Home Tìm Ca Dao Trợ Giúp Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
   
      TỤC NGỮ CA DAO MIỀN NÚI ẤN SÔNG TRÀ
             
Trong văn chương truyền khẩu của dân tộc ta, tục ngữ ca dao chiếm một vị trí quan trọng.
            Ngoài những câu được phổ biến trong cả nước hoặc được truyền tụng qua nhiều địa phương, mỗi địa phương lại có những câu tục ngữ ca dao mang tính chất đặc thù của địa phương mình. Tính chất đặc thù nầy, hoặc nói lên bản sắc của người dân địa phương thuộc mỗi vùng, hoặc phản ảnh một số địa danh, đặc sản, nghề nghiệp, tập quán hoặc ngôn ngữ của từng địa phương.
            Tại miền núi An sông Trà cũng đã sản sinh nhiều câu tục ngữ ca dao mang tính chất riêng biệt của mình, hoặc dù không phản ảnh một cách trung thực cá tính địa phương nhưng trên thực tế lại chỉ được truyền tụng trong địa phương Quảng Ngãi, và ở một vài địa phương lân cận như Quảng Nam ở phía Bắc và Bình Định ở phía nam mà thôi.
            Có lẽ không một người dân Quảng Ngãi nào lại không biết đến câu tục ngữ:
                                    Quảng Nam hay cãi,
                                    Quảng Ngãi hay co . . .
            Đã có nhiều cách giải thích câu tục ngữ nầy, đặc biệt là câu thứ hai nói riêng về người dân Quảng Ngãi. Có nhiều người cho rằng”co” ở đây là co cụm, co lại, là không muốn “chuyện bé xé ra to”, là chỉ muốn “dĩ hòa vi quý”. Lại có người cho rằng”co” ở đây là co cượng, là đôi co, là chỉ muốn phần hơn về mình, không cần phân biệt phải trái. Cả 2 cách giải thích nầy đều không nêu đúng bản chất của người dân Quảng Ngãi. Bởi lẽ cả 2 cách giải thích đã chỉ nhằm vào mặt giá trị tiêu cực của từ “co” mà không đánh giá đúng mặt giá trị tích cực của nó.
            Gần nửa thiên niên kỷ sống dưới chế độ phong kiến hà khắc, mấy mươi năm sống dưới ách thực dân cai trị, người dân Quảng Ngãi đã phải vô cùng khôn ngoan, vô cùng kiên cường mới có thể tồn tai trong cái xã hội đầy rẫy bất công thời xưa. Cái chính là tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường  của người dân Quảng Ngãi  mới nói lên giá trị tích cực đích thực của câu “Quảng Ngãi hay co”.
            Thổ ngơi Quảng Ngãi, vùng đất sỏi cây cằn, thuở  xưa lắm rừng, nhiều truông, núi chạy ra gần sát biển, lại thường xuyên  phải hứng chịu những thiên tai khốc liệt đã hun đúc cho người  dân Quảng Ngãi đức tính cần cù, nhẫn nại, chịu đựng. Chính thổ ngơi đó đã sinh sản ra câu tục ngữ :
                                    Quảng Ngãi đãi ra sạn.
            Bản chất keo kiệt chăng? Bản chất hà tiện chăng? Không phải vậy đâu. Đời sống “ăn bữa sáng lo bữa tối”, đời sống “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” mới có miếng ăn, đã tạo nên đức tính vun quén, tiện tặn của người dân Quảng Ngãi đúng như nhận xét  của các sử quan triều Nguyễn đã ghi trong “Đại Nam Nhất Thống Chí”:
            “Quảng Ngãi đất xấu, dân nghèo, tính tình kiệm ước. . .”
            “Đãi ra sạn” chính là đức tính kiệm ước đáng khen của người dân Quảng Ngãi vậy.
            Đức tính kiệm ước đó cũng đã tạo cho người dân Quảng Ngãi biết tính toán một cách khôn ngoan trong cuộc sống hằng ngày:
Bồng em đi dạo vườn cà,
Trái non bỏ mắm, trái già làm dưa.
Làm dưa ba bữa dưa chua,
Để dành ăn cấy, khỏi mua tốn tiền.
Đức tính kiệm ước đóbắt nguồn từ sự cơ cực, tay làm hàm nhai, phải tận dụng mọi khoảng thời gian để kiếm sống:
                        Củ lang Đồng Ngổ,
                        Đỗ phụng Đồng Dinh
                        Chàng bòn, thiếp mót đổ chung một gùi.
Trong hoàn cảnh sản xuất còn lạc hậu, họ phải biết tận dụng mọi phương tiện, mọi điều kiện để tăng gia sản xuất, kể cả việc dùng phân người , còn gọi là phân bắc, để làm phân bón. Dân Cà Đó thuộc xã Đức Lương, quận Mộ Đức làm nghề lượm phân người đem về bón cho cây thuốc lá. Thuốc lá Cà Đó ngon nổi tiếng, bán ra khắp tỉnh, ở phía nam còn bán tới Bình Định. Đối với dân Cà Đó, lượm phân người để bón cho cây thuốc lá là một kinh nghiệm truyền thống và ai muốn nhập cư về đây – làm dâu hoặc làm rể xứ nầy – phải chịu theo nghề của cư dân ở đây:
Ai về Cà Đó,
Chịu khó xách ki.
Tay cầm đôi đũa, chân đi lòm khòm.
            Mỗi địa phương có một số đặc sản tiêu biểu. Những đặc sản nầy thường  được ghi lại qua những câu tục ngữ hay ca dao được lưu truyền trong từng địa phương. Chẳng hạn ở Quảng Nam có câu:
Nem chả Hòa Vang,
Bánh tổ Hội An,
Khoai lang Trà Kiệu,
Thơm rượu Tam Kỳ.
            Ơ Khánh Hòa có câu:
Yến sào Hòn Nội,
Vịt lội Ninh Hòa,
Tôm hùm Bình Kha,
Nai khô Diên Khánh.
            Thì ở Quảng Ngãi cũng có câu:
Chim mía Xuân Phổ,
Cá bống sông Trà,
Kẹo gương Thu Xà,
Mạch nha Thi Phổ.
            Cá bống là một loại thủy sản thường xuất hiện nhiều ở hai con sông Trà Khúc và sông Vệ, ngon nhất là cá bống ở vùng con nước bến Tam Thương (Thị xã Quảng Ngãi). Cá bống kho tiêu là là một nghệ thuật đặc biệt về ẩm thực của người dân Quảng Ngãi. Thế nên, dù đi bất cứ đâu, khi nhớ về quê nhà, người dân Quảng Ngãi vẫn thường nhắc đến món ăn “cá bống kho tiêu” nầy:
                                    Anh đi anh nhớ quê nhà,
                                    Nhớ món cá bống sông Trà kho tiêu.
            Hay:                 Đi đâu cũng nhớ Thu Xà,
                                    Nhớ mùi cá bống mặn mà hương tiêu.
            Một loại thủy sản khác mang tính chất đặc biệt Quảng Ngãi, đó là “don”.  Don là một loại thủy sản thuộc họ nhà hến, chỉ xuất hiện ở vùng nước chè hai của con sông Trà Khúc.
            Nếu người dân Huế biết dùng con hến để tạo nên món “cơm hến”, một món ăn đặc biệt của giới bình dân xứ Huế, người dân Quảng Ngãi cũng đã dùng một loại hến có tên là don, để tạo nên món don, một món ăn đặc biệt của người bình dân miền Đông Tư Nghĩa và Thị xã Quảng Ngãi. Một so sánh có thể là quá đáng, nhưng thật ra chỉ nhằm đề cao giá trị đặc biệt của món don mà thôi :
                        Cô gái lòng son
                        Không bằng tô don Vạn Tượng !
            Và câu ca dao sau đây, mang tính hài hước nhằm mô tả  cái tài sản đặc biệt của cô gái bán don :
                        Có nghèo, có khó cũng lấy con vợ bán don,
                        Lỡ khi nó chết cũng còn cặp ui !
            Dân các quận miền thượng Quảng Ngãi như Trà Bồng, Sơn Hà lại có món canh nấu bằng rau ranh ( một loại lá cây có vị chua chua) với ốc đá (những con ốc bám vào các tảng đá nằm ở lòng các khe, suối) :
                        Rau ranh, ốc đá
                        Cơm cá nậu nguồn.
            Mía là một nông sản quan trọng của Quảng Ngãi. Đến mùa thu hoạch, nông dân dựng chòi đạp mía nấu đường, mùi thơm ngọt lựng cả một vùng quê thật quyến rũ :
                        Đi qua lò mía thơm đường
                        Muốn vô kết nghĩa cang thường với ai.
            Đến mùa đường, người ta biếu xén nhau một tộ đường non, và một tộ đường non cũng tạo nên nỗi nhớ quê hương :
Chiều chiều lại nhớ chiều chiều,
Nhớ nồi cơm nguội, nhớ siêu nước chè.
Nhớ hồi lên ngựa xuống xe,
Nhớ bát nước chè, nhớ tộ đường non.
            Có những câu phản ảnh sinh hoạt hay tập quán địa phương :
Phèng la xóm Bầu,
Trống chầu Thi Phổ,
Mõ gỗ Thuận Yên.
            Dân xóm Bầu thuộc xã Đức Thạch, quận Mộ Đức đã dùng phèng la làm hiệu lệnh để tập trung và cổ võ dân chúng địa phương đi vét kênh mương sau mùa lũ lụt. Dân Thi Phổ, thuộc xã Đức Vinh (Mộ Đức) đã dùng trống chầu để cổ võ dân chúng đắp đập, sửa đập vào mùa nước lũ hay báo động mỗi khi con đập bị nước lũ xoang. Dân Thuận Yên thuộc xã Đức Sơn (Mộ Đức) một xã cận sơn, đã dùng mõ gỗ để xua đuổi hùm beo mỗi khi chúng xuống làng bắt gia súc hay phá hoại mùa màng.
            Hoặc có những câu phản ảnh một tập tục về sinh  hoạt thương mại địa phương :
Chợ phiên ngày bảy, ngày hai
Không đi thì nhớ, đi hoài mỏi chân.
Nhớ ai như nhớ Nghĩa Hành,
Nhớ phiên Tam Bảo không đành không đi !
            Chợ phiên Tam Bảo nguyên là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa người Kinh và người Thượng thuộc các quận Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ và Sơn Hà. Đây có lẽ là phiên chợ xuất hiện lâu đời nhất tại Quảng Ngãi và còn tồn tại mãi cho đến sau này. Ta không rõ đích xác chợ xuất hiện lần đầu tiên vào năm nào, và nơi họp đầu tiên là ở đâu, nhưng đến đời vua Tự Đức (1848-1883) thì chợ chính thức tọa lạc tại Kim Thành Hạ (Nghĩa Hành) và chợ họp với ngày phiên không thay đổi : ngày mồng hai và ngày mồng bảy Am lịch mỗi tháng.
            Lại có những câu phản ảnh một sự kiện lịch sử và được xem như những câu ca dao lịch sử, chẳng hạn như :
                        Tiếc công Bình Định xây thành,
                        Để cho Quảng Ngãi vô giành thủ khoa !
            Nguyên vào đời vua Tự Đức năm thứ 4 (1851), triều đình cho lập trường thi Hương đầu tiên tại Bình Định dành riêng cho sĩ tử thuộc các tỉnh từ Quảng Ngãi vào Bình Thuận. Ba khoa thi đầu tiên sĩ tử Bình Định giành trọn chức thủ khoa, vì thế tại Bình Định xuất hiện câu ca dao :
                        Tiếc công Quảng Ngãi  đường xa,
                        Để cho Bình Định thủ khoa ba lần.
            Để rửa “mối hận” khoa cử này, sĩ tử Quảng Ngãi đã dốc chí dùi mài kinh sử, và mấy khoa kế tiếp, sĩ tử Quảng Ngãi đã giành cả thủ khoa lẫn á khoa. Vậy là, một câu ca dao khác đã xuất hiện để đáp lại câu ca dao “nói khích” của mấy năm về trước :
                        Tiếc công Bình Định xây thành,
                        Để cho Quảng Ngãi vô giành thủ khoa !
            Sự xuất hiện của những câu ca dao kể trên dù sao cũng là một động lực tốt thúc đẩy sĩ tử hai tỉnh cố gắng học hành để chiếm khôi nguyên, mang vinh dự về cho tỉnh mình.
            Hay như câu :
                        Bao giờ thiện mã qua sông
Thì thôn Mỹ Lại mới không công hầu !
            Thôn Mỹ Lại thuộc xã Sơn Mỹ, quận Sơn Tịnh. Đây là quê hương của quan đại thần Trương Đăng Quế ( 1793-1865) trở về hưu trí, về sau có nhiều người thuộc dòng họ Trương làm quan to trong triều đình nhà Nguyễn. Đây là câu ca dao mang hình thức sấm truyền, có lẽ do một người nào đó  thuộc dòng họ Trương sáng tác nhằm nói lên lòng tự tôn của dòng họ mình.
            Cũng có những câu ca dao hay tục ngữ phản ảnh ngôn ngữ địa phương, chẳng hạn như :
Thuốc ngon chợ Huyện
Giấy quyến Sa Huỳnh,
Nẫu xa thì mược nẫu,
Chớ đôi đứa mình đừng xa.
            “Nẫu” chỉ ngôi thứ ba số nhiều, là “những người ấy”, là “chúng nó”, là “họ” hay “bọn họ”, một từ thường dùng của dân chúng vùng quê xứ Quảng và Bình Định.
            Hay như :
                        Rau ranh ốc đá,
                        Cơm cá nậu nguồn.
            “Nậu” cũng là một từ thường được dùng phổ biến ở vùng quê xứ Quảng và Bình Định :
                        Ai về nhắn với nậu nguồn,
                        Măng le gởi xuống, cá chuồn gởi lên.
            Hoặc như :
Tay cầm ống chỉ xe lần
Nơi xa trùng họ, nơi gần bà con.
Giậm chân xuống đất cái bon,
Nay em ở vậy, chồng con đâu nà !
            “Nà” là một từ rặt Quảng Ngãi.
            Hay như :
Qua cầu cầu yếu phải nương
Chầu rày bạn cũ thôi thương mình rồi.
Tai nghe bạn cũ có đôi
Trong lòng nóng nảy như vôi mới hầm.
Kề tai bạn cũ khóc thầm,
Chầu rày quế đã phụ trầm trầm ơi !
“Chầu rày” tức là giờ đây, lúc này đây, nói về hiện tại. Đây cũng là một từ mang tính đặc biệt của người dân Quảng Ngãi.
            Có những câu tục ngữ và ca dao nhắc đến tên của từng vùng đồng thời nói lên phong cảnh, sản vật, tính chất địalý hay nhân văn của những địa phương đó.
            Ở Bình Sơn có câu :
                        Tiếng đồn Đông Phước nhiều tre,
                        Tham Hội nhiều lúa, Châu Me nhiều tiền.
            Đông Phước và Tham Hội là hai ấp thuộc xã Bình Hoàng và Châu Me thuộc xã Bình Đức.
            Hay như câu :
                        Đi ngang qua mũi Sa Kỳ,
                        Ngó ra cù lao Ré xiết chi thảm sầu . . .
            Sa Kỳ là một cửa biển nhỏ thuộc xã Bình Đức, cù lao Ré tức hải đảo Lý Sơn.
            Ở Sơn Tịnh, ta nghe những câu như :
                        Cách sông nên phải lụy đò,
                        Cách truông Ba Gò nên phải luy anh.
            Hay như câu :
Đưa anh về Quảng em lo,
Ao Vuông là một, Ba Gò là hai.
Kiêng dè trong buổi hôm mai,
Đàng trong ổ cướp, đàng ngoài hang beo.
            Ao Vuông và Ba Gò là 2 vùng nằm trên đường thiên lý Bắc-Nam ,  Ao Vuông nằm về mạn bắc quân Bình Sơn, Ba Gò nằm giữa 2 quận Bình Sơn và Sơn Tịnh. Vào thời xa xưa, đây là những vùng cây cối rậm rạp, thường là nơi trú ẩn của bọn thảo khấu.
            Hay như câu :
Sớm mai em xuống Quán Cơm,
Thấy hòn núi Hó
Chiều về Đồng Có,
Nhìn ngọn núi Tròn.
Về nhà than với chồng con,
Ra đi gan nát, dạ mòn vì đâu ?
            Trong ca dao Quảng Ngãi, người bình dân xứ này thích dùng cái tên nôm na “núi Hó” để thay cho cái tên văn vẻ “núi Thiên  Ấn” :
Qua chùa núi Hó
Thắp bó nhang vàng
Xin cho bạn cũ lai hoàn như xưa . . .
            Vào đến Tư Nghĩa, có những câu :
Tư Nghĩa cửa Đại là đây,
Gành Hào, núi Quế đá xây nên chùa.
Dưới thời bông súng nở đua,
Ngó lên trên chùa đá dựng, kiểng giăng
Ngó qua bên xóm Tràng An
Ngó xuống hòn Sụp cát vàng soi dương.
            Hay như :
Ai về Cổ Lũy xóm Câu
Nhớ mua đôi chiếu rước dâu về làng.
            Đây là một địa phương có nghề dệt chiếu truyền thống rất nổi tiếng từ xưa cho đến bây giờ.
            Hay như câu :
                        La Hà Thạch Trận là đây
Bốn phương, tám hướng đá xây trận đồ
            Lại có câu :
Ba La đất tốt trồng hành
Đã xinh con gái lại lành con trai
Vạn Tượng những chông cùng gai,
Con gái mốc thếch, con trai đen sì !
            Ba La, Vạn Tượng là 2 ấp thuộc xã Tư Bình. Có lẽ đây là phần còn lại của một bài hát đối đáp nam nữ, vì có giá trị hài hước cao nên còn được lưu truyền riêng đến bây giờ.
            Vào đến Mộ Đức, ta có những câu :
Đèo nào cao bằng đèo Đồng Ngổ
Bộ nào rộng bằng bộ An Ba
Thấy anh ăn nói thiệt thà
Muốn vô gầy dựng cửa nhà cùng anh !
Hay như câu :
Đồng nào sâu bằng đồng Thi Phổ
Thổ nò cao bằng thổ Ba Tơ
Em thương anh chín đợi mười chờ
Mía kia lên ngọn trổ cờ đã lâu !
            (Ba Tơ là tên ngày xưa của An Ba, không phải là quận Ba Tơ ngày nay)
            Hay như câu :
Không đi sợ mất lòng chồng
Ra đi thì sợ cánh đồng Chu Me
            Hay như :
Củ lang mỏng vỏ đỏ da
Ai về Long Phụng theo ta mà về.
Ai về Long Phụng thì về,
Gần sông tắm mát, chợ kề một bên.
            Vào đến Đức Phổ, ta được nghe những câu như :
Anh về Mỹ Á chi lâu
Để em ôm chiếc thuyền câu một mình.
            Mỹ Á là tên một cửa biển thuộc xã Phổ Xuân.
Quê em có núi Xương Rồng
Có cửa Mỹ Á, có sông Thủy Triều.
            Hay như câu :
Đèo nào cao bằng đèo Sơn Cốc,
Dốc nào ngược bằng dốc Mỹ Trang
Một tiếng em than hai hàng lụy nhỏ,
Phụ mẫu già rồi biết bỏ cho ai ?
            Hay như :
Đời nào bánh đúc có xương
Dây tơ hồng có lá, nghĩa đá vàng vô tư
Cửa Tam Quan nước cạn bày cừ
Biển Sa Huỳnh khô tắc em mới từ nghĩa anh !
            Tam Quan là tên một cửa biển thuộc miền bắc Bình Định gần giáp ranh với Quảng Ngãi.
            Ở Nghĩa Hành, ta có thể nghe những câu :
Đèo nào cao bằng đèo Eo Gió
Cỏ nào xanh bằng cỏ Hố Cua
Bao giờ cho đến gió mùa,
Trèo đèo vượt suối dám đua bạn cùng.
            Hay như :
Ngó lên hòn núi Chóp Vung
Ngó xuống cánh đồng lúa trĩu những bông
Ước gì em chửa có chồng
Anh về thưa cha mẹ đem rượu hồng đón em.
            Hay như :
Bước xuống ghe nan
Chèo sang Bến Thóc
Vừa chèo vùa khóc
Kêu: “ Bớ anh ơi !
Bây giờ duyên mãn, tình ôi
Để cho kẻ khác đứng ngồi với anh !”
            Có bài ca dao dài kể toàn địa danh của một vùng rộng lớn dọc theo đường quốc lộ số 1 từ bắc quận Mộ Đức vào đến quận Đức Phổ :
Kể từ sông Vệ, chợ Gò
Ngó vô Thi Phổ thấy dò Dứt Giây
Chợ Đồng Cát buôn bán sum vầy
Ngó vô Lò Thổi thấy cây sùm xòa
Tú Sơn một đỗi xa xa
Ngó vô Quán Sạn bạn hàng đà nghỉ ngơi
Chợ Huyện là chỗ ăn chơi
Ngó vô Quán Vịt là nơi hữu tình
Trà Câu sao vắng bạn mình
Hai hàng châu lụy như bình nước nghiêng !
            Lượng tục ngữ ca dao chuyên chở những nội dung kể trên được xem là ít so với lượng ca dao tình cảm khá phong phú và đa dạng.
            Phong cách giáo dục trong gia đình của cha ông ta ngày xưa rất nghiêm khắc. “Yêu cho roi cho vọt” được xem là quan niệm chính thống trong việc giáo dục con em. Ong bà, cha mẹ dùng roi vọt để dạy dỗ, răn đe con cháu. Thầy giáo dùng roi vọt để răn đe học trò. Không ai phàn nàn, không ai cho đây là một hành vi ngược đãi. Có nhiều bậc trưởng thượng đôi khi quá nặng tay trong việc răn đe. Dẫu vậy, con cái cũng vẫn một lòng vâng lời, thương yêu và kính trong cha mẹ :
Mẹ cha là biển là trời,
                        Phận con đâu dám cãi lời mẹ cha.
            Con cái có dám can gián cũng chỉ là những lòi can gián nhẹ nhàng với lòng tôn kính, thương yêu nồng nàn :
Mẹ ơi, đừng đánh con đau,
Để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ.
Mẹ ơi, đừng đánh con khờ,
Để con đan lờ thả cá mẹ ăn !
            Cái nhìn của người con đối với cha mẹ thật là mặn nồng, chân chất. Không là những hứa hẹn cao xa, mà chỉ là những hứa hẹn đơn giản “để con bắt ốc, hái rau mẹ nhờ” hay “để con đan lờ thả cá mẹ ăn”. Hay như :
Đói lòng ăn trái chà là,
Để com nuôi mẹ, mẹ già yếu răng !
            Hình ảnh người mẹ trong tâm khảm người con lúc nào cũng là hình ảnh cao quý của đức hy sinh vô bờ bến :
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa,
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương !
            Cha mẹ được xem là nơi nương tựa của con cái – ngay cả khi người con  đã lập gia đình :
Có cha, có mẹ thì hơn,
Không cha, không mẹ như đờn đứt dây !
            Thế nên con cái vẫn thường xuyên bảo nhau phải luôn luôn nghĩ đến cha mẹ như một nghĩa vụ thiêng liêng :
Sớm mai gánh nước bờ ao
Dặn anh buôn bán làm sao cũng về
Anh đừng trò chuyện say mê,
Bỏ cha già, mẹ yếu ba bốn bề cực em !
            Hoặc như :
Ăn chanh chíp miệng chua chua,
Em đưa anh đến Chợ Chùa xa xa.
Mảng lo cha yếu mẹ già,
Đặt chân xuống đất con nhạn đà trở canh !
            Hoặc như :
Đèo nào cao bằng đèo Sơn Cốc,
Dốc nào ngược bằng dốc Mỹ Trang.
Một tiếng em than hai hàng lụy nhỏ,
Phụ mẫu già rồi biết bỏ cho ai ?
            Ngay trong tình yêu, họ đòi hỏi người tình phải biết kính nhường cha mẹ :
Em không phải người tham đào phụ liễu,
Em không phải người tham nhiễu phụ lương,
Em không thương anh lắm ruộng nhiều vườn,
Thương vì ý anh ăn ở kính nhường mẹ cha !
            Và ơn cha nghĩa mẹ lúc nào cũng canh cánh bên lòng :
Ơn cha, nghĩa mẹ trìu trìu,
Mưa mai lòng sợ, nắng chiều dạ lo.
Ơn cha núi đất trời Tây,
Lai láng nghĩa mẹ nước đầy biển Đông !
Ơn cha trọng lắm ai ơi !
Nghĩa mẹ bằng trời, mang nặng đẻ đau !
            Lượng ca dao tình cảm thật phong phú, đa dạng. . . Ngoài những tình yêu dành cho quê hương, dành cho cha mẹ, lượng ca dao nói về tình cảm trai gái đã chiếm một phần lớn.
            Với bản chất nông dân thật thà, chất phác, con trai con gái khi tỏ tình cũng thật chất phác, thật thà. Họ luôn luôn biểu lộ một thái độ hết sức trung thực “nói gần nói xa chẳng qua nói thiệt !”.
Trồng cây cũng muốn cây xanh,
Gá duyên với bạn biết có thành phu thê ?
 
Ngó lên hòn núi Chóp Vung,
Ngó xuống cánh đồng lúa trĩu những bông.
Ước gì em chửa có chồng,
Anh về thưa cha mẹ đem rượu hồng đón em !
            Không khách sáo, không đẩy đưa, tình tứ mà bộc trực :
Trời mưa không quán, không nhà,
Bờ tre bến Đục đôi ta cùng ngồi.
Chờ cho ráo giọt mồ hôi,
Cầm tay tỏ thiệt rằng “Tôi yêu mình !”
            Nơi hẹn hò của một cặp tình nhân cũng thật đơn giản. Chỉ là một “bờ tre”bên dòng suối có bóng mát để ngồi tình tự, hoặc như : 
Anh nguyện cùng em tại cầu Bến Ván,
Em nguyện cùng anh tại quán Cây Da.
            Hẹn nhau ở nơi đầu cầu có bóng mát. Hẹn nhau ở một quán nước bên đường dưới gốc một cây da để tự tình, đơn giản thật đấy, nhưng cũng tình tứ biết bao !
            Cầu Bến Ván ở An Tân thuộc tỉnh Quảng Tín, Cây Da thuộc quận Sơn Tịnh.
            Trong tình yêu, để tỏ tình, người thiếu nữ cũng bộc trực thật thà không kém :
Đèo nào cao bằng đèo Đồng Ngổ,
Bộ nào rộng bằng bộ An Ba.
Thấy anh ăn nói thiệt thà,
Muốn vô gầy dựng cửa nhà cùng anh !
            Nếu có những cô gái lựa chọn người bạn tình vì “ ý ở biết kính nhường mẹ cha” thì ở đây ta lại thấy các cô đòi hỏi một tiêu chuẩn khác nữa : “ăn nói thiệt thà”.
            Hay nữa như :
Anh về đào lỗ trồng cau
Cho em giâm ké giây trầu một bên.
Mai sau cau nọ lớn lên,
Trầu kia ra lá đền ơn cho chàng.
Cau lên chín lỗ, trầu mọc chín hàng,
Cau bao nhiêu lóng thương chàng bây nhiêu !
            Có những cô gái chỉ biết yêu thầm, nhớ trộm, gặp người mình thương mà chẳng dám nhìn thẳng mà chỉ dám “ ngó nghiêng con mắt” :
Em gặp anh giữa bến đò đông,
Giữa đường quan lộ em không dám chào.
Hai bên họ đứng lao xao,
Ngó nghiêng con mắt như chào người thương !
            Trong buổi ban đầu của tình yêu, nàng tỏ ra dè dặt, e lệ thì chàng nào có hơn gì :
Anh thương em nào ai biểu, ai bày,
Thâm thâm dịu dịu mỗi ngày mỗi thương
Nước mía trong họ nấu lọc thành đường,
Anh thương em anh biết, chớ thói thường biết đâu ?!
            Khi đã vào cuộc yêu rồi thì “tất cả cho người yêu”, biểu lộ một đức hy sinh cao cả chân chất :
Trời mưa ướt lá trầu hương,
Ướt anh anh chịu, ướt người thương anh buồn.
* Trời mưa ướt lá trầu vàng,
Ướt em em chịu, ướt chàng em thương
            Khi họ đã yêu nhau rồi thì không có trở lực nào, không có khó khăn nào có thể lay chuyển được họ :
Vái ông Tơ một chồng bánh tráng,
Vái bà Nguyệt một tán đường đinh.
Đôi ta gá nghĩa chung tình,
Dẫu ăn cơm quán, ngủ đình cũng ưng.
            Hay như :
Đi qua lò mía thơm đường,
Muốn vô kết nghĩa cang thường với ai.
Muốn cho trúc nọ kề mai,
Núi cao cũng vượt, truông dài cũng qua.
            Tình yêu có một ma lực kỳ lạ. Đã yêu nhau rồi thì không có một thử thách nào có thể ngăn cản được bước chân đi tới của người tình :
Quế càng già càng tốt,
Mía dài đốt càng ngon,
Anh thương em đặng nghĩa vuông tròn,
Mấy sông cũng lội, mấy hòn cũng leo.
            Đối với người con trai, chỉ cần nàng chấp thuận tình yêu thì với bất cứ giá nào chàng cũng phải tỏ ra xứng đáng với tấm tình của nàng dù có phải tốn bao nhiêu công sức :
Miễn cho mở miệng em ừ,
Anh chẳng từ lao khổ,
Dẫu lên non tróc hổ,
Hay xuống biển nã rồng,
Anh đây cũng chẳng tiếc công,
Mong sao cho đặng tấm lòng em thương !
            Và khi đã “đặng tấm lòng em thương” rồi, thì không có gì có thể lay chuyển được tình yêu của chàng dù cho có bị thiên hạ gièm pha cách này hay cách khác :
Quý gì một nải chuối xanh,
Năm bảy người giành cho mủ dính tay !
- Mủ dính tay anh chùi đọt cỏ,
Đã thương nàng rồi không bỏ được đâu.
             Người con trai thường tỏ ra cương quyết, đã yêu nhau là đi đến cùng để đạt cho được ước vọng. Tuy nhiên, đôi khi vì hoàn cảnh nghèo khổ cũng phải khiến cho chàng như muốn chùn bước :
Sáng mai anh thức dậy,
Anh xách cái rựa quéo,
Anh lên hòn núi Quẹo,
Anh đốn cây củi còng queo,
Anh than với em cha mẹ anh nghèo,
Đũa tre yếu ớt không dám quèo con mắm nhum !
            Thế nhưng, đối với người con gái, khi đã yêu thì chỉ có tình yêu là trên hết. Không một trở lực nào có thể ngăn cản được con tim cháy bỏng yêu đương của nàng. Quả thật, đối với nàng, tình yêu không có sự so đo, tính toán.. Bản chất của người dân quê chất phác là như vậy đó. Có thể là mù quáng nhưng rất đỗi chung tình :
Em thương anh trầu hết lá lươn,
Cau hết nửa vườn cha mẹ nào hay.
Dẫu mà cha mẹ có hay,
Nhứt đánh, nhì đày hai lẽ mà thôi.
Gươm vàng để đó anh ơi,
Chết thà chịu chết, lìa đôi không lìa !
            Dùng trầu cau để đãi khách chung tình “trầu hết lá lươn . . . cau hết nửa vườn”. Nàng có nói ngoa lắm không ? Không ngoa đâu ! Chỉ là một cách nói khoa đại. Nói cho quá đi để cho người ta thấy rằng “chàng và nàng” đã gặp nhau biết bao nhiêu lần và đã bao nhiêu lần thề non hẹn biển. Và mối tình đó không thể nào tan vỡ được bởi vì nàng đã quyết hy sinh cho tình yêu “chết thà chịu chết, lìa đôi không lìa !”
            Và đối với nàng, chỉ có một người tình duy nhất, đã một lần hò hẹn là như nhất thủy chung :
Trăm năm tượng rách còn thờ,
Lỡ duyên chịu lỡ, quyết chờ đợi anh.
            Hay như :
Dẫu mà đan giỏ trôi sông,
Trôi lên, trôi xuống  em cũng không bỏ chàng !
Dẫu mà tội bắt lên quan,
Tội em em chịu, tội chàng em xin.
            Khi người con gái đã yêu, nàng tỏ ra có đức chịu đựng phi thường, cả về vật chất lẫn tinh thần :
Bởi vì con heo nên phải đèo khúc chuối,
Bởi vì con muỗi nên phải thả màn loan.
Bởi vì chàng nên thiếp phải chịu đòn oan,
Phụ mẫu nhà đay nghiến, miệng thế gian chê cười !
            Trong tình yêu, người con gái – nhất nữa lại là người con gái của một vùng quê hương nghèo nàn – lúc nào cũng mang một tình yêu thủy chung như nhất. Khi họ đã yêu là yêu cho đến kỳ cùng, không ai được quyền nghi ngờ tình yêu của họ :
Con chim chà chiện,
Bay thấp liệng cao,
Nó kêu làm sao lăng nhăng líu nhíu.
Em thấy chàng bận bịu,
Không nỡ dứt tình,
Phải chi em có thuốc hồi sinh,
Mổ gan trao lại kẻo tình anh nghi !
            Hoặc như :
Chim khôn kêu tiếng rảnh rang,
Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.
Bóng trăng ngã lộn bóng tre,
Chàng ơi đứng lại mà nghe em thề.
Vườn đào, vườn lựu, vườn lê,
Con ong vô hút mật, con bướm xê ra ngoài.
Chàng về nghĩ lại mà coi,
Tấm tình em ở gương nào soi cho bằng !
            Khi yêu nhau, họ muốn có một tình yêu gắn bó thủy chung :
Thuốc ngon chợ Huyện,
Giấy quyến Sa Huỳnh,
Nẫu xa mược nẫu,
Chớ đôi đứa mình đừng xa !
            Họ ao ước giữ mãi được lời thề non hẹn biển :
Tay chém tay sao nỡ,
Ruột cắt ruột sao đành.
Lời thề nước biếc, non xanh,
Ở sao cho trọn đạo sanh thành mới nên !
            Họ thề nguyền không bao giờ thay lòng đổi dạ :
Con chim chích chòe nó đứng hè bà chủ,
Con chim đội mũ nó đứng đám củ ông Hương,
Đôi ta mới ngộ tình thương,
Dẫu ai đem nhiễu đổi lương cũng đừng !
            Yêu nhau rồi phải xa nhau ! Xa nhau để mà nhớ nhau. Nhớ da diết ! Nhớ điên cuồng ! Quên tất cả mọi sự trên đời để chỉ còn lại một đường là nhớ :
Cũng bởi vì ai đêm nằm không ngủ,
Cũng bởi vì ai mặt ủ, chân mày hường !
Cũng bởi vì ai dật dựa ngoài đường,
Cha mẹ la đánh, thói thường cười chê !
            Hay như :
                        Anh về Mỹ Á chi lâu,
                        Để em ôm chiếc thuyền câu một mình.
            Đối với người con gái, để làm vơi đi nỗi nhớ nhung chất ngất, nàng chỉ còn biết khóc – khóc cho vơi nỗi buồn tưởng nhớ :
Biết nhau chi cho thiếp thương, chàng nhớ,
Hay chi hồi xưa thiếp chớ, chàng đừng.
Điệu chung tình thảm lắm chàng ôi,
Về nhà cơm dọn còn ngồi khoanh tay.
Không ăn thì cha đánh mẹ rầy,
An thì nước mắt nhỏ đầy bát cơm !
            Hay như :
Anh về sao đặng mà về,
Non nước lời thề bỏ lại cho ai.
Anh về há dễ về luôn,
Bỏ khăn xéo lại lệ tuôn em chùi !
            Hay như :
Con chim tra trả, ai vay mà trả?!
Ngọn gai sưng, ai vả mà sưng ?!
Đây người dưng, đó cũng người dưng,
Cớ sao nước mắt rưng rưng nhỏ hoài !
Hai tay ôm vạt áo dài,
Chặm lên con mắt, chặm hoài không khô.
            Nếu nàng Kiều của Nguyễn Du vì nhớ Kim Trọng nên đã “vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa”, thì nànng con gái chân quê của chúng ta đã vì nhớ mà đi tìm người yêu. Nếu nàng Kiều chỉ “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, thì nàng con gái chân quê của chúng ta phải “leo dốc, băng sông” để đến với người yêu và khi đã gặp người yêu rồi, nàng không còn muốn xa người yêu nữa :
Ra đi mẹ có dặn dò :
Ruộng rộc thì cấy, ruộng gò thì gieo.
Đường đi khuất nẻo quanh queo,
Khúc leo lên dốc, khúc trèo xuống sông.
Không đi bạn nhắc, bạn trông,
Đi rồi châu lụy lại không muốn về.
            Nỗi nhớ nhung tha thiết đó nhiều khi khiến cho người yêu đâm ra ngờ vực :
An chanh nhớ tỏi ngùi ngùi,
Ngồi trong đám hẹ nhớ mùi rau răm.
Hỡi người bạn cũ trăm năm,
Quay tơ có nhớ mối tằm ta xưa ?
            Hay như :
Dao vàng rọc lá trầu vàng,
Mắt thiếp thiếp liếc, mắt chng chàng luân.
Trai xuân gặp gái cũng xuân,
Như bông lúa trổ giữa chừng gặp mưa.
Anh thương em cha mẹ hay chưa,
Hay là thương đón, thương đưa ngoài đường ?
            Phải cách xa nhau là một nỗi đoạn trường. Cái hình ảnh “cầm dao cắt ruột” đã nói lên nỗi nhớ nhung quặn thắt, nỗi nhớ nhung buốt nhói con tim. Nỗi đoạn trường xa cách đó đã làm đổ bao nhiêu là nước mắt vơi đầy :
Xưa rày xa cách nghĩa nhau,
Cầm dao cắt ruột, ruột đau quá chùng.
Lụy rơi khăn chặm không ngừng,
Trách ai ngăn gió gió đừng rung cây.
Vì ai duyên nợ chừng này,
Tay bưng, nước mắt chảy đầy chén cơm !
            Họ trách cứ nhưng biết trách cứ ai ? Kẻ nào gây ra sự chia lìa ? Kẻ nào gây nên điều ngăn cấm ? Nào ai biết được :
Qua chùa núi Hó thắp bó nhang vàng,
Xin cho bạn cũ lai hoàn như xưa,
Trông trời chẳng thấy trời mưa,
Rồng đi lấy nước rồng chưa trở về.
Lựu tìm đào, đào chẳng tìm lê,
Đi lên tìm quế, quế về rừng xanh.
Trách ai treo ngọn, thắt ngành,
Cho chàng xa thiếp, cho anh xa nàng !
            Nhớ nhung và đợi chờ là hai hình thái của một tình yêu chung thủy. Đôi khi nàng phải đợi chờ trong cô đơn, đợi chờ trong tuyệt vọng. Biết vậy nhưng nàng vẫn đợi chờ :
Chờ anh đã mãn sức chờ,
Chờ cho rau muống lên bờ trổ bông.
Chị em ai nấy có chồng,
Mình em thủ tiết, thu đông chờ chàng !
            Ngày xưa con gái đến tuổi cập kệ là tuổi có chồng “chị em ai nấy có chồng !”. Vậy mà nàng phải “mình em thủ tiết, thu đông chờ chàng !”. Oi, có thế mới thấy hết sự hy sinh vô bờ bến của nàng cho Tình Yêu !
             Đã yêu nhau rồi, họ vẫn hoài lo sợ. Nhiều trở lực có thể ngăn cản tình yêu của họ, có thể làm cho họ phân lìa :
Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy,
Hòn đá bạc đầu là bởi sương sa.
Anh thương anh không dám nói ra,
Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời.
Em với anh cũng muốn kết đôi,
Sợ vầng mây bạc trên trời mau tan !
            Trong tình yêu, họ muốn người yêu là của riêng mình :
Trăm năm ai chớ phụ ai,
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim.
Trên trời biết mấy thứ chim,
Đã loan với phụng đừng tìm chìa vôi.
Trồng trúc xin chớ xén chồi,
Thương anh thì chớ đứng ngồi với ai !
            Yêu nhau rồi thì phải tiến đến hôn nhân. Đó là ước vọng duy nhất của những kẻ yêu nhau. Và để tiến đến hôn nhân, trong thực tế, họ đã phải vượt qua bao nhiêu là trở lực và có những trở lực họ không thể nào vượt qua được, đó là lễ giáo :
Tay cầm ống chỉ xe lần,
Nơi xa trùng họ, nơi gần bà con.
Giậm chân xuống đất cái bon,
Nay em ở vậy, chồng con đâu nà !
            Tuy biết mình phải sống trong một tình yêu tuyệt vọng, người con gái vẫn một lòng chung thủy “nay em ở vậy, chồng con đâu nà !”.
            Đã yêu nhau ai cũng muốn tiến đến hôn nhân. Không tiến được đến hôn nhân là một nỗi buồn phiền khôn nguôi :
Bùn xa bèo, bùn khô bèo héo,
Lựu xa đào, lựu ngả đào nghiêng !
Vàng trên tay rớt xuống không phiền,
Phiền vì một nỗi nợ với duyên không thành !
            Hay như :
Sớm mai ra đứng sân sau,
Hai tay xụi xuống như tàu chuối te.
Tiếc công vun quén cây mè,
Mè không ra trái, chim hòe đậu lên !
Tiếc công lên xuống, xuống lên,
Mòn đàng chết cỏ không nên tự trời !
Tưởng rằng kèo cột ở đời,
Ai hay cột ngã, kèo rời một phương !
            Đã yêu nhau ai cũng muốn tiến đến hôn nhân, và tiến đến hôn nhân càng sớm càng tốt. Bởi lẽ, thế gian thường tình vẫn hay ưa xoi mói đến những cuộc tình của kẻ khác :
Anh có thương em thì đừng có luân con mắt,
Đừng có quẹt ngón tay,
Người ta đông như hội, ngó ngay mà nhìn.
Thuốc của anh anh hút,
Trầu của anh anh đừng mời.
Miệng thế gian họ đồn lắm anh ơi ,
Giả lơ làm lảng như hồi chưa quen !
            Vả lại, lời bình phẩm của thế gian dễ gây đổ vỡ cho hôn nhân của họ :
Hỏi vợ thì cưới liền tay,
Chớ để lâu ngày thiên hạ gièm pha !
            Để tiến đến hôn nhân, người con gái đã khuyên người bạn tình làm một công việc vô cùng cần thiết theo đúng lễ giáo :
Anh thương em thì trầu rượu đến nhà,
Trước cha mẹ biết, sau bà con hay !
            Và trong hôn nhân, đối với người dân quê, nhất nữa là người dân quê của một vùng đất sỏi cây cằn – họ không đòi hỏi những sính lễ cao sang như bạc vàng, châu báu. Sính lễ của họ thật đơn giản :
Tiếng đồn chị Bốn có duyên,
Anh Bốn đi cưới một thiên cá mòi.
Chẳng tin giở quả ra coi,
Mít non ở dưới, cá mòi ở trên !
Theo lễ giáo xưa, cha mẹ có toàn quyền quyết định về hôn nhân cho con cái : “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Do đó, có những cuộc hôn nhân không bắt đầu bằng tình yêu. Con cái hầu như hoàn toàn tùy thuộc vào quyết đinh của cha mẹ. Các bậc cha mẹ lại tin tưởng hoàn toàn vào sự môi giới của các người làm mai dong. Thế nên, có nhiều cuộc hôn nhân không đem đến hạnh phúc, kẻ trong cuộc chỉ biết đau đớn và hờn trách. Kẻ bị trách trước tiên là người mai dong :
Con gà trống tía cái lông cũng tía,
Bụi lang giâm, bụi mía cũng giâm.
Ong mai ngọt miệng em lầm,
Bây giờ nghĩ lại giận thầm ông mai !
            Tuy nhiên cũng có những kẻ yêu nhau thực sự nhưng vì ông mai vụng về nên họ không được gần nhau :
Xấu tre uốn chẳng nên cần,
Xấu mai nên chẳng được gần với em !
            Nếu có những cuộc hôn nhân suôn sẻ, ngay cả giàu sang cũng không màng :
Chim xanh ăn trái ổi tàu,
Xứng đôi mẹ gả, ham giàu làm chi !
thì cũng có nhiều cuộc hôn nhân không trọn vẹn. Sự chia lìa vĩnh viễn tạo nên những đau đớn khôn cùng. Tuy nhiên, ở đây ta vẫn thấy người phụ nữ tỏ ra chịu đựng :
Chàng xa, thiếp cách tội đách gì rầu,
Thác như Lã Vọng té xuống lầu non tiên.
Ngửa tay em trao một đồng tiền,
Phận sao chịu vậy, đừng phiền mà hư  !
            “Phận sao chịu vậy” đó chỉ là một quan niệm về duyên số nhằm an ủi những kẻ bị thất bại trong tình yêu :
Chiều chiều ra đứng ngõ sau,
Sông sâu nước chảy ruột đau từng hồi !
Tội tình thiếp lắm chàng ôi !
Trầu ăn không đỏ vì vôi quệt già.
Đêm nằm tủi phận trách ra,
Trách vì duyên số nên xa nghĩa chàng !
Bấy lâu tưởng lấp suối vàng,
Suối vàng không lấp, lấp đàng nghĩa nhân !
            Có những cuộc tình duyên phân lìa không phải vì trở lực bên ngoài  mà chính vì trở lực bên trong của hai kẻ yêu nhau.
            Dứt tình là một điều chua xót, đắng cay, bởi vì khi yêu nhau họ đã trót thề thốt nặng lời “lời nguyền nước mắt chảy thành sông !”. Nhưng trong tình yêu lúc nào cũng mang tính ích kỷ. Em yêu anh, em chỉ yêu mình anh. Và ngược lại, anh là của em, không còn là của ai khác. Nếu có một ai khác nữa, thì chắc chắn là không có chuyện “thương bao đồng” :
Anh nguyện cùng em tại cầu Bến Ván,
Em nguyện cùng anh tại quán Cây Da,
Em biểu anh về có vợ,
Đây em ra có chồng.
Lòi nguyền nước mắt chảy thành sông,
Dứt nghĩa đi thêm tội, thương bao đồng thì khó thương !
Có những cuộc tình không đưa đến hôn nhân. Cả hai phía nam và nữ đều tỏ ra một thái độ vô cùng đứng đắn. Bởi lẽ, có thể họ đã hiểu nhau,  đã hiểu rõ nguyên nhân nào khiến cho họ không nên vợ nên chồng ! Dù không lấy được nhau, họ vẫn để lại cho nhau những cảm tình tốt đẹp : Cô gái sắp sửa về nhà chồng đã mời người yêu cũ :
Anh quen em từ thuở đón bò,
Bẻ cây góp lá tại gò bên sông.
Ngày mai em sắp có chồng,
Mời anh uống chén rượu hồng mừng em !
            Đúng là kỷ niệm của một cặp tình nhân miền thôn dã và lời mời của cô gái mới chân thật làm sao “Mời anh uống chén rượu hồng mừng em !”.
            Hoặc vì một lý do bất khả kháng nào đó nàng phải dứt tình, nhưng đối với người xưa, nàng vẫn không thể nào quên được. “Tình” không trọn vẹn nhưng “nghĩa” vẫn còn :
Chim sẩy lồng còn trông trở lại,
Cám ơn cái lồng, trả ngãi người nuôi !
Em có chồng rồi không lẽ đi xuôi,
Ghé vô thăm bạn cho nguôi tấm lòng !
            Có những cuộc tình duyên “xuôi chèo mát mái”, dù cuộc sống có cơ cực trăm chiều, nhưng thuận vợ, thuận chồng, đời sống hôn nhân vẫn tràn đầy hạnh phúc :
Củ lang Đồng Ngổ,
Đỗ phụng Đồng Dinh,
Chàng bòn, thiếp mót đổ chung một gùi !
            Nếu có những người phụ nữ trọn đời chung thủy “gươm vàng để đó anh ơi, chết thà chịu chết lìa đôi không lìa !”, thì cũng có một số phụ nữ – dù rất ít – cũng đã có lần nhẹ dạ nghe theo lời đường mật của những gã đàn ông khéo buông lời ong bướm. Thế nhưng rồi, sớm muộn gì người đàn bà cũng tỉnh ngộ mà buông lời trách cứ :
Hai tay em bưng hộp thuốc, khay trầu
Miệng mời chú lái ăn trầu với tui
Bây giờ thuyền chạy, ghe lui,
Trai anh lui về vợ cũ, gái em lùi về chồng xưa.
Chớ anh đừng ngọt miệng đãi đưa,
Cầm duyên em lại buổi chợ trưa em phải ngồi.
            Bị lừa dối là một điều cay đắng. Bị phụ tình lại bội phần cay đắng hơn. Bởi vì bị phụ tình là không còn lối thoát. Kẻ phụ tình còn có hướng đi, kẻ bị phụ tình đành chới với.
            Trong tình yêu, người con gái thường đặt hết niềm tin vào người con trai. Tất cả cho chàng, vì chàng. Tất cả cho người thương :
Bên này con sông em bắc cái cầu năm mười tấm ván,
Bên kia sông em lập cái quán năm bảy tầng thương.
Cái quán năm bảy tầng thương
Là để người thương buôn bán.
Cái cầu năm mười tấm ván,
Là để người thương em đi . . .`
            Thế mà rồi phải đành :
Trách sao anh bạc nghĩa, vô nghì,
Bây giờ có đôi bạn không nói tiếng gì với em !
            Có lẽ khi mới yêu nhau họ đã nặng lời thề thốt :
Cất bước lên non tìm hòn đá trắng,
Trách con chim phượng hoàng sao vắng tiếng kêu !
Trời mưa lâu hòn đá nọ đóng rêu,
Đứa nào ở bạc, con dế kêu thấu trời !
            Vậy mà rồi đã có kẻ “ở bạc”. Con dế có kêu thấu trời hay chăng nào ai biết được. Chỉ biết rằng kẻ bị phụ tình chỉ biết khóc thầm :
Qua cầu cầu yếu phải nương,
Chầu rày bạn cũ thôi thương mình rồi.
Tai nghe bạn cũ có đôi,
Trong lòng nóng nảy như vôi mới hầm !
Kề tai bạn cũ khóc thầm,
Chầu rày quế đã phụ trầm, trầm ơi !
            Hay như :
Bước xuống ghe nan chèo sang Bến Thóc,
Vừa chèo vừa khóc, kêu “bớ anh ơi !
Bây giờ duyên mãn, tình ôi,
Để cho kẻ khác đứng ngồi với anh !”
            Nếu có những phụ nữ khi bị phụ tình chỉ biết khóc thầm, thì cũng có những cô con gái có thừa can đảm, dám đón đường “người cũ” để mà “chất vấn” :
Con chim chà chiện
Nó liệng trên cao
Nó kêu làm sao
Tằng lăng tíu lịu
Em còn lịu địu
Không nỡ dứt tình
Chờ khi thanh vắng một mình,
Đón anh em hỏi : Phụ tình tại ai ?!
            Khi yêu, gnười con gái luôn tin tưởng vào lòng chung thủy  của người mình yêu. Nàng tin vào mối tình “xứng đôi vừa lứa”, nhưng nàng đâu có ngờ :
Đấy lạ thì đây cũng lạ,
Anh kêu em dạ thiên hạ đều khen !
Tưởng rằng đó nhóm đây nhen,
Hai bên họp lại như đèn mới xinh .
Ai ngờ anh lại phỉnh mình,
Qua cầu rút ván để mình bơ vơ !
            Tội nghiệp cho người con gái bị tình phụ biết bao nhiêu ! Tin vào chàng, ngỡ rằng tình yêu là chung thủy, ngỡ rằng “bạn vàng” thủy chung, có ngờ đâu :
Đã lâu không gặp bạn vàng,
Nay gặp bạn vàng lòng càng thêm tủi.
Nghĩ đến ân tình gió thổi mây bay.
Kể từ ngày xa cách đến nay,
Lòng em ngơ ngẩn đắng cay muôn phần.
Còn gì mà đợi, mà trông,
Còn gì qua lại ân cần anh ơi !
Anh có vợ rồi như đũa có đôi,
Để em lơ lửng mồ côi một mình !
            Nàng bị phụ tình như một kẻ không hồn “minh em lơ lửng”. Và tình yêu đã chết cũng coi như người tình đã chết “mồ côi một mình”. Làm một kẻ “mồ côi” của tình yêu, ôi ! chua xót biết bao nhiêu !
            Bị phụ tình đã là một điều chua xót. Bị phụ tình rồi mà còn bị người tình và cả thân quyến của người tình buông lời “bình phẩm” thì chao ôi, còn chua xót nào hơn :
Bạn phỉnh ta, ta đợi ta chờ,
Lênh đênh vườn hạnh, dật dờ vườn lê.
Một than em còn mê ăn, mê ngủ,
Hai than em chưa thức đủ năm canh,
Ba than em không biết tấm rách, tấm lành,
Em gởi lời về trước mẹ, sau anh,
Có thương em thì dạy bảo, đừng nói hành họ chê !
            Mang chung đặc tính hài hước của nền văn chương Việt Nam, người dân Quảng Ngãi cũng có đầu óc hài hước khá cao.
            Dân ta xưa thường tin rằng chuyện vợ chồng là do duyên số ; duyên số lại do ông Tơ, bà Nguyệt xe cho. Vậy mà ở đây, dưới cái nhìn của một chàng trai độc thân, có lẽ là một chàng trai con nhà nghèo, ông Tơ bà Nguyệt đã trở thành những nhân vật mang nhân tính bình thường, bị đem ra hài tội :
Bắt ông Tơ đánh sơ vài chục,
Bắt bà Nguyệt nếm mấy mươi hèo.
Người ta năm bảy vợ theo,
Còn tôi đơn chiếc như mèo cụt đuôi !
            Trong hôn nhân thường đòi hỏi phải có sính lễ. Đây là lễ vật của họ nhà trai đem đến họ nhà gái để xin cô gái về làm dâu nhà mình. Đối với nhà giàu, sính lễ thường có vòng vàng, xuyến bạc. Đối với nhà nghèo, chí ít cũng phải có mâm trầu, buồng cau. Để đả phá tục thách cưới, trong một câu hát đối đáp, ta thấy biểu lộ tính hài hước của người dân quê xứ Quảng :
- Anh về thắt rế kim cang,
Bán đôi đũa bếp cưới nàng còn dư !
- Anh về bán ruộng Cây Da,
Bán cặp trâu già chẳng cưới đặng em !
            Và đây nữa, có thể cũng là phần còn lại của một bài hò đối đáp nào đó của người dân Ba La, Vạn Tượng :
Ba La đất tốt trồng hành,
Đã xinh con gái, lại lành con trai !
Vạn Tượng những chông cùng gai,
Con gái mốc thích, con trai đen sì !
            Họ cũng có những cách so sánh, ví von đặc sệt tính chất nông dân :
* Gái Tú Sơn đầu trơn như mỡ,
Gạo trì trì nứt nở như ươi
* Anh nói với em
Như rìu chém xuống đá,
Như rựa chém xuống đất,
Như mật rót vào tai.
Bây giờ anh đã nghe ai,
Bỏ em giữa chốn non Đoài, khổ chưa !
            Hay như :
                        . . . Trai xuân gặp gái cũng xuân
                        Như bông lúa trổ nửa chừng gặp mưa !
            Đôi khi họ cũng thích lối chơi chữ – một đặc tính của ngôn ngữ Việt Nam :
                        Gái Thanh Khiết chuyên nghề cải giá,
                        Trai Sung Tích chuyên nghề kén dâu.
            Thanh Khiết thuộc xã Tư Nguyên (Tư Nghĩa). Dân ở đây xưa làm nghề trồng các loại rau cải và làm giá. Sung Tích thuộc xã Sơn Hội (Sơn Tịnh). Dân Sung Tích xưa làm nghề trồng dâu nuôi tằm, lấy tơ kén dệt lụa. “Cải giá” vừa có nghĩa là cây cải, rau giá, vừa có nghĩa là “lấy chồng lần nữa”. “Kén dâu” vừa có nghĩa là con kén, cây dâu vừa có nghĩa là kén chọn cô dâu !
            Và đôi khi họ dùng những từ thật lắt léo như trong bài :
Sáng mai anh thức dậy,
Anh xách cái rựa quéo,
Anh lên hòn núi Quẹo,
Anh đốn cây củi còng queo,
Anh than vói em cha mẹ anh nghèo,
Đũa tre yếu ớt không dám quèo con mắm nhum !
            Quéo, quẹo, queo, quèo ! Quả là những vần thơ lắt léo tài tình !
            Cũng như tục ngữ ca dao của cả nước, tục ngữ ca dao miền núi An sông Trà đã được lưu truyền trong dân gian bằng nhiều hình thức khác nhau.
            Tục ngữ thường đi liền với ngôn ngữ hàng ngày nên dễ lưu truyền và có khả năng truyền đi xa và nhanh. Trong lúc đó ca dao thường được lưu truyền dưới hình thức hát hò. Mỗi địa phương lại có một số hình thức hát hò khác nhau, giọng điệu khác nhau nên sự lưu truyền của ca dao có phần hạn chế hơn.
            Vậy thì, ca dao của miền núi An sông Trà cũng đã được lưu truyền dưới hình thức hát ru, các điệu hò trên sông nước như hò giật chì, hò bá trạo của ngư dân các vùng ven biển, các điệu hò chèo đò như hò mái nhất, hò mái nhì, hò ba lý . . . qua các điệu hò ở vùng nông thôn như hò đi cấy, hò giã gạo, hò tát nước, hò đẩy che mía, hò đạp xe nước, hò hụi . . . Có lẽ vào một thời xa xưa, các điệu hò kể trên đều có những phân biệt rõ rệt, nhưng càng về sau, do hoàn cảnh lao động có thay đổi, hình thức sinh hoạt về hát hò chịu một phần ảnh hưởng của sinh hoạt văn nghệ đô thị, nên các điệu hò trên đây đã dần dần thay đổi, ảnh hưởng hỗ tương và về sau chúng ta chỉ còn lại vài điệu hò như hát hố, hát ba ý, hát bài chòi và điệu hát ru cố hữu của người dân Quảng Ngãi.
            Trong những đám cấy, tát nước, hay giã gao, bửa cau, chà đường trong những đêm trăng người ta thường chia phe để hát. Có thể cả hai phe đều là nữ như trong các đám thợ cấy, hoặc một bên nam, một bên nữ như trong các đám giã gao, tát nước . . .
Mở lời chào gió, chào trăng
Chào qua núi Chúa, chào băng sông Trà.
Mở lời chào chị em ta,
Bên hữu đàn bà, bên tả đàn ông.
Mở lời chào gái nữ công,
Chào trai trung hiếu giữa đám đông hội này . . .
            Hát hố quả đã có một sức quyến rũ kỳ lạ đối với người dân quê xứ Quảng, và chính điều này cũng đã nói lên đời sống tình cảm dồi dào nhưng chân chất của người dân Quảng Ngãi :
Tai nghe tiếng hố vọng đồng,
Ai có con cũng bỏ, ai có chồng cũng vong !
            Hay như :
Em đang so đũa dọn cơm,
Tai nghe hát hố đầu hôm trên này.
Ra đi cha đánh, mẹ rầy,
Không đi bạn ở trên này bạn trông.
Ra đi lội suối, băng sông,
Tới đây mến bạn lòng không muốn về !
            Những lơì hát ru, những điệu hò sông nước, giọng hát hố thiết tha của nông dân xứ Quảng như mãi mãi còn âm vang trong tâm tưởng mọi người, chuyên chở, bảo tồn và lưu truyền  bao nhiêu lời ca dao đậm đà  sắc thái quê hương, chan chứa tình người.  Và những lời ca dao đó sẽ còn vang vọng mãi mãi trong tâm khảm những người con xứ Quảng đang lưu lạc khắp bốn phương trời nhưng lúc nào cũng hướng về Quê Mẹ : Núi Ấn Sông Trà.
 
                                                                                                ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 03/12/18