Home

Thơ

Sưu Tập

Văn Điếu Tế  Linh Tinh Hotmail

 

Ải Nam Quan còn thuộc Việt Nam hay không ?
 Nguyễn Ngọc Danh
(Hội Chuyên Gia Việt Nam)
 
Hiệp định ký kết giữa hai đảng Cộng sản Việt nam và Trung Quốc ngày 30-12-1999 đã làm nóng lòng hầu hết những người Việt Nam còn nghĩ đến quê hương đất tổ. Được phỏng vấn, Lê Công Phụng tỏ ra mập mờ, không giải tỏa vấn đề đặt ra, và đến ngày hôm nay, đảng Cộng sản Việt Nam vẫn dấu nhẹm bản Hiệp định, không chịu công bố để mọi người biết được những gì đã nhượng hoặc đã thâu hồi. Phải chăng trong hiệp định còn có những ràng buộc Việt Nam nhiều hơn những phần lãnh thổ đã mất ?
 
Lê Công Phụng có nhắc đến ải Nam Quan, và quanh quẩn không chịu thú nhận là đã nhượng cho Trung Quốc vùng đất quanh ải này. Trên mạng lưới Internet, nhiều tác giả đã viết về Ải Nam Quan, với nhiều tài liệu quí báu. Tác giả bài này muốn đóng góp thêm trong công việc tìm hiểu các sự kiện về ải Nam Quan, cũng như chứng minh rằng cho đến ngày gần đây (ít ra là năm 1954) ải Nam Quan còn nằm trên lãnh thổ Việt Nam. Tác giả xin cám ơn những vị đã cho lên mạng lưới các tài liệu cho phép tác giả thực hiện bài này.
 
a - Ải Nam Quan trước khi Pháp đô hộ
 
Ải Nam Quan là ải nằm trên biên giới Việt Hoa, có lẻ ngay từ khi vua Ngô Quyền dành lại độc lập cho Việt Nam, cũng như là một ải biên giới khi biên giới Việt Hoa đã được hai triều đình Lý và Tống phân đnh vào cuối thế kỷ thứ 11. Có thể lúc đó không có những tra.m canh hay cửa ải như về sau này, vì lúc đó, vùng Quảng Nguyên là vùng đất sinh sống của các dân tộc Nùng và Tày, dưới sự bảo trợ của triều đình Lý. Ải Nam Quan là một trong những ngã đường di chuyển giữa Trung Hoa và Việt Nam, nên thường được nhắc đến trong các sách sử Việt Nam.
 
Nhưng tài liệu đầu tiên tả ải Nam Quan có lẽ là Hồng Đức Bản Đồ, được thiết lập vào năm 1490. Các bản đồ trước đó có lẽ đã quân Minh cướp hoặc tiêu hủy khi chiếm Việt Nam vào đầu thế kỷ thứ 15, trước khi bị vua Lê Lợi đánh đuổi vào năm 1428. Tác giả Tâm Quang-Langlet trong bài "La perception des frontières dans l'Ancien Vietnam à travers quelques cartes vietnamiennes et occidentales" (tạm dịch : Quan niệm biên giới ở Việt NamThời trước qua vài bàn đồ Việt Nam và Tây Phương) trong quyển "Les frontières du Vietnam, Histoire des frontières de la péninsule indochinoise (Các Biên giới Của Việt Nam, Lịch sử các biên giới trên bán đảo Đông Dương), nhà xuất bản L'Harmattan, 1989, cho biết rằng trên bản đồ Hồng Đức có vẽ hình một cái đồn để tượng trưng cho ải Nam Quan và có ghi chú là Ải Nam Quan nằm ở huyện Văn Uyên và tại đấy có hai đài, đài Chiêu Đức và đài Ngưởng Đức.
 
Trong bài "Một chiếc ải đã mất" của tác giả Trần Gia Phụng cũng như bài "Sử liệu biên giới giữa ta và Tàu : Từ cửa ải Nam Quan đến ải Chi Lăng, Châu Ôn và Núi Phân Mao" hai tác giả Hà Mai Phương và Lưu Chu Thanh Tao, có trích Đại Nam Nhất Thống Chí (1882) đoạn nói về Ải Nam Quan: "Ải Nam Quan cách tỉnh thành (Lạng Sơn) 31 dặm về phía bắc, thuộc châu Văn Uyên, phía bắc giáp châu Bằng Tường tỉnh Quảng Tây nước Thanh, tức là chỗ mà người Thanh gọi Trấn Nam Quan. Cửa nầy dựng từ năm Gia Tĩnh nhà Minh, đến năm Ung Chính thứ 3 (1725) nhà Thanh, án sát tỉnh Quảng Tây là Cam Nhữ Lai tu bổ lại có tên nữa là "Đại Nam Quan", phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đá, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, gồm 119 trượng, cửa quan đặt ở quãng giữa có biển đề "Trấn Nam Quan", dựng từ năm Ung Chính thứ 6 (1728) triều Thanh, có một cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Bên trên cửa có trùng đài, biển đề 4 chữ "Trung ngoại nhất gia", dựng từ năm Tân Sửu [1781] đời Càn Long nhà Thanh. Phía bắc cửa có "Chiêu đức đài", đằng sau đài có "Đình tham đường" (nhà giữ ngựa) của nước Thanh; phía nam có "Ngưỡng đức đài" của nước ta, bên tả bên hữu, có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ nầy làm nơi tạm nghỉ.". Cũng như trích đoạn, năm 1774, Đốc-trấn Lạng-Sơn là Nguyễn Trọng-Đang cho tu-sửa, xây lại bằng gạch. Về việc sửa sang đài Ngưỡng-Đức, văn bia của Nguyễn Trọng Đang ghi khắc có đoạn như sau : "... Đài [Ngưỡng-Đức] không biết dựng tự năm nào; hình như mới có từ khoảng niên hiệu Gia-Tĩnh nhà Minh, ngang với niên-hiệu Nguyên-Hòa, đời vua Lê Trang-Tông ở nước ta. Đài không có quán, hai bên tả hữu lợp bằng cỏ; sửa chữa qua-loa, vẫn theo như cũ. Nhà Lê ta trung-hưng, đời thứ 14, vua ta kỷ-nguyên thứ 41, là năm Canh-tý, ngang với năm thứ 44 niên-hiệu Càn-Long nhà Thanh ; Đang tôi làm chức Đốc-trấn (Lạng-Sơn), trải qua 5 năm là năm Giáp-thìn ; sửa chữa lại, xây dựng bằng gạch ngói, đài mới có vẻ hoằng-tráng...".
 
 
So với lời ghi chú trong bản đồ Hồng Đức, thì cửa "Trần Nam Quan", đã được xây dựng nhà Minh xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 16, có thêm một cửa quan nằm ở giữa hai đài Chiêu Đức và Ngưởng Đức.
 
Bức hình trên là một bức hình được chụp vào đầu thế kỷ 20 thì chúng ta thấy cảnh y như tả trong Đại Nam Nhất Thống Chí (thật ra hình và sách chỉ cách nhau độ 20, 30 năm), với cửa ải Nam Quan ở giữa hình và bên phía trái có bức tường. Cũng như trên hình của tạp chí "National Geographic Society" (không ghi rõ năm xuất bản) do Giáo sư Nguyễn Văn Canh phổ biến trên mạng lưới Internet, chúng ta lại thấy cửa ải và bức tường. Hình này còn ghi chú thêm là "trên đường cũ đi Trung Hoa phải đi ngang "Porte de Chine" ở biên giới Bắc của Đông Dương".
 
Cửa Nam Quan do người Trung Quốc cất thì phải nằm bên Trung Quốc vì không bao giờ ai xây cất một tra.m ngay trên lằn biên giới mà phải cất cách lùi vào một khoảng trong phần đất của mình.
 
Hai tác giả Hà Mai Phương và Lưu Chu Thanh Tao cũng đã dẫn thêm "Địa-dư Các Tỉnh Bắc-Kỳ" của Ngô Vi-Liễn, Phạm Văn-Thư và Đỗ Đình-Nghiêm (Nhà in Lê Văn-Tân xuất-bản, Hà-Nội, 1926) : "Cửa Nam-Quan ở ngay biên-giới Trung-quốc và Việt-Nam. Kể từ Hà-Nội lên đến tỉnh-lỵ Lạng-Sơn là 150 km; đến cây-số 152 là chợ Kỳ-Lừa; đến cây-số 158 là Tam-Lung; đến cây-số 162 là Đồng-Đăng; đến cây-số 167 là cửa Nam-Quan đi sang Long-Châu bên Tàu. Như vậy từ Đồng-Đăng lên cửa Nam-Quan có 5 km; từ Kỳ-Lừa lên Nam-Quan mất 15 km [về phía tây-nam chợ Kỳ-Lừa có động Tam-Thanh, trước động Tam-Thanh có núi Vọng Phu hay tượng nàng Tô-Thị là những danh thắng của tỉnh Lạng-Sơn] và từ tỉnh-lỵ Lạng-Sơn lên Nam-Quan là 17 km.". Và dẫn cuốn "Đi thăm Đất Nước" của Hoàng Đạo-Thúy (Nhà Xuất-bản Văn-hoá, Hà-Nội, 1976), "Đồng-Đăng cách biên-giới Trung-quốc 4 km. Nơi đây có Hữu-Nghị Quan của Trung-quốc" và quyển "Phương Đình Dư đa chí" của Nguyễn Văn-Siêu (bản dịch của Ngô Mạnh-Nghinh, Tự-Do xuất-bản, Saigon, 1960) : "Cửa hay ải Nam-Quan, đời Hậu-Lê trở về trước gọi là cửa Pha-Lũy (hay Pha-Dữ), ở về phía bắc châu Văn-Uyên, trấn Lạng-Sơn. Từ châu Bằng-Tường (tỉnh Quảng-Tây) bên Trung-quốc muốn vào nước An-Nam phải qua cửa quan này".
 
Qua các tài liệu sử Việt Nam trên ải Nam Quan là biên giới giữa Việt Nam và Trung Hoa. Tại cửa ải này bên phía Trung Hoa có một cửa ải mà chúng ta đã thấy trong hình.
 
b - Ải Nam Quan vào thời Pháp thuộc
 
Ông Trương Nhân Tuấn đã cung cấp trên mạng lưới Internet một số tài liệu chụp từ các tài liệu lịch sử cất trong Văn Khố Đông Dương ở Aix en Provence (Pháp). Một trong những tài liệu là biên bản công trình đóng các cột mốc ỡ biên giới Việt-Hoa. Trong biên bản, ghi rõ là cột mốc thứ 1 trên đoạn thứ 3 biên giới từ Nam Quan đến Bình Nhi, cột mốc được đóng trên con đường đi từ Đồng Đăng đến Nam Quan và cách 100 thước cửa ải của Trung Hoa (trong khung đỏ). Biên bản này do Ủy ban Đóng Cột Mốc biên giới An-Nam và Trung Hoa thiết lập và ký ngày 21-04-1891 tại Bình Nhi. Biên bản cũng cho biết là họ khởi công vào ngày 20-12-1890 từ Tiên Tsong Châu (gần Móng Cái) và đã mất 150 ngày để hoàn thành công trình đóng cột mốc từ Tiên Tsong Châu đến Bình Nhì.
Từ lúc khi ký Hiệp ước Constans (sau được bổ túc bởi hiệp ước Gerard để minh định vùng biên giới từ Sông Hồng đến sông Đà và hữu ngạn sông Đà) cho đến năm 1954, không có vấn đề liên quan đến biên giới, mặc dù cũng có nhiều biến cố lịch sử như khi Nhật đã đánh vào Đồng Đăng vào năm 1941 nhưng sau đó giao lại cho Pháp và chỉ đóng binh bên phía Trung Quốc.
 
Những tấm ảnh chụp sau khi Pháp và Trung Hoa ký hiệp ước Constans (26-06-1887) cho thấy rằng cửa ải Nam Quan vẫn nằm trên biên giới Việt-Hoa.
Trong các tài liệu về sau này, chúng ta có thể kể các bản đồ của Sở Địa Dư Đông Dương với tỷ lệ 1/200 000 và 1/100 000. Các bản đồ với tỷ lệ 1/100 000 cũng đã được quân đội Hoa Kỳ sao chép lại vào năm 1953 để sử dụng.
 
Cạnh đây là khúc bản đồ trích từ bản đồ Lạng Sơn Tây (số 28 Tây) liên quan đến vùng ài Nam Quan (không theo tỷ lệ của bản đồ chánh là 1/100 000). Tác giả đã tô thêm màu đỏ để dễ nhận diện đường biên giới (chữ thập "+") cũng như sơn đỏ các cột mốc.
 
Nhóm Địa Dư của Phòng Nghiên Cứu của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (The Geographer, Office of Research in Economics and Science, Bureau of Intelligence and Research, Department of State) đã cho ra quyển tập về biên giời Việt-Hoa, (International Boundary Study, số 38, xuất bản ngày 29-10-1964) cũng nhắc đến bản đồ này. Ở trang 5, khi tả biên giới ở vùng ài Nam Quan thì viết như sau : " ...The southward trend of the boundary terminates at the famous Porte de Chine, immediately north of Dong Dang. Here the Tonkin-Hunan-KwangSi railroad crosses the frontier...". (tạm dịch : "Biên giới (từ Tây qua Đông) hướng về phía Nam và đụng ở cửa Nam Quan, phía bắc Đồng Đăng. Tại đây đường xe hỏa BắcViệt-Quảng Tây băng qua biên giới").
 
C - Ải Nam Quan sau 1954
 
Từ năm 1954 đến 1974, ải Nam Quan là ngỏ để chuyên chở súng đạn do đảng Cộng sản Trung Hoa tiếp viện cho cộng sản Việt Nam trong công cuộc đánh miền Nam. Và từ năm 1968 trở đi, hầu như cả biên giới Việt-Hoa đã hoàn toàn do quân đội Trung Quốc kiểm soát. Từ năm 1974, đảng Cộng sản Trung Hoa không chấp nhận sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Nga, trong khi đảng Cộng sản Việt Nam phục tùng Liên Xô, cuộc giao hảo của đôi bên đã biến đi để từ hữu nghị trở thành thù nghịch mà hậu quả là cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào đầu năm 1979. Lúc đó, năm 1979, hai bên mới công bố các vi phạm biên giới đã xẩy ra trong thời gian qua. Cộng sản Việt Nam tố cáo Cộng sản Trung Hoa vi phạm 179 lần trong năm 1974 và đến 2175 lần trong năm 1978, trong khi đó Cộng sản Trung Hoa tố cáo Cộng sản Việt Nam vi phạm 121 lần trong năm 1974 và 1021 lần trong năm 1978. Những vi phạm nghiêm trọng nhất là vào năm 1974 Trung Quốc đã đẩy lùi nơi chấp nối hai đường rày xe hỏa Lạng Sơn Long Châu vào địa phận Việt Nam 300 thước (theo Antoine Dauphin, trong bài "La frontière sino-vietnamiene de 1895-1896 à nos jours", (tạm dịch "Biên giới Việt-Hoa từ 1895-1896 đến ngày nay"), trong quyển "Les Frontières du Vietnam, Histoire des fontières de la péninsule inodochinoise, (Các Biên giới Của Việt Nam, Lịch sử các biên giới trên bán đảo Đông Dương), sách đã dẫn. Vì hai đường xe hỏa và xe hơi chỉ cách nhau độ 50 thước, thì chắc chắn là biên giới cho đường xe hơi cũng bị lùi luôn.
 
Ronald Bruce St John trong cuốn "The land boundaries of Indochina : Cambodia, Laos and Vietnam" (tạm dịch : Các biên giới trên đất liền của Đông Dương, Cao Miên, Lào và Việt Nam, Boundary & Terroritory Briefing, International Boundaries Research Unit, Volume 2, Number 6, University of Durham, United Kingdom, 1998) cho biết là trong số 300 ngoài cột mốc biên giới bằng đá đóng trên đắt liền, nhiều cột đã bị mất, đặc biệt là ở vùng Lạng Sơn, và tại đây có nhiều điểm tranh chấp.
 
d - Kết luận
 
Nhiều nhân chứng tại Việt Nam cũng như ngoại quốc cho biết rằng đứng tại tra.m biên giới ngày hôm nay không còn thấy cửa quan như trước nữa. Nhiều lần các cán bộ Cộng SảnViệt Nam đã báo cáo với cấp trên về sự việc này nhưng không bao giờ được trả lời (xem bài của Trần Gia Phụng). Theo Lê Công Phụng, thì biên giới phải được hoa.ch định lại vì "vật đổi sao dời". Nhưng nếu không có những động đất thì các giòng sông (hơn 1 phần 3 biên giới Việt Hoa được định theo các giòng sông) ở các vùng núi non không di dịch bao nhiêu trong một trăm năm. Nhưng trên đất liền, con người có thể di chuyển những cột mốc những khoảng cách rất xa. Đó là việc đã xẩy ra ở ải Nam Quan.
 
Với Hiệp định mới mà đảng Cộng Sản Việt Nam ký trong âm thầm, Cộng sản Việt Nam có đòi lại được vùng đất đã bị Cộng sản Trung Hoa chiếm từ năm 1974 không. Hay là biên giới tại ải Nam Quan đã bị thụt lùi thêm nữa ? Và thêm bao nhiêu ? 300 thước, hay 1 cây số, hay hơn nữa ? Nếu ngày hôm nay không còn thuộc chủ quyền Việt Nam thì đảng Cộng Sản Việt Nam phải nhận lấy trách nhiệm trước người dân Việt Nam và lịch sử.
 
Nhưng ngoài ải Nam Quan, còn những vùng nào khác ? Đảng Cộng Sản Việt Nam phải công bố hiệp định để mọi người Việt Nam ước lượng được tầm quan trọng của sự mất mát, của những di tích lịch sử vô giá đã nhượng cho Trung Quốc.
 
Nguyễn Ngọc Danh
(Hội Chuyên Gia Việt Nam)

 

 

Thư Mục 

Thơ

Đổi Thay  
Những Đoản Khúc
Tơ Vò
Hương Phai 
Thi Đàm /Thi Họa

Kịch Thơ 

Cô Hàng Nước  
Ngồi Đợi Bình Minh

Truyện Dài

Cơ Trời Vận Nước
Trầm Bay

Truyện Ngắn

Bước Hổng Chân Không
Ba Con Yến Nhỏ
Cây Cà Rem Đầu Đời

Sưu Tập

Ca Dao

Huy Chương VNCH

Huy hiệu QL/VNCH

Huy Hiệu QĐ Pháp/Đ-Dương

Tiền Tệ
Quân Sử VNCH

Điếu Tế 

Văn Tế
Điếu Văn
25 Năm Xây Dựng CĐ
Hot Links
Ha Huyen Chi
Gia Đình Võ Bị
All Links

Miếng Ngọt Quê Hương

Thực Vô Cầu Bão
Cá Kho
Món Xào

Send mail to haphuonghoai@gmail.com with questions or comments about this web site.
Copyright © 2003 Haphuonghoai
Last modified: 01/29/13