ĐOẢN VĂN TRẦN ĐỨC NHƠN
Chiều ngồi trên Đỉnh Đèo Bay
Ngó về Phan Thiết lòng ray rứt
buồn
NĐN
1. Đỉnh Đèo Bay
Từ đỉnh đèo nhìn về hướng đông,
thành phố Phan Thiết hiện lên rõ ràng, phân biệt được cả những khu phố,
vùng ngoại ô và bãi biển. Không biết cái tên “Đỉnh Đèo Bay” có từ bao
giờ, nhưng tôi biết chắc nó không thể có trước năm 1975, vì lúc đó cây
gỗ còn nhiều, ít ai lên đến nơi này. Đây là đỉnh cao nhất trên cụm núi
phụ nằm về phía đông dãy Trường Sơn. Dân làm rừng chỉ có những người bạo
gan mới dám lên nơi này. Tôi không gan dạ gì, nhưng có chút liều lĩnh
nên cũng từng mò lên tới đây. Ngày đầu tiên đặt chân lên Đỉnh Đèo Bay,
đứng trên một mô đá nhô cao, đưa mắt nhìn về biển đông, tự nhiên tôi cảm
thấy thương quê hương mình quá đỗi.
“Trông lên núi ngả đầu chào
Trông ra ngoài biển, biển nào cũng
sâu!”
(Khuyết danh)
Hai câu thơ này không biết của ai
và cũng không biết đọc nó ở đâu, nhưng khi đứng trên Đỉnh Đèo Bay, tự
nhiên tôi chợt nhớ ra và nhớ mãi đến bây giờ. Đứng trên Đỉnh Đèo Bay
nhìn về hướng Tây là núi rừng trùng điệp, nhìn về hướng Đông là biển cả
bao la. Ngày xưa ông Thái Thượng Lão Quân vẽ ra bản Thạnh Thế Hồng Đồ để
phân chia Trời Đất, chắc có lẽ ông ta có một chút cảm hứng nào đó để
“phết” lên quê tôi những nét đẹp lạ lùng.
Trải tấm nylon trên phiến đá bằng
phẳng. Một xị rượu, vài con cá khô. Quá đủ. Thật tình quá đủ, tôi cảm
thấy như vậy. Và, chính nhờ cái đạm bạc này mà tôi mới thấy hết được cái
đẹp đơn sơ, giản dị của núi rừng quê tôi; Cái đẹp vừa uy nghi, kỳ bí vừa
phảng phất một chút đa tình, nên thơ, lãng mạn.
Ngồi trên Đỉnh Đèo Bay, hớp một
ngụm rượu, khà lên một tiếng thật kêu rồi đưa mắt nhìn ra tám hướng, thả
hồn đi khắp bốn phương mới thấy hết cái thú vị của đời người. Hình như
cái thú vị của đời người không hẳn hoàn toàn do cảm nhận từ những niềm
vui mà đôi khi còn cảm nhận được từ những nỗi buồn.
Chiều ở đây thật buồn
Mây đùn quanh tám hướng
Thung lũng dày sương mù
Tôi ngồi nghe gió hú
Lão tiều phu đốn rừng
Nghe đau từng nhát búa
Có con chim lạc đàn
Xoải cánh chiều qua núi
Rừng ngàn năm vẫn buồn
Chôn sâu niềm u uẩn
Người ngàn năm vẫn còn
Đi trong vòng lẩn quẩn
Rừng ngàn năm còn đó
Tôi trăm năm còn đây
Rừng lắc lay theo gió
Tôi nhìn mưa thu bay
Mưa thì thầm trên lá
Tôi thì thầm với ai!?
(Thơ NĐN)
Từ làng tôi, dân làm rừng đi lên
núi Ông (1) bằng nhiều ngã khác nhau. Tất cả những ngã đường này đều
phải băng qua con đường sắt xuyên Việt, đoạn từ ga Mường Mán đến ga Ma
Lâm. Mỗi giao điểm của lối mòn xe bò và con đường sắt đều được giới khai
thác lâm sản đặt cho mỗi nơi một cái tên nghe rất là “địa phương”: Đồi
mồi bàu lon, đồi mồi bàu đá, đầu mồi giếng cỏ v.v… Đầu mồi (2) là nơi xe
bò bắt buộc phải đi qua. Thời chiến tranh Việt – Pháp, lính Tây thường
phục kích ở các nơi này và gây chết chóc rất nhiều người. Đoạn đường sắt
này, hai đầu nối liền với Mường Mán và Ma Lâm, lập thành một khu vực địa
dư mà thời chiến tranh được mệnh danh là “chiến trường tam giác”. Sau
khi ra tù, tôi trở về sinh sống ở một ngôi làng nhỏ nằm trong khu vực
này. Ngoài việc làm cho hợp tác xã nông nghiệp, tôi thường lên rừng đốt
củi, hầm than để kiếm sống. Tôi chọn lộ trình “đồi mồi giếng cỏ” để qua
con đường sắt. Khi ấy tôi dành dụm được một ít tiền, sắm đươc một chiếc
xe bò bánh sắt (3) và, cứ mỗi tuần tôi cùng thằng con trai tý tẹo của
tôi lên núi một lần.
Thong dong một chiếc xe bò
Nhạc khua lóc cóc giữa bờ truông
sâu
Ngoảnh nhìn phận số ta đâu
Bóng hình xưa đã nhạt vào xa xăm
Ở đâu còn một chỗ nằm
Cho người thua cuộc về thăm núi
này!…
(Thơ Trần Yên Thảo)
2. Đèo Vòng Xoay
Trên lộ trình đến Đèo Vòng Xoay,
đường núi cheo leo, xe bò bắt buộc phải qua một vài địa thế vô cùng hiểm
trở, thường xẩy ra những tai nạn chết người.
“Không đi thì đói thì nghèo
Mà đi thì sợ cái Đèo Vòng Xoay”
Hai câu lục bát dân gian này không
biết có từ lúc nào, nhưng cái Đèo Vòng Xoay thì đã có từ lâu đời. Nếu
cái tên “Đỉnh Đèo Bay” gợi lên một cảm giác chơi vơi trên một đỉnh núi
cao chót vót, thì cái tên “Đèo Vòng Xoay” lại cho ta một cảm giác quay
mòng mòng như con vụ. Thực ra thì cũng không đến nỗi như vậy. Đèo Vòng
Xoay chỉ là một khúc quanh rất ngặt, nhưng khổ nỗi là khúc quanh này lại
nằm giữa hai bờ con sông hẹp nhưng rất sâu. Khi chiếc xe lao xuống dốc,
người đánh xe không thể nào điều khiển được hai con bò. Mà trời sanh
cũng ngộ, hai con vật tự nó cũng biết phải làm thế nào để bảo đảm an
toàn cho chiếc xe (!). Khi gần tới đáy sông thì có một “gôn” đá lớn nằm
chắn ngang. Chao ơi! nếu đâm đầu vào đó thì… “tía tôi cũng lìa!”. Nhưng
không sao, người đánh xe sau mấy phút đi “six flag” cũng vừa tỉnh hồn,
kịp điều khiển hai con bò quay một vòng rất ư là đẹp mắt. Khi qua được
bờ bên kia, người đánh xe cảm thấy mình vừa thoát qua một tai nạn! Hú
hồn…
3. Đèo Thằng
Cuội
Qua khỏi Đèo Vòng Xoay một đỗi thì
tới “Đèo Thằng Cuội”. Cái đèo này mới thật “ê ám”. Chiếc xe qua khúc đèo
này, gần như chỉ lăn có một bánh, còn cái bánh kia thì nhảy “cà tưng, cà
tưng” trên những phiến đá lồi lõm như người ta nhảy đầm. Chiếc xe
nghiêng hẳn về một bên. Người ngồi trên xe lại thêm một dịp “thả hồn
theo mây gió”. Tại sao lại có cái tên “Đèo Thằng Cuội” nhỉ? Ông Sáu Lầu,
người cao tuổi nhất trong làng kể lại.
– Chú Tám à! Cạn hết cái chén đó
đi rồi tôi sẽ kể cho chú nghe.
– Dạ được.
– Thực ra, chuyện này tôi cũng
nghe tía tôi kể lại, còn sự thật thế nào thì tôi cũng không rõ.
Ông Sáu ngừng lại vài giây, nhấm
thêm một ngụm rượu, khà ra một tiếng rồi kể tiếp.
– Nghe nói hồi mới khai thông khúc
đèo này, chiếc xe đầu tiên qua đèo bị lật đè chết một người. Người ta
không rõ danh tánh người xấu số. Chỉ biết người này dùng sức phụ đỡ
chiếc xe cho khỏi lật nên bị chiếc xe đè chết. Những người dùng sức
chống đỡ những vật nặng phụ giúp cho một việc gì đó, người làng mình gọi
là “cuội”. Nên vì vậy mà mới có cái tên “Đèo Thằng Cuội” đó chú Tám.
– Thưa bác, còn tại sao mỗi chiếc
xe qua đây đều phải ném vào cái mô đất một nhánh cây hay một hòn đá vậy
bác?
– Ừ, chuyện này kể ra cũng lạ.
Nghe nói sau cái tai nạn đó, đêm đêm thằng Cuội hiện về bảo là ai đi
ngang qua đèo phải ném vào mộ nó một vật gì đó, coi như vun bồi cho ngôi
mộ, nếu không thì lần sau ngang qua đây sẽ bị lật xe. Chuyện đó hư thực
thế nào thì không ai rõ, nhưng mọi người đều có một ý nghĩ giống nhau
“thà tin có còn hơn không!” và, vì vậy mà cái mô đất mỗi ngày một cao
thêm.
4. Râm Tiếng
Qua khỏi đường sắt một đoạn thì
phải chui vào một khu rừng dày đặc, dài chừng vài ba cây số. Ban đêm đi
vào khu rừng này, người đánh xe không thể nào quan sát được mọi vật
chung quanh, nên chỉ nhịp roi “chừng chừng” vào lưng bò, để tự nó theo
lối mòn mà đi. Đây cũng là một kinh nghiệm của những người đánh xe. Vì
quá rậm rạp, nên nhiều loại thú dữ thường trú ẩn trong khu rừng này,
nhất là cọp. Ban đêm chúng thường ra đường chận xe. Chúng dọa trâu bò
nhảy tán loạn, người trên xe không may bị té xuống đất là chúng vồ đi
ngay. Cũng tại khu rừng này có một con cọp hung tợn vô cùng. Người hay
súc vật không may gặp phải nó là vô phương sống sót. Người ta đặt cho nó
một cái tên nghe cũng anh hùng hảo hán lắm: “cọp ba dấu”. Nghe nói, một
đêm nọ, con cọp này phóng đại vào chiếc xe, chân trước thọc vào bánh xe
để kéo lại, không may bị bánh xe nghiền nát, nên từ đó nó chỉ còn ba
chân. Người làm rừng thường hay quan sát dấu chân cọp để biết chừng mà
tránh, nên mới phát hiện ra con cọp ba dấu này. Nghe nói từ ngày mất một
chân, con cọp lại càng hung dữ hơn. Nó “hoành hành bá đạo” ở khu rừng
này, nên vì vậy mà khu rừng đâm ra nổi tiếng, rồi dần dà người ta lượt
bỏ đi một vài chữ trong cụm từ “khu rừng nổi tiếng” để đặt luôn cho nó
cái tên là “Râm Tiếng”.
Một điểm đặc biệt nữa là khu rừng
này có một loài chim mà trong tác phẩm “Đất Rừng Phương Nam”, Đoàn Giỏi
gọi là “chim lệnh” (4). Loài chim này có một giọng kêu nghe the thé
giống như tiếng trẻ con khóc. Ban đêm mà nghe tiếng kêu của nó, ắt có
người “són” ra quần. Đặc biệt hơn nữa là loài chim này thường “ở chung
với cọp” bởi vì cọp là loài ăn thịt sống, nên thịt thối ở kẻ răng làm
cho nó đau nhức. Chim lệnh biết “khai thác” nhược điểm này, nó cà rà
theo cọp để mổ thịt thối ăn. Đang khi răng bị ngứa nhức khó chịu vô cùng
mà có kẻ chịu khó “xỉa răng” giùm thì làm sao mà không biết ơn cho được!
Vì vậy mà vô hình trung cọp và chim lệnh trở thành đôi bạn thân, sát
cánh bên nhau, nương tựa nhau mà sống (!). Thiên nhiên quả thật có nhiều
điều kỳ diệu. Có lẽ người làm rừng mộc mạc không hiểu gì về khoa học tự
nhiên, cho chim lệnh là một loài chim linh, muốn giúp người, nên bám sát
theo cọp để lên tiếng báo động kịp thời cho người lẩn tránh. Vì vậy
người làm rừng mới truyền kinh nghiệm cho nhau bằng một câu nói mà mới
nghe qua giống như một câu châm ngôn nhật tụng: “Nơi nào chim lệnh kêu,
nơi đó có cọp!”
5. Giếng Tiên
Đến Giếng Tiên thì phải đi bằng
một ngã khác, thực ra tôi rất ít đến nơi này, vì không thuận đường.
Câu chuyện dưới đây, tôi cũng chỉ
nghe người ta kể lại, không biết đúng sai và cũng không biết còn có câu
chuyện nào nữa nói về cái huyền thoại “Giếng Tiên” hay không? Hai chữ
“Giếng Tiên” gợi lên cho người đọc một hình ảnh nên thơ thoát tục. Thực
ra nó cũng chỉ là một khu rừng bình thường, chỉ khác một điểm là ở đây
có một giếng nước rất trong, nhúng tay vào người ta có cảm giác như đang
ngâm bàn tay trong nước đá.
Người ta thường lên núi đốn củi,
hầm than vào mùa nắng, nên nước uống là một vấn đề vô cùng phiền toái
cho người làm rừng. Thường thì người ta phải mang nước theo để xử dụng,
nếu rủi ro bị đổ thì chỉ còn cách quay trở về. Cái nắng nóng hừng hực
của núi rừng giữa trưa mà xối lên người một ca nước “Giếng Tiên” lạnh
ngắt thì cho dù người phàm cũng biến thành tiên. Tôi có nghe lõm bõm một
câu chuyện thần bí về khu rừng này:
Ngày xưa, có một lão tiều phu đầu
tóc bạc phơ, mùa nắng thường hay lảng vảng ở khu rừng Giếng Tiên. Người
ta không biết ông ở đâu và cũng không biết ông làm gì. Không ai tới gần
ông được. Ông thường ẩn hiện, thấp thoáng trong rừng như một bóng ma.
Một hôm có một cô gái làm rừng bị ngất xỉu vì cơ thể thiếu nước, ông già
xuất hiện mang cô gái vào một hốc núi rồi hú vang một tiếng. Cô gái giật
mình tỉnh lại, nhìn chung quanh không thấy ai, nhưng phát hiện ngay bên
chỗ mình nằm là một cái giếng nước trong. Cô gái vì quá khát, nên múc
nước lên uống mà không e dè chút nào. Không ngờ vừa uống xong, cô gái
thấy toàn thân lạnh như băng và rùng mình một cái, biến thành một nàng
tiên xinh đẹp bay bỗng lên trời.
Nghe tiếng hú kỳ lạ, có một người
tiều phu tò mò lần theo vách núi đến nơi thì phát hiện ra nơi này có một
bộ quần áo của phái nữ. Người tiều phu tò mò mở ra xem thì thấy trong
túi có một bức tượng hình thù quái dị, lớn bằng nắm tay. Người làng biết
được chuyện, bèn rủ nhau lên xây một bức tượng cao chừng ba thước, hình
dáng giống như bức tượng trong túi áo. Bức tượng đó lâu ngày biến thành
một hòn đá thiên nhiên, trông từa tựa như một cố gái đang đứng dựa vào
vách núi. Hòn đá đó ngày nay vẫn còn. Truyền thuyết còn cho rằng ông lão
kỳ bí ở rừng Giếng Tiên chính là vị thần năm xưa được Thượng Đế sai gánh
hai hòn núi từ Bắc vào Nam. Khi bay ngang qua Phan Thiết, không may bị
đứt dây, nên hai hòn núi rớt xuống nằm ngay bên cạnh quốc lộ 1 ở hai đầu
Nam – Bắc thị xã Phan Thiết (5). Có người còn nói hai hòn núi này là hai
ông “tà”, cho nên người xưa mới đặt tên là “Tà Dôn” và “Tà Cú”. Hai ông
tà này rất ác ôn, “đì” dân Phan Thiết ngóc đầu không nổi, nên chẳng có
ai được làm Vua hoăc làm Tổng Thống (!). Còn ông thần gánh hai hòn núi
thì bị Thương đế giáng xuống làm “Giám đốc sở kiểm lâm” canh gác hai ông
“Tà”. Ông thần này thích “chạy nhảy lung tung” hết rừng này tới núi nọ
và cứ mỗi năm đến mùa nắng nóng thì mò lên Giếng Tiên để tắm. Nghe sao
kể vậy, còn đúng sai thế nào thì thật tình tôi đây cũng “bù”.
6. Đồng Cá Sấu
Qua khỏi Râm Tiếng chừng một đỗi,
có một ngã rẽ về bên phải. Đi thêm vài cây số nữa thì đến một cánh đồng
hoang nằm gọn lỏn giữa một khu rừng già mênh mông. Giữa cánh đồng có một
đầm nước sâu. Người làm rừng gọi cánh đồng này là “Đồng Cá Sấu”. Địa
danh thường thường được người ta dựa vào một biểu tượng nào đó để đặt ra.
Đồng cá sấu cũng vậy, vì ngay trên mé rừng dọc theo cánh đồng có một hòn
đá nổi, hình thù giống hệt một con cá sấu đang nằm. Chiều dài khoảng
chừng ba thước, bề ngang khoảng năm tấc. Trên lưng có một vết sẹo dài
vắt chéo từ chân trái ở trước đến chân phải phía sau. Ngoài ra bên hông
còn có ba dấu chân lõm sâu vào khoảng một lóng tay. Trong một buổi trà
dư tửu hậu, tôi nghe người ta kể rằng, khi xưa có một gã nông phu đang
cày ruộng, bất chợt có một con cá sấu thật lớn bò đến. Người nông phu
này dùng roi cày và đôi chân giết chết con sấu. Con sấu nằm đó lâu năm,
biến thành hòn đá với vết tích còn hằn rõ trên lưng. Chuyện thật đấy.
Nếu độc giả nào không tin, chịu khó “bao” tôi về Việt Nam một chuyến,
tôi bảo đảm sẽ đưa đến tận nơi để xem cho biết (!).
Núi rừng quê tôi còn nhiều chuyện
để kể lắm. Nhưng già rồi trí nhớ không còn như xưa, nên nhớ đâu kể đó
vài chuyện cho vui, và cũng xin nói rõ đây không phải là một tài liệu
biên khảo.
Nguyễn Đức Nhơn
———
(1) Núi Ông nằm phía tây thành phố
Phan Thiết,
trong hệ thống dãy Trường Sơn.
(2) Đầu mồi là giao điểm của lối
mòn xe bò và con
đường sắt.
(3) Bánh gỗ bọc niền sắt.
(4) Có người nói ngoài Bắc gọi là
“chim linh”, còn
ở quê tôi thì gọi là “chim chuông”.
(5) Núi Tà Dôn nằm phía bắc, cách
Phan Thiết
chừng vài chục cây số. Núi Tà Cú
nằm phía
nam, cách Phan Thiết chừng 30 chục
cây số