Nếu lấy giữa Biển Đông làm
trung-tâm nhìn ra thế-giới:
-Trong vòng bán-kính 1500 hải-lý, ta thấy các thành-phố hải-cảng
quan-trọng như Bangkok, Rangoon, Calcutta, Singapore, Djakarta, Manila, Taipei,
Hongkong, Shanghai, Nagasaki.
-Trong vòng bán-kính 2500 hải-lý, ta thấy các thành-phố hải-cảng
Madras, Colombo, Bombay, Bali, Darwin, Guam, Tokyo, Yokohama, Seoul, Beijing...
Nhìn kỹ vòng tròn 2500 hải-lý này, ta thấy nó bao trùm hầu hết
lãnh-thổ các nước lớn có dân-cư vào hàng đông nhất trên thế-giới như Trung-Hoa,
„n-Độ, Nam-Dương, Nhật-Bản. Sự cận kề của Biển Đông với gần nửa phần nhân-loại
trong vòng tròn tương-đối hẹp 2500 hải-lý là ưu-điểm hàng đầu mà người ta không
thể tìm thấy ở bất cứ một vùng biển nào khác trên thế-giới.
Trong các thế-kỷ vừa qua, những hải-cảng Việt-Nam như Cam-Ranh,
Sài-Gòn, Hải-Phòng..., vì hoạt-động suy-giảm nên thường được xếp vào hạng những
hải-cảng kém quan-trọng; đứng sau các cảng San Francisco, New York, Yokohama,
Hongkong, Sidney, Singapore... Bước sang thế-kỷ tới, khi những vùng hậu-cảng
nước ta giàu có thêm, kỹ-nghệ phát-triển và tầm khai-thác tài-nguyên của Biển
Đông đạt đến đúng mức, thứ hạng quan-trọng của Cam-Ranh cũng như của các cảng
Việt-Nam khác sẽ thay đổi hẳn.
Hình 13- Vị-trí Biển Đông và thế-giới. Vòng tròn có tâm ở Biển
Đông và bán kính 2500 hl bao trùm gần nửa phần nhân-loại .
3 - Hải-sinh-vật Biển Đông.
Động-vật chính ngoài Biển Đông là các loài chim, rùa, tôm cá.
3.1 - Chim chóc.
Đối với người đi biển, hải-âu là loài chim mà họ thường gặp nhất
khi hải-hành.
Các đảo là những nơi ẩn-trú của các loài chim biển, nhất là chim
hải-âu. Chim bay ra biển kiếm ăn rồi trở về đảo, chúng đẻ ngay trên đất, không
cần làm tổ. Trứng của chúng to hơn trứng gà, vỏ mỏng mầu trắng điểm nhiều đốm
đen. Hải-âu trên Biển Đông (họ Laridea) không lớn lắm, ít con nào sải cánh
(wing-span) tới 80cm. Người Việt chúng ta thường gọi chung các chim biển đủ mọi
loại là "hải-âu". Thật ra, theo khoa-học, hải-âu có nhiều loại khác
nhau.
Những chim Biển Đông không phải cùng họ với loài hải-âu to lớn
Albatros (họ Diomedeidae.) Vì chúng có đôi phần tương-cận, nên nhân-tiện đây
chúng tôi xin kể vài tính-chất của loài hải-âu Albatros như sau:
-Là loài chim có cánh sải ra rất dài. Wandering Albatros đo được
12 feet (3.65 m) từ đầu cánh này tới đầu cánh kia. Chúng là loài chim lớn nhất
khi bay. Dạng bay lượn của chim rất nhẹ nhàng đẹp mắt, chim bay xa nhiều ngàn
hải-lý và sống lâu hơn hầu hết các loài chim khác. Một hải-âu được đánh dấu năm
1860, đã sống qua nhiều thập-niên cho đến khi bị ngẫu-nhiên giết chết vào năm
1894 tại đảo Faero Island (bắc Tô-cách-Lan.)
Hình 14- Bề sải cánh của Hải-Âu Albatros, so sánh với người cao
6ft và chim hummingbird loại nhỏ.
- Nhờ cánh dài và hẹp bề ngang, chim rất giỏi liệng qua liệng lại
nhưng vì đập cánh một cách khó khăn nên albatros thích sinh sống trong những
vùng biển có gió mạnh.
-Là loài chim di-điểu sinh sống trên đại-dương vùng Nam-bán-cầu,
bay theo gió mùa vòng quanh thế-giới. Chim Albatros không có nhiều lắm ở
Bắc-bán-cầu và người Âu-châu chỉ mới biết loài hải-âu này vào những thế-kỷ gần
đây khi họ khởi sự dương buồm về Nam, đi thám-hiểm.
-Là bạn thân-thiết của người đi biển, hải-âu đôi khi liệng cánh
bay theo tàu nhiều ngày liên-tiếp. Thủy-thủ kiêng-cữ việc giết hải-âu, tác-phẩm
văn-học nổi-tiếng nhất đã bi-hùng-hóa niềm mê-tín này là "The Rime of the
Ancient Mariner" của thi-hào Anh-cát-Lợi, ông Samuel Taylor Coleridge
(1772-1834.)
Về các loại chim Biển Đông, chúng được chia làm ba họ: Laridés,
Stéganopodés và Zosterops. Theo Jean de Lacour và Jabouillé, người Việt-Nam
thường gọi chim thuộc họ Zosterops là "Chim Sâu Nghệ". Hai ông thấy chúng trên đảo Phú-Lâm. (Oiseaux des Iles
Paracels trong Mémoire No.3 du Service Océanographique de l'Indochine, Saigon,
1930.)
Hình 15- Một loài chim
thuộc họ Zosterops.
Chim Laridea sinh sống suốt
đời ngoài biển, chúng chỉ dành một phần nhỏ cuộc đời trên hải-đảo. Theo sự
tiến-hóa chân chim biến-đổi, có màng để bơi lặn trong nước. Đường thực-quản của
chim có cơ-phận đặc-biệt để loại bớt chất muối hiện-hữu quá nhiều trong nước
biển. Chim rất nhanh nhẹn ngoài biển cả, trên không lẫn dưới nước; nhưng
di-chuyển chậm chạp trên bờ. Chúng không biết leo cây, thường đậu trên bãi, đẻ
trứng trên cát và không làm tổ. Đời các hải-âu khá dài, chúng có thể sống tới
36 tuổi hay lâu hơn nữa.
Chim biển có thức ăn thường
ngày là hải-sản nên phân chứa nhiều acid phosphoric. Chất này tác-dụng lên chất
vôi là biến-chất của xác thân san-hô sau khi chết, tạo thành phosphate,
song-hành với sự bay hơi của khí CO2. Chất phosphate này là một thứ phân-bón
giúp cây cối có cơ-hội phát-triển nhanh chóng.
Hình 16 - Chim hải-âu thuộc
họ Laridés.
3.2- Rùa và sinh-vật trên
đảo Ngoài biển đông.
Bên cạnh chim biển,
động-vật đáng kể đến là rùa biển.
Rùa biển sinh sản trong
vùng nhiệt-đới. Rùa đẻ trứng vùi trong cát. Trứng rùa cần nhiệt-độ cao mới nở
được. Đối với người Trung-Hoa thời cổ sống nơi vùng ôn-đới thì những con rùa to
lớn xuất-xứ từ vùng Biển Đông xem ra rất lạ lùng với họ. Sử Tàu ghi-nhận
chứng-cớ đó.
"Câu truyện "cống rùa thần" được chép trong sách
Cương-Mục Tiền-Biên của Kim-Lý-Tường và sách Thông-Chí của Trịnh-Tiều, theo đó
đời vua Đường-Nghiêu bên Tàu (2357-2258 tr T.C.), họ Việt-Thường có đến chầu và
cống con rùa thần, sống tới cả ngàn năm, lưng có mang chữ viết ghi việc từ khi
trời đất mới mở mang. Vua Nghiêu sai người chép lại gọi là lịch rùa."
(Lịch-sử dân-tộc Việt-Nam, quyển 1, Phạm-cao-Dương, 1987, trang 40.)
Một loại rùa biển có giá-trị thương-mại đáng kể là đồi-mồi. Nhiều
sản-phẩm rất mỹ-thuật làm bằng mai đồi-mồi bán được giá cao trong cả hai
thị-trường quốc-nội và quốc-ngoại. Khi để lớn hết cỡ, mỗi con có thể cho tới
3.6Kg đồi-mồi.
Người dân duyên-hải, kể cả ngoại-nhân xâm-nhập bất hợp-pháp, đã
khai-thác bừa bãi khiến cho giống đồi mồi đang suy-giảm rõ rệt và có cơ
tuyệt-chủng.
Hình 17- Mai đồi-mồi rất đẹp, có giá-trị thương-mại.
Rùa biển khác với rùa sống trên cạn ở vài điểm như 4 chân biến
thành vây để bơi. Rùa biển bơi lẹ làng và vì sự tiến-hóa, vây dài thêm không
còn thu gọn lại được trong mai như rùa đất. Rùa biển có thể lớn tối-đa tới 6
feet (1.85m), sống lâu hàng trăm năm. Đồi-mồi nhỏ hơn, mai rộng chừng 80 cm gồm
nhiều miếng vẩy xếp như mái ngói. Vẩy đồi-mồi có vân mầu nâu óng ánh rất đẹp,
dùng làm quạt, gương, lược, bìa sách... thật đẹp mắt. Đồi-mồi sống nhiều trong
vịnh Thái-Lan, nhất là vùng Phú-Quốc.
Rùa biển nằm trong danh-sách các loài sinh-vật cần được bảo-tồn
của tổ-chức Liên-hiệp-quốc.
Hình 18- Vít cũng như các loại rùa biển khác đẻ trứng trên bãi
cát. Đẻ trứng xong, con rùa này đang trở ra biển.
Ngoài đồi mồi còn một loài rùa biển mà người ta gọi là con Vít.
Ban đêm vít từ biển bò lên bãi đẻ trứng. Trứng vít lớn như trứng vịt, có thể ăn
được. Muốn bắt Vít hay lấy trứng, người ta cứ đi theo những vết chân của nó như
hai vệt bánh xe tăng kéo dài trên cát. Vít bị lật ngửa thường không tự lật lại
được. Thịt vít cũng ăn được, lại có thể sẻ ra làm khô. Chúng đẻ trứng vùi dưới
cát. Nhờ cát nóng, trứng nở ra vít con chạy tứ tán ra biển. Trên đường chạy ra
biển như vậy, vô-số vít sơ-sanh bị chim ăn thịt nhưng vẫn còn nhiều con sống
sót nhảy được xuống nước.
Cũng có chuột trên các đảo, loại to bằng chuột cống. Người đi biển
cho biết ở đảo nào cũng có muỗi.
Theo các nhà Địa-chất-học như Linh-mục La Fontaine mà nhiều
tài-liệu của ông được tra-cứu và trích-dẫn trong sách này, thì thú-vật sống
trên các đảo của Biển Đông đều là các loài đã gặp trên đất liền. Ông R. Bournet
(1937) đã tìm thấy rắn mối Emoia Atrocostatum tại Hoàng-Sa, loài này sống ở
khắp nơi từ bán-đảo Mã-Lai qua Phi-luật-Tân và Đại-dương-Châu .
3.3- Hải-sinh-vật ngoài biển.
Một số lớn các thủy-tộc thông-thường mà ta thấy ở bờ biển Việt-Nam
cũng sinh-sống ngoài Hoàng-Sa và Trường-Sa như cá thu, cá nhám, cá hồng, cá mú,
lươn bể, cá đuối, cá mực, đồn đột, tôm cua, sò ốc...
Biển Đông có nhiều loại cá đáng kể là những mối lợi lớn về
kinh-tế. Chúng tôi xin trình bày về các loài cá của ngư-nghiệp trong phần
tài-nguyên hải-sản, ở đây chúng tôi xin nói vài điều về những hải-sinh-vật lớn
như cá voi, cá heo.
- Chúng ta thường hay gọi cá voi, cá kình, cá heo nhưng trong
sinh-vật-học, chúng không phải loài "Cá" mà được xếp hạng cùng với
con người trong loài "hữu-nhũ" (Mammalia) máu nóng, thở bằng phổi, đẻ
con nhỏ (không đẻ ra trứng.) Cá voi thực-sự (true whale) không có răng cứng mà
chỉ có những màng lưới bằng sụn mềm xếp kín như cái lược. Chúng sống bằng các
phiêu-sinh-vật (plankton) là những sinh-vật nhỏ li-ti sống trôi nổi trong nước.
- Viện Nghiên-cứu Đông-Tây tại Hawai cho biết ở Đông-Nam-Á có tới
11 loài cá voi được xếp thứ-tự nhìn thấy sinh-sống nhiều ít như sau: Bryde's
whale, Sperm whale, Sei whale, Fin whale, Blue whale, Minke whale, Goosebeaked
whale, Humpback whale, Beaked whale, Black right whale, Pygmy sperm whale.
- Riêng ở khu trung-ương của biển Đông, những cá voi mà người ta
thường thấy nhất là loại cá voi có vi (fin whale), tên khoa-học là Balaenoptera
Physalus. Cá voi này có thể dài tới 70 hay 80ft, mầu xám trên lưng trắng ở
bụng, mang thai trong 10 tháng. Cá voi lưng gù (humpback) Megaptera Novaeangliae
là loại cá voi thường thấy sau loại trên. Cá này dài đến 50 ft, tương đối ngắn
nhưng to ngang.
- Người Việt lúc xưa cũng săn cá voi như mọi giống dân Á-Đông
khác. Dân duyên-hải nước ta chỉ mới thờ cá voi cách nay không lâu khi Nam-tiến,
tiếp-xúc nhiều với người Chiêm-Thành.
Hình 19 - Cá voi lưng gù, một loài có thể sắp bị tuyệt-chủng
Những loài cá lớn nhất như cá voi xanh (dài tới 100ft) chỉ
thỉnh-thoảng mới xuất-hiện ở vùng biển phía Nam gần Nam-Dương. Hàng năm, một
vài con bị săn và bị bắn chết khi chúng di-chuyển từng đàn theo mùa. Một loài
cá voi khác cũng xuất hiện quanh vùng đáy biển nông Sunda như Sperm whale
(Physeter catadon), Sei whale (Balaenoptera borealis.)
- Ngoài cá voi, Biển Đông cũng là nơi sinh sống của loại cá heo
(Delphinadae.) Trong sinh-vật-học, người ta cho rằng cá voi và cá heo có nhiều
điểm tương-tự; trừ ra cá heo có hàm răng, chúng sinh sống bằng các loại cá và
cá mực. Cá heo vùng biển nước ta có vài điểm hơi khác biệt nên thường được gọi
là cá heo South China Sea hay Malacca Dolphin. Chúng đi từng bày, thân dài
trong khoảng từ 1.5m tới 2m, bơi rất nhanh và thích đùa dỡn khi chạy qua chạy
lại trước mũi tàu những khi đẹp trời.
Hình 20 - Cá heo của Biển Đông cũng cần được bảo-vệ.
— Việt-Nam không thấy người ta nuôi dậy cá heo nhưng ở Thái-Lan,
Mã-lai-Á và vịnh Bengal, cá heo rất hữu-ích vì giúp ngư-dân lùa cá vào lưới.
3.4- Biển Đông và Môi-trường sinh-vật-Học Việt-Nam.
Như đã trình-bày ở trên về môi-trường thực-vật, Biển Đông
hoàn-toàn có tính-chất Việt-Nam. Những cuộc khảo-cứu về phương-diện
sinh-vật-học lại còn cho biết thêm rằng Biển Đông cũng có môi-trường sinh-sống
gần với Việt-Nam hơn là gần Trung-Hoa hay Phi-Luật-Tân.
3.4.1 - Vùng môi-sinh Á-Đông.
Theo khoa Sinh-vật Địa-lý-học, thế-giới được chia làm 6 vùng
môi-sinh (biogeographical zones); Bắc-Mỹ, Nam-Mỹ, Bắc Á Âu, Phi-Châu,
Đông-Phương và Úc-châu.
Hình 21- Sáu vùng môi-sinh trong khoa Sinh-vật Địa-lý-học. Biển
Đông và Việt-Nam cùng nằm trong vùng Oriental Region.
Khu-vực phía nam dẫy núi Hi-mã-lạp-Sơn bao gồm „n-Độ và Đông-Nam-Á
được đặt tên là Vùng Đông-Phương (Oriental Region.) Vùng này không lớn lắm
nhưng là khu-vực mà môi-trường sinh-vật phong-phú nhất trên trái đất, trong đó
có Việt-Nam cũng như Biển Đông.
Trong khi đó, hầu hết lãnh thổ Trung-Hoa nằm trong khu-vực mà khoa
sinh-vật-học gọi là Palearctic. Vùng này tuy rộng lớn nhất, bao-trùm hết cả
Bắc-Á, toàn-thể Âu-châu và Tây-Bắc Phi-châu nhưng lại ít có những loài sinh-vật
đặc-thù.
Căn-cứ theo giới-tuyến Himalaya - Đông-Nam-Á, Biển Đông không có
nhiều liên-hệ về sinh-vật với Trung-Hoa.
3.4.2 - Đường Wallace - Huxley.
Môi-sinh Biển Đông cũng xa lạ với Phi-luật-Tân, miền đông
Nam-Dương và Úc-Châu. Ranh-giới chia cắt môi-sinh này thường được gọi là đường
Wallace-Huxley.
Nước Việt-Nam nằm trong khu-vực mà các nhà sinh-vật gọi là
Wallacea, đặt theo tên của Alfred Russel Wallace. Wallacea là vùng đất
sinh-sống của các động-vật Á-đông. Không những Trung-Hoa nằm ngoài vùng
môi-sinh Á-đông như đã nói ở trên, Phi-luật-Tân cũng không ở trong vùng này.
Nhà thiên-nhiên-học người Anh này nhận ra rằng ở đảo Bali có tới
94% loài bò-sát và 87% loài chim nguồn gốc Á-Đông, nhưng ở Lombok là đảo kế cận
hướng đông của Bali, thì các tỷ-lệ trên sụt giảm xuống còn 85% và 72.5%. Nhiều
loài hữu-nhũ từ Á-Đông sang sinh-sống ở Java, chúng tới được Bali nhưng không
thấy tồn-tại xa hơn về hướng Đông như Lombok, Celebe.
Tiếp theo Wallace, một nhà sinh-vật-học người Anh nữa là Huxley
nghiên-cứu thêm và thấy rằng tình-trạng sinh-vật ở Phi-luật-Tân (trừ đảo
Palawan) cũng giống như ở Lombok và Celebe, nghĩa là khác-biệt với Việt-Nam.
Bên bờ phía Tây của đường này sinh-vật mang đậm những nét Á-Đông đáng kể
(overwhelmingly Oriental fauna.) Càng đi xa về phía Đông của đường
Wallace-Huxley, ảnh hưởng môi-trường sinh-vật Úc-châu (Australian fauna) càng nhiều
hơn; cho tới đường Weber thì bách-phân sinh-vật Á-đông chỉ còn lại là 50%.
Hình 22- Về môi-sinh, Biển Đông thuộc về Việt-Nam: Đường
Wallace/Huxley cắt Phi-luật-Tân ra khỏi Biển Đông.
Tóm lại, các lý-lẽ trên chứng-minh rõ ràng Biển Đông thuộc
Việt-Nam về phương-diện Sinh-vật Địa-lý-học.
3.5 - Bảo-vệ môi-trường thiên-nhiên.
Con người càng ngày càng chiếm đóng thêm nhiều hải-đảo. Những nơi
xưa kia chim chóc, rùa vít... thường làm tổ một cách tự-do thì nay không còn
nữa. Chẳng những người đã chiếm đất của vật, con người lại còn tàn-sát các
sinh-vật khác không tiếc tay. Trên Biển Đông số lượng sinh-vật đang suy-giảm
nhiều, đặc-biệt là những loài rùa biển, như vít, đồi mồi, như cá voi, cá heo
... Nếu không được bảo-tồn, chúng có thể bị tuyệt-chủng. Những cơ-quan bảo-vệ
thiên-nhiên đã kêu gọi các quốc-gia duyên-hải lưu-tâm tham-gia những
chương-trình của họ.
Theo đà tiến-bộ chung của nhân-loại, các nước Đông-Nam-Á cũng bắt
đầu khởi-sự những chương-trình bảo-vệ môi-sinh quan-trọng từ hơn một thập-niên
qua. Dẫn đầu những công-tác ngoài Biển Đông là Nam-Dương. Nhờ nền kinh-tế
phát-triển mạnh, tiền bạc dồi dào, các chính-phủ Mã-lai-Á và Tân-gia-Ba cũng
đang hăng-hái tham-gia và đã chi-phí những khoản tiền lớn về chống ô-nhiễm,
bảo-vệ môi-sinh.
Những hải-sinh-vật như rùa biển, cá heo, cá voi... được ghi trong
danh-sách những sinh-vật cần bảo-vệ. Cơ-quan International Whaling Commission
(IWC) thuộc Liên-hiệp-quốc, đặc-trách việc này đã thông-báo nguy-cơ tuyệt-chủng
của các loài cá voi, cấm săn-bắn cá voi lưng gù (Humpback whale, Megaptera
novaeangliae) vào năm 1966, cá voi xanh (Blue Whale, Balaenoptera musculus) năm
1967 và cá voi có vi (Fin whale, Balaenoptera physalus) vào năm 1975.
Hình 23- Cá voi xanh, dài tới 100ft, là loài động-vật lớn nhất của
địa-cầu. Một số di-chuyển theo mùa trong vùng biển ĐNÁ. Số lượng đang suy-giảm
rõ rệt.
Trong khi đẩy mạnh sản-lượng ngư-nghiệp, hầu hết các quốc-gia
duyên-hải đã có kế-hoạch khuyến-cáo những ngư-dân tránh sát-hại các loài
hải-vật nào cần-thiết được bảo-tồn để chúng tiếp-tục sinh-sản.
Trường-hợp Việt-Nam, ý-thức về việc bảo-vệ môi-sinh rất thấp,
đặc-biệt về môi-sinh ngoài biển có lẽ còn xa lạ với phần đông dân ta.
Chính-quyền nào cũng cần lưu-tâm đến công-tác này, sự giáo-dục phải khởi-sự
ngay từ học-đường ra đến đại-chúng.
Trong số lượng lớn quân-nhân trú-phòng trên các hải-đảo, không
chắc có bao nhiêu cá-nhân ý-thức đến môi-trường sinh-sống chung quanh. Một khi
nước biển bị ô-nhiễm, ánh-sáng không còn chiếu xuống được sâu, nước biển đục
ngầu thì san-hô chết và sự tồn-tại của hải-đảo lệ-thuộc vào đó. Người quân-nhân
cũng như thường-dân phải ý-thức được sự sinh-tồn của con người liên-hệ ra sao
với san-hô, với biển, với hải-sinh-vật... Đời sống vốn là sự cộng-sinh giữa
muôn loài, sẽ thay đổi theo chiều-hướng tốt đẹp hơn.
4 - Khí-tượng Biển đông.
Khí-tượng Biển Đông khác với khí-tượng trong lục-địa.
4.1- tình-trạng khí-tượng tổng-quát.
Nói chung Hoàng-Sa Trường-Sa nhờ nằm giữa Biển Đông nên khí-hậu
điều-hòa, không lạnh quá về mùa Đông, không nóng quá về mùa hè nếu so với những
vùng đất cùng vĩ-độ trong lục-địa. Không-khí Biển Đông ít bị ô-nhiễm. Bầu trời
thường trong trẻo, tuy đôi khi u-ám và có mưa lớn trong giông bão nhưng
thời-gian này tương-đối qua đi khá nhanh. Mưa ngoài biển qua nhanh, ở Hoàng-Sa
không có mùa nào ảm-đạm kéo dài như kiểu mưa dầm gió bắc ở Bắc-phần hay mù-mịt
như trong mùa mưa ở Huế. Buổi sáng cũng ít khi có sương mù.
-Nhiệt-độ. Nhiệt-độ ở Hoàng-Sa không chênh lệch lắm giữa mùa Hạ
(28-29 độ bách-phân) và mùa Đông (24-25 độ.) Tuy xa cách Hoàng-Sa tới 6, 7 độ
vĩ-tuyến, gần hơn về phía Xích-đạo nhưng Trường-Sa cũng chỉ nóng hơn Hoàng-Sa
chừng vài độ. Có thể nói hai quần-đảo Hoàng-Sa Trường-Sa không có mùa lạnh,
khí-hậu dịu mát nhờ ảnh-hưởng đại-dương.
-Vũ-lượng. — Hoàng-Sa mưa trung-bình trong năm lối 1,170mm, tuy
được kể là mưa nhiều nhưng không quá đáng như ở Huế (3,000mm.) Mưa nhiều nhất
trong tháng 10 (17 ngày - 228mm.) Trường-Sa là vùng rộng lớn gấp 10 lần hơn
Hoàng-Sa, hiện không đủ dữ-kiện nhưng chúng ta có thể ước-đoán rằng vũ-lượng
tổng-quát thấp hơn Hoàng-Sa một chút.
-ẩm-độ. Không-khí Biển Đông tương-đối ẩm-thấp hơn những vùng biển
khác trên thế-giới. — cả Hoàng-Sa lẫn Trường-Sa, ẩm-độ đều cao, ít khi nào
bách-phân ẩm-độ xuống dưới 80%. Trung-bình vào tháng 6, ẩm-độ ở Hoàng-Sa suýt
soát 85%.
Hình 24 - Nhiệt-độ, ẩm-độ, vũ-lượng ở Hoàng-Sa.
4.2 - Mùa gió.
Có hai mùa gió Đông-Bắc và Tây-Nam rất rõ rệt:
* Mùa gió Đông-Bắc thổi mạnh trên biển Đông, từ tháng 11 đến tháng
1, gió 20-25 gút, biển động mạnh, tới cấp 4 cấp 5. Người đi biển hay dân đánh
cá rất khổ cực. Vịnh Thái-Lan trong mùa này tương-đối êm-dịu.
* Mùa gió Tây-Nam thổi trong những tháng 3, 4, 5. Gió mùa này
thường yếu hơn gió mùa Đông-Bắc và biển cũng ít động. Trong mùa gió Tây-Nam,
biển Hoàng-Sa khá êm dịu trong khi Trường-Sa và vịnh Thái-Lan bị ảnh-hưởng sóng
gió nhiều hơn.
4.3 - Thủy-triều.
Thủy-triều là một hiện-tượng nước biển lên xuống, nguyên-do vì
hấp-lực của các tinh-tú mà chính-yếu là mặt trăng và mặt trời. Hiện-tượng này
tuy phức-tạp nhưng lại đi theo chu-kỳ. Sau nhiều nghiên-cứu, chiêm-nghiệm; ngày
nay người ta có thể tiên-đoán khá chính-xác cao-độ thủy-triều tại bất cứ một
hải cảng trong bất cứ một thời-điểm nào
Hoàng-Sa và Trường-Sa nằm ngoài khơi Việt-Nam nhưng thủy-triều lên
xuống tại đây lại không theo đúng nhịp điệu, chu-kỳ hay biên-độ của những con
nước lớn và nước ròng ở các bến quy-chiếu chính của Việt-Nam là Đồ-Sơn và
Vũng-Tàu.
Nói chung, biên-độ thủy-triều không lớn lắm, khoảng 4 - 5ft (1.2m
- 1.5m.) Chu-kỳ thủy-triều Hoàng-Sa thuộc loại hỗn-hợp giữa bán-nhật và
toàn-nhật; vói đặc-tính toàn-nhật vượt trội hơn (chiefly diurnal.)
Thông-thường, mỗi ngày một con nước lớn, một con nước ròng, chuyển qua hai con
nước một ít ngày, rồi trở lại một con.
Hình 25- Một đường biểu-diễn cao-độ tiêu-biểu cho thủy-triều loại
hỗn-hợp.
Người đi biển thường dùng những Bảng Thủy-triều (Tide Table) để
tính-toán thời-gian và cao-độ mực nước lên xuống.
Hình 26- Tài-liệu trích trong "Bảng thủy-triều".
Thủy-triều các cảng Việt-Nam có bến quy-chiếu tại Manila, Phi-luật-Tân.
Hình 27- Bản-đồ nhiệt-độ nước biển, biên-độ thủy-triều, năng-lực
sóng Biển Đông.
Sự tiên-đoán thủy-triều ngày nay khá chính-xác, Tide Table trợ
giúp rất đắc-lực cho những nhà hải-hành khi đi qua các vùng nước cạn, đưa Tàu
chui dưới những cây cầu thấp, ra vô hải-cảng, tính toán giờ giấc vận-chuyển
v.v...
Bảng Thủy-triều do Bộ Thương-mại Hoa-Kỳ biên-soạn, chỉ-dẫn việc
dùng bến quy-chiếu ở Manila, Phi-luật-Tân cho thủy-triều Hoàng-Sa và các bến
vùng Đà-Nẵng, cộng trừ thêm những sai-biệt đã được cơ-sở Thủy-Đạo tính toán
sẵn. Chúng tôi xin trích-dẫn một vài dòng trong sách trên làm tài-liệu.
Trong khi đó ở Vũng-Tàu, Kê Gà, Côn-Sơn, Hòn Khoai, Vịnh Phú-Quốc,
Sài-Gòn; thủy-triều là loại bán-nhật (semi-diurnal) với con nước dâng lên hạ
xuống mỗi ngày hai lần. Bến quy-chiếu tại Mũi Vũng-Tàu.
Đồ-Sơn là một bến quy-chiếu khác trong bảng Tide Table dùng tính
toán thủy-triều các bến dọc theo Vịnh Bắc Việt, trải dài từ đảo Cái Bầu,
Hải-Phòng, Hòn Me đến cửa Nhật-Lệ và ra ngoài xa đến đảo Bạch-long-Vĩ.
Thủy-triều này là loại toàn-nhật (diurnal.)
4.4 - Vùng nước xoáy.
Nước thủy-triều di-chuyển lên xuống theo đường thẳng đứng, Nước
cũng di-chuyển ngang, tạo nên những dòng nước chảy qua chảy lại trên biển. Vì
nhiều yếu-tố ngoại-lai như địa-thế bờ đất, hải-đảo, đáy biển, luồng gió
ảnh-hưởng đến, những dòng nước thủy-triều có thể chạy ngược lại với nhau trong
một vùng nào đó làm nước xoáy tròn.
Hiện-tượng nước xoáy này làm những khối lượng nước bị cuốn xuống
đáy biển theo vòng trôn ốc như tại khu-vực ngoài khơi những ghềnh đá Na-Uy.
Trong những trường-hợp đặc-biệt, vùng nước xoáy mạnh đến nỗi có thể hút cả ghe
thuyền, đáng sợ nhất là ở khu-vực nằm giữa hai vùng biển Phi-luật-Tân và
Nhật-Bản.
Tại Biển Đông, biên-độ thủy-triều thường nhỏ nên những dòng nước
gây nên bởi thủy-triều không mạnh lắm. Dân đánh cá thường biết rõ những vùng
nước xoáy gần bờ để lái ghe thuyền nhỏ bé của họ tránh ra xa. Ngoài biển khơi,
tuy nước có xoáy ở vài nơi nhưng không gây nguy-hại hiểm-nghèo cho các tàu
thuyền đi biển lớn hơn mức trung-bình.
Hình 28 - Cách giải-thích hiện-tượng những con nước xoáy. Hình vẽ
có hơi phóng-đại cơ-nguy trên Biển Đông.
4.5 - Nước biển, Nồng-độ muối.
Nước biển các vùng Hoàng-Sa và Trường-Sa lúc nào cũng ấm-áp.
Nhiệt-độ cả năm thường cao hơn 20 độ bách-phân. Nước biển chứa nhiều oxy, rất
trong vì không bị ô-nhiễm và cũng vì xa các cửa sông nước đục. Độ mặn của muối
dưới mức trung-bình, thường không cao quá 35 phần ngàn (%o.) Bầu trời Hoàng-Sa
và Trường-Sa thường quang đãng ít mây, mặt trời nhiệt-đới quanh năm chiếu
ánh-sáng thật sâu xuống dưới nước. Những điều-kiện này tạo môi-trường lý-tưởng
cho san-hô sinh-tồn và phát-triển ở độ sâu hàng trăm thước.
4.6 - Hải-lưu.
Hải-lưu là dòng nước chảy ở giữa biển mà nguyên-nhân chính
phát-sinh là gió, sau đó là sự khác-biệt về tỷ-trọng, nhiệt-độ nước biển, sự
quay của trái đất, thủy-triều ...
Hải-lưu trong Biển Đông không chảy thường-trực cố-định suốt năm
một chiều như các đại-hải-lưu của Thái-bình-Dương. Gió mùa địa-phương tạo nên
những dòng hải-lưu chuyển-vận nước theo chiều gió thổi, khi gió mùa đổi ngược
chiều thì hải-lưu chảy ngược lại.
-Trong mùa gió Đông-Bắc, hải-lưu Biển Đông chảy ngược theo chiều
kim đồng-hồ. Dòng nước biển chảy mạnh từ Đài-Loan ngang qua Hoàng-Sa vận-tốc
chừng 1 gút. Khi xuống ngang bờ biển Trung-phần, vận-tốc dòng nước tăng thêm,
có khi tối-đa tới 3, 4 gút trên mặt nước. Các nhân-viên khí-tượng Việt-Nam ở
Hoàng-Sa (sau vụ Nhật đảo-chính Pháp tháng 3/45) và quân-nhân Hải-Quân VNCH
(sau khi Trung-Cộng tấn-chiếm đảo tháng 1/ 1974) đã nhờ nhờ dòng nước này thả
bè trôi về được tới Quy-Nhơn và ngoài khơi Cù-lao Ré để được cứu vớt. — phía
Tây vùng Trường-Sa, nước chảy ngược lại như một đối-lưu hướng về phía Đông-Bắc.
Vận-tốc đối-lưu thường thấp. Vùng gần Palawan nước chảy theo chiều Tây-Nam.
-Trong mùa gió Tây-Nam, hải-lưu chảy theo chiều kim đồng-hồ, từ phía
Mã-Lai đi dọc bờ biển Trung-phần ra Hoàng-Sa với vận-tốc chừng .5 gút. Đối-lưu
từ phía Đông của quần-đảo Hoàng-Sa chảy về Trường-Sa rất yếu.
-Hải-lưu Biển Đông không hoàn-toàn là một vòng kín. Trong những
khi gió mùa thổi mạnh, những khối lượng nước biển lớn lao được đẩy ra ngoài qua
các eo biển. Vào mùa gió Đông-Bắc, nước biển Đông thoát ra „n-độ-Dương. Vào mùa
gió Tây-Nam, nước biển thoát ra Thái-bình-Dương.
Theo tài-liệu trong sách Regional Oceanography, tác-giả Matthias
Tomczak & J. Stuart Godfrey (Great Britain, 1994) thì dòng nước chảy qua
chảy lại như một máy điều hòa làm nồng-độ muối ở Hoàng-Sa và Trường-Sa trong
suốt năm giữ nguyên trong mức độ 33.5%o và 33%o. Chiều nước chảy của các
hải-lưu biển Đông được trình-bày như trong hai hình dưới đây.
Như vậy quanh năm, hải-lưu vùng Hoàng-Sa và Trường-Sa thay đổi
chiều hai lần. Dòng nước vùng Trường-Sa không mạnh như dòng nước vùng Hoàng-Sa.
Sau trận hải-chiến năm 1988 khi chiến-hạm bị chìm, các thủy-thủ
Việt-Nam Cộng-sản sống sót trên các bè nổi không trôi đi đâu xa. Vì nước chỉ
chảy chừng 1/4 đến 1/2 gút, sự cấp-cứu đã được thi-hành trong "khu-vực
cánh quạt" sát gần nơi hải-chiến.
Hình 29- Hải-lưu và nồng-độ muối Biển Đông.
Sự vận-hành của hải-lưu liên-hệ đến những thay đổi về thời-tiết,
khí-tượng trong vùng, gây ảnh-hưởng đến môi-trường sinh-sống của người và
sinh-vật dưới biển cũng như trên bờ.
4.7 - Nước, Gió và nạn Dầu loang.
Khi dàn khoan hoạt-động, các tàu chuyên chở dầu đi lại nhiều hơn
và những ống dẫn dầu khí vào bờ khởi-sự; đây cũng là lúc người ta nghĩ đến
những tai-nạn dầu loang và sự hiểu-biết về hải-lưu càng cần-thiết hơn. Các
kế-hoạch phòng-tai bao gồm nhiều giả-thuyết kèm các biện-pháp ứng-phó. Nước
trôi ra sao cùng gió thổi thế nào cần được tính-toán sẵn sàng.
Hình 30 - Các giả-thuyết dầu loang ngoài khơi Biển Đông trong hai
mùa gió Đông-Bắc và Tây-Nam.
Các phỏng-định sau đây đặt ra với giả-thuyết vài triệu gallons dầu
thô, vì tai-nạn hay lầm-lỗi kỹ-thuật lúc khai-thác hay chuyên-chở, bị
thất-thoát ra ngoài biển.
Chừng 24% số dầu đó sẽ bay hơi hay tan-biến sau 2 ngày, 42% sau 5
ngày, 45% sau 8 ngày. Bách-phân tiêu-tán này đạt đến tối-đa là 48% qua 14 ngày.
Sau đó thời-tiết không còn ảnh-hưởng bao nhiêu và số dầu còn lại sẽ nằm vật vờ
trôi nổi trên mặt biển. Phải qua rất nhiều thời-gian để dầu loang tự nó
phân-hóa qua những phản-ứng thoái-hóa sinh-học (Biological Degradation), oxide
hóa quang-năng (photo-oxidation) mà từ từ tan-biến. Khi dầu thoát ra, vì nhẹ
nên nổi và nước gió làm dầu trôi đi trên mặt biển.
Phần nặng hay chất cặn bã của dầu thường không độc-hại bằng phần
lỏng của nó. Chim chóc, cua cá, cây cối... tiếp-xúc với dầu hay nằm trong lớp
dầu bao-phủ sẽ bị chết hại rất nhiều. Nếu không được làm sạch sẽ đúng cách,
tình-trạng môi-sinh trong vùng bị dầu loang chỉ trở lại bình-thường sau nhiều
năm hay nhiều chục năm.
Chúng ta hãy xem vài giả-thuyết dầu loang dọc duyên-hải Việt-Nam
theo tài-liệu của sách Atlas for Marine Policy in Southeast Asia (University of
California Press, 1983):
- Dầu loang ngoài khơi Vũng-Tàu (9o 40' N, 108o E.) Nếu tai-nạn
dầu loang xảy ra vào ngày 1 tháng 7 khi mùa gió Tây-Nam đang thổi mạnh, dầu
loang sẽ trôi theo hướng Đông-Bắc một khoảng 600km (372hl) sau 29 ngày. Chỉ
trong vòng 14 ngày, dầu loang sẽ tràn tới vùng Cam-Ranh.
Nếu tai-nạn trên xảy ra vào ngày 1 tháng 12, trong mùa gió
Đông-Bắc; dầu loang sẽ trôi theo hướng Tây-Nam một khoảng 400km (248hl) sau
thời-gian 14 - 17 ngày.
- Dầu loang ngoài khơi Tây-Nam Hải-Nam (23oN, 109o E.) Bờ biển
Hải-Nam sẽ bị ô-nhiễm nếu dầu thất-thoát trong mùa gió Tây-Nam vào những tháng
5, 6, 7 và 8.
Nếu tai-nạn trên xảy ra vào lúc giao mùa hay giữa mùa gió
Đông-Bắc, dầu loang sẽ trôi về phía bờ biển Việt-Nam: tháng 8, vào Bắc-phần và
các tháng 9, 10, 11, 12, 1, 2, 3 vào vùng Bắc Trung-phần.
Hình 31 - Nếu dầu loang từ Hoàng-Sa hay ngoài khơi Hải-Nam, bờ
biển Việt-Nam có cơ nguy bị ô-nhiễm nhiều hơn phía Trung-Hoa.
Trong tương-lai nếu Trung-Cộng khởi sự đào dầu
tại Hoàng-Sa, cơ-nguy bờ biển Trung-phần Việt-Nam bị nạn dầu loang tràn ngập
rất trầm-trọng, nhất là về mùa gió Đông-Bắc. Hải-lưu vùng này mạnh, đôi khi
vượt 30hl một ngày. Dầu loang có thể tràn đến khu Cù-Lao Ré, Quảng-Ngãi trong
vòng 10 ngày và đến Quy-Nhơn chừng 2 tuần-lễ .
|