|
Lễ hội đền Cuông
Hội
Ðền Công (Cuông): 15-2 âm lịch
Ðịa điểm: xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An
"Bỏ con, bỏ cháu không bỏ
mồng sáu tháng giêng".
Mồng sáu tháng giêng (âm lịch) lễ hội Cổ Loa. Và chỉ sau đó 1 tháng 10
ngày, tại Diễn Châu -Nghệ An lễ hội tế Thần Thục An Dương Vương lại một
lần nữa diễn ra: Lễ hội Ðền Công - 15 tháng 2 âm lịch. Ðây là một lễ hội
lớn ở Nghệ An, thu hút hàng vạn lượt người từ khắp nơi đổ về trẩy hội.
Không giống như lễ hội Cổ Loa, luôn có ba phần: lễ tế thần, lễ rước kiệu,
khách thập phương dâng hương, vui hội, lễ hội Ðền Công chỉ có lễ tế
thần, sau đó là các sinh hoạt văn hoá: hát tuồng, chèo, thả đèn hoa.
Mùa xuân, đến với Ðền Công không
chỉ là dịp cầu phúc, cầu tài mà còn là dịp để lòng người ghi dấu đoạn
kết của câu chuyện Loa Thành: An Dương Vương đem công chúa Mỵ Châu chạy
trốn kẻ thù, tới Diễn Châu thì dừng lại. Nhận ra sự thật, vua chém con gái
yêu rồi theo thần Kim Quy đi về phía biển... Truyền thuyết và lịch sử, thực
và hư, những dấu tích đã rêu phong, đã hoen mờ cùng thời gian, chỉ còn lại
đó là một Ðền Công linh thiêng và lòng ngưỡng vọng của nhân dân nhưng
cũng đủ để ta rút ra bao điều đáng chiêm nghiệm...
Ðền Công là một di tích lịch sử
đã được Nhà nước xếp hạng và cũng là một danh thắng mà bất cứ ai đã
đến sẽ khó quên bởi sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và cảnh sắc thiên
nhiên như thể đã có một sự thoả thuận từ ngàn đời trước giữa tạo hoá
và bàn tay con người.
Ðền nằm ở lưng chừng núi Mộ Dạ,
ngay kề Quốc lộ I. Phía sau núi là biển cả mênh mông, ngày đếm sóng vỗ rì
rào. Mỗi ban mai, vầng dương từ biển nhô lên phủ cho cảnh vật một vầng hào
quang rực rỡ.
Ðứng từ Quốc lộ I nhìn lên, cổng Tam quan cao vời vợi.
Ba tầng lầu như được tôn thêm vẻ cổ kính bởi lớp rêu phong và những cây
si nảy mầm từ các kẽ đá bám rễ leo lên đến tận lầu thượng. Kiến trúc
bên trong đền phần lớn đều được tu bổ lại nhưng dáng xưa vẫn còn đó
trên các cây cột đồ sộ, những chạm nổi rồng phượng tinh xảo, những câu
đối viết bằng chữ Hán của các quan lại, danh nho thời trước muốn tỏ lòng
tôn kính với vua Thục An Dương Vương.
Bước vào bên trong đền thờ Thần
An Dương Vương, ta gặp được cõi tĩnh mịch, trở ra ngoài lại thấy cảnh núi
non, trời, biển... Chính cái địa thế ấy đã khiến tâm hồn con người thanh
thoát như lời của rất nhiều du khách thập phương. Phải chăng vì lẽ đó hay
vì sự linh thiêng của ngôi Ðền mà người đến với chốn ấy ngày một đông?!
Những năm gần đây, du khách trẩy hội Ðền Công muốn vào thắp hương trong
ngày tế lễ luôn phải vất vả vì chen chân từ dưới chân núi.
Lòng thành kính, cầu an khiến ngay
chính những người tổ chức lễ hội cũng phải ngạc nhiên. Chốn ấy là đất
thiêng "cho nên cũng tuỳ lòng tín ngưỡng của nhân dân chứ không ngăn
cấm được" - (Lời của Phạm Hy Lương - quan phó bảng ở Nghệ An năm 1874
viết trong bài văn bia khắc vào đá ở đền). |