|
Hội mùa thu Lục Ðầu
Giang
Từ ngày 15 đến 20 tháng tám âm lịch, hội mùa thu Kiếp
Bạc mở to nhất xứ Ðông. Ðây là hội tưởng nhớ đến người
Anh hùng dân tộc Trần Hưng Ðạo.
Những vùng đất gắn với tên tuổi danh tướng nhà Trần có ở
nhiều nơi. Bên sông Hồng thuộc Lào Cai có đền Thượng thờ
Trần Hưng Ðạo. Từ các vùng Nam Ðịnh, Hà Nam, Thái Bình,
vào đến miền Trung và tận Nam Bộ, có biết bao nhiêu đền
thờ Đức thánh Trần. Nhưng "Tháng tám hội cha" ở Kiếp
Bạc, Chí Linh, Hải Dương vẫn là nhộn nhịp nhất.
Bến Kiếp Bạc mênh mông sóng nước. Cái bằng lặng ngày thu
bỗng trở nên náo nhiệt khi bước vào ngày hội. Người ta
trảy hội đền Kiếp Bạc bằng đường bộ từ Hà Nội theo đường
5A, từ Bắc Ninh theo đường 18 về Phả Lại và dọc đê sông
Thương. Nhưng đường thủy cuồn cuộn vui. Từ sông Ðuống
xuôi dòng về Lục Ðầu Giang, có người của xứ Đoài, có
người đông bắc miền biển. Từng đoàn thuyền rồng treo cờ
xí rực rỡ. Ðoàn người trẩy hội trên sông theo từng đội.
Náo nhiệt lắm. Chiêng trống từng hồi theo nhịp chèo suốt
dọc con sông. Nhịp hò khoan, hát đối, hò sông nước và
những tiếng trống thưởng cho một câu hát hay, làm dân
đôi bờ cùng vui. Bến thuyền Kiếp Bạc trở nên sầm uất với
hàng trăm thuyền về đậu. Tưởng như hơn 700 năm trước,
tướng Trần Hưng Ðạo hội quân sau chiến thắng.Ngày trên
sông đông vui. Ðêm về trên sông càng tưng bừng. Ðèn
treo, hoa kết, mở hội hoa đăng trong mấy ngày liền.
Người ta thả đèn, thả những khúc chuối trên cắm nến và
vàng hoa. Ðèn mầu xanh mầu đỏ, nến sáng bập bùng, trôi
nổi theo con sóng xuôi về biển.Ngày hội mùa thu có lắm
trò vui. Nhiều trò chơi như tái hiện một thời hào hùng
của quân và dân nhà Trần đánh giặc ngoại xâm giữ bền bờ
cõi. Có năm người ta diễn tích trò thủy chiến, thi bơi
chải trên sông. Trên bờ, những xới vật sôi nổi, những
sân đấu võ nghệ thời Trần. Múa sư tử, múa lân tưng bừng.
Trống thúc, chiêng rền.
Người trảy hội như sống trong không khí thượng võ của
cha ông một thuở.Còn nhiều trò diễn hấp dẫn khác, có sự
góp mặt của tài năng xứ bạn. Làn chèo đất Sơn Nam hạ,
Sơn Nam thượng. Màn quan họ Kinh Bắc. Rồi mùa rối cạn,
múa rối nước. Rồi xiếc thời nay, có năm thử tái hiện cả
xiếc thời Trần, thời Lê.Không chỉ xã Hưng Ðạo nơi tọa
lạc đền Kiếp Bạc, mà một dải đất thiêng Chí Linh, còn
giữ bề nổi và bề chìm trong lòng đất nhiều di tích gắn
bó với các cuộc kháng chiến dưới sự chỉ huy kiệt xuất
của Trần Hưng Ðạo.Tháng tám mùa thu, bốn phương trảy hội
về đền Kiếp Bạc. Kiếp Bạc dựng trên một khu đất bằng
giữa thung lũng núi Rồng. Tam quan đền Kiếp Bạc như bức
cuốn thư "Lưỡng long chầu nguyệt" thật bề thế. Người xem
hội, một thoáng như trở về chốn cũ vườn xưa với những
danh tướng, những binh sĩ đời Trần. Ðền Kiếp Bạc nhìn ra
con sông Thương (còn gọi là sông Lục Ðầu) đang cữ hội
mùa thu mong manh nắng và hoa lau đã tím trắng phất phơ
đôi bờ.
Thời Trần, con sông có tên gọi là Bình Than. Ði thuyền
trên sông Bình Than, một thuở học trò còn nhớ mãi chuyện
lịch sử Hội nghị Bình Than (1282), rồi phòng tuyến Bình
Than, chiến thắng Vạn Kiếp nhấn chìm xác giặc. Giữa
dòng, còn đó cồn cát dài 200 mét, dân gian gọi là Cồn
Kiếm do Trần Hưng Ðạo để lại thành kiếm báu cho đời sau
giữ gìn Tổ quốc. Sau lưng đền Kiếp Bạc, là núi Trán Rồng
sừng sững, bên tả có núi Bắc Ðẩu, bên hữu là núi Nam Tào
ba bề ôm lấy Kiếp Bạc, như vành ngai hùng vĩ. Ðất chiến
lược được tướng quân Trần Hưng Ðạo chọn, trở thành trung
tâm chỉ huy cuộc kháng chiến oanh liệt nhất trong thế kỷ
thứ 13.
Nhiều địa danh nay còn sống mãi qua bảy thế kỷ. Bãi Kiếm
nơi luyện tập của binh sĩ. Hang Tiền, hang Thóc nuôi
quân, xưởng Gốm, xưởng Thuyền lo chuyện hậu cần, lo
phương tiện vận chuyển, vườn thuốc Dược Sơn bây giờ vẫn
xanh cây thuốc nam, nơi xưa kia đã chữa bệnh cho quân
sĩ. Rồi vườn Ðào, sông Vang, Sinh Từ, Viên Lăng..., đằm
thắm hoài niệm, sáng ngời công tích của nhà Trần một
thuở.Lễ hội mùa thu là những ngày vui và tự hào của dân
vùng danh tướng Trần Hưng Ðạo đã sống và chỉ huy cuộc
chiến đấu. Từ lâu lắm rồi, Kiếp Bạc đã đi vào lịch sử
của dân tộc ta. Làng cổ Kiếp (tức là Vạn Yên) và làng cổ
Bạc (là Dược Sơn) chung nhau mở "Tháng tám hội cha". Rằm
tháng tám, hai làng sắm hoa quả làm lễ mở cửa Ðền vào
hội. Làng bên tả, làng bên hữu, hướng về cửa đền. Các
triều đại phong kiến coi đây là quốc lễ, các quan đại
thần của triều đình về dự rất đông. Các quan tổng trấn,
phủ của Hải Dương đều phải có mặt trong dịp lễ hội. Ngày
cuối cùng, 20 tháng tám, hai làng Vạn Yên và Dược Sơn tổ
chức rước và tế. Mỗi làng trăm rưỡi trai đinh, vác cờ,
chấp kích, trùy chiêng trống rước kiệu hoa, cỗ chay linh
đình.Kiếp Bạc vào hội mùa thu hấp dẫn và có ý nghĩa
tưởng nhớ đến người anh hùng dân tộc. "Ðất linh, nhân
kiệt". Kiếp Bạc sông núi hữu tình.
Du khách lên núi, nhìn thấy trời đất bao la, làng xóm
trù phú, thuyền xuôi thuyền ngược tấp nập. Chí Linh cũng
là nơi nằm trên tuyến du lịch quý giá thời mở cửa. Từ
Côn Sơn, Phượng Hoàng của Chí Linh, sang An Phụ, Kinh
Chủ của Kinh Môn, đến Yên Tử, Hạ Long, Cửa Ông, Trà Cổ
của Quảng Ninh, vòng cung du lịch vùng đông bắc có biển
rộng sông dài, núi non hùng vĩ, nơi là thắng cảnh, nơi
là mảnh đất lịch sử hoành tráng.
Nguồn: Nhân dân |