nhiều người tính mắt
trãy theo bốn chữ sinh, lão, bệnh, tử để cắt cần. Tính từ gốc lên
ngọn, mắt cuối cùng nhằm chữ sinh hoặc lão là tốt, giúp cần câu
không gãy bất tử. Chú Sử Triệu Nguyên cho biết thêm, theo kinh
nghiệm mua cần câu, hễ cây trãy nào có chim chèo bẽo làm tổ, cây đó
sát cá dữ tợn. Hỡi ôi, thật khó kiếm?
-
Cước so với cần,
khi câu sông phố, là hai cần cước. Ví dụ, cần dài một sãi tay, cước
phải gấp hai. Câu cần tay kiểu này, chú Nguyên ưa chơi đến năm sáu
cần cước. Cần ngắn, cước dài, rất khó ném mồi. Nhưng cứ thử, cứ tập,
việc này rồi cũng làm được. Cả việc mò bắt gián đêm, trong lọ nhỏ -
không hay làm, chỉ tổ... thả gián về hang.
-
Chừng 20 giờ
tối, ở bến phố, chịu khó hít quen mùi tanh nồng chợ cá, móc - ném
mồi ra sông. Theo thủy triều, nước re re chảy. Nhướn tay giở nhẹ
ngọn cần, cao hơn, cao hơn nữa để đưa con mồi dần vào bờ. Cá chưa
bắt mồi ư? Thì cứ lặp lại động tác ấy! Sẽ có lần, sẽ có đêm, ta nghe
đầu cần khựng lại như bị ngón tay ai búng. Mặc trái tim rung, nín
thở, nhích rất nhẹ ngọn cần. Có một sức níu trì mũi cần xuống một
quảng thôi, rồi dừng lại. Hanh đã ngậm mồi, ra chớn nước đấy bạn ơi
Nhích thêm một lần sợi cước căng, nghe trì nặng hơn, có khi bị lôi
đi một đoạn nữa Lúc ấy, thần kinh ta cơ hồ tê dại - để bất chợt,
xung động mảnh liệt, ra lệnh cánh tay giật vội. Sợi cước chế nước,
cá đau vì mắc lưỡi thép, chạy hoảng. Nhớ là cá lớn, cước mảnh - đừng
vội lôi cá vào bờ. Hãy dìu cá chạy từ sâu vào cạn, dìu tránh chân
cầu, chân cừ. Thấm đau, cá chạy một hồi mệt nhoài. Khi thấy cá
nghiêng lườn mặt nước, nếu cước ngắn, cứ dùng cần hắt cá lên bến -
còn cước dài, phải đưa ngọn cần qua khỏi đỉnh đầu, tay trái quơ bắt
sợi cước, rồi hai tay lôi nhanh con cá.
-
Lý thuyết là
vậy. Nhưng khi lâm trận, còn tùy. Câu quen, mười lần giật, được năm
bảy con hanh. Mới biết câu, giật hoài không mắc. Cái tê sướng nhất
của người câu hanh là khi dìu cá chạy. Xúc giác, từ tay cầm cần đã
khoác. Tai còn nghe được tiếng cước veo veo. Và mắt, thấy rõ sợi
cước cắt xé mặt sông. Khi trời trăng, khi nước ngời, vệt cắt sáng
lòa như sao xẹt.
-
Nhớ có lần, tôi
cùng bác tôi câu sông Trà Quế. Ông cụ nghe tôi la ỏm tỏi vì gặp cá
lớn, phải bỏ cần chạy tới, đề nghị tôi nhường ông cụ dìu giúp cá lên
bờ. Tôi đã lắc đầu nguẩy nguậy. Phải sướng cái tay trước ! Dù sau
đó, con cá đã bị sẫy.
-
Tương truyền, cá
cắn câu, bị sẫy nhiều lần, sẽ thành một loài gọi là ngư tinh. Sông
phố Hội chắc có nhiều loài này! Bác Chín Dân, Chú Sử Triệu Nguyên,
Bác Quảng Thắng, Anh Tám Đặc... đều quả quyết cá hanh song phố
biết...kẹp mang. Thấy mồi, cá không dùng miệng để bắt, mà lấy mang
để kẹp. Kẹp mồi xong, cá lôi mồi ra sâu, thật sâu - biết an toàn,
mới ăn. Nhiều nhịp lôi như thế, cá đánh lừa được người câu. Ai mà
chẳng giật trong trường hợp ấy? Đối với những ngư tinh như thế, cần
học theo cách câu của bác Trần Được. Tôi đã từng thấy bác Được, tay
phải cầm cần, dùng tay trái chống, đôi chân, cả đầu gối bò theo
hướng cá lôi mồi. Cá tha đi rất xa bờ nhưng bác vẫn chưa giật vội.
Bác nới cần cho cá lôi mãi, đến khi không còn cách nới, buộc bác
phải thọc nhúng cả ngọn cần xuống khỏi mặt
-
nước. Ngư tinh
nuốt mồi, bác mới giở cần, bắt cá.
-
Có ba loại cá
hanh: lươm, bạc và đỏ đuôi. Hanh lươm màu đen, bạc màu trắng và hanh
đỏ đuôi có ngọn đuôi vàng ối. Hanh đuôi đỏ chỉ sống ở sông toàn nước
ngọt. Sông phố, nước sà hai, có cá hanh bạc và lươm. Hanh lươm có
sức chạy rất tuyệt, tạo cảm giác mạnh cho người câu.
-
Dân câu chia cá
hanh làm nhiều cỡ. Hanh nhón là loại hanh nhỏ, từ bốn ngón tay hở
trở lại. Lớn từ bàn tay trở lên, hanh không còn nhón nữa. Lúc ấy,
lại có các cỡ: hanh năm ngón, năm ngón hở, hanh sè, gang chống (bề
ngang cá cỡ bằng một gang tay). Riêng chú Sử Triệu Nguyên còn có
thêm một cỡ: hanh-cartable-con-Thủy, để chỉ độ lớn vài con hanh chú
nói đã câu được, to bằng cái cặp đi học của cô gái út chú.
-
Người câu hanh
Hội An không ai chịu thua ai! Bến nào, những đêm câu, cũng vang
tiếng hỏi nhau: mấy lá rồi? Ý hỏi đã câu được mấy con. Tiếng đáp là
số con kèm lời khoe cỡ cá. Được một con sè, sẽ đáp gang chống. Một
con bốn ngón, có thể hóa thành hanh bàn tay. Hình như cái chân tài
một người câu Hội An được cân đo bằng cỡ cá bắt được? Kẻ viết bài
này, tính đến ngày xa sông phố, có thành tích cao nhất là một hanh
lươm 1kg 470. Không biết đã tài cán chi chưa?
-
Hanh sông phố
mập mạp, tròn trịa hơn các nơi khác. Chú Hà Bông - anh ruột bạn Hà
Rê, nhà cận bến, hễ xách cần ra là dặn người nhà lo bắt trước một
lon gạo cháo. Có hôm, chú Bông chỉ được một con hanh ba ngón. Vậy mà
chú bảo đã nấu một nồi cháo cá ngọt xớt! Đủ biết hanh sông phố ngon
tới mức nào.
-
Có ba cách câu
hanh: Câu rà, câu ném (dùng cần ống) và câu vùi. Sông phố, chỉ xử
dụng hai cách đầu. Còn cách câu vùi xưa cũ, chỉ thích hợp với những
tay sành lặn và ở những bến sông cát trắng. Móc tôm sống, cầm mồi
lặn xuống sông, vùi tôm vào cát, gần chớn sâu. Nhớ là phải tạo được
một khoảnh nước đục quanh chỗ vùi mồi, rồi quay nhanh lên bờ. Cá
hanh tìm thức ăn, nghe động nước, sẽ tụ tới. Thấy tôm, hanh sẽ chụp
ngay. Người câu chỉ việc thực hiện động tác nới cước, dụ cá nuốt,
rồi giật.
-
Anh Tường Linh
còn cho biết một cách câu hanh mới, dù - theo anh kể anh đã dùng
cách này để câu, thời anh còn rất trẻ. Đó là cách câu móc, không cần
mồi. Anh bảo có lần đã cùng anh Tạ Ký đi câu hanh. Tạ Ký cầm cần,
còn Tường Linh cầm lưỡi câu lặn xuống bến nước. Cá hanh lớn thời ấy
chưa biết sợ người? Thấy anh Tường Linh, cá bơi quanh và anh từng
dùng móng tay gãi lưng cá! khoái vì đã ngứa, cá đứng im, phành mang
mà thở. Và anh Tường Linh đã dùng lưỡi câu móc vào mang cá, rồi giật
nhẹ sợi cước. Tạ Ký thấy cần động, hiểu ý, đưa cá lên bờ.
-
Tôi và anh Tường
Linh là chỗ quen thân - biết anh lặn lội đại tài - nhưng nghe kể cái
cách câu hy hữu kia, tôi thật nửa tin nửa ngờ!
-
Đã câu hanh khắp
chốn, nhưng với tôi, mê nhất vẫn là câu hanh sông phố. Tôi nghĩ đến
yếu tố tâm lý của người đá bóng: sân nhà, khán giả nhà - đã nửa phần
chắc thắng. Trên sông quê, phố tình yêu và tinh ngư tri kỷ - câu như
thế mới đáng mặt câu.
-
Nhắc là nhớ. Nhớ,
lại mong về. Chưa thể về. Buồn quá Đỗi ! Hẹn một ngày, trong va-li
qui xứ, nhất định phải có vài chục trục cước câu Pháp quốc, chia cho
anh em, để cùng yên bụng bắt hanh sè sông phố.
Nguồn: saigontimesusa |