Home

Thơ

Sưu Tập

Văn Điếu Tế  Linh Tinh Trang Ca Dao Search

 

Tâm Thức Lãng Mạn Của Kẻ Lưu Ðày trong 

Tơ Vò

Thơ Hà Phương Hoài

Nguyễn Hữu Lễ

Như một khách lữ hành đi trong sa mạc hoang vu của một đêm tối trời chỉ vỏn vẹn một đóm tinh cầu đưa lối dẫn đường ta bắt gặp một giòng nước lạ lùng uốn khúc.  Nước trôi đi trong dáng dấp lạnh lùng: khi như ngậm ngùi nức nở cho một thân thế lạc loài trôi vào ốc đảo, khi như cuồn cuộn căm hờn như giòng thác lũ muốn đổi thay và làm đảo lộn tình đời và tình vũ trụ.

Ðó đây hiện lên lúc mơ hồ như hơi sương làm mờ nhân ảnh, lúc rõ nét như bức tranh Tàu cố tình tô đậm dáng giai nhân.  Giòng nước lạ lùng đó chính là giòng thơ, hay là tâm sự của Hà Phương Hoài trong tâm thức lãng mạn cô đơn của một kiếp lưu đày trong nghịch cảnh của từng tháng ngày luân lưu ở một quê hương điêu tàn đổ nát vì chiến tranh vì cảnh nồi da xo thịt gần nửa thế kỷ thê lương và ở một nơi tha phương không định hướng trong cuộc đời trôi dạt.  

Một thi tập gói trọn năm mươi mốt bài thơ chia thành ba giai đoạn của một ý thức chia xa, một gói ghém tâm trạng người ở lại và một lời nguyền gắn bó với quê hương.
Người viết xin mạn phép thi nhân phân chia giòng tâm sự đó như ba điệp khúc của một bản trường ca.
 
I.  23 bài đầu tiên là Tâm trạng kiếp người trước và sau ngày lịch sử đau thương của Dân tộc: 30-4-75.
 
II.  14 bài tiếp nối là Tâm thức của kẻ lưu đày.
 
III.  14 bài cuối cùng là hình ảnh Người Mẹ Việt và tiếng
        khóc quê hương.
 
Theo giòng tâm sự của thi nhân ta nghe niềm cay đắng như đi vào ngõ cụt vì trước mắt là một vùng trời quê hương đang nhuộm máu đào và lửa đỏ. :
 
Cay đắng đợi, em đi vào ngõ cụt,
Biển nước dâng cao, trước mặt sa mù.
Lòng tan nát em ngẫm đời ngẫm số,
Chẳng lẽ kiếp nào em đã vụng tu.
(Em Chẳng Lẽ Vụng Tu)
 
Thoát đi từ một chiến trường khốc liệt mà ma quái đang đội lốt người từ âm u của Trường Sơn hùng vĩ gây kinh hoàng, đau thương chết chóc chẳng những cho người mà cho cả đến chim muông:
 
Ðàn ma quái chốn Trường Sơn tức tưởi,
Ai tỉ tê thương khóc một ân tình!
(Mùa Hè Ðỏ Lửa)
 
Nếu Kinh hoàng không giăng Ðường số Một,
Thì con thơ đâu chít mảnh khăn tang,
Chắc Mẹ già khỏi mắt mờ đứng đợi,
Và vườn dâu kia chẳng vắng bóng chàng!
(Ðại Lộ Kinh Hoàng)
 
Thấy vỡ tan của mầu son phượng vĩ,
Khi lửa đau thương vẫn cháy bập bùng.
(Giã Biệt Nha Thành)
 
Say giấc điệp, đàn chim chưa rộn tiếng,
Và ngư ông bến cũ chửa sum vầy.
Dàn tên lửa bỗng dưng vùng vẫy dậy,
Xé nát tan bóng dáng của mặt trời,
***
 
Choàng tỉnh dậy khi cuộc đời biến đổi,
Ðàn chim non hốt hoảng bên nhau,
Nghe cay đắng hồn hoang phơi cỏ dại,
Chẳng biết phận mình mai sẽ ra saỏ
(Bầy Chim Vỡ Tổ)
 
Bắt đầu cho một cuộc sống đau thương mang thân lưu lạc, người con của Mẹ Việt ở miền đất với sông  núi bạt ngàn đã phải vội vã chia xa với thân yêu, với từng đồi núi, nương dâu ra đi nhưng chẳng biết phải đi về đâu.  Bên anh, bên em những người cùng da vàng máu đỏ, trước lạ sau quen, bỏ lại sau lưng trong tiếng nấc nghẹn ngào, trong từng giọt lệ tương tư cho kiếp người ở lại, cho thân phận mình bèo dạt hoa trôi:  
Ta thác lũ, em biển dâu kiếp bạc,
Trót sinh ra để chịu trôi chìm.
 
***
 
Dơ tay với ta tìm em lạc lõng,
Dòng đời trôi theo bão lộng mênh mông. 
 
***
 
Giấc mơ nhỏ cuốn theo làn sóng vỗ,
Lửa bập bùng đeo đuổi bóng ta đi.
(Anh Lửa Sau Lưng)
 
Tương tư là chuyện thông thường,
Trong ta chẳng phải chuyện nường chuyện ta!
 
***
 
Quê hương khi nhớ người ơi,
Thơ khi khó tả những lời tương tư!
(Tương Tư)
 
Niềm đau của một con người đánh mất quê hương cộng thêm nỗi uất hận của người chiến sĩ đấu tranh cho  lý tưởng Tự Do giờ đây hòa nhịp trong từng bước ly hương, là nhân chứng cho chính mình và cho đồng đội mình đã bị  Lột Bỏ Chinh Y. :
 
Ðất Guam thân ái hay oan nghiệt,
Khi xuống người ta lột chiến bào!
(Lột Bỏ Chinh Y)
 
Tơ vò muôn lối tơ vò,
Sáng đi canh cánh, tối ngờ bản thân!
(Tơ Vò)
 
Ðâu đây tiếng ai khóc rưng rức,
Ta trói ta vào cõi thủy chung,
Thế giới quanh ta chừng lạ quá,
Ngàn đời ngôn ngữ quá mông lung!
(Thả Thắng Chân Bon)
 
Không phải là cuộc di hành của chinh nhân trước giờ lâm trận chiến, nhà thơ không phải độc hành nhưng đã đưa theo một đoàn thê tử ra đi đóng một vỡ tuồng cười đau khóc hận: Khóc cho mình và cho cả quê hương:
 
Trước mặt ta đây một góc đời,
Ta và thê tử đóng tuồng chơi.
Cười trong dạ nát tinh cầu rớt,
Khi ánh hồng kia đã xuống rồi!
(Dàn Chào)
 
Người viết theo gót thi nhân đi vào vùng đất hứa vì hai tiếng Tự do.  Nhưng đáng thương thay trong kiếp lưu đày nhà thơ chỉ đón nhận từng tháng từng năm những niềm đau thương mới: Cô đơn trong sầu tủi, chơi vơi với những đợi chờ tiếp nối cho một tương lai rực lửa của quê hương.
 
Người Việt ly hương dường như đều mang mặc cảm của thi nhân, cho nên, có thể nói lên lời khẳng định:  Nhà thơ đã thay cho người dệt tiếng lòng trong từng cung bậc của một bản trường ca lưu lạc. 
 
Cuối cùng, để minh chứng cho hành động đấu tranh cho ý thức tự do, thi nhân đã đưa ta trở lại từng bước trên đường xưa lối cũ, thăm lại quê hương với một Nhị Hà réo gôi, với Sông Hương thầm lặng dịu hiền, với Cửu Long Giang phù sa, vẩn đục.  Thăm không phải bằng một hành trang của kẻ trở về trong mũ áo cân đai như lời gào thét rướm máu của nhà thơ Kha Huyền trong thi tập Trở Về (Làng Văn Xuất bản 1991) qua bài Gửi Người Trở Lại:
 
Mười năm trước em âm thầm ra biển
Ðêm khuya buồn, gạt nước mắt chia tay
Mười năm sau chưa tàn cơn binh biến
Em huy hoàng, trở lại với chuyến bay
(Kha Huyền - Gửi Nười Trở Lại)
 
mà là hành trang duy nhất của người con Mẹ Việt đã, đang và sẽ mãi mãi nghe theo tiếng gôi của giống  nòi như lời nguyền sông núi.
 
Còn gì đau đớn hơn khi tai nghe mắt thấy cảnh điêu tàn đổ nát dưới sức càn quét của loài quỷ dữ:
 
Rừng mới nay thêm nhiều thú dữ,
Vườn rau sâu bọ phá khôn lường!
 
***
 
Tiếng mẹ cung âm lúc bổng trầm,
Nên thơ, nên nhạc nghĩa cao thâm.
Ru con mẹ đã đưa vào mộng,
Và đã vỡ lòng con tháng năm.  
(Hồn Quê)
 
Ðứng chờ con lòng gan nung tợ lửa,
Thấy én về mà không biết trời xuân!
(Niềm Ðau Ngóng Ðợi)
 
Niềm đau của Mẹ Việt và những đứa con đang sống kiếp đọa đày trong ngục tù công sản.  Ðau vì thương con đang đi dần vào địa phủ, lấy thịt da người làm đá lót đường cho từng bước đến diêm cung.  Nhưng trong lòng Mẹ Việt vẫn mang niềm hy vọng cho một ngày sáng sủa quê hương.
 
Lấy da thịt con lót đường địa phủ,
Như một đàn ma đói trốn diêm cung.
 
***
 
Da ghẻ lở đầu hoang mang bệnh hoạn,
Ðem hơi tàn xẻ gỗ đục áo quan.
(Máu Tim Nhỏ Giọt))
 
Khói cao chen lấn mây hờ hững.
Mẹ tưởng non sông đã trở mình.
(Tiếng Nổ Lưng Trời)
 
Lòng Mẹ Việt thương con không chỉ thương cho những con ngoan hiền của Mẹ mà Mẹ vẫn thương cho những đứa lạc loài, lầm lỡ.  Mẹ vẫn đợi chờ cho con hồi tâm chuyển ý, xóa bỏ lỗi lầm trở lại sống hiền lương trong vòng tay của Mẹ.
 
Và giòng Cửu Long Giang phù sa vẫn loang máu thắm;
Như ý-thức-hệ ghê người nhuộm đậm quê hương,
Hồng Hà nước chảy lùi về thời hoang dã. 
Hương Giang vẩn đục vì giọt lệ đau thương.
(Mẹ Ðã Thấy Gì Sau Hai Mươi Năm)
 
Mẹ chẳng những khóc thương cho con trong kiếp sông ngục tù sa đọa vì tư tưởng ngoại lai dã thú, Mẹ cũng thương con, những đứa con trong phiêu bạt xứ người đã và đang lần lượt đổi thay theo từng năm tháng mới:
 
Em vùng dậy so vai cùng vũ trụ,
Thay mỹ miều thân ái thuở xa xưa.
Sự tương xứng hôm nay đâu còn đẹp,
Như thời trang buôn thả chốn nương nhờ.
(Tâm Sự Mái Tóc)
 
Cuối cùng, và thật sự cung đàn tiếng nhạc, tâm tình đi vào đoạn cuối, thi nhân vẫn mãi mãi như người nghệ sĩ, đem kiếp tơ tằm phổ vào từng vần thơ như một lời hứa hẹn, hứa với môi người và với cả quê hương:
 
Người nghệ sĩ vì đời hay nghiệp dĩ,
Ngày ngày qua vẫn sống với cây đàn.
 
***
 
Ðoàn tầu mãi trôi theo giòng biến động,
Nợ tơ tằm anh vẫn trả dẫu không vay!
(Người Hát Dạo)
 
Như đã nói, người viết xin vì nhà thơ gói ghém một tâm tình, một ý chí không gì lay chuyển được.  Là một chiến sĩ quyết tâm xây dựng lại quê hương, ngòi bút trở thành sức mạnh vạn năng hơn trăm nghìn vũ khí, nhà thơ đã nói lên lòng sắt đá của một lời nguyền đối với đồng bào ruột thịt, đối với Mẹ Việt Nam đang trông ngóng những đàn con từng bước trở về giải phóng quê hương.
 
Trong cũi sắt ta dáng  ngoài ngu dại,
Óc vẫn tinh khôn dấu vạn mưu đồ. 
Ta sẽ một ngày dơ nanh dựng vuốt,
Ðạp đất trời cho hai chữ tự do.
(Thần Hổ Và Người Luyện Thú)
 
Lòng sắt đá dũa mài khi đối nguyệt,
Máu trong tim sôi sục mãi cho đời.  
***
 
Vùng tử khí trời xa hoài rõ một,
Ðó một lần ta mang nợ quê hương.
(Tổ Quốc Ta Xin Hãy Ðừng Lạm Dụng)
 
Người viết hôm nay xin chỉ được giữ vai trò của người giới thiệu Nhà Thơ Hà Phương Hoài với độc giả muôn phương, nhưng vẫn mãi ấp ủ trong lòng một cầu mong làm người chiến hữu của chiến sĩ Hà Phương Hoài trong sứ mạng xây dựng lại quê hương.
 
Nguyễn Hữu Lễ - Mùa Thu 1992  
 

 

 

 

Thư Mục 

Thơ

Đổi Thay  
Những Đoản Khúc
Tơ Vò
Hương Phai 
Thi Đàm /Thi Họa

Kịch Thơ 

Cô Hàng Nước  
Ngồi Đợi Bình Minh

Truyện Dài

Cơ Trời Vận Nước
Trầm Bay

Truyện Ngắn

Bước Hổng Chân Không
Ba Con Yến Nhỏ
Cây Cà Rem Đầu Đời

Sưu Tập

Ca Dao

Huy Chương VNCH

Huy hiệu QL/VNCH

Huy Hiệu QĐ Pháp/Đ-Dương

Tiền Tệ
Quân Sử VNCH

Điếu Tế 

Văn Tế
Điếu Văn
25 Năm Xây Dựng CĐ
Hot Links
Ha Huyen Chi
Gia Đình Võ Bị
All Links

Miếng Ngọt Quê Hương

Thực Vô Cầu Bão
Cá Kho
Món Xào

Send mail to haphuonghoai@gmail.com with questions or comments about this web site.
Copyright © 2003 Haphuonghoai
Last modified: 01/29/13