Home Tìm Ca Dao Trợ Giúp Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
 

ĐẠP LÓ, BẮN BÔÔNG 

TRẦN VĂN TÍCH

Quê tôi (Quảng Trị) mỗi năm thu hoạch được hai vụ lúa, một vụ gạo trắng, một vụ gạo đỏ, vụ gạo trắng là vụ chính. Lúa gặt xong chất thành đống bên bờ ruộng. Khi đã gặt được khá nhiều, một bác lực điền sẽ phụ trách bó lúa lại từng bó lớn.

Lạt để bó lúa đã được chuẩn bị sẵn từ những ngày đông tháng giá. Người nông dân chọn loại tre trung niên, không già không non, dai sức, ít mắt, để chẻ lạt. Sợi lạt dài cỡ ba mét, to bản, bề ngang lối một xăng-ti-mét và dày chừng bốn đến năm mi-li-mét. Lạt chẻ sợi rồi hong trên giàn bếp hun khói cho thêm bền, đồng thời tránh mối mọt. Bó lạt khi mang ra ruộng được ngâm dưới nước ruộng cho dịu và dẻo.

Việc bó lúa là cả một nghệ thuật đòi hỏi không những phải sức khỏe mà cả sự khéo léo. Sợi lạt được đặt nằm dọc bờ ruộng lúa và được chất thành một đống cao trên sợi lạt.  Bác lực điền - việc bó lúa là việc riêng của nam giới - dùng sức mạnh xoắn sợi lạt quanh trục chính của nó khiến nó giập ra, mềm oặt ở hai điểm cách một đầu lạt khoảng chừng mười xăng-ti-mét. Phần bị giập, bị xoắn mềm này sẽ được gấp thành một nút thòng lọng thật đơn giản. Đầu kia của sợi lạt được luồn vào trong nút thòng lọng và người thợ gặt hết ra sức xiết mạnh bó lúa bằng cách dùng toàn lực kéo đầu sợi lạt nằm trong thòng lọng; đồng thời dùng tất cả sức nặng của thân thể đẫy đà của mình đè lên bó lúa, ép nó, thúc nó, dồn nó, đè nó để buộc gọn đống lúa ở khoảng giữa các thân cây lúa mới gặt thành môt bó chắc chắn. Khi đã đạt tiêu chuẩn chặt và chắc, đầu lạt không phải là thòng lọng cũng được vặn cho mềm nhũn và buộc xoắn vào với đầu kia thành một cái nơ bền bỉ. Bó lúa bó xong trông gồm hai hình nón cụt nối vào nhau mà thắt lưng là sợi lạt.

Để gánh các bó lúa này về nhà phải dùng đòn xóc là một loại đòn gánh đặc biệt, hai đầu vót nhọn hoắt, làm bằng tre già rất chắc và hong khói thường xuyên đến độ trở thành nâu sậm và láng bóng. Đặc biệt đòn xóc còn được uốn cong như một vành cung để khi gánh hai bó lúa nặng chình chịch ở hai đầu thì nó oằn xuống trở lại thành ra một đòn thẳng. Nếu không uốn sẵn thành vòng cung thì hai bó lúa rất nặng ở hai đầu đòn xóc sẽ bị trọng lượng lúa kéo cong hai đầu xuống tạo thành vòng cung lõm về phía dưới và như thế tất nhiên hai bó lúa phải rơi xuống đất. Nói cách khác, đòn xóc không có bộ phận để giữ bó lúa, nó chỉ giữ được gánh lúa mới gặt chừng nào nó không bị cong hai đầu. Người thợ gặt dùng đầu nhọn của đòn xóc đâm thật mạnh, thật sâu vào bó lúa mới gặt, ngay phía dưới sợi lạt của bó lúa. Sau đó  dùng hai tay nâng bó lúa lên cao và vác nó đến bó lúa thứ hai. Với một bó lúa xóc sẵn ở một đầu, đòn sóc lại được đâm sâu và đâm mạnh vào bó lúa thứ hai. Lần này có phần thuận lợi hơn vì có thêm lượng của bó lúa đã xóc sẵn một đầu tăng thêm sức xuyên thấu. Giai đoạn kế tiếp là nhấc hai bó lúa treo ở hai đầu đòn xóc trên vai. Người nông dân nam giới làm công việc này không mấy khó khăn nhưng các o, các mụ thì thường phải nhờ phái nam nhấc và đặt dùm đòn xóc đã xóc sẵn lúa trên vai.

Băng qua những bờ ruộng mấp mô, vượt qua những con đường làng nhỏ hẹp, đoàn người gánh lúa nhịp nhàng hướng về thôn xóm sau lũy tre xanh. Đường xa gánh nặng nên thỉnh thoảng phải đảo vai. Hai gánh lúa được đôi tay gân guốc xoay một vòng tròn, để từ vai này chuyền nhẹ nhàng sang vai kia. Cảnh một đoàn người gánh lúa nối đuôi nhau, nam có, nữ có, thoăn thoắt bước đều gần như chạy, với hai bó lúa nặng, trĩu ở hai đầu đòn xóc đong đưa theo từng bước chân, giữa một bầu trời mùa hạ trong xanh, nắng vàng rực rỡ, trong một không gian thoang thoảng mùi lúa chín, mùi rơm mới; với một chú bé lúp xúp chạy theo sau, tay nâng niu vài con niêng niểng hay vung vẩy vài sợi lạt chưa dùng đến, là một khúc phim mà mỗi lần ký ức quay lại luôn luôn làm cho tôi bồi hồi xúc động vì chú bé được tôi nhìn lại qua hồi tưởng với tất cả lòng trìu mến, như Anatole France trong vườn Luxembourg nhìn lại chính mình thời thơ ấu.

Lúa gánh về nhà chất vào một chỗ để chờ đạp ló. Ở quê tôi, gặt lúa xong người ta không đập lúa ngay tại ruộng như ở miền Nam sung túc mà lại đem lúa ra đạp tại nhà. Đạp ló có thể do người, có thể do trâu.

Giữa hai cột nhà buộc một cây tre dài và chắc, cách mặt đất chừng 1 mét 2. Nếu ít lúa thì một người đạp, nếu lượng lúa kha khá thì từ ba đến bốn người đạp. Bó lúa được mở ra và để cạnh người đạp ló, đứng trong tư thế hai tay vịn vào cây tre, mình hơi ngả về đằng trước. Với một bàn chân, người đạp ló kéo một mớ lúa về phía mình và dùng hai chân không đạp trên mớ lúa. Đạp lui đạp tới, vừa đạp vừa trở, cho đến lúc nào tất cả hạt lúa rơi rụng ra hết, chỉ còn trơ lại một mớ cọng rơm dài thậm thượt thì dùng chân hất qua một bên. Và lại kéo theo một mớ lúa khác, và lại đạp lại trở bằng hai chân không. Hai bàn chân người nông dân quê tôi có lẽ có sức chịu đựng, có độ bền bỉ hơn cả chân nhiều loài vật. Ngựa chẳng hạn phải được bịt móng mới chạy nổi đường trường, còn người nông dân quê tôi quanh năm suốt tháng không hề xử dụng giày dép, chỉ đi chân không và còn dùng hai bàn chân chai đá của mình để đạp rụng, đạp rời từng đống lúa cao có ngọn. Nhìn đôi chân của những ôông Cọi, eng Cáo, chú Bạo, tôi mới thấm thía tại sao người dân Việt Nam chỉ mong và chỉ ước trông cho chân cứng đá mềm.

Đạp ló bằng chân người thường chỉ tiến hành vào mùa lúa phụ, vì vào mùa này lượng lúa thu hoạch không nhiều.

Nhưng đó chỉ là đối với gia đình tôi, vốn thuộc hàng giàu có trong làng; chứ đa số bà con đồng hương của tôi thì cả hai vụ đều dùng chân mà đạp ló.

Gánh ló, đạp ló, thường có bữa ăn phụ vì ăn ba bữa như ngày thường không đủ ca-lo-ri. Cho nên đạp từ sáng đến nửa buổi thì nghỉ để ăn cháo nếp, ăn chè đậu đen hay ăn khoai khô nấu trộn với đậu.

Vào vụ lúa chính, gia đình tôi hay tổ chức đạp ló bằng trâu. Thời điểm thông thường là buổi chiều hay buổi tối, nhất là vào các đêm trăng sáng. Nhưng dầu có trăng, vẫn cần thêm ánh sáng do những dĩa dầu chuồn cung cấp. Các bó lúa được mở ra. Lúa được xếp chồng thành một hình nấm mộ lớn, đường kính vào chục thước, cao lối năm, sáu tấc, nằm ngồn ngộn giữa sân. Một chú lực điền dắt một cặp trâu trèo lên đống lúa. Chú đứng ở trung tâm, dùng roi quất nhè nhẹ chỉ huy cặp trâu bước thành vòng tròn quanh chú. Trâu vốn hiền lành, ngoan ngoãn nên tham gia rất nhanh chóng trò chơi đèn kéo quân này. Trâu đi từ tốn, chững chạc, thong thả theo trâu. Hạt lúa rơi rụng lả tả dưới những móng chân nặng nề của đôi trâu đạp ép. Sau chừng vài giờ, thấy lúa đã rụng hết thì nghỉ. Thông thường mỗi buổi chỉ đạp một lần. Và sau mỗi lần đạp tất nhiên cũng có chút đỉnh cháo, chè hay xôi. Một “sự cố kỹ thuật” thường xảy ra khi trâu bài tiết. Nếu trâu tiểu thì chả gay cấn mấy vì nước tiểu của trâu không gây hại gì cho hạt lúa. Nhưng nếu trâu đại tiện thì phải ứng phó cấp kỳ. Vừa nhác thấy trâu cong đuôi lên là lập tức chú lực điền chụp lấy đuôi trâu đè xuống, đồng thời la lên ơi ới: “Trâu ẻ, trâu ẻ!”. Đã có chuẩn bị sẵn, một người nào đó chụp lẹ một cái giỏ tre trong đó có lót một lớp rơm dày mang đến đặt ngay chỗ phân trâu sắp rơi xuống. Lúc bấy giờ mới là giờ hoàng đạo để cho trâu giải quyết nhu cầu. Đuôi không còn bị đè nữa, trâu khoan khoái phóng uế ào ào, phèn phẹt. Xong, vừa dợm bước đi thì cái giỏ được nhấc ra ngay. Tất nhiên phế vật của trâu được tận dụng làm phân bón, nhất là để “cùi” mấy cây bầu, cây bí. Đạp ló đã trở thành truyền thống ở quê tôi, mà sở dĩ có truyền thống đó có lẽ là do hạt lúa quá quý giá nên nếu đập - mà nhất là đập ngoài ruộng như ở trong Nam - thì họ sẽ hao hụt đáng kể.

Nhưng lúa nếp thì không thể đạp vì rất khó khăn cho hạt nếp rụng khỏi gié nếp. Cho nên phải truốt nếp. Đây là công việc của phụ nữ. Các o, các mụ, mỗi người trang bị một đôi đũa, ngồi bệt xuống sàn nhà và nhấc từng gié lúa nếp lên, kẹp nó vào giữa hai chiếc đũa rồi kéo mạnh làm cho các hạt nếp đứt rời khỏi cọng rơm. Mỗi lần tất nhiên chỉ truốt được một cọng nếp, và cứ nhẫn nại, kiên trì như thế mà làm từ sáng đến tối. Công việc coi bộ nhàn nhã nhưng ngồi như thế cả ngày là một cực hình đối với các đốt sống lưng.

Rơm đực xây thành đụn. Chỉ cần nhìn đụn rơm mỗi nhà là có thể ước lượng được mùa màng từng nhà là nhiều ít bao nhiêu. Có đụn rơm cao nghệu, có đụn rơm bé tẻo tèo teo. Rơm ít, không đủ đun quanh năm thì có thể cắt thêm toóc, tức là rạ. Nhưng toóc vốn quá ngắn nên chẳng thể nào xây thành đụn, chỉ có thể xài ngay sau khi cắt. Vì thế toóc là việc của các o trên các cánh đồng nứt nẻ sau khi vụ mùa đã mãn, và lúc bụi toóc cũng khô đến độ tối đa. Cắt toóc về là để chụm ngay, có được nguyên liệu đun đỡ ngày nào hay ngày đó, còn rơm thì để dành trong đụn. Trường hợp toóc không được cắt thì sẽ bị cái nắng gay gắt miền Trung hun cho đến độ mủn ra:

Hết mùa toóc rã rơm khô
Bạn về xứ bạn biết nơi mô mà tìm

Câu ca dao này được Thanh Tịnh ghi lại trong tập truyện ngắn Quê Mẹ, nhưng thay vì ghi toóc ông lại ghi tót. Là dân Thừa Thiên, Thanh Tịnh đã ghi không đúng một tiếng miền Trung cổ quý giá.

*

Cây bông chỉ được trồng ở nương, thường là mảnh vườn nằm trong phạm vi đất đai canh tác quanh ngôi nhà của từng gia đình. Bông thu hoạch về phải qua một quá trình chế biến phức tạp mới thành được tấm vải.Trong giai đoạn đầu và sau khi đã được phơi cho thực khô, phải tách rời các hạt bông nõn ra khỏi các hạt bông bằng máy cán bông. Gọi là máy nhưng đó chỉ là một cơ phận thô sơ gồm chủ yếu hai cây gỗ hình trụ, lớn bằng thỏi son của các bà các cô, ở thành thị và dài chừng ba tấc. Hai cây gỗ này ghép song song sát vào nhau và vận chuyển theo hai chiều ngược nhau, qua sức quay của một tay cầm. Người cán bông ngồi trên sàn nhà hay trên ghế dài, một tay quay tay cầm nhằm vận chuyển hai ống trụ, một tay đút bông vào khe giữa hai ống trụ đó. Phần bông sợi sẽ bị hút vào giữa hai ống trụ và bị tách rời khỏi các hạt bông. Hạt bông sẽ được thu thập làm phân hay ép dầu.

Bông cán xong phải mang đi bắn, để làm cho sợi bông tua ra. Cả làng tôi chỉ có một người chuyên nghề bắn bông, đó là chú Kích. Thiết bị bắn bông là một sợi dây rất bền bằng tơ tằm se lại thực săn, vỏ ngoài được bọc một lớp sáp ong mỏng bóng láng, căng chéo trên một bộ phận bằng gỗ hình chữ L, hai đầu dây buộc chặt vào hai điểm cuối chữ L. Qua một hệ thống điều chỉnh, sợi dây được căng đến mức tối đa. Chú Kích ngồi trên một thứ ghế đẩu đặc chế, ghế đó có kèm một cần câu bằng một cây trúc rất khỏe và dài. Cây trúc này có công năng nâng đỡ bộ phận chữ L dùng để bắn bông. Vận dụng tay trái, chú Kích có thể di chuyển chữ L, theo ý muốn, hoặc là là ở mặt đất, hoặc cao khỏi mặt đất chừng vài ba tấc, hoặc ở mép đống bông phải bắn, hoặc chui sâu vào giữa đống bông. Với tay phải, chú dùng một cái gậy có mấu đánh vào sợi dây căng thẳng khiến nó rung lên bần bật. Và vì sự rung chuyển đó xảy ra trong lòng đám bông nên các mớ bông bị cuốn hút vào dây, bị dây đánh cho banh ra, bị xé ra, bị bung ra tơi tả. Kết quả, đống bông càng ngày càng phồng lên theo với thời gian bắn để rồi cuối cùng trở vào thành một khối bông nõn xốp nhẹ, trông tựa như một đám mây trời bằng bông nõn phơi phới.

Đơn vị để tính toán công lao bắn bông là yến. Không biết các khái niệm đo lường thuộc mét hệ, người dân quê tôi trước 1954 chỉ xử dụng các đơn vị đo lường cổ truyền như thước (thước ta), sào, mẫu, yến, phân. Chú Kích lãnh thù lao theo số yến bông bắn được và lãnh thù lao bằng ló. Tiếng bắn bông “bịch bịch, xèng xèng” là một điệu nhạc độc đáo mà tôi chỉ được nghe ở một nơi duy nhất trên mặt địa cầu này, đó là tại ngôi nhà tranh vách đất của chú Kích, nằm khiêm tốn nơi xóm làng Quảng Lượng heo hút.

Bông bắn xong se thành con cúi. Con cúi là một cuộn bông hình trụ, đường kính thiết diện chừng 1,5cm đến 2cm, dài lối 30cm. Cuộn bông thành con cúi là một công việc nhẹ nhàng đơn giản. Chỉ cần một nắm bông nõn đã bị bắn xốp, trải dài và rộng trên một mặt phẳng láng rồi cuộn lại xung quanh một chiếc đũa lớn trơn bóng.

Giai đoạn kế tiếp là kéo con cúi thành sợi vải. Thiết bị kéo bông không có gì đặc biệt, nó cũng giống như các loại máy kéo sợi ở các vùng đất khác trên khắp thế giới, mới một bộ phận chính là một bánh xe quay và một con sót. Khi đến Berlin, ghé vào xem một viện bảo tàng kinh tế dân tộc, tôi thú vị tìm lại được guồng máy kéo sợi này trưng bày bên cạnh các công cụ nghề dệt cổ lỗ của dân tộc Đông Đức. Đặc biệt con sót có một đầu máy chế bằng thép tôi rất kỹ vì phần đó phải quay triền miên, do bánh xe vận chuyển, nhằm kéo sợi vải ra khỏi con cúi; và tiến trình “kéo” này thực chất chỉ là một tiến trình se chỉ thật săn và thật mịn.

Rồi chỉ được quấn thành từng khoanh lớn và ngâm nước cơm cho thêm bền vì trước khi mang đi dệt. Chuyên lãnh dệt vải cho gia đình tôi là bà vợ kế của ông chúng tôi, mà các cháu thân yêu thường gọi là mụ. Mụ dệt có phẩm chất tốt vì dệt cẩn thận, các sợi chỉ dọc cũng liền xít với nhau nên tấm vải dày dặn, không thưa rếch thưa rác như vải bán ở chợ. Nhưng khổ vải thì rất khiêm tốn vì con thoi chẳng thể nào được ném đi quá xa, tối đa mức tấm vải chỉ rộng chừng sáu tấc. Mang vải đến cho mụ dệt, tôi còn được cái thú nghe mụ nói chuyện canh cửi, qua đó tôi học được ở mụ một số từ kỹ thuật chuyên môn cho nên sau này khi đọc Nguyễn Du, tôi rất thông cảm với Tố Như tiên sinh:

Thôn ca sơ học tang ma ngữ

(Câu hát thôn dã giúp ta học được tiếng nói của nghề trồng dâu).

Vải để trắng hoặc nhuộm đà, nhuộm đen. Nhuộm đà có vỏ cây đà mua ở chợ Thuận. Nhuộm đen có bùn non móc từ đáy ao, đáy rào (rào là một nhánh sông bé nhỏ) lên, có khi còn “tăng cường” thêm nước lá chè tàu, vốn trồng làm dậu, cô đặc quánh.

Có một độ gia đình tôi trồng được loại cây bông cho bông không phải màu trắng “kinh điển” mà màu cà phê sữa, nghe đâu từ xứ Lào xa xôi nhập cảng về. Loại bông này dệt thành tấm vải có màu cà phê sữa loãng, trông không mấy mỹ thuật nhưng cả làng chẳng ai có thứ vải màu đó. Tiến thêm bước nữa, mẹ tôi phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhờ mụ dệt những tấm vải mà phần sợi dọc màu trắng còn phần sợi ngang màu cà phê sữa, chúng tôi gọi là vải kaki. Được mẹ may cho - tất nhiên là may bằng tay - những bộ áo quần gồm quần cộc vải kaki và áo sơ mi cổ bẻ vải trắng, anh em chúng tôi cảm thấy đã được may mặc mốt nhất đời.

Giờ đây nhìn lại thời gian và không gian của thuở đạp ló bắn bôông tôi nghiệm ra người dân quê Việt Nam đã cố thích nghi với những điều kiện khiêm tốn của cuộc sống và đã tự túc được về ăn về mặc, hai nhu cầu cơ bản của con người. Ngay như khung cửi, máy cán bông cũng được một người bà con trong họ chuyên nghề thợ mộc đóng ráp. Thợ rèn thì cũng chỉ ở những làng lân cận. Thảng hoặc có cần đến “chuyên viên cao cấp” nhưng thợ đóng cối xay lúa thì cũng chỉ đi bộ chừng nửa ngày đường là tới làng Đồng Bào để mời được ông thợ Dự. Thành ra tôi đã từng sống những ngày tháng thuần túy “nhà quê”, với gạo nấu cơm do chính bà con cấy mạ, gặt lúa, với vải may mặc do chính họ hàng sản xuất. Bốn mươi năm sau, hồi tưởng lại khung cảnh đó và so sánh nó với đời sống hiện thời của gia đình, ngẫm nghĩ về hai câu thơ của sứ thần Phan Thanh Giản trình bày về xã hội nhất là kỹ thuật Tây phương lên quân vương:

Bá ban xảo kế tề thiên địa
Duy hữu tử sinh tạo hóa quyền

(Trăm nghề tinh xảo ngang với trời đất, duy chỉ có việc sống chết mới phụ thuộc vào quyền của tạo hóa mà thôi) tôi càng thấy ngậm ngùi cho bà con làng nước, không biết bao giờ mới có được mức sống bằng người.

Nguồn: saigontimesusa

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 03/12/18