Home

Thơ

Sưu Tập

Văn Điếu Tế  Linh Tinh Trang Ca Dao Search

 


9. Ăn Tết Trên Núi Cao
 
Đã ba năm qua, từ ngày cưới Dung, Thanh mới có dịp ăn Tết ở nhà. Năm nay, Thanh có mặt ngồi gói bánh chưng với gia đình. Dung bồng con nhìn mọi người quay quần bên chồng nàng, mà cảm thấy hạnh phúc vô ngần. Ông bà cụ nhạc thì hớn hở nhìn Thanh trong bộ đồ trận ngồi bệt dưới đất lau lá cho mọi người gói bánh. Cụ ông nói với bác Cả:
- Năm nay chắc chúng tôi sẽ có được một cái Tết lớn - Cháu Thanh được phép ở nhà ăn Tết với gia đình. Thêm vào đó, cô Sáu  mua được  mấy chục ký nếp ngự. Bánh chưng mà gói với nếp ngự, ăn một miếng thơm phức  nhớ đời.
 
 Bác Cả nhìn Thanh và nói:
- Ở nhà ăn Tết thì ta đóng bộ vào chứ ai mà cứ ôm cái bộ đồ lính đó mãi vậy cậu Thanh?
Thanh cười chưa kịp đáp lời thì Dung đỡ lời:
- Ảnh được ở nhà nhưng vẫn phải ứng trực. Có lệnh là chạy liền.
Bác Cả thắc mắc:
- Như vậy thì đâu phải ở nhà ăn Tết đâu!
 Ông nhạc nói:
-Có một tý còn hơn không! Mấy năm trước cháu đi trước Tết cả tháng và Tết vẫn nằm lại căn cứ hành quân, chúng tôi phải gửi bánh chưng ra chiến trường cho cháu.
- Ừ thế thì cũng tốt, cậu ấy được quà Tết thì anh em binh sĩ cũng được nhờ.
Dung và bà nhạc, mỗi người châm thêm một câu tả oán:
- Thảm  lắm, nhiều khi bánh chưng vớt ra chưa nguội đã phải gửi cho chú tài xế của nó đưa ra phi trường cho kịp chuyến tiếp tế.
- Gửi ba lần thì hai lần bánh chưng lên mốc đành phải bỏ!
- Tại sao cậu ấy không ăn ngay mà để cho hư, uổng công của chú dì gói ghém vậy?
- Đơn vị của cháu cũng phải vào rừng nằm chứ có được ở căn cứ đâu! Ở rừng cả tháng ra thì bánh hư cũng có gì là lạ đâu? Biết vậy mà chúng tôi cũng phải gửi. Ăn không được thì cháu nó cũng thấy vui trong lòng vì biết cha mẹ và vợ con lúc nào cũng nghĩ tới.
 
 Trong lúc các cụ nói chuyện qua lại với nhau, Thanh ngồi yên lặng để tận hưởng những giây phút ấm cúng của gia đình. Vì Thanh biết rằng, chưa qua giao thừa thì Thanh chưa thực sự được ăn Tết với gia đình. Đến khoảng năm giờ chiều thì bánh chưng đã gói xong. Thanh giúp  đem bánh ra chất vào thùng phuy, rồi kín nước ở giếng lên châm vào thùng cho bánh uống nước. Xong việc, Thanh nhờ chị giúp việc đem củi đến chất bên cạnh bếp chờ giờ nổi lửa.
 
 Trong lúc chờ đợi Thanh đi vào nhà chơi với con. Thằng cu đã thôi nôi nhưng vẫn không chịu theo bố. Nó khóc thét lên mỗi khi Thanh đưa tay bồng nó. Thanh biết thời gian bố con ở bên nhau quá  ít cho nên nó không theo bố một cách dễ dàng. Dụ mãi vẫn không được và không muốn nó khóc, Thanh đến bàn mà chược, ngồi xem các cụ đánh.
 
 Bác Cả hỏi:
- Mới bắt đầu hội, cậu có muốn vào gió Trung không?
Thanh chấp nhận ngay:
- Dạ!
 Ngồi đánh được hai hội bài, thì có tiếng xe Jeep đỗ ở ngoài cổng, Thanh đứng dậy chạy ra xem. Phấn, anh tài xế của Thanh nói:
- Trung úy à! Có lệnh lên đường ngay tức khắc.
Thanh chẳng hỏi một câu nào chỉ nói:
- Chú chờ tôi mươi phút, vào nhà uống chén nước cho ấm bụng .
- Cám ơn Trung úy, em không khát, em chờ ở đây cũng được.
 Thanh chạy vào nhà, chỉ kịp nói với các cụ:
- Xin lỗi hai bác và bố mẹ, con có lệnh phải lên đường ngay!
Các cụ ngỡ ngàng, bối rối nhìn nhau. Dung đã quen sống với cảnh nầy cho nên đã xách túi ba lô và túi đựng quân trang ra giùm Thanh. Nàng đi pha cà phê trong lúc Thanh mang giày, giây ba chạc và nón sắt .
Dung đưa ly cà phê cho chồng và nói trong nghẹn ngào:
- Rốt cuộc thì em và con lại ăn một cái Tết không có anh!
- Anh xin lỗi em, anh chẳng thể làm khác được!
- Tại sao anh lại xin lỗi em? Làm trai thời loạn thì ai cũng vậy thôi. Anh đâu có thể cãi lại số mệnh!
 
 Dung cúi đầu nhìn xuống chân, đứng lặng một lúc mới tiếp:
- Trong xắc ma-ren có mì gói, thịt chà bông đủ cho anh ăn một tuần. Em cũng bỏ vào đó 1 chai Martell và hai tút thuốc nếu có dịp thì vui Tết với anh em. Em sẽ gửi thêm khi có chuyến tiếp tế. Mùa nầy lạnh, anh ráng mặc thêm áo len cho ấm đừng để ho thì khổ. Đã ba cái Tết không có anh, tưởng lần này...
Dung lấy khăn lau nước mắt rồi tiếp:
- Tưởng lần này có anh ở nhà. Thôi anh đi đi, kẻo trễ. Em sẽ gửi bánh chưng lên sau cho anh.
 
 Tuy nói vậy nhưng Dung vẫn ôm chặt lấy Thanh, ráng níu lấy những phút giây gần gũi. Tình cảm của người vợ trẻ và anh chiến binh thường xuyên xa nhà cũng như nước thủy triều, dào dạt không cùng. Chồng lại phải ra đi. Dung gục đầu vào vai chồng che giấu dòng lệ tủi.
- Cẩn thận nghe anh....
 
Thanh xót xa trong lòng. Cái chí hùng của người trai nơi trận địa đã biến mất trong hoàn cảnh nầy. Dung ngước nhìn Thanh, đôi mắt bồ câu long lanh ướt chứa đựng vạn lời yêu và tình tứ của thời mới quen  làm Thanh bồi hồi. Thanh đặt một nụ hôn trên đôi mắt đẫm lệ của Dung rồi kéo sát nàng vào lòng. Hương  tóc mây làm Thanh ngất ngây. Thanh lại âu yếm đặt thêm một chiếc hôn lên mái tóc vợ. Nàng sung sướng gục đầu vào vai chồng.
Thanh an ủi nàng:
- Thôi đừng khóc nữa, không chừng mai anh về.
 
 Dung giật nẩy mình, buông tay khỏi vai Thanh khi nghe chồng hứa mai về. Không muốn Thanh hứa trở về trong thời gian quá ngắn ngủi - một điều tối kỵ trong đời người lính đi hành quân. Dung lấy một ngón tay đè trên môi chồng khóc òa nói:
- Không! Em chỉ muốn anh bình an trở về với em như mọi khi.
-  Anh hứa, chắc chắn sẽ về với em như mọi khi!
Dung vẫn nghẹn ngào:
- Anh....
 
Nàng ôm chồng siết chặt. Thanh ôm lấy hai mẹ con.  Phía bên trong nhà có những tiếng thở dài...
Thấy không thể mãi bịn rịn như thế được, Thanh nói:
- Anh phải đi rồi! Anh vào trại để sắp đặt công việc trước khi lên đường.
Thanh hôn vợ rồi đưa tay bồng con. Thằng bé quay mặt đi. Dung chuyền con qua cho Thanh và dỗ con:
- Để bố bồng con một chút, con ngoan .
 Thằng bé vẫn còn mếu máo, nhìn bố rồi nhìn mẹ. Thanh chào mọi người rồi ra xe.  Các cụ đang vui vẻ bây giờ, ngồi yên lặng, ông bà nhạc cũng mắt rưng rưng. Bác Cả đứng dậy bắt tay Thanh:
- Thôi chúc cậu đi bình yên! Các bác sẽ cầu nguyện cho cậu và anh em.
Bác Cả nói với ông bà nhạc của Thanh:
- Sao không nghe nói cậu ấy đi hành quân ở đâu?
- Cháu Thanh không bao giờ cho biết chuyện ấy. Riết rồi chúng tôi cũng quen, chẳng bao giờ thắc mắc cháu đi đâu và chừng  nào về!
 
*
Khi vào tới trại Hoàng Diệu, Thanh lên ngay Ban 3 tiểu đoàn để nhận lệnh. Địa điểm hành quân kỳ nầy là mật khu Đồng Bò. Theo tin tức tình báo của quân đoàn II thì có một sư đoàn Việt Cộng đang chuyển quân về mật khu Đồng Bò chuẩn bị đánh Cam Ranh. Đại đội của Thanh lãnh trách nhiệm nằm án ngữ tại mặt Bắc của Cây Số 6. Đại đội 1 vào chặn tại phía Nam mật khu Đồng Lác. Thế là ngay chiều hôm ba mươi Tết, Delta nhảy thẳng vào mật khu Đồng Bò, còn 2 đại đội có trách nhiệm đóng chốt lên đường bằng đường bộ. Đoàn quân xa chở đại đội của Thanh đổ quân trước một vườn xoài, còn đại đội 1 đi về hướng Ba Ngòi để vào Đồng Lác.
 
Qua khỏi vườn xoài là vườn chuối, dẫn đến bìa rừng của địa điểm đóng chốt. Nhìn lên đỉnh núi cao chót vót, Thanh thấy ớn da gà. Giờ nầy mà phải bắt anh em leo lên đỉnh núi thì thật là một điều tai ác. Nhưng hơn một trăm mạng sống đang ở trong tay Thanh. Anh muốn tất cả được bình an trở về  ăn Tết Quang Trung. Thanh cho vời các Trung đội trưởng lại để nhận lệnh. Chuẩn úy Anh người có tuổi cao nhất trong hàng trung đội trưởng phân bua:
- Trung úy nghĩ xem giờ nầy đã ba giờ chiều mà ông bắt anh em lên tới hột lạc để đóng quân thì kể cũng oải thiệt. Bên kia đã đưa lệnh ngừng bắn trong đêm giao thừa thì tại sao ông phải phí sức anh em làm chi?
- Tôi đồng ý với anh, nhưng đó là nguyên tắc bố phòng để bảo vệ sinh mạng của anh em. Tôi luôn luôn theo nguyên tắc đó, là đóng quân trên điểm cao. Mệt nhưng chắc ăn. Thứ đến ta phải có cái nhìn tổng quát để bảo vệ Cam Ranh. Chuẩn úy và anh em về trung đội cho zulu(5) ngay tức khắc.
Đại đội hì hà hì hục mãi đến hơn 6 giờ chiều mới lên được tới đỉnh 1500 thì người nào người nấy mệt phờ râu. Nhiều anh em lăn  quay ra ngủ một cách dễ dàng. Riêng Thanh theo thói quen của người chỉ huy đi rảo xung quanh. Đỉnh nầy thoai thoải như một con đường chạy dài theo hướng Đông Nam. Rừng rậm cây cao. Giây leo có nho rừng và mây. Giây nho rừng to gần bằng cổ tay. Riêng thân giây mây thì bằng hai ngón tay cái! Con đường nầy trống trải và được giây rừng đan kết vào nhau như mái nhà dài che kín. Máy bay không thể nhìn thấy sinh hoạt ở dưới nầy được. Đúng là một con đường độc đạo chiến lược. Có lẽ con đường nầy ăn thông tới đỉnh 3289 phía Suối Dầu và ra tới biển khơi. Thanh trầm ngâm một chút rồi đi về hướng tây. Cách xa chỗ đóng quân chừng hơn hai mươi thước có một trạm gác của trung đội 1. Khoa gác phiên đầu. Thanh tiến lại gần Khoa để xem xét địa thế. Khoa nói nhỏ với Thanh:
- Ông ơi, sao chỗ nầy giống như đường giao liên của tụi nó  vậy cà?
- Cẩn thận nghe em, coi chừng chết cả đám. Chắc chắn đây là đường mòn chuyển quân của tụi nó đó. Đứng núp vào chỗ kín. Nhớ nhắc cho những người gác kế tiếp biết để mà đề phòng.
 
Ngay lúc đó Bửu Miên trung đội trưởng bước ra nói:
- Anh khỏi lo, em đã dặn tụi nó rồi. Vừa  bước chân lên đến đây em đã thấy lạnh mình vì con đường nầy. Nếu đúng như tin tức tình báo của Quân Đoàn, tối nay mình sẽ đụng không chừng. Mình sẽ chơi lút cán.
 
 Nói xong Miên và Thanh theo đường mòn qua hướng đông. Trung đội 3 cũng đặt trạm canh trên đường mòn.
 
Thanh gọi họp gấp bốn trung đội trưởng:
-Điểm chúng ta đang nằm ở đây chắc là trục lộ chuyển quân của chúng. Anh em phải thận trọng trong việc gác gỏng. Tôi yêu cầu  dời trạm gác ra xa hơn.
 
 Xong việc gác gỏng và bàn kế hoạch điều động khi chạm địch, năm anh em ngồi lại tán gẫu.
Chuẩn úy Anh lấy thuốc ra hút. Dù là trời chưa tối nhưng Anh cũng kỹ lưỡng bật lửa và châm thuốc trong áo jacket, xong Anh chuyền thuốc cho mọi người nối lửa. Miên với giọng trầm ấm nói:
- Còn mấy giờ nữa là đến giờ giao thừa! Năm nay cũng chẳng ngoại lệ, chúng ta ăn Tết trong rừng sâu! Giá mà mình ở hậu cứ thì mấy anh em chúng mình cưa chai Martell của anh Thanh thì đã ơi là đã!
 Nói xong Miên mở bao bi-đông lấy nước ra đưa lên trước mặt mọi người tiếp:
- "Tại hạ" lấy nước thế rượu mời các "huynh đài" một bình gọi là lễ "tống cựu nghinh tân".
Mọi người nhìn nhau im lặng. Ở môi trường khác chắc chắn mọi người đã ré lên cười. Trung sĩ nhất Sáng, nằm gần bên ngồi bật dậy mở bi-đông cầm lên nói nhỏ:
- Khoan! Mấy ông thầy chờ tôi với!
Sáng đưa bi-đông ra trước mọi người tiếp:
- Thôi mấy ông cất đi, xài chung bi-đông của tôi, tôi mang theo tới ba bình nước lận.
Võ Bình, cầm lấy bình nước của Trung sĩ Sáng nói:
- Tại sao mình lại khước từ hảo ý của anh Sáng.
Chẳng cần chờ cho mọi người đồng ý, tưởng rằng nước thật Võ Bình đưa bi đông lên uống. Cũng may Võ Bình chỉ tính uống cầm chừng cho nên không bị sặc vì rượu.
- Trời ơi, ba xi đế!
- Đúng ba xi đế, mấy ông uống một tý cho ấm bụng. Sương bắt đầu xuống rồi. Chút nữa đây trời sẽ lạnh như cắt, một chút đế sẽ làm cho đời thêm hương trong đêm trừ tịch trên núi cao!
 
 Thế là mọi người chụm đầu vào nhau nói chuyện Tết nhất. Miên là người mau mắn cho nên đã nói lên hoàn cảnh của mình:
- Các anh có biết rằng phía nam của núi nầy không bao xa có một người con gái đang chờ tôi để bàn chuyện cưới hỏi. Mai mốt sẽ nhờ anh Thanh  đóng vai huynh trưởng  của tôi đứng ra hỏi vợ cho tôi. Thế mà hôm nay lại phải cấp tốc lên đường. Đây là lần thứ hai tôi lỗi hẹn với nàng.
 Ông Sáng hỏi ngay:
- Trung úy, nị là anh của ông Miên sao?
Miên trả lời thay cho Thanh:
- Thì tôi đã nói là ông Thanh đóng vai anh tôi. Đóng vai có nghĩa là không phải anh thiệt!
- Tại sao nị không bảo cha mẹ nị đi hỏi vợ cho nị.
- Bảo không được, cha mẹ tôi mất hết rồi!
- Thì còn chú bác cô, dì thiếu gì?
- Họ ở xa quá, không thể nhờ được!
 Sáng quay qua Thanh trách móc:
- Ông thầy cũng ác thiệt, cho chuẩn úy ổng ở nhà thì có chết thằng Thượng nào đâu?
- Tại ổng muốn đi chứ có ai ép đâu!
Miên buồn buồn đỡ lời Thanh:
- Chuyện nầy là tại tôi. Tôi không nỡ bỏ anh em trong ba ngày Tết.
Mọi người thay nhau kể chuyện của mình. Xong mỗi câu chuyện họ lại chuyền bi-đông cho nhau nhắp một tý đế. Chẳng có chuyện nào vui cả. Thanh nói:
-Tết nhất mà cứ đem chuyện buồn ra kể nghe sao mà nó buồn quá!
Hóa biện minh:
- Ông nghĩ giờ phút linh thiêng nầy người ta ở nhà lo đón ông bà, chuẩn bị Tết, còn chúng mình lết lên đây để đấu láo thì kể chuyện vui làm sao được. Không khí có vui thì mới kể chuyện cười. Còn giờ phút này thì vui gì nổi.
 
Lời của Hóa có ít nhiều cay đắng. Mà cũng đúng. Làm sao vui được trong hoàn cảnh nầy. Mọi người ngồi rỉ rả với nhau cho đến quá giao thừa mới trở về võng của mình. Đêm đó mọi sự đều êm thắm trôi qua.
 
Sáng Mồng Một Tết Thanh được lệnh đóng quân tại chỗ làm nút chặn tiếp viện cho mật khu Đồng Bò vì Delta đã đụng nặng  với quân chính quy Bắc Việt. Quân đoàn II và Hoa Kỳ đã cho đổ quân vào chiến trường.
 
Thanh báo cho các trung đội biết lệnh mới và nhắc nhở:
- Chúng ta chắc phải còn ở lại đây lâu, nhớ đừng phí phạm nước. Hết nước, ta chặt nho rừng mà lấy. Vì an ninh cho cá nhân tuyệt đối cấm anh em đổ núi xuống làng.
 
Mồng bốn Tết đại đội của Thanh mới được triệt xuất sau khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Đồng Minh đã bình định xong mục tiêu. Trong bốn ngày đó, ngoài trung đội phải đi nằm tiền đồn, anh em còn lại ăn Tết với nhau như đang ở tại căn cứ hành quân vậy. Vi lúc ra quân là lúc cận Tết cho nên nhiều anh em đã chịu khó mang theo bánh chưng bánh tét. Rượu đế thì không thiếu. Trung đội nào cũng có dăm bảy bi-đông.
 
Không khí có vẻ yên bình với tiếng chim kêu vượn hú xa xa. Võ Bình hát pha trò cho mọi người vui. Mấy chiến binh Người Nùng đem bài Cẩu ra đánh. Mấy anh em khác thì đánh xập xám. Thấy anh em vui, các trung đội trưởng không nói gì chỉ thường xuyên thay phiên nhau đi tuần. Những anh em không thích đánh bài thì đi đào gốc mây làm gậy đầu rồng. Thanh là một người trong số các nghệ sĩ   đầu rồng này.
 
Từ đỉnh núi cao nhìn xuống đồng bằng Cửu Lợi phì nhiêu với vườn cây ăn trái đang độ xuân. Cây đâm chồi nở hoa thật là đẹp. Bên trái, bán đảo Cam Ranh nhộn nhịp với máy bay của Mỹ lên xuống hàng loạt. Xa xa thị xã Cam Ranh nằm im lìm trong an bình. Người dân Cam Ranh đang tưng bừng đón Tết với cây nêu, pháo đỏ và bánh chưng xanh. Trên núi cao Thanh và anh em đón Tết với lá xanh và mây trắng, súng ngủ  trên vai, sẵn sàng đón chờ bất trắc để bảo vệ niềm vui của mọi người thưởng Xuân.
 
Hà Phương Hoài - Trầm Bay 9

 
 
 
Mở 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 Mc Lc
        vào tập PhụLục1 PhụLục2      
                           

Thư Mục 

Thơ

Đổi Thay  
Những Đoản Khúc
Tơ Vò
Hương Phai 
Thi Đàm /Thi Họa

Kịch Thơ 

Cô Hàng Nước  
Ngồi Đợi Bình Minh

Truyện Dài

Cơ Trời Vận Nước
Trầm Bay

Truyện Ngắn

Bước Hổng Chân Không
Ba Con Yến Nhỏ
Cây Cà Rem Đầu Đời

Sưu Tập

Ca Dao

Huy Chương VNCH

Huy hiệu QL/VNCH

Huy Hiệu QĐ Pháp/Đ-Dương

Tiền Tệ
Quân Sử VNCH

Điếu Tế 

Văn Tế
Điếu Văn
25 Năm Xây Dựng CĐ
Hot Links
Ha Huyen Chi
Gia Đình Võ Bị
All Links

Miếng Ngọt Quê Hương

Thực Vô Cầu Bão
Cá Kho
Món Xào

Send mail to haphuonghoai@gmail.com with questions or comments about this web site.
Copyright © 2003 Haphuonghoai
Last modified: 01/29/13