Home Tìm Ca Dao Trợ Giúp Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
 

MÚA HÁT CUNG ĐÌNH

 

 

Múa chén - Ảnh: TL

Múa hát cung đình Huế vốn có nguồn gốc và lịch sử từ lâu đời. Múa bao giờ cũng gắn kết với âm nhạc (nhạc đàn và nhạc hát), vì thế, người ta thường gọi tên là "Múa hát cung đình". Múa hát cung đình của vua chúa Việt Nam không giống như hình thức vũ hội phương Tây. Nó chủ yếu phục vụ cho vua chúa, lễ lạc trong triều đình, mang hình thức lễ nghi phong kiến vương triều. Múa hát cung đình chịu sự vay mượn từ đề tài nội dung có hình tượng nghệ thuật độc đáo mang rõ nét tâm hồn và truyền thống Việt Nam.

Từ thời Chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635), các tổ chức hoạt động nghệ thuật có tình chuyên nghiệp như "Hoà Thanh thự" được thành lập. Tổ chức "Hòa Thanh thự" chia ra làm 3 đội, mỗi đội có số lượng 120 vũ sinh, nhạc sinh. Đội nhất và đội ba chuyên lo luyện tập về nhạc, đội nhì chuyên lo về hát múa. Số lượng người này biết đánh trống, thổi kèn, đánh đàn, hát múa, dưới quyền trông coi của viên phó quản.

Thời Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) đội chuyên lo về hát múa có tên là "Tiểu hầu", số lượng chỉ còn từ 40 - 50 diễn viên, bao gồm cả số cán bộ quản lý (2 chánh ca và 6 phó ca) cai quản.

Đến năm 1804 hai đội "Tiểu hầu" và "Tiểu nam" được sát nhập lại, đổi tên là "Việt Tường đội". Dưới triều vua Minh Mạng (1820) đổi tên là "Thanh Bình thự". Năm Thành Thái nguyên niên (1889) đổi tên gọi là "Ba Vũ" và hoạt động cho đến năm 1945. Sau Cách mạng Tháng Tám – 1945, đội Ba Vũ được sự quan tâm giúp đỡ của bà Từ Cung. Từ sau 1954 đến 1975, đoàn vẫn hoạt động nhưng quy mô và tính nghệ thuật ngày càng giảm sút.

 

Múa quạt - Ảnh: TL

 

Tháng 4 - 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, đội Ba Vũ được quan tâm của chính quyền, Bộ Văn hóa – Thông tin, nên đã được phục hồi củng cố trở lại, đổi tên là Đoàn múa hát truyền thống Huế, gồm có 2 bộ phận múa hát và tuồng Huế. Đến năm 1999, đổi tên thành đoàn Nghệ thuật truyền thống chuyên sâu về múa hát cung đình, và bộ phận tuồng được tách ra.

Qua nhiều thời kỳ thay đổi tổ chức và tên gọi, nhưng chức năng chủ yếu vẫn là múa hát cung đình phục vụ cho những khánh lễ, đại lễ khác nhau ở cung đình Huế. Hiện nay trong số 11 ca khúc của triều Nguyễn để lại, đoàn Nghệ thuật truyền thống đang dần từng bước dàn dựng, khôi phục lại nguyên dạng những múa khúc. Đó là Bát dật, Lục cúng, Song quang, Phiến vũ, Nữ tướng xuất quan, Tam tinh chúc thọ, Bát tiên hiến thọ, Trình tường lập khánh, Tam quốc Tây du. Lục triệt hoa mã đáng và Tứ linh.

Phần lớn các múa khúc trên diễn viên vừa múa, vừa hát, múa minh họa cho lời hát. Các bài hát toàn bằng Hán tự, chỉ có khúc múa Tứ linh là chỉ có âm nhạc phụ họa không có lời ca.

Vào các ngày lễ lớn và trọng đại như Vạn thọ (sinh nhật vua), Thánh thọ (sinh nhật hoàng thái hậu); Tiên thọ (sinh nhật hoàng thái phi); Thiên xuân (sinh nhật hoàng thái tử); Thiên thu (sinh nhật hoàng hậu) mười một vũ khúc kể trên luôn được trình diễn trong triều nội.

Nội dung các khúc múa:

- Múa bát dật: Có ở Trung Quốc từ đời Chu. Năm Minh Mạng được biên đạo lại để phục vụ khi tế giao, xã tắc, lịch đại đế vương và Khổng Tử. Bát dật có nghĩa là 8 hàng. Khi ta trình diễn điệu múa này phải sử dụng 8 hàng vũ sinh đồng nam, mỗi hàng là 8 vũ sinh nam, tất cả là 64 vũ sinh ở ban múa võ (Võ vũ ban) cũng như ở ban múa văn (Văn vũ ban). Đội hình múa gợi lên hình bát quái. Đây là loại múa lễ thức.

- Múa lục cúng: Có gốc từ Ấn Độ, được truyền sang qua các nhà sư Ấn Độ. Các chùa, một số vùng ở hạt Thuận Thành, Yên Mỹ, Thường Tín… thờ Phật tứ pháp (vân, vũ, lôi, điện). Khi cúng thường múa để dâng hương, hoa đăng, trà, quả thực lên Tam bảo. Múa cung đình biết gạn lọc cái hay của múa tôn giáo và dân gian, thể hiện nội dung chủ đề lục cúng bằng những hình tượng múa cụ thể mang dáng dấp cái đẹp của Việt Nam. Kết cấu của Hoa đăng lục cúng là một bức tranh khá đẹp được trình bày ở tổ khúc gồm 6 điệu múa liên tục.
- Múa quạt (Phiến vũ): Thường múa ở các tiệc cưới, dành cho hoàng thái hậu, hoàng hậu, phi tần và công chúa xem. Nội dung ca ngợi, chúc tụng hạnh phúc lứa đôi hoà hợp. Đội hình múa gồm 10 vũ nữ, mặc áo dài có viềng, màu sắc hợp với màu quạt, vừa múa vừa hát trên những động tác guộn quạt, xoè, gấp, chỉ lướt nhẹ lượn vòng với một tay cầm quạt xoè che mặt. Đội hình khép kín vòng cung, có lúc hàng ngang, hàng dọc chuyển đổi thay nhau.
- Múa Tứ linh: Điệu múa này có từ thời cổ, từ dân gian đến cung đình thường có múa. Biểu tượng trên 4 con vật: long (rồng), ly (lân), quy (rùa), phụng (chim phượng). Về hình thức, tứ linh có thể được múa liên tục hoặc múa đơn (từng con một). Ngày xưa, múa chúc tụng vua, tứ linh lần lượt múa trình diễn từng con vật một theo thứ tự: long, lân, quy, phụng. Các vũ sinh đội lốt tứ linh để múa. Dần dần sau này cải biên, các biên đạo múa cho múa long trở thành “Long hổ hội”, múa lân biến thành “Lân mẫu xuất lân nhi”, múa phụng thành “Song phụng” và múa quy được múa đôi với Song phụng, số lượng người cũng được tăng cường.
Múa cung đình Huế chú trọng đến lễ thức và chúc tụng. Biết tiếp nhận và gạn lọc, vay mượn đề tài, nội dung (Bát dật lục cúng) song đã biết tái tạo thành những hình tượng mang cốt cách độc đáo Việt Nam. Động tác múa cung đình có quan hệ tương hỗ với động tác múa tuồng từ thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên cho đến 13 đời vua sau này, có những biến đổi tiến bộ về hình thức và nghệ thuật cũng như quy mô về số lượng người trình diễn.
Múa cung đình Huế trên đường phát triển của múa dân tộc đã biết tiếp thu có sáng tạo múa nước ngoài, giữ được bản sắc. Tuy vậy cũng còn có những mặt hạn chế phần nào về sự phát triển động tác, đội hình và các tuyến múa.

Hà Sâm

 

 

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 03/12/18