Home Tìm Ca Dao Trợ Giúp Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
   
TRÊN QUÊ HƯƠNG NGÀY XƯA
 
                                                            Đào Đức Nhuận
 
            Có người bảo “Quảng Ngãi hay co”, và họ cho đó là điều không tốt.
            Lại có người bảo “Quảng Ngãi đãi ra sạn”, và họ cũng cho đó là điều không tốt.

 

            Tôi nghĩ khác. Tổ tiên của người Quảng Ngãi một phần là “tội đồ” của chính quyền phong kiến bị đày vào vùng đất ngoại biên này để làm phên giậu cho đất mẹ ở phía bắc. Hạng “tội đồ” này phần lớn là những người chống đối sự cai trị hà khắc  của triều đình. Một phần khác trong số họ là binh lính đi theo các quan cai trị trấn đóng vùng đất mới chiếm của Chiêm Thành. Chẳng hạn như binh lính dưới quyền của Trấn Bắc Quận Công Bùi Tá Hán (1496- 1568). Nhóm “tội đồ” lúc nào cũng mang trong người dòng máu “phản kháng”. Nhóm binh lính lúc nào cũng mang trong người dòng máu “can cường”. Dòng máu “phản kháng” đó, dòng máu “can cường” đó luôn luôn chảy trong huyết quản của người dân Quảng Ngãi. Nó sẽ bùng lên mỗi khi bị chèn ép. “Co” là nguồn chủ lưu của dòng máu “phản kháng” và “can cường” đó.

 

            Quảng Ngãi ta ngày xưa nghèo lắm. Chính sử quan triều Nguyễn cũng đã xác nhận trong Đại Nam Nhất Thống Chí : “Quảng Ngãi đất xấu, dân nghèo, tính tình kiệm ước. . .”

 

            Không “đãi ra sạn” làm sao được một khi nợ áo cơm  vẫn ngày đêm giằng thúc con người ! Một số trong chúng ta thường đánh giá “đãi ra sạn” theo cái nhìn phiến diện của người ngày nay. Nhưng nếu chúng ta chịu đặt mình vào vùng đất nghèo nàn này khoảng một trăm năm về trước, và lùi xa hơn nữa, chúng ta sẽ hiểu tại sao tổ tiên của chúng ta đã phải “đãi ra sạn”.

 

            Quảng Ngãi nằm trong một địa thế luôn luôn phải hứng chịu  những thiên tai khủng khiếp. Có lẽ không năm nào đất Quảng quê ta không có giông bão hay lụt lội. Đất đai thì cằn cỗi vì đầy những núi và đồi. Thực vậy, Quảng Ngãi là một dải đất hẹp nằm ép giữa rặng Trường Sơn và biển Đông. Từ Dốc Sỏi, địa đầu phía bắc Bình Sơn vào đến đèo Bình Đê, địa đầu phía nam Đức Phổ, có biết bao nhiêu là núi cùng đồi nhô lên giữa các cánh đồng hẹp: nào Trà Quân, Tham Hội, Thình Thình . . . ở Bình Sơn, nào núi Tròn, núi Sứa, Long Đầu, Thiên Ấn . . . ở Sơn Tịnh, nào Phú Thọ, Thiên Bút, La Hà, An Đại . . . ở Tư Nghĩa, nào Đình Cương, Đầu Tượng . . . ở Nghĩa Hành, nào núi Vom, Ông Đọ, Văn Bân . . . ở Mộ Đức, nào núi Dâu, núi Dàng . . . ở Đức Phổ . . .

 

            Những ngọn núi, những đường đèo trên quê hương đó một phần đã được ghi lại bằnng những câu ca dao ngọt lịm tình người :

 

Núi Thình Thình, chùa cũng Thình Thình
Ai lên tới đó cho mình hỏi thăm :
Vì đâu nên tiếng, nên tăm
Để cho miếng đất nghìn năm thình thình !

 

            Đây là ngọn núi nằm về phía nam quận Bình Sơn. Trên núi có ngôi chùa mang tên Viên Giác Tự, nhưng dân địa phương vẫn gọi bằng cái tên dân dã quen thuộc: Chùa Thình Thình. Sở dĩ có tên gọi nầy là vì ở về phía tây ngôi chùa có một khoảng đất rộng, mỗi khi có bước chân người đi trên đó nghe như có âm vang “thình thình” vọng lên từ lòng núi.

 

                        Sơn Tịnh có núi Chân Trâu,
                        Có bàu Ông Xá, có cầu Rồng Xanh (?)
            Lại có câu:
                        Sông Trà có núi Long Đầu,
                        Nước kia chảy mãi, rồng chầu ngày xưa.

 

            Núi Long Đầu, dân gian vẫn gọi là núi Đầu Rồng, là phần nối dài của dãy Tham Hội khởi đi từ phía nam quận Bình Sơn, nhấp nhô như hình một con rồng đang trườn mình về phía nam vào đến sông Trà Khúc thì đầu rồng thả vòi xuống sông hút nước: núi Đầu Rồng. Núi Đầu Rồng (Long Đầu) có liên hệ tới câu chuyện “Cao Biền Trảm Long” và đã để lại câu tục ngữ:

 

                        Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non.

 

            Nằm về phía tây Long Đầu một đoạn đường dài là núi Tròn, và về phía đông một đoạn đường ngắn là núi Thiên Ấn mà ngày xưa dân gian vẫn quen gọi bằng cái tên nôm na: núi Hó.
Sớm mai xuống Quán Cơm
Thấy hòn núi Hó
Chiều về Đồng Có
Nhìn ngọn núi Tròn
Về nhà than với chồng con
Ra đi gan nát, dạ mòn vì đâu?!

 

            Hay:    Qua chùa núi Hó
                        Thắp bó nhang vàng
                        Xin cho bạn cũ lai hoàn như xưa . . .

 

            Núi Tròn còn có tên là núi Bình Nin. Ngày xưa trên núi nầy có nhiều khỉ sinh sống, dân gian vẫn thường gọi là khỉ Bìn Nin.

 

            Núi Hó tức núi Thiên Ấn. Ngày xưa núi Thiên ấn được bao phủ bởi một rừng tranh, những vùng tranh non có màu xanh mướt, những vùng tranh già ngả sang màu vàng đất. Đứng từ xa nhìn về Thiên ấn thấy những mảng màu xanh vàng lấp loáng bên nhau dưới ánh mặt trời trông thật ngoạn mục. Rừng tranh Thiên ấn đã trở thành những biểu tượng nói về tình yêu :

 

                        Ngó lên Thiên ấn nhiều tranh 
                        Liều mình lén mẹ theo anh phen này . . .
             Hay:   Bao giờ núi Ấn hết tranh
                        Sông Trà hết nước anh mới đành xa em

 

              Thiên ấn được xem là “Đệ nhất danh thắng” của Quảng Ngãi. Trên núi, ngoài ngôi chùa Thiên ấn rất nổi tiếng, còn có ngôi mộ của nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1875-1947).

 

            Thiên ấn là một hòn núi khá đẹp và có lẽ trên hành tinh của chúng ta ít có ngọn núi nào có hình dáng tuyệt vời như hòn Thiên ấn. Từ tứ phương tám hướng, đứng ở bất cứ nơi nào nhìn về, Thiên ấn cũng mang một hình dáng duy nhất: hình thang cân. Có lẽ do đó mà nó được mang cái tên thật xứng đáng: Thiên ấn (cái ấn của Trời).

 

            Chùa Thiên ấn được xem là ngôi chùa đầu tiên tại Quảng Ngãi nên chùa vẫn được gọi là Tổ Đình Thiên ấn. Tồ Đình Thiên ấn nguyên là một ngôi thảo am được Pháp Hóa Hòa Thượng cho xây cất vào năm ất Hợi (1695) đời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) và ngài được phong là Đệ Nhất Tổ. Cạnh chùa có giếng nước sâu trên 20 thước. Tương truyền khi Pháp Hóa Hòa Thượng phát nguyện cho đào giếng thì có một nhà sư trẻ đến chùa xin tá túc và tiếp tay đào giếng với Hòa Thượng. Đến khi giếng có nước, nhà sư trẻ cũng biến đi đâu mất, không ai biết tăm dạng nơi đâu. Thế nên dân gian còn lưu truyền câu ca dao:

 

                        Ông thầy đào giếng trên non
                        Đến khi có nước không còn tăm hơi.

 

            Vào năm 1751, khi giữ chức Tuần Vũ Quảng Ngãi, Đạm Am Nguyễn Cư Trinh (1716-1761) đã nhìn núi La Hà thuộc quận Tư Nghĩa như một thắng cảnh và căn cứ theo một câu chuyện dân gian xa xưa, ông đã đặt cho nó cái tên được lưu danh cho đến ngày nay: La Hà Thạch Trận.

 

                        La Hà Thạch Trận là đây
                        Bốn phương tứ hướng đá xây trận đồ !

 

            Tiếc thay dấu tích “đá xây trận đồ” ngày xưa đã bị bàn tay của con người ngày nay phá đi gần hết bởi cái nạn “chẻ đá” để lấy đá làm móng nền nhà!
            Lần về phía đông ta lại gặp :
Tư Nghĩa cửa Đại là đây:

 

Gành Hào, núi Quế đá xây nên chùa
Dưới thời bông súng nở đua,
Ngó lên trên chùa đá dựng, kiểng giăng.
Ngó quan bên xóm Trường An
Ngó xuống hòn Sụp cát vàng soi dương.
            Vào Đưc Phổ ta gặp núi Xương Rồng:
                        Quê em có núi Xương Rồng,
                        Có cửa Mỹ Á, có sông Thủy Triều.

 

            Lên miền tây ta lại gặp núi Quẹo được dân gian ghi lại bằng những vần ca dao thật tài tình:

 

Sáng mai anh thức dậy
Anh xách cái rựa quéo
Anh lên hòn núi Quẹo
Anh đốn cây củi còng queo!
Anh than với em cha mẹ anh nghèo,
Đũa tre yếu ớt không dám quèo con mắm nhum!

 

            Nhum là một loại hải sản giống như con hến lớn, vỏ mỏng hình rẽ quạt. Ruột nhum có thể ăn tươi hay làm mắm.

 

            Núi đồi nhiều thì đường đèo cũng nhiều.

 

            Ở Mộ Đức ta gặp đèo Đồng Ngổ:
Đèo nào cao bằng đèo Đồng Ngổ
Bộ nào rộng bằng bộ An Ba.
Thấy anh ăn noi thật thà
Muốn vô gầy dựng cửa nhà cùng anh.

 

Ở Đức Phổ ta gặp đèo Sơn Cốc, đèo Mỹ Trang:
Đèo nào cao bằng đèo Sơn Cốc
Dốc nào ngược bằng dốc Mỹ Trang
Một tiếng em than hai hàng lụy nhỏ
Phụ mẫu già rồi biết bỏ cho ai!
            Ở Nghĩa Hành ta gặp đèo Eo Gió:
Đèo nào cao bằng đèo Eo Gió,
Cỏ nào xanh bằng cỏ Hố Cua
Bao giờ cho đến gió mùa
Trèo đèo, vượt suối dám đua bạn cùng!

 

            Vào một thuở thật xa xưa, con đường thiên lý Bắc-Nam chỉ là một con đường được đắp bằng đất. Nhiều đoạn đường phải vượt đèo, băng sông. Nhiều đoạn đường phải luồn lách qua những truông dài, rừng rậm. Bọn thảo khấu thường lợi dụng những đoan đường nầy để làm địa bàn hoạt động, cướp bóc khách bộ hành.

 

            Để nói lên nạn thảo khấu nầy, dân gian miền bắc Trung Phần đã từng truyền tụng câu ca dao:

 

Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Yêu em anh cũng muốn vô
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang . . .

 

            Đoạn đường thiên lý Bắc-Nam chạy ngang qua địa phận Quảng Ngãi ta ngày xưa cũng gặp phải nạn thảo khấu tương tư ï:
Đưa anh về Quảng em lo
Ao Vuông là một, Ba Gò là hai.
Kiêng dè trong buổi hôm mai
Đàng trong ổ cướp, đàng ngoài hùm beo.
            Hay:    Cách sông nên phải lụy đò,
                        Cách truông Ba Gò nên phải lụy anh !

 

            Ao Vuông ngày xưa thuộc miền bắc Bình Sơn. Truông Ba Gò nằm giữa địa phận hai quận Bình Sơn và Sơn Tịnh. Xưa nơi đây là vùng cỏ cây rậm rạp, bọn thảo khấu mặc sức tung hoành!

 

            Quảng Ngãi là vùng lắm núi, nhiều rừng. Dân chúng miền cận sơn phải thường xuyên đối phó với nạn phá hoại của thú rừng. Dân chúng Mộ Đức còn truyện tụng câu:

 

Phèng la xóm Bầu,
Trống chầu Thi Phổ,
Mõ gỗ Thuận Yên.

 

            Xóm Bầu thuộc xã Đức Thạch, có con mương Bà Hệ là mạch sống của dân làng. Vào mùa mưa lũ, con mương đầy phù sa. Sau mùa lũ, dân làng phải vét mương để đem nước vào ruộng. Phèng la là tiếng báo hiệu cho dân làng biết mỗi khi cần tập trung để vét mương.

 

            Thi Phổ thuộc xã Đức Vinh lại có tiếng trống chầu nhằm thúc giục, cổ võ dân làng đắp đập hay sửa đập Thi Phổ trước mùa mưa lũ và đặc biệt là báo động cho dân làng mỗi khi con đập sắp bị nước lũ xoang. Dân Thi Phổ còn truyền câu:

 

                        Dù ai tế lễ nơi đâu,
                        Ngũ liên Thi Phổ mau mau trở về

 

            Ngũ liên tức 5 hồi trống liên tục báo hiệu con đập sắp bị nước xoang!

 

            Làng Thuận Yên thuộc xã Đức Sơn có 3 mặt giáp với núi đồi trùng điệp. Tuy là một vùng cận sơn hẻo lánh nhưng đất đai màu mỡ nên dân chúng kéo nhau về đây sinh sống mỗi ngày mỗi đông. Tai nạn thường trực của dân làng Thuận Yên chính là dã thu ù: cọp, heo rừng, voi . . .Tiếng mõ được phân biệt để dân làng biết mà đối phó. Cái mõ đối với dân làng Thuận Yên thật cần thiết và cũng thật mầu nhiệm :

 

                        Ai về thăm xứ Thuận Yên
                        Vang vang tiếng mõ là kiêng dân làng.

 

            Hay:    Ông mõ lẫm liệt oai phuông
                        Ông kêu thú dữ tìm đường cút xa !

 

            Đất Quảng Ngãi tuy nghèo nhưng cũng đả sản sinh ra nhiều đặc sản đáng trân quý :
Chim mía Xuân Phổ
Cá bống sông Trà
Kẹo gương Thu Xà
Mạch nha Thi Phổ.
       Ngoài nông sản chính là lúa, người nông dân Quảng Ngãi còn sống nhờ vào nguồn lợi trồng mía:
                        Đi qua lò mía thơm đường
                        Muốn vô kết nghĩa cang thường cùng ai !

 

Làng Xuân Phổ thuộc xã Tư Thịnh (Tư Nghĩa) nằm sát bờ phía nam sông Trà Khúc trồng rất nhiều mía. Hàng năm, vào cuối Thu sang Đông, khi mía đã bắt đầu trổ cờ, vào những lúc chạng vạng, từng đàn chim hàng ngàn con gồm co ù: chim chéo, chim chìa vôi, chim áo già, chim dồng dộc . . . sà xuống những cánh đồng mía để ngủ qua đêm. Dân chúng dùng lưới vó để bắt chim. Loại chim mía nầy thường được đem nướng để làm món nhậu thật tuyệt.

 

Sông Trà Khúc có loại cá bống thật ngon, đó là cá bống cát. Xưa đất Quảng Ngãi ta nổi tiếng về món cá bống kho tiêu:

 

            Anh đi anh nhớ quê nhà
            Nhớ món cá bống sông Trà kho tiêu !
Hay:    Đi đâu cũng nhớ Thu Xà
            Nhớ mùi cá bống mặn mà hương tiêu !
Món cá bống kho tiêu ngon lành làm vậy nên có nhiều chàng trai đã tìm cách trêu chọc các cô :

 

Bậu ra bậu lấy ông câu
Bậu câu cá bống chặt đầu kho tiêu.
Kho tiêu, kho ớt, kho hành,
Kho ba lạng thịt để dành mà ăn !

 

            Nói đến đặc sản của sông Trà Khúc, ngoài món cá bống, cá thài bai, còn có món “don”, một món ăn đặc biệt Quảng Ngãi cũng thật hấp dẫn. Don là một loại hến đòn xóc, chỉ sinh sản ở vùng nước chè hai trên đoạn sông từ Tư Bình (Tư Nghĩa) xuống đến gần cửa biển. Đây được xem là quê hương duy nhất của loài “don”. Aên một tô don nóng hổi, dằm một trái ớt sim, vưa ăn vừa hít hà . . . thú tuyệt !

 

            Thế nên ta mới thường nghe câu ca dao :

 

                        Cô gái lòng son,
                        Không bằng tô don Vạn Tượng !

 

            Thực ra Hiền Lương thuộc xã Tư Nguyên mới là nơi có món don ngon nổi tiếng. Dân địa phương cũng đã có câu ca dao nói lên sự quyến luyến của họ đối với những con người sống bằng nghề bán don:
Có nghèo, có khó,
Cũng lấy con vợ bán don
Lỡ khi nó chết cũng còn cặp ui !
            Miền biển Đức Phổ còn lưu truyền câu:

 

                        Mắm Mỹ Á,
                        Cá Vực Tre.

 

            Làng Cổ Lũy ngày xưa khá nổi tiếng nhờ nó là một trong 12 thắng cảnh xưa của Quảng Ngãi : Cổ Lũy Cô Thôn. Cổ Lũy còn được nhắc nhiều nhờ vào nghề dệt chiếu:

 

                        Ai về Cổ Lũy xóm Câu
                        Nhớ mua đôi chiếu đón dâu về làng.

 

            Đất Quảng Ngãi ta nghèo lắm, thế nhưng cũng có một vài địa phương có đời sống tương đối sung túc nhờ vào một vài loại sản phẩm đặc biệt của địa phương, chẳng hạn:

 

                        Tiếng đồn Đông Phước nhiều tre,
                        Tham Hội nhiều lúa, Châu Me nhiều tiền.

 

            Tham Hội và Đông Phước là 2 thôn thuộc xã Bình Hoàng (Bình Sơn), Châu Me thuộc xã Bình Đức (Bình Sơn).
            Trong chúng ta, ai cũng yêu quê hương mình tha thiết. Trong chúng ta, ai cũng tự hào về quê hương của mình :

 

Củ lang mỏng vỏ, đỏ da
Ai về Long Phụng theo ta mà về.
Ai về Long Phụng thì về,
Gần sông tắm mát, chợ kề một bên.

 

            Thôn Long Phụng thuộc xã Đức Phụng, quận Mộ Đức, nằm ven bờ nam sông Vệ. Phổ Minh, một xã mìn biển quận Đức Phổ cũng có câu ca dao gần tương tự:

 

Củ lang mỏng vỏ, đỏ da,
Em muốn về An Thổ theo ta mà về
Hải Môn với bển cùng quê,
Gần sông tắm mát, chợ kề một bên.

 

            Thôn An Thổ nằm bên sông Trà Câu, có ngôi chợ làng tên là chợ Mới.
            Ai cũng muốn khoe làng mình có chợ, có sông, bởi lẽ, người xưa đã từng đưa ra nhận xét: “nhất cận thị, nhị cận giang” (thứ nhất là ở gần chợ, thứ nhì là ở gần sông vì những nơi nầy dễ sinh sống làm ăn).

 

            Mộ Đức là quận có nhiều cánh đồng tương đối phì nhiêu và rộng : đó là đồng Tú Sơn và đồng Chu Me:

 

                        Không đi thì mất lòng chồng,
                        Ra đi thì sợ cánh đồng Tú Sơn.
            Hay:    Không đi sợ mất lòng chồng,
                        Ra đi lại sợ cánh đồng Chu Me.

 

            Tú Sơn là cánh đồng màu mỡ. Dân Tú Sơn tương đối sung túc. Các cô con gái Tú Sơn mỗi lần chải tóc thường xức một chút dầu dừa cho đầu tóc được bóng mượt và đẹp, do đó mới có câu ca dao :

 

                        Gái Tú Sơn đầu trơn như mỡ,
                        Gạo trì trì nứt nở như ươi.

 

            Đối với những kẻ nặng tình với quê hương, mỗi địa danh là một kỷ niệm, mỗi tên gọi là một nhớ nhung

 

Đi ngang qua mũi Sa Kỳ
                        Ngó ra lao Ré xiết chi thảm sầu !

 

            Cù lao Ré là tên gọi nôm na của hải đảo Lý Sơn. Phải chăng trên hòn đảo xa xôi nầy, cặp tình nhân nào đó đã hơn một lần hò hẹn, đã hơn một lần thề thốt nặng lời:

 

Lên núi trồng tỏi,
Xuống đất sỏi trồng hành,
Vái trời cho tỏi tốt, hành xanh,
Chàng mua, thiếp bán kết thành nợ duyên.

 

            Vậy mà giờ đây nợ duyên không thành, khiến cho ai đó mỗi lần nhìn ra hòn đảo ngày xưa mà chợt thấy lòng mình sầu thảm !

 

            Và có lẽ cũng vào một ngày xa xưa nào đó, trên chùa Thiên ấn của hòn núi Hó quê hương cũng đã có một cặp tình nhân nào đó, cũng đã hơn một lần thề thốt nặng lời, vậy mà . . .

 

Qua chùa núi Hó,
Thắp bó nhang vàng,
Xin cho bạn cũ lai hoàn như xưa!
Trông trời chẳng thấy trời mưa,
Lựu tìm đào, đào chẳng tìm lê.
Lên non tìm quế, quế về rừng xanh!
Trách ai treo ngọn, thắt ngành,
Cho chàng xa thiếp, cho anh xa nàng!

 

            Trách ai? Trách Đất, trách Trời? Trách duyên, trách phận? Trách mẹ, trách cha? Trách cho lễ giáo? Nào biết trách ai!

 

            Tình yêu là một thử thách. Phải vượt qua mọi thử thách, mọi trở ngại để đạt mục đích cuối cùng của tình yêu:

 

Anh chẻ tre bện sáo ngăn sông,
Cho đến khi đó vợ, đây chồng hãy hay.
Anh chẻ tre bện sáo cho dày,
Ngăn sông Trà Khúc ắt có ngày gặp em!

 

            Tình yêu là một thử thách. Không phải chỉ là thử thách của một không gian diệu vợi mà con là thử thách của một thời gian dằng dặc :

 

Đồng nào sâu bằng đồng Thi Phổ,
Thổ nào cao bằng thổ Ba Tơ.
Em thương anh chín đợi, mười chờ,
Mía kia lên ngọn trổ cờ đã lâu !

 

            Ba Tơ là tên gọi của đất An Ba ngày xưa, không phải là quận Ba Tơ ngày nay.

 

            Ôi! Ngày xưa một lời hò hẹn kết nghĩa đá vàng, một lời giao ước thủy chung. Vậy mà rồi “chàng âu duyên mới, nỡ phụ tình xưa” :

 

Bước xuống ghe nan,
Chèo sang Bến Thóc,
Vừa chèo, vừa khóc
Kêu: Bớ anh ơi!
Bây giờ duyên mãn, tình ôi,
Để cho người khác đứng ngồi với anh!

 

            Đập Bến Thóc nằm về phía tây quận Mộ Đức.
            Nỗi ghen tuông làm cho ruột gan dường như héo hắt. Thế nhưng, dù cho ai đó có phụ tinh thì nàng vẫn một mực đợi chờ:

 

                        Anh về Mỹ Á chi lâu,
                        Để em ôm chiếc thuyền câu một mình !

 

            Những nàng con gái Quảng Ngãi ngày xưa sao mà chung tình làm vậy:

 

Đời nào bánh đúc có xương,
Dây tơ hồng có lá, nghĩa đá vàng vô tư !
Cửa Tam Quan nước cạn bày cừ,
Biển Sa Huỳnh khô tắc em mới từ nghĩa anh!

 

            Họ luôn luôn thề nguyền một đời gắn bó keo sơn:

 

                        Thuốc ngon chợ Huyện,
                        Giấy quyến Sa Huỳnh.
                        Nẫu xa thì mược nẫu, hai đứa mình đừng xa !

 

            Và họ luôn luôn lo lắng cho người yêu:

 

                        Đò đưa sông Vệ nghenh ngang,
                        Bạn hàng nô nức sao chàng ngồi đây?
            Lo cho cả cha mẹ của người mình yêu:
Ăn chanh chíp miệng chua chua,
Em đưa anh cho đến Chợ Chùa xa xa.
Mảng lo cha yếu mẹ già,
Đặt chân xuống đất con nhạn đà trở canh !

 

            Nhớ người yêu là chuyện đã đành. Nhớ cha, nhớ mẹ cũng là chuyện đã đành. Mà nỗi nhớ quê hương sao cũng ray rứt lòng người:

 

Nhớ ai như nhớ Nghĩa Hành,
Nhớ phiên Tam Bảo không đành không đi.
Chợ phiên ngày bảy, ngày hai,
Không đi thì nhớ, đi hoài mỏi chân!

 

            Chợ phiên Tam Bảo được xem là phiên chợ lâu đời nhất của tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Đây là phiên chợ quy tụ những con buôn và khách hàng là người Kinh và người sắc tộc Hrê thuộc các quận Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ và Sơn Hà. Tương truyền chợ phiên Tam Bảo xuất hiện từ trước thời vua Tự Đức (1848-1883). Phiên chợ chính thức họp tại Kim Thành Hạ thuộc quận Nghĩa Hành. Mỗi tháng chợ họp 2 phiên vào ngày mồng 2 và ngày mồng 7 âm lịch.

 

            Là người dân Mộ Đức, ai mà không nao nao tấc lòng mỗi khi nghe nhắc đến những tên gọi quen thuộc thân thương qua bài ca dao sau đây:

 

Kể từ Sông Vệ, Chợ Gò,

 

Ngó vô Thi Phổ thấy đò Dắt Dây.
Chợ Đồng Cát buôn bán sum vầy,
Ngó vô Lò Thổi thấy cây sùm xòa.
Tú Sơn một đỗi xa xa,
Ngó vô Quán Sạn bạn hàng đà nghỉ ngơi.
Chợ Huyện là chỗ ăn chơi,
Ngó vô Quán Vịt là nơi hữu tình.
Trà Câu sao vắng bạn mình,
Hai hàng châu lụy như bình nước nghiêng !

 

            Và những ai đã từng lênh đênh trên biển cả, ra Bắc vào Nam với những tay lưới nghề quen thuộc mà không thấy lòng nôn nao khác thường mỗi lần nghe bài ca thủy trình sau đây:
.
Sa Cần, Châu Ổ bao xa
Ngoài mũi Cây Quýt thiệt là Tổng Binh.
Lâm châm cỏ ngựa trời sinh,
Làng Gành, Mỹ Giảng ăn quanh Vũng Tàu.
Nới lèo ráng lái mau mau,
Ngước mắt xem thấy Bàn Thang,
Ngoài thời lao Ré nằm ngang Sa Kỳ.
Quảng Nghĩa Trà Khúc núi chi?
Có hòn Thiên ấn dấu ghi để đời.
Hòn Sụp ta sẽ buông khơi
Trong vịnh, ngoài vời núi đất mênh mang.
Buồm giăng ba cánh sẵn sàng,
Anh em chúng bạn nhiều đàng tư lương.
Mỹ Á, cửa Cạn, Hàng Thương
Chạy hết Bãi Trường xích thố bang băng.
Ngước ra khỏi mũi Sa Hoàng (Sa Huỳnh)
Kìa kìa ngó thấy Tam Quan nhiều dừa. . .

 

            Quảng Ngãi tuy nghèo nhưng “học trò thì tư chất thông minh, nhiều kiến thức”(Đại Nam Nhất Thống Chí – Quảng Nghĩa Tỉnh). Do đó, vào thời Nho học còn được trọng dụng, Quảng Ngãi đã có nhiều người đỗ đạt cao, đặc biệt là từ khi nhà Nguyễn cho lập trường thi Bình Định thì sĩ tử Quảng Ngãi đã có nguồn hứng để thi nhau dùi mài kinh sử.

 

            Năm Tự Đức thứ 3 (Canh Tuất, 1850), nhà vua cho lập trường thi Bình Định dành riêng cho sĩ tử từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, và sau đó cho cả Bình Thuận và Ninh Thuận.

 

            Khoa hương thí đầu tiên được tổ chức vào năm Nhâm Tý (1852). Khoa nầy và 2 khoa kế tiếp, sĩ tử Bình Định đoạt Thủ khoa, sĩ tử Quảng Ngãi chỉ đạt chức Á khoa. Do đó tại Bình Định xuất hiện câu ca dao:

 

                        Tiếc công Quảng Ngãi đường xa,
                        Để cho Bình Định thủ khoa ba lần !

 

            Sĩ tử Quảng Ngãi “hận” lắm. Họ cố dồi mài kinh sử. Quả nhiên, đến khoa Mậu Thìn (1868) và khoa Canh Ngọ (1870), sĩ tử Quảng Ngãi giành được cả 2 chức thủ khoa và á khoa. Do đó lại xuất hiện câu ca dao sau đây:

 

                        Tiếc công Bình Định xây thành
                        Để cho Quảng Ngãi vô giành thủ khoa !

 

            Truyền thống hiếu học đó cũng đã sản sinh ra những vị quan danh tiếng của triều đình phong kiến. Chính các sử quan triều Nguyễn cũng đã nhận xét: “Địa thế tuy hẹp mà khí mạch tốt, nên đời nào cũng có nhiều người làm đến quan to chức trọng . . .” (Đại Nam Nhất Thống Chí – Quang Nghĩa Tỉnh). Cái “khí mạch” đó đã sản sinh ra những vị quan danh tiếng một thời như Phan Khắc Thận người Bình Sơn, Trương Đăng Quế người Sơn Tịnh, Tạ Tương người Tư Nghĩa, Nguyễn Bá Nghi người Mộ Đức . . . Đáng lưu ý nhất là dòng họ Trương ở xã Sơn Mỹ, quận Sơn Tịnh với Trương Đăng Quế là người Quảng Ngãi đầu tiên đậu Hương cống (tức Cử nhân) dưới đời vua Gia Long, sau ra làm quan to trải các triều Minh Mạng (1820- 1840), Thiệu Trị (1841- 1847) và Tự Đức (1848- 1883). Về sau con cháu của ông cũng nhiều người làm quan to trong triều ngoài quận, do đó dân gian địa phương đã truyền tụng câu ca dao :

 

                        Bao giờ thiện mã qua sông
                        Thì thôn Mỹ Lại mới không công hầu !

 

            Sống trong một vùng đất nghèo nàn, cằn cỗi, “ăn bữa trưa, chừa bữa tối”, họ phải bòn mót tùng hạt lúa rơi, từng củ khoai sót . . . để thêm vào với số lương thực ít ỏi đã sản xuất được :

 

                        Khoai lang Đồng Ngổ,
                        Đỗ phụng Đồng Dinh
                        Chàng bòn, thiếp mót đổ chung một gùi.

 

            Đồng Ngổ thuộc xã Đức Sơn, quận Mộ Đức, Đồng Dinh thuộc xã Nghĩ Chánh, quận Nghĩa Hành.

 

            Thậm chí có nơi người nông dân còn phải dùng cả phân người để làm chất dinh dưỡng cho thực vật. Có nhìn thấy cái cảnh người dân Cà Đó thuộc xã Đức Lương (Mộ Đức), nhất là giới phụ nữ, kĩu kịt đôi giỏ ki trên vai, đi xa khỏi làng hàng vài ba chục cây số, lang thang trong các cánh đồng vắng còn trơ gốc mía hay gốc rạ để gắp từng cục phân người đem về làm phân bón cho cây thuốc, ta mới thấy hết cái nỗi khổ của người dân quê ta!

 

Ai về Cà Đó
Chịu khó xách ki
Tay cầm đôi đũa, chân đi lòm khòm !
            Đời sống tuy có thiếu thốn, vất vả như thế, nhưng người đân Quảng Ngãi vẫn luôn luôn ung dung tự tại, nhiều khi còn biết dùng sự hài hước để mua vui cho quên đi  bao nỗi nhục nhằn trong cuộc sống hằng ngày.

 

            Những thể điệu dân ca miền ấn Trà, đặc biệt là giọng hát “hố”, như có cái ma lực ghê gớm để quyến rũ lòng người:

 

                        Tai nghe tiếng hố vọng đồng,
                        Ai có con cũng bỏ, ai có chồng cũng vong!

 

            Những giọng hố, giọng hò vang lên trong mnhững đám thợ cấy, quanh những cối gạo, giữa đám trai gái cho hàng ăn mía, giữa những đôi nam nữ tát nướcc đêm trăng . . . đã chuyên chở và lưu truyền bao nhiêu là câu ca dao chan chứa tình người. Họ hát đối đáp với nhau  để gửi tình trao duyên, và đôi khi cũng để chòng ghẹo nhau cho quên đi nỗi mệt nhọc trong khi lao động! Sau mỗi khúc hát là những tiếng cười đưa duyên, và cũng có thể là những tiếng cười xuề xòa, giả lả như để xóa tan đi những hờn giận vu vơ:

 

Ba La đất tốt trồng hành
Đã xinh con gái, lại lành con trai.
Vạn Tượng những chông cùng gai,
Con gái mốc thếch, con trai đen sì!

 

            Ba La và Vạn Tượng là 2 thôn của xã Tư Bình, quận Tư Nghĩa.

 

            Hay:    Hải Môn ăn cá bỏ đầu,
                        Tân Tự lượm được xỏ xâu xách về!

 

            Hải Môn và Tân Tự là 2 thôn thuộc xã Phổ Minh, quận Đức Phổ.
            Họ cũng lấy làm thích thú trong cách chơi chữ ngộ nghĩnh:

 

                        Gái Thanh Khiết chuyên nghề “cải giá”,
                        Trai Sung Tích chuyên nghề “kén dâu”.

 

            Thanh Khiết thuộc xã Tư Nguyên (Tư Nghĩa). Dân vùng nầy sống bằng nghề sản xuất rau sống – trồng cải và làm giá đậu xanh. Bên kia sông trên bờ phía bắc là làng Sung Tích thuộc xã Sơn Hội (Sơn Tịnh). Dân ở đây xưa làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Cải giá vừa có nghĩa rau cải, rau giá, lại vưà có nghĩa “có chồng lần nữa!”. Kén dâu vừa có nghĩa là con kén và lá dâu tức nghề trồng dâu nuôi tằm lấy tơ kén  để dệt lụa, lại vừa có nghĩa “kén chọn cô dâu!”.    
       
Lượng Tục ngữ Ca dao của quê hương núi ấn sông Trà nhiều lắm. Ở đây người viết chỉ chọn những câu ghi lại địa danh của từng vùng thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Lượng ca dao nầy có lẽ còn nhiều, nhưng vì tài liệu sưu khảo có ít, sức hiểu biết của người viết cũng có ít, nên bài viết chắc còn nhiều thiếu sót, rất mong được lượng thứ.
                                                                                               
ĐÀO ĐỨC NHUẬN

 

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 03/12/18