8 - Biển và Đảo theo Luật
biển quốc-tế.
Những đoạn sau đây bàn về ranh-giới hải-phận trên Biển Đông theo
với Luật Biển hiện-hành.
8.1 - Quan-niệm cũ mới về lãnh-hải.
Lý-lẽ "lãnh-hải rộng 3 hải-lý vì tầm súng đại-bác" của
các thế-kỷ trước đây đang đi dần vào quên lãng. Thời ấy, ngoài vùng biển
chủ-quyền nhỏ hẹp đó trở ra khơi, quốc-gia duyên-hải khỏi lo lắng phần
trách-nhiệm.
Vào cuối thế-kỷ XX có nhiều điều đổi thay khác lạ về việc hành-sử
chủ-quyền trên biển. Vì nhu-cầu sinh-tồn đòi-hỏi nhiều quốc-gia duyên-hải đã
ban-hành những luật mới về hải-phận theo ý riêng nước họ.
Nhận thấy khu-vực 3 hải-lý quả thực là vùng biển quá chật hẹp,
nhiều nước đã tuyên-cáo những biên-giới lãnh-hải rộng lớn khác thường. Có 12
quốc-gia nhận chủ-quyền lãnh-hải tới 200 hl ngoài khơi, tính đến ngày 1 tháng 2
năm 1992.
8.2 - Luật Biển LHQ, một ý-thức mới về trật-tự trên biển.
Đặc-biệt vì ý-thức được sự cần-thiết phải có một nền trật-tự chung
trên đại-dương cho nhân-loại, nhiều quốc-gia đã đồng-ý cùng nhau đưa ra một
dự-án quản-trị biển cả toàn-cầu. Sau 15 năm cố gắng làm việc của nhiều cơ-quan
quốc-tế, gặp nhiều khó khăn về thương-thuyết, dự-thảo Luật Biển của
Liên-hiệp-Quốc sau ba lần đại-hội, được ra đời vào năm 1982.
Trong niềm hy-vọng những tốt đẹp trên biển cả sẽ đến với
nhân-loại, các luật-gia John R. Stevenson và Bernard H. Oxman đã thở phào nhẹ
nhõm khi viết rằng: "Tất cả những cố-gắng trước đây trong suốt cả thế-kỷ
để đưa toàn-thể thế-giới ngồi lại với nhau trong một sự đồng-ý vững-chắc về
biển cả đã tan vỡ. Thỏa-ước Liên-hiệp-Quốc về Luật Biển là điều cận-kề nhất mà
loài người chúng ta có thể tiến đến với nhau. Mục-tiêu đó nay đang ở trong tầm
tay". (The Future of the United Nations Convention on the Law of the Sea,
trong The American Journal of International Law, Vol. 88, July 1994: 488-499.)
Thỏa-ước "United Nations Convention on the Law of Sea",
viết tắt là UNCLOS hay LOS Convention, công-bố ngày 10-12-1982 tại Montego Bay,
Jamaica đã được 159 quốc-gia ký-nhận (signatures) và như tiên-liệu, đã có đủ 60
quốc-gia duyệt-y (ratification.) Kể từ ngày 16-11-1994, thỏa-ước UNCLOS trở
thành luật và được mang ra thi-hành.
Nội-dung của thỏa-ước rất lý-tưởng như cho rằng "Biển cả là
tài-sản chung của Nhân-Loại". Sự thi-hành Luật Biển lại dựa hoàn-toàn trên
tinh-thần thiện-chí của mọi quốc-gia trên thế-giới. Có nhiều điều-luật
cần-thiết còn thiếu sót. Một số điều chưa được trình-bày rõ ràng hay không
phù-hợp với thực-tế sẽ dần dần được các cơ-quan luật-pháp nghiên-cứu, đề-nghị
điền-khuyết hay tu-chỉnh như đã từng được làm từ mấy chục năm qua ...
Các nước Đông-Nam-Á quanh vùng Biển Đông đều là hội-viên LHQ., đã
cùng ký-kết thi-hành Luật Biển. Trừ ra nước Tàu từ xưa vẫn ngoan-cố, nay lại
chưa chấp-nhận việc thi-hành. Để cho tình-trạng thêm phần căng thẳng,
Trung-Cộng ban-hành Luật Lãnh-hải 1992 riêng cho họ. Luật này ngăn chặn việc
thi-hành Luật Biển LHQ về chủ-quyền hải-phận của những quốc-gia duyên-hải bằng
cách tuyên-cáo một cách trâng tráo : Biển Đông là nội-hải hay lãnh-hải
Trung-Hoa.
Tuy vậy, đa-số giới luật-gia tin-tưởng rằng nhờ số lượng
"đa-số áp-đảo" các quốc-gia ký-nhận, rồi ra Luật Biển sẽ được
toàn-thể cộng-đồng nhân-loại tôn-trọng và thi-hành hầu mang lại hòa-bình trên
biển.
Sự mong ước này xem ra có vẻ là một hoài-vọng quá đáng chăng ?!
8.3 - Lãnh-thổ và lãnh-hải.
Học địa-lý, chúng ta biết rằng diện-tích lãnh-thổ nước Việt-Nam đo
được 329,600 km2. Ngoài lãnh-thổ đó, một khu-vực trên biển từ bờ trở ra khơi 12
hải-lý (hl) đã được nhận là lãnh-hải (territorial waters.) Chủ-quyền quốc-gia
trên lãnh-hải giống như chủ-quyền trên lãnh-thổ. Vào năm 1964, chính-quyền
cộng-sản Việt-Nam tuyên-bố lãnh-hải 12 hl.
Ngày nay, chúng ta cần biết thêm về một vùng hải-phận rộng lớn hơn
nữa ở ngoài biển thuộc chủ-quyền khai-thác của dân Việt-Nam ta: Khu-vực Biển
Kinh-tế Độc-quyền 200 hải-lý mà danh-từ Luật Biển gọi là Exclusive Economic
Zone- EEZ.
Vào ngày 12-5-1977, Chính-quyền CHXHCN Việt-Nam ra tuyên-cáo những
hải-phận như sau:
- 12 hl lãnh-hải
- 12 hl vùng cận-hải phía ngoài lãnh-hải
- 200 hl vùng biển kinh-tế tính từ ngoài đường căn-bản lãnh-hải
(200NM from territorial waters base line.)
Việt-Nam là quốc-gia có đường duyên-hải khá dài (5,237 cây số),
tỷ-lệ bờ biển/ diện-tích lãnh-thổ hơn 1 phần trăm. Trong khi đó, Trung-Cộng có
rất ít bờ biển, tỷ-lệ chỉ đạt tới 1.5 phần ngàn mà thôi
Theo Luật-sư Mark J. Valencia, Việt-Nam ước-lượng vùng EEZ rộng
tới 210,600 dậm vuông (square nautical-mile) trải dài ra trên Biển Đông.
Diện-tích này tính ra 722,338 km2, tức rộng hơn hai lần đất liền, (225% so với
lãnh-thổ.)
Hình 45- Theo bảng liệt-kê này, Việt-Nam có chiều dài bờ biển
2,828 hải-lý (tức 5,237 km, hải-phận EEZ rộng 210,600 hl vuông, không thua
Trung-Cộng bao nhiêu.
Dự-thảo Luật Biển Liên-hiệp-Quốc (United Nations Convention on the
Law of the Sea - UNCLOS hay LOSC) quy-định rằng hải-phận dành cho quốc-gia
duyên hải quản-trị và hải-đảo cũng có những hải-phận như đất liền. Tại Biển
Đông, nước nào có chủ-quyền trên các đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa sẽ được sở-hữu
những tài-nguyên trong các hải-phận liên-hệ. Những vùng biển như vậy rất to
lớn, đặc-biệt lại nằm trong khu-vực có nhiều tiềm-năng dầu-khí.
Đối với Việt-Nam, đặt giả-sử nếu ta kiểm-soát trọn-vẹn cả Hoàng-Sa
lẫn Trường-Sa, hải-phận khai-thác kinh-tế (EEZ) của quốc-gia ta sẽ lớn gấp 4, 5
lần lãnh-thổ hiện-thời trong lục-địa. Tài-nguyên dưới biển nếu khai-thác hết,
có lẽ nhiều hơn sản-lượng thu-đạt trên đất liền.
8.4 - Thềm lục-Địa và EEZ.
Trong những danh-từ thường dùng của Luật Biển ngày nay, người ta
còn nói đến "Thềm lục-địa" (Continental Shelf.) Trước hết, quan-niệm
này phát-sinh khi khảo-sát bờ biển trên thế-giới, người ta thấy đáy biển thường
thoai-thoải từ bờ ra khơi một khoảng xa, tùy nơi có thể từ vài chục hải-lý cho
đến hàng trăm hải-lý; rồi đột nhiên, đáy biển dốc sâu hẳn xuống trước khi chạy
tiếp ra ngoài lòng đại-dương. Hình-dạng phần đáy biển thoai thoải sát bờ đó
giống như cái nền của lục-địa.
Hình 46- Quan-niệm địa-lý về thềm lục-địa
Vì chủ-quyền thềm lục-địa đối với các quốc-gia duyên-hải cũng như
chủ-quyền cái nền nhà đối với người chủ của cái nhà, các quốc-gia thường không
đồng-ý với nhau về ranh-giới này. Tổng-quát có hai khuynh-hướng :
1-Dùng độ sâu đáy biển.
Theo khuynh-hướng này thềm lục-địa nằm trong khu-vực có độ sâu
nước biển tới 200m.
Hình 47 - Biển Đông, thiết-đồ đáy biển và thềm lục-địa (200m.) Từ
bờ Việt-Nam, đáy biển chạy thoai-thoải ra khơi. (Hình của Nguyễn-Khắc-Ngữ
1981.)
Trường-hợp dùng đường đồng-thâm 200m này cho Việt-Nam, chúng ta
thấy:
*Vì đáy biển nông, thềm lục-địa ở Bắc-phần nước ta rất lớn, choán
ra khắp vịnh Bắc-Việt. — đây, việc phân chia thềm lục-địa giữa Việt-Nam và
Trung-Hoa đang trong vòng tranh-chấp. Việt-Nam muốn giữ đường Brévié
(Kinh-tuyến 108.03'Đông) là thỏa-hiệp đã ký từ năm 1887 giữa Pháp, lúc đó đang
bảo-hộ Việt-Nam và nhà Mãn-Thanh, lúc đó đang cai-trị toàn cõi Trung-Hoa. Còn
Trung-Cộng muốn chia vịnh Bắc-Việt theo đường trung-tuyến giữa những bờ biển
nhưng lại không chịu kể Bạch-long-Vĩ là một hòn đảo.
Hình 48 - Vùng tranh-chấp hải-phận trong vịnh Bắc-Việt. Việt-Nam
muốn: hoặc theo đường Brévié.(KT 108 độ.03' Đông) hoặc lấy trung-tuyến hai đảo
Bạch-long-Vĩ và Hải-Nam. Trung-Cộng không đồng-ý cả hai, chỉ muốn lấn vào sát
đất Việt-Nam.
*— miền Trung, thềm lục-địa nhỏ hẹp. Đặc-biệt tại Mũi Varella, vì
đáy biển đột-nhiên sâu hẳn xuống nên thềm lục-địa không rộng quá 40 km.
*Càng về Nam, biển càng trở nên nông cạn và thềm lục-địa nước ta
lại rộng ra rất nhiều. Ngoài khơi Đông-Đông-Nam, cách Vũng-Tàu 200km qua khỏi
bãi Đông-Sơn, gần bãi Tư-Chính chiều sâu đáy biển mới bắt đầu xuống quá 200m.
Kể từ khu này vòng qua Phú-Quốc, biển rất nông và toàn thể khu-vực vịnh
Thái-Lan bao quanh bởi Việt-Nam, Kampuchia, Thái-Lan, Mã-lai-Á, Nam-Dương trở
thành thềm lục-địa của các quốc-gia ven biển.
Cách xác-định thềm lục-điạ theo chiều sâu đáy biển 200m này đã bị
hầu hết các quốc-gia duyên-hải bác bỏ.
2 - Dùng khoảng cách 200hl tính từ bờ.
Có những quốc-gia duyên-hải tuyên-cáo chiều rộng thềm lục-địa
riêng cho họ. Theo nhu-cầu quốc-gia, nhiều chính-quyền đã ra tuyên-cáo về chiều
rộng thềm lục-địa. Ranh-giới 200 hải-lý hiện đang được nhiều quốc-gia
chấp-nhận. Việt-Nam có thể được kể là một trong những quốc-gia này. Thềm
lục-địa Việt-Nam thông-thường đã được chính-quyền đương-thời đồng-hóa với vùng
hải-phận chủ-quyền kinh-tế EEZ 200hl.
8.5 - Đường căn-bản duyên-hải và Nội-hải.
Trước đây năm ba thập-niên, phần lớn các quốc-gia duyên-hải thường
lấy lãnh-hải là 3hl. Có tới 45 nước nhìn nhận ranh-giới này, tính vào ngày
1-1-1958.
Ngày nay, hầu hết các nước tuyên-cáo lãnh-hải 12hl và một vùng
tiếp-cận- Continguous Sea- 12 hl phía ngoài lãnh-hải đó. Khoảng rộng được tính
từ bờ biển hay bờ đảo lúc nước ròng sát.
Bờ biển và bờ đảo thường lởm chởm, chỗ lồi chỗ lõm. Các đường ranh
giới vì vậy rất ngoằn ngoèo phức-tạp. Để giải-quyết vấn-đề chung cho các
quốc-gia duyên-hải hay quần-đảo, một sự đồng-ý đã được đưa vào Luật Biển LHQ.
cho phép những nước đó được vẽ đường thẳng căn-bản (Baselines) nối liền những
mũi đất và đảo.
Hình 49 - LHQ. công-bố hình vẽ này như tiêu-biểu cho cách-thức vẽ
những đường căn-bản duyên-hải. Lưu-ý đến khoảng cách chuẩn 12 hải-lý.
Theo các chuyên-gia về Luật Biển, đường căn-bản được dùng làm
"căn-bản" cho chủ-quyền lãnh-hải nên chính-quyền các nước duyên-hải
cần thảo ra cho sớm và cho chính-xác!
Vào ngày 12-11-1982, Việt-Nam công bố một số đường căn-bản (mà họ
gọi là đường cơ-sở) từ Đảo Cồn Cỏ đến Poulo Wai. Các đường căn-bản trong vịnh
Bắc-Việt, vịnh Thái-Lan, cùng các quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa, vì đang trong
vòng tranh-chấp nên chưa được vẽ.
Vài quốc-gia láng giềng và cả những nước lớn như Hoa-Kỳ đã lên
tiếng phản-đối Việt-Nam. Họ cho rằng những đường này là không hợp-lệ và rằng
Việt-Nam đã tuyên-bố một vùng nội-hải lớn lao một cách quá đáng. Các luật-gia ở
Viện Đông-Tây tại Hawai nhận-xét: "Có nhiều nơi, đường này nằm quá xa bờ
lục-địa hay có nơi đường căn-bản không nhất-thiết phải đi quá xa ngoài khơi vì
bờ biển phía bên trong rất phẳng-phiu".
Hình 50 - Những đường căn-bản (baselines) của duyên-hải Việt-Nam
tuyên-bố ngày 12-11-1982. Nội-hải Việt-Nam gồm hai khu-vực ranh-giới lich-sử
trong vịnh Bắc-Việt, vịnh Thái-Lan và khu-vực biển nằm bên trong những đường
căn-bản.
Từ khi đường căn-bản được ấn-định, ranh giới lãnh-hải và những
hải-phận liên-hệ đến chủ-quyền quốc-gia trên biển bị thay đổi hết. Trường-hợp
Việt-Nam, theo luật gia Kriangsak Kittichaisariee, nếu chỉ kể bốn đoạn (162,
161, 149 và 105 hl) trong 10 đoạn thẳng căn bản (dài tổng-cộng 850hl), nội hải
(internal waters) Việt-Nam cũng đã chiếm tới 27,000 dậm vuông. (Law of the Sea
and Maritime Boundary Delimitation in South-East Asia, Oxford University Press,
1992: 16-17.) Đường căn-bản như vậy làm gia-tăng diện-tích những khu-vực thuộc
chủ-quyền quốc-gia lên rất nhiều.
Hai luật-gia Mark J. Valencia và Jon M. Van Dyke, sau khi bàn-luận
đến những lợi-điểm của Việt-Nam trong việc ký-nhận thi-hành Luật Biển LHQ.,
cũng khuyến-cáo Việt-Nam nên tu-chỉnh lãnh-hải lịch-sử (historic waters) và thu
bớt phần nội-hải bằng cách duyệt lại các đường căn-bản baselines. (Vietnam's
National Interests and the Law of the Sea, trong Ocean Development and
International Law, Vol.25, Apr/Jun 1994: 217-250.)
Trên quan-điểm của chính-quyền CHXHCN Việt-Nam, những đường
căn-bản đã vẽ đúng theo Luật Biển LHQ. Các lý-do được nêu ra có thể tóm tắt như
sau:
- Những đoạn thẳng trong khu-vực từ vĩ-độ 11.00N đến 14.00N
phù-hợp với điều 7(1) quy-định việc xác-định đường căn-bản qua những hòn đảo
nằm ngoài vùng bờ biển khúc-khuỷu, bị ăn sâu vào đất liền Trung-Việt.
- Những đoạn còn lại phù-hợp với điều 7(5) quy-định các đường
thẳng căn-bản cho khu-vực biển có quyền-lợi kinh-tế đặc-biệt và hiển-nhiên đã
được dân-cư Việt-Nam sử-dụng từ lâu đời. (Vietnam: Fisheries and Navigation
Policies and Issues, Mark J. Valencia, trong Ocean Development and
International of Law, Vol.21, 1990, pp 431-445.)
Nếu Việt-Nam cứ giữ vững lập-trường để quyết nắm chủ-quyền phần
"nội-hải" hay lãnh-hải rộng lớn, LHQ. sẽ phải tìm cách phân-xử.
8.6 - Thềm lục-địa kéo dài và đường trung-tuyến.
Biển Việt-Nam là sự nối-tiếp địa-hình đất liền chạy dài ra biển.
Việt-Nam có được đặc-quyền tuyên-bố chiều rộng thềm lục-địa và hải-phận kinh-tế
cho tới 350 hải-lý (Vietnam's National Interests and the Law of the Sea, Mark
J. Valentcia & Jon van Dyke, trong Ocean Development and International Law,
Apr/ Jun 1994: 228-229.)
Tính chung cộng lại một cách tối-thiểu, Việt-Nam rất có cơ-hội
sở-hữu ít nhất một hải-phận kinh-tế ngoài biển rộng gấp ba lần lãnh-thổ trên
đất liền, cho dù rằng nước ta không giữ được toàn vẹn tất cả Trường-Sa cũng như
không phục-hồi lại được quần-đảo Hoàng-Sa.
Hình 51- Khu-vực tranh-chấp Việt-Nam với Nam-Dương và Mã-lai-Á.
Hình nhỏ vẽ khu đáy biển sâu ở phía Bắc đảo Natuna.
Có những lý-lẽ tranh cãi khác nhau về chủ-quyền thềm lục-địa và
hải-phận kinh-tế nơi những vùng biển nhiều quốc-gia giao-tiếp như vậy.
Tranh-chấp lẻ tẻ có thể dẫn đến chiến-tranh. Trong nhiều trường-hợp, các nước
thường bàn cãi đến ranh-giới là đường Trung-tuyến (Meridian.) Đường này chạy
giữa hai đường căn-bản của bờ biển, giữa hai hòn đảo hay giữa bờ biển nước này và
hòn đảo nước kia, giữa các đường căn bản, đảo, bờ... tùy trường-hợp lý-luận
trong thương-thảo.
Vì Việt-Nam ở trong trường-hợp có ưu-thế vì thềm lục-địa kéo dài,
Việt-Nam đòi hỏi các nước láng giềng phân-chia sao cho hợp-lý như ở Vịnh
Bắc-Việt và vùng thềm lục-địa Sunda, phía Bắc đảo Natuna.
Việt-Nam và Nam-Dương không thỏa-thuận được với nhau về đường
ranh-giới này. Nam-Dương muốn chia hải-phận theo đường trung-tuyến giữa đảo
Natuna và bờ biển Việt-Nam, còn Việt-Nam lấy lý-lẽ đáy biển sâu về phía
Nam-Dương nên phải lấy trung-tuyến của bờ biển Nam-Dương và đường căn-bản
baseline Việt-Nam.
8.7 - Các nước lớn và Luật Biển.
Nhiều cường-quốc không vừa lòng với Luật Biển LHQ, hải-quân của họ
muốn được tự-do hải-hành khắp nơi theo ý họ muốn. Tuy vậy, chưa có sự chống-đối,
cản-trở nào đáng gọi là quyết-liệt.
8.7.1 - Hoa-Kỳ. Nếu nói đến cường-quốc mạnh nhất về hải-lực hiện
nay, người ta phải nói đến Hoa-Kỳ. Kể từ khi đối-thủ đáng nể của họ là
Liên-bang Sô-Viết tan rã, lực-lượng Hoa-Kỳ trên biển giữ vai trò độc-bá, đang
tung-hoành khắp mặt đại-dương. Vì Hoa-Kỳ luôn luôn cổ-võ cho sự tự-do hải-hành
nên họ vẫn đứng ra ngoài những nỗ-lực của các quốc-gia khác muốn tiến tới một
một Luật Biển toàn-cầu. Hầu hết những tuyên-cáo nới rộng hải-phận của các
quốc-gia khác trên thế-giới đều bị Hoa-Kỳ phản-đối. CHXHCN Việt-Nam cũng đã mấy
lần nhận giấy tờ ngoại-giao của Hoa-Kỳ gởi đến tỏ ý chống-báng như vậy.
Trong một kế-hoạch toàn-cầu mới nhất về hợp-tác quốc-tế cùng nhau
khai-thác các vùng biển sâu, LHQ. đã phải đối đầu với sự bất-hợp-tác của
Hoa-Kỳ. Vì Mỹ là nước có khẩ-năng lớn nhất về lãnh-vực này nên LHQ. phải
cố-gắng rất nhiều trong việc thuyết-phục. Tin-tức mới nhất cho hay Hoa-Kỳ đã
bớt lạnh nhạt và ngỏ ý sẽ tham-gia.
Tin mới đây cho biết Tổng-Thống Clinton thuận việc thi-hành Luật
Biển quốc-tế, đã gửi văn-thư qua Quốc-Hội để chờ lấy quyết-định của Lập-Pháp
(Comment: The United States and the Law of the Sea, George Galdorisi, trong
"Ocean Development and International Law, Vol 26, No 1, 1995, pp 75-83.)
Phải cần một thời-gian mới có thể biết được sự đóng góp thực-sự
của Hoa-Kỳ ra sao trong việc thi-hành Luật Biển.
8.7.2 - Trung-Cộng. Trung-Cộng là một trường-hợp ngoại-lệ thật
kỳ-dị. Quốc-gia này mặc dù là hội-viên Liên-hiệp-quốc nhưng lại bất-chấp
công-pháp quốc-tế cũng như không tuân theo các nghị-quyết của hội-đồng
Liên-hiệp-quốc về Luật Biển.
Không cần căn-cứ pháp-lý, Trung-Cộng nhận chủ-quyền toàn-thể Biển
Đông. Ranh giới vùng "Lưỡi Rồng" của họ sát bờ biển Trung-Việt (cách
Cù-lao Ré 40 hl) xuống Indonesia qua sát Mã-Lai-Á (cách Borneo 25 hl) vòng lên
sát Phi-luật-Tân (cách Palawan 25 hl.) Trung-Cộng và Đài-Loan, tuy không phải
là các quốc-gia Đông-Nam-Á, đã cùng đứng trên một lý-lẽ, cùng sử-dụng một tấm
bản-đồ với đường "ranh giới lịch-sử nước Tàu " lấn sâu xuống gần hết
biển Đông-Nam-Á. Trung-Hoa Dân-Quốc đã tự-ý vẽ ra những đường ranh-giới này từ
năm 1947.
Chính-sử Trung-Hoa chưa bao giờ ghi-chép việc quân-đội của họ
chiếm-đóng Hoàng-Sa/ Trường-Sa. Địa-dư chí nước Tàu cũng chẳng bao giờ viết
rằng nước Trung-Hoa phía Nam giáp Nam-Dương, Mã-Lai-Á ... Vậy mà người
Trung-Hoa thời nay giám cho rằng lịch-sử là một yếu-tố chính làm căn-bản cho
chủ-quyền nước Tàu trên toàn-thể Biển Đông.
Hình 52 - Khu-vực ranh-giới lịch-sử "Lưỡi Rồng" của
Trung-Cộng chiếm gần trọn Biển Đông.
Khi đề-cập đến sự tham-lam và ngoan-cố nhận liều hải-phận một cách
vô-lối của hai nước Trung-Hoa Lục-địa và Đài-loan như vậy, Luật-gia chuyên về
hải-dương Mark J. Valencia đã nhận-định: "Không có một nguyên-lý nào trong
luật-pháp quốc-tế thời hiện-đại cho phép một kiểu lý-luận như thế !".
Trung-Cộng coi "Nam-Hải" không những là vùng biển đánh
cá (Exclusive Fishery Zone), vùng biển kinh-tế (Exclusive Economic Zone) của
Trung-Cộng mà còn mặc-nhiên nhận như nội-hải (Inner Sea), lãnh-hải riêng
(Territorial Sea) hay cái vườn sau (Back Yard) của họ vậy.
Một khi hải-quân của Trung-Cộng đủ mạnh để kiểm soát mặt biển và
hành-sử chủ-quyền theo tham-vọng của họ thì mọi hoạt-động thương-mai, kinh-tế
của các nước Đông-Nam-Á trên Biển Đông bị bóp nghẹt. Các nước khác trên thế-giới
rồi đây cũng sẽ bị ngăn cản về cả hai đường hàng-hải lẫn hàng-không.
9 - Luật biển lhq. và biển đông.
Trong khi áp-dụng Luật Biển Quốc-tế cho Biển Đông, mỗi nước
duyên-hải trong vùng đã suy-luận theo cách-thức riêng-biệt có lợi cho họ. Sự
tranh-chấp của nhiều nước về chủ-quyền trên các đảo Hoàng-Sa Trường-Sa, ngoài
cơ-nguy đụng-độ quân-sự trên biển, còn lôi kéo theo nhiều tranh-luận rắc rối về
luật-lệ.
9.1 - Việt-Nam và Luật Biển.
Việt-Nam cùng với 159 nước trên thế-giới (tính đến đầu năm 1993)
đã ký-duyệt bản dự-thảo Luật Biển 1982 của Liên-hiệp-Quốc. Tháng 7/1994,
Việt-Nam lại ký tên vào danh-sách các quốc-gia tự-nguyện chấp-hành luật quốc-tế
này. Dự-luật này chỉ đòi hỏi 60 quốc-gia ký-nhận để mang ra thi-hành. Hiện nay
trong số 60 quốc-gia đầu tiên ký-kết đã có nhiều nước lớn như Brazil, Ai-Cập,
Nam-Dương, Mễ-tây-cơ... Ngày 16/11/1994 là ngày thỏa-ước có hiệu-lực thi-hành
(enter into force.)
Việc CHXHCN Việt-Nam chấp-nhận Thỏa-ước về Biển-Cả Quốc-tế đã tạo
được tối-thiểu một sự an-tâm về lý-thuyết. Đặc-biệt Việt-Nam cũng tìm ra một
vị-thế thuận-lợi trên trường ngoại-giao khi tranh-chấp với Trung-Cộng.
Theo sự ước-tính của các giới thông-thạo, muốn làm hội-viên của
Tổ-chức Luật Biển LHQ, Việt-Nam sẽ phải thi-hành một số trách vụ như sau:
- Đóng góp tiền bạc vào Quỹ của Tổ-chức cho chi-phí hoạt-động, có
lẽ khoảng 60 triệu dollars cho lúc đầu và khoảng 8.5 triệu dollars thường niên.
Trong hiện-tình, Việt-Nam được dự-trù đóng góp chừng 3% ngân-quỹ của LHQ .
- Thu nhỏ những vùng nội-hải, sửa lại đường căn-bản duyên-hải, vẽ
những vùng lãnh-hải, cận-hải, chủ-quyền kinh-tế mới sao cho phù-hợp với Luật
Biển.
- Sửa lại luật-lệ về giao-thông trên biển, cho phép sự thông-quá
vô-tư (innocent passage) các loại thương-thuyền và chiến-hạm v.v... theo đúng
với sự quy-định quốc-tế
- Tham-dự vào các chương-trình liên-hệ của Luật Biển như
ngư-nghiệp, bảo-vệ môi-sinh, chống ô-nhiễm, cứu người trên biển, truy-diệt
ma-túy buôn lậu, nghiên-cứu khoa-học...(Vietnam's national Interests and the
Law of the Sea, Mark J. Valencia &Jon M. Van Dyke, trong báo Ocean
Development and International Law, Vol.25, pp 217-250.)
9.2 - Trường-hợp các đảo Hoàng-Sa Trường-Sa.
Trong tiến-trình đi tới một Luật Biển hoàn-bị cho toàn-cầu, các
cơ-cấu luật-pháp quốc-tế lần đầu tiên sẽ phải đối đầu với một vấn-đề mới khó
khăn và tế-nhị về chủ-quyền trên các hòn đá san-hô tí-hon của Biển Đông. Xin
nêu một vài thí-dụ:
- Đảo theo nguyên-nghiã phải là do thiên-nhiên tạo ra. Đến nay,
vẫn chưa ai hiểu được luật quốc-tế phải làm sao để truy-tầm và giải-quyết trường-hợp
đảo xây lên bằng cách "nhân-tạo".
- Luật Biển vẫn chưa xác-định được sự khác nhau giữa Đảo và Cồn,
Đụn. Những "đảo" san-hô thường chỉ như những cồn, đụn; hôm nay nổi
mai chìm. Trường-hợp như Đảo Tro (vùng hòn Hai, Cù-lao Thu) đùn cao lên tới 30m
một thời-gian (các đảo Trường-Sa chỉ cao chừng 2m) rồi tan theo tro bụi cũng
khó giải-quyết.
Hình 53- Một tàu hải-đăng như bên, nếu cho đánh chìm xuống biển,
có thể biến thành một đảo nhân-tạo !?
- Sự kiện càng thêm rắc rối vì vấn-đề hợp-pháp của hải-đăng trên
các bãi ngầm cũng đã được Luật Biển đề-cập tới. Năm qua, CHXHCN Việt-Nam ra
tuyên-cáo thiết-lập 10 hải-đăng (?) tại quần-đảo Trường-Sa mà một chiếc đặt
trên Đá Lát là một hòn đá ngầm (reef.)
Giả-sử nếu có nước mua một tàu hải-đăng cũ đem đến một bờ bãi ngầm
hay cạn nào đó rồi cho chìm xuống, nước đó có thể chứng-minh hợp-pháp cho
lãnh-hải quốc-gia 12hl và cho vùng kinh-tế 200hl của họ được không ?
- Qua những bức hình cho công-bố mấy năm gần đây, rõ ràng là
Trung-Cộng muốn xác-nhận chủ quyền lãnh-thổ, lãnh-hải ngay nơi đứng của người
lính Tàu mà nước ngập ở dưới chân.
Luật-gia quốc-tế chỉ đành lắc đầu không nói gì được về sự ngoan cố
"kiểu Tàu" như vậy!
Hình 54 - Bia chủ-quyền Trung-Cộng tại một hòn đá ngầm Trường-Sa.
Có những luật-gia như Jon M. Van Dyke và Dale L. Bennett cho rằng
tất cả các đảo Hoàng-Sa Trường-Sa chưa bao giờ có dân-cư sinh-sống thường-trực
và cũng chưa bao giờ có một đời sống kinh-tế riêng của nó (no economic life of
their own) nên cùng lắm, các đảo chỉ dùng để tính lãnh-hải 12 hl mà thôi. Hai
ông này đề-nghị: Trong Biển Đông các yếu-tố như chiều dài bờ biển tiếp-cận, số
lượng cư-dân vùng duyên-hải, lịch-trình sử-dụng hải-sản nên được dùng làm các
mấu chốt chính-yếu để xác-định quyền sở-hữu hải-phận hơn là sự chiếm-cứ (bằng
quân-sự) những đảo, đá tí-hon này.
Lý-lẽ Dyke và Bennett tuy vậy lại ngập ngừng, không vững vì hai
ông phát-biểu rằng có lẽ nên để cho (một mình) đảo Phú-Lâm được hưởng phần nào
quyền sở-hữu hải-phận (EEZ) trong vùng (Islands and the Delimitation of Ocean
Space in the South China Sea, trong Ocean Yearbook 10, University of Chicago
Press 1993: 54-89.)
Giống hệt như Phú-Lâm, nhiều đảo khác trên Biển Đông cũng có hàng
trăm quân trú-phòng sinh sống, với cơ-sở phi-quân-sự như đài khí-tượng, trạm
hải-đăng. Đảo được khai-thác phốt-phát bởi công-ty tư-nhân. Đảo là nơi nghỉ
chân khi hải-hành. Đảo cung- cấp nguồn tiếp-liệu, nhà kho, sửa chữa, bảo-trì
ngư-thuyền, ngư-cụ của thường-dân. Các đảo như Hoàng-Sa (Pattle) của VNCH trước
1974, và các đảo Trường-Sa, Nam-Yết, Song-tử Tây, An-Bang... ngày nay đáng được
kể là "Đảo" khi dựa vào các điều-lệ của Luật Biển.
Trên bàn thương-thảo quốc-tế, khi đi tìm một chiến-thuật tranh-cãi
cho việc thụ-hưởng một vùng biển kinh-tế rộng lớn nào đó, người ta cần
nghiên-cứu rõ từng trường-hợp. Căn-cứ vào những họa-đồ, sự hơn thiệt về
hải-phận có thể thấy rõ. Cứ như trường-hợp Việt-Nam trong hiện-tình quân-sự,
ngoại-giao hiện-tại, việc chia cắt lãnh-hải theo quan niệm "Biển Đông
không có đảo" có lẽ đem lại một vùng đặc-quyền kinh-tế EEZ lớn nhất mà nước
ta có thể được hưởng .
Về phương-diện Luật Biển LHQ, nếu đứng riêng rẽ, các đảo ngoài
khơi Biển Đông diện-tích quá nhỏ bé và nằm rải rác trên một vùng biển quá rộng;
không đủ điều-kiện để hưởng quy-chế quốc-gia quần-đảo (Archipelago State.) Điều
số 47 của UNCLOS - Archipelagic Baselines quy-định tổng-số diện-tích đất / biển
phải chiếm trong khoảng tỷ-lệ từ 1/1 tới 1/9.
9.3 - Những đường ranh Biển Đông.
Tình-trạng chủ-quyền của các quốc-gia trên Biển Đông không rõ rệt
lúc này. Việt-Nam, Trung-Cộng và Trung-Hoa Đài-Loan cùng nhận làm chủ toàn-thể
Hoàng-Sa và Trường-Sa.
Hình 55 - Bản-đồ ghi các vị-trí chiếm-đóng quân-sự ở Trường-Sa.
— Trường-Sa, ngoài quân-đội của Việt-Nam và hai nước Trung-Hoa,
còn có lính phòng-thủ của Phi-luật-Tân, Mã-lai-Á trên các hải-đảo chen kẽ nhau.
Quần-đảo ví như mối bòng bong không cách gỡ.
Trường-Sa có tới nhiều trăm "đơn-vị đất đá" nhưng chỉ có
26 đảo, cồn, đụn và 7 hòn đá nổi thường-trực trên mặt biển. Theo như các
tin-tức thâu-thập được qua báo-chí tại Hoa-Kỳ, tình-trạng hiện nay như sau:
-Việt-Nam chiếm đóng nhiều nơi nhất, có thể tới 26 vị-trí (?) mà
14 có cao-độ được kể về mặt pháp-lý (3 đảo, 7 cồn, 1 đụn, 3 đá.)
-Phi-luật-Tân chiếm 8 vị-trí đều là "cao-địa (5 đảo, 3 cồn.)
-Trung-Cộng chiếm tới 9 vị-trí, nhưng chỉ có 2 "cao-địa"
(1đảo,1 đá.)
-Mã-lai-Á chiếm 3 vị-trí với 2 "cao-địa" (1 đảo, 1 đá.)
-Đài-Loan chiếm 1 vị-trí (1 đảo.)
-Còn lại chừng 6 "cao-địa" (?) (4 đảo, 2 đá) chưa ai
chiếm-đóng.
Theo một số luật-gia, đảo (island), cồn (cay), đụn (dune) có thể
được hưởng quy-chế 200 hl hải-phận EEZ; còn đá thì chỉ được tính 12 hl hải-phận
của lãnh-hải mà thôi.
Như đã nói ở trên, theo một vài luật-gia về biển cả; Việt-Nam là
một trong số các quốc-gia có thể viện-dẫn những lý-lẽ hợp-pháp để kéo dài thềm
lục-điạ và hải-phận kinh-tế ra tới 350 hải-lý.
Không giống như trường-hợp Phi-luật-Tân và Nam-Dương, bờ biển
Việt-Nam thoai-thoải trải dài ra biển không có sự ngăn cách của các rãnh biển
sâu (trench, trough) gần bờ nên sự nới rộng hải-phận hợp-lý hơn các nước kia.
Đường thâm-thủy chỗ sâu nhất của đáy Biển Đông trong khi nằm rất
xa bờ biển Việt-Nam, lại nằm thật gần với các nước Trung-Hoa, Phi-luật-Tân,
Mã-lai-Á, Nam-Dương.
Tình-trạng đáy biển càng rõ rệt trong cả hai vịnh Bắc-Việt và vịnh
Thái-Lan. Tuy vậy lý-lẽ của Việt-Nam chưa bao giờ được các nước tranh-chấp
liên-hệ chấp-nhận.
Bản-đồ ranh-giới tại vịnh Bắc-Việt đã được trình-bày ở một đoạn
trên. Dưới đây là hình vẽ mô-tả những vùng tranh-chấp tại vịnh Thái-Lan.
Hình 56 - Khu-vực tranh-chấp hải-phận trong vịnh Thái-Lan:
Việt-Khmer phía tây-bắc, Việt-Thái phía tây-nam.
Tại Biển Đông, trở ngại lớn lao nhất trong việc xác-định ranh-giới
là sự độc-đoán, ương-ngạnh của Trung-Cộng và sau đó là Đài-Loan. Hai nước này
nhận chủ-quyền toàn-thể hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa cùng vớói "nội-hải"
chiếm 80% Biển Đông. Việc thương-thảo với các nước láng giềng Đông-Nam-Á phần
nào có vẻ dễ dàng hơn.
Cho dù không thể đi đến sự xác-định đường chia cắt, các dân-tộc
Đông-Nam-Á cũng có thể sống hoà-hoãn với nhau không sắt máu. Thoả-ước cùng
chung nhau khai-thác tài-nguyên một vài vùng biển đã được các nước Nam-Dương,
Mã-lai-Á thi-hành. Mới đây nhất, Việt-Nam và Mã-lai-Á lại tiến được một bước
lớn về hợp-tác tương-tự như vậy. Việt-Nam cũng ngỏ-ý dễ dãi đôi-phần về việc
thuyền Thái-Lan được phép đánh cá trong vài vùng Việt-Nam vẫn kiểm-soát chặt
chẽ xưa nay.
Hình 57 - Bảng ghi-nhận chiều rộng các loại hải-phận của những
nước Đông-Nam-Á.
Trung-Cộng là một quốc-gia đông dân tới hàng tỷ người, đường bờ
biển khá dài (8890 hl) nhưng diện-tích hải-phận kinh-tế EEZ lại không có bao
nhiêu (281,000 hl vuông.)
Trung-Cộng đã thăm dò và khai-thác các giếng dầu trên đất, ngoài
biển từ hơn hai thập niên qua nên nắm vững được số trữ-lượng dầu khí. Theo các
nhà nghiên-cứu quốc-tế thì Trung-Cộng biết rõ đất nước của họ không chứa nhiều
dầu. Tình-trạng sản-xuất dầu khí của Trung-Hoa không khả-quan như trước đây họ
từng tiên-đoán. Biển Đông chính là nơi họ thèm muốn về cả hai phương-diện
kinh-tế và quân-sự.
Với tham-vọng quá lớn của Trung-Cộng, Biển Đông sẽ càng trở nên sóng
gió. Không ai có thể vẽ ra được bản-đồ ranh-giới hải-phận trong tình-hình quá
rắc rối như lúc này.
9.4 - Những hình vẽ hải-phận theo giả-thuyết.
Để giản-dị-hóa vấn-đề, chúng tôi xin trình-bày một số bản-đồ với
các đường ranh giới hải-phận kinh-tế theo những giả-thuyết trong những trang
dưới đây:
9.4.1 - Bản-đồ tổng-quát Biển Đông với những vùng hải-phận
tranh-chấp. Các ranh-giới bao quanh Đài-Loan, Pratas, Hoàng-Sa, Trường-Sa trong
giả-thuyết các quần-đảo này đứng riêng rẽ độc-lập.
Hình 58 - Tổng-quát Biển Đông.
9.4.2 - Hải-phận kinh-tế EEZ của Việt-Nam trong hai giả-thuyết:
-tối thiểu khi mất hết biển cho Trung-Hoa và các nước láng giềng
-tối-đa trong giả-thuyết Việt-Nam sở-hữu cả hai quần-đảo Hoàng-Sa
Trường-Sa, và không có sự tranh chấp hải-phận với các quốc-gia lân-bang.
Trường-hợp này VN sẽ sở-hữu một hải-phận gấp 5,6 lần lãnh-thổ.
Hình 59 - Hải-phận Việt-Nam
9.4.3- Hải-phận kinh-tế EEZ của Trung-Cộng trong hai giả-thuyết:
-tối-thiểu khi Đài-Loan đứng độc-lập và Việt-Nam kiểm-soát cả
Hoàng-Sa lẫn Trường-Sa. Nước Tàu với dân-số gần 1/4 nhân-loại nhưng hải-phận
kinh-tế EEZ không hơn Việt-Nam bao nhiêu.
-tối-đa nếu hoàn-thành được mộng xâm-lược, hải-phận vùng Nam-Hải
của họ tăng lên 5, 6 lần.
Hình 60 - Hải-phận Trung-Cộng
9.4.4 - Hải-phận EEZ của các nước Việt-Nam, Trung-Cộng, Đài-Loan,
Phi-Luật-Tân, Mã-Lai-Á & Brunei trên Biển Đông trong gỉả-thuyết không có
các quần-đảo Hoàng-Sa/ Trường-Sa.
Trung-Cộng quyết-liệt ngăn-chặn đề-nghị này, cho dù bằng cả
biện-pháp bạo-lực quân-sự .
Hình 61 - Hải-phận Biển Đông nếu không có Hoàng-Sa Trường-Sa.
9.4.5 - Hải-phận EEZ của Việt-Nam nếu có đảo Tri-Tôn. Tuy Tri-Tôn
chỉ cách bờ Cù-lao Ré có 121 hl. nhưng về ranh-giới EEZ, đảo này chiếm vị-trí
quan-trọng. Đảo Tri-Tôn kết-hợp với đảo Song-Tử Tây (CHXHCN Việt-Nam đang chiếm-đóng)
cho Việt-Nam lý-lẽ để sở-hữu thêm một vùng hải-phận rộng lớn, diện-tích suýt
soát lãnh-thổ trên lục-địa.
Hình 62 - Vị-trí đảo Tri-Tôn trong Biển Đông
tương-ứng với Song-Tử Tây trong việc phân-chia hải-phận |