Home Tìm Ca Dao Trợ Giúp Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 

Phụ Nữ Việt Nam Trong Thời Ly Loạn

Trong những thập niên qua, theo sự thăng trầm nổi trôi của đất nước, hình ảnh người phụ nữ VN đã được ghi đậm nét trên trang sử với những hình ảnh tận tụy, hy sinh cả một cuộc đời mình thay chồng nuôi một đàn con chắt chiu, của người vợ băng rừng vượt suối đi thăm nuôi chồng trong trại tù cải tạo, và rồi lại tảo tần bôn ba nơi xứ người để tạo dựng một tương lai tươi sáng hơn cho gia đình.

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi chuân chuyên ....


Là hai câu thơ nói về hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam trong thời ly loạn. Hai câu thơ này là trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, hàm chứa rất nhiều điều mà người phụ nữ VN phải gánh chịu khi đất nước loạn ly, chinh chiến. Nhìn lại đất nước mình, theo chiều dài của dòng lịch sử thì VN là một vùng đất nổi tiếng với ‘nhiều cơn gió bụi’ nhất: hết giặc Tàu lại đến giặc Tây, rồi kinh hãi nữa là giặc.. Cộng Sản! Và ‘khách má hồng VN’ có lẽ là thành phần chịu nhiều nghiệt ngã, oan trái, khổ đau và truân chuyên nhất.

Cũng nói về đề tài này, thi sĩ Lê Khắc Anh Hào đã viết lên những vần thơ diễn tả thân phận của những người phụ nữ VN chân yếu tay mềm, mà đã phải bị gánh chịu biết bao nhiêu là biến động, đau thương đổ ập xuống cuộc đời.. Đến nỗi vì khổ quá nên hình như người ta đã quên đi tất cả những giây phút êm đềm của một thời thời xa xưa, trước năm 1975 ... Hình ảnh người đàn bà, người phụ nữ, người thiếu nữ Việt Nam... trong thi ca, đa số ta thấy ẩn hiện trong những dòng thơ tình, với nhiều yêu thương, lãng mạn, có khi tuyệt vọng, có lúc tuyệt vời... Thế nhưng trong xã hội chủ nghĩa thì những hình ảnh trên, từ những ‘ru với gió, mơ theo trăng và thơ thẩn cùng mây’ đã rơi xuống tận địa ngục trần gian, ở ngay trên quê hương chúng ta một cách rất là phũ phàng...

Quỳnh Lưu xin được phác họa một số hình ảnh, một số nét đau thương của những người mẹ già VN, của những bất hạnh chết người của người phụ nữ dưới khung trời Xã hội chủ nghĩa, qua những cái chết tức tưởi oan khiên giữa vùng biển rộng sông dài, của những người thiếu nữ VN liều thân vượt biển đi tìm tự do năm nào... Khi nói về hình ảnh người mẹ đau khổ VN, thì chúng ta đã có biết bao nhiêu người mẹ đau khổ như trong thơ của Nguyễn Chí Thiện:.


Giờ hẳn mẹ mỗi khi ngồi cầu lễ
Cho đứa con tù bệnh chốn rừng sâu
Chiếc áo hoa hiên cũ đã bạc mầu
Phải đẫm ướt hết bao hàng lệ ?.


Cũng trong thơ của Nguyễn Chí Thiện, ta còn thấy có những hình ảnh nữa, cũng buồn não nề không kém:.

Trên bìa sách bụi bàn con
Bóng mẹ già sầu muộn héo hon
Quờ tay rờ mó
Nắm tóc, củ gừng đánh gió lưng con
Chiều âm thầm lạnh tắt trên non ...


Trong khung cảnh quê nhà buồn hiu hắt và trong ngôi nhà lạnh lẽo đó, khi đứa con đã đi xa.. giống như biết bao nhiêu hoàn cảnh của các bà mẹ VN khác, nhà thơ Trần Trung Đạo đã viết:.

Mẹ vẫn ngồi đan một nỗi buồn
Bên đời gió tạt với mưa tuôn
Con đi góp lá nghìn phương lại
Đốt lửa cho đời tan khói sương.


Trong những câu thơ, thường hay nói đến lãng đãng khói sương, thế nhưng trong thơ trong văn là khói sương mơ mộng, còn trong thơ của Trần Trung Đạo thì lại là khói sương của khổ đau... Và cả khói sương hận thù nữa, chẳng hạn như hình ảnh của một bà mẹ sau đây, cũng trong thơ của Trần Trung Đạo:

Có lần tôi đi ngang qua vỉa hè Đồng Khởi
Một bà ôm chiếc gối đứng hát như người say
Người biết chuyện cho hay
Chồng bà đưa ra Bắc
Từ khi con trai mất
Bà trở thành người điên ...


Chao ôi là đau đớn, đau khổ tận cùng.. và sau năm 1975, đã có rất nhiều cảnh đời như vậy... Còn một bài thơ nữa cũng của thi sĩ Trần Trung Đạo, đó là bài thơ mang tựa đề ‘Góc phố xưa, nơi mẹ vẫn ngồi’, cũng đau thương không kém:

Ai mang em trên đường đi vượt biển
Chẳng kịp về thăm góc phố năm xưa
Em bỏ đi như lá bỏ quên mùa
Như giọt nước quên tấm lòng biển cả
Không địa chỉ, không người quen phố lạ
Mẹ cố chờ con gái trở về đây
Bao mù đông thương nhớ nặng vai gầy
Mẹ gục chết âm thầm trên góc phố ..


Có lẽ người con gái ấy vượt biển đi tìm tự do ra đi vội vã nên đã không kịp liên lạc với mẹ chăng? và cũng có thể vì cô còn đang kẹt tại một trại tỵ nạn nào đó trong vùng Đông Nam Á, hoặc cô đã bị mất tích trên biển Đông ???.

‘Không địa chị, không người quen phố lạ
mẹ cố chờ con gái trở về đây...’.


Biết bao nhiêu mùa đông trôi qua, bà mẹ mỏi mòn cố chờ con nơi góc phố lạnh lẽo,
để một ngày kia.. người mẹ ấy đã âm thầm gục chết.. buồn quá, phải không thưa quý vị?
Cùng với những bà mẹ VN bất hạnh đó, thi sĩ Lê Khắc Anh Hào đã có những dòng lục bát viết về bà cụ thân sinh của ông còn ở lại quê nhà, hơn 16 năm rồi chưa được gặp. Hình ảnh của mẹ ông đã được ghi lại như sau:


Mẹ chong đèn đợi canh khuya
Đợi trăng về với bốn bề hư không
Chắp tay mẹ vái mấy vòng
Hiển linh đâu? Chỉ những giòng lệ sa
Mười năm tàn úa phôi pha
Trang thư con gửi nhạt nhòa lệ ai?
Lệ con hay mẹ thở dài?
Từng trang đau xót, đoạn đoài con ơi!
Tay cao với tận đỉnh trời
Vầng trăng cốt nhục rối bời thâu đêm
Sáng ra đoạn ruột úa mềm
Mẹ buông tóc rũ trắng thềm chia ly....


Đọc lại những dòng thơ thương tâm của Nguyễn chí Thiện, chúng ta nhận ra những nét điển hình đau khổ, mỏi mòn của những bà mẹ VN có con bị tù đày trong các trại tù Cộng Sản. Với thơ của Trần Trung Đạo, chúng ta thấy được hình ảnh của những bà mẹ VN bất hạnh, úa tàn với nỗi tuyệt vọng, tuyệt vọng hơn cả những nỗi chia ly, ngăn cách nghìn trùng: những người mẹ đã trở thành điên loạn khi chồng bị đi tù, con thì bị chết, những người mẹ mỏi mòn chờ tin con trong cảnh sống không nhà... gục chết nơi góc phố hoang lạnh. Và rồi trong thơ của Lê Khắc Anh Hào, ta lại thấy những người mẹ đau khổ thương nhớ người con đã ra đi, cách xa vạn dặm...

Ngoài những hình ảnh của người mẹ VN đau khổ qua những giòng thơ nói trên, còn có những hình ảnh khác, cũng phủ chụp một cách nghiệt ngã lên thân phận người phụ nữ VN. Trước hết là bài thơ ‘Đừng Trở lại’ của Trần Trung Đạo diễn tả tâm tình của người ở lại:


Anh ra đi phố phường xưa đổi khác
Ngọn đèn xanh le lói bóng ga chiều
Những kỷ niệm vàng hoe trên mái tóc
Tóc em buồn từng sợi rối đêm khuya
Anh ra đi cửa lòng em đã đóng
Với đau thương chồng chất tuổi xuân thì
đừng trở lại chẳng còn ai mong ngóng
Xuân đã tàn từ độ én bay đi.


Anh ra đi cửa lòng em đã đóng, anh ra đi... tóc em buồn từng sợi rối đêm khuya, anh ra đi với bao nhiêu là đau thương ‘chồng chất tuổi xuân thì’.. Người chồng, người thanh niên ấy ra đi, có thể là vượt biển, có thể là vào nhà tù cộng sản... cũng là ý nghĩa của sự ra đi, của chia ly, nhưng.. ý sau thì.. sầu muộn hơn nhiều... nỗi muộn phiền tàn úa hơn nhiều... sự ra đi đó, sự chia ly đó, nó bỗng trở nên đau khổ hơn, đau khổ vô cùng tận. Nhất là của những người phụ nữ VN có chồng bỏ thân trong trại tù cộng sản, như bài thơ Giọt lệ người tù dưới mộ mùa Xuân của thi sĩ Lê Khắc Anh Hào:

Hồng trần từ thuở chia tay
Áo em lệ đẫm nát ngày chia ly
Mùa Xuân vỡ nát lời thề
Súng gươm anh bỏ bên lề bại vong
Tử sinh kiềm tỏa mấy vòng
Gió bay đầu mộ sắc hồng phù vân
Thôi rồi bỏ lại ái ân
Thôi rồi bỏ lại đường trần em côi
Buổi thăm nuôi, anh mất rồi!
Lệ em đổ xuống mảnh đời vỡ tung
Thương đau ..ôi .. hận trùng trùng
Anh thân dưới huyệt vô cùng xót em!


Sau năm 1975, không phải chỉ có những quân nhân, công chức cao cấp trong chế độ cũ là phải đi tù, mà còn có rất nhiều người âm thầm hoạt động mong giải phóng quê hương, chẳng may bị CS bắt giữ vì tội, mà người CS gọi là chống phá chế độ, chống phá cách mạng. Họ có thể là những người thanh niên, sinh viên rất trẻ, đầy nhiệt huyết, hoặc là những người can đảm, chấp nhận hy sinh, rời xa mái gia đình êm ấm, xa vợ con thương yêu, xa cuộc sống vật chất no đủ, để âm thầm hoạt động với hoài bão mang đến tự do dân chủ cho Việt Nam. Như một nhà thơ cách mạng nào đã viết: Chúng ta không thể quên, không thể không nhắc tới những người chiến sĩ quốc gia ấy, chúng ta không được phép quên lãng... Và bây giờ là hình ảnh của các thiếu nữ VN đang bị giam giữ trong nhà tù CS, sau đây là những tình cảm dành cho dành cho những nữ tù nhân chính trị này:

Hỏi người vá núi chắp sông
Vết thương còn rỉ máu hồng bắc nam
Hiển linh tổ quốc âm thầm
Vẫn cưu mang những hạt mầm tự do

Vẫn trong những vần thơ chiến đãu, thi sĩ Lê Khắc Anh Hào đã vẽ nên một hình ảnh rất đẹp, rất mơ mộng và cũng rất thiết tha tình yêu tổ quốc như:

Đầu sông em giặt áo hồng
Cuối sông hoa nở theo dòng phù sa
Hỏi em còn nặng mẹ cha
Theo anh với gánh sơn hà được chăng ?


Chúng ta cũng không thể không ngậm ngùi, thương cho những đôi lứa yêu nhau, vì lý tưởng mà phải hy sinh tình yêu để chấp nhận chia ly, thế nhưng họ vẫn giữ vững tinh thần và dành cho nhau tình cảm thật đẹp, thật chung thủy như:

Thương người đất đợi bình minh
Thương hoa rừng cũng cựa mình xót xa
Thương em xõa tóc nắng ta
Tóc dăng kín nẻo quan hà.. tiêu sơ
Sợi buồn khóc với âm thơ
Thương ai em đợi bóng cờ quốc gia


Từ trong VN cũng đã có những gói quà nội địa của các thiếu nữ gửi ra hải ngoại cho người yêu, đó là những vần thơ như sau:

Gửi anh tổ quốc chết dần
Gửi anh xiềng xích đang cần vỡ tung
Gửi sang anh những vô cùng
Nỗi đau lịch sử trùng trùng bắc nam
Gửi sang anh những thanh âm
Lời thiêng sông núi thét gầm truông sâu ...


Những món quà ấy không phải chỉ là những nỗi u sầu tuyệt vọng. Người trẻ VN tại quê nhà vẫn có những niềm tin và hy vọng, nhất là sau khi bức tường Bá Linh bị xụp đổ, hòa trong niềm vui của thế giới tự do, họ đã gửi cho nhau món quà khác như:

Gửi cho anh chút lửa Đông Âu
Gửi anh hơi thở nhiệm mầu tự do.


Bây giờ là một trong những hình ảnh đau xót khác của những cô gái bị bắt buộc phải đi lao động, rời thành phố lên vùng kinh tế mới, khỉ ho cò gáy. Ngày đó, nước Cộng Hòa Xã hội chủ nghĩa... Việt cộng... trở thành trung tâm tàn phá sắc đẹp của người phụ nữ VN, và đã được diễn tả qua những câu thơ như:

Gót sen em hiện dấu cằn
Niềm đau sông núi vết hằn đời em
Năm dài trũng mắt thâu đêm
Em như hoa rụng bên thềm sớm mai
Ngày lên đội vạt nắng say
Tay em vỡ đất chôn ngày tháng Xuân.


Kể từ sau khi cả miền nam VN nhuộm mầu cờ đỏ, chúng ta ai nhớ lại ngày ấy cũng vẫn còn thấy còn rợn người, cả một nỗi kinh hoàng và tuyệt vọng. Lê Khắc Anh Hào đã viết về tâm sự của một thiếu nữ trong bài thơ Cờ Đỏ và người con gái VN như sau:

Cuối sông cờ dựng bên cầu
đầu sông giăng đỏ một mầu quan san
Cờ bay đoạn ruột, bầm gan
Tóc em tơi tả dưới hàng cờ sao
Bầm tay ngọc, nát thân đau
Ngẩng lên tổ quốc một mầu xác xơ
Nón che vạt nắng nghiêng cầm
Tay tiên gạt giọt lệ thầm ứa tuôn
Anh ơi, nhân loại mê cuồng
Cỏ cây còn biết cội nguồn khổ đau ...


Cỏ cây còn biết đau, thế mà tại sao con người lại hành hạ con người như vậy? Nhất là khi đất nước đã được gọi là thống nhất hòa bình, tại sao vẫn còn đầy dẫy khổ đau? Và trong cái kiếp nạn của dân tộc VN thời ấy, ở tận cùng đáy của bất hạnh, vẫn là hình ảnh của những người phụ nữ, những em gái, những em thơ VN, bập bềnh với tay tuyệt vọng trên biển cả, để rồi chìm sâu trong lòng đại dương mênh mông, trên những chuyến hải trình không đến được bến bờ tự do, vì bão tố, hải tặc hay do mìn của cộng sản gài trong những chiếc ghe, sau khi họ đã vơ vét hết của cải, tiền bạc của đồng bào. Xin hãy lắng nghe những lời thở than đớn đau đó:

Ngờ đau giông chợt bừng bừng
Sóng cao dựng đứng mấy từng âm cung
Ôi.. em chết giữa bão bùng
Chìm theo em, một mảnh hồn vỡ tan
Thương em đành đoạn ngút ngàn
Chiều ra biển vực cát vàng tìm em
May ra nấm cát anh tìm
Bóng em không lại ẩn chìm đâu đây


...đau khổ hơn nữa là có những người khi tìm đến được bến bờ tự do, họ lại bị từ chối, bị đuổi ra khơi, và những thuyền nhân khốn khổ ấy đã phải tiếp tục cuộc hải trình vô vọng, rồi chiếc ghe đó đã bị sóng lớn đánh chìm, mấy chục mạng người VN như những giọt nước, tan giữa lòng biển vô tình của thế giới văn minh, có vô số những hội bảo vệ và tranh đấu cho quyền sống của súc vật.. Nghĩ lại.. nhớ lại.. ta cảm thấy hình như lương tâm nhân loại đã không còn nữa... Có lẽ không có một lời nào, không còn một lời thơ nào, đủ khả năng để nói hết những đau thương vô cùng tận này... Xin hãy đừng quên những đồng bào kém may mắn đó, hãy cùng nhau dâng lời cầu nguyện cho những người đã mất, đã hy sinh cho lý tưởng cao đẹp. Cầu mong cho đất nước VN sớm có tự do, nhân quyền được tôn trọng, để dân tộc ta có thể ngẩng mặt sánh vai vùng thế giới, bước vào một kỷ nguyên mới... Gần 25 năm rồi, gần 1 phần tư thế kỷ rồi, tại sao nước VN ta vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới ?

Đó thật là những suy nghĩ từng làm nhức nhối những con tim Việt Nam chúng ta... Mong sao những người phụ nữ Việt sớm thoát khỏi những khổ nạn khi chế độ bạo tàn này bị chấm dứt....


by Quỳnh Lưu

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 03/12/18