-
|
Mang đất của tổ tiên đi cống hiến
Khi nhìn thấy những điều mờ ám,
khuất tất trong việc đảng Cộng Sản Việt Nam ký các
Hiệp ước Biên giới với Trung Quốc, và những thiệt thòi
hiển nhiên mà dân tộc Việt Nam phải chịu, mọi người
Việt Nam yêu nước và tranh đấu cho dân chủ phải tự
hỏi: Tại sao họ phải làm như vậy? Tại sao có những người
lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam cam tâm gánh lấy
tội bán nước mà không tìm cách nào trì hoãn, lảng tránh
để khỏi mang mối nhục ngàn đời đó?
Mục này đã nêu lên nhiều giả thuyết
về động cơ của hành động ký kết vội vã những bản
hiệp ước biên giới. Nhưng có các lý do chính thức đã
được ông Lê Công Phụng, Thứ trưởng Ngoại giao chủ trì
các cuộc đàm phán về biên giới, nêu ra trong bài "phỏng
vấn" do cơ quan VASC Orient của đảng đưa lên mạng lưới
điện toán toàn cầu. Ông Lê Công Phụng nhấn mạnh đến
nhu cầu ổn định để phát triển kinh tế, vì biết phát
triển kinh tế là mối lo lắng của tất cả mọi người
Việt Nam ngày nay, sau hơn nửa thế kỷ bần cùng hóa vì
hệ thống kinh tế cộng sản. Ông Lê Công Phụng nói tới
nhu cầu "... làm sao mà duy trì được ổn định nhằm
phát triển kinh tế..." Ông nhắc lại một lần nữa
"... yêu cầu của nhân dân Việt Nam là làm sao có đường
biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn định với các nước
láng giềng; vì chỉ có vậy chúng ta mới tập trung được
sức lực để xây dựng, phát triển ..."
Bây giờ phải đặt một câu hỏi để
mọi người cùng suy nghĩ: Hiệp định biên giới có thật
sự cần thiết, không có không được, để dân ta sống
ổn định và phát triển kinh tế hay không?
Ðể trả lời câu hỏi đó, chúng ta
tự hỏi, nếu chính quyền cộng sản Việt Nam không hấp
tấp ký các hiệp ước vào cuối năm 1999 và 2000 theo lời
yêu cầu của Bắc Kinh, thì liệu nước Việt Nam có bị
mất ổn định hay không? Nói cách khác, liệu Cộng Sản
Trung Quốc có xâm lăng hoặc gây hấn nơi biên giới làm
đời sống dân ta mất ổn định hay không?
Câu trả lời chắc chắn là: Không.
Trên thế giới ngày nay, một cường
quốc như Trung Hoa cũng không thể đem quân xâm phạm lãnh
thổ một nước láng giềng nhỏ yếu chỉ vì cãi nhau về
mấy trăm cây số đường biên giới. Nếu Trung Quốc làm
như vậy, tất cả các cường quốc kinh tế khác sẽ
phản đối. Hoa kỳ, Nhật Bản, Nga, và các nước trong Liên
hiệp Âu châu sẽ chống đối bằng những hành động cụ
thể như ngưng giao thiệp, không buôn bán, không đầu tư.
Các nước nhỏ vùng Ðông Nam và khối ASEAN càng nghi ngờ
và lo sợ về mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh, họ
sẽ tìm cách lánh xa. Chính quyền cộng sản Trung Quốc
phải nhìn thấy hành động xâm lược Việt Nam chỉ mang
lại mối lợi quá nhỏ so với những hậu quả gây thiệt
hại nhiều hơn. Và họ sẽ không bao giờ xâm lăng như
vậy!
Hiện nay trên thế giới có hàng trăm
cuộc tranh chấp biên giới, kéo dài hàng thế kỷ chưa
được giải quyết. Sau Ðại chiến Thứ hai, sau khi khối
cộng sản Ðông Âu sụp đổ, đều nẩy sinh ra các cuộc
tranh tụng về biên giới. Giữa Nhật Bản và Liên xô (Cộng
Hòa Nga ngày nay). Giữa các nước Ðức và Tiệp, Áo và
Hungary, Bulgari và Rumani, v.v... Nhưng không chính quyền nào
nêu lý do "phát triển kinh tế" rồi vội ký kết
những hiệp ước biên giới để mua sự ổn định giả
tạo. Ông Lê Công Phụng nói
rằng những vùng ven biên có dân Trung Hoa đã sang lập
nghiệp ở nước ta thì phải cho sáp nhập vào Trung Quốc.
Nhưng ở trong các nước Ba Lan, Hungary, Cộng Hòa Tiệp đều
có hàng trăm ngàn đến hàng triệu người Ðức sinh sống,
không phải vì thế mà các chính phủ này chịu nhường đất
cho nước Ðức. Tình trạng biên giới mập mờ đó có
khiến cho những nước trên mất ổn định và không thể
phát triển kinh tế hay không? Không. Từ khi thoát khỏi
chế độ cộng sản, kinh tế các nước Tiệp, Hung, Ba Lan
và Ðông Ðức cũ đã phát triển mạnh mẽ.
Còn thứ bất ổn định nào khác?
Phải chăng chính quyền cộng sản lo
ngại về các đoàn quân buôn lậu đem hàng hóa vượt biên
tràn ngập Việt Nam? Ðây là một vấn đề địa phương,
các chính quyền địa phương phải giải quyết, đặc
biệt phải bài trừ nạn tham nhũng ở địa phương, cả
hai bên biên giới. Bao giờ hai chế độ cộng sản ở
Trung Quốc và Việt Nam dẹp được tham nhũng thì nạn buôn
lậu sẽ chấm dứt, dù có hay không có hiệp ước biên
giới mới. Ngược lại, dù có ký bao nhiêu hiệp ước chăng
nữa mà nạn tham nhũng vẫn còn thì dân buôn lậu vẫn làm
chủ cả hai bên biên giới.
Cuối cùng, lý do "ổn định để phát
triển" mà ông Lê Công Phụng đưa ra hoàn toàn vô căn
cứ. Lý do đích thực, thầm kín khiến đảng Cộng Sản
Việt Nam phải vội vã làm vừa ý các lãnh tụ ở Bắc
Kinh là mối nợ riêng của những người lãnh đạo đảng
ở Hà Nội đối với các đàn anh Trung Quốc. Từ khi
Cộng Sản Liên xô và Ðông Âu sụp đổ, họ đã bám
lấy Cộng Sản Trung Hoa làm chỗ tựa để bảo vệ địa
vị độc quyền chính trị và độc quyền kinh tế của các
lãnh tụ đảng. Tháng Chín năm 1989 Nguyễn Văn Linh đã
dẫn Ðỗ Mười, Phạm Văn Ðồng sang Thành Ðô dể xin
Trung Quốc viện trợ. Năm 1991 Lê Ðức Anh, Ðỗ Mười, Võ
Văn Kiệt lại sang Trung Quốc xin ủng hộ. Cứ tiếp tục
như thế qua thời Lê Khả Phiêu, Nông Ðức Mạnh.
Phía Cộng Sản Trung Hoa, họ không có nhu cầu và
chẳng thấy lợi lộc nào trong việc nối lại bang giao
với Việt Nam. Ngay trong việc bảo vệ chủ nghĩa cộng
sản ở Trung Hoa họ cũng chỉ nói ngoài miệng. Từ thời
Ðặng Tiểu Bình tới Giang Trạch Dân đều đã chọn tư
bản hóa dần dần nước Trung Hoa rồi. Họ không cần đến
"tình huynh đệ quốc tế vô sản" của các ông Ðỗ
Mười, Lê Khả Phiêu nữa! Cộng Sản Việt Nam lúc đó đã
thất bại đau đớn ở Cam Bốt, đang bị cô lập với
cả thế giới vì xâm lăng Cam Bốt, cũng chẳng có thế
lực nào để giúp Trung Quốc trên trường ngoại giao
quốc tế. Ngược lại, các lãnh tụ ở Bắc Kinh còn xúi
dại Cộng Sản Việt Nam tiếp tục trì hoãn việc bang giao
và thương mại với Mỹ, trong lúc chính Bắc Kinh tìm mọi
cách làm thân với Washington và ký hiệp định mậu dịch
với Mỹ trước.
Cộng Sản Việt Nam đi cầu viện với
thế yếu như vậy, thì Cộng Sản Trung Hoa biết đòi hỏi
những gì để đổi lại việc họ ủng hộ chế độ Hà
Nội? Ngược lại, Cộng Sản Việt Nam biết đem cống
hiến những gì để đổi lấy sự hỗ trợ của Trung
Quốc?
Quý vị có thể suy ra câu trả lời.
Chẳng có gì hết ngoài đất đai của tổ tiên để
lại.
NGÔ NHÂN DỤNG
|