Chiếu Cà Mau
NAM SƠN TRẦN VĂN CHI
Năm nào trúng mùa, mẹ tôi đặt một đôi chiếu Bông và đôi chiếu Cỗ theo kích thước và màu sắc riêng do bà chọn. Bà nói: Để "ăn Tết" với người ta! Hồi đó sống dưới quê, nhà chỉ dám xài chiếu trắng. Sáng nào ngủ dậy, mẹ cũng dặn phải cuốn chiếu lại đem cất trong buồng (phòng ngủ). Thỉnh thoảng thấy mẹ đem chiếu ra sông giặt rồi đem phơi nắng. Còn chiếu Bông bà để dành, chỉ trải khi nhà có khách hoặc có lễ lộc.
***
Chiếu có mặt trong mọi gia đình người Việt Nam mình từ lâu lắm rồi.
Chiếc chiếu tuy là vật vô tri, vật dùng để trải, đã trở thành vật có tâm hồn, đi vào trong tâm thức của người Việt Nam mình từ lâu lắm rồi.
Chiếc chiếu tuy là vật vô tri, vật dùng để trải, đã trở thành vật có tâm hồn, đi vào trong tâm thức của người Việt Nam chúng ta qua tục ngữ ca dao:
-Buồn ngủ gặp chiếu manh.
-Chiếu bông mà trải góc đền,
Muốn vô làm bé, biết có bền hay không?
-Giường lèo mà trải chiếu mây,
Làm trai hai vợ như dây buộc mình.
Và vân vân.
Thuở mới sanh ra chúng ta đã được mẹ đặt nằm trên chiếc chiếu manh và từ đó chiếc chiếu trở thành vật gần gũi gắn bó với từng cặp vợ chồng cho đến ngày răng long đầu bạc.
Chiếu Cà Mau có mặt hồi thuở nào? -Chính xác thì không ai biết!
" Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm,
Công tôi cực lắm mưa nắng dãi dầu.
Chiếu này tôi chẳng bán đâu,
Tìm em không gặp...,
Tìm em không gặp, tôi gối đầu mỗi đêm..."
(Viễn Châu, Ghe chiếu Cà Mau)
Chỉ biết rằng, từ khi có mặt, chiếu được người đời đặt cho nó nhiều tên gọi khác nhau, tùy theo vật liệu làm ra chiếu, tùy theo kích thước, tùy màu sắc, và tùy theo chiếu dùng vào việc gì, vân vân.
Như:
Tên chiếu Lác là chiếu đan bằng sợi lác có nhiều ở Cà Mau và Lục Tỉnh. Gọi là chiếu Trắng là chiếu đan bằng sợi lác có màu "trắng xanh" tự nhiên, không nhuộm màu.
Chiếu Bông là chiếu đan bằng những sợi lác tốt, sợi màu trắng đan xen kẽ với những sợi nhuộm màu xanh đỏ..., tạo nên những hoa văn, một bông hoa, hình ảnh... với đường nét sắc sảo, xài lâu cả 3, 4 năm và đặc biệt không phai màu. Có loại chiếu Bông rẻ tiền, là chiếu đan bằng lác thường, có in lên hình ảnh, bông hoa (thay vì đan xen những sợi lác nhuộm màu sẵn), nên đường nét lem nhem, mau bay màu, giá rẻ và sài không bền. Các bậc ông bà cha mẹ ngày xưa thường sắm sửa cho cặp vợ chồng mới cưới một cặp chiếu Bông có hình đôi chim Loan Phượng hay có hai chữ Song Hỉ, như ước mong cho hai trẻ sống tâm đầu ý hợp (Loan Phượng) hoặc vui vẻ bên nhau (Song Hỉ) trọn đời!
Chiếu mây là chiếu đan bằng dây mây chẻ nhỏ - mịn như sợi lác. Còn chiếu Gon là chiếu dệt bằng một loại lá Gon (thường dùng đan chiếu, đan buồm, đan bao...) ở ngoài Bắc.
-"Ả ở đâu bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn
Xuân xanh nay được chừng bao nả
Đã có chồng chưa được mấy con."
-"Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon
Can chi ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh nay được trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, có chi con."
(Giai thoại Nguyễn Thị Lộ và Nguyễn Trãi)
Chiếu Manh(Buồn ngủ gặp chiếu manh), là chiếu cũ và đã rách, thuở xưa người nhà nghèo thường dùng trải ăn cơm, trải trên đất, trải võng cho em bé, hoặc trải giường cho người bịnh người sanh đẻ, vân vân. Nay chiếu manh là chiếu dệt khổ nhỏ, cỡ: 60cmx80cm.
Chiếu Cỗ là chiếu nhỏ mà dài, khổ chừng 0, m50x1m80, chỉ dùng để trải bàn thờ, hoặc dùng dọn cỗ cúng trong các lễ nghi gia đình và chùa đình miếu. Chiếu cỗ cũng dùng trải trên chiếu Bông để dọn cỗ đãi khách trong những bữa tiệc sang trọng. Ngày xưa, nhà có tiền, trong các có lễ lộc chủ nhà đem những chiếc chiếu Bông đẹp nhứt, với những chiếc chiếu cỗ tốt nhất trải ra, mời những người lớn tuổi, người có chức sắc trong làng ngồi lên để ăn uống, nói chuyện với nhau trông oai quyền.
Chiếu Cà Mau: từ đời thường đến chiếu tân hôn
Cà Mau nguyên là lãnh thổ của người Phù Nam, sau đó thuộc Thủy Chân Lạp, vương quốc Cao Miên. Cuối thế kỷ 17, Mạc Cửu được Chúa Nguyễn cho đến ở vùng Hà Tiên tập họp đám quân phản Thanh phục Minh cùng lưu dân lập nên 7 xã trong đó có Cà Mau. Tên Cà Mau do tiếng Miên là "Tuk-Khmâu" nghĩa là vùng nước đen.
Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lát mọc tự nhiên và hoang dã. Nên thuở xưa có câu ca dao: Cà Mau là xứ quê mùa/Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu.
Thế rồi từ những cọng lác, ai đó dệt nên những chiếc chiếu dùng để xài trong gia đình hoặc gởi cho con cháu như là món quà Cà Mau. Theo thời gian, chiếu theo ghe thương hồ lên tận Sài Gòn, chiếu cũng đi khắp vùng Lục tỉnh rồi rong ruổi khắp các nẻo đường đất nước. Và chiếu dự phần trong đời sống thường của từng gia đình người mình một cách lặng lẽ như bao vật dạng khác trong nhà.
Cho tới khi bài ca vọng cổ "Tình anh bán chiếu" của soạn giả Viễn Châu được nghệ sĩ Út Trà Ôn thâu vào đĩa hát máy, thì "Chiếu Cà Mau" đã thật đi vào tâm tư tình cảm và đánh động hàng triệu con tim người mình.
Soạn giả Viễn Châu đã nâng chiếc chiếu đời thường thành "đôi chiếu bông bề dài 2 thước", tức là chiếu Tân Hôn, "thiêng liêng"!
Lời ca Út Trà Ôn đã đưa mối tình của anh bán chiếu "với cô gái mỹ miều trên vàm sông Ngã Bảy" từ đất Cần Thơ, lên Sài Gòn, vào tận Đồng Tháp, Bạc Liêu, Rạch Giá, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Đồng Nai... ra tận miền Trung xa xôi nơi mà nhiều người chưa hề biết Cà Mau!
Và Chiếu Cà Mau từ đó đã trở thành huyền thoại.
"Cô đã đặt đôi chiếu bông bề dài hai thước,
Có lẽ để điểm tô ở chốn loan phòng.
Hôm nay cô đã quên tôi để cất bước theo chồng.
Cô ơi, đôi chiếu này tự tay tôi dệt lấy,
Tôi đã lựa từng cọng lác, sợi gai..."
Chiếc chiếu Bông Tân Hôn với đôi Loan Phượng từ lâu như là nhân chứng cho bao mối tình trai gái, khác nào ông Tơ bà Nguyệt xe duyên nồng thắm cho đôi trẻ cho đến ngày răng long tóc bạc. Nếu có gặp vợ chồng nào đó mà ăn ở với nhau "chưa rách chiếc chiếu" mà thôi nhau, thì lỗi tại bà mai trải chiếu đêm tân hôn, chớ nào tại chiếu Tân Hôn!
"Ghe Chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy
Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra... chào.
Cửa vườn cô đã khóa kín tự hôm nào.
Tôi đã vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm Rẩy, chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi.
Nhà của cô sau trước vắng tanh, trong gió lạnh chiều đông, bỗng có ai dạo lên tiếng nguyệt cầm, như gieo vào lòng tôi một nỗi buồn thê thảm..."
Chiếu Cà Mau xưa và nay
Mời bạn theo chân hai người nghệ sĩ tài hoa Viễn Châu và Út Trà Ôn, chúng ta về thăm Cà Mau, quê hương chiếc chiếu.
Cà Mau cách Sài Gòn 380km đường bộ.
Từ Cà Mau bạn có thể đi đến khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, đến Sài Gòn dễ dàng nhờ các sông lớn ở Cà Mau như sông Bảy Háp, sông Gành Hào, sông Đốc, sông Trẹm...
Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, tỉnh An Xuyên được thành lập trên cơ sở tỉnh Cà Mau cũ, là một trong 22 tỉnh của Nam Phần bấy giờ, theo Sắc lệnh 143-NV ngày 22 tháng 10 năm 1956. Theo đó tỉnh An Xuyên gồm 6 quận: Quận Quản Long, Quận Cái Nước, Quận Đầm Dơi, Quận Thới Bình, Quận Năm Căn và Quận Sông Ông Đốc, tỉnh lỵ là Quản Long, với dân số tính đến năm 1971 là 279.113 người.
Tên An Xuyên chính là tên của làng An Xuyên, một làng sở tại trước kia thuộc tổng Quản Long.
Tháng 2 năm 1976 tình An Xuyên và một phần tỉnh Bạc Liêu hợp nhất thành tỉnh Minh Hải, đến năm 1997, Minh Hải được tách thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau. Khi đó tỉnh Cà Mau mới chỉ có tổng cộng 6 huyện: Thới Bình, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời, Cái Nước, Hồng Dân và U Minh.
Nay tỉnh Cà Mau gồm 1 thành phố và 8 huyện là: thành phố Cà Mau, huyện Đầm Dơi, huyện Ngọc Hiển, huyện Cái Nước, huyện Trần Văn Thời, huyện U Minh, huyện Thới Bình, huyện Năm Căn, huyện Phú Tân.
Cà Mau là tỉnh ven biển ở cực nam của Việt Nam, phía Bắc giáp tỉnh Kiên Giang, phía Đông giáp tỉnh Bạc Liêu; bờ phía Tây giáp vịnh Thái Lan dài 145km, bờ phía Đông giáp biển Đông Hải dài 104km. Cà Mau có hải cảng Năm Căn từ đây có thể tới vùng Singapore, Indonesia, Malaysia.
Cà Mau với những con sông có tên tới nay nghe xa lạ như: Sông Bảy Háp đổ ra biển Tây dài hơn 50km; Sông Cửa Lớn dài 58km; Sông Ông Đốc dài hơn 60km; Sông Cái Tàu dài 43km; Sông Trẹm từ Cái Tàu đổ về Kiên Giang dài 36km; Sông Đầm Cùng dài khoảng 36km; Sông Bạch Ngưu chảy qua địa phận Cà Mau 30km; Sông Gành Hào dài 45km từ trung tâm Cà Mau đổ ra biển Đông.
Cà Mau địa thế là vùng ngập nước, từ lâu có nhiều đầm lác hoang dã mênh mông. Có lẽ do đó mà Cà Mau sớm phát triển nghề dệt chiếu với nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Chiếu ở Cà Mau nỗi tiếng từ lâu là: chiếu Tân Duyệt Đầm Dơi, chiếu Tân Lộc Thới Bình... nhưng nỗi tiếng nhứt vẫn là chiếu Tân Thành Cà Mau. Theo người địa phương thì “cái nghề dệt chiếu đã có nguồn gốc từ miền Ngoài, truyền vào miền đất nầy khoảng thế kỷ 15, đời vua Lê Thánh Tôn chiến Thắng Chiêm Thành”. Từ đó chiếu Cà Mau sớm có khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh hàng mấy trăm năm, và giờ đây tại Cà Mau còn có nhiều gia đình theo nghề dệt chiếu trên 60 năm!
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cùng với sự phát triển các loại chiếu ni lông nhập cảng bên Tàu, nhưng chiếu Cà Mau vẫn bền bỉ tồn tại và phát triển theo cách của mình. Bởi chiếu Cà Mau dày, lâu bay màu, nằm êm, giữ kỷ xài được 3, 4 năm.
Về Tân Thành Cà Mau mới thấy rằng để làm ra những tấm chiếu tuy đơn sơ nhưng công lao thật vất vả biết là dường nào. Bằng những cọng lác, sợi gai và với bao công lao của người thợ nhuộm, thợ dệt mới cho ra những chiếc chiếu có nhiều màu sắc và nhiều kích thước khác nhau.
Nguyên liệu chánh để dệt chiếu là cây lác, bố sợi và phẩm màu. Lác tươi đem về nhà phải cạo vỏ, chẻ mỗi cọng làm 3 rồi đem phơi nắng chừng ba ngày. Cọng lác khô se nhỏ lại có màu “trắng xanh”. Sau đó người ta đem nhuộm màu, thường nhuộm có 3 màu chánh là: đỏ, vàng và màu xanh con két.
Dụng cụ làm chiếu gồm có: Khung cửi, cây dập lác, cây chùi để đưa lác vào khung. Một cái bàn quay bố thành sợi trân gai để mắc từng sợi lác theo khoảng cách đều vào khung cửi.
Dệt chiếu phải có hai người. Người ngồi trên làm động tác dập cây không để những cọng lác sát vào nhau quá. Người ngồi dưới dùng cây chùi để đưa vào khung trân gai.
Chiếu Cà Mau dệt có nhiều khổ, như: “khổ chiếc” rộng 1,2m x dài 1,8m, “khổ đôi” rộng 1,6m x dài 1,8m. Còn loại chiếu nhỏ, chiếu manh, cỡ 80cm x 60cm. Đặc biệt là chiếu bông, chiếu tân hôn dài tới 2m.
Cà Mau không chỉ đặc biệt “dệt nên đôi chiếu bông có chiều dài hai thước, để điểm tô nơi chốn loan phòng” mà còn dệt những đôi chiếu thường, hợp với túi tiền của những gia đình bình dân, lao động nghèo.
Tại sao ai cũng ưa dùng và thích chiếu Cà Mau?
Bởi chiếu Cà Mau dệt dày (nặng chừng 3kg) nằm êm lưng hơn so với chiếu của các địa phương khác. Nằm trên chiếu Cà Mau bạn sẽ cảm được cái “mát rượi” khi trời nóng bức, và sẽ cảm thấy “ấm áp” khi trời mưa sa gió lạnh. Nằm chiếu Cà Mau bạn còn sẽ ngửi thấy mùi thơm dìu dịu từ cây lác sợi đai, mùi hương đồng cỏ nội Cà Mau, tuyệt vời!
Bởi nghệ thuật nhuộm lác của người thợ nhuộm chiếu Cà Mau đặc biệt, làm nên những chiếu Bông đa dạng vừa đẹp vừa không phai, làm nên thương hiệu chiếu Cà Mau tới nay.
Nếu như ngày xưa “Chiếu Cà Mau nhuộm màu tươi thắm...” thì nay chiếu Cà Mau biết kết hợp nhuộm – dệt tạo ra chiếu Bông có chữ, có hoa văn, có hình minh họa với nhiều chi tiết bắt mắt, trang trí rất tinh xảo hơn xưa nhiều lắm.
Và nếu xưa ghe chiếu Cà Mau chỉ “cắm sào trên dòng kênh Ngã Bảy” thì ngày nay chiếu Cà Mau theo ghe tàu, quá giang xe đò, thậm chí còn ngồi máy bay đi từ Nam ra Bắc và còn ra cả ngoại quốc nữa...
***
“Hỡi ôi, con sông Phụng Nghiệp nó chảy ra bảy ngã,
Mà sao lệ của tôi nó cũng lai láng muôn dòng.
Có ai hiểu được tấm lòng của tôi với cô gái mỹ miều trên kinh Ngã Bảy.
Sông sâu bên lở, bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai.”
Làm nghề dệt chiếu không giàu, chỉ kiếm được đủ miếng cơm, tấm áo và đủ nuôi sống mình, nhưng mà vui..., như người con gái dệt chiếu Cà Mau tâm sự.
Và vì bởi không phải dầm mưa dãi nắng nên con gái dệt chiếu Cà Mau nỗi tiếng là xinh đẹp, đặc biệt “trắng trẻo nguyên sơ” như chiếu Cà Mau. Thật dễ thương!
Dễ thương nên mãi mãi “Tình anh bán chiếu trọn đời không phai”!...
Little Saigon, ngày 31 tháng 8 năm 2008