|
Những món ăn dân dã
trong ca dao, dân ca Nam bộ
Trên tổng thể, ca dao Nam bộ thể hiện tất cả những đặc điểm chung
của ca dao Việt Nam, nhưng đồng thời ca dao Nam bộ còn là tiếng nói tâm
tình của người dân miền sông nước nơi đây. Có những câu ca dao mà nội
dung chỉ là kể về những món ăn tuy rất dân dã, rất bình dị nhưng chứa
chan một niềm tự hào của người dân miền sông nước, đồng thời thể hiện
nét văn hoá rất đặc trưng mang đậm chất Nam bộ.
Chúng ta thử thưởng thức món “cá trê rau đắng” có từ thời Nam kỳ lục
tỉnh:
Rau đắng nấu với cá trê
Ai đến lục tỉnh thì mê không về.
Rau đắng
Cùng với các loại rau dại khác như: rau má, rau trai, rau ngót… thì
rau đắng là một trong các loại rau có rất nhiều ở vùng quê Nam bộ. Người
dân Nam bộ chẳng cần tìm cho nó một cái tên hoa mỹ nào mà nhằm ngay vào
bản chất của nó mà gọi: rau đắng (vì đây là loại rau có vị rất đắng
người không quen sẽ không ăn được). Còn cá trê là một trong những loại
cá đồng có rất nhiều ở Nam Bộ đặc biệt là miền Tây sông nước Cửu Long.
Về món canh “hỗn hợp” “rau đắng – cá trê” phải công nhận rằng không chê
vào đâu được.
Một món ăn khác cũng được tìm thấy trong ca dao Nam bộ mà có lẽ chỉ
những người dân có thâm niên sống ở miền Tây mới biết. Đó là:
Canh chua điên điển cá linh
Ăn chỉ một mình thì chẳng biết ngon
Bông điên điển
Bông điên điển là loại bông giống như bông so đũa nhưng nhỏ hơn và có
màu vàng thường mọc dọc theo những kênh rạch. Theo như người xưa kể lại
đây là món ăn rất dân dã nhưng không thua bất kỳ một món “cao lương mỹ
vị nào”. Cá linh và bông điên điển tuy một là động vật, một là thực vật
nhưng có lẽ do “hữu duyên” nên chỉ đến mùa nước nổi miền Tây chúng mới
xuất hiện cùng nhau. Chiều quê miền Tây mưa rả rích trên mâm cơm có được
tô “canh chua điên điển cá linh” bốc khói có lẽ ăn hoài cũng chẳng biết…
no!
Ca dao Nam bộ cũng kể lại có một bà mẹ nào đó chỉ vì một món ăn rất dân
dã mà mong được gả con gái mình về xứ sở miệt vườn, sông nước? Hay có
khi đây chỉ là cách nói chọc ghẹo xa gần của cô gái nào đó với chàng
trai “miệt vườn” cũng không chừng:
“Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc dưa hườn nấu canh”
Kể về những món ăn dân dã ở Nam bộ mà quên đi món “bông súng – cá kho”
thì thật là thiếu sót vô cùng. Bông súng là loại thực vật sống ở vùng
đầm lầy có nhiều nhất là ở vùng Đồng Tháp Mười. Bông súng có hai loại,
một loại hoa màu trắng, một loại hoa màu tím. Người dân thôn quê miền
Tây ăn uống rất giản dị, bông súng có sẵn ngoài đầm cứ thế mà hái vào;
cá có sẵn trong ao cứ thế mà bắt lên. Giản dị nhưng mà cũng rất đậm đà,
người dân Đồng Tháp Mười rất tự hào về xứ sở mình:
Muốn ăn bông súng cá kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm.
Rau bông súng
Và nếu như thật “đã thèm”với món “bông súng cá kho” thì hãy thưởng thức
tiếp một món ăn cũng bình dị và đậm đà không kém:
Kèo nèo mà lại làm chua
Ăn với cá rán chẳng thua món nào.
Kèo nèo
Kèo nèo (hay còn gọi là “cù nèo” theo cách phát âm của một số người dân
miền Tây) đó là một loại rau cọng xộp có rất nhiều ở miệt vườn sông nước
Nam bộ. Thường thì không cần phải làm chua, kèo nèo ăn cũng rất ngon vì
có thể dùng nấu canh chua hoặc ăn sống chấm với nước cá kho. Tuy nhiên
theo cách nói của người xưa trong câu ca dao trên thì có lẽ kèo nèo làm
chua ăn với cá rán (cá chiên) thì là ngon nhất.
Tới miền Tây mà không nhậu cá lóc nướng trui thì coi như chưa tới, người
dân miệt vườn sông nước vốn rất hiếu khách, sẵn sàng:
Bắt con cá lóc nướng trui
Làm mâm rượu trắng đãi người bạn xa
Cá lóc nướng trui ở miền Tây là một món ăn có cách chế biến rất giản dị
nhưng cũng rất độc đáo. Người miền Tây có khi nướng trui cá lóc ngay lúc
làm đồng, lúc vừa mới bắt được. Từ họng con cá lóc người ta xỏ vào một
thanh tre sau đó cấm đầu còn lại của thanh tre ấy xuống đất. Tiếp theo
là dùng rơm khô có sẵn ngoài đồng ruộng chất lên và đốt. Cá lóc nướng
như thế này chín rất đều, thịt cá vừa tươi vừa ngọt lại thơm mùi rơm khô,
nếu có thêm xị rượu trắng (rượu đế), tí hạt muối ngồi nhâm nhi với vài
ba chiến hữu thì có lẽ đến Thượng đế cũng phải… thèm.
Người dân Nam bộ từ lâu đã rất tự hào về sự giàu có bởi những sản vật mà
thiên nhiên đã ban tặng cho xứ sở mình. Vì thế “dân nhậu” miệt vườn miền
Tây nhiều khi cũng rất “kén chọn”:
Cần chi cá lóc, cá trê
Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều.
Quả thật, đến miền Tây ăn nhậu ngoài món cá lóc nướng trui ra phải công
nhận còn món nào ngon bằng chuột nướng, rắn hầm sả hay rắn xào lá cách…
Cuối cùng, một món ăn có thể nói đối với người Nam bộ xưa là dân dã
nhưng với chúng ta ngày nay đã trở thành đặc sản vì không phải ai cũng
dễ dàng thưởng thức được:
Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen
Le le
Bông Bí
Rõ ràng, với chúng ta ngày nay, canh bông bí, chè hạt sen thì có thể còn
tìm được nhưng cháo le le thì không đơn giản chút nào.
***
Qua việc tìm hiểu những món ăn dân dã được người dân Nam bộ xưa hát lên
bằng những lời ca, câu hò, điệu lý cho chúng ta thấy được nét đẹp văn
hoá trong suy nghĩ và ứng xử của những con người ở vùng quê sông nước
nơi đây. Đó là nét đẹp rất đời thường nhưng cũng chính là cái hồn của
dân tộc, của quê hương.
Người dân thôn quê hát lên những câu ca ấy cũng chính là cất lên tiếng
nói tâm tình nhằm bày tỏ niềm tự hào về sự phong phú của những sản vật
mà thiên nhiên đã ban tặng cũng như nói lên sự gắn bó của họ đối với quê
hương xứ sở.
Những món ăn dân dã cũng nói lên một điều người dân thôn quê có một cuộc
sống vô cùng giản dị. Họ biết tận dụng những thứ có sẵn ở xứ sở mình chứ
không xa hoa phung phí. Những món ăn của họ là những loại rau, củ, cây,
trái… có sẵn quanh nhà và rất rẻ tiền. Chân thật và đầy tự hào họ nói về
điều đó một cách rất tự nhiên:
Má ơi, đừng đánh con đau
Để con bắt ốc hái rau má nhờ.
Hay:
Má ơi, đừng đánh con hoài
Để con kho cá bằm xoài má ăn
Nguồn: Internet |