Home Tìm Ca Dao Trợ Giúp Tìm Ca Dao Trang Chủ Toàn Bộ Danh Mục e-Cadao English

Thư Mục

 
Lời Phi Lộ
Lời Giới Thiệu
Cách Sử Dụng
Dẫn Giải
Diêu Dụng
Cảm Nghĩ
 
Ẩm Thực
Chợ Quê
Cội Nguồn
Cổ Tích
Lễ Hội
Lịch Sử
Ngôn Ngữ
Nhân Vật Nữ
Nhạc Cụ Việt Nam
Phong Tục Tập Quán
Quê Ta
Tiền Tệ Việt Nam
Tiểu Luận
Văn Minh Cổ
Vui Ca Dao
 
Trang Nhạc Dân Ca
 
Trang Chủ
 

 
 

 

 
   

TUYỂN TẬP VĂN CHƯƠNG NHI ĐỒNG - 3C

Trang 1A  1B  1C  1D   1E   1F   1G   1H   1I   1J   1K

Trang  2a  2b  2c  3a  3b  3c

 Trang  4a  4b  4c  4d  5a  5b  5c  5d 

QUYỂN BA   Phần 3c

 
 
THẦN THOẠI
 
DOÃN QUỐC SỸ
 
Sưu tập
 



MAHÂBHÂRATA  ( tiếp theo phần 3b)
(*) Kể theo bản Anh Văn : Ethel Beswick, Tales of Hindu Gods and Heroes, Jaico, Bombay 1960.



Draupadĩ là một công chúa có vẻ đẹp chim sa cá lặn, rất sắc sảo. Nàng được sinh ra theo lề lối khác thường. Ngày đó, Drupada vừa bị Drona chinh phục, bèn làm lễ cầu nguyện lớn, xin thần linh ban cho một đứa con trai để tính chuyện phục hận sau này. Lẽ ra hiện diện trong lễ cầu nguyện lớn này phải có hoàng hậu, nhưng vì khi hay tin thì hoàng hậu lại vừa ăn mặn và xức dầu lên người nên không thể tham dự buổi lễ được. Tuy nhiên giữa đám lửa tế lễ bỗng xuất hiện một thiếu niên bận giáp trụ sáng ngời và tiếng thần linh từ trời vẳng xuống phán rằng đứa con này sẽ giúp Drupada diệt được Drona. Đó chính là Drishta-dyumna. Kế đó, Draupadĩ cũng xuất hiện tự đám lửa tế và tiếng thần linh phán rằng nàng sẽ là một phụ nữ độc đáo trong việc hạ thủ anh em nhà Kurus sau này.

Draupadĩ nay đã tới tuổi reo cầu kén phò mã. Vua Drupada vẫn còn thán phục dũng lược của Arjuna, thầm mong chàng sẽ đến, bèn cho làm một cái cung cực lớn. Muốn thắng cuộc, người dự thi phải đủ sức giương giây cung đó và phải nhắm bắn làm sao cho mũi tên vừa xuyên qua một chiếc đĩa đương quay tròn, vừa trúng vào mắt của một con cá vàng làm đích. Trong số các hoàng tử và hào kiệt bốn phương tới cầu hôn, có mặt Dur-yodhana và Karna. Khi Karna vừa giương cung ngắm bắn, dây cung sắp buông ra và có thể trúng đích thì Draupadĩ la lên nàng không bao giờ chịu kết hôn với con trai của một kẻ đánh xe tầm thường. Karna ngượng ngùng bỏ cuộc. Lần lượt tới những kẻ khác, đều thất bại. Sau cùng Arjuna, trong y phục của người Bà la môn, tiến lên giương cung và bắn trúng đích một cách dễ dàng. Công chúa Draupadĩ trao cho chàng vòng hoa chiến thắng và bày tỏ lòng ưng thuận. Các ông hoàng thuộc đẳng cấp chiến sĩ tới cầu hôn đều bất mãn vì không muốn để cho một người thuộc đẳng cấp Bà la môn làm nhục. Cũng may Krishna đã kịp thời tới dàn hòa ổn thỏa.

Năm anh em Pândavas đưa nàng Draupadĩ về rừng để ra mắt bà Kuntĩ. Tới cửa nhà, họ vui vẻ lên tiếng rối rít với bà : “Mẹ ơi, hãy quay lại nhìn xem hôm nay chúng con khất thực được những gì này !”. Bà Kuntĩ không quay lại và trả lời : “Các con hãy chia nhau cho đồng đều!”. Dứt lời, bà mới nhìn thấy Draupadĩ. Tuy nhiên, bà không thể rút lời lại được nữa và do đó cả năm anh em Pândavas đều chung sống với nàng Draupadĩ.

Không bao lâu, Dhrita-râshtra và lũ con của ông đều được biết rằng anh em Pândavas không những sống sót mà còn trở nên đồng minh của một nước hùng mạnh. Karna muốn khiêu chiến tức khắc; Dur-yodhana còn muốn dùng mưu kế xảo quyệt. Nhưng Dhrita-râshtra đã nghe theo lời khuyên của trưởng lão Bhĩshma, Vidura và Drona cho người đi mời anh em Pândavas trở về và chia cho họ nửa phần giang sơn. Yudhi-shthira với tư cách trưởng nam được tôn lên ngôi vua.

Lãnh thổ của anh em Pândavas mặc dầu là phần đất rất xấu nhưng nhờ tài năng và thiện chí của người cai trị đã mau chóng trở nên giàu mạnh. Kinh đô là Indra-prastha.

Nàng Draupadĩ vẫn lần lượt sống chung với năm anh em, mỗi người hai hôm. Năm anh em có kỷ luật là trong thời gian Draupadĩ sống với ai thì bốn người kia không được phép vào lâu đài chính. Ai vi phạm sẽ phải tự ý lưu vong mười hai năm. Lần đó Draupadĩ đương sống với Yudhi-shthira, thì có mấy người bà la môn tới cầu cứu Arjuna đánh đuổi giúp lũ cướp đương tước đoạt hàng của họ. Khí giới của Arjuna thì để trong lâu đài, mà chàng không thể không cứu những người bà la môn lương thiện đó. Chàng đành vào lâu đài lấy khí giới. Sau khi giải cứu xong, Arjuna tự ý lưu vong mười hai năm, mặc dầu Yudhi-shthira đã nói việc vào lâu đài lấy khí giới để kịp đi cứu người đâu có kể là lỗi lời giao ước. Nhưng chũng vì cuộc tự ý lưu vong mười hai năm này mà Arjuna gặp được mấy mối tình. Một hôm Arjuna xuống tắm dưới sông Hằng, gặp nàng Ulũpĩ, con gái của Thần Rắn Vâsuki. Arjuna cầm lòng đậu trước nhan sắc đắm say của nàng. Chàng đã sống ân ái với Ulũpĩ ngay tại lâu đài của cha nàng cho tới khi Ulũpĩ sinh hạ được đứa con trai Irâvat.

Irâvat sinh ra được ít lâu thì Arjuna tiếp tục xuôi xuống miền Nam, tới Manipura. Tại đây Arjuna gặp công chúa Chitrângada. Vua xứ Manipur bằng lòng cho chàng được kết hôn với con gái mình với điều kiện nếu nàng sinh con trai, chàng phải để đứa con trai đó ở lại làm vua xứ này. Nguyên do là theo lời nguyền của thần Shiva, bất kỳ ai cai trị vương quốc Mainpur chỉ có thể có một con thôi mà nhà vua đã có công chúa rồi.

Arjuna ưng thuận. Chàng có với Chitrângada đứa con trai tên là Babhrũ-vâhana.

Sau đó ít lâu, Arjuna lại lên đường tới Dwârakâ. Nơi đây chàng được Krishna tiếp đón nồng nhiệt. Arjuna gặp Su-bhadrâ, em gái của Krishna, muốn kết duyên cùng nàng. Lẽ ra Su-bhadrâ sẽ được gả cho Dur-yodhana. Krishna khuyên Arjuna nếu thật tâm muốn gá nghĩa cùng nàng thì cả hai nên mang nhau trốn khỏi Dwârakâ. Arjuna đã làm như lời. Bala-râma, anh của Krishna, muốn rượt theo đòi lại em gái, nhưng Krishna nói là dù có đòi lại được, bây giờ hỏi còn ai chịu cưới cô em đó nữa. Thế là mọi việc ổn thỏa. Krishna cho tổ chức một lễ cưới linh đình, và hai vợ chồng Arjuna – Su-bhadrâ sống yên vui tại Dwârakâ cho tới ngày Arjuna mãn hạn lưu vong trở về Indra-prastha. Thoạt Draupadĩ rất ác cảm với Su-bhadrâ, nhưng sau với đức tính thùy mị, đôn hậu, Su-bhadrâ đã khiến Draupadĩ đổi dần ác cảm thành thiện cảm.

Su-bhadrâ sinh hạ được một con trai tên là Abhimanyu.

Draupadĩ sinh được năm trai, mỗi con trai của một người chồng.

Phải ghi nhận thêm, cũng trong chuyến lưu vong qua, Arjuna đã có được chiếc cung thần Gândĩva. Trong thiên hạ lúc đó chỉ có ba người có ba chiếc cung thần: Krishna có cung thần Shrangâ; Rukmi, anh vợ Krishna, có cung thần Vijaya; và Arjuna có cung thần Gândĩva. Tục truyền cung Gândĩva nguyên là của thần Brahmâ, sau chuyển đến Thượng đế Prajâpati, rồi lần lượt đến tay thần Shakra (Indra), thần Mặt trăng Soma, thần Nước Varuna, thần Lửa Agni, sau cùng thần Agni trao cung cho Arjuna. Cùng với cung thần, Arjuna còn được tặng hai ống đựng tên, dù bắn bao nhiêu đi nữa hai ống vẫn luôn luôn đầy tên. Arjuna rất hãnh diện về cung tên thần này nên đã có lần định đem ra sử dụng để khoe với các anh em nhưng đạo sĩ thấu thị Nârada bỗng nhiên xuất hiện bảo cho hay là không bao giờ được lạm dụng cung tên thần mà chỉ có thể dùng trong những trường hợp tối khẩn thiết !

Yudhi-shthira thấy đã đến lúc mình có thể đảm nhận việc mời các quốc vương tới phó hội để choàng vòng hoa danh dự cho vị quốc vương nào thống minh, thánh trí nhất. Krishna đã được đề cao trong cuộc phó hội. Chính trong dịp này, Dur-yodhana thực mục sở thị vẻ thịnh vượng huy hoàng của triều đình Indra-prastha. Có lần đương đi trong hoàng cung, Dur-yodhana vội vén áo lên, vì tưởng mình vừa bước tới ven hồ nước trong, ai ngờ đó chỉ là một phiến pha lê cực đẹp và trong suốt. Lần sau Dur-yodhana bị ngã xuống một hồ nước ướt như chuột lột vì tưởng lầm đó chỉ là một phiến pha lê khác. Các lâu đài trong hoàng cung thẩy đều nguy nga tráng lệ, chỗ nào cũng thấy lấp lánh những vàng bạc, ngọc ngà, châu báu. Vì vậy, khi trở về kinh đô của mình, Dur-yodhana càng đem lòng ghen ghét và tìm cách đoạt lấy giang sơn của Yudhi-shthira. Y biết Yudhi-shthira có nhược điểm khi đã vào cuộc đỏ đen thì say mê đến dứt không ra, bèn mời cả hoàng gia bên Pândavas tới dự một tiệc vui rồi nhân dịp ấy thách Yudhi-shthira đánh xúc xắc với Sakuni, em trai của hoàng hậu Gândharĩ.

Sakuni là một tay cờ gian bạc bịp, và có con xúc xắc riêng để gian lận.

Vì danh dự, Yudhi-shthira nhận lời. Sakuni dùng trá thuật lần lần chiếm hết tài sản, vương quốc, đến các anh em, rồi chính bản thân Yudhi-shthira, sau cùng cả nàng Draupadĩ kiều diễm nữa. Lúc đó Draupadĩ đương nằm nghỉ trong thâm cung nào có hay biết chi. Khi nàng bị dẫn tới trước Dur-yodhana như một nô lệ, nàng kịch liệt phản đối, viện lý khi Yudhi-shthira đã bị làm nô lệ rồi mới đặt nàng vào chiếu bạc; mà nô lệ thì làm gì còn quyền sở hữu nữa.

Dur-yodhana thô bạo cương quyết làm nhục nàng và anh em nhà Pândavas bằng cách bắt nàng ngồi lên đùi mình và hạ lệnh cho lột trần truồng nàng, nhưng Krishna đã cứu nàng bằng cách hễ bị lột đến đâu thì quần áo mới lại hiện ra tới đó.

May thay Vidura kịp thời phi báo cho Dhrita-râshtra biết rõ sự tình. Vị quốc vương mù này không ngờ các con mình lại tệ hại đến thế, lập tức tới nơi, ra lệnh để nàng Draupadĩ tự do. Ông còn xin lỗi nàng và hỏi nàng muốn gì để ông được tạ lỗi. Nàng xin để anh em Pândavas tự do. Ông hỏi nàng còn muốn gì thêm. Draupadĩ đáp như vậy là đủ vì nàng nghĩ một khi anh em Pandus được tự do rồi, họ có thể tự gây dựng lại cơ đồ.

Dur-yodhana thất vọng vô cùng về việc cha làm nên cố nài xin cho đánh một tiếng bạc cuối cùng, ai thua phải rút lui vào rừng sống mười hai năm, sau đó phải sống thêm một năm ở xứ khác mà không được lộ hình tích. Ván bài thực hiện, Yudhi-shthira lại thua. Anh em Pandus và nàng Draupadĩ đến bái biệt mẹ già để vào rừng sống ẩn mười ba năm khắc khổ. Bà Prithâ (Kuntĩ) đã quá già nua không thể theo con trên con đường lưu vong lần nữa; Vidura mời bà lưu lại lâu đài tại Hastinâpura như một thượng khách. Nói sao hết nỗi lòng sầu não của bà, “tuổi già hạt lệ như sương”, mà còn phải khóc nhìn đàn con ra đi.
Trong thời kỳ lưu đày trong rừng, anh em Pândavas gặp được nhiều đạo sĩ tới an ủi, khuyến khích (có cả Krishna và Vyâsa) và kể cho nghe nhiều truyện tích hay.

Đặc biệt Arjuna lặn lội tiến sâu vào dãy Hy mã lạp sơn, hàng ngày cầu khẩn thần Shiva và được thần ban cho vũ khí Pâsu-pata có thần lực vô song. Các thần linh khác cũng tới thăm và ban cho chàng những vũ khí khác. Cha chàng, thần Sét Indra, mang chàng về thiên đình, sống tại đó năm năm, nghe các nhạc công, ca công đàn hát, xem các tiên nữ nhảy múa, và ban cho chàng chiếc tù và Deva-datta. Đó là chiếc tù và trận làm bằng vỏ một con ốc biển lớn, khi thổi lên tiếng âm u làm rợn tóc gáy người nghe.

Yudhi-shthira cũng được một vị thần dạy cho cách gieo con xúc xắc một cách thần diệu. Sau này, Yudhi-shthira sẽ có dịp sử dụng thuật này.

Bhĩma cũng gặp dịp may riêng của chàng. Hôm đó chàng đương lướt nhanh như gió thì gặp Khỉ tướng quân Hanumân. Cả hai cùng là con của thần Gió Vâyu. Hanumân kể cho Bhĩma nghe truyện tích Râmâyana và đưa Bhĩma đến thăm núi Kailâsa, hái tặng chàng một vài bông hoa đẹp, đồng thời cũng là linh dược giúp con người cải lão hoàn đồng và nguôi ngoai hết mọi sầu muộn. Bhĩma đã mang những bông hoa đó về giúp Draupadĩ quên bao nỗi sầu cực nhọc trên con đường lưu vong.

Jayada-ratha, vua xứ Sindhu, là con rể duy nhất của Dhrita-râshtra, một hôm vào rừng săn gặp Draupadĩ ở nhà một mình. Thấy nàng xinh đẹp quá đỗi, Jayada-ratha dụ dỗ không được bèn bắt cóc. May thay anh em Pandus đi săn về kịp thời khám phá ra việc đó, đuổi kịp Jayada-ratha, cứu thoát Draupadĩ. Bhĩma không muốn giết Jayada-ratha vì dầu sao cũng còn dây mơ rễ má họ hàng với nhau. Chàng chỉ cạo nhẵn râu tóc hắn, bắt hắn quỳ lạy xin lỗi Yudhi-shthira, rồi tha cho về.

Một hôm Karna xúi anh em Kurus hãy vào rừng xem cách ăn ở của anh em Pandus ra sao, nhân tiện tìm cách riễu chơi. Vào rừng, bọn họ gặp một đám ca công, nhạc công và tiên nữ của thần Sét Indra đương ca hát nhởn nhơ. Các thần linh này ngăn cản không cho họ vào sâu trong rừng. Họ chống lại, bèn bị đánh tơi bời và một số bị bắt. Anh em Pandus hay tin vội đến giải cứu cho họ. Yudhi-shthira còn bày tiệc khoản đãi; nhưng Dur-yodhana càng tỏ lòng căm phẫn, tuyên bố thà chết chứ không nhận lòng tốt của Yudhi-shthira. Khi trở về triều đình, Dur-yodhana làm lễ tế thần và nham hiểm mời anh em Pandus về dự lễ. Anh em Pandus từ khước lời mời vì thời hạn lưu vong của họ chưa hết. Bhĩma thì cáu tiết nhắn rằng khi mãn hạn lưu vong, họ sẽ về lập dàn tế thần và thiêu đốt cả đám anh em Kurus.

Ngày mãn hạn lưu vong cũng sắp tới. Hôm đó anh em Pandus gặp một người Bà la môn đương sắp làm lễ tế thần thì một con nai rừng chạy qua, cúi xuống ngậm lấy những chiếc đũa thờ dùng để chà sát làm lửa* rồi chạy sâu và rừng. Anh em Pandus vùng đuổi theo, bị lạc lõng và khát nước. Một người trèo lên cây cao, nhìn thấy một hồ nước phía xa. Nakula, người em út, tới trước, cúi xuống giải khát nước hồ trong mát. Có giọng nói : “Khoan đã, hãy trả lời câu hỏi của ta rồi mới được uống”. Nakula khát quá cứ uống. Lập tức chàng lăn ra chết. Lần lượt Shahadeva, Arjuna và Bhĩma, người nọ đi kiếm người kia, tới hồ nước, đều chết như trường hợp của Nakula. Sau cùng Yudhi-shthira đến nơi, thấy xác của bốn người em thì khóc than thảm thiết, không thiết gi` tới uống nước. Khi ấy, tiếng nói lại nổi lên bảo Yudhi-shthira hãy trả lời những câu hỏi trước khi muốn uống nước. Yudhi-shthira quay lại, thấy một con cò.
(*) Chỉ lửa đó mới được coi là đích thực hiện thân của thần Agni.

Con cò hỏi : Con đường lên trời là gì?
Đáp : Lòng thành thật !
- Làm thế nào con người đạt được hạnh phúc?
- Nhờ ở hành động ngay thẳng !
- Con người phải làm chủ cái gì để thoát khỏi đau khổ?
- Tâm hồn của mình.
- Khi nào con người được thương yêu?
- Khi hắn không kiêu căng.
- Cái gì kỳ diệu nhất trên thế gian?
- Kẻ nào thấy mọi người xung quanh đều chết mà vẫn đi tìm sự bất tử.
- Thế nào là chân tri?
- Chân tri không phải học mà biết, không phải nhờ lý luận mà biết. Chân tri chỉ đạt được nhờ đức tính ngay thẳng.

Con cò hiện nguyên hình thành thần Dharma (thân phụ chàng) tỏ vẻ hài lòng về những lời chàng đáp. Chàng xin cha cho các em sống lại. Được toại nguyện, chàng lại xin cha giúp cho không ai nhận ra được năm anh em trong năm tới. Thần Dharma nhận lời. Sau cùng, chàng cầu xin nữ thần Pârvati (vợ thần Shiva) luôn luôn săn sóc phù trợ cho anh em chàng.

Sau đó năm anh em Pandus tới triều đình vua Matsyas tại vương quốc Virâta, xin được giúp việc để sống ẩn náu cho qua năm thứ mười ba của cuộc lưu vong. Thoạt anh em bỏ các khí giới lại, cất dấu kỹ lên cây, hóa trang cho thật khác lạ để không ai có thể nhận diện ra mình, rồi tới xin yết kiến vua Matsyas. Yudhi-shthira nay là một tay gieo xúc xắc kỳ khôi, mà vua Matsyas thì dạo đó thua đậm về môn đó, nên chàng lập tức được nhà vua tiếp đón niềm nở. Đầu đi thì đuôi lọt, Nakula được chấp nhận làm anh coi chuồng bò; Saha-deva phụ trách chăn bò; Bhĩma giữ chân làm bếp (chàng vốn ưa ăn ngon); Draupadĩ làm nữ tì cho công chúa; Arjuna hóa trang thành quan thị xin được chân dạy ca, vũ, nhạc cho vương phi trong triều.

Vào cuối năm thứ mười ba của cuộc lưu vong thì xảy ra một tai nạn. Em trai hoàng vì say mê nhan sắc của Draupadĩ, rắp tâm làm bậy, bị Bhĩma giết chết. Quân đội Virâta vì vậy mất viên thống soái cầm đầu. Lập tức kẻ thù bốn bề ùa tới uy hiếp. Anh dem Pandus xuất đầu lộ diện, trổ tài thần vũ cứu nguy cho vương quốc Virâta. Anh em Pandus đã gặp và đánh bại anh em Kurus vào dịp này (Dur-yodhana đem quân tràn vào nam phần Virâta). Tiếng tù và và những mũi tên thần của Arjuna đã làm tảng đởm ba quân của Dur-yodhana. Trưởng lão Bhĩshma và Drona cũng tỏ lòng cảm mến tài dũng lược của Arjuna.

Để đền ơn, vua Matsyas gả công chúa Uttarâ cho con Arjuna là chàng thiếu niên anh hùng Abhimanyu. Krishna và Bala-râma có thân hành đến dự lễ cưới long trọng này. (Mẹ của Abhimanyu là nàng Su-bhadrâ, em gái của Krishna và Bala-râma.)

Đã hết niên hạn lưu vong của anh em Pandus. Drupada cử một sứ giả tới yêu cầu Dhrita-râshtra trả lại vương quốc cho anh em Pandus. Bhĩshma khuyên nên giảng hòa, Dur-yodhana và Karna cương quyết giữ thái độ hiếu chiến.

Tiếp đó chính Krishna thân chinh tới Hastinâ-pura làm sứ giả. Drona và Vidura tán thành ý kiến của Krishna là trả lại phần đất cũ cho anh em Pandus. Nhưng Dur-yodhana cương quyết giữ vững thái độ cứng rắn của mình : “Dù một miếng đất nhỏ chỉ đủ cắm dùi cũng không nhường lại; muốn có hãy dùng khí giới mà chiếm lấy!”.

Do đó chiến tranh không thể nào tránh được. Tất cả các vương quốc ở Ấn độ đều lần lượt bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp ấy, hoặc theo phe này, hoặc về phe nọ. Sau cùng cả Arjuna và Dur-yodhana đều tới vương quốc Dwârakâ mời Krishna. Vì có liên hệ với cả đôi bên, nên Krishna bèn ra một điều kiện cho họ chọn lựa : “Hãy chọn toàn thể quân sĩ của ta hoặc chọn một mình ta, nhưng nên nhớ rằng dù ở phe nào, ta cũng sẽ không tham chiến!” Dur-yodhana lấy quân sĩ của Krishna, còn Arjuna mời Krishna cầm cương chiến xa cho mình.

Quy luật chiến tranh thật đặc biệt : không được dùng mưu kế, không được đánh lén, không được đánh nhau ban đêm, không được giết kẻ bỏ chạy, kỵ binh không được đánh bộ binh, khi hai người đang giao chiến thì kẻ thứ ba không được vào trợ lực v..v…

Chiến trận xảy ra trên đồng bằng Kuru-kshetra, một miền đất thiêng vẫn được dùng làm chốn hành hương. Chính tại đây mà trước khi lâm trận đã có cuộc đối thoại lạ lùng giữa Krishna và Arjuna, được ghi chép trong 18 chương gồm 700 câu, mệnh danh là Bhagavad-Gĩtâ (Chí tôn ca).

Xin lược kể phần đối thoại đó như sau *
(*) Lược kể theo : Lê Xuân Khoa, sđd trang 200-34)

Thực ra cuộc đối thoại Arjuna – Krishna chỉ là phần chính của một cuộc đối thoại khác giữa vua Dhrita-râshtra và một cận thần của ông là Sanjaya ở trong triều đình Hastinâ-pura, cách xa chiến trường Kuru-kshetra một trăm dặm. Theo truyền thuyết trước trận đấu, đạo sĩ Vyâsa (tác giả Gĩtâ và cũng là cha Dhrita-râshtra) sẵn sàng chữa cho Dhrita-râshtra khỏi mù, nhưng nhà vua nhất định chối từ, vì ông không muốn chứng kiến cảnh tương tàn giữa con cháu mình. Vì thế Vyâsa ban phép thấu thị cho Sanjaya để có thể ngồi trong cung điện mà vẫn nhìn và nghe thấy hết mọi sự việc xảy ra ở chiến trường và thuật lại cho vua nghe. Dhrita-râshtra hỏi Sanjaya về tình hình của đôi bên lúc đã dàn xong thế trận. Và Sanjaya bèn tường thuật lại.

Arjuna cùng Krishna tiến ra mặt trận để quan sát tình hình quân địch trước giờ giao chiến. Khí thế dũng mãnh của Arjuna chợt tiêu tan khi chàng nhìn thấy trong hàng ngũ địch quân toàn là những bộ mặt quen thuộc : chú, bác, ông, cháu, thầy dạy, anh em, bạn hữu … Chàng đau đớn đến bàng hoàng, buông cây cung thần Gândĩva và quay lại thở than với Krishna. Chàng quyết định bỏ cuộc chiến đấu vì không thể đang tâm giết hại bà con thân thích. Chàng sẵn sàng từ khước hết thảy tài sản và danh vọng để rút vào rừng sống cuộc đời tu hành ẩn dật. Chàng cũng quyết định thà chịu chết chứ không chống cự.

Nhưng Krishna, phát ngôn viên của Thượng đế, đã nói với Arjuna :
“Ngươi nói chuyện về chân lý, vậy mà ngươi lại lo lắng cho số phận của người khác. Bậc hiền trí không cảm thương đối với người chết cũng như người sống. Chưa có bao giờ ta không hiện hữu, cả người và các vị anh hùng kia cũng thế; từ nay về sau cũng không có khi nào mà tất cả chúng ta ngừng hiện hữu. Linh hồn vốn bất diệt. Kẻ nào nghĩ rằng tự ngã giết hay bị giết đều sai lầm. Tự ngã không giết mà cũng không bị giết. Cũng như người ta lột bỏ quần áo cũ để mang quần áo mới, linh hồn nhập thể từ bỏ thân xác này để nhập vào thân xác khác. Có sống tất có chết, chết rồi lại sinh. Linh hồn trú ngụ trong thân xác mỗi người thì bất diệt. Vậy đừng phải lo nghĩ về số phận của bất cứ ai.

“Là một chiến sĩ, bổn phận của ngươi là chiến đấu *. Không có gì cao cả cho bằng chiến đấu vì bổn phận. Trốn tránh bổn phận là tội lỗi, là ô danh. Ô danh còn tồi tệ hơn chết. Hãy sẵn sàng chiến đấu, không đếm xỉa gì tới vui buồn, được thua, sống chết. Arjuna ! Hãy đứng lên và thi hành nhiệm vụ.”

(*) Công việc, trị quốc an dân là thiên chức của đẳng cấp quí tộc Kshatrĩya. Công việc ấy đòi hỏi ở giới Kshatrĩya nhiều đức tính cao quý; trong đó phải kể đến lòng dũng cảm chiến đấu cho chính nghĩa.


Rồi Krishna, đại diện cho đấng Chí tôn, lần lượt giải đáp tất cả những thắc mắc và ngờ vực của Arjuna về nhân sinh và vũ trụ. Bài học Krishna chỉ cho người ta thấy ba nẻo đường khác nhau nhưng cùng đưa tới một mục tiêu là giải thoát, thực hiện sự hợp nhất giữa tiểu ngã và đại ngã (Thượng đế). Đó là con đường tri thức, con đường sùng tín và con đường hành động. Ba con đường ấy là những phương tiện linh động mà con người có thể áp dụng tùy theo hoàn cảnh và điều kiện sinh hoạt của mình.

Chỉ với một thái độ tuyệt đối hồn nhiên, thanh thản, con người mới có thể tiến đến mục đích cuối cùng của con đường giải thoát bằng tri thức.

Con đường sùng tín sớm muộn thế nào cũng đưa con người tới giác ngộ vì Thượng đế vốn ngự trong tâm hồn và khi lòng sùng tín bừng sáng trong tâm hồn, Thượng đế sẽ khai mở cho ta trực nghiệm tính chất siêu việt ở chính mình và trở nên đồng nhất với Thượng đế.

Con đường giải thoát thứ ba là hành động vì bổn phận tự nhiên, nhưng phải hành động vô tư, vô cầu, vô trụ.

Krishna nói :

“Ngươi chỉ nên nghĩ đến hành động, chứ đừng bao giờ nghĩ đến kết quả của hành động; đừng để cho những kết quả của hành động lôi cuốn ngươi, mà cũng đừng quyến luyến với thái độ bất động. Hãy kiên trì làm công việc của ngươi, thản nhiên trước mọi sự thành công hay thất bại, như thế là giải thoát.

Hãy coi vui thú và đau khổ, giàu sang và nghèo khó, thắng lợi hay thất bại là những sự việc như nhau. Hãy sẵn sàng chiến đấu, như thế ngươi sẽ không bị nhiều tội lỗi”. *

(*) Như vậy mỗi cá nhân, tùy theo cương vị của mình, đều tham dự vào sự sinh hoạt điều hành của trật tự thiên nhiên. Mỗi người thi hành thiên chức của mình, tức là biết sống thích hợp với thiên lý, với lẽ sống của Thực tại tuyệt đối. Hiểu như vậy, ta sẽ nhận thấy rằng những trạng thái sinh hoạt của đời sống không còn là những hành động rời rạc hay tương phản mà chính là những hành động hợp tác trong vũ trụ đại hòa điệu.

Nghĩ cho kỹ, trong thực tế, tri mà không hành là chuyện không thể có; hành mà không tri thì chỉ là hoạt động của những loài hạ đẳng; và nếu tri, hành mà thiếu tín cũng không thể nào đạt tới đích giải thoát. Tri, Hành, Tín chính là những phương diện tương liên của đời sống lý tưởng. Như trên vừa nói, tùy theo căn tín và cơ duyên, con người có thể khuynh hướng và chuyên chú vào một phương diện nào, nhưng đồng thời vẫn không thể đoạn tuyệt với những phương diện kia. Cũng như trong ba đường cạnh của một hình tam giác, ta có thể lấy bất cứ cạnh nào làm đáy nhưng không thể bỏ bớt đi một cạnh nào khác.

Đó là triết lý tổng hợp chiết trung trong Bhagavad-gĩtâ.

Sau khi đã được Krishna giải đáp cho hết thắc mắc, Arjuna hoàn toàn thỏa mãn và tuyên bố : “Tôi đã hiểu rõ sự sai lầm của tôi. Hỡi Krishna, nhờ Ngài, tôi đã diệt trừ được nỗi ngờ vực và nhận ra chân lý. Từ nay tôi sẽ hành động theo như lời Ngài dạy”.

Về phần Prithâ, bà cũng đã cố gắng một lần cuối cùng để kéo Karna về với các em. Bà nói thật cho Karna hay chàng chính là con trai đầu lòng bà có với thần Mặt trời Sũrya. Nhưng Karna thưa lại với mẹ rằng nay thì đã quá muộn vì Karna không thể phụ bao ân nghĩa của anh em Kurus từ xưa tới giờ. Tuy nhiên, chàng cũng hứa với mẹ là khi đôi bên giáp chiến, chàng sẽ không giết chết đứa em nào trừ Arjuna. Karna với Arjuna phải một mất, một còn !

Cuộc chiến ác liệt kéo dài mười tám ngày liền, trong mười ngày đầu Bhĩshma cầm quân và triệt hạ được nhiều lực lượng bên phe Pandus.

Tất cả những kẻ thù nhau xưa đều thành từng cặp đối diện chiến đấu : Dur-yodhana và Bhĩma, Duh-sâsana và Nabula, Drona và Drupada, Abhimanyu và Jayada-ratha, Yudhi-shthira và Salya (vua xứ Madras, em bà sủng phi Mâdrĩ xưa).

Không một miệng lưỡi thế nhân nào tả hết được sự tàn khốc của cuộc chiến này; máu chảy thành sông, thây chất thành núi.

Một lần Abhimanyu đánh ngã cờ lệnh của Bhĩshma khiến vị lão soái nổi xung lên, và suốt ngày đó cụ đánh ngã biết bao nhiêu người bên Pandus.

Kíp đếp ngày Iravât, con trai Arjuna có với công chúa rắn, bị tử thương cũng đã khiến Arjuna lồng lộn suốt ngày giết chết bao nhiêu người bên Kurus.

Dur-yodhana thấy trận chiến cứ kéo dài ngày qua ngày, bất phân thắng bại, thì cho rằng lão soái đã nương tay đối với bên Pandus, và Dur-yodhana yêu cầu Bhĩshma hãy nhường quyền điều khiển ba quân cho Karna. Bhĩshma đã trả lời quả thực trong cuộc chiến này chính nghĩa về bên Pandus, nhưng lòng trung thành của cụ đứng bên phe Kurus vẫn không hề suy giảm.

Bên Pandus cũng cảm thấy rằng nếu Bhĩshma còn cầm quân bên Kurus thì hy vọng thắng trận của họ thực mong manh. Buổi tối hôm đó, anh em đến xin yết kiến Bhĩshma để hỏi vị tổ phụ : họ phải hành động ra sao bây giờ. Bhĩshma tiếp đón họ nồng hậu. Cụ nói cụ biết anh em Pandus vẫn có lòng kính yêu cụ, và chính cụ, cụ cũng luôn luôn quý mến họ, nhưng biết làm thế nào, nay ông, cháu ở hai phe thù nghịch thì ai ở bên nào phải trung thành với bên ấy. Tuy nhiên, Bhĩshma cũng cho anh em Pandus hay là cụ đã có lời nguyền không bao giờ đánh nhau với nữ giới hay với người đã bị thương.

Trên đường cáo biệt trở về, Krishna ghé tai mách thầm với Arjuna là Sikhandin, con của Drupada, hiện đương chiến đấu bên phe chàng, thuở sơ sinh chính là con gái. Vậy Arjuna hãy nên dùng Sikhandin ngồi trước chiến xa thì chắc chiếm được ưu thế để hạ Bhĩshma. Nhưng Arjuna không muốn chiến đấu với người đã trông nom, săn sóc mình từ nhỏ, cũng không muốn núp sau một người đàn bà dùng làm cái mộc che thân.

Cuộc chiến tái diễn cùng với ánh sáng ló rạng ban mai. Lần này quân sĩ của Arjuna chạy ồ ạt tới vây quanh Bhĩshma. Sikhandin xông xáo lên trước. Bhĩshma nhận ra Sikhandin chính là con gái Drupada xưa (hậu thân của nàng Ambâ thất tình với Bhĩshma). Vị lão soái vội ngừng tay kiếm. Trong chớp mắt, cây cờ lệnh cắm ở chiến xa bị đánh gãy và vị lão soái ngã nhào, nằm ngang chiến xa với một mũi tên xuyên qua người.

Đêm tới, anh em Pandus đau buồn tới thăm Bhĩshma, thấy vị tổ phụ nằm hấp hối với mũi tên ác độc xuyên qua người, đầu dốc ngược rất là đau đớn. Tuân theo lời tổ phụ, Arjuna bèn khéo léo bắn xuống một số mũi tên cắm chéo thành chiếc gối đỡ lấy đầu Bhĩshma nằm ngang thân người.

Bhĩshma cảm thấy dễ chịu hơn nhiều ở tư thế đó. Cụ nằm hấp hối như vậy trong năm mươi tám ngày, đợi giờ thuận tiện mới hồn lìa khỏi xác.

Trong thời gian đó, binh tướng đôi bên hàng ngày tới thăm cụ. Trong số đó có Dur-yodhana và Karna. Một lần nữa cụ gắng khuyên Dur-yodhana hãy giảng hòa với anh em Pandus.

(Sau này, khi cuộc chiến kết thúc, Yudhi-shthira đã nghe theo lời Krishna tới yết kiến Bhĩshma một lần nữa; xin tổ phụ giải đáp cho một số thắc mắc mà ngoài cụ ra không ai có thể giải đáp nổi).

Bên phe Kurus, Drona lên thay quyền Bhĩshma thống lĩnh ba quân. Kế đó năm ngày liền, đôi bên tàn sát nhau kinh khủng và tạm bế mạc giai đoạn này bằng cái chết của Abhimanyu và Drona.

Ngày đó Abhimanyu, con của Arjuna và Su-bhadrâ (em gái Krishna), đã tung hoành anh dũng trên chiến trường, đúng tác phong một thiếu niên hổ tướng, tuần tự giết được Duh-sâsana (một anh em bên Kurus), giết được Lakshman (con trai Dur-yodhana), nhưng sau cùng Jayada-ratha (vua xứ Sihdhu) với sáu chiến sĩ nữa tới vây Abhimanyu. Đó là trái luật chiến trường. Cờ lệnh cắm lông công của Abhimanyu bị đánh gẫy; cả kiếm lẫn cung của Abhimanyu cùng bị gẫy; người điều khiển chiến xa bị chết. Abhimanyu vớ được chiếc chùy, một tay lau máu chan hòa trên trán, một tay múa chùy liều mạng xông thẳng vào đám địch thủ. Nhưng vì mất quá nhiều máu, vị thiếu niên anh hùng không thể chuyển bại thành thắng được. Chàng chết gục giữa đám thù địch như một con lợn rừng dũng mãnh chết gục giữa đám thợ săn.

Buổi chiều, khi đôi bên hạ lệnh thu quân, Arjuna mới hay tin đứa con trai anh dũng vô song của mình đã hy sinh trong một trận đấu trái quy luật chiến trường. Chàng gầm lên, nguyện hôm sau sẽ gặp Jayada-ratha trả thù cho bằng được, nếu không, chàng thề trước Krishna, sẽ quăng khí giới và tự thiêu trên dàn hỏa.

Lời thề đó đến tai anh em Kurus và họ quyết sẽ đem hết sức lực bình sinh để cầm cự, khiến Arjuna tới cuối ngày không hạ nổi Jayada-ratha, và như vậy Arjuna phải giữ đúng lời thề, lên dàn hỏa tự thiêu. Sớm hôm sau, Krishna đánh bầy ngựa kéo chiến xa của Arjuna lướt như bay trên bãi chiến trường. Xe lướt qua đám anh em Kurus. Drona xông ra định chặn đánh, nhưng Arjuna né tránh, vì chàng chỉ cốt gặp và giết chàng Jayada-ratha và đồng bọn.

Sau cùng, Krishna phải nói với Arjuna hãy cho lũ ngựa dừng lại nghỉ xả hơi một chút, vì nhớt giãi chúng phòi ra trắng xóa cả mép. Arjuna ưng. Trong khi dừng lại như vậy, chàng quan sát kỹ chiến trường và sau đó chàng hướng cho chiến xa xông thẳng tới giữa đám thủ lãnh hôm trước đã hạ Abhimanyu.

Thoạt Arjuna vào đấu tay đôi với Karna. Mặt trời đã ngả về Tây, ngày tàn lụi dần mà cuộc chiến đấu giữa Arjuna và Karna thì vẫn một bên tám lạng, một bên nửa cân, bất phân thắng bại. Krishna hóa phép một đám mây chợt tới che khuất mặt trời. Anh em Kurus reo vui vì như vậy là một ngày vừa hết, và Arjuna phải giữ lời hứa lên dàn hỏa tự thiêu. Nhưng Arjuna đã nhân lúc đó lướt tới phía trước giết được Jayada-ratha. Mây cũng vừa tan, mặt trời ló dạng, chứng tỏ ngày chưa hết hẳn. Một lần nữa Dur-yodhana phải cử người khác lên thay Jayada-ratha thống lĩnh ba quân. Dur-yodhana hỏi liệu Drona có quyết liệt ra tay với anh em Pandus là học trò cũ của ông không? Drona trả lời như Bhĩshma trước đây là mặc dầu ông rất quý anh em Pandus, nhưng ông đã ở bên phe Kurus thì ông sẽ trung thành với phe Kurus cho tới cùng. Thế là hôm sau, Drona thống lĩnh quân sĩ bên phe Kurus. Trong cuộc chiến đấu, Drona nghe tin Aswatthâmân (con ông) tử trận. Ông bèn hỏi Yudhi-shthira, vì ông biết Yudhi-shthira không bao giờ nói dối. Yudhi-shthira đáp là quả có một tên Aswatthâmân chết, đó là tên một con voi trận.

Nhưng Drona không nghe trọn lời, tin là con mình đã chết, ông cúi đầu buồn bã. Một mũi tên của Dhrishta-dyumna (con Drupada) vút tới giết chết ông. Dhrishta-dyumna đã trả được thù cha, vì trước đây mấy hôm, Drona đã hạ Drupada trong cuộc đấu.

Như vậy Drona chết oan. Tương truyền chiến xa của Yudhi-shthira là một chiến xa thần, bánh xe luôn luôn lướt cao trên mặt đất mấy phân. Nhưng từ sau khi Drona bị chết oan vì lời đáp của Yudhi-shthira, chiến xa của chàng hạ xuống mặt đất như các các chiến xa thường.

Karna lên thay Drona thống lãnh ba quân được hai ngày. Ngày thứ hai tức là ngày có cuộc giáp chiến định mệnh giữa Arjuna và Karna.

Trước đó, Karna đã đấu với Yudhi-shthira nhưng chỉ đánh ngã cờ lệnh và chiến xa của Yudhi-shthira mà thôi, rồi nói rằng : “Hỡi Yudhi-shthira, ngươi chỉ là con người của đạo đức, không phải con người của chiến trận! Ngươi hãy tìm bảo Arjuna tới đây. Chỉ có hắn mới đáng là địch thủ của ta tại bãi chiến trường này.”

Arjuna tới tức thì, và cuộc quần thảo một mất một còn bắt đầu.

Một lần giữa cuộc chiến đấu, dây cung của Arjuna đứt. Theo đúng luật chiến trường, Arjuna báo cho Karna hay để hãy tạm ngừng, đợi Arjuna sửa xong dây cung nhưng Karna vẫn bắn tới tấp, quyết tâm muốn thừa cơ hạ thủ cho bằng được Arjuna.

Sau đó chiến xa của Karna bị lật nghiêng. Đến lượt Karna kêu Arjuna hãy ngừng chiến nhưng Arjuna hỏi mỉa lại rằng khi tham dự canh bạc gieo xúc xắc, Karna có theo đúng con đường đức hạnh chăng; khi nguyền rủa nàng Draupadĩ, khi cùng sáu chiến sĩ vây đánh một mình Abhimanyu, Karna có theo đúng con đường danh dự chăng?

Tuy nhiên, cuộc chiến đấu ác liệt vẫn tiếp diễn. Arjuna mệt đến té xỉu xuống đất nhưng rồi sực nhớ đến cái chết thê thảm của con, chàng bất thần vùng dậy, với cây cung thần Gândiâvâ và bắn chết được địch thủ.

Salya (em trai bà Mâdrĩ) lên thay Karna thống lĩnh quân đội. Đó là ngày cuối cùng của cuộc cốt nhục tương tàn. Hầu hết anh em Kurus đã bị hạ. Dur-yodhana chạy về phía bờ hồ và lẩn trốn dưới nước, rút cuộc cũng bị anh em Pandus tìm ra. Dur-yodhana đấu tay đôi với Bhĩma. Nhớ lại trước đây Dur-yodhana đã sỉ nhục Draupadĩ bằng cách đặt nàng lên đùi hắn. Bhĩma bèn quật ngã Dur-yodhana, đánh gãy xương đùi rồi bỏ cho nằm hấp hối một mình tại chỗ. Đó cũng lại trái luật chiến trường. Khi Aswatthâmân (con của Drona) qua đấy, Dur-yodhana hạ lịnh cho Aswatthâmân hãy lập tức tới dinh trại giết chết anh em Pandus. Aswatthâmân đâu có biết cuộc chiến tranh đã kết liễu, doanh trại vắng tanh, anh em Pandus đã sang cả bên doanh trại Kurus thị sát, ở nhà chỉ còn năm người con của nàng Draupadĩ. Aswatthâmân giết hết, và giết luôn cả Sikhandin và Dhrishta-dyumna, khi đó đương ngủ. Khi Aswatthâmân quay về thuật lại cho Dur-yodhana nghe, Dur-yodhana nguyền rủa Aswatthâmân đã giết lầm năm đứa trẻ vô tội thay vì năm anh em Pandus và Dur-yodhana tắt thở!

Chiến tranh thực kết liễu, chỉ còn lại dư vị chua chát của … chiến thắng.

Dhrita-râshtra, Gândharĩ, Prĩtha cùng những quả phụ khác ra thăm bãi chiến trường một lần cuối, tiếng khóc thương nức nở. Hồn các tử sĩ như còn khuất lẩn đâu đây trong gió chiều vần vụ.

Yudhi-shthira tiến tới cúi chào vị quốc vương già nua, và Dhrita-râshtra trìu mến ôm lấy cháu. Bhĩma cũng tiến lên chào Dhrita-râshtra nhưng Krishna đã sớm nhận thấy sắc diện phẫn nộ của Dhrita-râshtra, kịp thời chuyển tới trước ông một pho tượng kim khí mà ông tưởng là Bhĩma. Ông ghì pho tượng gẫy vụn thành từng mảnh. Bhĩma thoát nạn.

Các xác chiến sĩ trên bãi chiến trường đều được hỏa thiêu cùng với chiến xa, dáo, mác.

Sau khi làm lễ giết ngựa tế thần (Ashvamedha) để tỏ lòng sám hối, Yudhi-shthira lên ngôi vua. Dhrita-râshtra và Gândhârĩ sống với anh em Pandus. Yudhi-shthira trong khi trị vì, luôn luôn hỏi ý kiến Dhrita-râshtra. Tất cả anh em Pandus – trừ Bhĩma – đều cố gắng sống hòa thuận để xoa dịu mọi sầu hận trong lòng vợ chồng Dhrita-râshtra. Họ cố gắng chìu chuộng vợ chồng cựu hoàng như thể họ là con đẻ vậy. Sự thực Bhĩma cũng cố gắng theo gương các anh em khác, nhưng chàng vốn tính nóng, không chịu được những lời trách mắng của Dhrita-râshtra mỗi khi ông tức giận thốt ra.

Mười lăm năm qua, Dhrita-râshtra và Gândhârĩ thấy đã đến lúc nên vào sống trong rừng sâu, sửa soạn ngày từ giã cõi đời. Yudhi-shthira buồn rầu vô hạn khi thấy mẹ mình – bà Kuntĩ – cũng cương quyết theo gót Dhrita-râshtra vào rừng. Khi tất cả kẻ đi cũng như người tiễn đã tới rừng, đạo sĩ Vyâsa tới nói đêm nay ông sẽ giúp mọi người thấy được người thân yêu đã chết của mình. Ai nấy tới ngồi đợi bên bờ con sông Hằng linh thiêng. Khi ánh chiều đã chìm sâu vào vũ trụ, màn đêm buông xuống, vẳng có tiếng nhã nhạc đâu đây, một vùng ánh sáng lung linh bốc lên tự lòng sông, rồi từ đó lần lần xuất hiện một đám rước dài đủ cả người, xe, voi, ngựa. Tiếng kèn xuất quân vang lên huy hoàng, và sung sướng thay, người sống nhận diện ra kẻ chết thân yêu; chồng gặp vợ, cha gặp con, anh em gặp nhau trong một bầu không khí hòa thuận thương yêu. Karna tiến tới chào mừng mẹ; Abhimanyu tới gặp cha Arjuna. Để ca ngợi cảnh hội ngộ trùng phùng tốt đẹp ngàn năm một thuở này, có hàng trăm tiên nga vừa múa, vừa hát theo tiếng nhạc thiên đình, ca ngợi lòng dũng cảm của mọi người đã làm đầy đủ phận sự trần gian. Bao nhiêu sầu hận u ẩn trong lòng người hầu như được dòng nước linh thiêng gột rửa cho sạch nhẹ lâng lâng. Cuộc gặp gỡ hàn huyên keo dài suốt đêm trường. Khi vừng hồng sắp ló rạng, đám chiến sĩ, kẻ lên chiến xa, người lên voi hay ngựa giơ tay vẫy chào từ biệt các người thân. Các bà sương phụ không ai bảo ai mà cùng lần lượt tới hôn chân Dhrita-râshtra và hoàng hậu Gândhârĩ để rồi cùng theo gót chồng đi xuống dòng sông lunh linh. Với ánh sáng ban mai, Dhrita-râshtra trở lại mù như xưa.

Ba năm sau, đạo sĩ thấu thị Nârada tới báo tin cho Yudhi-shthira hay là vừa xảy ra một vụ cháy rừng cực lớn và cả ba vị Dhrita-râshtra, Gândhârĩ và Prithâ đều chết trong đó. Tương truyền đó là cái chết mang lại điềm lành cho con cháu.

Một điều không may cuối cùng xảy đến cho Krishna với đám dân thuộc bộ lạc Yâdavas tại Dwârakâ. Nơi đây có động đất, có nguyệt thực, và chuột ra đầy đường.

Krishna báo cho dân chúng hay họ phải cữ rượu và tiến ra bờ biển để làm lễ cầu khẩn thần linh. Họ có đưa nhau ra tới bờ biển và dự một tiệc rượu. Tới lúc say sưa, họ gây lộn, rồi giết nhau bừa bãi và cả bộ lạc bị tận diệt.

Thời gian lưu lại trần gian của Krishna cũng gần hết. Krishna cùng anh là Bala-râma rút lui vào ở ẩn trong rừng sâu. Trong khi Krishna ngồi xếp bằng tròn để tham thiền, một người thợ săn nhìn thấy ánh sáng lấp lánh tỏa ra tự một viên ngọc đeo chân của Krishna thì lại ngỡ là mắt nai, bèn giương cung bắn. Krishna tha lỗi cho người thợ săn và chết.

Phải chết như vậy cũng là Krishna trả nợ nghiệp đã có một đứa con đàng điếm là Sâmba hay riễu thần linh, ngạo người hiền. Về sau, Sâmba mắc bệnh hủi. Chàng tỏ lòng hối cải, thờ và cầu nguyện thần Mặt trời, vì vậy mà được khỏi bệnh. Arjuna kịp thời tới Dwârakâ để hỏa táng cho Krishna và mang một số người ở đó muốn theo chàng về Indra-prastha. Trên đường về, đoàn người bị một toán cướp ngăn chặn. Arjuna rút cây cung thần ra sử dụng thì thấy rằng cung thần đã hết hiệu nghiệm. Arjuna phải dùng tự lực mà đánh lui tụi cướp.

Bảy ngày sau khi Krishna chết, triều biển đã ào lên phủ ngập cả đô thị Dwâraka. Người ta cho rằng rồi một ngày nào đó, Dwârakâ lại nổi lên khỏi mặt biển như xưa. Parikshit, con Abhimanyu, chính ra đã bị Aswatthâmân giết từ trong thai, may nhờ được Krishna kịp thời cứu cho sống lại. Nay thấy Parikshit đã tới tuổi trưởng thành, Yudhi-shthira bèn theo lời khuyên của đạo sĩ Vyâsa truyền ngôi cho cháu, rồi cả năm anh em và Draupadĩ cùng lên đường hành hương tới đỉnh núi Himalaya, tức là cõi Trời. Dọc đường, Draupadĩ và bốn người em của Yudhi-shthira lần lượt từ bỏ thân xác trần gian để về cõi bất diệt. Riêng Yudhi-shthira cùng một con chó gặp ở giữa đường vẫn tiếp tục cuộc hành trình. Khi tới đỉnh ngọn Meru, thần Indra hiện ra nghênh tiếp, nhưng không cho con chó đi cùng. Yudhi-shthira phản đối và quyết định ở lại bên ngoài thiên đường với con chó trung thành. Indra nhượng bộ, nhưng cười bảo Yudhi-shthira hãy nhìn lại xem. Thần Chánh pháp Dharma đã hiện nguyên hình và tỏ lời ngợi khen những việc Yudhi-shthira (con của thần) đã thực hiện trên cõi đời. Rồi hai cha con cùng lên xe bay vào cõi Trời. Nơi đây Yudhi-shthira có gặp Dur-yodhana và các anh em Kurus khác, nhưng tuyệt nhiên không hề gặp Draupadĩ và các em mình. Khi chàng hỏi : “Anh em và bạn bè của tôi đâu?” thì được đưa tới hỏa ngục và gặp họ đủ mặt ở đó.

Yudhi-shthira nói : “Tôi quyết định ở lại chốn này vì người thân của tôi ở đâu thì chốn đó là thiên đàng của tôi”.

Sự thực đó chỉ là một thử thách cuối cùng mà Yudhi-shthira đã vượt được bằng lòng trung hậu của mình. Tất cả anh em Pândavas đều được vào cõi bất diệt, sống chung với Krishna và chư thần khác. Và cũng ở đấy, Yudhi-shthira nhận ra rằng Krishna chính là thần Vishnu vậy.

TỪ VỰNG

- Abhimanyu: Con trai của Arjuna và Su-bhadrâ (em gái của Krishna). Chồng nàng Uttarâ. Cha Parikshit. Bị tử thương tại chiến trường Kuru-kshetra.
- Âchârya : Sư phụ
- Aditi: Một trong nhiều tên của Thần Đất, được coi là Mẹ, đối với Dyaus, Thần Trời được coi là Cha. Aditi cũng là nguyên lý Âm, đối với Daksha là nguyên lý Dương.
- Ãditya: Nguyên lý tối cao. Có 12 nguyên lý tối cao tức là 12 tháng trong năm. Cũng có nghĩa là Chư thần được coi là con của cặp Dyaus-Aditi.
- Advaita: Phi nhị nguyên
- Agasti hay Agastya: một đạo sĩ (rishi). Râma và Sĩtâ đã tới thảo am của vị này trong thời gian đi đày.
- Agni: Lửa, thần Lửa.
- Ahimsa: Bất bạo động, bất hại
- Ajnâna: Vô trí, mê muội.
- Aksara: bất diệt.
- Brahmaloka: Cõi phạm thiên.
- Brahmâ-vidyâ: Tri thức về Tuyệt đối.
- Brahman: Bà la môn, Tự Ngã, Đại Ngã.
- Brâhman: Đẳng cấp bà la môn.
- Brâhmanas: Lễ ký, cú nghĩa.
- Brahmin: Tu sĩ bà la môn.
- Buddhi: Ngô tính.
- Chârvâka: Phái duy vật.
- Chatur-ânana: Tứ đầu, một tên của thần Brahmâ.
- Chatur-âshrama: Tứ giai đoạn, gồm có: Brahmacharya, Grihastha, Vanaprastha và Sannyâsa.
- Chatur-mukha: Tứ đẳng cấp, là Brahmana, Kshatriya, Vaishya và Shũda.
- Chartur-yuga: Tứ kỷ nguyên.
- Châyâ : Bóng tối, tên một vợ của thần Mặt trời Sũrya.
- Chit: Trí thức; Ý thức.
- Chitrângada: Vợ Arjuna, mẹ Babhrũ-vâhana.
- Dâna: Bố thí.
- Dandaka: Khu rừng mà Râma và Sĩtâ đã từng ở trong thời gian lưu đầy.
- Darsana: Quan điểm.
- Dasa-ratha: Cha Râma; chồng Kausalya. Kaikeyĩ và Sũmitrâ. Cũng là cha của Lakshmana, Bharata và Satru-ghna.
- Dasyu : Ác, trái với Ârya (Thiện).
- Deva: Thần, Thần linh.
- Deva-prasâda : Ơn thiên khải.
- Devakĩ: Mẹ Krishna, vợ Vasu-deva.
- Deva-yâna: Con đường của thần linh, cõi giải thoát.
- Devĩ: Vợ Shiva, con gái thần núi Himalaya.
- Dhrama: Pháp, Chánh pháp; tên thần; bổn phận.
- Dhrishta-dyumna: Anh Draupadĩ
- Dhrita-râshtra: Em Pându, con công chúa Ambikâ, chồng Gândhârĩ.
- Dhyâna: Thiền định, Thiền.
- Draupadĩ : Con của Drupada; vợ của năm anh em Pandus.
- Drona: Cah Aswatthâmân; thầy dạy võ nghệ cho các hoàng tử.
- Drupada: Cha Draupadĩ và Sikhandin.
- Duh-sâsana: Một người con trai của Dhrita-râshtra.
- Durgâ: Tên vợ Shiva.
- Dur-vâsas: Một hiền giả.
- Dur-yodhana : con trưởng của Dhrita-râshtra.
- Dushyanta: Chồng Sakuntalâ, cha Bharata.
- Dvija: Nhị sinh, ra đời hai lần.
- Dwârakâ: Đô thị của Krishna.
- Dyaus: Bầu trời.
- Gana-pati : cũng là Ganesha, con trai của Shiva và Pârvati, vị phúc thần đầu voi mình người.
- Gandhârĩ : Vợ Dhrita-râshtra, mẹ của một trăm con trai.
- Gandharvas: Những ca công và nhạc công trong triều đình của Indra.
- Gândĩva : Cây cung thần của Arjuna.
- Ganesha: Xem Guna-pati.
- Gangâ: Sông Hằng; con gái Himavat, chị Umâ, mẹ Bhĩshma.
- Garuda: Thần điểu mà thần Vishnu cưỡi, tử thù của loài rắn.
- Ghatotkacha: Con trai Bhĩma, bị Karna giết.
- Gĩta: bài hát.
- Gopis: Đám mục đồng.
- Govinda: Chú bé chăn bò, tên đặt cho Krishna thuở nhỏ.
- Go-vardhana: Trái núi mà Krishna đã dùng một tay nâng lên làm nơi trú ẩn cho dân chúng.
- Grihastha: Giai đoạn tại gia nhập thế.
- Guna: Phẩm tính.
- Guru: Sư phụ.
- Hamsa: Thiên nga.
- Hanuman: Thần Khỉ
- Hastinâ-pura: Kinh đô của dòng Kurus.
- Hiranya-garbha: Kim noãn, mầm mống đầu tiên của toàn thể vũ trụ, vạn vật.
- Hotar: Vị pháp sư, chủ tế.
- Indra: Thần Sét.
- Irâvat: Con trai của Arjuna và Ulũpĩ.
- Ĩshvara: Thượng đế hữu ngã.
- Janaka: Vua cha nàng Sitâ.
- Jatâyu hay Jatâyus : Thần điểu (con Garuda), vua loài chim ưng.
- Jĩvanmukta: Giải thoát tại thế, khác với Videhamukta là giải thoát sau khi chết.
- Jĩvâtman: Ngã cá biệt, cá nhân.
- Jnâna: Tri thức, Ý thức.
- Kaikeyĩ: Vợ vua Dasa-ratha, mẹ Bhrata.
- Kâla: Thời gian.
- Kâlĩ: Vợ Shiva.
- Kaliya: Tên một con rắn thần.
- Kalki: Hóa thân thứ mười của thần Vishnu để hủy diệt vũ trụ (chưa tới).
- Kalpa: Kiếp vũ trụ.
- Kâma: Lạc thú.
- Kansa: Vua xứ Mathura, anh họ Devaki (mẹ Krishna).
- Karma: Nghiệp, hành động.
- Karna: Con trai của Prithâ. Cha là thần Mặt trời. Chiến đấu bên phe Kurus và chết tại bãi chiến trường.
- Kârttikeya: Con trai của Shiva; Thần chiến tranh.
- Kauravas: Đám con của Dhrita-râshtra.
- Kausalya: Vợ Dasa-ratha, mẹ Râma.
- Khândava: Khoảng rừng và đất chia cho anh em Pandus.
- Krama-mukti: Giải thoát lần lần (tiệm), trái với Sadyo-mukti là giải thoát tức thời (đốn).
- Krishna: tên một nhân vật trong anh hùng ca Mahâbhârata và Bagavad-Gĩtâ, đại diện cho Đấng Chí Tôn. Một kiếp hóa thân của Vishnu.
- Krita-yuga: Hoàng kim thời đại.
- Kshatriya: Đẳng cấp chiến sĩ, chiến sĩ, quý tộc.
- Kuntĩ: Cũng là Prithâ. Em gái Vasu-deva. Mẹ đám anh em Pandus và Karna.
- Kusa: Một đứa con sinh đôi của Râma và Sĩta.
- Kuvera: Thần sức khỏe.
- Lakshmĩ: Vợ Vishnu; Nữ thần Tài Lộc.
- Lankĩ: Tên của đảo Tích Lan (Ceylon) bây giờ.
- Lava: Một đứa con sinh đôi của Râma và Sĩtâ.
- Mâdhava: Một tên của Krishna.
- Mâdrĩ: Vợ thứ hai của Pându. Mẹ Nakula và Sahadevas.
- Mahâ-deva: Một tên của Shiva.
- Mahâ-pralaya: Đại hủy diệt.
- Mahâvidyâ: Đại trí.
- Mahâyuga: Đại kỷ nguyên, đồng nghĩa với Chatur-yuga.
- Manas: Tâm hồn.
- Mantra: Lời cầu nguyện, xưng tụng thần linh.
- Manu: Thông danh của tổ loài người. Tác giả bộ luật Manu.
- Marga: Con đường, đạo.
- Mârĩcha: Cận thần của quỷ vương Râvana.
- Mathurâ: Sinh quán của Krishna.
- Matsya: Hóa thân cá của Vishnu.
- Mâyâ: Vô minh, ảo tưởng.
- Menakâ: Mẹ Sakuntalâ.
- Meru: Ngọn núi nơi cư ngụ của các thiên thần.
- Moksha: Giải thoát.
- Mrityu: Tử thần, một tên của Yama.
- Mudrâ: Ấn quyết.
- Nâga: Rắn.
- Nakula: Một con sinh đôi của Mâdrĩ và Pându. Cha thật là cặp thần sinh đôi Aswins.
- Nâma: Danh, tên.
- Nâma-rupa: Danh sắc.
- Nanda: Cha nuôi Krishna
- Nârada: Một đạo sĩ thấu thị.
- Narasinha: Người sư tử, một hóa thân của Vishnu.
- Nasadĩya: Khởi nguyên; tên một bản thánh ca trong Rig-Veda nói về khởi nguyên vũ trụ.
- Nâstika: Vô thần.
- Neti: Không, lời phủ nhận.
- Nitya: Vĩnh cửu thường hằng.
- Nivid: Lời thơ Veda.
- Pându: Em Dhrita-râshtra, cha đám anh em Pandus.
- Parasu-râma: Hóa thân thứ sáu của Vishnu.
- Parâ-vidyâ: Thượng trí hay Thánh trí, tức là tri thức về Tuyệt đối.
- Paria: Tiện dân ở dưới tất cả mọi đẳng cấp.
- Parikshit: Con trai Abhimanyu và Uttarâ.
- Pitri-yâna: Con đường của tổ tiên, cõi hạnh phúc có thời hạn.
- Prabhâ: Ánh sáng, tên một vợ của Sũrysa.
- Prajâpati: Đấng Sáng tạo, một danh hiệu của Thượng đế hữu ngã.
- Prajnâ: Bát nhã, chân tri. Cũng dùng để chỉ trạng thái ngủ say, khônng mộng.
- Prakriti: Bản chất nguyên thủy của vạn vật; vật chất nguyên thủy.
- Prâna: Hơi thở, sinh khí.
- Prithâ: Xem Kuntĩ.
- Purâna: Truyện cổ tích, truyền kỳ.
- Purusha: Người, thần ngã nguyên thủy.
- Râdhâ: Mẹ nuôi Karna: cũng là giai nhân màa Krishna ngưỡng mộ trung thành.
- Râga: Âm điệu.
- Rajas: Phẩm tính hoạt động, tình cảm; tác dụng điều hòa.
- Râkshasa: Ác quỷ.
- Râma: Tên vị hoàng tử nhân vật chính của anh hùng ca Râmâyana, một kiếp hóa thân của Vishnu.
- Rasa: Tinh túy, yếu tính.
- Râvana: Quỷ vương xứ Lankâ.
- Rishi: Đạo sĩ thấu thị.
- Rita: Thiên lý, điều hành vũ trụ.
- Rohinĩ: Vợ Vasu-deva, mẹ Bala-râma.
- Rudra: Thần Bão (đôi khi cũng để chỉ Shiva).
- Rukminĩ: Vợ Krishna.
- Ruâpâ: Sắc tướng.
- Saccakiriya: Thiện hạnh, hành động đúng với Thiên lý.
- Sâdhanâ: Kỷ luật thực nghiệm tâm linh.
- Sâdharmya: Trạng thái đồng tính với thiêng liêng.
- Sadyo-mukti: Giải thoát tức thời (Đốn), trái với Krahma-muti là giải thoát lần lần (Tiệm)
- Sahal-deva: Con sinh đôi của Pândavas và Mâdrĩ, cha thật là cặp thần sinh đôi Aswins.
- Sakumi: Em trai Gândhârĩ.
- Sakumtalâ: Con gái Viswâmitra và Menakâ.
- Sâlokya: Trạng thái chung sống với thiêng liêng.
- Salyâ: Em trai Mâdrĩ.
- Samâdhi: Chính định.
- Samba: Một con trai của Krishna.
- Sâmdhyâ: Hoàng hôn, con gái của Brahmâ, một vợ của Shiva.
- Samĩ: Thứ gỗ dùng để chà sát cho thành lửa tế thần.
- Sâmĩpya: Trạng thái thân cận với thiêng liêng.
- Sâmjna: Trí thức, tên một vợ của Suârya.
- Sampâti: Em Jatâyus, con của Garuda.
- Samsâra: Luân hồi.
- Samskâra: Hành, nghiệp chủng.
- Sandhyâ: Hoàng hôn.
- Sanjaya: Người đánh xe của Dhrita-râshtra.
- Sannyâsa: Giai đoạn xuất thế.
- Sântanu: Cha Bhĩshma
- Saraswatĩ: Nữ thần sông. Vợ Brahmâ.
- Sât: Thực hữu, thực tại.
- Satru-ghna: Em sinh đôi của Lakshmana.
- Sattva: Phẩm tính sáng suốt, tinh thần.
- Sayujya: Trạng thái đồng nhất với thiêng liêng.
- Sesha: Vua loài rắn.
- Shakra: Cũng là thần Indra.
- Shakti: Năng lực sáng tạo.
- Shâstra: Luận, sách giải thích kinh điển.
- Shiva: Thần Hủy diệt.
- Shraddhâ: Đức tin.
- Shruti: Tri thức mặc khải, dùng để chỉ các kinh điển Veda và Upanishad.
- Shuâdra: Đẳng cấp nô lệ, tôi tớ.
- Sikhandin: Xem Ambâ, Con Drupada.
- Sĩtâ: Vợ Râma.
- Sloka: Câu thơ đôi trong các thi phẩm Sanskit đời trước.
- Smriti: Ký ức, dùng để chỉ các tác phẩm do người đời ghi chép, khác với tri thức mạc khải Shruti.
- Soma: Rượu lễ, thần Mặt trăng.
- Su-bhadrâ: Vợ Arjuna, em gái Krishna.
- Su-grĩva: Vua khỉ.
- Suârya: Thần Mặt trời.
- Sushena: Vị thần y của quân đội Râma.
- Sushupti: Ngủ say không mộng.
- Svarga-loka : Thiên đàng; cõi trời.
- Tad hay Tat: Ấy! Tiếng dùng để chỉ thực tại tuyệt đối.
- Tamas: Phẩm tính tối tăm, thụ động của sự vật.
- Tândava: Điệu múa của Shiva. Biểu thị sự vận hành của vũ trụ.
- Tanka: Lưỡi rìu.
- Tapas: Nhiệt tính; hành xác.
- Treta-yuga: Bạch ngân thời đại.
- Tri-muârti: Tam linh vị, tức Brahmâ-Vishnu-Shiva.
- Turĩya: Trạng thái toàn trí của bậc giác ngộ, khác với ba trạng thái Thúc, Mộng và Ngủ say.
- Tyâgin: Bậc giải thoát.
- Uluâpĩ : Vợ Arjuna. Mẹ Irâvat.
- Umâ: Vợ Shiva.
- Ushas: Rạng đông. Tên một con gái của Brahmâ.
- Uttarâ: Con gái vua Virâta. Vợ Abhimanyu.
- Vac: Thượng ngôn/
- Vaishya: Đẳng cấp thương nhân, hàng thứ ba trong tứ đẳng cấp.
- Vaishvânara: Nhuần khắp, phổ hiện.
- Vaivaswata: Manu
- Vâlmĩki: Tác giả Râmâyana.
- Vanaparstha: Giai đoạn ẩn dật.
- Varuna: Thần Bầu Trời. Sau cũng là Thủy thần.
- Vasu-deva: Cha Krishna.
- Vâyu: Thần Gió.
- Vibhĩshana: Em Râvana.
- Vidhamukti: Giải thoát sau khi chết, khác với Jivan-mukti là giải thoát ngay khi còn tại tại thế.
- Vidyâ: Minh trí.
- Vijnâna: Trí thức , ý thức tinh thần.
- Vishnu: Thần Bảo Tồn.
- Viswâ-Karma: Hóa công, Thợ tạo.
- Vyâsa: Tác giả Mahâbhârata, con Satyavati, cha Dhrita-râshtra và Pandu.
- Yâjna: Tế tự.
- Yama: Tử thần.
- Yashodâ : Vợ Nanda, mẹ nuôi Krishna.
- Yoga: Du già, thiền định; pháp môn hay phép tu giải thoát.
- Yudhi-shthira: Con trưởng dòng Pandus.

SÁCH THAM KHẢO

- Aurobindo, Sri. Essays on the gĩtâ. Calcutta: Arya Publishing House, 1949, 2 vol.
- Beswich, Ethel, Tales of Hindu Gods and Heroes. Bombay, 1960.
- Dutt, Romesh C. The Râmâyana and the Mahâbhârata. London,1961.
- Hoàng Trọng Miên, Việt Nam Văn Học Sử Toàn Thư I, Thần Thoại. Saigon: Quốc Hoa, 1959.
- Johnson, Edna and Evelyn R. Sickels, Frances Clarke Sayers. Anthology of Children’s Literature. Boston : Houghton Mifflin Company, 1953.
- Mythologie Aisatique Illustrée. Paris: Librairie de France, 1928

 

 

Sưu Tầm Tài Liệu và Web Design

  Hà Phương Hoài

Hỗ Trợ Kỹ Thuật

Hoàng Vân, Julia Nguyễn

Web Database

Nguyễn Hoàng Dũng
Xin vui lòng liên lạc với  haphuonghoai@gmail.com về tất cả những gì liên quan đến trang web nầy
Copyright © 2003 Trang Ca Dao và Tục Ngữ
Last modified: 03/12/18