|
Bông Điên Điển,
Món Ngon Miền Sông
Nước Hậu Giang
TRẦN VĂN CHI
Cây điên điển là
loại cây có thân xốp, nhẹ, thường dùng để làm đế giày, nút chai, mọc
hoang ở ven vùng sông miệt Hậu Giang, nước ngọt.
Có nhiều người chưa
hề nghe và thấy cây điên điển ngay cả người gốc miền Lục Tỉnh...
Ở Hậu Giang, mỗi năm
vào độ tháng 7, tháng 8 âm lịch, bắt đầu nước lên, mà người ở đây gọi là
mùa nước nổi, làm cho cây điên điển ở đây trở nên xanh tươi, rợp bóng cả
bờ sông, bờ rạch... tạo nên một khung cảnh sông nước đã đẹp thêm hữu
tình và thơ mộng.
Rồi gió lạnh nhè nhẹ
thổi về, nắng bắt đầu vàng và cây điên điển bắt đầu trổ bông vàng rực rỡ,
oằn rủ xuống tận mí nước bên bờ sông, điểm tô cho trời đất phương Nam
thêm đẹp lên.
Trời vừa dứt mùa mưa,
nước dâng cao hơn thì cả rừng điên điển đã trĩu nặng bông và bắt đầu rơi
rụng. Cả dề bông điên điển nổi lềnh bềnh trên mặt nước, tấp vào bờ sông,
bềnh bồng theo cơn sóng, ôi thật đẹp!
Rồi có người nghĩ ra
cách chế biến thành thức ăn mà tới nay trở thành "quốc hồn quốc túy".
Người miền Nam gọi
hoa là bông, và có thói quen dùng bông làm thức ăn, thể hiện cái triết
lý ăn uống "thực tế - có gì ăn nấy", không câu nệ, nguyên tắc.
Mẹ mong gả thiếp
về vườn
Ăn bông bí luộc,
dưa hường nấu canh
(Ca dao miền Nam)
Bông bí, bông bầu,
bông mướp được dùng nấu canh với tôm rất ngon. Có người dùng để "um" với
mỡ hay với hột vịt. Nhiều thì luộc để chấm với món kho, món mặn, như rau
luộc, ăn rất ngọt và rất bùi.
Bông cải trắng, cải
ngọt, cải xanh là món ngon và cao cấp, dùng để xào tôm, xào thịt. Nay
thời buổi văn minh người ta đã chuyên trồng cải lấy bông - gọi là ngồng
cải. Bông cải bẹ xanh cho vị cai, thơm dùng để chế món bột cải, bờ tạt
(mustard). Người ở vườn còn dùng bông chuối - bắp chuối - để luộc nấu
canh chua ngon độc đáo.
Còn bông vạn thọ
cũng được dùng như loại rau thơm, phụ gia cho các món gỏi tôm, gỏi cua,
cũng không kém phần hấp dẫn.
Riêng bông so đũa
thì thôi phải khỏi chê rồi. Bông so đũa cũng trổ vào mùa nước nổi, nước
lên, nhưng ở vùng nào cũng có, dễ trồng, mau lớn. Bông so đũa dùng để
luộc ăn với mắm tôm chà Gò Công thì mới biết! Còn món bông so đũa nấu
canh chua thì từ lâu đã có mặt trong danh mục ẩm thực của ta rồi. Mấy
ông, mấy bà già xưa thường nói bông so đũa ăn rất độc, dễ bị rét và
khuyên người "yếu trong mình" không nên ăn (?
Trở lại bông điên
điển với các món ngon của nó. Người Saigon, người ở vùng Tiền Giang
thường được thưởng thức món bông điên điển làm dưa chua.
Dân miệt quê quen
gọi các món làm chua là dưa chua, như dưa cải, dưa kiệu, dưa hành, dưa
giá.... Bông điên điển làm dưa chấm với cá kho, tôm kho, thịt kho thì
ngon vô cùng: Nó vừa chua, vừa mặn, hơi nhẫn đắng, giòn giòn, ngon lạ,
ăn rất bắt cơm, không có gì so sánh bằng.
Ở các quán cơm bình
dân, quán cơm loại phục vụ cho dân nghèo, bến xe, vỉa hè, như loại quán
cơm bụi ngày nay, thường có món dưa chua bông điên điển. Nó được nhiều
người thích, tìm ăn bởi lẽ rất ngon, hiếm chỉ có vào mùa nước nổi mà
thôi.
Ăn dưa chua bông
điên điển, ngon, khoái khẩu nhưng phải về tận quê hương điên điển mới
thấy hết được mùa bông điên điển nở vàng rộ vào mùa nước nổi, bao la bát
ngát, đẹp lạ thường như thế nào. Hồi đó xưa lắm, dân mình nghèo, vào mùa
giáp hạt, nhà hết gạo, phải nấu cháo độn với bông điên điển ăn cầm hơi!
Nay thì người dân ở
đây khá hơn xưa, sống biết lo trước lo sau, biết tận dụng mùa bông điên
điển để kiếm tiền. Người ở đây sáng sớm bơi ghe cặp bờ sông vớt bông
điên điển đem về làm chua, bán lại cho thương lái. Bông điên điển vớt
đem về rửa sạch, lựa bỏ lá úa, bông hư, để ráo nước và ngâm nước muối,
hai ngày là thành dưa chua bông điên điển ăn được rồi. Có người còn ngâm
giá sống chung với bông điên điển làm ra món dưa chua vừa mang hương vị
dưa giá vừa hương vị dưa bông điên điển.
Bông điên điển còn
dùng để ăn sống như ta ăn rau ghém, rau thơm, rất ngon, hấp dẫn và thật
khó tả hết được. Bông điên điển ăn sống không phải là loại vớt dưới nước
như loại làm dưa chua, mà phải tươi, hái từ trên cây. Theo chân người ở
đây đi hái bông điên điển mới thấy hết được cái sức sống, óc sáng tạo
của người miệt này.
Với chiếc xuồng ba
lá, chen lách vào đám điên điển, dùng chiếc dầm, đập nhẹ vào cành, vào
thân thì có biết bao bông điên điển rớt xuống khoan ghẹ Cành thấp thì
dùng tay rung nhẹ cũng tha hồ mà hứng bông. Cứ thế mà lần từ cây này đến
cây khác, không mấy lát là dư ăn, đem ra chợ bán kiếm tiền.
Bông điên điển ăn sống cho ta một hương vị khác. Đi vòng chợ Châu Đốc
mới thấy hết được cách ăn món bông điên điển sống của bà con ở miệt này.
Đầu tiên là món bún nước lèo kiểu Sóc Trăng, kiểu người Khờ Me hoặc bún
mắm kiểu cách VN, ăn với bông điên điển.
Múc một tô bún nước lèo hay bún mắm đang sôi trong xoong cho vào tô trộn
với bông điên điển, cho thực khách một món ăn dân dã, đạm bạc, đơn sơ,
nhưng hương vị độc đáo, không tìm đâu có được. Hoặc theo chân dân thổ
địa về nhà thưởng thức món lẩu chua với bông điên điển thì mới biết thêm
cách ăn mới lạ nữa, mà trong đời bạn chưa hề ăn, chưa hề biết.
Mùa bông điên điển là mùa nước nổi cũng là mùa cá linh. Con cá linh trời
cho, mùa này theo con nước đổ về nhiều vô kể. Chọn con cá linh vừa phải,
cỡ bằng ngón tay, nấu một lẩu nước me chua, nêm nếm vừa chua, vừa cay,
vừa ngọt, cho cá linh vào. Thế là ta có một nồi lẩu cá linh đầu mùa hết
sẩy luôn!
Trên bàn bày sẵn một thau bông điên điển vàng tươi, tha hồ bạn nhúng
lẩu... Chỉ độc nhứt bông điên điển thôi, nếu kèm theo thêm loại rau sống
khác sẽ làm mất mùi ngon của bông điên điển. Gắp con cá linh, chấm nước
mắm trong, loại ngon, cắn thêm trái ớt cay... đó là món ngon tổ tiên
thời khai hoang, truyền lại cho ta.
Ngon hơn nữa phải có vài ba người bạn "tâm đầu ý hợp", thù tạc bên ly
rượu đế - nước mắt quê hương - thì buổi tiệc kéo dài qua đêm. Ngoài ra
món bông điên điển tươi còn được dùng để xào tôm, xào tép hoặc nấu canh
chua, cho ta bữa cơm ngon, đầy hương vị đồng quệ Vào mùa này, các gánh
bánh xèo cũng dùng món bông điên điển để chiêu dụ khách hàng. Ăn bánh
xèo với bông điên điển ngon đến đổi no hồi nào mà ta không hay, không
biết!
Có
một món ngon nữa từ bông, xin kể ra kẻo quên. Đó là bông súng. Bông súng
là loại mọc dưới nước như bông sen, nhưng lá nhỏ, bông nhỏ hơn.
Ở
miệt quê miền Nam, bông súng mọc hoang dã dưới ruộng, đìa, ao, đầm vào
mùa mưa. Trong các ao làng, ao chùa, ao đình, nước ngọt quanh năm người
ta thường thả bông súng hoặc bông sen. Lá súng nổi trên mặt nước, bông
súng vượt hẳn lên cao giống như bông sen.
Ở
quê, lớn nhỏ, giàu nghèo ai cũng đã ăn qua món bông súng, nhứt là món
bông súng-mắm kho. Nói là ăn bông súng chớ thật ra là cái phần dưới bông
súng, nối bông với gốc cây súng.
Bông súng thường ăn với mắm kho như ta ăn rau dừa, rau nhút, hay rau
chốc, rau bồn bồn vậy. Có lẽ món bông súng-mắm kho là hấp dẫn nhứt vì
được nhiều người ưa chuộng, nay các nhà hàng sang trọng bày bán chiêu dụ
khách thích ăn món đồng quê, dân dã trong đó có bà con Việt Kiều.
Bông súng trước khi ăn phải tước vỏ như ta tước vỏ bạc hà nấu canh chua,
ngắt ra từng khúc cỡ một gang tay, rửa sạch và để vào thau, vào dĩa bự.
Mắm kho múc ra tô còn nóng hổi bóc khói thơm bát ngát. Vừa húp mắm vừa
cắn cọng bông súng, hoặc có người bẻ cọng bông súng cho vào chén, chan
mắm kho, lùa vào miệng trông ngon lành.
Bông súng nhai nghe giòn giòn, cứng mà không xốc miệng, có cái hậu ngọt,
ăn nhiều không bị ê miệng hay rát lưỡi như ăn rau nhút.
Nếu vào nhà hàng sang trọng ở Saigon chuyên các món miệt vườn, tìm ăn
mắm kho-bông súng, xin mách nhỏ với bạn một chiêu để "lấy le" cùng mấy
cô hầu bàn nhé.
Khi order bông súng bạn nhớ lưu ý cô hầu bàn rằng phải là bông súng
trắng mới được chớ bông súng Đà Lạt tuy cọng bự bằng ngón tay nhưng cứng
và lạt, không ngon. Nghe bạn dặn dò, cô phục vụ biết bạn là dân chơi,
dân sành ăn và chắc gốc là người miệt quê rồi. Biết đâu sau bữa ăn cô ta
đem lòng thương bạn không chừng?
Nói gì thì nói chớ muốn ăn mắm kho-bông súng ngon lành, điệu nghệ, như
là cái gì quốc hồn quốc túy thì phải về tận gốc, đến tận nguồn của nó.
Muốn ăn bông súng mắm kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm
(Ca dao Đồng Tháp)
Nguồn: Saigontimesusa.com
|