-
|
Mốc Biên Giới Của Việt Nam và Trung Quốc.
Trích
từ LMVNTD http://www.lmvntd.org/ Ngày 1/29/2002
Ngày 27/12, Thứ trưởng ngoại giao Cộng Sản Việt Nam Lê
Công Phụng và Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương
Nghị đã cùng nhau làm lễ khánh thành cột mốc đầu tiên
phân định ranh giới giữa hai nước ở hai đầu cầu
Bắc Luân tại thị xã Móng Cáy- Việt Nam và thị trấn
Ðông Hưng- Trung Quốc.
Buổi lễ này mở đầu cho một giai đoạn cắm mốc trên
thực địa theo Hiệp ước về Biên giới được hai chính
phủ cộng sản ký kết vào tháng 12/1999. Sau khi buổi lễ
chấm dứt, cả hai phía đã lần lượt sang thăm viếng
cột mốc biên giới của nhau. Theo quan chức nhà nước
CSVN giải thích, sở dĩ phải đóng mốc ở cả hai đầu
cầu Bắc Luân, một trên lãnh thổ Việt Nam và một ở
Trung Quốc là vì, theo thông lệ quốc tế, khi biên giới
đi qua sông thì cùng lúc phải cắm cả 2 cột mốc tại
hai bên bờ sông.
Mốc biên giới đầu tiên này mang ký hiệu 1369, cao 2,2 m,
rộng 50 cm và được làm bằng đá hoa cương. Theo Trưởng
ban Biên giới thuộc Bộ Ngoại giao CSVN Trần Công Trực,
trong vòng 3 năm tới, phải cắm xong khoảng 1.400 cột mốc
trên một đường biên dài 1.350 km. Ải Nam Quan (hay Cửa
Hữu Nghị mà Cộng sản Việt Nam sau này thường gọi),
từng là biên giới ngàn đời của lịch sử Việt đã lùi
xa vào lãnh thổ Trung Quốc. Và, 27/12/2001, ngày cắm mốc
biên giới đầu tiên cũng là ngày đánh dấu đại tội bán
nước của CSVN đối với dân tộc.
Năm 2002: Năm Hòa Nhập đấu Tranh Trong Ngòai
Năm 2001 đã chấm
dứt, với nhiều sự kiện đáng quan tâm. Trên thế giới,
vụ khủng bố ngày 11/9 đã và đang mang lại nhiều thay đổi
cho cuộc diện toàn cầu. Tại Việt Nam, hình ảnh của
những nông dân biểu tình trong gió rét cuối năm ở Hà
Nội đã tóm gọn bối cảnh của đất nước trong năm
2001, một đất nước bị đè nén trong bất mãn tột cùng
và đang chực chờ đứng dậy để làm một sự thay đổi
toàn diện.
Suối Phi Khanh. Một
tên gọi có lẽ ít người nghe nói đến. Tương truyền
rằng khi ông Nguyễn Phi Khanh bị quân nhà Minh bắt mang
về Tàu, Nguyễn Trãi đã đi theo tiễn cha và khi đến Ải
Nam Quan, ông Phi Khanh đã khuyên con quay về tìm cách rửa
nhục cho nước nhà. Phút chia tay, hai cha con đều khóc. Nước
mắt chảy thành vạt suối ở chỗ đất lõm, dân gian
gọi là suối Phi Khanh. Ngày nay, nếu người Việt Nam nào
muốn đi viếng di tích lịch sử này thì phải đi sang Tàu,
vì kể từ khi đảng CSVN ký kết hiệp định biên giới
với Trung Quốc, thì Ải Nam Quan và Suối Phi Khanh đều không
còn là của Việt Nam. Thành tích”bán nước”này của đảng
CSVN đã làm dấy lên một phong trào phản đối ở trong và
ngoài nước.”Thành tích”này cũng được ghi lại trong
một”Bài Ca Bán Nước”đang được các nhà ly khai ở Hà
Nội cho lưu hành trên mạng Internet, với hai câu bất hủ
như sau:
"Hoan hô cộng sản Việt Nam, Cuối
đời bán cả giang san nước nhà."
Ðiều lạ lùng là mặc dù những sự
tố cáo nói trên đang làm xôn xao dư luận ở trong cũng như
ngoài nước, các nhân vật được gọi là”đại biểu nhân
dân”ở Quốc Hội Hà Nội vẫn cứ tỉnh bơ, như không
phải là chuyện đáng bận tâm, đến nỗi ông Trần Dũng
Tiến, một đảng viên kỳ cựu của đảng CSVN, đã tức
giận mắng vào mặt của”trung tướng đại
biểu”Nguyễn Quốc Thước”Thế ông là bù nhìn à!".
Có lẽ chính vì câu mắng này và hành động công khai tố
cáo bản chất”bán nước”của tập đoàn lãnh đạo
hiện nay, nên ông Trần Dũng Tiến đã bị công an Hà Nội
cưỡng bách đưa về đồn hạch sách.
Một số đặc điểm của tình hình
Việt Nam trong năm 2001:
Phản ứng của chế độ đối với ông
Trần Dũng Tiến cũng là phản ứng được dùng để đối
phó với cao trào chống đối đang ngày một dâng cao ở
Việt Nam. Năm 2001 có thể nói là năm đã bùng nổ nhiều
chống đối đa diện. Năm 2001 cũng có thể nói là năm
chồng chất nhiều khó khăn nan giải của đảng CSVN, với
các đặc điểm có thể được tóm gọn như sau:
Về mặt nội bộ của đảng cộng sản
Việt Nam, sự đấu đá trên thượng tầng vẫn diễn ra
một cách gay gắt. Mặc dù trong kỳ đại hội lần thứ 9
vào tháng 4/2001, các phe nhóm đã tạm thời thỏa hiệp
được với nhau qua giải pháp Nông Ðức Mạnh thay thế Lê
Khả Phiêu trong vai trò Tổng Bí Thư, nhưng giải pháp này
chỉ là tạm bợ và cuộc đấu đá tranh quyền sẽ bùng
nổ lớn vào năm 2002, khi Hà Nội phải bầu lại Quốc
Hội và sắp xếp những nhân sự đầu não của guồng máy
nhà nước. Do hậu quả của sự tranh đoạt quyền lực và
quyền lợi trên thượng tầng, nên sự phân hóa trong nội
bộ đảng CSVN ngày một gia tăng và không còn thống nhất
được với nhau về các định hướng cải cách. Ðiều này
đã dẫn đến những quyết định tùy tiện của mọi nơi
và mọi cấp, khiến cho guồng máy vận hành của chế độ
bị rối loạn, tham nhũng tràn lan.
Về tình hình tôn giáo, năm 2001 là năm
mà các Giáo Hội đã bước vào giai đoạn đấu tranh
quyết liệt hơn, có tổ chức hơn và nhất là có sự
kết hợp chặt chẽ hơn. Sự kết hợp này được thể
hiện bằng sự gắn liền những đòi hỏi về quyền lợi
thiết thân của tín đồ, của giáo hội, như đòi lại đất
đai, phương tiện hành đạo, với quyền tự do tôn giáo và
tín ngưỡng. Nó cũng được thể hiện bằng sự liên
kết đấu tranh giữa các tôn giáo, liên kết trong lập trường
và kể cả trong hành động. Nhờ vậy, cuộc đấu tranh
của các tôn giáo trong năm qua đã có một tầm vóc mới,
gây ra rất nhiều khó khăn cho chế độ và được sự chú
ý đặc biệt của dư luận thế giới. Mặc dù Hà Nội đã
áp dụng một số biện pháp cứng rắn như bắt giam và
xử án nặng nề Linh
Mục Nguyễn Văn Lý, quản thúc Hòa
Thượng Thích Quảng Ðộ, cụ Lê Quang Liêm, đàn
áp tín đồ Thiên Chúa Giáo tại Nguyệt Biều, An Truyền,
dập tắt cuộc tranh đấu của tín đồ Phật Giáo Hòa
Hảo tại Miền Tây,... nhưng phong trào tranh đấu của các
tôn giáo vẫn tiếp tục lan rộng và chắc chắn trong năm
2002 sẽ bùng nổ lớn hơn.
Về phía quần chúng quốc nội, phong trào
khiếu kiện của người dân đã và đang trở thành một
vấn nạn đối với chế độ. Hình ảnh nông dân từ các
vùng quê kéo về tỉnh cắm dùi, căng biểu ngữ trước các
cơ quan đã trở thành bình thường ở nhiều nơi. Ngay
tại Hà Nội, người dân cũng thường xuyên kéo tới trước
Trụ Sở Trung Ương đảng CSVN, trước Quốc Hội hay trước
tư gia của các nhân vật lãnh đạo để bày tỏ sự bất
mãn. Hiện tượng này cho thấy quần chúng quốc nội ngày
một bớt sợ hãi chế độ và đã bắt đầu dám đứng lên
tranh đấu đòi hỏi quyền lợi thiết thân. Cao điểm
của phong trào khiếu kiện là cuộc nổi dậy của đồng
bào sắc tộc tại Tây Nguyên. Cuộc nổi dậy này được
quốc tế và kể cả lãnh đạo Hà Nội đánh giá là nghiêm
trọng nhất, kể từ khi đảng CSVN cầm quyền cho đến
nay. Ngoài yếu tố tôn giáo, vấn đề cướp đất và đối
xử bất công của nhà cầm quyền đối với người sắc
tộc là nguyên nhân chính đã làm bùng nổ cuộc nổi dậy.
Mặc dù Hà Nội đã cố gắng áp dụng nhiều biện pháp,
từ ve vuốt đến đàn áp, nhằm dập tắt cuộc đấu
tranh, nhưng ngòi nổ tại Tây Nguyên và những ngòi nổ khác
của phong trào khiếu kiện có nhiều chỉ dấu sẽ bốc cháy
dữ dội trong năm 2002.
Sau cùng, cuộc tranh đấu của những người
ly khai đang xoáy vào chổ yếu nhất của đảng CSVN là
vấn đề tham nhũng và đang đánh vào tư thế của tập đoàn
này qua vụ”nhượng đất, bán nước”cho Trung Quốc.
Trong những tháng vừa qua, sự kiện nhiều cựu đảng viên
đảng CSVN đòi thành lập các hội nhân dân chống tham nhũng
và phanh phui nhiều vụ tham nhũng động trời của một
số nhân vật lãnh đạo Hà Nội đã làm cho tập đoàn độc
tài CSVN trở nên lúng túng và không biết phải đối phó
ra sao. Nghiêm trọng hơn, khi tập đoàn này bị tố cáo là
đã nhượng cho Trung Quốc một phần đất đai và lãnh
hải của Việt Nam, qua hai hiệp định được ký kết vào
cuối năm 1999 và cuối năm 2000, một làn sóng phản đối
đã được dấy lên ở trong cũng như ngoài nước. Vì đây
là một vấn đề có ảnh hưởng lâu dài đến quyền
lợi của dân tộc, nên đã khiến cho nhiều người Việt
Nam, trong đó có cả những đảng viên CSVN, đã lên tiếng
tố cáo bản chất bán nước của tập đoàn lãnh đạo Hà
Nội.
Trong năm 2002, cuộc đấu tranh này sẽ
lan rộng ra nhiều thành phần quần chúng ở trong nước và
sẽ đặt tập đoàn lãnh đạo của đảng CSVN trước
những khó khăn mới.
Năm 2002: Năm Hòa Nhập Ðấu Tranh Trong
Ngoài
Những đặc điểm nói trên cho thấy
tập đoàn độc tài tại Việt Nam đang gặp những khó khăn
vô cùng nan giải và những phản ứng cứng rắn trong năm
2001 chỉ là những phản ứng của một chế độ cùng đường.
Viễn cảnh đấu tranh cho tự do dân chủ trong năm 2002 có
nhiều chỉ dấu thuận lợi, vấn đề là làm thế nào
khai dụng một cách hữu hiệu, để đưa công cuộc tranh
đấu chung đến thành công?
Từ trước tới nay, chúng ta vẫn có thói
quen phân ranh cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ ở Việt
Nam ra thành hai địa bàn: quốc nội và hải ngoại. Sự phân
ranh về mặt địa lý này có những điểm hữu lý trước
đây vì đặc tính của hai địa bàn khác nhau, tâm lý
của đồng bào trong nước và người Việt hải ngoại có
những yếu tố khác biệt, quan trọng hơn cả là sự ngăn
cách trong ngoài về mặt thông tin, khiến cho sự trao đổi
giữa những người đấu tranh ở trong và ngoài nước
gặp rất nhiều trở ngại.
Trong thời gian qua, nhất là trong năm
2001, chúng ta nhận thấy sự trao đổi trong ngoài càng lúc
càng nhanh chóng hơn. Lý do là trong hoàn cảnh phải mở
cửa ra với thế giới bên ngoài, Hà Nội không còn cách nào
để có thể kiểm soát lượng thông tin ra vào Việt Nam đang
gia tốc theo thời gian. Khai dụng hoàn cảnh khách quan này,
nhiều tầng lớp quần chúng trong nước, từ thanh niên,
sinh viên, đến giới tôn giáo, đối kháng, đã tìm mọi cách
để vượt qua sự kiểm soát của nhà nước hầu có thể
trao đổi, liên lạc với hải ngoại một cách nhanh chóng
và an toàn. Trong khi đó, cộng đồng người Việt hải
ngoại cũng chủ động mở ra những hướng bức phá
truyền thông, mang đến cho đồng bào trong nước những
nguồn tin tức đa diện, đồng thời tích cực hơn trong
việc tiếp trợ các cuộc tranh đấu tại quê nhà, mang đến
cho những phong trào quần chúng trong nước từ tài chánh,
phương tiện và kể cả nhân sự.
Thực tế của đầu năm 2002 cho thấy
sự ngăn cách về địa lý trong ngoài đã không còn là
một cản trở lớn lao. Những sự trao đổi về tin tức,
tài liệu, những bàn thảo về kế hoạch, công tác đã
diễn ra từng ngày,từng giờ giữa những người tranh đấu
cho dân chủ ở trong và ngoài nước. Ðây là thực tế
của tình trạng hòa nhập đấu tranh trong ngoài và trong năm
2002, chúng ta cần khai dụng tối đa để xoay chuyển tình
hình đất nước.Một cách cụ thể, ngoài nỗ lực hỗ
trợ các tôn giáo hay vận động áp lực quốc tế, chúng
ta có thể cùng nhau đẩy mạnh thêm một số nỗ lực sau
đây:
1. Nâng cuộc tranh đấu tố cáo đảng
CSVN”bán nước”lên thành phong trào quần chúng cả trong
lẫn ngoài nước. Thể hiện tinh thần”hòa nhập đấu tranh trong ngoài",
cuộc tranh đấu chống hành động bán nước của đảng
CSVN sẽ phải vượt lên trên mọi giới hạn về địa lý
hay chính kiến, vì đây là cuộc đấu tranh cho quyền lợi
tối thượng của dân tộc. Với sự thúc đẩy của
những người tranh đấu ở trong và ngoài nước, với sự
tham gia nhập cuộc của nhiều tổ chức, đoàn thể, cộng
đồng, trong năm 2002, chúng ta cần dấy lên một phong trào
quần chúng quy mô nhằm phản đối các hiệp định bán nước
mà tập đoàn lãnh đạo CSVN đã ký kết với Trung Quốc.
Sự phối hợp trong ngoài sẽ tạo điều kiện để phong
trào này ngày một lan rộng và đại đa số quần chúng
Việt Nam đều trực tiếp hay gián tiếp lên tiếng phản
đối hành động bán nước của đảng CSVN.
2. Tạo điều kiện để dấy lên một
phong trào bất phục tùng chế độ tại Việt Nam.
Trong nhiều cuộc cách mạng dân chủ,
sự sụp đổ của thế lực độc tài đã bắt nguồn từ
những hành động bất phục tùng của người dân. Những
hành động này nếu được bộc phát một cách đồng
loạt và mạnh mẽ, thì sẽ làm tê liệt chế độ và khó
có cường quyền nào có thể đứng vững. Hiện nay,
những chỉ dấu về sự bất phục tùng đang ngày một rõ
nét ở Việt Nam. Ngoài phong trào khiếu kiện đưa đến
sự kiện quần chúng xuống đường biểu tình, bất chấp
sự cấm đoán của nhà cầm quyền, hay cuộc tranh đấu
của các tôn giáo, biến cố ở Tây Nguyên là hình ảnh rõ
nét nhất về sự bất phục tùng đang đặt nhà cầm
quyền CSVN vào tình trạng khó khăn. Mới đây, qua lời kêu
gọi thành lập các”hội nhân dân chống tham nhũng",
một số người tranh đấu ở trong nước đã ngang nhiên
cho các hội này hoạt động, bất chấp sự cấm đoán
của nhà cầm quyền. Trong năm 2002, chúng ta cần thúc đẩy,
hỗ trợ để tình trạng bất phục tùng này lan rộng ra
trên nhiều bình diện khác, kể cả trên bình diện chính
trị.
3. Biến năm 2002 thành năm bức phá thông
tin.
Trong thời gian qua, tuy kết quả của
mặt trận truyền thông rất đáng khích lệ, sự trao đổi
trong ngoài đã trở nên nhanh chóng và dồi dào hơn nhiều,
nhưng trên thực tế, sự bưng bít thông tin trong nước
vẫn còn rất lớn. Nhiều sự kiện quan trọng xảy ra ngay
tại trong nước, nhưng đa số đồng bào quốc nội chưa
được biết tới, nhất là quần chúng nông thôn, hay
biết một cách sai lạc qua sự tuyên truyền bóp méo của
chế độ. Do đó, chúng ta còn phải nỗ lực nhiều hơn trên
bình diện này. Với mục tiêu phá vỡ sự bưng bít thông
tin của chế độ, chúng ta cần tiếp tay nuôi dưỡng
những đài phát thanh hướng về Việt Nam, khai dụng các
phương tiện truyền thông điện tử và mọi cơ hội
tiếp xúc với đồng bào trong nước để truyền đạt tin
tức. Chúng ta phải biến năm 2002 thành năm bức phá thông
tin, mỗi người Việt hải ngoại sẽ thành một chiến sĩ
truyền thông trong cuộc chiến phá vỡ sự bưng bít thông
tin hiện nay tại Việt Nam.
Một năm đã trôi qua, với rất nhiều
diễn biến tại quê nhà. Nhiều người Việt Nam đã không
còn giữ thái độ”quan sát”hay”thờ ơ”trước sự
thật của đất nước. Ðây cũng là một diễn biến đầy
tích cực. Trong năm 2002, chúng ta sẽ khai dụng diễn biến
tích cực này để cộng đồng người Việt hải ngoại không
chỉ đóng vai trò yểm trợ, quần chúng trong nước sẽ
thoát khỏi tâm lý sợ hãi và thụ động, để hòa nhập
làm một, cùng nhau dứt điểm chế độ độc tài, mở ra
một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Ngọc Ðức
|