Chữ Cà Trong Tiếng Việt
Không biết có phải từ nguyên thủy tiếng cà được dùng
để gọi loài cây quả không mấy giá trị cho nên khi tiếng cà
được ghép vào với những tiếng khác để tạo thành những
cụm từ nhằm diễn tả cách thế, hình thái, đặc tính của sự
vật và con người, thì hình như tiếng gì kết hợp với
tiếng cà cũng chỉ nhằm diễn tả cái mặt xấu, dở, yếu kém,
hay có nhiều khiếm khuyết của một sự vật chứ không có
tiếng cà nào nhằm diễn tả sự hay ho, sung mãn hoặc tốt đẹp
cả.
Khi đánh giá sự vật hay con người thì loại dở dở ương
ương được người ta gọi là loại "cà mèng" hay còn gọi là
"cà là mèng". Người có vẻ như mất thần, không tập trung
tư tưởng thì được gọi là "cà lơ". Chân bị đau khiến cho
đi đứng cứ khập khiểng thì gọi là "cà nhắc". Chân mà bị
cà nhắc có khi còn được gọi là "cà thọt" hay là "xi cà
que".
Người nghèo ăn uống thiếu dinh dưỡng thì thân thể thường
ốm "cà tong cà teo", hình dáng trông cứ như là que củi "cà
khẳng cà kheo". Do cái bệnh ốm đói kinh niên cho nên đi
đứng làm việc lúc nào cũng có vẻ uể oải theo kiểu "cà
rịch cà tang", và thường thích "kề rề cà rà" chứ không
xông xáo. Đường sá quê nghèo thì lồi lõm ổ gà, lỗ chân
trâu, khiến cho xe chạy không lăn bánh êm ả như trên xa lộ mà
hay bị dồi xóc nên gọi là "cà tưng". Những người đi đứng
không chững chạc mà lúc đi lúc nhảy như con dê non thì gọi là
"cà tửng".
Còn nhỏ mà không được đi học thì chỉ thích chạy "cà nhỏng"
ngoài đường. Người lớn mà vô công rồi nghề không biết
làm gì thì thường hay "la cà" chỗ này chỗ nọ. Gặp nhau
chuyện gẫu hoài nhiều khi không còn biết chuyện gì để nói
đành phải nói theo kiểu "cà kê dê ngỗng". Do cái tật cà kê
dê ngỗng mà sinh ra tật nói "cà rởn" tức là nói chơi nói
dỡn cho vui. Tuy nhiên đôi lúc vui quá cũng dễ sinh ra mất
lòng gây bất hòa nên đâm ra "cà khịa", có nghĩa là nói thọc
ngang, nói xóc hông người khác. Nếu tự ái của người nào
đó bị xúc phạm quá nặng thì người đó có thể lên cơn
giận đột xuất làm cho hệ thống thần kinh không còn làm
chủ được cái lưỡi phát âm khiến cho nói không nên lời,
mà cứ lắp ba lắp bắp vấp váp thành ra "cà lăm". Đúng ra
thì cà lăm chính là tên gọi của một khuyết tật về nói
bẩm sinh nơi một vài người mà khi sinh ra đã được trời
ban cho họ một bộ máy phát âm không hoàn chỉnh, còn người
bình thường thì chỉ cà lăm tạm thời rồi hết một khi cơn
tức khí xung thiên đã qua đi.
Mặc dầu đã có nhiều tiếng được ghép với tiếng cà để
diễn tả cái dở cái yếu kém nơi sự vật hay con người như
đã nói trên, nhưng còn một tiếng nữa đáng nói đến nhất
là tiếng "cà chớn". Thật ra thì tôi cũng không biết định
nghĩa tiếng cà chớn này như thế nào vì tôi không có khả
năng làm tự điển, nhưng thường thì tiếng này được dùng
để nói về người và cứ xem trong mối tương quan xã hội
của mọi người đối với nhau thì người bị cho là cà chớn
là người hay có những thái độ bốc đồng, những cách hành
xử như ưa thọc gậy bánh xe hay phá thối những công việc
chung, ăn nói thì lời lẽ tiền hậu bất nhất v.v...
Anh nào mà xây mộng ước với một cô nàng cà chớn là có
ngày bị leo cây. Một ông chồng hiền lành mà rước được
một bà vợ cà chớn là coi như cuộc đời và sự nghiệp
cũng tiêu tùng. Bà vợ nào mà lấy phải một ông chồng cà
chớn là chỉ ôm hận. Làm ăn với người cà chớn có ngày
vỡ nợ. Kết bạn với người cà chớn có ngày mang họa vào
thân hoặc bị bán đứng. Đất nước mà được lãnh đạo
bởi các chính khách cà chớn thì dân chúng chỉ có nước bị
gậy ăn mày.
Khuyết Danh |