Home

Thơ

Sưu Tập

Văn Điếu Tế  Linh Tinh Hotmail

 

DẪN LẠI MỘT SỐ SỰ KIỆN LỊCH SỬ


Thương Lượng Ðất Ðai Biên Giới của Cha Ông Ta với Bắc Triều  

ĐỂ THẤY TỘI TRẠNG KHÔNG THỂ DUNG THA

CỦA TẬP ĐOÀN LÃNH ĐẠO CỘNG SẢN VIỆT NAM


Trần Kim Khôi

Kể từ khi nguồn tin được tiết lộ từ trong nước về việc tập đoàn Cộng sản Việt nam đã âm thầm ký hai hiệp ước nhượng đất đai và lãnh hải cho Trung cộng và nhất là khi tin tức về buổi lễ đặt cột mốc đầu tiên đánh dấu biên giới giữa hai nước Việt Nam và Trung quốc được tổ chức tại hai thị trấn Mông Cái về phía Việt Nam và thị trấn Đông Hưng về phía Trung quốc vào sáng ngày 27 tháng 12 năm 2001 đã gây nên một làn sóng phẫn nộ của toàn thể nhân dân Việt Nam trong cũng như ngoài nước kể cả các đảng viên Cộng sản lâu năm thức tỉnh. Làn sóng nầy được hầu hết các cơ quan truyền thông Việt nam tại hải  ngoại hỗ trợ và các hội đoàn người Việt tỵ nạn Cộng sản đưa vào hành động thực tế mà cao điểm sẽ được dự trù thực hiện vào các ngày 21 và22 tháng 4 năm nay tức ngày 9 và10 tháng 3 Âm lịch, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. 

Sở dĩ hành động cắt nhượng đất đai và lãnh hải của đảng Cộng sản Việt Nam cho Trung cộng bị toàn thể nhân dân Việt Nam lên án là vì những hành vi lén lút, hèn hạ trên đã làm ô nhục giống nòi, bôi đen lịch sử dân tộc và phản bội công lao, xương máu của tiền nhân đã đổ ra suốt chiều dài lịch sử lập quốc và vệ quốc. Những địa danh như Ải Nam Quan, thác Bản Giốc... không phải chỉ là những vùng đất xa xôi ở vùng biên giới phía bắc mà nó đã trở nên quen thuộc, gắn bó với mọi người dân Việt dù đang sinh sống ở mãi tận miền cực nam của đất nước, hay nói một cách khác, các địa danh trên dù là những di tích lịch sử hoặc văn hóa tuy ở tận nơi biên giới nhưng đều là biểu tượng thiêng liêng của đất nước, nó đã gắn liền với cuộc sống tâm lý, tình cảm của mỗi người dân Việt, nay bị tập đoàn Cộng sản Hà Nội, vì quyền lợi riêng tư của phe nhóm, đã cúi đầu cắt dâng cho Trung cộng hòng đổi lại sự hậu thuẫn về chính trị để bọn chúng có thể tiếp tục bám giữ vai trò thống trị trên đầu trên cổ 80 chục triệu dân Việt Nam vốn đã quá chán ghét đường lối cai trị độc tài, bạo ngược và ngu tối của chúng. Sự mất mát nầy là một niềm đau đớn và tủi nhục mà không một người Việt Nam nào tự xem mình là hậu duệ của Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ không phải chịu đựng. Phản ứng quyết liệt chống lại hành vi bán nước của bọn chóp bu Cộng sản Hà nội của toàn dân Việt, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc hay chính kiến là một việc làm tất yếu và dễ hiểu, vì nếu ta dẫn lại một vài sự kiện lịch sử trong quá trình bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc, ta sẽ thấy đó là một cuộc đấu tranh vô cùng cam go, uyển chuyển, khôn khéo và kiên trì mà cha ông chúng ta đã quyết tâm thực hiện để chống lại tham vọng không ngừng muốn thôn tính đất đai và đồng hóa dân tộc ta.

Để minh chứng cho tinh thần yêu nước cao cả và quyết tâm bảo vệ giang san, chúng ta hãy cùng lật lại một số những trang sử đặc trưng của dân tộc do ông cha ta đã dày công viết nên trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng đó.

Bắt đầu từ năm 939,khi Ngô Quyền thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng, giành lại được quyền tự chủ cho dân tộc ta thì biên giới giữa nước Đại Việt và Trung quốc được phân định. Sự kiện nầy được Nguyễn Trãi xác định trong bài Bình Ngô Đại Cáo, một loại “Tuyên ngôn độc lập” sau khi đánh thắng quân Minh, giải phóng đất nước: Ngay trong phần mở đầu Bình Ngô Đại Cáo Nguyễn Trãi đã viết:  “..Như nước Nam ta xưa, vốn xưng văn hiến đã lâu, sơn hà cương vực đã chia, phong tục bắc nam cũng khác. Từ Đinh, Lê, Lý, Trần gây nên độc lập cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương...”( ...Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang. Sơn xuyên chi phong vực ký thù, Nam bắc chi phong tục diệc dị. Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc, dữ Hán, đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương...”. Suốt chiều dài lịch sử từ ngày giành lại được quyền độc lập tự chủ cho đến khi đất nước bị rơi vào tay bọn Cộng sản Việ Nam, Tổ Tiên ta đã không ngớt đấu tranh một cách vô cùng gay go để bảo vệ dải giang sơn gấm vóc mà tiền nhân để lại trước mưu đồ xâm lăng lũ giặc phương Bắc, không biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu đã đổ xuống nhuộm thắm từng tấc đất   miền biên thùy. Lịch sử đã ghi lại không biết bao nhiêu trang sử oai hùng, hiển hách mà không những người dân Việt chúng ta mà đến cả nhiều dân tộc khác trên thế giới đều biết đến và thán phục. Ở đây chúng tôi không cần dẫn lại những trang sử chói lọi đó vì ai cũng đã rõ rồi, chúng tôi chỉ xin được dẫn lại một số sự kiện ngoại giao mà tiền nhân ta, qua các thời đại, đã hành sử để đòi lại những vùng đất đã bị Trung quốc cưởng chiếm hay đấu tranh để bảo vệ chủ quyền của ta tại các vùng đất  sát biên giới, để thấy sự quyết tâm, lòng tha thiết của ông cha ta đối với từng tấc đất của Tổ quốc, đã từng được phản ảnh qua tinh thần lời của vua Lê Thánh Tông dặn bảo triều thần khi được tin người nhà Minh đem quân đi qua địa giới:” Ta phải giữ gìn cho cẩn thận, đừng để cho ai lấy mất một phân núi, một tấc sông của vua Thái tổ để lại”.

Sự trưng dẫn một số sự kiện lịch sử nầy trước hết là để giới thiệu cùng quí độc giả  công lao của các triều đại trong việc gìn giữ đất đai mà một số sách sử chỉ nêu lên các sự kiện chứ không ghi lại các chiếu, biểu trao đổi của triều đình ta và Truntg quốc vì nó dài dòng và quá chuyên môn. Nhưng khi đọc những chiếu, biểu nầy chúng ta mới thấy rõ được sự quyết tâm, lòng tha thiết của tiền nhân đối với việc bảo toàn lãnh thổ cùng thái độ trịch thượng, chủ trương lấn đất của Trung quốc. Thứ đến là để có chứng liệu để so sánh sự khác biệt giữa những bậc thực tâm yêu nước và kẻ vong nô phản bội tổ quốc, phản bội dân tộc, bán nước cầu...nhục mà vẫn gian ngoa độc chiếm chiêu bài “yêu nước” như chúng thường rêu rao! 

I.- Triều đại nhà Lý 6 lần đòi đất 2 động Vật Dương và Vật Ác thuộc châu Quảng Nguyên: Sau khi Tống Thần Tông sai Quách Quì, Triệu Tiết đem 10 vạn quân sang đánh phục thù nước ta không thành công đành phải nhận lời cầu hòa của vua Lý Nhân Tông rút quân về nhưng vẫn chiếm giữ châu Quảng Nguyên, vì thế Lý Triều đã phải cử sứ bộ sang thương thuyết để đòi lại những vùng đất đã bị Tàu cưởng chiếm. Mặc dù Tống triều với chủ trương lấn chiếm đất đai của ta nên tìm mọi lý do để thoái thác, nhưng với quyết tâm thu hồi lại đất đai do tiền nhân để lại nên Lý triều đã liên tiếp gởi nhiều sứ bộ hoặc sứ thần, mang phẩm vậy sang triều cống nhà Tống, khi thì nhân danh xin thỉnh kinh, có khi nhân việc phúng điếu vua Tống Thần Tông và chúc mừng tân vương là Tống Triết Tông. Có lúc dùng lý lẽ để biện thuyết , có khi lại dùng cả áp lực quân sự đe dọa vùng biên thùy rồi sai sứ sang đặt thẳng vấn đề đòi lại hai động Vật Dương và Vật Ác. Những cuộc thương nghị vô cùng gay go kéo dài trên 6 năm, từ năm Nhâm Tuất(1082) đến năm Mậu Thìn (1088). được các sách sử ghi lại như sau:  Để nối lại mối giao hảo với nhà Tống hầu dùng đường lối ngoại giao để thu hồi những vùng đất đã bị Tống cưởng chiếm trước đây, năm Tân Dậu (1081) vua Lý sai Lương Dũng Luật làm chánh sứ, Nguyễn Văn Bội làm phó sứ hướng dẫn một sứ bộ đông đến 156 người sang triều cống Tống triều, với danh nghĩa là xin thỉnh kinh Tam Tạng. Khi sứ bộ đến biên giới Hoa Việt viên quan nhà Tống trấn thủ Quảng Tây là Trương Hiệt không cho sứ bộ nhập nội vì phải chờ y tâu lên Tống Thần Tông để xin lệnh, cuối cùng sứ bộ được chấp thuận cho đi nhưng chỉ giới hạn 100 người như lệ cũ. Sứ bộ của ta được một viên quan của Tống triều hộ tống đến tận kinh đô Trung quốc. Khi được triều kiến Tống Thần Tông, sứ thần nước ta đã dâng lễ vật triều cống và khôn khéo trình bày nên được vua Tống chấp thuận trả lại châu Quảng Nguyên. Chuyến đi nầy sứ bộ của ta đạt được thắng lợi dễ dàng nhưng sau đó vì có tin đồn là vùng đất nầy có nhiều vàng nên việc Tống triều nhận cống phẩm (gồm voi và những báu vật khác) và trả lại cho ta châu Quảng Nguyên bị người đương thời phê phán do đó có truyền tụng hai câu thơ sau:

Nhân tham Giao chỉ tượng, Khước thất Quảng Nguyên kim


(Vì tham voi của Giao Chỉ mà từ chối vàng tại đất Quảng Nguyên).

Tuy Tống triều trả lại cho vua lý châu Quảng Nguyên sau khi đã nhận được 221 tù nhân nhưng vẫn còn giữ lại một số đất của ta do các tù trưởng địa phương đem nộp cho Tống, trong đó có hai động Vật Dương và Vật Ác. Về tình tra.ng hai châu nầy, chính Hùng Bản, viên quan cai trị Quảng Tây thời bấy giờ đã tâu lên vua Tống như sau: “Năm Gia Hữu (1057) Nùng Tông Đản đem động Vật Ác nộp, vua ban tên là Thuận An.  Đời Trị Bình (1064) Nùng Trí Hội đem động Vật Dương nộp, vua ban tên là châu Qui Hóa”.

Sau đây là diễn tiến các lần đòi đất dưới thời vua Lý Nhân Tông:

1.-Năm Nhâm Tuất (1082) Lý Nhân Tông lại sai sứ bộ do Đào Tông Nguyên cầm đầu mang biểu dâng vua Tống đòi lại vùng đất trên.  Biểu có viết: “Thủ lĩnh động Cát Đán (?) thuộc Quảng Nguyên là Nùng Dũng cùng dân động đã làm loạn và chạy vào Ung châu không chịu trả...” ”.  Do nhận định của Hùng Bản là hai châu Thuận An và Qui Hóa là đất cổ họng của Hữu Giang chế ngự các đường trọng yếu đi Giao chỉ,  Đại lý, Cửu đạo bạch y nên vua Tống cố giữ lại hai châu nầy. Vì thế vua Tống trả lời như sau: “Bọn Nùng Dũng nguyên không phải người của Giao Chỉ quản. Chúng theo ta khi Giao Chỉ chưa hàng (1057, tức trước khi vua Lý thông sứ và chịu thần phục nhà Tống). Vậy chúng là dân ta, không lẽ gì ta trả chúng”.

Thấy vua Tống không chịu trả những đất nói trên nên Lý Thường Kiệt cho châu mục Thượng Nguyên là Dương Thọ Văn đem quân đánh Nùng Trí Hội ở Châu Hóa, toan đánh cả vào Thuận An, Trí Hội phải chạy vào Hữu Giang kêu cứu. Hùng Bản sai sứ đem thư sang trách, vua Lý chịu rút quân nhưng đòi phải giải quyết vấn đề Vật Dương và Vật Ác. Hùng Bản thấy tình hình bất lợi nên tâu với vua Tống trả cho ta 8 động đất hoang phía nam dãy núi Hỏa Điểm và hẹn với vua Lý cho người đến Vĩnh Bình để bàn về biên giới.

Tháng 6 năm Quí Hợi (1083) vua Lý lại sai Đào Tông Nguyên phó hội, bên Tống có viên  Đô-tuần-Kiểm Tả giang làThành Tra.c và viên coi lò vàng Điền Nại là Đặng Khuyết tham dự.  Khi vào họp, Đào Tông Nguyên đòi Tống phải trả hai động Vật Dương và Vật Ác lại cho ta, nhưng Thành Tra.c và Đặng Khuyết không chịu, nói chỉ trả lại tám động phía nam núi Hỏa Điểm mà thôi. Cuối cùng trước khi bỏ ra về, Đào Tông Nguyên nói: “ Đất Quảng Nguyên này chỉ là đất nhỏ, khó lòng mà ban chia. Tôi muốn tự làm biểu tâu lên vua để triều đình tùy ý định đoạt”. Thái độ và lời nói nầy có thể xem như một tối hậu thư nên hai viên quan đại diện cho Tống không dám quyết định. Hội nghị xem như bế tắc.

.2.- Sau khi hội nghị ở Vĩnh Bình tan vở, vua Lý lại cho tập trung quân gần Qui Hóa để uy hiếp, lấy cớ đuổi bắt Nùng Trí Hội. Tình hình trở nên căng thẳng, nhưng vua Lý chỉ muốn dùng quân sự để làm áp lực chứ không chủ ý gây chiến tranh, nên đến tháng 6 năm Giáp Tý (1084) vua lại sai Lê Văn Thịnh làm chánh sứ, Nguyễn Bội làm phó sứ đến Vĩnh Bình tiếp tục bàn việc đòi lại đất Vật Dương và Vật Ác.  Ngay khi bắt đầu hội nghị, bên Tống đã khẳng định rằng: “Những đất mà quân nhà vua lấy thì trả cho Giao Chỉ, còn những đất mà các người coi giữ lại mang đi nộp để theo ta thì khó mà trả lại”. Thấy ý của Tống triều muốn chiếm những phần đất đó của ta lại còn nại ra lý do không chính đáng nên sứ giả Lê Văn Thịnh đã dựa vào luật pháp để bắt bẻ các quan nhà Tống như sau: “Đất thì có chủ. Các viên coi giữ mang nộp và trốn đi thì đất ấy thành vật ăn trộm của chủ. Việc chủ giao cho mà tự ý lấy trộm đã không tha thứ được, mà trộm hay tàng trử thì pháp luật cũng không cho phép. Huống chi nay chúng lại mang đất ăn trộm dâng lên để làm dơ bẩn sổ sách nhà vua (Tống)”.   Lý luận của sứ giả ta rất chặc chẻ nên phe Tống không thể nào biện luận được, tuy nhiên việc giải quyết vùng đất nói trên vẫn chưa có kết quả. Để làm dịu tình hình đồng thời nói lên quyết tâm của vua Lý, Lê Văn Thịnh còn viết thư cho Hùng Bản như sau: “Thành Tra.c đã nói về vạch địa giới phía nam mười tám xứ sau nầy: Thượng Điện, Hạ Lôi, Ôn Nhuận, Anh, Dao, Vật Dương, Vật Ác, Kế Thành, Cống, Lục, Tần, Động, Nhâm, Cảnh, Tư, Kỷ, Huyện và nói những xứ ấy đều thuộc Trung Quốc. Bồi thần tiểu tử chỉ biết nghe mệnh không dám cải lại. Nhưng những đất ấy mà họ Nùng đã nộp, đều thuộc Quảng Nguyên. Nay may gặp thánh triều ban bố hàng vạn chính lệnh khoan hồng, sao lại chọn miếng đất đầy sỏi đá, lam chướng nầy mà không trả lại nước tôi, để giúp kẻ ngoại thần”.

Sau khi được Hùng Bản tấu trình, vua Tống Thần Tông ban sắc chỉ cho vua Lý vào ngày 22 tháng 10 năm Giáp Tý (1084) như sau: “ Sắc cho Giao chỉ Quận vương Lý Càn Đức: Trẩm đã xét lời Ty kinh lược Quảng nam Tây lộ tâu về nói: Trước đây vì An Nam tâu kêu rằng cương chí các khê động thuộc hai châu Vật Ác, Vật Dương chưa được rõ, đã có triều mệnh sai bản ty lo liệu. Bản đạo đã sai quan chức biện chính. Nay được tin báo, An Nam đã sai bọn Lê Văn Thịnh tới biên giới và biện chính đã xong. Vậy giáng chiếu chỉ để cho An Nam theo làm. Trẩm đã xét các lời khanh tường trình về phong cương. Trẩm đã đặc biệt sai biên thần lo liệu biện chính. Khanh vốn được trẩm yêu mến ...đã vâng chiếu chỉ, sai chức thuộc đến chia cõi các châu động. Nay đầu đuôi đã đươc rõ ràng.  Về hai động Vật Dương, Vật Ác, trẩm đã giáng chỉ lấy tám ải sau nầy làm giới hạn:  Canh Liệm, Khâu Cự, Khiếu Nhạc, Thông Khoáng, Canh Nham, Đốn Lị, Đa Nhân và Câu Nam. Đất ngoài các ải ấy có sáu huyện là Bảo Lạc, Luyện, Miêu, Đình, Phong, Cân và hai động Túc, Tang.  Các đất ấy đều do khanh chủ lĩnh....”

Như vậy là vua Tống chỉ trả lại đất sáu huyện và hai động mà vẫn giữ lại đất Vật Dương và Vật Ác. Đây là lần thứ hai ta đòi 2 động nói trên nhưng chưa có kết quả. 

3.- Năm Ất Sửu (1085), nhân cơ hội Tống Thần Tông chết, con là Tống Triết Tông lên ngôi mới có 10 tuổi nên quyền hành nằm trong tay Cao thái hậu, vua Lý lại gởi biểu sang xin lại đất 2 động Vật Dương và Vật Ác. Ngày 24 tháng 6 năm 1085, vua Tống xuống chiếu trả lời: “...Trẩm đã xét kỷ lời của Khanh xin cương thổ các động Vật Ác, Vật Dương. Đời tiên đế Khanh đã bày tỏ việc cương giới. Tiên đế đã giáng chiếu dụ đầu đuôi rõ ràng. Đã đặc biệt theo lời Khanh cầu mà cắt đất cho.  Nay trẩm đọc lời tâu, bất ngờ còn thấy Khanh bày tỏ kêu ca điều ấy.  Trẩm vừa nối nghiệp, hành động phải theo mệnh trước. Nghị định trước đã rõ, nay khó lòng mà đổi được. Khanh phải tuân theo lời chiếu trước”.  Đây là lần thư ba vua Tống từ chối trả đất cho ta.

4.- Bất bình trước tham vọng của Tống triều, vua Lý cho quan coi đất Quảng Nguyên đem quân đánh các vùng đất bị Tống cưởng chiếm. Năm 1086, Tống Triết Tông gửi thư trách, vua Lý Nhân Tông dâng biểu xin vua Tống xét lại đất Vật Dương và Vật Ác, biểu viết: “ Ấp tôi có 8 huyện và hai động Vật Dương, Vật Ác giáp đất nhà vua. Trước sau bị các tù trưởng làm loạn mà bỏ đi đem mình vào quí minh. Đất Vật Dương thì năm Bính Thìn (1076) được thu vào vương thổ. Đất Vật Ác thì năm Nhâm Tuất (1082) mới được thu và đặt vào ải Thông Khang. Tuy đất ấy nhỏ nhen nhưng tôi rất lấy làm đau xót, luôn luôn nghĩ đến.  Tổ tiên tôi ngày trước đã xông pha gian hiểm, đánh dẹp các kẻ tiếm nghịch mới có đất ấy. Nay gặp thời vận suy đồi tôi không nối được sự nghiệp cha ông. Tôi đâu dám dự vào hàng phiên thần sống trong chốc lát.  Năm Giáp Tý (1084) Ty kinh lược Quảng Tây đã tâu về đất ấy. Tiên triều lấy hai động Túc, Tang và 6 huyện cho tôi chủ lĩnh. Nhưng các đất Túc, Tang ấy hiện là đất của ấp tôi rồi, không phải đất mà nay tôi xin cho nên tôi không dám nhận mệnh. Nay gặp khi bệ hạ lên ngôi, việc gì cũng đổi mới, xin kính cẩn bày tỏ lời biểu nầy dâng lên”.   Mặc dù nhà Lý đã hết sức mềm mỏng, dùng tình cảm để thuyết dụ vua Tống nhưng Tống triều vẫn tìm cách chối từ. Vua Tống đã trả lời thư như sau: “...Vả nay biên thần thủ lãnh của Khanh đã xâm lấn biên thùy. Tiên hoàng vốn sẳn lòng nhân đã ban chiếu dụ, cho phép biện chính, chứng thực rõ ràng, đã đặc biệt cắt đất ải Khang ân tứ cho Khanh...  Vậy Khanh nên tuân theo bờ cõi đã định, cớ sao còn tâu nhắc lại, vẫn giữ lầm xưa, mà lấy đất mới ban cho làm đất cũ sẳn có... Xét lòng Khanh không lẽ như vậy, ngờ rằng đó là lời người khác, mách như thế là sai. Huống chi dân châu động ấy là dân của nhà vua đã từ lâu. Từ khi quan quân đánh lấy Quảng Nguyên đến lúc trẩm trả Thuận Châu không hề có tranh giành ruộng đất ở đó. Khanh phải hết lòng tuân theo chiếu trước.  Phải thêm cẩn thận giữ gìn cương vực. Chớ có sinh sự lôi thôi...” 

Qua thư trên ta thấy rõ ý đồ của vua Tống  không muốn trả hai động cho ta lại còn làm ra vẻ nhân từ, dùng giọng kẻ mạnh để trách cứ nhà Lý là hay gây chuyện “lôi thôi”. Đây là lần thứ tư nhà Lý quyết tâm đòi lại đất nhưng bị Tống từ chối. 

5.- Năm Bính Dần (1086) vua Lý Nhân Tông lại cử Lê Chung làm chánh sứ, Đỗ Anh Bồi làm phó sứ dẫn sứ bộ sang Biện Kinh mừng Tống Triết Tông lên ngôi. Tháng 10 năm 1086 sứ bộ đến Quảng Tây, Lê Chung lại nhắc lại với Lê Thành Tra.c việc xin giải quyết đất đai tại biên giới nhưng chưa được chiếu trả lời. Thành Tra.c với tư cách là quan trông coi biên giới đã nói rằng vua Tống đã ban chiếu giải quyết vấn đề nầy rồi, nay không nhắc đến nữa.  Đến tháng 4 năm Đinh Mão (1087) sứ bộ đến Biện Kinh, vua Tống muốn xoa dịu việc chiếm đất nên phong chức cho chánh phó sứ và phong cho vua Lý Nhân Tông tước Nam Bình Vương thay vì Giao Chỉ quận vương như trước.  Đây là lần thứ năm nhà Lý đòi đất hai động Vật Dương và Vật Ác lại bị Tống từ chối.

6.- Mặc dầu đã 5 lần đòi đất đều bị Tống từ chối, nhưng vua Lý không thể cam tâm để mất đất của tiền nhân một cách dễ dàng nên đã tạo áp lực quân sự dọc theo biên giới khiến cho nhà Tống lo sợ phải cho xây thêm các đồn ở các cửa ải. Vin vào lý do đó, vua Lý viết thư cho vua Tống kêu ca rằng quân Tống đang tăng cường binh lực đe dọa đất đai của mình. Ngày 22 tháng 8 năm Mậu Thìn (1088), vua Tống đã ban chiếu trả lời như sau:

“ Trẩm nhớ thanh đức của Tiên đế đã đoái thương đến phương xa. Sau khi rút quân khỏi Phú Lương, Tiên đế đã xét lời khẩn cầu của Khanh liền lấy các châu Quảng Nguyên ban cấp. Sau đó vì thủ lĩnh An Nam nhận lầm cương thổ, Tiên đế lại sai quan biện chính chia cõi, rồi lấy 6 huyện 2 động ở ngoài ải cấp cho Khanh chủ lĩnh. Thi ân thế có thể gọi là tột bực. Trẩm vâng theo lời dạy của Tiên đế cốt sao cho bờ cõi yên vui. Huống chi trẩm đã giáng chiếu xuống nhiều lần, giảng cực rõ ràng: Các đất Vật Dương, Vật Ác không thể đem bàn trở lại được nữa. Còn như việc xây cửa ải, đặt lính thú là việc thường làm ở nơi biên cương, huống chi những đất qui minh trước và sự xây cửa ải là sau, vậy không lẽ gì mà ngờ vực và kêu ca nữa.    Thật rằng những kẻ phiên thần là trước hết dốc lòng thành tín, chớ nên vu hoặc. Lời trẩm không thể nói đi nói lại nhiều lần . “

Thành Tra.c nhân đi tuần biên để soát các cửa ải, đã tự tiện đem đồ vật và lụa cho các thủ lĩnh cõi ngoài, làm thế là trái luật. Vừa rồi theo lời Ty kinh lược tố giác và tâu Thành Tra.c đã sanh sự, Tra.c đã bị biếm và đổi đi rồi. Khanh nên đòi lại những đồ vật ấy và đệ tất cả tới quan....” 

Vua Lý đã vận dụng tất cả các phương tiện có được từ quân sự đến ngoại giao, khi thì dùng lời lẽ mềm mỏng để thuyết phục, có lúc lại dùng lý lẽ để biện bác, kiên trì đòi lại những đất đã bị các tù trưởng địa phương nộp cho Tống nhưng vẫn bị Tống từ chối. Từ năm Kỷ Tỵ (1089) trở lui, không thấy vua Lý nhắc đến chuyện đòi đất thuộc hai động nầy nữa.

II. Hồ Quí Ly khiển trách sứ giả và đầu độc bọn thổ quan coi đất cho nhà Minh:  Sau khi đoạt ngôi của nhà Trần, Hồ Quí Ly sai sứ sang cáo là nhà Trần tuyệt tự, lấy danh nghĩa là cháu ngoại tạm quản lý việc nước và xin được phong vương, Minh Thành Tổ phong cho Hồ Hán Thương là An Nam quốc vương. Từ đó sứ thần nhà Minh sang nước ta liên tiếp và hạch sách đủ điều, lại đòi đất Lộc Châu nhưng Hồ Quí Ly không nghe, năm 1404 có một người lấy tên là Trần Thiêm Bình trốn sang Trung quốc, tự xưng là con vua Trần Nghệ Tông tố cáo với nhà Minh việc Hồ Quí Ly cướp ngôi. Vua Minh sai Lý Ỷ sang điều tra, Lý Ỷ đi nhiều nơi để xem xét tình hình rồi về báo lại tất cả sự thật cho vua Minh. Lợi dụng tình thế, vua Minh sai sứ thần sang đòi Hồ Quí Ly phải trả lại đất Lộc Châu cho Trung quốc vì theo lời tâu trình của Hoàng  Quảng Thành, thổ quan của châu Tư Minh, thì đất đó nguyên là đất thuộc châu Tư Minh của Trung quốc. Để xoa dịu tình hình và làm vừa lòng nhà Minh, Hồ Quí Ly đành phải cho Hoàng Hối Khanh là Cát địa sứ lên Lạng Sơn đàm phán với nhà Minh. Cuộc đàm phán xảy ra rất gay go nhưng cuối cùng Hàng Hối Khanh đành phải nhượng cho nhà Minh 59 thôn ở Cổ Lâu. Khi trở về Khanh bị Hồ Quí Ly quở trách tàn tệ vì đã nhượng cho nhà Minh quá nhiều đất, đồng thời họ Hồ còn ngầm sai người bản thổ đầu độc tất cả những thổ quan do Minh đặt ra để cai quản những đất mới được nhượng.  Dù đang phải đối phó với tình thế vô cùng bất lợi vì đã bị mang tiếng là kẻ soán nghịch, cướp ngôi của nhà Trần nên không được toàn dân hậu thuẫn lại đang bị quân Minh làm áp lực mạnh, nhưng Hồ Quí Ly vẫn chứng tỏ được tinh thần yêu nước qua hành động ngầm chống đối nhà Minh nói trên thay vì chịu cúi đầu tuân lệnh ngoại bang, cắt đất của Tổ tiên dâng cho chúng để bảo vệ quyền lợi của phe nhóm như những bọn vong nô sau nầy.

III.- Vua Lê Hi Tông - chúa Trịnh Căn sai sứ đòi đất các châu, động bị quân Thanh xâm Chiếm:  Theo Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí và Việt Sử Thông giám Cương mục thì trong thời gian từ 1688 đến 1697 nhà Thanh đã nhiều lần lấn chiếm biên giới nước ta: “ Tháng 5 năm Mậu Thìn (1688), thổ ti Vân Nam nhà Thanh xâm chiếm biên giới ở ba châu thuộc Tuyên Quang và châu Thủy Vĩ thuộc Hưng Hóa giáp liền với phủ Khai Hóa nhà Thanh. Triều đình đã sai sứ sang thương lượng để lấy lại đất nhưng không có kết quả. Từ đấy trở đi đất ở ba châu bị mất về nhà Thanh.”  “ Tháng 6 năm Kỷ Tị (1689), triều đình lại cử Đinh Tấn Khoa, Hữu Thị lang Bộ Hình hội với quan nhà Thanh để khám xét biên giới thôn Na Oa, châu Lội Bình thuộc Lạng Sơn... Tranh cải mãi nhưng Thanh triều không chịu trả đất. Cuối cùng đất Na Oa vẫn mất về nhà Thanh”. Năm Canh Ngọ (1690) triều đình cử Nguyễn Danh Nho và Nguyễn Quý Đức làm chánh sứ, Nguyễn Tiến Sách và Trần Thọ làm phó sứ sang nộp cống lễ hàng năm cho nhà Thanh đồng thời bàn hai việc: 1) Dư đảng của họ Mạc vẫn còn lẩn lút ở Vân Quang để cướp bóc vùng biên giới Tuyên Quang,Hưng Hóa, Cao Bằng. 2) Xin tra xét việc thổ ti ở Mông Tự và Khai Hóa lấn đất ở các châu Thủy Vĩ, Quỳnh Mai, Bảo Lạc và Vị Xuyên, nhưng nhà Thanh vẫn lờ đi, không trả lời.  Cũng theo Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí thì quân nhà Thanh không phải chỉ lấn chiếm ba động mà số đất bị mất còn nhiều hơn. Năm Tân Mùi (1691) sứ thần nước ta tâu với Thanh triều rằng thổ ti phủ Khai Hóa xâm chiếm 60 động biên giới thuộc ba châu Bảo Lạc, Thủy Vĩ và Vị Xuyên và ba động Quảng Lăng, Hợp Phì, Hoàng Nhan.

Tháng Giêng năm Đinh Sửu (1697) triều đình cử Nguyễn Đăng Đạo và Nguyễn Thế Bá làm chánh sứ, Đặng đình Tường và Nhữ Tiến Hiền làm phó sứ sang Yên Kinh nộp cống vật hàng năm và dâng quốc thư xin vua Thanh trả đất ba động Ngưu Dương, Hồ Điệp và Phổ Viện thuộc châu Vị Xuyên. Nguyễn Đăng Đạo đã trổ tài biện bác, lý luận với các quan Thanh triều, trình bày những bằng chứng và bản đồ để chứng minh rằng ba động đó là đất của nước Nam, nhưng bị Tuần phủ Vân Nam là Thạch Văn Thạnh mang bản đồ có vẽ ba động nói trên vào dâng lên vua nhà Thanh và tâu gian rằng: “ Ba động ấy là của trung Hoa từ thời nhà Minh, nếu sứ thần An Nam đòi mà vua chịu trả thì sau nầy họ đòi cả Lưỡng Quảng là đất của Triệu Đà nước Nam Việt ngày xưa thì Trung Hoa cũng phải trả sao?”. Vua nhà Thanh nghe Thạnh trình bày hợp lý nên gạt bỏ việc đòi đất của sứ thần Lê triều. Như vậy trong vòng 10 năm, từ năm Mậu Thìn (1688) đến năm Đinh Sửu (1697), triều đình ta đã vận dụng ngoại giao 4 lần sai sứ mang cống vật sang nộp cho nhà Thanh và thương lượng đòi lại những châu động đã bị nhà Thanh lấn chiến, nhưng đều bị Thanh triều gạt bỏ hay ém nhẹm khiến nước ta bị mất một số đất đai dọc theo biên giơiù thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Cao Bằng và Lạng Sơn.

IV.- Vua Lê Dụ Tông – chúa Trịnh Cương gởi sứ bộ sang nhà Thanh đấu tranh để bảo vệ chủ quyền nước ta ở vùng mỏ Tụ Long, Hà Giang: Tụ Long là một xã thuộc Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, (thuộc tỉnh Hà Giang ngày nay) phía tây giáp phủ Khai Hóa, phía bắc giáp Ngưu Dương ( Trung Quốc), có sông Đổ Chú làm biên giới tự nhiên, có ruộng đất màu mỡ và gỗ thông tốt, ngoài ra còn có mỏ đồng và mỏ bạc ở làng Nà Ngọ. Vào thời vua Lê-chúa trịnh, mỏ đồng Tụ Long mỗi năm nấu được 450.000 cân đồng ( 100 cân đồng trị giá 9 lạng bạc). Có khoảng 300 nhà sinh sống ngay tại xưởng nấu đồng và hàng ngàn nhà sống tại phố chợ gần đó. Vào khoảng 1720 đến 1729 có tới hàng vạn người đúc đồng.( Quặng cát nấu 4 lần mới thành đồng, đồng nấu 2 lần nữa thì lọc được bạc, 10.000 cân đồng nấu được 8 hốt bạc).  Trước một vùng đất màu mỡ và nhiều tài nguyên như trên, Thanh triều mưu toan chiếm giữ bằng mọi cách. Trước hết quan lại phủ Khai Hóa, tỉnh Vân Nam cho quân xuống chuẩn bị chiếm giữ mỏ đồng đồng thời gởi kháng thư báo cho ta biết là biên giới của phủ Khai Hóa kéo dài xuống phía nam 240 dặm, là sông Ninh Biên chứ không phải chỉ ngang sông Đỗ Chú, và cho lập mốc biên giới ở núi Xưởng Chí, lại còn vu cho ta là lấn chiếm đất của Trung Quốc đến 40 dặm. Thanh triều còn cho lập bia mốc và xây đắp các đồn lũy và các ải.

Trước hành động xâm lăng của nhà Thanh, triều đình Lê-Trịnh đã gởi kháng nghị thư cho tuần phủ Vân Nam và vua Thanh. Ngạc Nhĩ Thái, đương kim tuần phủ Vân Nam đã gởi thư trả lời với giọng điệu hống hách và còn trách ta càn dỡ, đòi hỏi ta phải làm bản tâu khác để “tạ tội”. Đối phó với sự ngang ngược của quan quân nhà Thanh, triều đình Lê-Trịnh đã cho Trịnh Kính là đương kim trấn thủ Tuyên Quang đem quân lên đề phòng lại được Hoàng Văn Tuy, viên quan cai quản vùng Tụ Long hết lòng bảo vệ khu mỏ. Chúa Trịnh Cương một mặt ra lệnh cho quân ta sẵn sàng chiến đấu nhưng không được gấy chiến trước, một mặt vẫn tiếp tục thư từ trao đổi với Thanh triều. Thấy triều đình ta quyết tâm bảo vệ đất, không để gì chiến được khu mỏ đồng Tụ Long như dự định, chúng bèn thay đổi thái độ hòa hoãn hơn, viết thư trả lời như sau: “Địa giới từ sông Ninh Biên trở vào, từ con ngòi nhỏ núi Xưởng Chí trở ra, nói là địa phận của quí quốc (Việt Nam) cố nhiên có bằng cứ nhưng nói là địa phận của nội địa (Trung quốc) cũng không phải là lời nói vu vơ. Không phải nói chứng cớ của quí quốc lời nào cũng chính xác mà việc ghi chép của nội địa việc gì cũng khó tin, nhưng nay Thiên tử đã ban ơn mà Quốc Vương (tức vua Lê) đã chịu ơn trời ban cho,không cần tranh cải về địa giới làm gì. Vậy nay nhất định phân chia địa giới chỗ đất 40 dặn kể từ con ngòi nhỏ núi Xưởng Chí trở vào và vùng Mã Bạc trở ra, mong Quốc vương ủy cho viên chức thông thạo định kỳ khám xét”.

Năm Bính Ngọ1726, chúa Trịnh Cương sai Tiến sĩ Hồ Phi Tính và Thám hoa Vũ Công Tể đi đàm phán với nhà Thanh về vấn đề vùng Tụ Long. Mặc dù biên giới giữa ta và Trung quốc được phân định từ thời nhà Minh, nhưng vì âm mưu lấn chiếm của nhà Thanh nên các cuộc đàm phán diễn ra rất gay go. Do sự phòng bị nghiêm nhặt chứng tỏ quyết tâm giữ đất của ta và qua các thư từ trao đổi với Thành triều có lời lẽ rất nhũn nhặn, Thanh triều đành phải đáp ứng yêu cầu của triều đình Lê-Trịnh. Năm Mậu Thân 1728 Ngạc Nhĩ Thái đã chuyển một chỉ dụ của vua Ung Chính nhà Thanh sang cho vua Lê, nội dung nư sau: “Nay Quốc vương đã cám ơn hối lỗi, nhảy múa(?) kính theo, nghĩ thưởng cho đất 40 dặm, đã cử đặc phái viên đại thần phụng sắc thư đi dường Quản Đông. Vậy Quốc vương cần cử quan đại thần đến đón tiếp, đến phủ Khai Hóa nhận đất và lập địa giới”. 

Ngày 17 tháng 6 , sau khi sứ thần Thanh triều đến Thăng Long tuyên đọc sắc chỉ “thưởng cho đất 40 dặm(!)”, chúa Trịnh Cương đã cử Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận và Tiến sĩ Nguyễn Công Thái hướng dẫn một phái đoàn lên Tụ Long để lập mốc biên giới. Xong phần tranh đấu rất gay go bằng ngoại giao, phái bộ của ta còn phải đấu trí với quan lại Thanh triều vì dù trên giấy tờ chúng đã chịu trả đất lại cho ta, nhưng lại dùng các mánh khóe xảo trá để đánh lừa ta trên thực địa. Theo sự phân định thì hai nước lấy sông Đỗ Chú làm ranh giới tự nhiên, nhưng quan nhà Thanh lại chỉ một con sông khác ở phía nam nói là sông Đỗ Chú để phần đất Tụ Long thuộc về Thanh triều. Hai sứ thần Nguyễn Huy Nhuận và Nguyễn Công Thái nghi ngờ nên đã ra công khảo sát thực địa rất kỹ càng, khi đã tìm được sông Đỗ Chú thật bèn dùng lý lẽ biện bạch để đấu tranh, cuối cùng bên nhà Thanh phải công nhận .

Sách Lịch Triều Tạp Kỷ của Ngô Cao Lãng viết: “ Bấy gời quan nhà Thanh cho chia ranh giới hai nước bằng sông Đỗ Chú, nhưng thổ quan phủ Khai Hóa chỉ láo vào sông Đỗ Chú giả để chực chặn lấy các thôn xã ở Bảo Sơn. Bọn Công Thái xông pha lam chướng, vượt nơi hiểm trở, đi qua các mỏ đồng, mỏ bạc, nhận ra được sông Đỗ Chú thật, bèn cùng quan nhàThanh, hai bên tư qua báo lại, tranh biện và bẻ lý mãi rồi lập đồng trụ làm giới mốc. Thế là việc cương giới mới ổn định. Mỏ đồng Tụ Long lại thuộc về ta”. Trong Kiến Văn Tiểu Lục, Lê Quí Đôn viết: “ Nay chỗ lập giới mốc ở sông Đỗ Chú, về phía đông là đất Tuỳ Long của nước ta, bên bờ sông có bia đá, có nhà lợp bằng tranh để che mưa nắng, cỏ mọc um tùm. Về phía tây sông nầy là đất phủ Khai Hóa, có lập bia ở trên núi đất, có nhà lợp bằng ngói để che mưa nắng và có đặt đồn canh giữ” Nhà bia sông Đỗ Chú của nước ta dựng bia có khắc chữ như sau: “Giới mốc châu Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang, nước An Nam, lấy sông Đỗ Chú làm căn cứ. Ngày 18 tháng 9 năm Ung Chính thứ 6, chúng tôi là Nguyễn Huy Nhuận, Tả thị lang Bộ Binh và Nguyễn Công Thái, Tế tửu Quốc Tử Giám, được triều đình phái ủy, vâng theo chỉ dụ lập bia nầy”. ( năm 1731).   Về phía nhà Thanh, văn bia ghi như sau: “Phía nam phủ Khai Hóa ở góc trời giáp với đất Giao Chỉ, tra trong sổ sách ghi chép thì giới mốc ở vào sông Đỗ Chú, cách lị sở phủ Khai Hóa 240 dặm về phía nam. Chỉ về sau giới mốc lẫn lộn, viên quan do triều đình phái đi khám xét tâu xin lập giới mốc ở núi Mỏ Kẽm. Hoàng Thượng ân uy rộng khắp phương xa, nghĩ Giao Chỉ đời đời giữ đạo kính thuận, ban dụ chỉ đem 40 dặm đất tra xét chính xác để trả lại cho. Bọn Sĩ, Côn chúng tôi, tuân theo thờ hịch của Tổng đốc Vân Quý, ngày 7 tháng 9 họp cùng Nguyễn Huy Nhuận là viên quan phái ủy của Giao Chỉ, cùng bàn định, lấy con sông nhỏ ở phía nam núi Bạch Mã làm giới mốc. Chỗ nầy tức là chỗ trong tờ tâu của Quốc Vương Giao Chỉ gọi là sông Đỗ Chú. Vậy chúng tôi tuân chỉ lập nhà bia giới mốc ở phía bắc sông. Từ đây biên cương bền vững lâu dài, ức muôn năm, được đội không bao giờ mai một. Ngày 18 tháng 9 năm Ung Chính thứ 6...”

Suốt 5 năm trường triều đình Lê-Trịnh đã không ngừng tranh đấu gay go với nhà Thanh mới thu hồi được phần lãnh thổ tranh chấp gồm 17 thôn vùng mỏ Tụ Long. Đáng tiếc là khi phân chia ranh giới với nhà Thanh, thực dân Pháp đã cắt vùng đất nầy nhượng cho nhà Thanh để đổi lại việc được mở con đường sắt Lào Kay- Vân Nam.

* *
Qua các sự kiện lịch sử được trích dẫn trên đây chứng tỏ rằng tiền nhân ta rất coi trọng đất đai do cha ông để lại và quyết tâm bảo vệ cương giới cho nên mỗi khi bị Trung quốc lấn chiếm một vùng nào thì các ngài tìm đủ mọi cách để thu hồi lại. Phương cách chính là những cuộc thương thuyết ôn hòa, nhưng cũng có khi phải vận dụng cả phương tiện quân sự làm áp lực để yểm trợ cho ngoại giao. Cũng xuyên qua các sự kiện trên ta nhận thấy rằng việc thu hồi đất đai bị Trung hoa chiếm đoạt phần lớn không nhằm lý do kinh tế mà vì lý do tinh thần vì ngoài vùng đất mỏ ở Tụ Long tương đối có giá trị kinh tế, còn các vùng đất khác hầu hết là những vùng hoang vu, dân cư thưa thớt hay rừng núi chập chùng.  Chẳng hạn như vì muốn đòi lại hai động Vật Dương và Vật Ác, vua Lý Thánh Tông đã phải 6 lần cử sứ giả sang Tàu liên tiếp trong 6 năm trời. Sự đi lại thật khó khăn vất vả và tốn kém vì hầu hết các lần cử sứ bộ đi như vậy đều có cống phẩm để dâng cho vua Tống, nếu tính công sức bỏ ra thì trị giá còn cao hơn đất hai động nói trên; Việc thượng lượng lại rất gay go lắm khi căng thẳng khiến sứ giả của triều đình có lúc phải đấu lý với quan lại nhà Tống, tuy thế vua quan nhà Lý vẫn kiên trì đeo đuổi việc đòi đất. Ngay cả Hồ Quí Ly, tuy đang trong tình thế vô cùng bất lợi, không thể công khai chống lại sự lấn chiếm đất đai của nhà Minh nhưng vẫn tìm cách âm thầm đối phó. Còn việc thương thuyết để ấn định mốc biên giới tại vùng Tụ Long lại nói lên được lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm cao cả của hai vị sứ giả được triều đình phái ủy: Thân danh là đại quan của triều đình, hai vị Tiến sĩ Nguyễn Huy Nhuận và Nguyễn Công Thái đã không ngại gian nguy, xông pha sơn lam chướng khí, trèo đèo lội suối, vượt nơi hiển trở để khảo sát thực địa, lật tẩy sự lừa dối của đối phương, đem lại thắng lợi cho nước nhà. Sự kiên trì của tiền nhân đã nói lên quyết tâm bảo vệ lãnh thổ quốc gia khiến cho lũ giặc phương bắc nhận thấy rằng muốn xâm chiếm đất đai của ta không phải dễ dàng và với quyết tâm đó tiền nhân cũng muốn nêu cao tinh thần yêu nước và tự hào dân tộc để con cháu noi theo.

Tuy rằng trong quá trình tranh đấu để thu hồi cương thổ nhiều khi không được toại nguyện vì Trung quốc xảo trá và tham lam, nhưng chính sự quyết tâm của tổ tiên ta đã ngăn chận tham vọng xâm lăng của Trung Hoa nhờ đó nước ta mới còn tồn tại đến ngày nay. Không kể đến những cuộc chiến đấu chống xâm lăng mà cha ông ta đã đổ không biết bao nhiêu xương máu để bảo vệ từng tấc đất nơi biên thùy, ngay trong thời bình tiền nhân cũng phải tốn biết bao công sức, tiền của để đấu tranh thu hồi những vùng đất bị bắc phương cưởng đoạt, nhưng đau đớn thay, những công lao xương máu đó, những tấm gương kiên trì và tận tụy đó, những lời răn dạy chân thành và thiết tha đó của tiền nhân đã không được hậu thế noi theo khiến cho trang sử hào hùng của dân tộc hai lần bị hoen ố mà không bao giờ có thể tẩy xóa được bởi vì khi những tên vô loại tiếm đoạt được quyền hành thì chúng chỉ lo củng cố địa vị, thu tóm lợi quyền cho phe nhóm chứ đâu có nghĩ đến dân đến nước vì thế chúng sẵn sàng phản bội tổ tiên, bôi nhọ dân tộc, cúi đầu cắt đất dâng cho kẻ thù truyền kiếp phương bắc: Lần thứ nhất do cha con Mạc Đăng Dung dâng đất cho nhà Minh năm 1540 và lần thứ nhì do tập đoàn Cộng sản vong bản Hà nội dâng đất và lãnh hải cho Trung cộng năm 1999 - 2000.

Tuy cha con Mạc Đăng Dung đang lâm phải tình tra.ng lưỡng đầu thọ địch: Bị quân nhà Lê trung hưng đe dọa ở phương nam nên đành phải hạ mình cầu cạnh nhà Minh mong giữ được chức quyền nhưng hành động mãi quốc cầu vinh đó vẫn bị đồng bào lên án và hậu thế đời đời nguyền rủa, còn tập đoàn lãnh đạo đảng Cộng sản Việt nam lại dâng đất đai và lãnh hải cho Trung cộng trong tình tra.ng đất nước không có chiến tranh hay một sự đe dọa nào mà chỉ nhằm mục đích tìm hậu thuẫn để bám víu quyền lực thì tội tra.ng càng nặng nề gấp bội.

Đây không phải là lần đầu tiên tập đoàn lãnh đạo Hà nội nhượng bộ Trung cộng một cách dễ dàng mà ngay từ năm 1958, Phạm Văn Đồng với tư cách thủ tướng nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tuân lệnh Hồ Chí Minh, ngày 14- 9- 1958 đã gởi văn thư cho Tổng Lý Quốc vụ viện Trung quốc ( Thủ Tướng) Chu Ân Lai thừa nhận bản tuyên bố về lãnh thổ và lãnh hải của Trung cộng được công bố ngày 4- 9 – 1958 dẫn đến hành động xâm lăng quần đảo Hoàng Sa vào tháng 1 năm 1964 và quần đảo Trường sa vào tháng 3 năm 1988. 

Để biện bạch cho hành động bán nước nầy, tập đoàn lãnh đạo Cộng sản Hà nội đã chỉ thị cho tờ “Sài Gòn Giải Phóng” vào tháng 5 -1976 viết rằng: “ Trung quốc là người thầy đã cưu mang Việt Nam cho đến ngày hôm nay, thì chủ quyền Hoàng Sa thuộc Trung quốc hay thuộc Việt Nam cũng vậy thôi. Khi nào Việt Nam muốn nhận lại, Trung quốc sẽ sẵn sàng trao lại quần đảo nầy” (?!!!) và báo Nhân Dân ngày 26 – 4- 1988 viết: “ Trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược thì Việt Nam phải tranh thủ sự gắn bó của Trung quốc, và ngăn chặn Hoa Kỳ sử dụng hai quần đảo nói trên. Do đó những lời tuyên bố (của Phạm Văn Đồng) phải được hiểu trên tinh thần và bối cảnh lịch sử đó” và mới đây bọn cầm quyền tại Hà nội còn thú nhận : “Trung quốc vĩ đại đối với chúng ta không chỉ là người đồng chí mà còn là người thầy tín cẩn, đã cưu mang chúng ta nhiệt tình để chúng ta có ngày hôm nay”.   Qua những lập luận đó chúng ta càng thấy rõ sự lệ thuộc của cái gọi là “ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” vào Trung cộng. Chủ quyền quốc gia không còn được xem trọng và những sự nhượng bộ đất đai và lãnh hải quá dễ dàng sẽ kích thích Trung cộng, vốn có tham vọng không ngừng lấn chiếm đất đai của ta, ngày càng có những yêu sách bất lợi cho Việt Nam, nhất là trong tình tra.ng bị Trung quốc đang lũng đoạn toàn diện theo như lời báo động của Luật Sư Lê Chí Quang. Bản chất vong nô đó của tập đoàn lãnh đạo Hà nội sẽ đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và sẽ đem đến một tương lai vô cùng đen tối cho dân tộc ngày nào bọn chúng còn nắm quyền cai trị. So với tội tra.ng của cha con Mạc Đăng Dung thì tội tra.ng của những tên chóp bu của đảng Cộng sản Việt Nam còn nặng gấp bội, không thể dung tha được, đáng trừng trị và đáng nguyền rủa đời đời.

Để thấy bản chất đê hèn của lũ vong nô, hành vi đốn mạt của bọn phản quốc, bán nước cầu vinh, lời lẽ ti tiện của lũ tham quyền cố vị, chỉ lo bảo vệ quyền lợi của bè lũ mà bán rẻ quyền lợi quốc gia, bôi nhọ uy danh ngàn đời mà tổ tiên đã hy sinh biết bao xương máu để gầy dựng và tô bồi, nhân đây chúng tôi cũng xin trích dẫn tờ hàng biểu do Mạc Đăng Dung sai cháu là Mạc Văn Minh cùng bọn Hứa Tam Tỉnh mang sang Yên Kinh xin cầu phong và cũng để từ đó suy ra bản chất vong nô, phản bội tổ tiên, chối bỏ dân tộc, lừa gạt dân chúng của tập đoàn Cộng sản Hà Nội ngày nay.

Tờ biểu viết: “ Thần là tiểu nhân ở phương xa, trí thức chưa được mở mang. Nhưng mỗi khi núp ở phương Nam, trông về trời Bắc, thấy trời quang đất tỉnh, biển lặng sông trong, biết là Trung quốc đã có thánh nhân. Huống chi oai hùng của nhà vua đã vang động khắp thiên hạ và lòng nhân huệ của nhà vua lại như khí hòa mùa xuân, tấc lòng vừa mừng vừa sợ, không thể nói hết được... Trong khi thảng thốt, tạm theo tục rợ giao phó việc nước cho thần, thần lại giao cho Đăng Doanh. Chưa kịp thỉnh mệnh tâu lên, thực đã tự chuyên phạm tội. Tuy cửa khuyết cách xa muôn dặm, khôn nỗi tỏ bày, nhưng tội lớn tày trời, thế nào dấu nổi! Năm Gia Tỉnh thứ 17 (1538), cha con thần đã sai bọn Nguyễn Văn Thái dâng biểu xin hàng và xin xét xử...Vì vậy thần và Phúc Hải một lòng cung kính, đợi mệnh triều đình. Vừa rồi đại tướng sang đánh, khi quân tới bờ cõi nước thần thì thần như con lợn trong chuồng, đâu đủ sức để chống lại...Nên ngày 3 tháng 11 năm Gia Tỉnh thứ 19 (1540) thần đem bọn tiểu mục Nguyễn Thạch Quế, Nguyễn Thế Khanh, bọn kỳ lão Lê Thuyên, Nguyễn Tổng và bọn sĩ nhân Nguyễn Kinh Tế, Dương Huy Nhất, Bùi Chí Vĩnh kính đợi ở cửa Nam Quan, tự trói mà ra ngoài cõi, đến doanh đại tướng cúi đầu tỏ lòng trung để xin hàng.  Thần Đăng Dung vốn muốn thân đến kinh để chầu và chịu tội, nhưng vì tuổi già lại ốm, không thể khúm núm đi được...Còn như đất đai và nhân dân thì đều là của thiên triều, chỉ xin thể lòng dân rợ, để được tiện khu xử, cho thần được nội thuộc xưng phiên...Tuy rằng nước thần trước đây từ đời họ Đinh, họ Trần, họ Lê theo nhau xưng vương đặt niên hiệu, sau khi ăn năn tự biết không nên, thần đã từng nghiêm khắc khuyên răn người trong nước từ bỏ niên hiệu để đợi mệnh...Còn việc quan thú Khâm Châu thuộc Quảng Đông tâu rằng động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát thuộc hai đô Nhu Tích và Chiêm Lãng là đất cũ của Khâm Châu, Quảng Đông, nếu quả thực như lời ấy thì đó là cái lỗi mạo nhận của họ Lê trước, nay thần xin giao trả lại, để thuộc về Khâm Châu...Chỉ xin đem 7 châu Quảng Lăng và các tra.i Hồng Y cùng một vài nơi phụ cận để cắt cho làm đất quảng hạt, thuộc về Vân Nam...Thần lại muốn chiếu theo lệ cũ của triều trước đúc người vàng mà thế thân, muốn dâng lên ngay, lại sợ đường đột... Kính mong rủ lòng xét cho”.

Để thay lời kết chúng tôi xin trích dẫn việc đánh giá hành vi khốn kiếp của bọn Mạc Đăng Dung của sử gia Trần Trọng Kim, ông đã viết: “ Mạc Đăng Dung đã làm tôi nhà Lê mà lại giết vua để cướp lấy ngôi, ấy là một tên nghịch thần; đã làm chủ một nước mà không giữ lấy bờ cõi, lại đem cắt đất mà dâng cho người, ấy là một đứa phản quốc. Làm ông vua mà không giữ được cái danh giá cho trọn vẹn, đến nỗi phải cỡ trần ra trói mình lại, đi đến quì lạy ở trước cửa một người tướng của quân nghịch để cầu lấy cái phú quí cho một thân mình và một nhà mình, ấy là một người không biết liêm sỉ.  Đối với vua là nghịch thần, đối với nước là phản quốc, đối với cách ăn ở của loài người là không có nhân phẩm; một người như thế ai mà kính phục? Cho nên dẫu có lấy được giang sơn của nhà Lê, dẫu có mượn được thế nhà Minh bênh vực mặc lòng, một cái cơ nghiệp dựng lên bởi sự gian ác hèn hạ như thế thì không bao giờ bền chặt được! Cũng vì cớ ấy cho nên con cháu họ Lê lại trung hưng lên được”.

Một sự đánh giá chí lý đã được thể nghiệm bằng thực tế lịch sử nước nhà đúùng là một tiếng chuông ngân vang để cảnh tỉnh những người Cộng sản còn mê đắm trong vũng lầy lợi quyền đầy tội lỗi; một chất men để dậy nên phong trào đấu tranh của toàn dân đứng lên lật đổ tập đoàn thống trị vong bản, ngu muội, đề hèn; một ngọn đuốc soi đường cho công cuộc tranh đấu giành lại quyền tự do dân chủ cho hơn 80 triệu đồng bào đang bị kìm kẹp dưới bàn tay của một thiểu số gian ác, tham ô, ngu tối đang từ từ đưa đất nước đến chỗ diệt vong! Chính nghĩa nhất định thắng. Hành động bạo ngược, phản dân hại nước nhất định phải bị bánh xe lịch sử nghiền nát. Bọn mãi quốc cầu vinh nhất định phải bị nhân dân trừng trị! Vận nước đã qua cơn bĩ cực, tương lại tươi sáng của dân tộc đang hé mở! Toàn thể chúng ta phải góp tay vào để tác động cho bánh xe lịch sử dân tộc quay nhanh hơn! 

Charlotte tháng 3 năm 2002
KIM KHÔI
Tài liệu tham khảo:
- Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim.
- Việt Sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn.
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên.
- Chuyện Đi Sứ, Tiếp Sứ Ngày Xưa của Nguyễn  Thế Long.

 

 

 

Thư Mục 

Thơ

Đổi Thay  
Những Đoản Khúc
Tơ Vò
Hương Phai 
Thi Đàm /Thi Họa

Kịch Thơ 

Cô Hàng Nước  
Ngồi Đợi Bình Minh

Truyện Dài

Cơ Trời Vận Nước
Trầm Bay

Truyện Ngắn

Bước Hổng Chân Không
Ba Con Yến Nhỏ
Cây Cà Rem Đầu Đời

Sưu Tập

Ca Dao

Huy Chương VNCH

Huy hiệu QL/VNCH

Huy Hiệu QĐ Pháp/Đ-Dương

Tiền Tệ
Quân Sử VNCH

Điếu Tế 

Văn Tế
Điếu Văn
25 Năm Xây Dựng CĐ
Hot Links
Ha Huyen Chi
Gia Đình Võ Bị
All Links

Miếng Ngọt Quê Hương

Thực Vô Cầu Bão
Cá Kho
Món Xào

Send mail to haphuonghoai@gmail.com with questions or comments about this web site.
Copyright © 2003 Haphuonghoai
Last modified: 01/29/13