Home

Thơ

Sưu Tập

Văn Điếu Tế  Linh Tinh Trang Ca Dao Search

 

7.  Cô Mụ Bất Đắc  Dĩ
 
 
 Delta và 81/BCND đến Khâm Đức vào một ngày đầu Xuân nắng đẹp. Trại nầy buồn thảm nhất trong các trại Lực Lượng  Đặc Biệt Biên Phòng. Trại thầm lặng nằm trong lòng dãy núi Trường Sơn, sát biên giới Lào. Chung quanh trại chỉ có một xóm rất nhỏ chừng dăm mười nóc gia. Xóm thầm lặng như chẳng có người ở.
 
 Cũng như những cuộc hành quân khác, anh em không chịu nhốt mình trong phạm vi của vòng rào  kẽm gai của căn cứ hành quân. Khi việc đóng quân, và hệ thống an ninh được ổn định các đại đội trưởng và trung đội trưởng thường ra khu có cư dân, hoặc làng xóm, thăm dân cho biết sự tình. Từ trại Khâm Đức ra xóm nhà dân chỉ khoảng hơn nửa cây số.  Các quan ta đi từ đầu xóm tới cuối xóm mà chẳng thấy một bóng người. Khi Trung úy Bình "Lò Rèn", Lâu "Giáo Chủ",  Biên "Khoèo", Thinh "Thầy Tu" , Hiền "Đen" và Thanh đến căn nhà cuối cùng, mới thấy một bà trạc tuổi ba mươi ngoài, nằm trên võng mặt  mày nhăn nhó. Trung úy Bình hỏi thăm mới hay là bà ấy  đang đau bụng đẻ, nhưng chồng bà ta đi làm rừng nên không biết nhờ cậy ai!
 
Chúng tôi bàn nhau đi kiếm một cây sào tre để cáng bà ta vào bệnh xá của trại. Trong khi anh em đang lúi húi xỏ cây tre vào hai đầu võng thì bà ta rên la càng lớn hơn và bắt đầu rặn đẻ. Lâu Giáo Chủ, luôn luôn chủ trương đem đạo giáo vào đời, nghiêm trang nói:
- Bài học y tế của khóa Lực Lượng Đặc Biệt đã có dịp để đem ra thực hành rồi đó, Anh Bình nghĩ sao?
 
 Bình Lò Rèn chẳng cần dông dài nói ngay:
- Nhờ anh Thinh xuống bếp nấu cho một nồi nước sôi. Khiêm, giúp Chuẩn úy Thinh một tay nghe em. Còn tất cả đi ra ngoài.
 
 Mọi người răm rắp nghe theo. Người  sau cùng là anh chàng đi cà thọt, Biên Khoèo, lấy cây chống, hạ cửa đóng lại rồi lách ra.
Cả đám đứng ngoài nhà mà nôn nao, nghe ngóng tình hình bên trong. Họ lo lắng như  chính vợ mình sắp lâm bồn. Trong lúc đó Bình đỡ người sản phụ xuống khỏi võng và đưa vào chiếc chõng tre nơi phòng trong. Người đàn bà vẫn rên la thảm thiết. Bình nói lớn:
- Các em ráng quạt lửa mạnh lên cho nước mau sôi. Mau lên!
 
 Người đàn bà đau quá, vớ được tay của Bình ôm cứng ngắc. Hình như cơn đau lên đến cực độ. Bà đưa tay của Bình vào mồm cắn làm Bình đau quá nhảy đựng lên. Bình rút tay ra rồi mò túi mình kiếm thứ gì khác khả dĩ giúp bà ta cắn. Trong túi chẳng có gì ngoài cuốn sổ tay và cây bút chì. Bình lấy ra đưa cho sản phụ cắn đỡ. Mồ hôi bà toát ra như tắm.
 
Bình bất đắc dĩ mà làm cô mụ, chứ trong đời chưa bao giờ thấy cảnh nầy! Trong khóa Lực Lượng Đặc Biệt khi dạy về sản khoa trước đây thì chỉ có lý thuyết. Thực tế bây giờ làm cho Bình bối rối vô cùng. Tiếng rên la của bà càng lúc càng thê thảm hơn, nhịp thở mỗi lúc mỗi dồn dập, rồi hai chân của bà mở rộng. Bà ôm bụng quặn quại,  cầu cứu Bình:
- Ông ơi, cứu tôi, nó... nó... trời ơi đau quá.
 Bình càng quýnh quáng hơn. Vừa lúc  Khiêm mang nồi nước sôi lên. Thinh bưng theo một thau nước lạnh. Bình pha nước cho vừa đủ ấm. Rửa dao găm của mình để sát trùng chuẩn bị cắt rốn cho đứa bé. Bình cũng không quên nhờ Thinh kiếm cho một sợi chỉ để cột cuống rốn. Thấy người đàn bà nằm tênh hênh Bình quay qua Thinh và Khiêm nói:
- Đi kiếm cho tôi một cái mền và một tấm vải lớn mau lên.
 
 Bình lấy cái mền từ tay Thinh đắp từ bụng xuống chân bà, rồi xé miếng vải trắng làm đôi, phần lớn thì để bên cạnh chõng tre, phần nhỏ đưa cho Thinh, vò với nước ấm, vắt khô.
  Bình quay qua Thinh và Khiêm nói:
- Các chú lánh ra sau bếp một chút, khi nào cần tôi gọi.
 Bình an ủi sản phụ:
- Mọi sự sẽ êm đẹp, tôi giúp bà đỡ đứa bé ra. Bà yên tâm đi ...
 
Như một cô mụ nhà nghề, Bình giúp sản phụ cởi quần rồi xoa bụng thăm thai:
- Bà ráng giữ hơi đừng rên la nữa. Bầu ối đã vỡ rồi. Khi rặn cần ngậm kín miệng, lấy hơi cho mạnh mới có sức .
 
 Bình thúc rặn đều đặn,  dùng hai tay vừa ấn bụng vừa vuốt xuống phía dưới để cho cái thai dễ dàng chui ra ngoài. Khi đầu đứa bé ló ra, mới đưa tay đỡ cho đến khi đứa bé hoàn toàn ra khỏi người mẹ. Bình dốc ngược đứa bé, vỗ mông cho nó khóc, rồi cẩn thận lau  đứa bé với khăn ấm.
- Mừng bà, một đứa bé trai.
 
Cũng may là người sản phụ sanh dễ cho nên mọi chuyện đều mau mắn, thuận lợi. Khi nghe có tiếng con nít khóc mọi người mới thở phào yên dạ. Chừng mươi phút sau thì  Bình gọi mọi người vào. Một đứa bé trai kháu khỉnh được bọc trong một vuông vải trắng mầu ngà nằm bên cạnh mẹ.
 
 Bình bàn với anh em:
- Bây giờ chúng ta hãy cáng bà ta vào bệnh xá để có đủ thuốc men cho hai mẹ con.
 
Trong đám anh em chỉ có ba người là đã có gia đình, nhưng chỉ có một mình Bình là đã có con, còn lại là anh em độc thân. Dù vậy cũng chẳng ngại ngùng gì, xúm nhau đỡ người mẹ lên võng, rồi cáng đi. Anh Bình Lò Rèn bồng đứa bé đi trước. Cảnh chiếc võng đi trên đường gợi nhớ đến hình ảnh "ngựa anh đi trước võng nàng theo sau" trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Nhưng ở trong trường hợp nầy, chàng đâu chẳng thấy! Ở một vùng xôi đậu như thế nầy thì chàng chắc chắn chỉ là một người đầu dơi mình chuột, nửa đỏ, nửa vàng. Chàng đi "làm rừng làm rẫy" thì không chừng vài tháng mới dám về thăm nhà một lần...
 
 Chiều hôm đó Lâu cho binh Thiệp ra nhà bà ta để báo tin. Thiệp chờ đến lúc mặt trời lặn vẫn chưa thấy ai về. Ngay cả trong xóm cũng không có một nhà nào có người. Thiệp về trại báo:
- Em chờ tới giờ nầy vẫn chưa có một ai đi rừng về. Hình như đây là một làng ma. Làng xóm thì phải có người chứ. Thấy trời sắp đổ tối, em sợ quá phải bỏ về. Để sáng mai chúng em ra sớm may ra có gặp ai không!
 
Tối hôm đó, trong trại lính ở vùng biên phòng, quanh năm chỉ có mưa đạn và pháo kích, thì hôm nay lại có thêm tiếng khóc của một đứa bé mới chào đời. Tiếng khóc của thân thương, của  hạt sống mới nẩy mầm. Tiếng khóc dù bé cũng đủ vọng ra từ y xá làm những người lính biên phòng thập thò ghé mắt nhìn vào.
 
Đứa bé, mặc nhiên được coi như con đỡ đầu của trại. Từng người lặng lẽ đem chút tặng vật, thức ăn đến cho hai mẹ con. Chỉ lát sau cái giường trống bên cạnh sản phụ đã đầy ắp quà tặng thân thương của đám trai thời loạn .
Người mẹ lúc đầu, có vẻ sợ sệt lấm lét nhìn những người lính trẻ trong bộ đồ rằn ri. Bà lặng thinh chẳng hề nói một câu. Độ vài giờ sau, bà thấy xung quanh mình lính tráng càng lúc càng đông, hết tốp nầy lại đến toán khác tới thăm và chúc mừng. Mọi người đối xử với bà rất dịu dàng, cho nên bà bắt đầu cười, trả lời những anh em thăm hỏi. Khi hỏi đến cha của đứa bé, bà trả lời:
- Chồng tôi đi làm củi sáng nay chắc bây giờ đã về tới nhà rồi.
 
 Dù trả lời vậy nhưng bà chẳng có chút lo âu gì khi Thiệp cho biết đã ra nhà kiếm chồng bà nhưng không thấy. Hiền Đen, người có nước da lúc nào cũng sạm nắng, là sĩ quan ban hai tiểu đoàn hỏi:
- Làng còn ai ở không, sao chẳng thấy một bóng nào?
Bà trả lời:
- Sáng hôm qua, khi thấy máy bay chuồn chuồn đáp xuống sân bay nhiều quá, làng sợ sẽ có đánh nhau lớn, họ đã rủ nhau về thành hết rồi. Còn tôi vì sắp nằm nơi không đi được, chồng tôi phải ở lại với tôi. Hôm nay hết củi và đồ ăn, ổng đã vào rừng săn thú và kiếm củi. Câu trả lời của bà rất khôn ngoan. Toàn thể dân làng đã chạy về thành hay đi đốn củi, săn thú trong rừng thì cũng giống nhau thôi! Dù biết có uẩn khúc trong vấn đề nầy nhưng không ai nói gì.
 
Thực tế, trại này đóng ngay trên trục giao thông của địch, dân chúng ở đây nếu không nói là địch thì cũng là thân nhân của họ chứ ai đâu. Nếu không thì tại làm sao mà làng xóm vắng như chùa Bà Đanh!
 
Trưởng trại càm ràm bọn Thanh:
-Chúng tôi không mấy khi ra làng. Có ra thì cũng phải có đơn vị an ninh trước. Hôm qua tôi không ngờ mấy ông xé rào lẹ quá, không kịp cản. May mà không có chuyện gì xảy ra, nếu có thì tôi lãnh củ là cái chắc. Chờ bà ta khỏe mạnh, ta đem giao trả lại cho họ.
 
 Thiệp nghe vậy nói:
- Giữ bà nầy và đứa nhỏ lại buộc anh chồng lộ diện.
Ông trại trưởng quay qua Bình đáp:
- Ta đâu có thể chơi đòn bẩn như Việt Cộng được. Đứa bé đã có phúc phần gặp "Cô mụ bất đắc dĩ" à không phải nói là "Ông mụ" thì mới đúng, thì ta phải giữ đúng cái chu trình phúc đức đó. Có phải không Trung úy Bình?
 
Bình không nói gì chỉ cười. Lâu Giáo Chủ đỡ lời:
- Trong hoàn cảnh chiến tranh, dù giữa hai lằn tên mũi đạn thì đàn bà và trẻ con vẫn được bảo vệ tối đa, huống chi ở đây. Phúc trời đã xúi cho anh em mình đi chơi mà cứu hai mẹ con họ, vậy đã lo phải lo cho tới cùng. Mặc cho chồng bà ta là ai, cha của đứa bé là ai!
 
 Giữ  sản phụ và đứa bé trong trại ba ngày. Khi sức khỏe của hai mẹ con đã bình thường,  anh em lại cáng mẹ con bà ta về nhà. Cùng với  tất cả quà sữa và đồ ăn mà anh em tặng cho họ. Đặc biệt có mấy bộ áo quần trẻ con mà hậu cứ gửi ra gấp qua chuyến bay tiếp tế. Mấy bộ áo quần xinh xắn do nội tướng của "Cô mụ bất đắc dĩ" gửi theo lời yêu cầu của Trung úy Bình.
 
Mặt trời vẫn rạng rỡ mọc, rồi lặn núp sau dẫy Trường Sơn. Những con chim non vẫn líu lo trên cành bên cạnh chim mẹ. Cha của đứa bé là ai? Thù hay bạn? Không cần biết! Nhưng ở xóm nghèo heo hút dưới kia có một người mẹ đang bơi lội trong hạnh phúc bên đứa con mới chào đời. Hẳn là lầu đầu tiên trong đời, bà đã nhận chân được tình thương yêu và chăm chút của đám lính rằn ri Biệt Cách Dù .
 
Hà Phương Hoài - Trầm Bay 7
Mở 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Mc Lc
        vào tập PhụLục1 PhụLục2      

Thư Mục 

Thơ

Đổi Thay  
Những Đoản Khúc
Tơ Vò
Hương Phai 
Thi Đàm /Thi Họa

Kịch Thơ 

Cô Hàng Nước  
Ngồi Đợi Bình Minh

Truyện Dài

Cơ Trời Vận Nước
Trầm Bay

Truyện Ngắn

Bước Hổng Chân Không
Ba Con Yến Nhỏ
Cây Cà Rem Đầu Đời

Sưu Tập

Ca Dao

Huy Chương VNCH

Huy hiệu QL/VNCH

Huy Hiệu QĐ Pháp/Đ-Dương

Tiền Tệ
Quân Sử VNCH

Điếu Tế 

Văn Tế
Điếu Văn
25 Năm Xây Dựng CĐ
Hot Links
Ha Huyen Chi
Gia Đình Võ Bị
All Links

Miếng Ngọt Quê Hương

Thực Vô Cầu Bão
Cá Kho
Món Xào

Send mail to haphuonghoai@gmail.com with questions or comments about this web site.
Copyright © 2003 Haphuonghoai
Last modified: 01/29/13