|
Vì Sao Tôi Yêu Tục Ngữ Ca
Dao Vì sao tôi yêu tục ngữ ca dao, đó chính
là điều mà hôm nay tôi muốn nói đến lòng biết ơn sâu xa
của tôi đối với Mẹ hiền, người đã ru vào đời tôi những
câu ru ngọt ngào, đầy tình tự quê hương... từ thuở nằm
nôi, và sẽ còn mãi mãi cho tôi biết yêu những câu lục
bát dễ thương, đẹp như dòng sông nước chảy lững lờ, hay
như buổi chiều khi nắng nhạt nhoà trên những vòm cây nơi
thôn làng...
Tôi yêu miền quê, yêu tiếng chày giã gạo vào đêm trăng,
yêu tiếng sáo diều vi vu trên bầu trời đầy mây vào buổi
chiều, và yêu tiếng ru hờ à ơi với tiếng võng kẽo kẹt,
trong buổi trưa nồng gió hạ, có tiếng gà gáy trưa im
buồn...
Tôi yêu tiếng ru của mẹ, khi nằm chờ giấc ngủ, được gối
đầu trên cánh tay mẹ, và quàng tay ôm khuôn mặt mẹ, như
muốn níu xuống thật thấp, để nghe rõ ràng lời ru êm:
À a à ơi,
Cái ngủ mày ngủ (í a) cho lâu
Mẹ mày đi cấy (í a) ruộng sâu chua về
Bắt được con diếc, con trê
Đem về làm thịt cho cái (í a) ngủ ăn
Cái ngủ ăn chẳng hết
Để dành đến tết (í a) mồng năm...
và giọng mẹ ngọt ngào ru tiếp, một tay khi xoa đầu tóc
tôi, khi xoa lưng vì sợ cơn nóng hè oi ả, " rôm " sẽ làm
ngứa lưng..
À i à ơi,
Con mèo mày trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột (í a) đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đàng xa
Mua mắm muo muối (í a) giỗ cha chú mèo...
hoặc :
Ba năm trấn thủ lưu đồn
Ngày thì canh điếm, (í a) tối dồn việc (i à) quan
Chém tre đẫn gỗ (í a) trên ngàn
Hữu thân hữu khổ (í a) phàn nàn cùng ai
Miệng ăn măng trúc măng mai
Những tre cùng nứa (í a) lấy ai bạn ( i à ) cùng...
Tiếng ru êm ái ngọt ngào đó của mẹ đã làm cho đôi mắt
tôi khép lại và chìm dần trong giấc mộng trẻ thơ :
Hôm qua tát nưóc ( ía a)đầu đình
Để quên chiếc áo (ía )trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để ( í a)làm tin trong nhà
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa (à )khâu
Áo anh sứt chỉ đã lâu
Mai mượn cô ấy ( í a)về khâu cho cùng
Khâu rồi anh sẽ trả công
Ít nữa lấy chồng anh sẽ giúp cho
Giúp em một thúng xôi vó
Một con lợn béo, (í a)một vò rượu (à) tăm
Giúp em đôi chiếu ẹm nằm
Đôi chăn em đắp, (í a)(à )đôi trằm em (à)đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới (í a)lại đèo buồng (à )cau ...
Mỗi tối, mẹ ru hoài những lời ca dao tình tự ấy đã thấm
nhuần vào trí hồn tôi lúc nào không hay.
Cho nên, sau này, khi tôi đã 5, 7 tuổi, biết chơi búp bế,
tôi cũng đã ru búp bế ngủ bằng những bài ru mà tôi đã
thuộc nằm lòng từ mẹ.
Tôi chỉ còn nhớ mang máng khi chiến tranh Pháp - Việt
Minh bùng nổ vào tháng 8 năm 1945, gia đình tôi đã chạy
xuống Vĩnh Hồ, cách Hà Nội khoảng mấy chục cây số. Gia
đình tôi đông anh em, tới 11 người, lại còn cộng thêm
gia đình ông anh thứ hai là Lê Huy Giáp đã lập gia đình
và chị Giáp lúc ấy đang có bầu gần ngày sinh nở, cho nên
Thày mẹ tôi đã phải thuê một căn nhà khá lớn.
Tôi vẫn còn nhớ, đó là căn nhà trong một khu biệt thự
lớn, có cổng sắt to, và căn nhà gia đình tôi thuê là căn
nhà đã bỏ hoang, nhưng rất nhiều phòng và rộng rãi.
Và cháu Minh Phú đã mở mắt chào đời tại Vĩnh Hồ, vào
ngày mồng 1 tháng 9 năm 1945.
Tôi hay thơ thẩn ngoài vườn sạu trong khu đất trống bỏ
hoang cách nhà cũng khá xa. Tôi thích ngồi trên những
tảng đá bị cỏ hoang phủ đầy, và nhẩm học những câu ca
dao mà mẹ tôi đã bắt học thuộc lòng.
Bây giờ, không còn là những bài hát ru nữa, mà là những
câu dạy đời, khuyên nhủ về đạo đức về tình người:
Chẳng hạn:
- Bầu ơi thuơng lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
- Ở sao cho vừa lòng ngườí
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.
- Chẳng tham ruộng cả ao liền
Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ.
- Mấy đời bánh đúc có xương
Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng.
- Sông sâu còn có kẻ dò
Lòng người nham hiểm ai đo cho cùng.
Học thuộc lòng mấy câu tục ngữ ca dao thì dễ thôi, cái
mà tôi sợ nhất là mẹ bắt học thuộc lòng bài kinh thật
dài với tựa đề " Dọn Mình Chết ". Chao ôi, ở cái tuổi
chưa đủ lớn, mà lại đã phải nghĩ đến ngày nào đó, mình
ra đi, thì nản đời biết chừng nào. Ấy vậy mà tôi cũng đã
phải học thuộc, và còn nhớ như in đến bây giờ.
Tuy nhiên, vì từ thuở ấu thơ, mẹ đã gieo vào lòng tôi
những câu thơ lục bát, cho nên khi có trí khôn, tôi đã
yêu những vần thơ lục bát. Và điển hình là yêu những câu
thơ chân chất tình người, những vần thơ của nhà thơ chân
quê Nguyễn Bính:
Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương,
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai xác pháo còn vương khắp làng
Chuyến này chị bước sang nagng
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây.
Ruợu nồng em uống cho say
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng
( Rồi đây sóng gió ngang sông
Đầy thuyền hận chị lo không tới bờ )...
( Lỡ Bước Sang Ngang )
Chỉ với 10 tuổi đầu, tôi đã mê thơ Nguyễn Bính, và thuộc
lòng bài thơ Lỡ Bước Sang Ngang, dù chẳng ai bắt học
thuộc lòng cả.
Và, hình ảnh miền quê, với sông, núi, với con thuyền lơ
lửng trên sông, với khóm tre đong đưa theo gió, và những
vần thơ lục bát, đã tạo nên một Hồng Vũ Lan Nhi với tâm
hồn thơ mộng, lãng mạn tuyệt vời!
Nhắc đến mẹ, lòng tôi bao giờ cũng xót thương, bởi vì
tôi luôn là kẻ làm mẹ buồn nhiều hơn vui.
Mẹ muốn tôi học giỏi, thì tôi lại ham chơi hơn học.
Mẹ muốn dạy tôi cách nấu nướng, những món đặc nhà quê,
như kho thịt, kho cá bằng nồi đất v..v... Nhưng tôi lại
chỉ thích là kẻ chạy bàn trong những ngày giỗ chạp, để
phần các chị lớn lo nấu cỗ. Mẹ đã cho tôi đi học nấu cỗ
với bà Lộc, nhưng tôi lại thưa cùng mẹ :
- Nếu số con giầu có, con đã có tiền nuôi xẩm, lo gì
phải nấu. Nếu số con nghèo, làm gì có tiền để mua gà,
mua nấm, để mà nấu.
Biết con gái lười, mẹ cũng đành cười:
- Vụng chèo nhưng lại khéo chống.
Năm tháng qua đi trong vui, buồn, sướng, khổ. Giờ đây,
viết về ca dao tục ngữ, nhắc đến mẹ, để thấy lòng con
hãnh diện về mẹ đến thế nào!
Mẹ ơi!
HONG VU LAN NHI
|