Home

Thơ

Sưu Tập

Văn Điếu Tế  Linh Tinh Trang Ca Dao Search

 

 10 - đặc-tính chung của các đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa.

Có nhiều điểm đáng nói về các đảo thuộc Hoàng-Sa và Trường-Sa, đặc-biệt là về cách cấu-tạo địa-chất.

10.1 - cấu-tạo địa-chất.

Trước hết, chúng ta duyệt xét các giả-thuyết cấu-tạo và sau đó tìm hiểu tuổi-tác các đảo.

Không giống như các đảo khác nằm gần bờ biển Việt-Nam, các đảo thuộc hai quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa không được tạo thành bởi các khoáng-chất như đất đá Regosol trong đất liền mà là tập-thể chồng chất các xác thân của san-hô, một loài sinh-vật dưới biển.

Kết-quả điều-nghiên của các chính-quyền Pháp, Mỹ và Việt-Nam cho biết hầu hết các đảo nằm giữa biển khơi vùng nhiệt-đới như Hoàng-Sa và Trường-Sa đều là các ám-tiêu san-hô, tiêu-biểu cho kiến-trúc ám-tiêu loại Thái-bình-Dương. San-hô là một loại sinh-vật nhỏ thuộc dòng Xoang-tràng (classes Anthozoa and Hydrozoa of the Phylum Coelenterata), sống tập-đoàn trên mặt những đảo ngầm vùng biển nhiệt-đới.

Hình 63 - Hai loại san-hô thông-thường.

Đã có khá nhiều lý-thuyết hình-thành đảo san-hô như của Quoy và Gaimard, Darwin, Krempf, Murray, Agassir v.v... Các công-trình nghiên-cứu của người Pháp, đặc-biệt của ông P. Chevey thuộc viện Hải-học Đông-Dương, rất hữu-ích cho những ai muốn tìm hiểu thêm về chi-tiết cấu-tạo đảo san-hô Biển Đông.

Sau đây là tóm tắt một số kiến-thức về sự hình-thành các đảo san-hô, trích từ hai bài "Thử khảo-sát về quần-đảo Hoàng-Sa" của giáo-sư Sơn-Hồng-Đức, đăng trong Đặc-san Sử-Địa số 29 năm 1975, trang 185-206 và "Iles et Récifs de Coraux de la Mer de Chine" báo Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, bộ IX, số 4, Saigon ngày 10-12-1934, trang 48-56.

Lý-thuyết Darwin được một số nhà địa-chất tin-tưởng là chính-xác trong trường-hợp những ám-tiêu viền được thành-lập. Theo Darwin thì san-hô đã nhờ hoàn-cảnh thuận-lợi sinh-sản thành một tập-đoàn rộng lớn viền quanh một hòn đảo. Sau đó, chính sức nặng của san-hô và sự lún của đáy làm cho đảo từ từ chìm xuống, còn san-hô vẫn tiếp-tục phát-triển.

* Khi đảo không chìm hoàn-toàn, hệ-thống gồm đảo ở giữa, ám-tiêu viền ngoài bao bọc đầm nước bao quanh đảo.

* Khi đảo chìm hẳn, ta chỉ còn thấy ám-tiêu san-hô bao một đầm nước yên-lặng..

Hình 64 - Sự hình-thành các đảo san-hô theo thuyết "lún đáy" của Darwin.

Các lý-thuyết hình-thành đảo san-hô khác không phải là hoàn-toàn sai lạc. Có lẽ mỗi giả-thuyết đúng vào một khía cạnh nào đó trong tiến-trình kết-tụ:

a- Thuyết của Quoy và Gaymard cho rằng san-hô thành-lập trên miệng những hỏa-diệm-sơn ngầm dưới biển. Khoa địa-chất đã ghi nhận nhiều núi lửa ngầm hình-thành khi có địa-chấn trong vùng Biển Đông. Thuyết này không hoàn-toàn đúng vì tại vài vùng có ám-tiêu san-hô lại không thấy có núi lửa.

Hình 65 - Thuyết hình-thành các đảo san-hô trên miệng núi lửa của Quoy và Gaimard.

b- Thuyết của Murray là một thuyết tác-động hóa-học. Các phân-tử vôi có trong nước biển kết-tụ trên những đỉnh núi ngầm. Khi khối vôi này cao dần đến tầng nước có ánh-sáng mặt trời đầy đủ thì san-hô bám vào và sinh sản. Murray cho rằng chính giữa khối san-hô, khí CO2 tích-tụ nhiều đã xâm-thực-hóa san-hô làm vùng giữa biến mất.

Hình 66 - Thuyết hình-thành các đảo san-hô của Murray.

c- Thuyết của Agassiz cho rằng cái nền đất đá tạo-lập nên quần-đảo san-hô là quan-trọng. Agassiz nghiên-cứu vùng Great Barrier ở Úc thấy rằng lớp san-hô không dầy lắm. Phải có cái nền thích-hợp là dải núi ngầm dưới biển thì mới có dẫy đảo san-hô. Phần kết-tụ được Agassiz trình-bày phần nào giống như thuyết Murray.

Hình 67 -

Thuyết hình-thành các đảo san-hô của Agassiz đặt quan-trọng ở dải núi ngầm.

d- Thuyết của Krempf liên-hệ đến gió mùa. Đây là một giả-thuyết mới về sự tạo-lập những đảo san-hô. Theo ông nhờ các phản-ứng hóa-học, những vật-chất lững lờ trong nước kết-hợp với san-hô. Tập-thể này tiến-triển theo chiều thẳng đứng và dần dần tạo thành đảo. Krempf cho rằng khi san-hô nổi lên thì bị sóng và gió xâm-thực, những vật-liệu bị gió mùa xâm-thực sẽ bị cuốn rơi vào bên trong đè lớp san-hô bên trong và giết chết đi. Tới khi gió mùa nghịch lại thì vùng bên kia lại bị xâm-thực và vật-liệu cũng rơi vào bên trong... Vòng đai san-hô vì thế thường có hình bầu dục kéo dài theo chiều ảnh-hưởng của gió mùa.

Hình 68- Thuyết hình-thành các đảo san-hô với gió mùa của Krempf.

Biển Đông là vùng biển có hai vụ gió mùa Đông-Bắc và Tây-Nam thật rõ rệt trong năm. Lý thuyết Krempf giải-thích được tại sao các ám-tiêu san-hô lớn trong các quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa lại giống như những hình bầu-dục khổng-lồ kéo dài theo cùng hướng, từ Đông-Bắc đến Tây-Nam.

10.2 - Đất-đai san-hô.

Các đảo ở Trường-Sa và Hoàng-Sa đều là các ám-tiêu san-hô. Đặc-tính đất đai vì đó khác-biệt với đất-đai các đảo ven biển cũng như đất đai vùng duyên-hải.

Trong bản "Phúc-trình Cuộc Thám-sát Hòn Nam Yít thuộc Quần-đảo Trường-Sa vào mùa thu năm 1973" Kỹ-sư Trịnh-tuấn-Anh viết như sau:

"... Đây là những ám-tiêu san-hô tiêu-biểu trong vùng Thái-bình-Dương. Trong quá-trình địa-chất, hòn Nam-Yít được thành-lập do sự nguội đặc của dung-nham huyền-vũ phún-xuất ngầm dưới mặt nước. Về sau san-hô bám vào đó và tăng-trưởng mau lẹ nhờ vào các điều-kiện thích-hợp cho môi-trường sinh sống của chúng như chiều sâu của mực nước biển, nhiệt-độ lượng Oxy ...

San-hô nhờ có vỏ vôi nên khi chết vỏ sẽ hóa cứng và thành-lập nên đá vôi san-hô có nguồn-gốc sinh-học.

... Đất đai thuộc nhóm Regosol trắng ở ven bìa hòn là các đụn cát thấp nằm che phủ lớp đá vôi san-hô bên dưới. Trắc-diện đất (được đo) có chiều sâu thay đổi từ 40cm đến 120cm.

... Trắc-diện (đụn cát ven bìa) có sa-cấu cát pha thịt nên độ thoát thủy mạnh và khả-năng giữ nước kém. — ven bìa hòn đảo, nước mặn thấm-nhập nên độ dẫn điện trong dung-dịch đất khá cao . Ngoài ra vì trong cát có lẫn thật nhiều mảnh vỏ sò, ốc, san-hô bằng CO3Ca bị nát vụn nên lượng Ca trao đổi được chiếm tỉ-lệ thật cao .

Trong khi các trắc-diện lấy ở giữa hòn, nơi các chỗ trũng có cây cối mọc tươi tốt nên trong đất có lượng chất hữu-cơ rất giàu do thực-vật bị huỷ-hoại cung-cấp, độ dẫn-điện, lượng Ca và Na giảm đi một cách rõ rệt, đồng thời chất lân và Mg đồng-hóa cao hơn so với nơi bìa đảo. Sa cấu của đất tương-đối cũng ít cát hơn, giàu đất thịt và sét hơn, do đó đất tương-đối chậm thoát thủy hơn.

Các nhận-xét trên cho thấy là đất đai ở giữa hòn thích-hợp cho việc canh-tác hơn so với ven bìa nhờ khá giàu chất hữu-cơ, lân, chậm thoát thủy và nhất là ít bị mặn.

... Kết-quả cuộc thám-sát tại chỗ cho thấy đất đai trên hòn Nam-Yết không đủ khả-năng nuôi sống vài chục người nếu chỉ tự-lực canh-tác."

Tuy vậy Kỹ-sư Trịnh-tuấn-Anh cũng kêu gọi các quân-nhân đồn-trú nên ý-thức việc tự-lực cánh-sinh mạnh mẽ như Lỗ-Bình-Sơn hơn là chỉ lệ-thuộc hoàn-toàn vào nguồn thực-phẩm tiếp-tế từ đất liền.

Hình 69- Bảng phân-chất đất trên đảo Nam-Yết của Kỹ-sư Trịnh-tuấn-Anh.

10.3 - kích-thước và tuổi-tác các đảo.

Các đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa thường thấp và nhỏ. Tuổi của san-hô cấu tạo nên đảo khó mà biết được chính-xác.

10.3.1 - Kích-thước của đảo san-hô.                                      

San-hô, nguyên-chất cấu tạo nên đảo, là loài thủy-sinh-vật; tuy chúng có thể nảy nở và phát-triển theo chiều cao, nhưng khi đạt đến một cao-độ giới-hạn nào đó thì chúng ngưng lại vì san-hô không thể sinh-tồn được nếu bị đẩy ra ngoài nước quá lâu. Trong khi mặt biển lên xuống theo thủy-triều, độ cao mực nước lại cũng ảnh-hưởng theo với cả tình-trạng nóng lạnh của trái đất. Khi băng đá tích-tụ nhiều ở hai địa-cực thì mực nước biển thấp, khi băng đá tan rã thì mực nước dâng lên cao.

Giáo sư Sơn-Hồng-Đức cho rằng các đảo san-hô không thể nào cao hơn mực nước cao nhất của bể thời trước.

Tại quần-đảo Hoàng-Sa, ngoài Đảo Đá là hòn cao nhất, tới 50 ft (16 m); những hòn đảo khác thấp hơn nhiều. Nhìn chung các đảo Hoàng-Sa cao hơn hẳn những đảo ở Trường-Sa vì Nam-yết là đảo cao nhất của quần-đảo Trường-Sa chỉ vào khoảng 15ft, hay chưa quá 5m (có tài-liệu ghi 20m hay 60ft, những con số này không đúng.)

Hình 70 - Theo P. Chevey, các ám-tiêu san-hô không mọc cao được vì phần san-hô nằm trên mực nước lớn của thủy-triều sẽ bị chết. Chỉ cách Hoàng-Sa chừng hơn 100 Hải-lý về phía đất liền Việt-Nam, mà hòn Cù-Lao Ré nhờ sự cấu-tạo địa-chất khác-biệt nên rộng lớn (dài khoảng 5km) và cao hơn nhiều, tới 590 ft (180m. cao-độ của các đảo san-hô khiêm-tốn như vậy, những người lái tàu thuyền chỉ nhận ra đảo khi lại thật gần. Đảo đã thấp sát mặt biển, lại còn rải rác nhiều bãi cạn hay rặng san-hô mọc ngầm nữa. Những nguy-cơ thảm khốc cho người đi biển thật bất ngờ và thật nhiều. Khi thời-tiết xấu và trong đêm tối, đặc-biệt lúc giông bão; số lượng thương-thuyền hay chiến-hạm đã mắc cạn ở những vùng này không có thống-kê nào ghi lại cho hết được. Có nhiều xác tàu trơ trọi, những ống khói và đài chỉ-huy nhô lên mặt biển nhắc nhở bao tai-nạn hãi-hùng đã xảy ra.                                   

10.3.2 - Tuổi đảo: thật già và thật trẻ .

- Hiện chưa có sự định tuổi chính-xác cho các đảo Hoàng-Sa / Trường-Sa, nên chúng ta chỉ có thể phát-biểu một cách tổng-quát là sự hiện-hữu của chúng đã từ cuối đệ tứ nguyên-đại, trong vòng nhiều triệu năm...

Xin lấy một thí-dụ để so sánh tuổi-tác của bãi ngầm san-hô Bikini thuộc quần-đảo Marshall Islands, nơi vụ thí-nghiệm nổ nguyên-tử ngầm dưới nước diễn ra năm 1946. San-hô nơi đây, tương-tự như Hoàng-Sa / Trường-Sa, nhưng dầy tới hàng ngàn feet, được định tuổi là 30,000,000 năm.

Chúng ta biết rằng từ khi biển thành-hình, mực nước biển đã từng lên xuống nhiều lần. Vì mực nước ngày nay đang ở cao-độ tối-đa và san-hô chỉ mọc trong nước, thế nên phần phía trên của đảo chắc chắn chỉ mới xuất hiện trong vòng mười mấy ngàn năm trở lại đây, khi nước biển ở mức-độ 40 hay 50m thấp hơn hiện-thời. Phần san-hô chìm sâu trong lòng biển hẳn nhiên phải già nua hơn nhiều.

-Căn-cứ trên những tài-liệu nghiên-cứu đã phổ-biến, các nhà địa-chất tin-tưởng rằng nhiều đảo san-hô trong Biển Đông đang tiếp-tục thành-hình và một số đảo sẽ có thể bị biến mất vì những chuyển-động địa-chấn.

Báo Economist, July 7, 1990 loan tin chỉ mới đây, vào năm 1988 bỗng-nhiên có một hòn đảo nhỏ nổi lên gần bờ vùng Sabah của Mã-lai-Á, cho dù không có những rung-chuyển địa-chấn gì dữ dội (bài "Fishing for Trouble in the Spratlys", trang 36.)

Ngoài ra sự hình-thành cũng như sự tồn-tại của các đảo còn lệ-thuộc vào môi-trường sinh sống của san-hô như ánh-sáng, nhiệt-độ, đặc-tính đáy biển, độ mặn và lượng Oxy trong nước biển...

-Theo những tài-liệu ghi nhận được từ các nhà hàng-hải thì trong khoảng vài trăm năm nay trở lại đây, một số đảo mới tiếp-tục xuất-hiện và cao dần:

*Vào tiền-bán thế-kỷ XIX, ông Gutzlaff thuộc hội Geographical Society of London đã viết trong bài nhan-đề "Geography of the Cochinchinese Empire" (báo The Journal of the Asiatic Society of London năm 1849) như sau: "... quần-đảo Cát Vàng gần bờ biển An-Nam, nằm giữa các vĩ-tuyến 15 và 17 độ Bắc và các kinh-tuyến 111 và 113 độ Đông... không biết vì san-hô hay vì lẽ gì khác mà các ghềnh đá ấy cứ lớn dần, thật rõ ràng là các đảo nhỏ ấy cứ mỗi năm mỗi cao hơn. Có vài hòn bây giờ có thể cư-trú được mà mấy năm trước, sóng còn vỗ mạnh đập tràn qua ..."

*Bãi Thuyền Chài tại quần-đảo Trường-Sa chỉ mới nổi lên mấp mé mặt nước hồi gần đây. Toàn bãi hiện nay đã dài khoảng 32 km, chỗ rộng nhất vào khoảng 5 - 6 km (Lịch văn-hóa Việt-Nam, Hà-nội 1989.) Như vậy bãi đang cao dần, có thể sau này vài ba chục năm sẽ trở thành đảo hay một nhóm đảo nhỏ. Tuy vậy hiện nay bãi Thuyền Chài chưa có đủ an-toàn cho con người cư-trú.

10.4 - Hoàng-Sa và Trường-Sa thuộc Việt-Nam về phương-diện vị-trí.

Quần-đảo Hoàng-Sa nằm giữa vùng Biển Đông của nước Việt-Nam, ngang bờ biển các tỉnh Quảng-Trị, Thừa-Thiên, Quảng-Nam và một phần Quảng-Ngãi. Còn hầu hết các đảo của Quần-đảo Trường-Sa nằm ngang vĩ-độ với Phan-Rang - Cà Mâu .

Về khoảng cách đất liền, quần-đảo Hoàng-Sa nằm gần Việt-Nam nhất. Sự so sánh như sau:

-Khoảng cách từ đảo Tri-Tôn (15 độ 47'N, 111 độ 12'E) tới Lý-Sơn hay Cù-lao Ré (15 độ 22'N, 109 độ 07'E) là 2 độ 03 phút trên thước đo khoảng cách vĩ-độ, tức chỉ có 123 hải-lý.

Nếu lại lấy tọa-độ (Lý-Sơn 15 độ 23.1'N, 109 độ 09.0'E) từ trong bản tuyên-cáo đường căn-bản nội-hải của chính-quyền CHXHCN Việt-Nam (Declaration on Baseline of Territorial waters, 12 November 1982) thì khoảng cách đến bờ Cù-lao Ré thu ngắn lại dưới 121 hải-lý.

Từ đảo Tri-Tôn này đến Mũi Ba Làng An (Cap Batangan- 15 độ 14'N, 108 độ 56'E) tức đất liền lục-địa Việt-Nam, khoảng cách đo được 135 hải-lý.

-Trong khi đó, khoảng cách đảo gần nhất tới bờ đảo Hải-Nam xa tới 140 hải-lý (đảo Hoàng-Sa - 16 độ 32N, 111 độ 36 E và Ling-sui Pt hay Leong-soi Pt - 18 độ 22 N, 110 độ 03 E.) Khoảng cách từ Hoàng-Sa tới đất liền lục-địa Trung-Hoa còn xa hơn rất nhiều, tối-thiểu là 235 hải-lý.

-Nếu người Trung-Hoa dùng "bãi đá ngầm" (North Reef) là      m chuẩn để đo đến bờ "đảo" Hải-Nam tại Ling-sui Pt, họ "tạo" ra khoảng cách thật gần: 112 hải-lý! Điều đó không thể là một lý lẽ tranh cãi vì đá ngầm không có giá-trị như đảo trong việc chuẩn-định ranh giới.

Luận-lý khoảng cách và số lượng đảo của người Việt lúc xưa như Đỗ-Bá, Lê-quý-Đôn không hoàn-toàn sai lạc quá đáng như cách-thức xuyên-tạc của người Trung-Hoa khi cho rằng Bãi Cát Vàng trong sách cổ Việt-Nam không phải là quần-đảo Hoàng-Sa ngày nay. Lý-luận của họ thật ngoan-cố hay kiến-thức hàng-hải của họ ấu-trĩ khi nói rằng thuyền đi một vài ngày làm sao tới được Hoàng-Sa.

Hình 71- Bản-đồ ghi khoảng cách các đảo gần nhất của quần-đảo Hoàng-Sa đến các đảo gần đất liền (Trích từ Bản-đồ Southeast Asia- National Geographic Society- Washington DC, 1968.)

Các nhà hàng-hải ngoại-quốc như Pierre Paris (1942), J. B. Piétri (1949) cho biết ghe thuyền chạy buồm Việt-Nam xưa nay có vận-tốc rất cao, vượt các tàu thuyền Âu-châu đồng thời. Chiến-thuyền thời chúa Nguyễn đã chứng tỏ luôn luôn chiếm ưu-thắng về vận-tốc khi hải-chiến. Hải-quân Việt nhiều lần đánh đuổi tàu Hòa-Lan (năm 1644) cũng như đã từng trước đó đánh chìm hai tàu của họ (năm 1643) nhờ chạy nhanh.

Sự thật rành rành, Tri-Tôn là một trong các đảo Hoàng-Sa chỉ cách bờ đất Trung-Việt có 135 hải-lý, cách bìa Cù-Lao Ré 121 hải-lý. Các đội Hoàng-Sa đặt căn-cứ và xuất-phát từ Cù-lao-Ré. Khi thuận buồm, suôi gió, với vận-tốc 12 gút (hl/giờ), cơ-hội cho những ghe bầu Việt vượt khoảng này trong vòng nửa ngày không phải không có .

Ngay trong những sách cổ cũng nói là thuyền ta đi từ Quảng-Ngãi đến Quảng-Đông chỉ trong 3, 4 ngày. Từ bờ ra Tri-tôn khoảng cách ngắn ngủi hơn 1/6 đoạn đường kể trên. Người thời nay, có lẽ vì ít đi biển nên cho rằng việc chạy ra đảo khó khăn quá chăng? Học-giả Lê-quý-Đôn khi viết trong "Phủ-biên Tạp-lục", đã cho biết những đường giao-thương vượt biển dễ dàng hồi hai ba thế-kỷ về trước như sau: "Xứ Thuận-Quảng, đường thủy và các đường lục giao-thông với tỉnh Quảng-Nam... Còn đường biển thì hai xứ Thuận Quảng chỉ cách tỉnh Mân và tỉnh Quảng-Đông của Trung-Quốc có ba bốn ngày đường nên các tàu buôn Trung-Quốc từ xưa đến nay thường-thường tụ-tập ở hải-phận Thuận-Hóa và Quảng-Nam."

Nếu Trung-Cộng nói Hoàng-Sa trong sách cổ Việt-Nam không phải Hoàng-Sa vậy thì ngoài khơi Cù-lao-Ré (Lý-sơn) trở ra biển có còn bất cứ một đảo hay quần-đảo nào (ngoài Hoàng-Sa) hay không? ... còn có đảo nào nằm giữa Cù-lao Ré và quần-đảo Hoàng-Sa nữa đâu ?

Bản-đồ cổ của Á-Đông không đặt nặng tỷ-lệ. Trên các bản-đồ tượng-hình của ta và của Tàu có khi cả một quận, một tỉnh chỉ được vẽ lớn bằng một cửa sông, một ngọn núi lớn hàng trăm dậm. Sử-gia Phạm-văn-Sơn đã viết: "... Kỹ-thuật của ta trong việc vẽ bản-đồ đã theo lối tượng-hình, như vậy có khác kỹ-thuật vẽ bản-đồ của Âu-châu có phần tinh-vi hơn nhưng dù sao lối vẽ của ta cũng như của Tàu vẫn có thể giúp người coi hình-dung được thế sông ngòi, núi non và các địa-phương trong nước." (Việt-sử Toàn-thư, 1960: 489.)

Bỏ ngoài những khoảng cách lớn nhỏ không theo tỷ-lệ như đã nói, người ta thấy bản-đồ cổ thời Hồng-Đức (1460-1498) do nho-sĩ Đỗ-Bá công-bố (khoảng 1630-1653) và bản-đồ nhà Nguyễn chỉ-định rõ ràng là vị-trí Hoàng-Sa / Trường-Sa nằm ở ngoài khơi duyên-hải Việt-Nam.

Hình 72 -

Bản-đồ cổ chỉ-định vị-trí Hoàng-Sa Trường-Sa nằm ngoài khơi Biển Đông. (Trích Đại-Nam Nhất-thống Toàn-đồ triều Nguyễn.)

Người Tàu vẫn tự cho là nước họ giỏi Địa-lý, và bản-đồ Trung-Hoa vẽ chính-xác hơn bản-đồ Việt-Nam nhưng triều-đình hay dân Trung-Hoa đã có thực-hiện một bản-đồ nào ghi nhận những chi-tiết địa-lý tương-tự về Hoàng-Sa Trường-Sa như vậy không?

10.5 - Hoàng-Sa/ Trường-Sa thuộc Việt-Nam về phương-diện địa-hình đáy biển.

Về địa-hình đáy biển, quần-đảo Hoàng-Sa nằm sát với thềm lục-địa của Việt-Nam.

-Toàn thể khu-vực quần-đảo Hoàng-Sa nổi cao hơn vùng biển vây quanh nó. Nền đất toàn quần-đảo này được nối thẳng vào thềm lục-địa Việt-Nam như là qua một cái cửa ngõ thông vào vùng cù-lao Ré và bờ biển Quảng-Ngãi. Hành-lang đó khá nông, chỗ sâu nhất chỉ chừng 500 m. Trong khi đó, đáy biển đột ngột lại sụt xuống về phía Trung-Hoa, độ sâu lên tới hàng ngàn mét, rồi 2000m, 3000m hay hơn nữa.

-Những hải-đồ có ghi độ sâu đáy biển chứng-minh rõ sự kiện này. Đường đồng- thâm (thủy) 1000 thước bao kín các vùng về phía Bắc và Đông, trong khi lại mở rộng qua phía Việt-Nam theo chiều hướng Tây Tây Nam.

Hình 73 - Bản-đồ chiều sâu đáy biển chứng-minh quần-đảo Hoàng-Sa là phần nối dài của lục-địa Việt-Nam.

Nói một cách khác, nếu mực nước biển hạ xuống chừng 600 tới 700 m thì Hoàng-Sa dính vào Việt-Nam như một khối đất liền và xa cách hẳn Trung-Hoa bằng một vùng biển nước sâu.

Tiến-sĩ Krempf, giám-đốc Hải-học-viện Đông-Dương là người đầu tiên đã đo đạc kỹ-lưỡng độ sâu đáy biển Hoàng-Sa và thấy rằng quần-đảo này là một cái bình-nguyên ngoài biển, được nối dài ra từ rặng núi Trường-Sơn của Trung-phần Việt-Nam. Trong tờ tường-trình kết-quả khảo-sát năm 1925, ông kết-luận: "Về phương-diện địa-chất, như vậy, những đảo Hoàng-Sa là một phần của Việt-Nam." (Géologiquement, donc, les Paracels font partie du Việt-Nam.)

Bài báo-cáo được ghi nhận lại trong tập tổng-kết báo-cáo của Nha Thủy-Đạo và Ngư-Nghiệp lên chính-quyền Đông-Pháp niên-khóa 1926-1927.

Nội-dung những kiến-thức về Hoàng-Sa tương-tự như vậy được Olivier A. Saix đăng lại trong báo La Géographie, Tome LX, Nov.-Dec. 1933, trang 232-243.

Sau này có một bài tham-khảo nữa của Marcel Beauvois cũng là một người Pháp như Krempt, lập lại sự kiện "về phương-diện địa-chất, Hoàng-Sa là một phần của Việt-Nam" này (bài "Les Archipels Paracels et Spratly", báo Vietnam Press, Saigon No.7574, Nov 1971.)

Về địa-hình đáy biển, Trường-Sa cũng rõ rệt nối liền với Việt-Nam hơn bất cứ một quốc-gia nào khác bao quanh Biển Đông. Bờ biển Nam-phần Việt-Nam chạy thoai-thoải tới tận bãi Tứ-Chính thuộc Trường-Sa. Trong thời Băng-Đá, sông Cửu-long cùng những con sông nhỏ khác trên đồng-bằng Sunda đã đưa phù-sa theo dòng nước chảy ra biển Trường-Sa.

Nhìn trên những hải-đồ có ghi các đường đồng-thâm, người ta thấy quần-đảo Trường-Sa cách biệt hẳn với thềm lục-địa Trung-Hoa / Đài-Loan bằng rãnh biển sâu 3,000m về phía Bắc và phía Đông-Bắc. Trường-Sa cũng ngăn cách với Phi-luật-Tân, Brunei và Mã-lai-Á (Tiểu-bang Sabah) bằng rãnh biển East Palawan Trough (The Spratly Islands Dispute and the Law of the Sea, Lee G. Cordner, báo Ocean Development and International Law, Vol. 25, pp 61-74.)

Hình 74 - Bản-đồ chiều sâu đáy biển chứng-minh quần-đảo Trường-Sa là phần nối dài của lục-địa Việt-Nam.

Sau khi nghiên-cứu nhân-văn, địa-hình vùng ĐNÁ thời tiền-sử, giáo-sư môn Địa-Lý Keith Buchanan trường Đại-học Victoria, Tân-Tây-Lan đã vẽ ra một bản-đồ có liên hệ tới địa-bàn di-dân từ Biển Đông vào đất liền. Sự thay đổi sinh-hoạt ??? này là nguyên-do kiến-tạo nền văn-hoá Hoà-Bình. Xin xem lại Hình 3. Thời đó nước cạn, Hoàng-Sa và Trường-Sa dính vào đất liền Việt-Nam (The Southeast Asian World, An Introductory Essay, Keith Buchanan, New York, 1967, trang 45.)

10.6 - Hoàng-Sa/ Trường-Sa thuộc Việt-Nam về Phương-diện Địa-chất và Sinh-học.

Một người gốc Trung-Hoa như Ting Tsz Kao đã nói rằng nhìn chung thấy sự tuyên-bố chủ-quyền của Trung-Hoa ở Nam-Hải là điều kỳ-quặc và tham-lam quá đáng, nhưng xét về địa-lý thì đúng là của Tàu (sic.)

Chỉ vì sự tham-lam mà các ông trí-thức như vậy đã biện-luận một cách chủ-quan, không cần phải trái, bất-chấp cả lý-lẽ hiển-nhiên về địa-lý. Nguyên-văn lời ngụy-biện đó như sau: "This island complex in international waters appears at first sight a little odd or monstrous. But when one considers the geographical composition of the Chinese ocean frontier as a whole, the continuity of the possession of the archipelagoes becomes perceivable and reasonable." (The Chinese Frontiers, Illinois 1980: 289.)

10.6.1 - Địa-chất. Các đảo của Trung-Hoa từ Bành-Hồ, Đài-Loan trở lên phía Bắc, cấu tạo bằng những đất đá của nền đại-lục như granite, igneous rock khác hẳn các đảo vùng Biển Đông của ta cấu-tạo bằng san-hô. Các quần-đảo lại không quy-tụ nhiều đảo. Chỗ Kim-Môn (12 đảo) Mã-Tổ (7 đảo), các hải-đảo khá cao và lớn, số lượng đảo thưa thớt. Xuống đến Pratas, tuy người Tàu gọi cưỡng ép là Đông-Sa Quần-đảo (Tungsha) nhưng xứng-đáng kể là đảo (Island) theo Luật Biển, chỉ có thể ghi-nhận một đảo mà thôi. Số-lượng này ít ỏi quá, không sao có thể nói là tương-đồng với số lượng là 500 đơn-vị đất đá ở Hoàng-Sa và Trường-Sa được.

Hình 75 - Bản-đồ "quần-đảo" Pratas với một đảo duy nhất.

Về những thành-tố cấu tạo, hai quần-đảo Hoàng-Sa cũng như Trường-Sa mang đặc-tính Việt-Nam:

- Các đảo đều là những ám-tiêu san-hô tiêu-biểu cho vùng biển nhiệt-đới của Việt-Nam.

-Khí-hậu ôn-đới của Trung-Hoa không cho phép sự cấu-tạo các quần-đảo san-hô rộng lớn như vậy. Người ta cũng chẳng bao giờ thấy tuyết rơi ở Hoàng-Sa như nơi Hoa-lục.

10.6.2 - Sinh-thực . Cây cỏ trên đảo đều là cây cỏ nhiệt-đới loại cây cỏ đất liền Việt-Nam. Nhiều cây lớn được người Việt-Nam mang ra trồng từ lâu. Cây mọc cao như các dấu hải-hiệu giúp cho nhiều tàu thuyền tránh khỏi tai-nạn mắc cạn. Cây cũng giúp đảo giữ đất, tránh sóng, gió, nước xâm-thực.

Đại-Nam Thực-lục Chính-biên đệ-nhị kỷ quyển 104 chép rằng: Vua Minh-Mạng bảo bộ Công: "Trong hải-phận Quảng-Ngãi, có một dải Hoàng-Sa, xa trông trời nước một mầu, không phân biệt được nông sâu. Gần đây, thuyền buôn thường mắc cạn bị hại. Nay nên dự-bị thuyền mành, đến sang năm sẽ phái người tới đó dựng miếu lập bia, và trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to lớn xanh tốt, người ta dễ nhận biết, ngõ hầu tránh khỏi được mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời."

Người Tàu nói dựa vào sử-ký tuyên-bố chủ-quyền toàn thể Biển Đông, nhưng không có sử sách nào của người Tàu ghi được công-lao hay chứng-tích tương-tự như vậy!

10.6.3 - Sinh-hóa . Lòng Biển Đông chất chứa các lớp thủy-tra-thạch. Sau nhiều triệu năm các chất hữu-cơ đã tích-tụ lại, chịu sức ép của nhiều lớp địa-tầng nên dần dần biến đổi thành dầu hỏa hay khí đốt. Các khoa-học-gia cũng thấy những đặc-tính Việt-Nam trong sự biến-thể đó như sau:

- Bản-đồ địa-chất ghi nhận dấu vết những dòng sông thời xưa chảy ra tới tận trung-tâm Biển Đông.

- Tài-nguyên đáy biển như dầu hỏa và khí đốt thường tạo thành những túi kẹt giữa những lớp kết tầng (sediments.)

- Nhiều lần trái đất đã trải qua những thời-kỳ Băng-Giá lạnh lẽo. Nước biển hạ xuống rất thấp và vịnh Bắc-Việt đã qua nhiều giai-đoạn khô cạn cùng ngập nước nối-tiếp nhau. Khi khô cạn, đó là một vùng đồng-bằng bằng phẳng, ít núi non. Bờ biển lúc này chạy ra xa, tới gần Hoàng-Sa.

- Sông Hồng-Hà của Việt-Nam đã từng cuồn cuộn chảy với lưu-lượng nước nhiều lần lớn hơn hiện-thời. Có lẽ mấy triệu năm trước trong thời địa-chất Pleistocene, dòng sông nước đỏ phù-sa này vào hạng lớn nhất hoàn-cầu. Khi đó, hầu hết nước từ cao nguyên Tây-tạng đã đổ vào sông Hồng. Từ trên cái "mái nhà của trái-đất", nguồn nước hùng-vĩ đã mang ra Biển Đông những khối-lượng phù-sa khổng-lồ, tạo nhiều lớp kết tầng thủy-tra-thạch tại Hoàng-Sa. Rồi dòng sông chính của miền Bắc nước ta bị thu nhỏ khi địa-chấn xảy ra, nâng cao khu Vân-Nam cắt ngắn thượng-nguồn Hồng-Hà lại như ta thấy hiện nay. Nguồn nước từ đó bắt đầu chảy sang phía Dương-Tử-Giang làm con sông vùng Hoa-Nam thêm to lớn. (The Junks & Sampans of the Yangtze, G. R. G. Worscester, Annapolis, 1971: 2.)

Cũng nhớ rằng vùng châu-thổ Dương-tử-Giang lúc xưa, theo sử Tàu, cũng có người Việt cổ sinh sống. (Xem hình số 12.)

Hình 76 - Bản-đồ đáy biển với các con sông thời cổ nối dài theo sông Hồng, nước chảy ra biển Hoàng-Sa.

- Sông Cửu-Long hay Mê-Kông của miền Nam nước Việt cũng đã làm việc tương-tự như vậy để cấu-tạo nên những lớp thủy-tra-thạch ngoài khơi Trường-Sa. Mới chừng chục ngàn năm trước, sông Kông (Sông Mẹ với Kông là sông - Mê là mẹ ?) từng đưa nước tưới khắp phía Đông-Nam của vùng bình-nguyên rộng lớn Sunda.

Các túi dầu như Rồng, Dừa, Bạch-Hổ, Đại-Hùng ... chỉ mới là những kết-quả sơ-khởi. Cứ đi theo vết cũ của sông Kông, càng ra xa chúng ta càng có thêm hy-vọng tìm thấy nhiều túi dầu lớn hơn nữa .

Hình 77 - Bản-đồ đáy biển với các con sông thời cổ nối dài theo sông Cửu-Long, nước chảy ra biển Trường-Sa. (Hình 76&77 của Geological Topographic Mapping Party of Fujian Province, 1980's.)

Cũng tương-tự như thực-vật trên đảo, các thủy-sinh-vật dưới Biển Đông mang những mối liên-hệ Việt-Nam:

-Một tỷ-lệ lớn những chất hữu-cơ ở Biển Đông được mang đến nhờ những dòng nước chảy từ lục-địa Việt-Nam mà ra. Các chất dinh-dưỡng cho thủy-sinh-vật cũng cùng một nguồn đất Việt-Nam đó.

-Nhiều hải-sinh-vật Hoàng, Trường-Sa thuộc vùng nhiệt-đới, rất quen thuộc với người Việt chúng ta nhưng xa lạ với người Tàu. Báo-chí cho biết vào tháng 9/1994, Trung-Hoa khai-mạc khu trưng-bày 5000 mẫu sinh-vật Hoàng-Sa thì phần 500 hải-sinh-vật đã được hết sức tán-thưởng. Lý-do đúng nhất là vì hải-sinh-vật Hoàng-Sa vốn xa lạ quá, nhiều người Trung-Hoa mới chỉ thấy lần đầu mà thôi, họ đi xem cho thỏa tính hiếu-kỳ!

 

Thư Mục 

Thơ

Đổi Thay  
Những Đoản Khúc
Tơ Vò
Hương Phai 
Thi Đàm /Thi Họa

Kịch Thơ 

Cô Hàng Nước  
Ngồi Đợi Bình Minh

Truyện Dài

Cơ Trời Vận Nước
Trầm Bay

Truyện Ngắn

Bước Hổng Chân Không
Ba Con Yến Nhỏ
Cây Cà Rem Đầu Đời

Sưu Tập

Ca Dao

Huy Chương VNCH

Huy hiệu QL/VNCH

Huy Hiệu QĐ Pháp/Đ-Dương

Tiền Tệ
Quân Sử VNCH

Điếu Tế 

Văn Tế
Điếu Văn
25 Năm Xây Dựng CĐ
Hot Links
Ha Huyen Chi
Gia Đình Võ Bị
All Links

Miếng Ngọt Quê Hương

Thực Vô Cầu Bão
Cá Kho
Món Xào

Send mail to haphuonghoai@gmail.com with questions or comments about this web site.
Copyright © 2003 Haphuonghoai
Last modified: 01/29/13