-Tranh-chấp về vùng đá ngầm
Vành Khăn.
Vào đầu tháng 2/1995, chính-phủ Phi-luật-Tân phát-hiện Trung-Cộng
đã chiếm đóng hòn đá ngầm Vành Khăn. Trên hải-đồ quốc-tế, hòn đá ngầm này mang
tên Mischief Reef, người Phi gọi là Panganiban, tọa-độ 9.58 N., 115.42 E. Vành
Khăn là một vành san-hô nằm dưới mặt nước biển một vài thước. Ngoài Vành-Khăn,
trên các bãi ngầm Jackson, Half Moon (Trăng Khuyên), Sabina (Sa-Bin) cũng có
dấu vết xây cất của Trung-Cộng.
Có lẽ khởi-sự từ cuối năm 1994, Trung-Cộng đã cho quân-đội giả
dạng làm thường-dân đánh cá, bất-thần chiếm hòn đá ngầm Vành Khăn. Một ghe của
ngư-phủ Phi hành-nghề lẩn quẩn gần đó thì bị bắt, Chỉ khi Trung-Cộng thả ghe
này ra, Phi-luật-Tân mới biết là nhiều cơ-sở của Tàu đã được xây-dựng trên
những vùng quanh hòn đá ngầm này.
Hình 128- Kiến-trúc xây-cất trên hòn đá ngầm Vành Khăn mà
Trung-Cộng đã tuyên-bố là chỗ trú-ẩn cho dân đánh cá.
Vì Mischief và Half Moon chỉ cách đảo Palawan chừng 135 và 70
hải-lý, lại nằm quá sâu trong hải-phận 200 hl EEZ của họ, Chính-phủ Phi-luật-Tân
rất lo ngại. (Về vị-trí - xin xem hình 114.) Sự phản-đối lúc đầu rất mạnh mẽ,
Phi cho công-bố hình chụp các kiến-trúc khá lớn do Trung-Cộng xây dựng trên
những dàn kiểu nhà sàn. Phi cũng cho biết có 3 tàu lớn, 5 tàu nhỏ và một số ghe
nhỏ đang neo hay chạy quanh quẩn gần đó.
Biến-cố này chứng tỏ Trung-Cộng vẫn tiếp-tục sử-dụng biện-pháp
quân-sự, nhưng khôn khéo hơn, để chiếm trọn các đảo ngoài Biển Đông.
Lúc đầu, Trung-Cộng chối rằng không có âm mưu gì, sau đó lại nói
cái dàn do dân đánh cá Trung-Hoa tự-động xây cất làm nơi trú-ẩn.
Hình chụp không-ảnh cho thấy rõ trên mặt nước là một căn-cứ
quân-sự với bồn chứa nhiên-liệu, có cắm cờ Trung-Cộng. Cơ-sở đủ lớn để có thể
trang-bị nhà máy điện và đài Radar.
Về tàu bè Trung-Cộng hoạt-động gần đó, Phi cho biết có một chiếc
thuộc loại Dashi Class (Dazhi ?.) Nếu tin-tức này đúng thì tình-hình càng thêm
nghiêm-trọng. Theo tài-liệu Jane's Fighting Ships, chiến-hạm Dazhi Class giữ
nhiệm-vụ của một trạm yểm-trợ tiềm-thủy-đĩnh lưu-động.
Hình 129- Đặc-tính loại tàu Dazhi theo Jane's Fighting Ships năm
1995, trang 132.
Nhiều hình-ảnh, tin-tức, bình-luận chống-báng Trung-Cộng đã được
đăng trên các báo-chí thế-giới. Sau mấy tuần-lễ không có một thay đổi gì khác
xảy ra. Mặc dù đã thất-bại nhiều lần trong quá-khứ, Nam-Dương lại cố gắng mời
các phe phái liên-hệ đến tham-dự một hội-nghị hòa-bình Biển Đông. Thiện-chí của
Nam-Dương rất đáng ca ngợi, tuy vậy nỗ-lực của nước này chắc không đi được đến
đâu. Trung-Cộng vẫn tiếp-tục đi hết tiến-trình vạch sẵn là chiếm từng hòn đảo
một cho đến khi nào nuốt trọn gói Trường-Sa. Phi-luật-Tân nói rằng sẽ đưa
nội-vụ ra Tòa-án Quốc-tế.
Tuy thế, lần này sự biến-chuyển về tình-hình quân-sự và ngoại-giao
lại khác hẳn, đi ra ngoài dự-đoán của Trung-Cộng. Vào cuối tháng 3/ 1995, khi
vừa bắt đầu thương-thuyết với Trung-Cộng một ngày tại Bắc-Kinh, Phi-luật-Tân
bất-thần đưa hải-quân tới ngay vùng đá ngầm ngoài khơi Palawan. Lấy danh-nghiã
bảo-vệ hải-phận, phi-cơ của Phi triệt-tiêu công-trình xây cất của Trung-Cộng
trên các bãi ngầm Jackson, Sabina, Half Moon. 62 ngư-phủ người Tàu bị bắt.
Cảnh-sát Phi-luật-Tân đã tố-cáo 62 người này xâm-nhập lãnh-thổ nước họ một cách
bất hợp-pháp, mang theo chất nổ hủy-hoại hải-sản và săn bắt rùa biển là loài
động-vật đang được nhiều nước bảo vệ. Thủ-tục truy-tố ra tòa đang tiến-hành.
Việc thương-thuyết Phi-Tàu ngưng lại.
Tình-hình Biển Đông hiện thêm căng thẳng. Vào ngày 31/ 3/ 1995,
Đài-Loan lo ngại, gửi ba tuần-tiễu-hạm xuống tăng-cường vùng Pratas và có lẽ cả
Trường-Sa. Biển Đông êm êm được mấy năm, nay lại nổi sóng-gió bão-bùng.
Trung-Cộng không để một nước láng giềng nào sống yên ổn!
15 - Kiến-thức về Biển đông và Các cuộc khảo-sát vùng Hoàng-Sa,
Trường-Sa .
Biển Đông như đã nói, là khu-vực biển quan-trọng nên đã có nhiều
cuộc khảo-cứu trên đủ khía cạnh. Về phương-diện khoa-học, không ai dám nhận là
biết nhiều về lớp nước bao bọc gần 3/4 điạ-cầu. Những cuộc khảo-sát, nghiên-cứu
về Biển Đông và các đảo của nó vẫn tiếp-tục. Các nhà khoa-học hy-vọng càng ngày
người ta càng thu-lượm được thêm nhiều kiến-thức về biển cả, để ứng-dụng làm
cho đời sống con người thêm tươi đẹp hơn.
Trong vô-số cuộc khảo-sát Biển-Đông đã qua, chúng tôi xin lược
duyệt một số công-trình như sau đây:
15.1 - kiến-thức Biển đông từ Những ngày xa xưa.
Người Việt đã hải-hành ngang dọc Biển Đông từ những thiên-kỷ trước
công-nguyên. Trống đồng Đông-Sơn cùng các sản-phẩm khác của người Việt được
phân-phối đi nhiều nơi ở Đông-Nam-Á. Vùng Biển Đông trong đó có cả Hoàng-Sa và
Trường-Sa không xa lạ gì với người Việt. Biển này ví như cái sân trước của căn
nhà Việt-Nam vậy. Các đảo thân-yêu như cây cối trong vườn. Có đảo cận-kề bờ
biển Việt-Nam không tới một ngày chạy buồm, như Tri-Tôn của quần-đảo Hoàng-Sa
chỉ cách Cù-lao Ré có 123 hải-lý mà thôi.
Muốn giải-thích sự hiện-hữu của các chứng-tích Lạc-Việt trên đất
Phi-luật-Tân, Bornéo, Nam-Dương, Mã-Lai; ngườì ta chỉ còn cách vẽ đường
hải-hành từ Bắc-Việt ngang qua Hoàng-Sa và Trường-Sa để đến đó! Trên đường
thương-buôn khắp Đông-Nam-Á, ghe thuyền Việt ta viễn-duyên nhiều ngàn hải-lý
(Nanhai Trade, Wang Gungwu, Kuala Lumpur 1959) nên kiến-thức về những đảo
cận-kề trăm dậm như Hoàng-Sa đã được cha truyền con nối.
Những chuyến hải-hành ra Thái-bình-Dương cũng từng được dân
Bách-Việt thực-hiện hàng ngàn năm trước công-nguyên (Science and Civilisation
in China, Vol.4, Cambridge 1971.) Tuy cả pho sách khổng-lồ này bàn về văn-minh
Trung-Hoa, nhưng các tác-giả của nó là Joseph Needham, Wang Ling và Lu
Gwei-Djen lại đoan-quyết rằng người Tàu không phát-triển hàng-hải, còn người
Việt (Yueh) thời cổ mới chính là giống dân tiền-phong trong lãnh-vực đó. Lấy
những dẫn-chứng căn-bản từ sách sử Trung-Hoa, 3 học-giả gồm một Anh-cát-Lợi,
hai Trung-Hoa đã truy-cứu ra rằng từ ngay thiên-kỷ thứ nhất trước Tây-Lịch, dân
Bách-Việt đã từng buôn bán với Tây-bá-lợi-Á.
Truyền-thống hàng-hải như vậy vẫn tiếp-tục lưu-truyền và
phát-triển sau nhiều ngàn năm. Trong thời cận-đại đôi khi vì sự sinh-tồn, người
Việt "thuyền-nhân" đã từng nhập bọn với cả hải-tặc để tấn-công bờ
biển Trung-Hoa từ thời nhà Tống, nhà Thanh.
Người Việt theo nhà ngoại-giao Anh đầu thế-kỷ 19 như John
Crawfurd, là những nhà hàng-hải can-đảm và giỏi giang nhất vùng Đông-„n (The
Mandarin Road to Old Hué, Alastair Lamb, Edinburgh 1970: 263-264.) Khi đến
Đà-Nẵng, Crawfurd lại khen những thuyền của ta công-tác Hoàng-Sa đóng theo kiểu
Mã-lai rất chắc chắn.
Hình 130 - Ghe bầu, một loại thuyền buồm Trung-Việt kiến-trúc tốt,
vận-tốc cao, có khi chạy tới 12 gút.
Nhà quân-sự Pháp như Đô-dốc d'Estaing thì khâm-phục sự phòng-thủ
của ta khi đưa ra nhận-xét: Việc tuần-tiễu đường biển kể cả Hoàng-Sa khá
nghiêm-ngặt. Chúa Võ-Vương có tới 400 súng đại-bác chế theo kiểu Bồ-đào-Nha,
một số được lấy về từ những con tàu đắm ở Hoàng-Sa. ("Une tentative ignorée d'établissement francais en Indochine au 18e
siècle", Louis Malleret, Bulletin de la Société des études Indochinoises,
No 1, Hanoi 1942.)
Cũng theo những sách
nghiên-cứu của các học-giả Joseph Needham và của G.R.G. Worcester, sử Trung-Hoa
ghi-chép rất ít về các hoạt-động hàng-hải của nước họ. Nếu có nói đến hàng-hải
thời cổ chăng nữa, sách sử Tàu cũng chỉ ghi được những mảnh vụn vặt mà họ thấy
được từ những sắc dân khác-biệt với họ như Việt, như Ngô v.v...
Thật kỳ lạ, lần đầu tiên
chính-sử Trung-Hoa kể tên một nhà hàng-hải thì người đó là chẳng phải là một
người Tàu chính-hiệu. Wang Gungwu viết trong cuốn Nanhai Trade, Kuala Lumpur
1959, trang 64-65 như sau: "Năm 607, vua Tùy nghe nói có một nước ở ngoài
khơi Phúc-Châu, ra lệnh mở cuộc viễn-chinh... Trong chiến-dịch xâm-chiếm
Đài-Loan (năm 610), có hai thành-tích liên-quan đến một vị Hạm-trưởng tên
Hồ-Man là điều đáng lưu-tâm. Đây là lần đầu tiên chính-sử (Official Annals)
đề-cập đến một nhà hàng-hải, nhưng tên tuổi lại không có vẻ gì là Tàu hết. Cái
tên "họ Hồ người (Nam-) Man" cho thấy ông ta là người Việt (Tàu -hóa)
hay có thể là người Việt miền Nam ... Đoàn viễn-chinh gồm nhiều sắc dân miền
Nam, kể cả người nói tiếng Mon-Khmer."
Xin ghi thêm: Đài-Loan là
đảo nằm về phía cực bắc của Biển Đông không xa lạ gì với những dân hàng-hải như
giống Việt. Những chuyến viễn-hành của họ được nhắc nhở tới trong sử Trung-Hoa
từ trước thời Xuân-Thu Chiến-quốc. Khoa khảo-cổ cũng xác-nhận dấu-tích của
giống dân này ở phía Nam tới Nam-Dương, phía Bắc tới Tây-bá-lợi-Á. (Science and
Civilisation in China, Vol 4, Cambridge 1971.)
Đối với kiến-thức của người
Trung-Hoa về biển cả nói chung, người viết xin không bàn nhiều, chỉ xin thay
lời một số nhà nghiên-cứu mà chép lại như sau :
- James Fairgrieve viết
trong sách "Geography and World Power" (London, 1921, p.242) rằng
người Tàu là giống dân lục-địa với các thói quen và cách suy-nghĩ của người
sống trên đất. Nguyên văn như sau: "China has never been a sea-power because
nothing has ever induced her people to be otherwise than landmen, and landmen
dependent on agriculture with the same habit and ways of thinking drilled into
them through forty centuries."
- E. B. Elridge viết trong sách "The Background of Eastern
Sea Power" (Melbourne, 1948, p.47) rằng tâm-trí người Tàu hướng về nội-địa
và kiến-thức của họ về biển cả thật là ít ỏi. Nguyên-văn như sau:
"Essentially a land people, the Chinese cannot be considered as having
possessed sea-power... The attention of the Chinese through the centuries have
been turned inward towards Central Asia rather than outward, and their
knowledge of the seas which washed their coast was extremely small."
15.2 - Thời Lê-Nguyễn.
Sách sử Việt-Nam ghi-chép về Hoàng-Sa từ thế-kỷ XVII với chi-tiết
địa-lý rõ ràng trong sách "Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư" (1630-1653)
của Đỗ-Bá.
Sau sách này, ta có "Phủ-biên Tạp-lục" một tác-phẩm của
Lê-quý-Đôn mà trong đó ông tường-thuật những công-tác thi-hành chủ-quyền
Việt-Nam trên Hoàng-Sa và Trường-Sa. Các đội Hoàng-Sa trách-nhiệm những đảo Cát
Vàng và đội Bắc-Hải trách-nhiệm Trường-Sa, Phú-Quốc; tuân-hành theo lệnh Chúa
Nguyễn.
Khởi-sự vào cuối thế-kỷ XVII, sau những chuyến đi biển hàng năm
thường dài tới 6,7 tháng, các đội Hoàng-Sa đã báo-cáo lại mọi diễn-biến trên
hải-trình làm kinh-nghiệm cho những chuyến công-tác sau này. Từ đời chúa
Nguyễn-phúc-Nguyên (1613-1615) hay có thể trước đó nữa, các đội Hoàng-Sa đã
được thành-lập để thu-lượm hải-vật. Học-giả Lê-quý-Đôn (1726-1784) từng
tham-khảo sổ biên của Cai-đội Thuyên-đức-Hầu (một chức-quyền Hải-Quân cao-cấp
ngày trước) thấy năm 1702 đội Hoàng-Sa lấy được 30 thỏi bạc, năm 1704 được
5,100 cân thiếc, năm 1705 được 126 thỏi bạc... Vì không có tài-liệu ghi tai-nạn
đắm tàu, ta thấy rằng việc nghiên-cứu đường biển trong thời các Chúa Nguyễn đã
khá đầy đủ.
Năm 1815, vua Gia-Long sai Đội-trưởng Hoàng-Sa là Phạm-quang-Ảnh
thám-sát và báo-cáo đường biển Hoàng-Sa. Năm sau đó, nhà vua chính-thức sai đặt
bia và tuyên-bố xác-nhận chủ-quyền.
Năm 1834, vua Minh-Mạng sai Đội-trưởng Trương-phúc-Sĩ đo đạc và vẽ
bản-đồ Hoàng-Sa.
Năm 1836, vua Minh-Mạng lại sai Thủy-quân Xuất-đội Phạm-Hữu-Nhật
nghiên-cứu thêm chi-tiết địa-hình, hải-đạo Hoàng-Sa.
15.3 - Thời Pháp-thuộc.
Năm 1899, toàn-quyền Đông-Dương Paul Doumer cho nghiên-cứu về
hàng-hải Biển Đông, đề-nghị xây cất hải-đăng trên Hoàng-Sa .
Sau đó, nhiều cuộc nghiên-cứu về hải-đạo, địa-chất, sinh-vật-học
đươc thực-hiện. Thời-gian này, kiến-thức về các hải-đảo Biển Đông gia-tăng rất
nhiều và những giả-thuyết về sự thành-lập các đảo san-hô đã đem công-bố. Hải-đồ
với đầy đủ chi-tiết nông sâu giúp cho việc hải-hành ngoài Biển Đông thêm
an-toàn. Tai-nạn đắm tàu giảm hẳn xuống.
Một hải-học-viện được xây cất tại Nha-Trang.
Chúng tôi xin kể những hoạt-động khảo-sát chính trong thời
Pháp-thuộc như sau:
Năm 1925, một cuộc nghiên-cứu đại-quy-mô về địa-chất Hoàng-Sa đã
tiến-hành dưới sự chỉ-huy của Tiến-sĩ A. Krempf, giám-đốc ngành Hải- Dương-Học
Đông-Dương. Tàu Lanessan được dùng trong công-tác này. Krempf cùng các kỹ-sư
thủy-đạo, hầm mỏ và thủy-lâm của đoàn thấy rằng Hoàng-Sa là một hành-lang nối
dài của dẫy núi Trường-Sơn chạy ra biển. Ông kết-luận: "Về phương-diện
địa-chất, Hoàng-Sa đúng là một phần của Việt-Nam" (Géologiquement, donc,
les Paracels font partie du Việt-Nam.)
Hình 131 - Bản-đồ Hoàng-Sa do người Pháp vẽ vào thập-niên 1920,
sau những khảo-sát điạ-hình đáy biển. (BSEI Dec. 1934.)
Ông Krempf cũng là tác-giả của một giả-thuyết mới về sự tạo-lập
các đảo san-hô mà hình-dáng chịu ảnh-hưởng của gió mùa. Krempf cho rằng khi
san-hô nổi lên thì bị sóng và gió xâm-thực, những vật-liệu bị gió mùa xâm-thực
sẽ bị cuốn rơi vào bên trong đè lớp san-hô bên trong và giết chết đi. Tới mùa
gió mùa nghịch lại thì vùng bên kia lại bị xâm-thực và vật-liệu cũng rơi vào
bên trong... Vòng đai san-hô vì thế thường có hình bầu dục kéo dài theo chiều
ảnh-hưởng của gió mùa.
Năm 1927, tàu Lanessan lại thực-hiện công-tác nghiên-cứu địa-chất
tại quần-đảo Trường-Sa, thăm-dò trữ-lượng phốt-phát.
Năm 1928, công-ty tư-nhân Société nouvelle des Phosphates du
Tonkin, sau khi nghiên-cứu phân chim Hoàng-Sa, đã xin phép Chính-phủ Bảo-hộ cho
khai-thác.
Năm 1934, P. Chevey thuộc viện Hải-học Đông-Dương viết tường-trình
về những lý-thuyết hình-thành các đảo san-hô do hội Nghiên-cứu Đông-Dương
tổ-chức. Nội-dung được đăng lại trong bài "Iles
et Récif de Coraux de la Mer de Chine" báo Bulletin de la Société des
Etudes Indochinoises, bộ IX, số 4, Saigon ngày 10-12-1934, trang 48-56.
Thời thập-niên 1940 là
giai-đoạn nhiều người Pháp tham-gia những cuộc nghiên-cứu kỹ-thuật về tàu
thuyền trên Biển Đông. Họ đặc-biệt lưu-tâm nhiều đến các loại thuyền của
Việt-Nam. Hai cuốn sách quan-trọng nhất đã ra đời là :
-"Esquisse d'une
Ethnographie Navale des Peuples Annamites" của Pierre Paris, đăng trên
tạp-chí Le Bulletin des Amis du Vieux Hué No. 14, Octobre- Decembre 1942; in
lần hai tại Rotterdam, Holland năm 1955.
-"Voiliers
d'Indochine" của J. B. Piétri, nhà sách S.I.L.I. Saigon xuất-bản (Nouvelle
édition) 1949.
Hai tài-liệu này cùng một
số bài khảo-cứu khác về hàng-hải đáng được kể là gia-tài văn-hóa quý-báu, không
những cho riêng Việt-Nam mà còn cho chung toàn-thể nhân-loại. Chúng tôi xin kể
một số nhỏ trong những phát-kiến độc-đáo về khả-năng hành-thủy của dân Việt như
sau:
-Không những dân miền xuôi
sống gần Biển Đông mà cả dân miền núi như dân Rhadés cũng đã là dân hàng-hải
từng vùng vẫy trên biển.
-Tàu bè Việt-Nam rất
đa-dạng và đa-năng. Những loại độc-đáo như ghe bè, ghe bầu được mô tả kỹ càng.
Vận-tốc tàu thuyềnViệt-Nam rất cao, vượt trội các loại tàu thuyền khác trên
thế-giới. Thuyền buồm Trà-Cổ trong nhiều lần thử-nghiệm chạy vượt quá 14 gút.
(so sánh với vận-tốc các tàu cận-duyên ngày nay chạy đường Sài gòn-Đà nẵng-Hải
phòng thường là 8 gút.)
-Ảnh-hưởng kỹ-thuật
kiến-trúc ghe thuyền Việt-Nam lan tràn ra tận „n-độ-Dương và Thái-bình-Dương.
Sự liên-hệ hàng-hải giữa Việt-Nam và các dân-tộc khác đi xa tới tận Nam-Mỹ và
Mã-đảo.
15.4 - Thời Việt-Nam
Cộng-Hòa.
Sau khi thâu-hồi độc-lập,
Việt-Nam tiếp-tục những công-cuộc khảo-sát các đảo Biển Đông. Hải-Học-Viện
Nha-Trang, viện Đại-học Sài-Gòn cũng như các cơ-quan chính-phủ khác đã nỗ-lực
trong những công-tác này. Hải-quân VNCH thường cung cấp phương-tiện di-chuyển
phái-đoàn ra những đảo ngoài khơi. Một số bản tường-trình đáng lưu-ý như của
ông Lê-văn-Hội năm 1957 về thực-vật, của bà Lê-thị-Ngọc-Thanh năm 1957 về phân
bón, của ông Trịnh-tuấn-Anh năm 1973 về cuộc thám-sát Nam-Yết, của ông
Trần-Hữu-Châu về công-cuộc nghiên-cứu phốt phát tại quần-đảo Hoàng-Sa cũng năm
1973.
Những người ngoại-quốc đến
trợ giúp Việt-Nam trong các ngành khoa-học cũng góp công nghiên-cứu Hoàng-Sa,
Trường-Sa và Biển Đông như các ông Edmond Saurin, Raoul Serene, Henry Fontaine
...
Dưới chính-thể Việt-Nam
Cộng-Hoà, công-tác nghiên-cứu khoa-học Naga phải được kể là quy-mô nhất. Trong
hơn hai năm dài từ 1959 đến 1961, các khoa-học-gia của Việt-Nam đã hợp-tác chặt
chẽ với các chuyên-gia Hoa-Kỳ và Thái-Lan. Những chuyến khảo-sát trên biển của
chương-trình Naga diễn ra suốt dọc hành-lang thềm lục địa phía Nam Vĩ-tuyến 17
qua khắp vịnh Thái-Lan. Nhờ kỹ-thuật cao, phương-tiện tốt của Hoa-Kỳ,
chương-trình Naga diễn-tiến tốt đẹp. Thêm nhiều kiến-thức về địa-chất,
hải-dương của Biển Đông trong khu-vực VNCH và Thái-Lan đã được cập-nhật-hóa.
15.5 - Trung-Cộng lợi-dụng
khảo-cứu để xâm-lược.
Trung-Cộng đã một lần
lợi-dụng khảo-cứu để tấn-công quân Việt-Nam, đánh chìm chiến-hạm và cưỡng-chiếm
một số đảo của ta.
Theo tin hãng thông-tấn UPI
từ Vọng-Các đánh đi thì ngày 14-3-1988 đã có một cuộc đụng độ giữa hải-quân
CSVN và Trung-Cộng tại vùng quần-đảo Trường-Sa. Trung-Cộng tố-cáo là các tàu
Trung-Cộng đang bỏ neo để yểm-trợ cho một nhóm nghiên-cứu thăm-dò mỏ dầu ở đây
thì bị chiến-hạm CSVN tấn-công, vì thế hải-quân Trung-Cộng bắt buộc phải tự-vệ.
Hình 132- Một trong những chiến-hạm Trung-Cộng (số
502, 506, 531) tham-dự hải-chiến Trường-Sa 1988.
Khi hạm-đội của họ tiến
xuống xâm-lăng Trường-Sa, Trung-Cộng mập mờ lấy danh-nghĩa đưa phái-đoàn
khoa-học Liên-hiệp-quốc đi khảo-sát. Sau này Trung-Cộng còn làm kiểu "mèo
khóc chuột", tuyên-bố rất tiếc là biến-cố đã xảy ra. Liên-hiệp-quốc cũng
lên tiếng thanh-minh không có công-tác khảo-sát nào ở Trường-Sa. (South China
Sea Treacherous Shoals, tạp-chí Far Eastern Economic Review, 13 Aug 92: 14-17.)
„y thế mà rồi ra, lương-tâm nhân-loại cũng ... chết, mọi quốc-gia
trở lại im lặng như không có gì xảy ra.
15.6 - Chuyện khảo-cứu Tức cười !
Trước khi qua phần kết-luận chúng tôi mời quý-vị độc-giả nghe vài
mẩu "chuyện cười" lý-thú về việc khảo-sát địa-lý hải-đảo kiểu Tàu .
Ngoài chuyện trơ trẽn mang mặt nạ "khảo-sát để xâm lăng"
Trường-Sa mới đây như vậy, người Trung-Hoa cũng thường rêu rao đã làm nhiều
cuộc khảo sát Hoàng-Sa trong quá-khứ. Chuyến đi của Đề-đốc Lý-Chuẩn vào năm
1909 mà cho đến nay, vẫn còn được họ mang ra tuyên-truyền.
Có lẽ người Trung-Hoa thích làm những chuyện nực cười lố bịch hay
sao đó mà người ở ngoài như chúng ta không bao giờ hiểu nổi. Vào năm 1974, khi
Hải-quân Việt-Nam Cộng-Hòa tác-chiến ở Hoàng-Sa, Trung-Cộng đã phát-hành một
tập thơ anh-hùng-ca, trình-bày rất hào nhoáng, mầu mè kể rằng lúc khởi đầu
những dân đánh cá Trung-Cộng chỉ có chửi bới, dọa dẫm ít câu là lực-lượng VNCH
thấy sợ mà chạy.
Thi-phẩm còn ngâm nga tiếp rằng dân-binh của họ giữa khi tác chiến
đã dùng tiểu-đĩnh và ghe cá tiến sát vào Khu-trục-hạm, Tuần-dương-hạm,
Hộ-tống-hạm của ta, tung lựu-đạn sang, dùng súng tay tiêu-diệt và loại Hải-quân
ta khỏi vòng chiến vĩnh-viễn. (Battle of the Hsisha Archipelago -Reportage in
Verse, Chang Yung-Mei, Peking PRC, 1974.)
Về công-trình khảo-sát của Trung-Hoa, chúng tôi xin nhường lời lại
cho một người Pháp, ông Jourdan Chauvaire. Hồi đầu thế-kỷ này hải-quân Pháp làm
chủ Biển Đông, nhất cử nhất động của Trung-Hoa ngoài biển đều bị theo dõi nên
tường-trình của họ cũng đáng để ta xem qua và nhận-xét.
Sau chuyến công-tác vùng Biển Đông trở về, hạm-trưởng Chauvaire
viết một bài đăng trong báo La Nature số 2916, xuất-bản tại Paris ngày
01-1-1933, trang 385-387 mà một đoạn đại-ý như sau:
"Nhắc lại chuyện hai chiếc pháo-đĩnh nhỏ bé của tỉnh Quảng-Đông
mang hiệu-kỳ Đề-Đốc Lý-Chuẩn đến Hoàng-Sa trong năm 1909, ghé lại quần-đảo một
khoảng thời-gian không quá 24 giờ. Vậy mà đến ngày 20-6-1909, đại-nhật-báo
Quảng-Đông, tờ Kouo Che Pao cho đăng tin lớn...
Tôi nghĩ (lời Hạm-trưởng Chauvaire) thật là khôi-hài. Ông
"Đề-Đốc nhà ta" và đám thủ-hạ ít oi của ông không những đã khảo-sát
kỹ-lưỡng hết thảy các hòn đảo, đụn, cồn, bờ cạn bãi chìm của vùng biển Hoàng-Sa
mà còn trong giây lát vẽ ra được một bản-đồ tổng-quát toàn-thể quần-đảo cùng 15
chiếc bản-đồ đầy đủ chi-tiết chuyên-môn nữa... Trong vài giờ thôi nhé! Sau hết,
Đề-đốc đã gom đủ yếu-tố để xem xét sâu xa và kết-luận là Trung-Hoa có thể
xây-dựng được đến hai hải-cảng trong vùng!"
Nội-dung câu chuyện Ông Tây nói về Ông Tàu thám-sát nhiều ít là
như vậy. Bẵng đi 41 năm sau, các báo Tàu do đảng Cộng-Sản kiểm-soát kể lại
chuyện này khác hẳn đi. Báo Ming pao (Minh-Báo Nguyệt-san) số 101, tháng 5/
1974, đăng nơi trang 19 như sau: Phó-tướng-quân (Vice-General) Wu Ching-yung và
Đề-đốc Li Chun (Lý-Chuẩn) với ba chiến-hạm Fu po, Ch'en hang và Kuang chin đến
thám-sát Hoàng-Sa vào tháng 4/ 1902. Chuyến thứ hai, cũng Phó-tướng-quân Wu và
Đề-đốc Lý lại đến Hoàng-Sa công-tác ba tuần-lễ trong năm 1908. Còn tờ
Hsing-chou chou-k'an, xuất-bản ở Hàng-Châu ngày 10 tháng 2 năm 1974 cho rằng
chuyến thám-sát thực-hiện vào năm 1913. (Disputed Islands in the South China
Sea, Dieter Heinzig, Wiesbaden, 1976, trang 22, 26-27.)
Hình 133 - Dân-quân Trung-Cộng đánh chìm chiến-hạm
VNCH bằng lựu-đạn và súng tay. (Bìa sách Battle of the Hsisha
Archipelago.)
Vì có nhiều điểm nghi-ngờ trong lối viết lách của người Trung-Hoa,
chúng ta khó mà biết rõ hư thực. Chả trách gì 65 năm sau lần thám-sát đó (từ
1909 đến 1974), nước Tàu vẫn tiếp-tục tiến lên và chuyện thần-thoại xem ra còn
khủng-khiếp hơn lại được "thi-văn hóa" như "lời chửi tiếng
Tàu" đẩy lui hải-đội và những "cánh tay -hồng- quăng lựu-đạn"
của dân-quân đánh cá tiêu-diệt chiến-hạm Việt-Nam. Dù trong việc khảo-sát
địa-lý cũng như trong phương-cách tác-chiến, mấy ông Con Trời đều siêu-đẳng cả
chăng ?!
Các chuyện trên nghe hơi chán và rồi thời-gian cũng qua đi. Cho
đến mới đây khi Trung-Cộng chuẩn-bị lấn chiếm đá ngầm Vành Khăn, người ta lại
có dịp được nghe nhiều tiếng cười khúc khích của dân-chúng Phi-luật-Tân từ bên
kia Biển Đông vọng về:
Ngoại-trưởng Roberto Romulo của Phi đã phản-ứng là không mấy
tin-tưởng về một bài của tờ Quang-Minh Nhật-báo ra ngày 5 tháng 12 năm 1994.
Bản tin loan rằng sau 10 năm dài khảo-cứu, 400 học-giả và chuyên-viên nổi tiếng
Trung-Quốc đã chứng-minh rằng Bắc-Kinh hiển-nhiên đã từ xưa nắm chủ-quyền trên
toàn thể vùng quần-đảo Trường-Sa. (Báo Philippines Daily Inquirer, Sunday, Dec.
11, 1994.) Theo lý lẽ đó, người Tàu cho rằng chẳng còn gì phải tranh cãi trên
bàn thương-thảo.
Người Trung-Hoa Cộng-Sản ngày nay còn vượt hơn cả các thế-hệ trước
đây. Lần này họ tạo được "kỳ-tích chuyển-biến từ không qua có" cả
trong việc nghiên-cứu tưởng như là đầy tính-cách khoa-học nữa!
16 - KếT-LUậN.
Chúng tôi xin tóm-lược các đặc-điểm của Biển Đông có tính-chất
thuần-lý khoa-học như sau đây:
-Biển Đông là cái nôi khai-sinh và nuôi-dưỡng nền văn-hóa nhuốm
màu hàng-hải của giống nòi Việt-tộc.
-Biển Đông có nhiều hiện-tượng vật-lý kỳ-diệu hiếm thấy ở bất cứ
một vùng biển nào trên thế-giới.
-Biển Đông mang môi-trường sinh, thực-vật đậm nét riêng-biệt
Việt-Nam.
-Biển Đông là nơi chứa nguồn năng-lượng khổng-lồ. Tài-nguyên nằm
dưới lòng biển đã được tích-tụ bồi-đắp từ lâu đời. Các túi dầu khí, tạo-lập bởi
các chất hữu-cơ chảy theo những dòng Hồng-Hà, Cửu-long-Giang và các con sông
khác, hiển-nhiên là các tài-sản của đất nước Việt-Nam.
-Người Việt đã từng hải-hành ngang dọc khắp mặt Biển Đông nhiều
ngàn năm trước khi người Tàu lập-quốc tại vùng ngã ba Hoàng-Hà và sông Vị. Hai
quần-đảo Hoàng-Sa và Trường-Sa nằm gọn trong Biển Đông vốn là địa-bàn sinh sống
của giống Việt ngay từ thời Băng Đá.
-Hoàng-Sa và Trường-Sa không những về phương-diện vị-trí gần
Việt-Nam hơn Trung-Hoa mà về phương-diện địa-lý hình-thể, cả hai quần-đảo rõ
ràng nằm trên phần đất nối dài của lục-địa Việt-Nam.
-Hoàng-Sa và Trường-Sa được các Vua Chúa Việt-Nam gửi binh-thuyền
thường-trực chiếm-cứ trước bất cứ một quốc-gia nào khác. Đồn bót do liên-quân
Pháp-Việt thiết-lập và trú-đóng thường-trực trên các đảo ngoài Biển Đông cũng
trong thời-gian chưa có quân-đội nào khác làm như vậỵ.
-Việt-Nam, trước bất cứ một quốc-gia nào khác đã thực-thi những
phương-tiện trợ giúp tàu thuyền quốc-tế hải-hành trên Biển Đông như trồng cây
trên đảo cho dễ quan-sát, đặt hải-đăng giúp cho việc định-hướng và cứu vớt
thủy-thủ các tàu gặp tai-nạn...
Trên phương-diện địa-lý cũng như trên nhiều phương-diện khác,
Hoàng-Sa Trường-Sa đích-thực là lãnh-thổ Việt-Nam, tuy vậy nhưng sức mạnh
quân-sự muôn đời vẫn nắm vai trò quyết-định.
Sáu chục năm về trước, báo Nam-Phong (Hànội số 172, tháng 5- 1932)
cho rằng "vấn đề cương-giới Hoàng/Trường-Sa sẽ chỉ được giải-quyết bằng
gươm súng". Còn Hoàng-Đạo, trong mục "Người và Việc", báo Ngày
Nay, Hànội 24-7-1938 cũng đưa ý-kiến: "Lấy lý lẽ mới cũ ra mà nói thì nó
(Hoàng-Sa/ Trường-Sa) là của Annam. Nhưng ở trường quốc-tế, người ta không ai
theo luật mới cũ cả. Nó chỉ là của sức mạnh".
Cho đến nay Trung-Cộng vẫn bất cần luật-pháp, và nhất là luật-pháp
quốc-tế. Trung-Cộng cho rằng Tòa-án Quốc-tế chỉ là "sản-phẩm của đế-quốc
phương Tây".
Ngoài chiến-trận, với lực-lượng hùng-hậu hơn hết trong vùng
Á-châu, Trung-Cộng chắc-chắn toàn-thắng khi đối-diện với bất cứ một quốc-gia
nào trong vùng. Còn trên bàn thương-thuyết song-phương, Trung-Cộng cũng
hiển-nhiên ở thế thượng-phong và sẽ ép buộc các nước yếu ớt hơn như Việt-Nam hay
Phi-luật-Tân chịu phần thiệt-thòi.
Làm thế nào để Trung-Cộng tôn-trọng luật quốc-tế là một điều khó.
Kinh-nghiệm quá-khứ đã cho thấy trong những lần Việt-Nam bị tấn-công vào 1974
và 1988, không một quốc-gia nào giúp Việt-Nam, cho dù rằng hạm-đội Mỹ vẫn qua
lại trên Biển Đông và hạm-đội Nga đóng căn-cứ tại Cam-Ranh.
Hai lần hải-quân của họ ra tay là hai lần tàn-sát người Việt trên
Biển Đông. Người Trung-Hoa chưa bao giờ làm như vậy với một nước liên-bang.
Trong tình-thế hiện nay, nếu có một trận hải-chiến nữa thì Trung-Cộng sẽ lại
thêm một lần nữa, giết Việt-Nam mà thôi!
Nếu bản-chất của Trung-Cộng là "dị-ứng" với Toà-án và
Luật Biển quốc-tế, Việt-Nam không nên để họ mãi mãi ở thế thượng-phong. Tại sao
lại không đưa Trung-Hoa vào chốn "pháp-đình" bất-lợi đó để xem họ cãi
lý ra sao?
Hiện nay cộng-đồng thế-giới đang trong thời-kỳ êm dịu, các dân-tộc
đều đã chán chiến-tranh, chỉ hy-vọng không có đổ máu. Hoa-Kỳ và Nga-Sô đã giảm
bớt hẳn sự hiện-diện quân-sự tại Biển Đông, tạo nên một khoảng trống mà
Trung-Cộng muốn điền vào. Thế-giới nói chung, hiệp-hội Đông-Nam-Á nói riêng,
khó có biện-pháp nào ngăn-chặn Trung-Cộng. Chính-quyền Việt-Nam cần phải tự
mình lo phòng-thủ. Một khi Trung-Cộng đủ khả-năng là chúng xâm-lấn, không có ai
cản được.
Nước Việt-Nam sở-hữu khu-vực nội-hải, lãnh-hải và cận-hải rất lớn.
Với hải-phận kinh-tế và thềm lục-địa trong khoảng 200 đến 350 hải-lý ngoài
khơi, cho dù không chiến-tranh với Trung-Cộng, lực lượng quân-sự gìn-giữ
luật-pháp cũng cần phải gia-tăng. Hiện Hải-quân CHXHCN Việt-Nam được trang bị
rất yếu kém, chỉ có mấy chiếc tàu quá cũ, kỹ-thuật tồi tệ. Hai chủ-lực-hạm HQ1,
HQ3 là loại WHEC/DER của Mỹ đã ngoài 50 tuổi, còn mấy chiếc Petya của Nga thì
rất yếu sóng, máy móc hư hỏng luôn, không bao giờ đạt được vận-tốc tác-chiến
dự-trù. Quân-số thực-sự có khả-năng đi biển ít ỏi dăm ba ngàn người làm sao
chống trọi được lại một hải-quân tiền-tiến như Trung-Cộng với hàng trăm
tiềm-thủy-đĩnh, quân-số hơn 300,000 lính, chiến-hạm đông-đảo chỉ thua sút có
Hoa-Kỳ và Nga-sô. Đối-thủ đáng sợ này lại đang canh-tân, chuyển-biến qua một
thế-hệ mới về tiềm-thủy-đĩnh chạy bằng nguyên-tử-năng và sắp sửa được trang-bị
mẫu-hạm cho hải-quân không-chiến.
Để giữ trách-nhiệm tuần-tiễu, phòng-thủ một diện-tích biển cả
nhiều lần lớn hơn lãnh-thổ trên bờ và tài-nguyên rồi ra cũng không kém,
hải-quân CHXHVN với 9,000 chính-quy phụ-lực bởi 3,000 trừ-bị dưới biển, lại chỉ
chiếm một tỷ-lệ quân-số quá ư nhỏ nhoi là 1% trong một lực-lượng quân-đội/
công-an hàng triệu người. Cho dù có 27,000 lính thủy đánh bộ chuyên-giữ căn-cứ
bờ hay hải-đảo, quân-lực đó quả tình chỉ đủ làm cảnh, không chút khả-năng
tác-chiến ngoài khơi.
Trường-hợp Việt - Hoa có đánh nhau hay không, Việt có lấy lại được
Hoàng-Sa hay không, Việt có giữ được phần lớn Trường-Sa hay không; Việt-Nam
cùng Trung-Cộng, Đài-Loan và các nước khác trong vùng duyên-hải Đông-Nam-Á rồi
ra cũng bắt buộc phải chấp-nhận một sự thực hiển-nhiên: đó là sự hiện-diện của
nhiều dân-tộc cùng sinh-hoạt với mình trong Biển Đông. Tất cả sẽ phải tìm cách
thích-nghi trong cuộc sống chung để tránh đụng chạm, để cùng sinh-tồn, cùng
khai-thác tài-nguyên thiên-nhiên...
Việt-Nam cũng như các quốc-gia láng giềng khác cần tham-dự những
dự-án chung như nghiên-cứu khoa-học, bảo-vệ môi-trường, lưu-thông hàng-hải và
hàng-không, cấp-cứu tai nạn trên biển, ngăn-chặn hải-tặc, chống buôn lậu ma-túy
v.v...
Trong tương-lai gần, Việt-Nam cần sửa đổi một vài điều luật
quốc-gia để phù-hợp với Luật Biển quốc-tế về những đường căn-bản duyên-hải, về
lưu-thông trên lãnh-hải, cận-hải cùng hải-phận kinh-tế, về chống ô-nhiễm bảo-vệ
môi-sinh.
Việt-Nam cũng cần ngay những chuyên-gia thông suốt luật biển và
nhiều kỹ-thuật-gia trong mọi ngành khai-thác biển cả.
Như đã nói ở phần mở đầu, sách này nặng phần kiến-thức khoa-học
địa-lý nên nhẹ phần bàn-cãi pháp-lý cùng các nước lân-bang. Các tài-liệu
nghiên-cứu sâu xa liên-hệ đến các lãnh-vực khác về Biển Đông cũng như Hoàng-Sa
và Trường-Sa xin nhường lại cho các nhà chuyên-môn trong những lãnh-vực đó
trình-bày.
*
* *
Sau hết, được hân-hạnh mang danh tác-giả, chúng tôi xin chân-thành
cảm tạ tất cả những nhà khảo-cứu tiền-phong về các kiến-thức mọi ngành khoa-học
như địa-lý, lịch-sử, pháp-lý, sinh-vật-học, khảo-cổ-học ... liên-hệ đến Biển
Đông.
Vũ-Hữu-San
Tháng 5 / 1995.
Moi
tham trang: http://www.vuhuusan.com/
|