Home Tìm Ca Dao Trợ Giúp Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
   Áo Yếm và Ca Dao

 

Áo Yếm Việt Nam, "truyền thống" nhưng…thật "sexy"


Hỡi cô mặc áo yếm hồng
Đi trong đám hội có chồng hay chưa?...
Cô kia yếm trắng lòa lòa
Lại đây đập đất trồng cà với anh.
Bao giờ cà chín cà xanh
Anh cho một quả để dành mớm con.

  
 
  
Phụ nữ Việt ở mọi tầng lớp giai cấp xã hội đều mặc yếm, từ các tôn nữ công chúa nơi thâm cung, các phu nhân tiểu thư của những gia đình quý tộc, đến những người phụ nữ bình dân tần tảo, vất vả sớm hôm để nuôi chồng, nuôi con. 
  
 
  
Một số nhà nghiên cứu cho rằng chiếc yếm được ra đời là để tôn lên cái lưng ong vốn được xem là một nét đẹp của người phụ nữ trong văn hóa Việt Nam. Theo quan niệm truyền thống của người Việt, một cô gái đẹp là phải có cái lưng được thắt đáy nhỏ nhắn như cái lưng ong.
  
 
  
Hình dạng của chiếc yếm có thể là đã được thay đổi theo thời gian nhưng nó lần đầu tiên được ghi nhận vào thế kỷ 12 dưới triều Lý.  
  
 
  
Vào thế kỷ 18-19, chiếc yếm có hình vuông vắt chéo trước ngực, góc trên khoét làm cổ, hai đầu đính mẩu dây để cột ra sau gáy. Nếu cổ khoét tròn gọi là yếm cổ xây, cổ nhọn đầu hình chữ V gọi là yếm cổ xe, đáy chữ V mà sẻ sâu xuống gọi là yếm cổ nhạn. Hai góc hai bên có dây để buộc ra sau lưng. 
  
 
  
Màu sắc yếm nói lên khá nhiều về người chủ của nó: Người lao động đồng ruộng mặc yếm màu nâu bằng vải thô. Con gái nhà gia giáo thì mặc yếm nhiều màu trang nhã và kín đáo. Người lớn tuổi mặc yếm màu thẫm. Kiểu yếm màu sặc sỡ, cổ khoét sâu thì ít người dùng. 

  
 
  
Yếm thường được dùng kết hợp với áo cánh hoặc áo dài, mặc với nón quai thao, khăn nhiễu và khăn mỏ quạ. 

  
 
  
Hình ảnh chiếc yếm đã đi sâu vào ca dao Việt Nam. Nó đã trở thành một chủ đề quán xuyến quen thuộc, tạo nên sự lãng mạn và đáng yêu cho những câu thơ ca tình tứ của dân tộc. Từ những câu tỏ tình của các chàng trai trong các cuộc gặp gỡ: 
Hỡi cô mặc áo yếm hồng 
Đi trong đám hội có chồng hay chưa?... 
Cô kia yếm trắng lòa lòa 
Lại đây đập đất trồng cà với anh. 
Bao giờ cà chín cà xanh 
Anh cho một quả để dành mớm con. 
 
  
 
  
Cho đến câu nhớ nhung, mong đợi của kẻ xa quê: 
Mình về mình có nhớ chăng. 
Ta về như lạt buộc khăn nhớ mình. 
Ta về ta cũng nhớ mình. 
Nhớ yếm mình mặc, nhớ tình mình trao. 
  
  
 
  
Rồi chiếc yếm lại trở thành vật trao tình của các cô gái trẻ. 
Yêu anh thì mới trao yếm cho anh. Khi anh hỏi mượn em chiếc yếm là ý anh muốn hỏi em có yêu anh không, có đồng ý theo anh không. 
Thuyền anh ngược thác lên đây. 
Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền. 
Ở gần mà chẳng sang chơi. 
Để em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu. 
Mồng tơi chẳng bắc được đâu. 
Em cởi dải yếm bắc cầu anh sang. 
  
 
 
  
Rồi dải yếm lại trở thành một biểu tượng cho tình yêu giữa đôi trai gái: 
Trời mưa trời gió kìn kìn. 
Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông.  
  
 
  
Đối với những đôi trai gái không được nên duyên nên phận vợ chồng như mong ước. Chiếc yếm lại hiện lên trong câu thơ xót thương tiếc nuối của các chàng trai: 
Kiếp sau đừng hóa ra người 
Hóa ra dải yếm buộc người tình nhân. 
  
 
  
Yếm, đã đẹp, lại còn lôi cuốn ở nét vừa kín vừa hở. 
Xem Hồ Xuân Hương tả cô gái sau thì rõ: 
Lược trúc lỏng cài trên mái tóc. 
Yếm đào trễ xuống dưới nương long. 
Ðôi gò Bồng đảo sương còn ngậm. 
Một lạch Đào nguyên suối chửa thông. 

 

 

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 03/12/18