|
3 món đặc sản không phải ai cũng dám thử
1. Thắng cố- món ăn độc đáo của người
Mông
Thắng cố là
món ăn do người Mông tạo ra. Có người giải thích chữ thắng cố theo âm
Hán Việt - Thắng cố có nghĩa là thang cốt, tức là canh xương.
Người vùng núi cao phía Bắc như Lào Cai, Hà
Giang, Yên Bái, khi đến chợ thường đem theo túi mèn mén hoặc vài cái
bánh ngô để trong quẩy tấu (gùi) rồi mua một bát Thắng cố, thế là thành
bữa ăn đủ chất. Khi cao hứng có bạn thì mua thêm bát rượu để cùng nhâm
nhi.
Chế biến Thắng cố thật đơn giản. Con bò hoặc
ngựa sau khi giết mổ, người ta lọc thăn bắp và các phần nạc riêng ra để
bán. Còn phần xương xẩu được chặt nhỏ, gân cốt bạc nhạc, mỡ và các loại
thịt vụn được lọc ra cùng với tiết đông cắt thành miếng nhỏ cộng với tim
gan phèo phổi thế là đủ nguyên liệu cơ bản để làm nên món Thắng cố.
Nguyên liệu chế biến Thắng cố có thể
là xương, lòng của bò hoặc ngựa.
Sau khi nổi lửa cho nước trong chảo sôi, người
ta cho các thứ nói trên vào chảo đun liên tục. Rồi vừa đun vừa vớt váng
bẩn bỏ đi. Thắng cố được múc ra bát cho thực khách luôn nóng bỏng, vừa
ăn vừa thổi. Muối hoặc bột canh để ngoài, khi ăn mới chấm cho vừa miệng
mỗi người.
2. Chả rươi Hải Dương
Chẳng giống nem công, chả phượng, bào ngư, yến
huyết cầu kỳ khó kiếm, chả rươi là món ăn bắt đầu và hình thành từ những
gì dân dã nhất. Theo từ điển tiếng Việt: Rươi là con giun, thân có nhiều
lông tơ nhỏ, sinh theo mùa, ở vùng nước lợ, xuất hiện nhiều vào cuối
tháng chín đầu tháng mười hàng năm.
Hải Dương thuộc vùng châu thổ sông Hồng, được
bao bọc bởi những con sông lớn, ăm ắp phù sa cuồn cuộn uốn mình ra biển,
chính cái nơi tiếp giáp, gặp gỡ của những con sông này với vùng thuỷ
triều lên mạnh tạo nên vùng nước lợ. Đây chính là vùng có nhiều rươi.
Rươi không ai nuôi được, ngày thường có vác mai đào xới tung cả vùng
đồng triều ngập lợ cũng chẳng tìm nổi một con.
Nhưng tháng chín đôi mươi tháng mười mùng năm,
cả vùng bãi triều ngập trong mán nước phù sa nâu nhạt trở thành những
ruộng rươi mênh mang. Người đi vớt rươi chỉ cần dùng lưới, vợt bằng vải
màu hay rá rổ.
Còn nếu muốn lấy số nhiều thì phải tốn công
hơn một chút. Thông thường người ta khơi bờ ruộng cho nước chảy, giăng
mành mành rộng ra theo hình phễu rồi đơm đó vào. Rươi cứ việc theo dòng
chảy, ào ạt trôi vô miệng đó. Đứng trên bờ, người ta chỉ việc nâng đó,
trút rươi vào thuyền, chở lên mạn ngược gánh đi, cho kịp buổi chợ. Những
thúng rươi ngon nhất được đem lên Hà Nội và những thành phố lớn bán cho
các khách sạn, nhà hàng đặc sản. Loại ngon vừa đem về bán ở các chợ quê.
Khi mua rươi phải biết chọn lựa, con
rươi thân phải mập màu hồng, bò khoẻ trong thúng là những mớ rươi còn
tươi và ngon.
Để làm được món chả rươi ngon, khi mua rươi
phải biết chọn lựa, con rươi thân phải mập màu hồng, bò khoẻ trong thúng
là những mớ rươi còn tươi và ngon. Loại này khi đánh nhuyễn, thân rươi
tan, ta sẽ có một bát bột rươi sánh, ánh vàng kem trứng, khi ăn cho vị
ngọt đậm, béo ngậy, còn những con rươi mầu xanh, thân gày bò yếu là rươi
non, khi đánh ít tan, rán lên sẽ khô, xác.
Mỗi món ăn lại có một số gia vị đi kèm để làm
nên ”bản sắc”, làm chả rươi, bạn không thể không mua thêm thịt ba chỉ
ngon, trứng gà, vịt tươi, lá lốt, hành hoa, thì là, lá gừng, hạt tiêu,
mì chính, nước mắm ngon và đặc biệt phải có vỏ quýt – một vị mà nếu
thiếu nó sẽ mất đi mùi vị đặc trưng của chả rươi.
3. Gỏi nhệch Thái Bình
Ở vùng quê ven biển Thái Thuỵ, ngoài món hải
sản nổi tiếng là cá khoai thì còn có món gỏi nhệch. Con nhệch có màu sắc
và hình dáng tựa như lươn nước ngọt, chỉ có điều dài hơn một chút. Nhệch
càng nhỏ càng tốt cho việc làm gỏi vì xương mềm, thịt mịn và ngọt. Nhệch
được làm sạch nhớt bằng tro và lá nhái, sau đó mổ bụng vứt ruột đi, bỏ
đầu đuôi, chỉ dùng thân. Thân nhệch được cắt ra nhiều đoạn: mỗi đoạn dài
từ 2–3 cm. Mỗi đoạn đó lại được khía làm nhiều khúc nhỏ, không đứt hẳn,
sau đó lấy khăn sạch thấm nước và cho vào bát ô tô, rắc bột ngọt, ớt
khô, riềng giã nhỏ, thính gạo nếp, chờ dậy mùi là được.
Con nhệch có màu sắc và hình dáng tựa
như lươn nước ngọt, chỉ có điều dài hơn một chút. Nhệch càng nhỏ càng
tốt cho việc làm gỏi vì xương mềm, thịt mịn và ngọt.
Nước dùng chỉ bao gồm 2 vị chua, ngọt. Vị chua
được lấy từ quả cà chua luộc lên mà thành, vị ngọt tạo nên từ đường. Khi
dùng món gỏi nhệch bắt buộc phải có các loại rau như: lá chanh, lá sung,
rau húng, tía tô..
Nguồn: Nhật Hoa (Tổng hợp) | Webphunu.net |