Home Tìm Ca Dao Trợ Giúp Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 

Cội nguồn và bản chất Sơn Tinh qua tín hiệu hội đền Và

 (Trích từ Văn Hóa Nghệ Thuật Online)

Lê Thị Hiền

Hội lễ gắn bó với cuộc sống, nhưng hội không phải là hoạt động đời thường, nên hành động hội không phải hành động thông thường, mà bao gồm những hệ thống. Để hiểu đúng hội, chúng ta phải “đọc” các tín hiệu trong đó. “Chúng ta cần tiếp tục mài sắc cách “đọc” folklore cũng như “đọc” nghệ thuật ngôn từ và các dạng nghệ thuật khác để ngày càng tiếp cận hơn với di sản văn hóa của dân tộc, dân gian nói chung, của Hà Tây - Xứ Đoài nói riêng”(1).
Chúng tôi cố gắng đọc các nhóm tín hiệu chính trong hội đền Và để tìm hiểu thêm về cội nguồn và bản chất của Sơn Tinh.

Nói đến lễ hội về Sơn Tinh ở Hà Tây trước hết phải kể đến hội đền Và (đền Đông Cung). Đây là một trong bốn cung lớn thờ Tản Viên (Đông Cung: Đền Và; Tây Cung: Đền Hạ, Minh Quang, Ba Vì; Nam Cung: Đền Hạ, Tản Lĩnh, Ba Vì; Bắc Cung: Đình Tây Đằng huyện Ba Vì).

1. Miêu thuật hội đền Và

Đền Và thuộc xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội 42km, bắc giáp với sông Hồng, tây giáp huyện Ba Vì, đông giáp huyện Phúc Thọ, nam giáp huyện Thạch Thất. Từ thị xã Sơn Tây, đi bên hữu của thành cổ, rẽ phải qua cầu Treo là tới con đường dẫn đến đền Và. Đền Và nằm ở phía tây bắc xã Trung Hưng, thuộc thôn Vân Gia với tổng diện tích 591ha. Vân Gia là phiên từ ra Hán Nôm, do đó làng được gọi với hai tên là làng Vàlàng Vân Gia. Vân Gia theo truyền thuyết còn có nghĩa là rẽ mây. Đây là mảnh đất thiêng mà đức Thánh Tản đã chọn để nghỉ chân.

Theo ngọc phả còn giữ trong đền thì Tản Viên sinh ngày 15 tháng giêng Đinh Hợi tại đạo Hưng Hóa, xã Nam Sơn, nay là xã Trung Nghĩa, Thanh Thủy, Phú Thọ. Tản Viên cùng hai người em con ông chú được sinh ra rất đặc biệt. Đó là kết quả một lời ước nguyện của hai người cha với Thái Bạch thần tinh. Sinh được một trăm ngày, con của người anh được đặt tên là Nguyễn Tuấn, con của người em được đặt là Sùng Công và Hiển Công. Khi lớn lên cả ba anh em đều được đi học và thông thạo kinh sử. Sau đó Nguyễn Tuấn được Thái Bạch thần tinh trao cho chiếc gậy “đầu sinh đầu tử” để cứu nhân độ thế. Nguyễn Tuấn đã cứu được tiểu Long vương, con vua Long vương ở bể Nam và được tặng sách ước. Nhờ sách ước, Sơn Tinh lấy được Ngọc Hoa (là con vua Hùng thứ 18). Thủy Tinh đến sau, không lấy được công chúa bèn dâng nước đánh Sơn Tinh nhưng không thắng nổi đành rút quân về. Sơn Tinh đại thắng mở tiệc ăn mừng và lập lâu đài kỷ niệm chiến thắng Thủy Tinh. Lâu đài đó chính là đền Và ngày nay. Về sau Sơn Tinh thường đi các nơi để cứu giúp dân lành, nơi nào ngài qua cũng đều được dân lập đền thờ.

Cũng theo ngọc phả, đền đã có cách đây 1250 năm, tức là khoảng thế kỷ thứ XIII. Bia dựng ở nhà tiền tế của đền làm vào năm Tự Đức 36 (1884) khẳng định điều này. Trước đó, ở đây đã có sự thờ cúng nhưng mới chỉ là miếu nhỏ, sau đó (thời Phùng Hưng - Ngô Quyền) mới xây thành đền. Đền được xây dựng trên một quả đồi giữa rừng lim nguyên sinh, hình con rùa thờ (con rùa cắp nén nhang), xung quanh đồi là bốn cánh đồng tạo nên địa thế tuyệt vời. Khách thăm đền Và, đứng cách cổng đền khoảng 100m đã thấy cột mốc “hạ mã” chứng tỏ rằng, từ xa xưa, đây đã là nơi thờ tự tôn nghiêm. Thời xưa, vua quan qua đây đều phải xuống ngựa.

Lễ hội đền Và được tổ chức hai lần trong một năm: Hội xuân vào rằm tháng giêng và hội thu vào rằm tháng 9.

- Hội rằm tháng giêng: Cứ ba năm ở đền Và lại tổ chức hội lớn một lần. Việc chuẩn bị cho hội rằm tháng giêng được bắt đầu từ lễ hội mùa thu (rằm tháng 9) của năm trước. Sau khi tổ chức hội đánh cá thờ hàng năm vào ngày 15-9, ban tế cùng các ông thủ từ của các đình, đền ở các thôn cùng nhau họp bàn cho việc chuẩn bị lễ hội chính, cử chủ tế, phân công người khiêng kiệu…

Chủ tế (trưởng trò) là người được dân bầu theo những tiêu chuẩn: là người có vai vế trong làng, có đạo đức, có gia đình đề huề, hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, có cháu nội ngoại. Ban tế - đồng thời là ban tổ chức lễ hội - cũng do dân bầu, gồm 12 người đạt tiêu chuẩn gần như chủ tế. Đặc biệt, cả chủ tế và ban tế đều phải là những người trong nhà không có tang chế. Đội khiêng kiệu chọn những thanh niên tuổi 17.

Xưa kia đền Và có 16 mẫu ruộng, chi phí cho lễ hội được lấy từ hoa lợi ruộng đất. Ngày tiệc thường sửa lễ gồm: lợn 1 con, gạo xôi 6 đấu, rượu 1 lít, cau 3 quả, 1 bó vàng, 1 thẻ hương đen. Hiện nay đền không còn ruộng đất, các chi phí phải dựa vào tiền cúng tiến của khách thập phương và tiền quyên góp.

Quy định hiện nay là, làng Vân Gia là làng sở tại phải đóng vai trò chính, chuẩn bị các kiệu văn, tàn, quạt, các dụng cụ phục vụ cho lễ hội, sửa lễ. Các kiệu lồng vũ, kiệu hoa …của làng nào thì làng ấy tự lo.

Cứ ba năm một lần, vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu, dân làng thuộc hai tỉnh Vĩnh Phúc và Hà Tây lại tổ chức lễ hội đền Và với quy mô lớn, đặc biệt là lễ rước bài vị của Đức Thánh Tản qua sông Hồng đến đình Dội (ở thôn Di Bình, Vĩnh Ninh, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) để làm lễ tắm ngai.

Theo ngọc phả đền Và thì đền Và và đền Ngự Dội có quan hệ mật thiết, vì thế hàng năm vào ngày 15 tháng giêng và 15-9 âm lịch, hai bên lại cùng nhau tổ chức lễ hội tưởng niệm Tam vị đức Thánh Tản. Các cụ cho biết, xưa kia lễ mộc dục được tổ chức trọng thể hàng năm vào dịp 15 tháng giêng. Sau này hai thôn mới thống nhất xin phép đức Thánh cho phép cứ 3 năm lại mở hội lớn một lần. Như vậy cứ trong một giáp (12 năm) thì có 4 năm Di Bình không rước nước sang đền Và mà chuẩn bị cho lễ đón ngai và tắm ngai ở đền Dội, 8 năm còn lại thôn Di Bình rước nước về đền Và để tắm ngai. Cùng với rước nước còn có lễ vật là gạo, thịt lợn sống và những thuyền giấy ghép lại, nhằm nhắc lại sự tích Thánh Tản Viên cùng quân lính đã đi nhờ thuyền qua sông và tắm gội trên đất La Phiên, khi đó dân ở đây đã đem lễ vật ra dâng người nhưng vì vội nên thịt đã không kịp nấu chín.

Hội xuân đền Và được tổ chức vào rằm tháng giêng. Chiều 13-1 làm lễ tiến thảo. Nghi lễ này được tiến hành đối với những người trực tiếp tham gia tổ chức lễ hội, kể cả những người được chọn vào đội khiêng kiệu, đội rước. Những thành viên này đều phải tắm rửa sạch sẽ, trút bỏ hết bụi bậm thì mới được tham gia vào những công việc được phân công. Chiều 14 khi ban nghi lễ làm lễ phong triều (phong các đồ thờ, thay quần áo mới) và các nghi thức tế lễ trong đền, ở bên ngoài các hoạt động vui chơi cũng diễn ra rất náo nhiệt. Ngay tại sân đền (phía sau nhà tả mạc) hội đánh cờ người được tổ chức.

Trong ngày này, lễ tế phụng nghinh là lễ chính mở đầu cho lễ hội đền Và. Vào lúc 2 giờ sáng, các thôn đã bắt đầu rước lễ vào đền. Đầu tiên là thôn Vân Gia, sau đó các thôn Nghĩa Phủ, Thanh Trì, Mai Đạm Trai, ái Mỗ, Viên Sơn, Phú Nhi, rồi thôn Di Bình (Vĩnh Phúc) lần lượt rước lễ vào đền nhưng không được vào bên trong mà chỉ đặt ở bên ngoài, trước kiệu văn. Những lễ này sẽ được rước sang bên đền Dội để tế lễ. Đến 3 giờ sáng, lễ phụng nghinh (đón) các ngài ra kiệu được tiến hành. Bốn cụ già che miệng bằng những dải vải màu đỏ cẩn trọng khiêng long ngai Tam vị đức Thánh ra kiệu. Bài vị Tản Viên được đặt ở giữa, bên tả là Cao Sơn, bên hữu là Quý Minh, phía trước là kiệu lồng vũ, kiệu văn, rồi kiệu lễ của các thôn.

Trước khi xuất phát, các kiệu lễ được sắp đặt ngay ngắn, hương khói nghi ngút, hai bên kiệu là hai hàng đô ăn mặc chỉnh tề cùng hai hàng cầm bát bửu lục bộ. Từ trong sân đền, các kiệu lễ dẫn đầu rồi đến kiệu văn, kiệu lồng vũ, kiệu đặt long ngai bài vị đức Thánh Tản. Ngoài cổng, đội múa lân, múa rồng cùng đoàn người đứng chờ dài tới 1km. Lễ rước xuất phát từ đền Và ra cảng Sơn Tây sang đền Dội (Vĩnh Phúc). Đoàn rước bắt đầu bằng đội múa lân, múa rồng tiếp đến là đội cờ thần, số lượng cờ không quy định mà tùy thuộc vào số cờ của các làng góp lại. Nối tiếp là kiệu lễ của các thôn, đội chiêng trống, đội tế, đội dâng hương, đội cầm bát bửu (6 cái bằng gỗ có chạm hình rồng phượng), đội cầm lục bộ. Tiếp theo là kiệu chính gồm 32 người thay phiên nhau khiêng, kiệu văn do 8 người (mặc áo vàng viền đỏ) khiêng. Đi trước kiệu là một ông thủ hiệu (cầm trịch đám rước), tay cầm trống đánh để điều khiển. Tiếp đến là kiệu lồng vũ do 8 người khiêng, những người này mặc quần trắng, áo xếp thắt lưng bằng vải điều đỏ, nối sau là kiệu quả có tán che do hai người khiêng.

Đoàn rước đi đến đâu cũng được đón chào rất trịnh trọng. Những nơi có đình chùa nằm trên tuyến đường của đoàn rước đều dựng đàn nghênh tiếp. Trong thời gian chờ đợi đám rước Thánh tới, các hoạt động văn nghệ diễn ra rất sôi nổi.

Đám rước đi rất chậm, xuất phát từ đền Và lúc 4 giờ sáng mà tới gần 6 giờ mới vào tới thị xã (Đoạn đường chỉ có hơn 1km). Khi kiệu Thánh đến nơi, tiếng reo hò nổi lên, mọi người đều cúi rạp xuống và chắp tay vái lạy. Kiệu Thánh đến sát đàn đón tiếp thì bất ngờ được nâng lên rất cao rồi xoay tròn rất nhiều vòng. Các cụ nói đấy là kiệu bay - linh thiêng lắm. Dọc đường đi, hai bên đường các gia đình tự bày lễ vật (hương hoa, oản, quả, xôi gà...) nghênh tiếp kiệu Thánh. Số người gia nhập đoàn rước ngày một đông, hướng ra phía bờ sông.

Đoàn rước xuống tới gần mép nước, các cụ làm lễ độ hà (xin phép được qua sông). Lúc này đã hơn 10 giờ trưa, tất cả xuống thuyền theo thứ tự. Thuyền thứ nhất là cờ thần và quốc kỳ, thuyền thứ hai là kiệu lễ của 7 thôn thuộc Hà Tây, thuyền thứ ba là bát bửu và chiêng trống, thuyền thứ tư là kiệu văn, thuyền thứ năm là kiệu lồng vũ, thuyền thứ sáu là các kiệu ngai, rồi đến thuyền của đội dâng hương, đội tế, của người dự hội. Mặc dù đã xuống thuyền nhưng các kiệu vẫn ở trên vai những người khiêng kiệu. Đến 11 giờ trưa các thuyền bắt đầu qua sông. Trước khi cập bến, tất cả các thuyền đều lượn một vòng trên một khúc sông dài tạo nên một cảnh tượng hùng tráng gợi lại không khí xa xưa khi Thánh Tản cho quân qua sông sang Di Bình.

Khi cập bến, đoàn rước lên bờ hướng vào đền Dội. Tại đây, dân thôn Di Bình chuẩn bị đón tiếp rất trọng thể, các đồ tế lễ đã sẵn sàng. Một con lợn chừng 30 cân đã được làm sạch sẽ và đặt trước ban thờ Tam vị đức Thánh Tản. Con lợn này được nuôi và chăm sóc rất cẩn thận. Người ta chỉ cho ăn cháo và hàng ngày tắm rửa cho nó rất sạch sẽ. Người được nuôi lợn cũng phải lựa chọn cẩn thận. ở ban thờ chính ngoài ngai thờ Tam vị đức Thánh Tản, phía bên dưới còn thờ cả cô cắt cỏ và cạnh đó có một đôi sọt, đòn gánh và chiếc liềm - tất cả đều nhằm nhắc lại sự tích đức thánh.

Sau khi ba cỗ ngai của Tam vị đức Thánh được đặt lên ban thờ chính trong hậu cung thì cuộc tế bắt đầu. Đầu tiên là tế “yên vị”, rồi đến tế “cung đốn” và tế “mộc dục” (tắm rửa). Nước dùng vào lễ này được dân thôn Di Bình lấy ở giữa sông Hồng lúc sáng sớm rước về. Nghi thức lấy nước diễn ra rất trang nghiêm thành kính. Người ta đặt chóe có nắp đậy và phủ một tấm vải đỏ, lên kiệu, xung quanh quấn những miếng vải to, sao cho chóe nước không bị nghiêng ngả khi khiêng đi. Kiệu đựng chóe nước được khiêng xuống thuyền, khi ra đến giữa dòng sông, các con thuyền theo hiệu lệnh quây quần lại thành vòng tròn quanh chiếc thuyền mang chóe nước. Ông chủ tế cùng một số người có trách nhiệm khấn vái xin được thực hiện nghi lễ. Sau một hồi lâu thì cuộc múc nước bắt đầu. Người được giao múc nước là một cụ già đức độ, khỏe mạnh, mặc lễ phục. Cụ cầm chiếc gậy, đầu gậy là một chiếc vòng tròn làm bằng thanh tre bọc dây ngũ sắc ném xuống mặt nước cốt cho bụi bậm không lẫn vào, sau đó cụ dùng gáo múc nước đổ vào chóe sứ. Các cụ nói nước ở giữa vòng tròn đó luôn trong hơn bên ngoài, khi được lọc qua vải đỏ trên miệng chóe thì càng trở nên thanh sạch, tinh khiết, linh thiêng. Theo một số nhà nghiên cứu thì vòng tròn đó tượng trưng cho mặt trời, mang dương khí, ném xuống dòng sông là âm - âm dương đối đãi lại được lọc qua tấm vải đỏ mang mầu của sinh khí, của sự sống nên nguồn nước đó trở thành nước thiêng. Nước rước về được dùng cho tế mộc dục. Khi tế mộc dục kết thúc các cụ bô lão thực hiện nghi lễ tế khải hoàn. Những năm hội lệ thì lễ rước nước được tiến hành theo hành trình từ thôn Di Bình (Vĩnh Phúc) sang đền Và (Sơn Tây) - nước đó dùng để bao sái các thần vị được thờ trong đền. Năm đại hội thì nước không rước sang đền Và nữa mà rước về đền Ngự Dội để làm lễ mộc dục.

Cuộc tế lễ ở đền Dội kéo dài chừng hơn một giờ đồng hồ. Trong khoảng thời gian này, khách dự hội có thể tận hưởng không khí linh thiêng của lễ hội khi chứng kiến các cuộc tế lễ, cũng có thể tham gia các hoạt động vui chơi được tổ chức xung quanh khu vực di tích.

Buổi chiều, khi nào thấy lá cờ hội to nhất gặp gió bắc nổi lên, phất đuôi cờ về phía nam (hướng về bên kia sông) thì sẽ làm lễ tế triệu hồi, đưa kiệu, đồ rước, đồ tế tự trở về đền Và. Các cụ nói cứ mỗi kỳ hội lớn đều thấy hiện tượng như vậy, đó là Thánh hiện. Đây là hiện tượng “phù hợp với diễn biến thời tiết vùng ven sông Hồng vào tháng giêng, độ cuối ngày thường hay có hiện tượng đổi gió”(2). Đoàn rước giữ nguyên đội hình và quay trở về đền Và, phụng nghinh các ngài vào đền. Khoảng 5 giờ chiều các cụ làm lễ yên vị.

Ngày 16, các hoạt đồng lễ hội tiếp tục được tổ chức. Các thôn lại sửa lễ, rước lễ của thôn mình lên đền - ban tế thực hiện các nghi thức tế lễ trong đền, 11 giờ mới kết thúc lễ tế. Ngày 16, 17 nhiều trò chơi được tổ chức như cờ tướng, chọi gà, kéo co, nấu cơm thi, đấu vật… Vào lúc 4 giờ chiều ngày 17 các cụ làm lễ tạ, lễ tạ xong, thế nào cũng có mưa rào.

- Hội rằm tháng 9: Hội khai mở vào ngày 14-9 âm lịch.

Trước đây, vào ngày hội, dân làng các thôn Vân Gia, Nghĩa Phủ Thanh Trì, Mai Trai, Đạm Trai, tập trung ra đoạn sông Tích từ Thượng Cầu Vang (giáp xã Đường Lâm) đến Hạ Mả Mang (Giáp thôn ái Mỗ) để cùng đánh bắt cá tập thể ở đoạn sông trên. Tục đánh cá thờ ở đền Và được giải thích bằng việc Thánh Tản đã giúp ông già kéo vó, kéo một lần được cả trăm con. Ngài thấy một con trê chửa sắp đến ngày đẻ bèn thả nó xuống nước. Thánh Tản còn dạy ông cách bắt cá và chế biến cá thành các món ăn ngay tại nơi kéo cá nên đã không kịp về nhà lấy muối. Vì vậy tất cả các món cá được chế biến đều phải ăn nhạt. Ăn xong, thấy miệng nhạt và tanh, Thánh Tản đã dạy cụ hái cau tươi và lá trầu, lấy vỏ cây vỏ quạch nhai gọi là ăn trầu. Cụ thấy người bừng nóng, miệng thơm và trở nên sảng khoái. Sau đó, cụ dạy dân trong vùng làm theo. Kể từ đó dân có tục ăn trầu và đánh cá thờ - Thờ cá để ghi nhớ công ơn của Ngài.

Trước đây trò đánh cá tập thể của năm làng diễn ra rất tưng bừng náo nhiệt. Cỗ thờ cần có 99 con cá to, vì thế nếu ai bắt được cá to thì sẽ góp vào để làm cỗ và cũng tâm niệm rằng, năm ấy Thánh sẽ phù hộ cho mình gặp nhiều may mắn.

 Cá để làm cỗ được chế biến làm nhiều món: Món cá luộc (Để vẩy, mổ moi, bỏ ruột ra cho gừng vào bụng đem luộc chín); Món cá nướng (Để vẩy, mổ moi, bỏ ruột, cho gừng vào bụng bọc lá nghệ và nướng. Nền gạch dùng vào việc nướng cá được làm sạch, họ đốt củi cho gạch được sạch hơn rồi mới bọc lá nghệ vào cá để nướng. Chỉ nam giới mới được làm việc này); Món gỏi cá (Đánh sạch vẩy, bóc lấy thịt nạc cá, thái miếng, trộn với hoa chuối rồi cho vừng giã nhỏ và vắt chanh vào); Món nham (Cá mổ, móc bỏ ruột, cho mật và gừng vào, đem đun sôi làm nước chấm). Cá được chế biến xong thì bày làm 10 tựa (mười mâm). Mỗi mâm có đầy đủ các món luộc, gỏi, nướng và đĩa nham chấm. Chín mâm cỗ được bày lên trước ba ngai, còn một mâm để cúng ông thần bếp giữ lửa. Cúng xong, mọi người làm lễ thụ lộc.

Tục lệ xưa ở đền Và quy định, các món ăn đều không được dùng muối, và khi ăn xong mọi người uống nước ăn trầu, nhưng không được dùng vôi. Tất cả đều nhằm nhắc lại sự tích xưa khi Thánh Tản dạy ông già kéo vó làm các món ăn từ cá và cách ăn trầu. Riêng tục lệ không dùng vôi có liên quan đến sự tích ở hội Dô khi các cô gái (vì không biết là Thánh) đã lấy cứt cò giả làm vôi mời ngài ăn. Từ đó trầu không được dùng vôi.

Hiện nay, hội thu ở đền Và khác trước rất nhiều. Người ta không tổ chức đánh cá nữa vì sông Tích không có nhiều cá như xưa. Từ sáng 14, các thôn đã đi mua cá và chiều 14 bắt đầu chuẩn bị cho tiệc cá. Xã Trung Hưng có 5 thôn: Vân Gia, Nghĩa Phủ, Thanh Trì, Mai Trai, Đạm Trai đều làm cỗ cúng. Mỗi thôn chỉ chuẩn bị 9 con chia làm ba mâm. Ngoài ra đồ cúng còn có cả thịt gà, thịt lợn, hoa quả…

Cỗ cá được chuẩn bị suốt buổi chiều 14, có thôn làm cỗ vào ban đêm. Các món cá cũng được chế biến khác trước và giản tiện đi rất nhiều. Cỗ cúng, món cá, chỉ có cá nướng và cá rán chứ không làm được năm món như trước đây. Cá nướng không làm cầu kỳ như trước. Người ta vẫn dùng lá nghệ bọc cá và không cho nuối nhưng thay vì nướng bằng than, hiện nay lại cho vào lò để nướng, hấp. Trước đây chỉ có nam giới chưa lấy vợ mới được làm cỗ cúng nhưng hiện nay, tất cả mọi người đều được chuẩn bị cỗ. Ngày 15, lễ rước cỗ được tiến hành.

Các thôn Vân Gia, Phù Xa và Di Bình rước cỗ, riêng Di Bình thì rước cả nước lên đền Và. Lễ tế ở đền Và chỉ bắt đầu khi đã có nước từ Di Bình rước sang. Ngoài ra, đồ lễ còn có 9 con cá chép sống được thả trong bể bằng thủy tinh. Các thôn khác (Mai Trai, Đạm Trai, ái Mỗ, Nghĩa Phủ, Thanh Trì) làm cỗ cá, nhưng chỉ rước lễ còn cá thì thờ bái vọng ở đình của thôn. Lễ vật để rước có một quả lễ gồm: 1 thủ lợn, 3 khuôn xôi (3 tảng xôi), 1 tảng cơm. Ngoài ra, còn có mâm ngũ quả, vàng, hương, hoa… Lễ rước cỗ lên đền Và cũng khác xưa. Nếu thôn nào làm xong cỗ, đến trước thì được rước vào trước. Khoảng 8 giờ, kiệu lễ của các thôn đã tập hợp đầy đủ. Thường thường, rước cỗ vào trước vẫn là thôn Vân Gia. Khi kiệu rước tới nơi thì bỗng nhiên quay tít ba vòng, mọi người nhất loạt vái lạy rồi tiếng reo hò nổi lên. Các cụ nói đó là múa mừng Thánh. Kiệu cỗ và kiệu lễ của các thôn lần lượt được rước vào đền. Mỗi khi có một kiệu tiến vào thì cảnh trên lại diễn ra. Khi lễ rước kết thúc, mọi người tạm nghỉ ngơi tại những địa điểm quy định đã đóng biển ghi rõ từ hôm trước (vị trí ở phía sau nhà tả mạc).

Lễ tế bắt đầu vào khoảng 9 giờ 30 phút. Chủ tế là người thuộc thôn Vân Gia đứng ở phía trên, một bồi tế người thôn Phù Xa đứng ở giữa, một bồi tế người thôn Di Bình đứng sau. Cũng có khi số người trong ban tế nhiều hơn (mỗi thôn 2 người). Lễ tế kéo dài gần 2 giờ. Tế xong, các thôn có thể đem lễ về để dân thôn mình cùng hưởng lộc Thánh.

Lễ tế kết thúc, mọi người vào đền thắp hương, thăm viếng… Buổi chiều, các hoạt động vui chơi giải trí diễn ra sôi nổi, đặc biệt nhất vẫn là thi đánh cờ người. Lễ hội kết thúc nhưng dư âm của nó thì vẫn còn lan tỏa và lắng đọng trong lòng mỗi người dân và du khách dự hội.

2. Đọc các nhóm tín hiệu chính.

2.1. Hội đền Và cùng với vệ tinh của nó là hội đền Dội kéo dài trong nhiều ngày chứa đựng rất nhiều tín hiệu. Theo chúng tôi, tập trung vào 4 nhóm tín hiệu chính.

- Nhóm tín hiệu về nước và mưa gió

Việc lấy nước giữa sông được tiến hành rất trang trọng và thiêng liêng, bao gồm cả việc một đoàn thuyền vỗ nước bơi trên sông, là tín hiệu cầu mưa. Nước đó được đem về tắm rửa tượng và đồ thờ tự, gọi là tế mộc dục (nghĩa là tắm gội). Nghi lễ này cùng một ý nghĩa với hành động té nước lên người hoặc té nước lên tượng rất phổ biến ở Đông Nam á là “té nước cầu mưa”, gốc ở ma thuật bắt chước.

Đoàn thuyền chờ gió Bắc để quay về Đông Cung và gió hiển nhiên đến. Đây là sự cầu gió. Gió thường đi với mưa. Nhóm tín hiệu trên có cội nguồn sâu xa từ cuộc sống và nguyện vọng của cư dân nông nghiệp ruộng nước vùng khí hậu gió mùa.

Trên cơ sở cội nguồn đó, truyền thuyết làm cho sinh động thêm, đồng thời khắc họa sâu thần tích của Sơn Tinh. Truyện kể cô gái cắt cỏ múc nước bằng sọt để Sơn Tinh tắm. Tình tiết tắm này được đưa vào nghi lễ thành tế mộc dục. Có dị bản nói Sơn Tinh làm ra mưa. Truyền thuyết đã tôn vinh Thánh Tản là vị thần linh thiêng, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân là lấy nước, làm mưa, làm gió một cách thần kỳ.

- Nhóm tín hiệu về cá

Nhóm này bao gồm hành động đánh bắt cá thờ, việc chế biến cá, dâng cúng các món cá rất phong phú và đặc sắc (luộc với gừng, nướng với gừng nghệ, gỏi cá, nham cá). Tất cả là tín hiệu của cuộc sống gắn với sông nước của cư dân lúa nước. Công thức bữa ăn của họ là cơm - cá chứ không phải cơm (chính xác là ngũ cốc) - thịt như cư dân chăn nuôi. Chi tiết chế biến cá không có muối, phải chăng là dấu hiệu của một thời xa xưa, lúc mà muối chưa được sử dụng phổ biến.

Truyền thuyết kể Thánh Tản dạy cho ông lão làm vó, đánh bắt cá và chế biến cá nhằm tôn vinh vai trò của Thánh trong việc khai hóa cho dân. Cá dâng lên Ngài không được bỏ muối. Đó là một điều kỵ hèm, mà đã là kỵ hèm thì không được sửa đổi, phải trung thành với truyền thống. Nhưng đây là một điều khó hiểu đối với người về sau, khi muối đã được dùng phổ biến. Truyền thuyết lý giải, vá kín chỗ hở bằng chi tiết ‘không kịp về nhà lấy muối”.

Một chi tiết đáng quan tâm là Thánh đã nêu gương về lòng nhân từ không giết hại cá chửa. Điều này chắc là gây ấn tượng răn dạy sâu sắc, qua nhiều đời, đối với người dân địa phương, gắn liền với biểu tượng con cá trê đá ở trước Đông Cung. Ngày nay chi tiết này có tác dụng giáo dục việc bảo vệ môi trường sinh thái.

- Tín hiệu đồ thờ, sọt, đòn gánh, liềm

Đây là dấu hiệu của sự xuất hiện công cụ lao động thô sơ. Tuy là thô sơ nhưng với con người thời cổ, nó cũng góp phần đáng kể cho việc giải phóng sức lao động, vì vậy các công cụ này được thờ phụng.

Một lần nữa, nhân dân thổi thêm sức sống cho nghi lễ bằng truyện kể cô gái cắt cỏ được Thánh dạy cho cách làm liềm, và một lần nữa Sơn Tinh được tôn vinh là vị thần khai hóa, dạy cho dân chế tạo công cụ lao động.

- Nhóm tín hiệu trầu cau

Ai cũng biết tục nhai trầu là phong tục đặc biệt và lâu đời của người Việt và nhiều cư dân Đông Nam á, vì vậy trầu cau được lưu lại trong nghi lễ là điều dễ hiểu. Kỵ hèm không têm trầu với vôi, phải chăng phản ánh thời kỳ xa xưa, lúc nhai trầu chưa dùng vôi. Cũng như hiện tượng trên, truyền thuyết đã làm việc “hợp lý hóa” bằng một tình tiết xem ra không có lý mấy là “lấy cứt cò giả làm vôi mời ngài ăn”.

2.2. Qua việc giải mã các nhóm tín hiệu trên, chúng ta có thể rút ra việc thờ phụng Sơn Tinh ở hội đền Và có cội nguồn từ cuộc sống của người Việt kể từ thời xa xưa, với đặc điểm là cư dân nông nghiệp, vùng gió mùa. Họ có nguyện vọng tha thiết nghìn đời là mưa thuận gió hòa.

Bên cạnh lúa gạo, đời sống của nhân dân ta gắn liền với cá, (đánh bắt cá, chế biến cá, thức cúng bằng cá). Vào thời xa xưa đó, việc sáng tạo nên các công cụ lao động thô sơ như quang gánh, sọt, liềm, vó, là sự kiện ảnh hưởng nhiều đến lao động và đời sống do vậy có ấn tượng sâu sắc và được tôn thờ.

Việc phụng thờ Sơn Tinh ở đền Và và đền Dội có cội nguồn từ đời sống tinh thần và lao động sản xuất của nhân dân ta thời xưa, trong đó còn lưu những dấu vết của thời tối cổ.

Trên cơ sở lịch sử xã hội người Việt thời cổ, như đã nêu trên, ngự trị trên cao và bao quát tất cả là Thánh Tản, vị thần thượng đẳng, hiển linh, có sức mạnh hô phong hoán vũ, chuyên làm việc phù dân hộ quốc, đáp ứng được nhu cầu nguyện vọng của mọi người dân; là vị thần khai hóa dạy dân mọi điều, làm ruộng, đắp bờ, đánh bắt cá, chế biến cá, chế tạo công cụ lao động,...

Trên đây là việc khảo sát Sơn Tinh trong một phạm vi và địa bàn hạn hẹp. Ngoài ra có thể tìm hiểu ở phạm vi và địa bàn rộng hơn, ví dụ:

- Các tín ngưỡng nguyên thủy liên quan đến Sơn Tinh: thờ cây, thờ đá, thờ núi...

- Truyền thuyết và tục thờ thành hoàng Sơn Tinh ở khắp miền Bắc nước ta.

- Tín ngưỡng thờ Thánh Tản ở vùng Mường.v.v...

Nếu mở rộng tầm nghiên cứu như trên, chúng ta sẽ có nhiều hiểu biết sâu rộng hơn, đầy đủ hơn về cội nguồn và bản chất của Sơn Tinh.

L.T.H

_______________

1. Trần Quốc Vượng, Tổng kết hội thảo về Sơn Tinh và vùng văn hóa cổ Ba Vì, Trong sách, Sơn Tinh và vùng văn hóa cổ Ba Vì, Sở Văn hóa thông tin Hà Tây, 1997, tr.163.

2. Nguyễn Hữu Thức, Lễ hội đền Và, trong sách, Lễ hội cổ truyền Hà Tây, Sở Văn hóa thông tin Hà Tây 1999, tr.104.

Những người cung cấp thông tin:

- Nguyễn Văn Cận: Trưởng Ban văn hóa xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây.

- Phùng Văn Khản: Ban quản lý di tích đền Và.

- Vũ Thiên Lý: Chi hội phó, chi hội người cao tuổi, chủ tế hội đền Dội, thôn Di Bình.

- Lã Văn Nông: Chi hội trưởng, chi hội người cao tuổi, xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

- Trần Văn Nho: Trưởng Ban tổ chức lễ hội thôn Phù Xa, xã Trung Hưng.

- Nguyễn Văn Thân: xóm Long Tượng, thôn Vân Gia, xã Trung Hưng.

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 03/12/18