13 - CÁC ĐẢO thuộc QUầN-ĐẢO
HOÀNG-SA.
Đoạn này khảo-sát các đảo Hoàng-Sa một cách chi-tiết hơn.
13.1 - Tên quần-đảo: Bãi Cát Vàng.
Chúng ta thường quen miệng mà gọi quần-đảo Hoàng-Sa, nhưng thực ra
dẫy đảo này từ xưa đã mang tên Việt-Nam là Bãi Cát Vàng hay Cồn Vàng. Tên này
xác-định rõ ràng sự sở-hữu đã lâu đời vì người Việt biết rõ đặc-tính quần-đảo
của mình. Chung quanh các đảo, rõ nhất ở Quang-Hòa, bãi cát thường mầu vàng.
Vào những ngày biển êm, người ta có thể trông suốt đến đáy các nền lòng chảo
san-hô và thấy cát vàng ở đó.
Người Trung-Hoa gọi quần-đảo bằng nhiều tên thay đổi một cách
bất-nhất. Chỉ mới gần đây, họ gọi là Hsisha hay Xisha Qundao (Tây-Sa.)
Trên hải-đồ quốc-tế, Bãi Cát Vàng được ghi là Paracel Islands hay
Paracels.
Hình 96 - Hình-ảnh quần-đảo Hoàng-Sa trên nền đáy Biển Đông.
(Geological Topographic Mapping Party of Fujian Province, 1980's.)
Ông Thái-văn-Kiểm dẫn hai thuyết về "Paracel" là tên
người ngoại-quốc hay thường gọi như sau:
-Theo giáo-sư Pierre Yves Manguin, Parcel là một tiếng Bồ-Đào-Nha.
Tiếng này nghĩa là đá ngầm (récif) hay cao-tảng (haut-font.)
-Theo giáo-sư A. Brébion, Paracel là tên một thương-thuyền
Hoà-Lan. Tàu này thuộc công-ty Đông-„n bị đắm tại quần-đảo Cát Vàng vào thế-kỷ
XVI. (Hoàng-Sa Trường-Sa, Nguyễn-q.-Thắng, Sài Gòn 1988.)
Vì vô số hòn đảo, hòn đá, cồn đụn, bãi cạn lúc nổi lúc chìm theo
với mực nước thủy-triền lên xuống nên số lượng đảo tùy theo cách đếm mà kể là
nhiều hay ít. Giáo-sư Sơn-Hồng-Đức cho số lượng là 120 đảo. Sách cổ Việt-Nam
trong những thế-kỷ trước đây cho biết có 130 đảo. Số lượng này nếu chỉ
"cồn" (trong nghiã Cồn Vàng) tức sóng "cồn" thì không sai
thực-tế.
Dân Trung-Hoa, có người cho rằng Hoàng-Sa chỉ gồm 7 đảo nên gọi là
Thất-Châu, có người lại nói 9 đảo nên đặt tên biển Hoàng-Sa là Cửu-đảo-dương.
Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta khó có thể chấp-nhận cả hai con số quá sai lạc
này.
Hình 97 - Bản-đồ Quần-đảo Hoàng-Sa với địa-danh Việt-Nam. (Cục
Đo-đạc, CHXHCN Việt-Nam, 1989.)
13.2 - Chiều cao các đảo.
Các đảo Hoàng-Sa không cao. Hải-đồ 5497 của Sở Thủy-Đạo Hoa-Kỳ ghi
nhận độ cao những đảo bằng bộ Anh mà chúng tôi xếp theo thứ-tự cao thấp như
sau: Rocky Island (Đảo Hòn Đá) 50ft, Pattle I. (Đảo Hoàng-Sa) 30ft, Robert I.
(Đảo Hữu-Nhật hay Cam-Tuyền) 26ft, Money I. (Đảo Quang-Ảnh) 20ft, Pyramid Rk.
(Hòn Tháp) 17ft, Lincoln I. (Đảo Linh-Côn) 15ft, Duncan I. (Đảo Quang-Hòa)
13ft, Triton I. (Đảo Tri-Tôn) 10ft.
Hai bãi ngầm Macclesfield và Scarborough nằm về phía Đông của
quần-đảo Hoàng-Sa, luôn luôn nằm dưới mặt nước.
Các đảo chính của Hoàng-Sa gồm thành hai nhóm :
-Nhóm Lưỡi Liềm phía Đông Bắc
-Nhóm An-Vĩnh phía Tây-Nam
13.3 - Các Bãi Ngầm Macclesfield và Scarborough.
Trước khi đề-cập đến hai nhóm Lưỡi-Liềm và An-Vĩnh, chúng tôi xin
nói sơ qua về các bãi ngầm phía đông Hoàng-Sa như Macclesfield Bank, Stewart
Bank, Truro Shoal và Scarborough Shoal.
Hình 98- Bản-đồ tổng-quát vị-trí các quần-đảo và bãi ngầm vùng Bắc
của Biển Đông
Nhóm Macclesfield chỉ gồm các bãi ngầm không có đảo nên thường bị
nhiều người bỏ quên không liệt-kê trong danh-sách các đảo của Bãi Cát Vàng. Khi
thời-tiết thật tốt, người ta chỉ thấy mặt biển phẳng lặng nhưng khi sóng gió,
những cồn nước trắng xóa nổi lên suốt một vùng rộng lớn trông rất hùng-vĩ cho
du-khách thưởng-ngoạn nhưng cũng gợi mối kinh-sợ mắc cạn cho người đi biển.
Những tài-liệu cổ Việt-Nam đề-cập đến số lượng các đảo các bãi
(130 đảo), diện-tích (dài rộng nhiều trăm hải-lý), vị-trí (ngang Quảng-Ngãi)
xác nhận các bãi cạn Macclesfield này cũng thuộc quần-đảo Cát-Vàng hay Hoàng-Sa
vậy !
Hình 99 - Bãi ngầm Macclesfield với các vị-trí neo tiện-lợi ngoài
khơi Biển Đông.
Nằm về phía Đông-Nam của quần-đảo Hoàng-Sa, bãi ngầm Macclesfield
là khu-vực rất tiện-lợi cho việc neo tàu. Trên đường hải-hành từ Việt qua
Hồng-Kông hay Phi-luật-Tân, cũng như nhiều tàu ngoại-quốc, những chiến-hạm và
thương-thuyền Việt-Nam khi cần ngừng lại, thường neo để nghỉ tạm ở đây. Nhóm
bãi ngầm này hầu hết nằm dưới vĩ-tuyến 16 độ Bắc và vào khoảng một nửa đường
hàng-hải từ Đà-Nẵng đi Phi-luật-Tân. Nhóm Macclesfield chiều dài tới hơn một
trăm hải-lý, rộng khoảng 60 hải-lý, nhờ được rặng san-hô mọc ngầm dưới biển bao
quanh như bức tường cản sóng nên mặt biển bên trong khá yên. Tuy ở giữa một
vùng biển chung quanh sâu tới 3 - 4,000m, các bãi ngầm nhóm này lại nổi cao
lên. Nhiều chỗ đáy cát nông, từ 5 đến 12 fathom (9 - 22m); giây neo tàu lớn đủ
dài để có thể neo tàu lại cho thủy-thủ-đoàn sửa máy hay nghỉ-ngơi.
Trung-Cộng và Đài-Loan cùng tuyên-bố chủ-quyền trên bãi
Macclesfield, nhưng vì bãi ngầm sâu dưới biển nên không có "căn-cứ
quân-sự" nào được xây-dựng.
Về phía Đông của bãi Macclesfield, gần bờ biển Phi-luật-Tân có một
bãi khá lớn ở dưới là đá ngầm: Scarborough Shoal. Bãi này nằm dưới mặt biển
chừng 92 fathoms. Bên cạnh đó, Truro Shoal sâu 10 fathoms và Stewart Bank (578
fathoms) gần đảo Luzon của Phi-luật-Tân.
13.4 - Nhóm Trăng Khuyết.
Trăng-Khuyết hay Lưỡi Liềm hay Nguyệt-Thiềm hay Croissant hay
Crescent là tên một nhóm đảo quan-trọng nằm về phía đất liền Việt-Nam.
Theo giáo-sư Sơn-Hồng-Đức thì từ phi-cơ nhìn xuống nhóm đảo này có
hình như hai chiếc bánh "Croissant" (hay Crescent) đâu đầu vào nhau.
Có 7 đảo chính kể ra dưới đây kèm theo tên Trung-Hoa:
-Hoàng-Sa - Shanhu Dao
-Hữu-Nhật - Guanquan Dao
-Duy-Mộng - Jinqing Dao
-Quang-Ảnh - Jinyin Dao
-Quang-Hoà - Chenhang Dao
-Bạch-Quỷ - Panshi Yu
-Tri-Tôn - Zhongjian Dao.
-Các bãi ngầm
-Vô-số mỏm đá.
Hình 100 - Nhóm đảo Trăng Khuyết.
13.4.1- Đảo Hoàng-Sa.
Đảo Hoàng-Sa (Pattle Island) tuy là đảo chính của quần-đảo nhưng
không phải là đảo lớn nhất. Nhiều nhà quân-sự cho rằng đảo này có vị-trí
quan-trọng nhất, hơn cả đảo Phú-Lâm trong việc phòng-thủ bờ biển nước ta.
Đảo hình bầu dục, dài khoảng 950m, rộng khoảng 650m, diện-tích
chừng .32km2, có vòng san-hô bao quanh.
Trong thời-gian Hoàng-Sa dưới chủ-quyền của Việt-Nam Cộng-Hòa,
người ta thấy có nhà cửa căn-cứ quân-sự, đài khí-tượng, hải-đăng, miễu Bà, cầu
tàu, bia chủ-quyền.
Hình 101 - Không-ảnh Hoàng-Sa trong thời-gian quân-đội VNCH
trú-đóng.
-Cơ-sở quân-sự được thiết-lập từ đầu thập-niên 1930. Sang
thập-niên 1950, 1960; có lúc nhà cửa được xây cất thêm, tạm đủ cho sự trú-phòng
của một tiểu-đoàn Thủy-quân Lục-chiến. Sau này khi lực-lượng VNCH giảm xuống
còn một trung-đội Địa-phương-quân thì nhà cửa bớt đi.
-Khoảng năm 1938, một đài Khí-tượng bắt đầu hoạt-động. Cơ-sở xây
cất của đài cũng như đồn binh là hai ngôi nhà đồ-sộ và kiên-cố. Chỉ trừ ít năm
khi quần-đảo bị Nhật chiếm, đài đã quan-trắc thời-tiết và phổ-biến tin-tức
khí-tượng trong nhiều thập-niên cho đến khi Trung-Cộng cưỡng-chiếm vào tháng 1/
1974.
Số hiệu của đài này là 48 860. Trong tổ-chức khí-tượng thế-giới
World Meteorological Organization, nhóm 48 chỉ vùng Đông-Nam-Á, số 860 dùng cho
đài Hoàng-Sa.
-Hải-đăng nằm ở phía Bắc của đảo cũng đã trợ-giúp đắc-lực cho các
nhà hàng-hải khi dẫn lộ tàu thuyền đi ngang qua vùng biển Hoàng-Sa. Đèn hiệu
này thấy xa chừng 12 hải-lý, thuộc loại hải-đăng chớp tắt có chu-kỳ mà
thời-khoảng sáng dài hơn thời-khoảng tắt (Hải-đồ ghi: Occ -12.) Các tài-liệu
hàng-hải quốc-tế như List of Lights trong những thập-niên 40, 50, 60, 70 đều
ghi-chú rõ rệt những điểm này.
Hình 102 - Trái: Bia Chủ-quyền người Pháp dựng lên năm 1938, ghi
lại việc nhận chủ-quyền chính-thức của chính-quyền Việt-Nam từ 1816.
Hình 103- Phải: Một người lính Việt trong "Garde
Indochinoise" đang tuần-phòng trên bãi biển Hoàng-Sa.
Đài khí-tượng và hải-đăng đã biểu-tượng hùng-hồn cho sự quản-trị
lãnh-thổ một cách hữu-hiệu của Việt-Nam Cộng-Hòa. Các chứng-cớ như vậy nối-tiếp
với những chứng cớ khác từ đời Lê, Nguyễn cho thấy sự liên-lục trong việc
hành-sử chủ-quyền của Việt-Nam trong suốt một khoảng thời-gian dài nhiều
thế-kỷ.
-Miễu Bà có Tượng Bà cao 1.50m, được xây ở góc Tây-Nam của đảo,
nơi mà từ đất liền ra là gặp ngay. Miếu thờ chắc chắn đã được xây nhiều lần.
Theo sách "Chính-biến", vua Minh-Mạng cho dựng một thần-từ cùng lúc
với việc lập bia, trồng thêm cây cối trên các đảo Hoàng-Sa vào năm 1835. Miếu
này cách toà miếu cổ 7 trượng.
-Bia chủ-quyền Việt-Nam được đặt gần nơi giữa đảo. Nhà Nguyễn đã
chính-thức đặt chủ-quyền ở quần-đảo Hoàng-Sa năm 1816. Người Pháp xác-nhận lại
chủ-quyền đó của Việt-Nam vào năm 1938 bằng một tấm bia ghi những hàng chữ như
sau:
République
Francaise
Empire
d'Annam
Archipel
des Paracels
1816-Ile de Pattle-1938
Hình 104 - Một viên chức
Việt-Nam chụp hình trước Nhà thờ trên đảo Hoàng-Sa.
-Một nhà thờ Thiên-chúa
được xây-dựng vào thập-niên 1950 làm chỗ cầu-nguyện cho quân-nhân theo
Thiên-chúa-giáo
Đảo có đường goòng bằng sắt
dài 180m dẫn ra cầu tàu dùng cho việc vận-chuyển phân bón. Cầu tàu nằm về phía
Nam của đảo. Một rạch nước khá sâu dẫn từ ngoài biển vào cầu tàu . Trong
thập-niên 60, cầu tàu này dùng để cặp các xà-lan chở phosphate. Sang thập-niên
70, cầu và đường sắt đã bị hư hỏng nhiều.
Đảo đủ rộng để có thể
thực-hiện một sân bay nhỏ. Ngay trước khi quần-đảo mất vào tay Trung-Cộng,
Quân-đội VNCH đang chuẩn-bị thiết-lập một phi-đạo ngắn đủ khả-năng tiếp-nhận
vận-tải-cơ Caribou (C7) hay các loại phi-cơ khác cần dùng phi-đạo ngắn hơn.
Toán công-binh tiền-phương mới ra tới nơi thì trận hải-chiến xảy ra và đảo bị
Trung-Cộng chiếm-đóng.
Mới đây, Trung-Cộng công-bố
những bức hình cho thấy sự thay đổi. Trên đảo Hoàng-Sa cũng như trên các đảo
cận-kề tương đối lớn, chúng đã xây cất thêm nhà cửa, tạo-thành những căn-cứ
dành cho cả quân-sự lẫn ngư-nghiệp.
13.4.2 - Đảo Hữu-Nhật (Robert Island hay Cam-Tuyền.) Đảo mang danh
một Suất-đội Thủy-Quân triều Nguyễn, tên Phạm-hữu-Nhật. Ông người Quảng-Ngãi
được vua Minh-Mạng phái ra quần-đảo Hoàng-Sa để đo đạc thủy-trình và vẽ bản-đồ
các đảo vào năm 1836. Đảo hơi tròn, rộng độ .32km2, nằm về phía Nam đảo
Hoàng-Sa, cách 3 hải-lý. Viền quanh đảo có những cây nhàu cao từ 2 đến 3m. Bên
trong lớp cây, dầy chừng 30m, là khu lòng chảo nằm giữa đảo không sâu. Trên lớp
đất đá, ngoài ít bụi cây nhỏ thì cỏ tranh mọc khắp nơi không cao lắm.
Ngoài bìa đảo là một vòng san-hô, có nhiều chỗ lấn hẳn vào bãi
cát. Rất nhiều rong phủ kín mặt biển bao chung quanh. Vít thường lên bờ đẻ
trứng la liệt trong khoảng hai mùa Xuân và Hạ .
13.4.3 - Đảo Duy-Mộng (Drummond Island) cao không quá 4 m. Đảo
hình bầu dục, diện-tích khoảng .41km2 có nhiều loại cây nhỏ. Hơi giống như đảo
Hữu-Nhật, giữa đảo là một vùng đất không có cây. Chỗ đất trống này có thể sinh sống
được. Lại có một lạch nước nhỏ nên ghe đi theo cửa lạch đó vào được sát bờ. Tàu
lớn có thể bỏ neo cách bờ 2, 3 trăm thước.
Nhiều con vít và chim biển sống trên đảo .
Vào đầu tháng 1 năm 1974, trong những ngày Trung-Cộng khởi-sự
xâm-lược nhóm Lưỡi-Liềm của quần-đảo Hoàng-Sa, chúng đã tập-trung tới 11
chiếm-hạm ở phía Đông đảo Duy-Mộng này.
13.4.4 - Đảo Quang-Ảnh (Money Island hay Vĩnh-Lạc.) Đảo mang tên
một nhân-vật lịch-sử: Phạm-quang-Ảnh, vị Đội-trưởng Hoàng-Sa-đội thời Nguyễn.
Theo lệnh vua Gia-Long, ông đem hải-đội ra Hoàng-Sa năm 1815 để thu-hồi
hải-vật.
Đảo này cao khỏi mặt biển tới 6 m, có lẽ cao nhất trong nhóm đảo
Nguyệt-Thiềm. Đảo hình bầu dục hơi tròn, diện-tích khoảng .5km2. Có một số cây
lớn mọc ở giữa đảo cao tới 5m, ở ngoài là các cây phosphorite và một loại cây
khác giống cây mít nhưng không có trái.
Chung quanh đảo có nhiều đá ngầm và san-hô. Tàu lớn không thể lại
gần đảo vì dễ mắc cạn, muốn thả neo phải thận-trọng vì dễ mất neo.
13.4.5 - Đảo Quang-Hòa (Duncan Island.) Đảo này lớn nhất nhóm đảo
Lưỡi Liềm, diện-tích gần .5km2. Chung quanh đảo là bãi cát mầu vàng. Vòng
san-hô lan ra rất xa khỏi bìa đảo. Cạnh đảo lớn còn có những đảo nhỏ, nối liền
nhau bằng bãi cát dài. Một vài bản-đồ địa-chất ghi Quang-Hòa thành hai đảo
Quang-Hòa Đông và Quang-Hòa Tây:
- Quang-hòa Đông có rừng cây nhàu và cây phosphorite mọc ở phía
Tây của đảo, nhiều cây cao tới 5m. Phần đảo phía Đông trơ trụi chỉ có giây leo
sát mặt đất.
- Quang-Hòa Tây là một đảo nhỏ, chỉ bằng 1/10 đảo Đông, cùng những
loại cây như ở đảo Đông nhưng chỉ cao khoảng 3m.
Trận hải-chiến 19 tháng 1 năm 1974 giữa Hải-quân Việt-Nam và
Trung-Cộng đã diễn ra trong vòng 5, 10 hải-lý phía Tây và Tây-Nam đảo này.
Hình 105- Khu-trục-Hạm Trần-khánh-Dư HQ-4, một đơn-vị của HQ/VNCH
từng tham-chiến Hoàng-Sa. Hiện chiến-hạm này trong HQ/ CHXHCN/VN thường
đảm-nhiệm huấn-luyện, chiến số HQ-3.
13.4.6 - Đảo Bạch-Quỷ (Passu Keah.) Đảo này là một dải san-hô, chỉ
thật-sự nổi hẳn lên khỏi mặt nước khi thủy-triều xuống. Địa-thế trơ trọi đá,
không cho phép người ta sinh-tồn.
13.4.7 - Đảo Tri-Tôn (Triton Island.) Đảo này gần bờ biển Việt-Nam
nhất so với các đảo khác của Hoàng-Sa. Đảo Tri-Tôn thấp, trơ trọi đá san-hô,
không có cây cỏ nhưng nhiều hải-sản như hải-sâm, ba ba, san-hô đủ mầu sắc.
13.4.8 - Các bãi ngầm. Có ba bãi đá ngầm:
-Bãi ngầm Antelope Reef nằm phía Nam đảo Hữu-Nhật và phía Đông đảo
Quang-Ảnh hoàn toàn là san-hô chưa nổi lên mặt nước.
-Bãi ngầm Vuladdore nằm về phía Đông Nam của nhóm đảo Lưỡi Liềm,
cách xa khoảng 20 hải-lý.
-Bãi ngầm Khám-phá (Discovery.)
Bãi ngầm Khám-phá này là bãi ngầm lớn nhất trong cả quần đảo. Một
vòng san-hô bao quanh chiều dài tới 15 hải-lý, bề ngang chừng 5 hải-lý.
Để hình-dung phần nào quang-cảnh các bãi ngầm nơi Biển Đông, chúng
tôi tóm gọn lại phần mô-tả sau đây của ông Sơn-hồng-Đức về bãi ngầm Discovery
làm tiêu-biểu. Trong một chuyến viếng-thăm Hoàng-Sa vào đầu thập-niên 1970, vị
giáo-sư Địa-lý này đã ghi lại như sau:
"Đứng trên đài chỉ-huy của tàu nhìn xuống mặt đầm bên trong
ám tiêu san-hô là một thế-giới yên lặng, mặc dù bên ngoài sóng bổ từng cơn lên
ám tiêu viền. Nước bạc đua nhau, theo một lạch nhỏ để vào bên trong. Vào những
ngày biển yên, người ta có thể trông suốt đến đáy lòng chảo cát vàng ở đáy.
Nhiều loài thủy-tộc sống lâu năm nên to lớn dị-thường. Có những con cá đuối
bằng hai chiếc chiếu, ốc tai tượng to bằng cái bàn nặng 700 ký ..."
Nhà địa-chất-học A. Krempt cho rằng ám-tiêu Discovery, tên Pháp là
Découverte có hình bán-nguyệt khá đối-xứng nhau. Giữa là đầm nước có độ sâu
trung-bình 25m với hàng san-hô đang tăng-trưởng cách đến 4 hay 5m dưới mực nước
biển thấp. Krempt cho rằng có thể giải-thích được sự thành-lập các ám-tiêu
san-hô. (Barrier Reefs) vùng Đông-Bắc Úc-châu theo giả-thuyết gió mùa của ông. (La Forme des Récifs Coralliens et le Régime des Vents
Alternants, Krempf A., Trong Rapport du Conseil du Gouvernement sur les
Fonctionnements du Service Océanographique des Pêches de l'Indochine pendant
l'Année 1926-1927.)
13.5 - Nhóm đảo An-Vĩnh (Amphitrite Group.)
Nhóm đảo Đông-Bắc quần-đảo Hoàng-Sa được gọi là nhóm An-Vĩnh, theo
tên một xã thuộc tỉnh Quảng-Ngãi. Xã An-Vĩnh là một địa-danh từ lâu gắn liền
với lịch-sử Hoàng-Sa. Đại-Nam Thực-lục Tiền-biên quyển 10 ghi chép về xã này
như sau: "Ngoài biển xã An-Vĩnh, huyện Bình-Sơn, tỉnh Quảng-Ngãi có hơn
100 cồn cát ... chiều dài kéo dài không biết tới mấy ngàn dậm, tục gọi là
Vạn-lý Hoàng-Sa châu ... Hồi quốc sơ đầu triều Nguyễn đặt đội Hoàng-Sa gồm 70
người lấy dân xã An-Vĩnh sung vào, hàng năm cứ đến tháng ba cưỡi thuyền ra đảo,
ba đêm thì tới nơi ..."
Nhóm đảo còn được gọi là Amphitrite hay Tuyên-Đức. Amphitrite là
tên của một trong những chiếc tàu Âu-châu đầu tiên vào Biển Đông, gặp nguy-khốn
ở Hoàng-Sa. Chiếc tàu Pháp này đã sang buôn-bán với Trung-Hoa vào cuối thế-kỷ
XVII (Journal de Voyage aux Paracels, Jean Yves Claeys, báo Indochine, Hànội,
các số 44, 45, 46, năm 1941.)
Nhóm đảo An-Vĩnh bao gồm các đảo tương-đối lớn và cao nhất trong
các đảo của Hoàng-Sa, và cũng là các đảo san-hô lớn nhất Biển Đông như:
-Đảo Phú-Lâm - Yongxing Dao
-Đảo Cây hay Cù-Mộc - Zhaoshu Dao
-Đảo Lincoln -Dong Dao
-Đảo Trung - Zhong Dao
-Đảo Bắc - Bei Dao
-Đảo Nam - Nan Dao
-Đảo Tây - Xisha Zhou
-Đảo Hòn Đá - Shi Dao.
Sau đây là mô-tả một số các đảo chính:
13.5.1 - Đảo Phú-Lâm (Woody Island.) Đảo Phú-Lâm nằm bên đảo Hòn
Đá (Rocky Island- cao 50ft), diện-tích lớn hơn Hòn Đá nhưng cao-độ thấp hơn rất
nhiều. Đây là đảo quan-trọng nhất của nhóm đảo An-Vĩnh.
Hình 106 - Bản-đồ nhóm đảo An-Vĩnh. Góc trái là hình đảo Phú-Lâm.
Trước thế-chiến thứ hai khi còn làm chủ Đông-Dương, người Pháp
cũng đã khai-phá các đảo thuộc nhóm An-Vĩnh. Giống như trên đảo Hoàng-Sa, họ
thiết-lập một đài quan-trắc khí-tượng ở Đảo Cây, số hiệu được ghi trong
danh-sách World Meteorological Organisation là 48 859.
Sau khi Nhật đầu hàng Đồng-minh, vào tháng 6 năm 1946 Hải-Quân Pháp
gửi chiến-hạm Savorgnan de Brazza đến chiếm các đảo Hoàng-Sa. Vì trận chiến
Việt-Pháp bùng nổ dữ dội, vào tháng 9/ 1946 người Pháp rút quân khỏi Hoàng-Sa.
Vào ngày 26/ 6/ 1946 dù đã chậm trễ, Trung-Hoa lấy cớ đến giải-giới quân Nhật
(đáng lẽ phải làm năm 1945) lén đổ quân lên Phú-Lâm rồi chiếm-đóng luôn đảo này
và tiếp-tục đi chiếm một đảo nữa ở Trường-Sa.
Vào ngày 13/1/ 1947, Chính-quyền Pháp chính-thức phản-đối
hành-động chiếm-cứ bất-hợp-pháp của Trung-Hoa và gửi chiến-hạm Le Tonkinois ra
Hoàng-Sa. Thấy Phú-Lâm đã được Trung-Hoa phòng-thủ kỹ-lưỡng, chiến-hạm quay về
đảo Hoàng-Sa (Pattle) để đổ-bộ 10 quân-nhân Pháp cùng 17 quân-nhân Việt-Nam lên
chiếm-đóng đảo này.
Khi Trung-Hoa Dân-quốc chạy ra Đài-Loan, họ cũng rút quân ở
Phú-Lâm và Thái-Bình về Đài-Loan năm 1950. Bảy năm sau khi kiểm-soát được
lục-điạ Trung-Cộng mới bí mật gửi quân ra chiếm đảo Phú-Lâm vào đêm 20 rạng 21
tháng 2 năm 1956.
Hiện nay Trung-Cộng đặt Bộ chỉ-huy toàn-thể lực-lượng quân
trú-phòng quần-đảo Hoàng-Sa ở đây. Căn-cứ quân-sự này kiên-cố nhất trên Biển
Đông.
Sách Ocean Yearbook 10 (Chicago 1993) cho biết có tới 4,000
binh-sĩ Hải-quân và Thủy-quân Lục-chiến trong vùng biển Hoàng-Sa. Phần lớn số
lính này đóng tại Đảo Phú-Lâm, số nhỏ trên đảo Lincoln và các đảo thuộc nhóm
Trăng-Khuyết.
Hình 107 - Cầu tàu đảo Phú-Lâm. Hình chụp trước tháng 8 /1945 của
ông Nguyễn-văn-Tính, trưởng sở TSF Hoàng-Sa.
Đảo có cầu tàu lớn, phi-trường, đài kiểm-báo, kinh đào và nhiều
tiện-nghi quân-sự khác. Đảo dài tới 1.7km, chiều ngang 1.2km, diện-tích 320 acres
hay chừng 1.3km2. Đảo có nhiều cây cối tươi tốt nên mang tên Phú-lâm.
13.5.2 - Đảo Linh-Côn (Lincoln Island.)
Đảo Linh-Côn nằm về phía cực Đông của nhóm đảo An-Vĩnh và cũng là
đảo lớn nhất của cả quần-đảo Hoàng-Sa, diện-tích chừng 1.62km2 hay 400 acres,
bề cao chừng 15 ft. Hải-đồ ghi trên đảo có nước ngọt. Vòng san-hô bao quanh đảo
kéo dài về phía Nam như một con lươn có cái đầu ở Lincoln với cái thân dài tới
gần 15 hải-lý. Nhiều đảo, đá san-hô tới hàng chục cái, nhấp-nhô trên mặt nước
biển.
Đảo này được Trung-Cộng biến thành một căn-cứ. Ngoài công-sự
quân-sự, các cơ-sở ngư-nghiệp cũng đã được xây cất khá nhiều với cầu tàu rộng
lớn, nhà kho, nhà máy chế-biến ...
Hình 108 - Đài Radar Trung-Cộng trên quần-đảo Hoàng-Sa (Bejing
Review Feb 18, 1980.)
13.5.3 - Các bãi ngầm chính :
-Bãi ngầm Jehangire Bank
-Bãi ngầm Bremen Bank
-Bãi đá ngầm Bombay Reef
14 - Các đảo thuộc Quần-đảo Trường-Sa.
Quần-đảo Trường-Sa nằm về phía Nam của Biển Đông, đảo gần nhất
cách quần-đảo Hoàng-Sa vào khoảng 350 hải-lý, đảo xa nhất có đến 500 hải-lý.
Quần-đảo này gồm khoảng trên một trăm đảo, nếu tính cả những hòn đá và bãi cạn.
Đảo Trường-Sa, (tên gọi này dùng chung cho cả quần-đảo) cách Vũng-Tàu 305
hải-lý, cách Cam-Ranh 250 hải-lý, cách Đảo Phú-Quý 210 hải-lý .
Bề dài nhất của biển Trường-Sa đo được 500 hải-lý, tính từ Bãi Cỏ
Rong tận cùng hướng Đông-Đông-Bắc của quần-đảo tới Bãi Tứ-Chính là nơi tận cùng
hướng Tây-Tây-Nam.
Các đảo Trường-Sa nằm rải rác trong một khu-vực biển khoảng từ 4
độ đến 12 độ Bắc vĩ-tuyến và từ 109 độ 30 phút đến 118 độ Đông kinh-tuyến. Vùng
biển này chiếm tới khoảng 360,000 km2, tức vài chục lần lớn hơn vùng biển
Hoàng-Sa hay rộng bằng lãnh-thổ Việt-Nam trên lục-địa. Biển tuy rộng nhưng
diện-tích các đảo, đá, bãi nổi lên khỏi mặt nước lại rất ít, chỉ tổng-cộng vào
khoảng 10 km2.
14.1 - Địa-danh.
Về danh xưng, sử ta chép là Vạn-lý Trường-Sa, hay Đại Trường-Sa,
tiếng quen gọi vắn tắt là Trường-Sa. Người Anh, Mỹ gọi là Spratley (hay
Spratly) Islands, Spratley (hay Spratly) Archipelago và vắn tắt hơn: Spratlies.
Người Pháp gọi là Archipel des Iles Spratly. Người Trung-Hoa gọi là Nam-Sa
(Nansha) Quần-Đảo hay Nam-Uy (Nan Wei) Quần-Đảo. Phi-luật-Tân gọi là Kalayaan.
Trong thời Thế-chiến II người Nhật gọi là Shinnan Guto.
Hình 109 - Bản-đồ quần-đảo Trường-Sa với địa-danh Việt-Nam. (Cục
Đo-đạc, CHXHCN Việt-Nam, 1989.)
14.2 - Số lượng đảo.
Theo luật gia Michael Bennett thì có tới hơn 500 hòn đất, đá, bãi
riêng-biệt tạo thành quần-đảo Trường-Sa (more than 500 separate land masses
making up the Spratlys), tuy vậy chỉ có chừng 100 địa-danh. (Stanford Journal
of International Law, Spring 1992: 429.) Có người ước-lượng con số 230 đảo như
Michael Hindley & James Bridge (Free China Review, August 1994: 44), hay 99
"đơn-vị" như Ting Tsz Kao (The Chinese Frontiers, Illinois 1980: 289.)
Còn người Phi-luật-Tân lại liệt-kê một danh-sách gồm 53 hòn đảo và
cù lao trong khu-vực 64,976 dậm vuông của Trường-Sa, họ gọi là Đất Tự-Do
"Freedomland".
Những hòn đảo hay đá nào đã nổi hẳn lên khỏi mặt biển khi nước lớn
cần được xác-định thật đúng vì trên mặt pháp-lý, đảo (island), cồn (cay), đụn
(dune) hay hòn đá (rock) này là căn-bản để tính-toán nhiều yếu-tố như lãnh-hải,
thềm lục-địa và hải-phận kinh-tế cho quốc-gia chủ-nhân của nó .
Hiện nay đã có nhiều tài liệu bàn đến số lượng những đảo và đá này
ở Trường-Sa. Chúng tôi xin trình-bày một trong những tài-liệu đó của nhà
xuất-bản University of California Press (Atlas for Marine Policy in Southeast
Asian Sea, edited by Joseph R. Morgan và Mark J. Valencia, 1983.) Nếu theo nhóm
các học-giả thông-thạo luật biển này, Trường-Sa gồm 33 "đơn-vị" chia
ra bốn loại như sau:
Island gồm 9 đơn-vị:
FLat Island, Itu-Aba, Loaita Island, Namyit Island, Nanshan
Island, Sin Cowe Island, Spratly Island, Thitu Island, West York Island.
Cay gồm 15 đơn-vị:
Alicia-Annie Reef, Amboyna Cay, Commodore Reef, Grierson Reef,
Irving Reef, Lankiam Cay, Loaita Cay, London Reef Cay, Mariveles Reef,
Northeast Cay, Pearson Reef NE, Pearson Reef SW, Southwest Cay, Sand Cay, Sandy
Cay.
Hình 110 - Bản-đồ ghi-nhận 33 đảo và đá nổi thường trực trên mặt
biển. Tình-hình chiếm-đóng Trường-Sa đầu thập-niên 1980: Phi-luật-Tân chiếm
7,Việt-Nam 5, Đài-Loan 1.Còn lại 20"đơn-vị"(13 đảo, 7đá) chưa bị
chiếm.
Dune gồm 2 đơn-vị:
Gaven Reef, Landowne Reef
Rock gồm 7 đơn-vị:
Barque Canada Reef, Fiery Cross Reef, Great Discovery Reef, London
East Reef, Louisa Reef, Royal Charlot Reef, Swallow Reef.
Trong hàng mấy trăm đảo đá bãi, lớn nhỏ, nổi chìm của Trường-Sa kể
trên, chỉ có một số đảo cần nói đến vì tầm quan-trọng của nó mà chúng tôi xin
mô-tả ra dưới đây:
Theo các diễn-biến hiện nay về tranh-chấp chủ-quyền, chúng tôi tạm
sắp xếp thành 3 vùng. Tính từ bờ biển Việt-Nam trở ra, 3 vùng như sau:
1-Vùng Việt-Hoa tranh-chấp gồm Đảo Trường-Sa và các bãi cạn phía
Tây của quần-đảo Trường-Sa.
2-Vùng Việt và năm nước tranh-chấp nằm về phía Nam lằn ranh
tuyên-cáo của Mã-lai-Á.
3-Vùng Việt-Hoa-Phi tranh-chấp bao trùm hầu hết khu-vực tuyên-cáo
của Phi-luật-Tân. Vùng này được chia làm 4 khu nhỏ:
*khu Nam, quanh Đá Chữ Thập
*khu Trung gồm hai quần-đảo:
Sinh-Tồn và Ba-Bình/Nam-Yết
*khu
Bắc, khu Loại-Ta Song-Tử
*khu
Đông, các bãi cạn sát Phi-luật-Tân
14.3 - Vùng Việt-Hoa tranh-chấp.
Gồm có:-Bãi Tứ-Chính hay Vanguard
Bank,
-Bãi Phúc-Nguyên hay Prince Consort
Bank
-Bãi Quế-Đường hay Grainger Bank
-Bãi Phúc Tần hay Prince of Wales
Bank
-Bãi Huyền-Trân hay Alexandra Bank
-Bãi Vũng Mây hay Rifleman Bank
-Đá Lát hay Ladd Reef
-Đảo Trường-Sa hay Spratley Island.
Vùng này nằm về phía cực Tây của quần-đảo và gần
bờ biển Việt-Nam hơn tất cả các bãi và đảo khác của quần-đảo Trường-Sa. Bãi
Tứ-Chính nằm sát với thềm lục-địa Việt-Nam, tuy ngăn cách một cái rãnh cạn
nhưng không xa đường thâm-thủy 200m bao nhiêu. Độ sâu đáy biển tăng từ Tây qua
Đông nhưng không đều. Quanh bãi Vũng Mây, nước lại cạn và có chỗ không sâu quá
300 m.
|